Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 07-04-2008, 08:44 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 35 phút 40 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
Đào Tấn với nghệ thuật múa tuồng - Nguyễn Thị Hiển

Đào Tấn, nhà văn hóa - nghệ sĩ Tuồng xuất sắc, đã có công đưa nghệ thuật hát bội lên đỉnh cao bằng sự cách tân trong phương pháp kết cấu kịch bản, trong sử dụng ngôn ngữ văn học, các làn điệu hát, cách diễn và dàn dựng tác phẩm Tuồng. Mặc dầu nghệ thuật Tuồng có những qui tắc nghiêm ngặt, Đào Tấn vẫn có những suy nghĩ hết sức táo bạo. Một mặt ông vẫn tiếp thu truyền thống, nhưng mặt khác ông vẫn luôn luôn nghiền ngẫm, tìm ra những cái bất hợp lý, những chỗ chưa hay để chỉnh lý, làm cho vở diễn hay hơn. Ông từng nói: "Có thể làm cho màu xanh rút ra từ màu chàm mà đẹp hơn màu chàm rất nhiều". Chính suy nghĩ đó đã đưa Đào Tấn đến những cách tân. Ông làm lễ đến tạ thầy Nguyễn Diêu để xin sửa một vài chi tiết chưa hợp lý trong vở tuồng Ngũ hổ bình Tây của thầy, chỉnh lý lại những hồi quan trọng trong các vở tuồng Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, xây dựng lại hình tượng Trương Phi nóng nẩy cương trực thành một Trương Phi đa dạng về tính cách. Và trong hàng loạt các sáng tác mới của mình, ông đã tạo được nhiều cảnh biểu hiện cuộc sống nội tâm, tâm trạng nhân vật bằng cách sử dụng ngôn ngữ của múa và âm nhạc.

Trong lĩnh vực múa, ông đã tiếp thu một cách chọn lọc vốn múa phong phú và các xử lý múa trong Tuồng của những lớp nghệ sĩ trước và phát triển lên với tính cách điệu cao, đồng thời mang vẻ đẹp hài hòa của nghệ thuật tạo hình. Các động tác, các bộ múa: cầu kỳ, khán, tọa, lót, lĩa, bê, xiên, lăn, đi ngựa, chèo thuyền v.v... được biến hóa về đường nét, về tuyến động tác một cách hài hòa nhằm khắc họa những tính cách đa dạng và cuộc sống nội tâm muôn hình muôn vẻ của con người. Không gian mênh mông, thời gian vô tận cũng được ông mô tả một cách tài tình bằng những động tác múa kết hợp với những làn điệu hát phong phú. Cách dàn dựng múa một cách mộc mạc trong các vai Tuồng của Đào Tấn rất gần gũi với những luận điểm về nghệ thuật sáng tác múa ngày nay.

Cùng một quan điểm với cụ Nguyễn Diêu, Đào Tấn xác định rõ vai trò quan trọng của múa trong vở diễn. Các ông cho rằng "gọi là Tuồng nhất định gồm 3 điểm quan trọng: ca, múa, diễn câu chuyện". Đào Tấn dạy kép hát diễn Tuồng nên lấy điệu bộ làm trọng. Nhưng điều quan trọng hơn là khi diễn, kép hát phải biết mỗi động tác diễn cái tình cái ý gì. Quan niệm này được quán triệt trong phương pháp dàn dựng của ông. Các cụ nghệ nhân kể lại rằng: khi Bát Phàn, nghệ sĩ Tuồng nổi tiếng thời đó, hát mấy câu Nam của vua Trụ trong Tuồng Trầm hương các:

Gió hương thổi lọt hoàng bào
Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng.

Tuy nghe giọng hát của Bát Phàn rất hay, nhưng Đào Tấn chưa hài lòng, ông yêu cầu diễn viên phải diễn tả bằng động tác và hát sao cho lột tả được cái thần của ý thơ và cái giá lạnh của tuyết, rồi ông bước lên sân khấu và tự diễn rất hay, rất chính xác. Bát Phàn kính phục quỳ xuống tạ thầy.

Có lần Bát Phàn diễn lớp Hoàng Phi Hổ với theo hồn Giả Thị, Đào Tấn chưa ưng ý. Ông yêu cầu diễn viên đóng Giả Thị hai tay giang thẳng lướt qua sân khấu bằng động tác bê khi gần đến cánh gà thì lao nghiêng vào bên trong. Với cách dàn dựng đó đạo diễn tạo được cảm giác như hồn ma bay lơ lửng, lúc ẩn lúc hiện và động tác của Hoàng Phi Hổ trong thời điểm đó cũng phải chao đảo ở góc độ nghiêng.

Đào Tấn không tán thành cách diễn của một số diễn viên, vì không nắm ý và lời của vở diễn nên thích diễn những động tác phức tạp chỉ để khoe tài. Ông nhận xét: “ví dụ như kẻ lên ngựa giơ roi thì vung cây roi kết bằng lông tơ trong tay quá nhiều, hay như hai tay nắm cây thương dài trước ngựa lúc đánh nhau thì múa quá nhiều… Đó không phải là kép hát lão luyện". Như chúng ta đều biết trong một tác phẩm kịch dân tộc, nghệ thuật múa không tồn tại độc lập mà là một trong những yếu tố góp phần tạo dựng nên hình tượng nghệ thuật của vở diễn, vì vậy cần có một liều lượng hợp lý, nếu sa đà vào những miếng, những chi tiết vụn vặt, rườm rà sẽ ảnh hưởng đến nội dung và kết cấu của toàn vở diễn. Phản đối cái rườm rà, cái trống rỗng trong những tác phẩm Tuồng, Đào Tấn đề cao cái đẹp trong nghệ thuật: "Ôi! đã diễn Tuồng thì phải chọn hát hay múa đẹp, chú trọng đầy đủ phần thanh, phần sắc"… Theo quan niệm của ông, cái đẹp của múa chính là nằm trong động tác "giản dị và tinh vi vậy".

Với sự trân trọng nghệ thuật và tôn trọng khán giả, Đào Tấn thường nghiêm khắc dạy diễn viên phải điêu luyện trong động tác để không làm mất đi cái hứng thú của người xem trước những động tác ngờ nghệch của mình, không thể đóng vai Quan Công mà không biết múa thanh long đao thành thục. Ông kể "có người kép hát giọng hát và mặt mày rất đáng đóng vai Tiết Cương, nhưng lúc đóng vai Tiết Cương múa cây độc phủ không hợp ý tôi, tôi bảo y tạm dừng việc học nghề hát về quê học võ nghệ ba bốn tháng rồi mới cho trở lại học hát Tuồng". Để đạt được sự điêu luyện trong thể hiện động tác múa cho kép hát, Đào Tấn làm sân tập múa ở Học bộ đình tại Nghệ An và nhiều tỉnh khác và ông hoàn toàn có lý khi dạy học trò "nên biết võ nghệ". Nghiên cứu dòng võ Tây Sơn ở quê hương Đào Tấn, ta thấy võ là một sinh hoạt cổ truyền của tổ tiên truyền lại. Với tinh thần cao thượng, trung thực, với những miếng hay, thế đẹp, người dân Nghĩa Bình không gọi là đấu võ, đánh võ mà thường gọi là múa võ. Bài Thiệu vang lên như một bài thơ có nhịp phách và tiết tấu khác nhau hòa nhịp trong những động tác võ nhặt khoan tạo nên niềm hứng khởi và làm dậy lên không khí hào hùng của mảnh đất anh hùng. Những đặc điểm của múa võ giúp cho người diễn viễn Tuồng cách vận động cơ thể uyển chuyển, linh hoạt, lúc nhanh, lúc chậm, lúc cứng, lúc mềm tạo nên những dáng dấp, những tư thế, những tạo hình đẹp… Múa võ còn giúp diễn viên nâng cao kỹ thuật trong các động tác nhảy, lăn, thăng bằng, trụ vững ổn định trên một chân mà múa Tuồng thường hay sử dụng.

Một vấn đề quan trọng trong nghệ thuật sáng tác múa là mối quan hệ hữu cơ giữa múa, âm nhạc và ý đồ kịch bản cũng được Đào Tấn đặt ra một cách nghiêm túc. Theo ông "điệu bộ phải ăn khớp với điệu hát và các loại nhạc như tiếng trống, tiếng sinh, phách. Điệu bộ miêu tả được cái ý diễn của kép hát".

Những quan điểm mang tính cách tân đúng đắn của Đào Tấn đã được thể hiện, chứng minh trong chính những tác phẩm của ông. Sự sáng tạo về ngôn ngữ múa, về động tác của Đào Tấn vừa táo bạo vừa độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao được thể hiện trong lớp Tuồng Lan Anh đẻ trong rừng (Vở Hộ sanh đàn). Với sự quan sát tinh tế cuộc sống và khả năng khái quát nghệ thuật tài tình, ông đã xây dựng được những động tác diễn tả tâm trạng bối rối của Lan Anh trong cơn đau đẻ ngặt nghẽo giữa rừng sâu hiểm trở và những động tác đỡ đẻ của cô gái hầu Hồ Nô vừa dí dỏm, đầy sức sống vừa mang tính cách điệu cao. Quá trình sinh nở của đàn bà, một sự kiện tưởng chừng như không thể thích hợp với chức năng của nghệ thuật Tuồng đã được Đào Tấn xử lý một cách nên thơ và gây xúc động sâu sắc cho người xem.

Đào Tấn còn xử lý những động tác, những bộ múa một cách tinh tế trong các lớp Tuồng biểu hiện nội tâm và tính cách của các nhân vật. Các bộ múa: lĩa, vuốt râu, bê và động tác thoa bụng… được xử lý sáng tạo để khắc họa tính cách nóng nảy như lửa của Trương Phi trong những cơn thịnh nộ và cả những lúc đau đớn, hoặc khắc họa một Quan Công điềm đạm, oai phong lẫm liệt…

Trong cảnh chia tay cảm động giữa mẹ con Đổng Kim Lân (Tuồng Sơn Hậu), những động tác múa bê mũi, xiên hoà trong tiếng hát dồn nén biểu hiện những mâu thuẫn nội tâm của người mẹ thương con dứt ruột, nhưng vì nghĩa lớn phải nén lòng mình để con thanh thản lên đường cứu chúa.

Bằng những làn điệu hát và những động tác múa mang sức biểu hiện, tác giả đã diễn tả một cách sâu sắc tâm trạng rối bời của Đổng Kim Lân;

...Kiếm thũ phi, kiếm chẳng thấy tin

...Thương tử hoàng còn nhỏ

Khát sữa lại đói cơm...

Còn Kim Lân bế hài nhi trong tay, một mình một ngựa giữa đêm trường mịt mùng trong vòng vây của họ Tạ.

ở vở Tuồng Hoàng Phi Hổ qúa Giới Bài quan, múa lại đóng vai trò quan trọng trong việc diễn tả tâm trạng bồn chồn lo lắng của Hoàng Phi Hổ trong giờ phút đợi chờ người vợ:

Từ phu nhân gác tía

Vào khánh đản cung trung

Trời đã xế vừng hồng

Sao chưa về phủ tía...

Đào Tấn đã sử dụng những động tác khản, lìa và động tác nhón mũi chân, các mô típ động tác này được lấy đi lấy lại nhằm biểu hiện tâm trạng khắc khoải của Hoàng Phi Hổ. Khi biết vợ bị tên vua Trụ dâm đãng làm nhục buộc phải tự vẫn, Hoàng Phi Hổ trong động tác bê gối, lĩa loạng choạng cùng với những lời than não nề diễn đạt sự giằng xé tâm can giữa nỗi đau đớn cùng cực trước cái chết của người vợ yêu quý và lòng trung quân của một vị tướng trong triều.

Nghệ sĩ Tuồng tài năng Đào Tấn và những người kế tục sự nghiệp của ông đã để lại cho chúng ta hàng loạt vở Tuồng đặc sắc như Hộ sanh đàn, Trầm hương các, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan và nhiều vở khác. Nhiều lớp Tuồng trong các tác phẩm đó là mẫu mực của sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố múa, hát và nghệ thuật diễn Tuồng. Trong những tác phẩm này, múa Tuồng đã đạt đến những lớp múa hành động hoàn chỉnh, góp phần khắc họa được những hình tượng nghệ thuật rực rỡ khó có thể phai mờ trong ký ức người xem của nhiều thế hệ.

Với những đóng góp lớn lao về nhiều phương diện, Đào Tấn không những đã đưa nền nghệ thuật Tuồng lên đỉnh cao mà còn góp phần đáng kể trong việc đưa nền nghệ thuật múa dân tộc lên một bước phát triển mới.

N.T.H



_______________________

Tài liệu tham khảo

- Vũ Ngọc Liễn, Bùi Lợi, Mạc Côn, Ngô Quang Hiền, Thu mục tư liệu về Đào Tấn, Nxb ủy ban khoa học và kỹ thuật, Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình, Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình, 1985.

- Hoàng Châu Ký, Tuồng cổ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1978.

- Hoàng Chương, Mấy vấn đề về Sân khấu truyền thống, Nxb Viện Sân khấu, Hà Nội, 1986.

- Lê Thi, Đỗ Hóa, Kim Dũng, Miền đất võ, Nxb Sở Thể dục thể thao, Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình, 1987.

- Đào Tấn, Hý trường tùy bút, Nxb Văn hóa thông tin Nghĩa Bình, 1981.



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
múa tuồng, , vở múa tuồng

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™