Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 07-04-2008, 08:58 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 35 phút 40 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
Geisha - Nét Huyền Bí Của Văn Hóa Nhật Bản

Tiếng vang của tiểu thuyết nổi tiếng Memoirs of a Geisha (Hồi ức về một Geisha) của nhà văn Arthur Golden (1997), và gần đây nhất là bộ phim được chuyển thể cùng tên do đạo diễn đoạt giải Oscar, Rob Marshall (Chicago) các nhà sản xuất Lucy Fisher, Douglas Wick và Steven Spielberg đã mang đến cho khán giả thế giới một thiên sử ca lãng mạn về một thế giới huyền bí và xa lạ của các Geisha. Xung quanh cuộc sống của một Geisha có bao điều thế giới muốn tìm hiểu, khám phá để từ đó hiểu hơn về văn hóa Nhật Bản tràn đầy bí hiểm và giàu truyền thống. Vậy Geisha là ai, kỹ nữ hay người làm nghề cao quý?

Geisha, theo tiếng Nhật, có nghĩa là nghệ sĩ, gei là thuộc về nghệ thuật và sha là người, từ ghép geisha có nghĩa là người của nghệ thuật. Thực tế, Geisha là người phụ nữ có nghiệp vụ trong việc tiếp đãi, tiêu khiển khách hàng với nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau tại các nhà chè gọi là Ochaya. Họ được đào tạo nhiều kĩ năng truyền thống như múa cổ điển (nihon buyoh), hát, sử dụng các nhạc cụ Shamisen, cắm hoa (ikebana), thêu kimono, trà đạo (sadoh), thư pháp (shodoh), thơ ca, giao tiếp, phong cách hầu rượu và nhiều kĩ năng khác. Các kĩ năng này sẽ được tiếp tục học hỏi và hoàn thiện trong suốt cuộc đời của Geisha. Và một Geisha được đánh giá thành công trong nghề nghiệp phải thể hiện được vẻ đẹp, sự duyên dáng, tài năng nghệ sĩ, sức quyến rũ, nghi thức xã giao hoàn hảo, và sự tao nhã.



Lịch sử Geisha

Vào đầu thế kỷ XI, hai người phụ nữ nguồn gốc quý tộc đã sáng tạo ra điệu múa mới nhằm giải trí cho tầng lớp chiến binh. Để thể hiện triều phục của các chiến binh, họ đã mang trang phục trắng, đội mũ cao, và giắt gươm ở thắt lưng. Điệu múa rất được ưa chuộng, và theo thời gian, trang phục chuyển dần sang mũ đen và váy đỏ, sau đó cả mũ và gươm cũng không dùng đến nữa. Nhiều người tin rằng những người phụ nữ này là bậc tiền bối của Geisha, tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng Geisha ban đầu là người đàn ông và được gọi là “thế giới nước”. Thế giới này bao gồm cả gái làm tiền, người làm nghề tiêu khiển và ông bầu. Cuối cùng, đã có sự thay đổi lớn và tất cả Geisha nam đã chuyển nghề cho các Geisha nữ. Sau khi Geisha trở nên phổ biến, họ bắt đầu công việc tiêu khiển khách trong các nhà chè và định nghĩa về nghề Geisha trong văn hóa Nhật Bản đã thật sự được hình thành. Vào năm 1779, các nhà chức trách đã tỏ thái độ không ủng hộ Geisha, bởi lẽ họ không trả thuế thu nhập, và đã quyết định ban hành một loạt nguyên tắc, luật lệ được duy trì cho đến ngày nay.

Hóa trang và phục trang của Geisha

Phong cách hóa trang truyền thống của Geisha có lẽ là một nét chung nhất có liên quan đến văn hóa bởi sự tương phản mạnh mẽ với trang điểm hiện đại. Geisha và những phụ nữ Nhật Bản khác ban đầu thường nhuộm lông mày màu vàng. Vào đầu thế kỷ XVI, Geisha bắt đầu sử dụng phấn nền trắng làm từ bột gạo và sau đó thay bằng kem trắng, son đỏ thẫm, làm từ cánh hoa rum, chỉ tô vào phần giữa môi để nhấn mạnh sự tao nhã, nữ tính và mang lại hiệu quả thu gọn môi. Geisha và các diễn viên khác vẫn thường nhuộm răng đen bằng một hỗn hợp sắt gỉ nhúng với dung dịch axit, và quá trình này lại phải lặp lại sau vài ngày. Phong tục này đã kết thúc vào thời kỳ chế độ quân chủ Meiji. Kiểu hóa trang này sau đó đã được các cô gái điếm hạng sang và các nghệ sĩ Kabuki sử dụng trên sân khấu.

Kiểu tóc của Geisha đã thay đổi nhiều trong tiến trình lịch sử. Trước đó, phụ nữ Nhật Bản thường để tóc xõa, nhưng sau đó lại vấn cao lên, rồi trở lại thời kỳ rẽ tóc ngôi giữa và buông xuôi xuống. Vào thế kỷ XVII, họ lại vấn cao tóc lên, và kiểu tóc truyền thống Shimada đã xuất hiện với tóc được vấn gọn ra đằng sau. Có 4 kiểu tóc Shimada chính: Taka Shimada (tóc búi cao), thường dành cho phụ nữ trẻ, chưa có gia đình; Tsubushi shimada (búi tóc dẹt hơn), dành cho phụ nữ có tuổi; Uiwata shimada, búi tóc được bọc bằng một loại trang sức vải cotton màu; và kiểu thứ tư giống như hình trái đào chia đôi dành cho Maiko. Những kiểu tóc này được trang trí với những chiếc lược và kẹp tóc cầu kỳ và thường là biểu trưng cho vị thế của Geisha. Vào thế kỷ XVII và sau thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ Meiji, những chiếc lược cài đầu lớn và dễ nhận thấy được trang trí công phu hơn ở những người phụ nữ tầng lớp cao. Vào thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ Meiji và vào kỷ nguyên hiện đại, những chiếc lược cài đầu nhỏ hơn và khó nhận thấy hơn được dùng phổ biến.

Trang phục của Geisha cũng là một nét văn hóa rất khu biệt. Vào kỷ nguyên ban đầu của Geisha, phần lớn các ông bầu là các tướng quân, và có lẽ vì lý do này, trang phục của các Geisha cũng thường rất giống các chiến binh: chiếc mũ rộng và những thanh kiếm được trang trí. Khi văn hóa đô thị hưng thịnh, trang phục của Geisha trở nên nữ tính hơn, họ bắt đầu mặc kimono truyền thống. Màu sắc, kiểu mẫu và phong cách kimono phụ thuộc vào mùa, nhưng nhìn chung, kimono vẫn thường được trang phục theo ba lớp (1 lớp ngoài và 2 lớp trong). Vào mùa đông, có thể chiêm ngưỡng Geisha trong chiếc áo choàng dài bằng lụa, thêu tay, khoác bên ngoài chiếc kimono truyền thống. Vào mùa xuân, đai eo trở nên rất cần thiết, vì thế thường đắt hơn cả kimono và được trang trí rất tỉ mỉ. Kimono mùa xuân cũng có lớp đệm màu đỏ thẫm. Khi mùa hè đến, lớp vải lót được bỏ đi, kimono thường có màu sáng đặc thù và các họa tiết khác nhau. Đến mùa thu, tấm lót đỏ có thể được tái sử dụng với những màu sắc và họa tiết mới. Geisha đi xăng đan đế thấp khi ra ngoài và chân trần khi ở nhà. Vào những ngày không đẹp trời, họ đi những đôi guốc gỗ cao gắn với chân giống như những xăng đan dây, còn khi luyện tập đi guốc sơn mài đen.

Màu đỏ có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Từ này được dùng như một thuật ngữ biểu lộ sự trừi mến với phụ nữ, đặc biệt các cô gái Geisha. Việc sử dụng màu đỏ trong trang phục và hóa trang mang ý nghĩa rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Màu đỏ biểu thị cho sắc đẹp và niềm hạnh phúc. Quần áo lót đỏ được cho rằng sẽ giúp người phụ nữ bớt đau đớn trong các kỳ kinh nguyệt, giúp các cơ quan sinh sản được khỏe mạnh hơn, và màu đỏ cũng là màu hấp dẫn, khêu gợi hơn với đàn ông. Vì ý nghĩa này, Geisha có truyền thống mặc tấm lót trong của kimono màu đỏ (tùy theo mùa), cũng như son môi đỏ tươi được làm từ hoa rum và sáp đỏ, chiết xuất từ những cánh hoa có màu đỏ thẫm.

Nghệ thuật và cuộc sống của Geisha

Tầm quan trọng của múa trong văn hóa Nhật Bản xuất phát từ những thông lệ tín ngưỡng cổ xưa. Thế kỷ XIX đã chứng kiến sự phát triển của rất nhiều điệu múa mà, ngày nay là những điệu múa phổ biến nhất, do các Geisha biểu diễn trong các bữa tiệc riêng cũng như trong các sự kiện chung của công chúng như các ngày lễ. Những điệu múa như Miyako Odori và những điệu múa Sakura (hoa anh đào, xuất phát từ sự tôn vinh giá trị văn hóa Nhật về hoa anh đào), đã nổi lên từ thế kỷ XIX. Shamishen là loại nhạc cụ ba dây, thân giống như sáo, được làm từ gỗ đỏ, được đánh bằng miếng gảy sừng hay gỗ cứng. Đàn Shamishen có nguồn gốc từ Trung Hoa, chính xác hơn là do triều đình Trung Hoa cho các công sứ phật giáo Nhật Bản.

Bằng tài nghệ, sự duyên dáng, sắc đẹp của mình, Geisha mang lại không ít niềm vui, sự tiêu khiển và lợi ích cho các khách hàng. Họ duy trì những mối quan hệ khác nhau với những nam khách hàng, tuy nhiên họ không phải là những cô gái làm tiền. Và đây là nét đặc sắc, bí hiểm và không kém phần hấp dẫn của nghề Geisha. Các Geisha có thể có người bảo trợ cho mình, người mà cô có quan hệ về tình cảm, kinh tế và tình ái, điều này tùy thuộc vào việc Geisha có muốn hay không. Họ cũng tiêu khiển tại các bữa tiệc doanh nghiệp lớn hay các buổi liên hoan với một khoản tiền thù lao đáng kể. Geisha làm vui lòng khách bằng những câu chuyện, những điệu múa Tachikata (điệu múa truyền thống Nhật Bản) hay Jikata (chủ yếu là hát hay đánh đàn). Điệu Tachikata phần lớn do các cô gái biểu diễn, còn Jikata thường do những người phụ nữ đứng tuổi thực hiện. Trong những bữa tiệc như thế này, Geisha không chuẩn bị thức ăn, cũng như không phục vụ thức ăn cho khách, họ thường chú ý nhiều hơn đến các vị khách quan trọng của bữa tiệc, và không bao giờ bàn luận, đàm tiếu bất cứ điều gì nghe được ra bên ngoài bữa tiệc.

Khi khách hàng muốn mời một Geisha hay Maiko đến buổi tiệc, cô phải hỏi ý kiến Okami (người phụ trách Ochaya), sau đó Okami thông báo cho văn phòng quản trị (Yakata) biết về lời đề nghị, và Yakata có trách nhiệm cử Geisha hay Maiko đến địa điểm như nhà hàng, khách sạn, quán trọ theo yêu cầu của khách hàng. Nếu khách hàng thuê phòng trong chính Ochaya, anh ta sẽ phải trả tiền cho Geisha, đồ ăn, và thuê phòng. Phí thuê Geisha được gọi là ohanadai. Ochaya là những chỗ rất có chọn lọc, nếu không được khách hàng quen giới thiệu, khách mới sẽ không được phép vào... Thông thường, phần chi phí cho dịch vụ được gửi đến cho khách hàng sau, nên việc có mối quan hệ với những khách hàng tin cậy là rất quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều nhà hàng và khách sạn nổi tiếng có mối quan hệ với Ochaya, nên khách hàng mới có thể mời Geisha thông qua họ.

Mối quan hệ giữa người đàn ông - vợ - Geisha

Từ Geisha ban đầu được dùng để miêu tả những nữ chiêu đãi viên của thế kỷ XVII, những người được đào tạo trong các lĩnh vực hát, chơi đàn Shamisen và múa. Nhiều thập kỷ trôi qua, việc đào tạo Geisha trở nên chính thống hơn và vị thế của Geisha cũng bắt đầu được nâng lên. Theo quan niệm xã hội phong kiến truyền thống Nhật Bản, nhiệm vụ chính của người vợ là ở nhà chăm sóc gia đình và không được tham gia vào công việc kinh doanh hay chính trị của chồng, nên họ không thể làm công việc tiêu khiển các cộng sự của chồng cũng như đảm nhiệm bất cứ chức năng tương tự nào. Vì lẽ đó, Geisha vô hình chung đã trở thành một phần không thể tách rời của việc tiêu khiển trong kinh doanh với vai trò người tiếp đón duyên dáng bên cạnh các đại gia tại các quán trọ, nhà hàng hay nhà chè.

Một số Geisha có mối quan hệ tình cảm với khách hàng, người trở thành người bảo trợ, đây là một phần của bức tranh nghề Geisha. Đến ngay gần đây, hầu hết các vụ hôn nhân tại Nhật Bản vẫn được sắp xếp giữa những gia đình “môn đăng hậu đối” với tham vọng chính là gìn giữ hàng, cấp, vị thế trong xã hội chứ không nhằm mục đích chăm lo đến hạnh phúc riêng của đôi lứa. Trong những hoàn cảnh này, người đàn ông Nhật giàu có thường có hai người đàn bà trong cuộc đời mình, vợ và người tình. Do đó, trong xã hội Nhật Bản, việc các mạnh thường quân về tài chính và quyền lực có quan hệ bất chính với Geisha được coi là lẽ thường tình. Còn đối với một cô gái xinh đẹp với hoàn cảnh gia đình éo le, không cho phép có hôn nhân thực sự, thì sự sắp đặt này cũng không kém phần hấp dẫn. Với địa vị này, cô có thể có cuộc sống tốt hơn và có quyền công bố chính thức ai là người bảo trợ cho mình.

Geisha không bị coi là mối đe dọa hôn nhân trong nền văn hóa Nhật Bản. Theo truyền thống, vợ và Geisha có những vai trò hoàn toàn tách biệt trong xã hội. Những người vợ thường biết ai là Geisha của chồng mình. Vào ngày hội Obon và Năm mới, Geisha thường tới thăm nhà của các khách hàng quan trọng và tặng quà cho các phu nhân của họ. Geisha nhân dịp này có thể biểu diễn múa, tiêu khiển cho các mệnh phụ phu nhân và các cô tiểu thư của khách hàng. Có lẽ Geisha được đón tiếp hầu như không có sự ghen tị là do vị thế của Geisha như một trợ thủ đắc lực của các bà vợ trong việc thương thuyết, tôn vinh người chồng của họ. Khi người vợ không thuyết phục được đức lang quân làm việc gì, đặc biệt có liên quan đến việc kinh doanh, họ có thể tìm đến Geisha đề nghị giúp đỡ. Geisha, ngoài việc đứng theo quan điểm người vợ, còn có thể đưa ra những lý lẽ, lời khuyên kinh doanh hợp lý vì họ ngoài khả năng đàm phán, thuyết phục khéo léo, còn được nghe chi tiết câu chuyện kinh doanh khi biểu diễn hay phục vụ các doanh nhân, nên cơ hội đạt được ý nguyện thường rất khả quan. Ngoài ra, Geisha còn có vai trò khuyến khích, giới thiệu, làm nổi bật tài năng của người đàn ông với các cộng tác hay khách hàng của anh ta, điều này rất có ý nghĩa bởi lẽ trong xã hội Nhật Bản không chấp nhận việc người đàn ông tự nói về tài năng của mình.

Thời xưa, Geisha có thể biểu diễn tại các đám cưới của con gái những khách hàng của mình. Điều này đến nay không còn phổ biến, nhưng Geisha vẫn hiện diện tại đám ma của các khách hàng quan trọng. Thông thường Geisha chịu trách nhiệm sắp xếp đám tang hay chuẩn bị những công việc sau khi người bảo trợ qua đời. Đây là sự trợ giúp đắc lực cho gia đình trong tang gia bối rối, và Geisha bao giờ cũng được hoan nghênh trong những dịp như thế này.

Để trở thành Geisha

Điều hấp dẫn người phụ nữ trong nghề nghiệp này, trên hết, là sự lựa chọn tỉnh táo và thận trọng được gắn bó cuộc đời mình với nghệ thuật. Thế giới của Geisha là nền tảng văn hóa cho phép người phụ nữ Nhật Bản không bị phụ thuộc vào người đàn ông, tự do tự tại về nhiều mặt, bởi lẽ họ không kết hôn. Có lẽ đây là nghề duy nhất ở Nhật Bản cho phép người phụ nữ xếp hạng cao hơn người đàn ông cùng nghề. Nghề Geisha cho phép người phụ nữ tiếp tục làm việc khi đã cao tuổi và giá trị cao về văn hóa trong việc bảo tồn nghệ thuật, văn hóa truyền thống đã mang đến cho người phụ nữ một giá trị cố hữu, sự kính trọng mà họ không thể có được bằng cách khác.

Để trở thành Geisha, các cô gái phải là con của một Geisha hay được Ochaya chấp thuận. Các cô gái nhỏ xinh đẹp, mồ côi hay xuất thân từ những gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, thường được những người thân bán cho Ochaya. Ochaya sẽ đầu tư một khoản tiền lớn để đào tạo những bé gái này và cho chúng trưng diện những bộ kimono sáng màu. Trong Ochaya, các Okamisan (“mẹ”, người phụ trách) chịu trách nhiệm dạy dỗ các cô gái. Chúng vừa làm các việc nhà khác nhau, vừa quan sát các Geisha biểu diễn. Khi đạt tới một trình độ nhất định, chúng sẽ trở thành Maiko (cô gái khoảng 15-20 tuổi), và là những tập sự của Geisha. Maiko sẽ hộ tống Geisha đi biểu diễn để học hỏi và làm quen dần với nghề nghiệp. Tuy nhiên Maiko có thể quyết định theo đuổi nghề Geisha hay từ bỏ để kết hôn, bởi lẽ kết hôn cũng đồng nghĩa với việc phải rời bỏ nghề nghiệp. Khi kết thúc giai đoạn học nghề, Maiko sẽ phải trải qua một bài kiểm tra để chính thức trở thành Geisha, và khi đạt, một nghi lễ nhập môn được gọi là erigae, có nghĩa thay cổ áo (cổ áo của Maiko chuyển từ màu đỏ sang trắng, và cũng có nghĩa là cô gái đã bước qua giai đoạn tuổi thành niên, một nghi lễ liên quan đến việc các cô gái mất đi sự trinh nguyên để đến một giai đoạn “cao hơn”) sẽ được tiến hành.

Geisha ngày nay

Ngày nay, tuy Geisha vẫn tồn tại trong văn hóa Nhật Bản, nhưng điều nhận thấy rõ rệt nhất là số lượng giảm sút đáng kể. Nếu như vào những năm 1920 số lượng Geisha là 80.000, thì ngày nay con số này đã giảm xuống rất nhiều, chỉ còn dưới 10.000 người. Có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ chủ yếu là do quá trình Tây phương hóa nền văn hóa Nhật Bản. Hơn nữa, quá trình đào tạo một Geisha rất lâu, tốn kém và nghiêm ngặt. Ngày càng ít những người đàn ông muốn trả giá cao cho Geisha, khi trong xã hội có rất nhiều các hình thức giải trí khác. Mặt khác, các cô gái Nhật cũng nhận thấy việc trở thành những người tiêu khiển, những nữ chiêu đãi viên theo kiểu phương Tây dễ hơn rất nhiều việc trở thành một Geisha thực thụ. Thêm vào đó là sự thiếu quan tâm đến những loại hình nghệ thuật truyền thống của lớp trẻ ngày nay đã làm giảm đáng kể hào hứng của các khách hàng tương lai của Geisha trong việc ủng hộ phong cách sống này.

Ngày nay, còn rất ít những Geisha thực thụ tại Nhật Bản. Thế giới tao nhã, văn hóa cao mà Geisha là một phần của nó được gọi là Karyukai (thế giới thùy dương), và Kyoto là nơi có truyền thống Geisha mạnh mẽ nhất, đặc biệt ở hai quận Gion và Pontocho. Tokyo đứng thứ hai về số lượng Geisha, nhưng Geisha và nhà chè ở đây có xu hướng ít mang tính truyền thống. Theo thông lệ, Geisha phải sống một cuộc sống tách biệt với phần còn lại của xã hội. Thời xưa, gia đình nghèo khó bán con gái của mình đi cho các nhà chè như một cách kiếm tiền và cũng là cách để cho con có chút giáo dục. Ngày nay sự lựa chọn để trở thành Geisha ít vì lý do kinh tế mà vì sự lựa chọn nghề nghiệp, giống như bất cứ nghề nào khác. Nếu Geisha có con gái, họ thường gửi con tới trường dạy Geisha đặc biệt với mong muốn chúng sẽ trở thành Geisha thật sự như mẹ chúng. Đây là một minh họa cho việc gần đây đã không còn ranh giới khắt khe giữa cuộc sống của Geisha và phần còn lại của xã hội. Những người phụ nữ Geisha hiện đại học tiếng Anh, có thể trở thành người mẫu hay đi các tour quốc tế. Ngày nay, vẫn có thể thấy Geisha sống trong những nhà chè truyền thống trong các khu Hanamachi (thành phố hoa), tuy nhiên nhiều người lại chọn sống ở những căn hộ riêng. Sự quan tâm ngày càng nhiều của thế giới đến Geisha và phong cách trang điểm lạ này đã làm nảy sinh không ít xu hướng trang điểm “bắt chước Geisha” tại phương Tây. Năm 1999, nữ hoàng nhạc Pop của Mỹ, Madonna cũng xuất hiện trong video âm nhạc của mình Nothing Really Matters, với trang phục và hóa trang theo phong cách Geisha. Các công ty hóa trang đã tăng đột ngột về sản phẩm bán ra theo phong cách Geisha. Tại Australia, hãng mỹ phẩm Poppy đã sáng tạo ra cả một dòng sản phẩm hóa trang mang tên Geisha.

Geisha với nền văn hóa đất nước Phù Tang đầy huyền bí luôn là đề tài hấp dẫn sự nghiên cứu và thưởng ngoạn. Thật không sai khi các học giả đã nhận xét: “Thật lý tưởng khi điều mà Geisha mang đến cho phòng tiệc là sự lịch lãm đã được trau dồi, giống như cây phong lan hiếm có trong một môi trường đặc biệt. Xung quanh câu chuyện về họ là những điều bí ẩn bởi lẽ cuộc sống của họ tách rời với xã hội hàng ngày. Họ là đại biểu của nghệ thuật và sự rèn luyện về tinh thần và tính cách”

HƯƠNG XUÂN (tổng hợp)



Tài liệu tham khảo

Dalby, Liza Crihfield, Geisha, Berkeley, California, United States: University of California Press, 1983.

Foreman, Kelly M. The Role of Music in the Lives and Identities of Japanese Geisha. Luận văn tiến sĩ, Kent, Ohio, United States: Kent State University, 2002.

Manabu Miyazaki. Toppamono: Outlaw. Radical. Suspect. My Life in Japan's Underworld, Nxb Kotan, 2005.

Naomi Graham-Diaz, Make-Up of Geisha and Maiko, Immortal Geisha, 2001



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
cuoc doi mot geisha, hoa rum làm son môi, , kiểu tóc taka shimada, kieu toc geisha, kieu toc shimada, lịch sử của geisha, lịch sử geisha, lich su geisa, lich su geisha, lich su geisha nhật, lich su ve geisha, nhat ban huyen bi, ochaya là gì, son moi kieu geisha, tóc búi kiểu shimada, trit yakata, van hoa geisa nhat ban, van hoa geisha nhat ban

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™