Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 07-04-2008, 08:36 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 35 phút 40 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
PHÁC HỌA ĐẠO THẦN NHẬT BẢN - Thiệu Bích Hường

Shinto (đạo Thần) là tín ngưỡng truyền thống Nhật Bản. Từ Shinto được hiểu là Con đường Kami (Kami có nghĩa thần bí, cao cả, hay thiêng liêng, thường là sức mạnh thiêng liêng, siêu phàm, cụ thể là các vị thần khác nhau). Không như các tín ngưỡng khác, đạo Thần không gắn liền với giáo huấn của bất cứ một nhà truyền giáo cụ thể nào (như Jesus, Buddha, Mohamed hay Khổng Tử). Do đó, ở Nhật, trong khi đạo Phật được gọi là Buh-kyo (giáo huấn của Buddha), đạo Cơ đốc được biết đến là Kirisuto-kyo (giáo huấn của Jesus), Shinto hay Shin-do nghĩa là con đường của Kami / các vị thần. Đạo Thần là từ do người phương Tây đặt ra: thuật ngữ tiếng Nhật là Kami-no-Michi hay Kami-nagara-no-Michi.

Đạo Thần là tín ngưỡng duy nhất có nguồn gốc từ Nhật, ra đời vào khoảng 2.000-3.000 năm trước, theo sử biên niên cổ đại Koijiki (712) và Nihonshoki (720). Đạo Thần không có văn bản kinh thánh như kinh Koran, tuy vậy, vẫn có kinh cầu nguyện (Norito). Đặc điểm quan trọng nhất của đạo Thần là sự sùng kính Kami và sự tận tâm, hết lòng với Hoàng gia. Sự sùng kính được hướng tới Amateresu - bà tổ mẫu của các hoàng đế Nhật; những người đã khuất của các Hoàng tộc trước đó, và những nhân vật lịch sử đương đại. Theo Koijiki, các vị thần Đạo Thần đã tạo ra đất nước Nhật Bản như một hình ảnh đẹp đẽ về thiên đường trên trái đất, và Hoàng đế Nhật là hậu duệ của nữ thần Mặt trời Amateresu. Đạo Thần có tất cả 3 hình thái: Đền, Môn phái và Dân gian.

Đền thờ đạo Thần: Có 80.000 ngôi đền đạo Thần tại Nhật Bản, trong số này có 4 loại đền chính: Hachimangu, Tenjin (còn được gọi là Tenmangu), Inari và Jingu. Đền Hachimangu thờ hoàng đế Ojin thứ 15 thường được biết đến như thần cung tên hay thần chiến tranh và sau này trở thành thần giám hộ cho bộ tộc Minamoto. Hachimangu là một trong những đền thờ có uy tín nhất và tổ chức rất đa dạng những nghi lễ đạo Thần. Từ Tenjin có nghĩa là vị thần trên thiên giới, nhưng đền Tenjin chủ yếu thờ Michizane Sugawara, thần hộ mệnh cho việc học hành và phát triển trí tuệ. Inari là đền thờ thần mùa màng, được gọi là thần sói. Đặc điểm của đền này là những chiếc cổng torii cầu kì, màu đỏ son và đôi tượng sói đứng gác trước cổng. Đền Jingu có mối liên quan với Hoàng gia. Những ngôi đền Jingu nổi tiếng nhất là: Meiji Jingu ở Tokyo, Ise Jingu, Heian Jingu ở Kyoto, Atsuta Jingu ở Nagoya. Điểm chung của các đền thờ đạo Thần là tất cả các lối vào đền đều được rải đá trắng, thường có sông hay hồ chảy dọc theo. “Nhà” cho các vị thần thường được làm bằng một loại gỗ đặc biệt, và được làm mới lại hàng năm vào thời điểm nhất định. Những tín đồ đạo Thần luôn giữ gìn các điện thờ rất sạch sẽ, vì các vị thần ưa sự sạch sẽ.

Biểu tượng đạo Thần: Nơi thờ của đạo Thần thường không có tượng hay hình ảnh của Kami. Phần lớn các đền, thay vào đó, có goshintai, biểu tượng, tượng trưng cho một vị thần cụ thể. Có lẽ goshintai phổ biến nhất là gương (biểu tượng của Nữ thần Mặt trời), gươm và đá quý. Những vật thể này là những biểu chương của Hoàng gia. Chúng được đặt trên bàn thờ, nơi các vị thần trú ngụ, và là những linh hồn thay thế cho các vị thần. Truyền thuyết cho rằng, khi Susanoo giết chết rồng tám đầu, ông ta đã tìm thấy một cái gươm ở đuôi rồng. Những biểu tượng khác là chuỗi tràng hạt, theo truyền thuyết, đã được treo trên cây sakaki khi các vị thần tập hợp bên ngoài hang để kêu gọi Nữ thần mặt trời Amateresu ra khỏi nơi trú ẩn, mang lại ánh sáng cho muôn loài.

Các Kami đạo Thần: Theo quan niệm của Yorozu-Yomi, Kami tồn tại trong vạn vật, bất kể vật đó là gì, từ đồ ăn thức uống đến động vật, núi non, dòng sông, hòn đá, cỏ, cây cũng như những nhân vật lịch sử, truyền thuyết và có thể chọn bất cứ vị thần ở bất kỳ vùng miền nào để thờ cúng. Kami có thể tốt hoặc xấu, như quỷ sứ, rồng, cáo, hổ hay linh hồn cây... Có rất nhiều Kami khác nhau: Kami có liên quan đến vật thể và các sinh vật, từ “thức ăn đến sông, hồ, đá tảng”; Kami bảo hộ các vùng miền và các bộ tộc cụ thể; những nhân vật đặc sắc, bao gồm cả hoàng đế; những lực lượng kiến tạo trừu tượng. Theo Kojiki, ba vị thánh đầu tiên là Ame-no-minaka-nushi-no, Kami-musubi-no-kami và Takami-musubi-no-kami. Tiếp theo là Amateresu, Nữ thần Mặt trời, bà tổ mẫu đầu tiên của Nhật Hoàng và là người được sùng kính nhất. Ngôi đền Ise vĩ đại ở bờ biển phía đông của Nhật Bản là nơi thờ cúng Nữ thần. Có thể nói, đạo Thần dựa vào thuyết vật linh. Những điều kì lạ trong thiên nhiên khiến cho người Nhật tin rằng, chúng được tạo nên bởi sức mạnh siêu nhiên phi thường, và các vị thần ngụ trong những vật thể đó. Trong số những hiện tượng thiên nhiên, mặt trời là quan trọng nhất đối với người Nhật và Nữ thần Mặt trời được nhìn nhận là vị thần chính của đạo Thần, đặc biệt của Hoàng gia Nhật. Người Nhật gọi đất nước mình là Nippon có nghĩa là Nguồn gốc Mặt trời. Lá quốc kì của Nhật rất đơn giản, có một vòng tròn ở giữa tượng trưng cho mặt trời. Truyền thuyết kể rằng nữ thần Mặt trời Amateresu, người thống trị thiên đường, có lần do bị xúc phạm, đã hạ giới và trốn vào hang sâu, đẩy cả thế gian vào bóng tối. Quá sợ hãi với màn đêm vĩnh hằng, các vị thần khác tìm cách dụ Amateresu ra khỏi hang, nhưng Nữ thần đã bướng bỉnh từ chối. Thần Uzume, sau đó, đã nghĩ ra kế hoạch tập hợp các vị thần trước cửa hang, vừa nhảy múa, vừa ca hát rất huyên náo. Cuối cùng, vào đỉnh điểm của cuộc vui, do quá tò mò vì sự huyên náo, Nữ thần đã bước ra khỏi hang, và thế giới, vì thế, lại tràn ngập ánh sáng. Cha mẹ của Nữ thần, Izanagi và Izanami, là hai vị thần được sùng kính và nhắc đến nhiều trong truyền thuyết với huyền thoại đã tạo ra những hòn đảo của Nhật. Izanagi và Izanami được Ngọc hoàng ra lệnh kết thúc nhiệm vụ hợp nhất đất liền và biển. Izanagi đã ném “xiên nạm ngọc của Ngọc hoàng” xuống biển. Khi nhấc xiên lên, muối từ biển đã kết tinh thành hòn đảo đầu tiên của Nhật Bản, đảo Onogorojima. Izanagi và Izanami sau đó đã hạ giới xuống hòn đảo này và sống với nhau. Những đứa con của họ đã trở thành những hòn đảo khác của Nhật Bản. Izanagi và Izanami cũng là cha mẹ của các Kami khác, trong đó có Amateresu, Susanoo, Oyamatsumi và những vị thần khác. Người anh em của nữ thần, Susano-no-mikoto, cũng là người hùng vĩ đại trong truyền thuyết, được phái xuống thị sát trái đất. Susano-no-mikoto đã giết chết con rồng dữ tợn khổng lồ, và chiếc gươm dùng để giết rồng đến nay vẫn được lưu giữ tại một trong ba ngôi đền chính của Nhật - Atsuta. Đền Ise cũng bảo tồn chiếc gương, được biết đến như chiếc khiên của người anh hùng này.

Niềm tin, những thông lệ văn hóa và cuộc sống tín đồ đạo Thần: Đạo Thần tạo ra sự linh hoạt, phản ánh nhu cầu nông nghiệp và phù hợp với rất nhiều tầng lớp. Điều này dẫn đến số lượng lớn người theo đạo Thần. Có tới 30 triệu người theo đạo Thần tại Nhật Bản, tuy nhiên, rất nhiều người Nhật vừa theo đạo Thần, vừa theo đạo Phật. Những tín đồ đạo Thần tin vào sự hiện diện của Kami như những thần linh dẫn đường chỉ lối. Có những Kami khác nhau được thờ cúng trong những gia đình, vùng miền, khu vực cụ thể. Nguyên tắc chung của các Kami là bảo vệ và duy trì cuộc sống. Tất cả mọi người đều là những đứa con của Kami, và do đó, được nhìn nhận như một phần của thế giới thiên nhiên. Theo nhiều cách, Kami có thể được nhìn nhận là một lực lượng sáng tạo ra cuộc sống và các tín đồ đạo Thần có lòng sùng kính đối với sức mạnh sáng tạo, tiếp sinh lực và làm hài hoà của các Kami. Cách thức cầu nguyện của các tín đồ đạo Thần khác xa với đạo Phật. Như một phần của nghi lễ cầu nguyện, người cúng sẽ cúi đầu xuống 2 lần, vỗ tay 2 lần (để chắc chắn rằng các vị thần nghe thấy lời cầu khấn), cúi đầu xuống lần nữa và sau đó thả các đồng tiền vào hộp quyên góp bằng gỗ của đền. Đền thờ đạo Thần có cổng riêng, gọi là Torii, cho các vị thần. Khi bước chân vào Torii, khách tham quan như rời thế giới tạm thời để bước vào một thế giới vĩnh hằng với sức mạnh vô song của các vị thần. Đến đây, tín đồ đạo Thần sẽ rửa sạch hết tội lỗi và trở về với thế giới tạm thời của mình thông qua Torii.

Khách đến vãn đền có thể tham dự vào một số nghi lễ như Kagura, điệu múa với âm nhạc từ những nhạc cụ cổ xưa được gọi là Gagaku, âm nhạc cung đình truyền thống của Nhật. Nhạc cụ bao gồm Sho (loại nhạc cụ thổi được làm bằng 17 khúc sậy), Biwa (sáo ngắn cổ), Hichiriki (ống sáo bằng sậy kép giống như kèn oboa nhỏ), và Taiko (trống). Chi nhánh gia đình Hoàng gia hiện có một dàn nhạc Hoàng gia và những nhạc công là những người thừa kế loại âm nhạc này từ thế kỷ IX. Người ta cho rằng Kagura và Gagaku là trung gian giúp cho sự giao thiệp giữa các vị thần và người thờ cúng. Vũ công là những nhân vật được thánh hóa và nếu là các cô gái thì phải là gái đồng trinh. Những vũ điệu mặt nạ do những chàng trai độc thân thể hiện cũng rất phổ biến.

Có thể nói đạo Thần là tín ngưỡng của những lễ nghi, chủ yếu là rửa tội hay làm phép. Giống như bắt tay là một tập tục đương nhiên, lời cầu nguyện và những vật cúng tế các vị thần bởi vị cao tăng đạo Thần cũng là một phong tục không thể thiếu khi bắt đầu bất cứ một sự kiện lớn nào. Ví dụ, mỗi khi có một vị giám đốc nhà máy nào đó được bổ nhiệm, theo truyền thống, địa điểm đầu tiên anh ta phải đi thăm khi đến nhà máy mới là điện thờ nhỏ đặt tại một góc ấm cúng của nhà máy, và cầu nguyện cho sự an toàn trong suốt nhiệm kì của mình. Trong lễ động thổ bất cứ toà nhà nào, các vị sư đạo Thần đều được mời đến làm lễ. Nghi lễ đạo Thần đôi khi được tiến hành để đánh dấu những giai đoạn nhất định của cuộc sống. Một tháng sau khi sinh (ngày thứ 31 cho con trai và 32 cho con gái), trẻ sơ sinh được bố mẹ và ông bà mang đến đền để các vị sư cầu chúc cho chúng hạnh phúc, sức khoẻ dồi dào. Lễ này gọi là Miyamairi. Cơ hội tiếp tới có thể đến thăm đền để đánh dấu giai đoạn trưởng thành khác là lễ Shichi-go-san vào ngày 15-11 khi các bé trai và gái được 3 tuổi, khi các bé trai được 5 tuổi và bé gái được 7 tuổi. Lần thứ ba họ được các vị sư đạo Thần chăm sóc đó là khi thành hôn. Nghi lễ thường được tổ chức tại khách sạn hay những sảnh lớn sang trọng dành cho các đám cưới với những bàn thờ đạo Thần. Tại đây, các vị sư sẽ cầu kinh cầu chúc cho cô dâu, chú rể bình yên, sức khoẻ và hạnh phúc viên mãn.

Đạo lí và hành vi tín đồ đạo Thần: Hành vi luân lí và sự trung thực (makoto), hay nói cách khác, hành động với “trái tim trung thực”, được nhấn mạnh trong đạo Thần, được miêu tả như con đường của Kami. Hành động với “trái tim trung thực” có nghĩa các tín đồ sẽ liên kết lại để bảo vệ những thông lệ, sự trung thực và thái độ đúng đắn trong mỗi việc họ làm. Các tín đồ đạo Thần luôn tôn trọng sự hài hoà và sự phồn vinh chung. Sự hài hoà giữa những con người, cũng như giữa con người với thế giới thiên nhiên bắt đầu với việc duy trì các mối quan hệ giữa các thế hệ và giữa những thành viên trong gia đình. Sự tôn kính cha ông, và sự kính trọng những thành viên trong gia đình, do đó, được nhấn mạnh. Lòng tôn kính đối với người cao tuổi vẫn được bày tỏ vào ngày lễ Người cao tuổi, được tổ chức 15-9 hàng năm. Tình yêu đối với trẻ nhỏ được thể hiện vào Ngày trẻ em, mùng 3-5 hàng năm... Tinh thần vì sự phồn vinh chung được thể hiện rõ ràng trong đạo Thần với những lời cầu phúc của tín đồ cho sự phồn vinh của quốc gia và gia đình, với việc nhịn ăn mỗi tháng một lần để quyên góp tiền làm từ thiện. Sự hài hoà với thiên nhiên cũng là một phần quan trọng trong lễ giáo đạo Thần: (hành hương, ngắm hoa hay phong cảnh...) cũng như việc đánh giá cao thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong sự tôn kính Kami.

Lễ hội(Matsuri): là một phần không thể thiếu trong đời sống các tín đồ đạo Thần. Đạo Thần tồn tại và phát triển trong đất nước Nhật Bản hiện đại ngày nay là nhờ sự đồng hóa tuyệt vời với những phong tục, tập quán của người Nhật. Có vô số lễ hội đạo Thần được tổ chức trong suốt năm để các vị thần có thể hoà nhập vào đời sống hàng ngày của mỗi người dân Nhật Bản. Trong những ngày lễ này, các vị thần lại có dịp hiển linh, được sùng kính và được cầu khấn. Người dân Nhật sống với nghi lễ này như một tục lệ truyền thống. Các lễ hội quốc gia và khu vực rải rác trong suốt năm tại Nhật Bản, như: Hounen Matsuri (cầu sự sinh sôi nảy nở) tại Nagoya, Setsubon (kỷ niệm điểm xuân phân), Hamamatsu (lễ hội thả diều) và Mitsuke Hadaka (Ngày loã thể).

Sự sạch sẽ thể chất và sự trong sạch nội tâm: Sự trong sạch và tính sạch sẽ là phần cơ bản của đạo Thần. Trước khi đối mặt với Kami trong các đền, các tín đồ phải rửa sạch tay và súc miệng bằng nước đặt ở cổng đền. Nghi lễ rửa tội của các cao tăng đạo Thần cũng rất phổ biến. Ví dụ, Jichinsai là nghi lễ được các nhà sư đạo Thần tiến hành để tẩy uế địa điểm xây dựng. Trong cuộc sống hàng ngày, việc nhấn mạnh sự trong sạch được thể hiện trong việc chăm lo tỉ mỉ đến vệ sinh cá nhân. Theo thông lệ đạo Thần, việc trân trọng sự trong sạch nội tâm, nói cách khác là sự trong sạch trái tim, tất yếu dẫn đến sự trong sạch thể chất. Hành vi hợp với luân thường đạo lí và sự tuân thủ nghi lễ là một phần quan trọng của việc trau dồi sự trong sạch nội tâm. Những thông lệ này được thể hiện trong những lời giáo huấn của đạo Thần.

Có 4 điều đạo luật trong đạo Thần: 1. Truyền thống và gia đình: Gia đình được coi là cơ cấu chủ chốt cho việc giữ gìn, bảo tồn những truyền thống; 2. Tình yêu đối với thiên nhiên: Thiên nhiên là thiêng liêng, gần gũi với thiên nhiên cũng chính là gần gũi với các vị thần. Những vật dụng thiên nhiên cũng được thờ cúng như những thần linh; 3. Sự sạch sẽ thể chất: Tín đồ đạo Thần phải thường xuyên tắm rửa, súc miệng; 4. Matsuri: Các lễ hội với mục đích tỏ lòng tôn kính và thờ cúng các vị thần. Đạo Thần đặc biệt đề cao tầm quan trọng của thiên nhiên, sự trong sạch, sự bình ổn, nhấn mạnh vai trò của phong tục, tập quán, sự trung thực và thái độ đúng đắn trong nhận thức về vạn vật và thánh thần, trân trọng thiên nhiên. Thiên nhiên, với sức mạnh và vẻ đẹp vô song, được nhìn nhận như sự hiện thân của sức mạnh thánh thần. Đáp ứng việc cầu khấn, thánh thần có thể kêu gió, gọi mưa, hay dừng những cơn cuồng phong. Sức mạnh của thiên nhiên nằm trong tay của các vị thần và việc điều tiết thiên nhiên chỉ có thể thực hiện được thông qua sự ban phúc của thần thánh. Từ những ngày đầu tiên, đạo Thần đã là quy chuẩn về niềm vinh quang và hành vi của người Nhật. Nó đã mang lại cho người Nhật những phong tục, tập quán, học thuyết, thái độ tôn kính đối với sự trung thực, tính sạch sẽ và sự trong sạch nội tâm. Với sự hoà nhập thành công vào cuộc sống hàng ngày của người dân, đạo Thần đã, đang và sẽ tiếp tục là một phần không thể thiếu của nền văn hóa Nhật Bản.





THIỆU BÍCH HƯỜNG biên soạn

_______________

Tài liệu tham khảo:

- N. Alice Yamada, Shinto, the Way of the Gods, Trincoll journal, 1996.

- C. Scott Littleton, Shinto: origins, rituals, festivals, spirits, sacred places, , Oxford University Press.

- James Renard, The handy religion answer book, Visible Ink Press.

- Từ điển bách khoa toàn thư Britannica.



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
đọc koijiki, kirisuto kyo là gì, thần đạo shinto, truyen than susano

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™