Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 07-04-2008, 08:59 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 35 phút 40 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
Phong Tục đón Năm Mới Trên Thế Giới

Tiễn năm cũ, đón năm mới là nghi lễ của nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Tuy tiến hành đón năm mới vào các thời điểm khác nhau, nhưng mọi người hầu hết đều có điểm chung là mong muốn những điều rủi ro sẽ ra đi cùng năm cũ và những điều may mắn sẽ đến cùng năm mới. Theo các phong tục và tín ngưỡng khác nhau, người dân tiến hành những nghi lễ vào dịp năm mới để hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra và hạnh phúc sẽ mỉm cười với họ, với người thân của họ...

Người Lào đón năm mới theo lịch của người Hindu. Lễ đón mừng Năm mới diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng 4, vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Đây là thời khắc tái sinh và thanh lọc của đất trời. Ngày đầu tiên, Sangkhan Long, được coi là ngày cuối cùng của năm cũ, và người dân thường thu dọn nhà cửa để đón mừng năm mới. Họ mang những chiếc bình bằng bạc đựng nước thơm đến cho các vị sư tắm cho các bức tượng Phật trong chùa, và mang cát để xây những gò, đống trong sân chùa. Những chiếc gò này thường xây phía bờ sông và được trang trí bằng cờ, hoa, tiền và nến. Khi mọi việc hoàn tất, những lời ước sẽ được thực hiện. Ngày thứ hai, Mueu Nao, là ngày nguy hiểm bởi linh hồn của năm cũ ra đi nhưng linh hồn của năm mới chưa tới và sẽ không có linh hồn nào bảo vệ họ khỏi những điều không may. Vì lý do này, nhiều người thường quyết định ở nhà cho an toàn. Ngày thứ ba, Sangkhan Kheun, là ngày đầu tiên của năm mới và cũng là ngày vui nhất. Mọi người đi lễ chùa mang theo những lời cầu nguyện, đồ cúng tế và hoa trước khi trở về nhà làm lễ đặc biệt trong gia đình để đón mừng năm mới. Vào dịp này, người Lào còn có phong tục phóng thích vật nuôi. Họ cho rằng may mắn nhất định sẽ đến với những ai trả lại tự do cho các con vật.

Tại Maya, người ta thờ phụng rất nhiều vị thần, và mỗi năm một vị thần lại là tâm điểm của lễ đón mừng Năm mới. Vào thời điểm này, các tượng thần được dựng lên, lối vào điện thờ và các vật thờ cúng được làm mới lại bằng sơn xanh, màu được người Maya coi là linh thiêng nhất. Khi công việc chuẩn bị được tiến hành xong, vị thần của năm sẽ bước vào cổng theo hướng liên quan đến vị thần đó. Những nghi lễ làm mới của gia đình cũng được tiến hành như đập vỡ tất cả đồ gốm cũ, vất bỏ các gia dụng bằng vải cũ, chưng diện những bộ quần áo mới.

Người Tây Tạng gọi năm mới là Losar. Hai ngày cuối của năm cũ được gọi là Gutor và được dành để chuẩn bị cho năm mới. Ngày đầu tiên người Tây Tạng làm sạch nhà cửa, đặc biệt là bếp vì bếp được coi là trái tim của ngôi nhà và là phòng quan trọng nhất. Một món ăn truyền thống luôn có mặt trong bữa tiệc năm mới là món súp chín vị gồm thịt, bột mì, gạo, khoai lang, pho mát, đậu, ớt xanh, củ cải và mì ống. Món này thường được ăn với một loại bánh hấp nhỏ với nhân gồm cả những mảnh gỗ vụn, giấy hay sỏi. Người ta cho rằng những thứ này sẽ báo trước về tương lai cho những người tìm thấy nó..., xấu hay tốt phụ thuộc vào ý nghĩa tượng trưng của các vật đó. Ngày thứ hai được dùng vào việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo. Họ đến thăm các đền chùa để tặng quà cho các vị sư. Khắp nơi trên đất Tây Tạng, những tràng pháo được đốt và đuốc được thắp sáng để đuổi tà ma ra khỏi nhà. Vào ngày đầu năm mới, mọi người dậy sớm, tắm, và sau đó thờ cúng tại gia đình. Vật cúng tế có thể có hình dạng của động vật hay quỉ dữ làm bằng bột.

Người Hindu đón năm mới với phong tục dùng bột mì vẽ các họa tiết trên mặt đất trước cửa nhà. Chính giữa các họa tiết đó, họ đặt một chiếc ấm đất có trang trí biểu tượng tôn giáo của người Hindu. Họ đổ đầy nước, thần sa, cắm một cây xoài có năm cành, treo các vòng hoa được trên cành cây, thân cây và tiến hành nghi lễ. Các loại hoa thường bao gồm hoa Orleander đỏ, cúc trắng, hoa hồng, dâm bụt tím và hoa Merigold vàng. Mỗi một bông hoa đều có ý nghĩa tôn giáo riêng, ví dụ hoa màu hồng, đỏ, và tím là dành cho nữ thần, trong khi hoa trắng và vàng lại dành cho các vị thần Hindu. Vào năm mới, người Hindu thường cảm tạ Lakshm, nữ thần của cải và sự phồn vinh, và Ganesh, vị thần thông thái và may mắn. Tuy nhiên, một số nhóm người Hindu lại tôn thờ nữ thần Kali thay cho nữ thần Lakshmi và trong nghi lễ tôn vinh nữ thần, họ thường đốt pháo bông và ném tiền lẻ cho những người tham dự.

Cơ sở cho việc đón năm mới ở Ấn Độ là câu chuyện cổ về việc cái tốt chinh phục cái xấu. Khi Hoàng tử Rama, người thừa kế chính đáng ngai vàng, bị mẹ kế đày vào rừng 14 ngày, vợ của Rama đã bị vua quỷ Ravan, kẻ cai trị vùng đất láng giềng, bắt cóc. Cuộc chiến ác liệt đã xảy ra sau đó. Rama, với sự trợ giúp của khỉ Hanuman, đã cứu được vợ, đánh thắng Ravan và trở về vương quốc, phục hồi lại ngai vàng. Để hát khúc khải hoàn cho Rama, người dân đã ăn mừng và đốt đèn dầu trong mỗi gia đình. Năm mới đầu tiên của người Ấn Độ, được gọi là Diwali (có nghĩa là hàng dãy ánh sáng) là thế. Mỗi làng mạc và thành phố đều sáng rực lên bởi ánh sáng của hàng ngàn, hàng vạn ánh đèn lung linh thật đẹp mắt và có gì đó linh thiêng đến kỳ lạ.

Trước năm mới, cũng giống như truyền thống của người Việt, người Ấn Độ cố gắng thanh toán hết nợ nần, mang sổ sách kế toán đi làm phép, mua đồ đạc mới cho nhà, và cả dụng cụ, quần áo mới nữa. Họ tặng nhau thiệp, quà năm mới, thực thi những quyết định năm mới, cho qua và lãng quên mọi cuộc tranh chấp, vì đây là chính là thời điểm để con người có thể hạnh phúc và độ lượng hơn bất cứ lúc nào. Các con vật nuôi cũng được tắm rửa sạch sẽ, chải chuốt và trang trí ngộ nghĩnh để cùng gia chủ đón năm mới.

Năm mới với người Ai Cập là một ngày lễ trọng đại và tràn ngập không khí lễ hội. Mặc dù ai cũng biết khi nào năm mới bắt đầu, nhưng người Ai Cập vẫn có phong tục ngắm trăng lưỡi liềm mới trước khi có lời tuyên bố chính thức. Việc ngắm trăng được tiến hành tại nhà thờ Hồi Giáo Muhammed Ali, trên đỉnh đồi ở Cairo. Thông điệp được truyền cho người đứng đầu nhà thờ (Grand Mufti), người sau đó sẽ tuyên bố thời khắc năm mới. Vào ngày này, tất cả mọi người đều mặc quần áo đặc biệt, thậm chí đến cả phụ nữ, những người ngày thường chỉ làm bạn với màu đen, cũng được phép trưng diện những bộ đồ sáng màu.

Hy Lạp đón năm mới với sự tưởng nhớ thánh Basil, một trong những cha đỡ đầu của Thánh đường Hy Lạp Chính thống, người được nhớ tới vì lòng tốt và tính hào phóng đối với người nghèo. Và ngày mùng 1 tháng một, ngày mất của ông, đã trở thành ngày lễ tặng quà và kể những câu chuyện huyền thoại đầy hấp dẫn về việc Thánh Basil trở về vào ban đêm và tặng quà cho trẻ nhỏ trong những chiếc giày. Rất nhiều món ăn đặc biệt được chuẩn bị, nhưng có một món không thể thiếu là bánh Vassilopitta hay bánh của Thánh Basil. Bên trong chiếc bánh được đặt một đồng tiền vàng hay bạc. Khi ăn, các miếng bánh được chia theo một trật tự nghiêm ngặt: miếng đầu tiên dành cho Thánh Basil, miếng thứ hai cho ngôi nhà thân yêu, miếng thứ ba cho người lớn tuổi nhất trong gia đình và phần còn lại sẽ dành cho những thành viên khác theo thứ tự tuổi tác. Người vắng mặt cũng được phần một miếng, và thậm chí cả vật nuôi cũng không bị lãng quên. Ai được miếng bánh có đồng tiền sẽ là người may mắn trong suốt năm. Cũng như người Việt Nam và một số nước, người Hy Lạp có tục lệ xông nhà. Người xông nhà là người đầu tiên bước qua ngưỡng cửa vào nhà và thường là người cha hoặc em bé may mắn, người sẽ mang lại hạnh phúc cho gia chủ. Em bé được cho là may mắn khi có cả cha lẫn mẹ còn sống.

Đêm giao thừa ở Thụy Sĩ được biết đến là giao thừa của Thánh Sylvester hay Sylvesterabend. Theo truyền thuyết, Thánh Sylvester đã giết chết con quái vật rồng Leviathon vào năm 1000 sau C.N, năm có Ngày Phán xét. Vào ngày này, Leviathon, với những vẩy rồng sáng quắc, thân hình to lớn đến mức mà những khúc lượn trên thân nó có thể ôm gọn trái đất, và thức ăn của nó chính là các con rồng khác, đã xuất hiện với mong muốn nuốt chửng trái đất, con người và đốt cháy thiên đường, nhưng cuối cùng đã bị thánh Sylvester đánh bại. Thánh Sylvester và rồng Leviathon là hai đại diện tiêu biểu cho cái tốt và cái xấu. Và đây chính là lý do cho người dân Thụy Sĩ đón năm mới trong những bộ trang phục và mũ tiêu biểu cho những linh hồn tốt và xấu, diễu hành qua các phố phường.

Đêm giao thừa ở Đức là thời khắc cùng các thành viên gia đình và bạn bè thân thiết quây quần quanh bàn tiệc. Người Đức có một phong tục Bleigiessen vào năm mới với ngọn nến được thắp lên, và khi những hòn chì nhỏ đặt trong chiếc thìa phía trên của ngọn nến tan ra, chúng liền được đổ vào nước lạnh, gần như ngay lập tức cứng lại, lúc này mỗi người sẽ nhìn vào và cố gắng đoán tương lai của mình thông qua những hình dạng được tạo nên của chì. Thông thường, các mảnh chì đó được giữ trước nến hay bóng đèn để thấy rõ hơn hình dáng của nó từ cái bóng mà nó tạo ra. Hình trái tim hay nhẫn có nghĩa là đám cưới, hình con tàu báo trước về một chuyến đi, hình con lợn sẽ báo hiệu sự no ấm trong năm mới với vô vàn thức ăn....

Người Đức còn có phong tục để lại một chút thức ăn trên đĩa từ bữa giao thừa sang năm mới. Họ tin rằng làm như thế sẽ đảm bảo cho tủ thức ăn nhà mình quanh năm lúc nào cũng đầy. Và cá chép cũng là một phần không thể thiếu của bữa tiệc năm mới vì họ cho rằng cá chép là con vật thần kỳ sẽ mang lại của cải cho gia chủ, còn cá mòi mang lại may mắn, bắp cải, cà rốt mang lại sự đảm bảo về tài chính.

Tại Anh, các đám đông đôi khi tập trung tại quảng trường Trafalgar và rạp xiếc Piccadilly để chờ nghe tiếng chuông đồng hồ Big Ben đổ, báo hiệu năm mới đến. Tay trong tay, mọi người cùng nhau đồng thanh hát bài Auld Lang Syne để chào đón một năm mới tốt đẹp. Và cũng như một số nước châu Á, đối với người Anh, tục lệ first footing (bước chân đầu tiên / xông nhà) là rất quan trọng. Để có được một năm mới may mắn cho mọi thành viên gia đình, người xông nhà trong ngày đầu tiên của năm mới phải có những tiêu chí sau: là đàn ông, trẻ, tóc đen, khoẻ mạnh và ưa nhìn. Theo tục lệ, anh ta sẽ mang theo một miếng than nhỏ, tiền, bánh mì và muối. Những vật này tượng trưng cho sự giàu có. Phụ nữ và những người tóc vàng hoặc tóc đỏ được cho là những người xông nhà không may mắn.

Người dân sứ Wale có một truyền thống cổ xưa vào dịp năm mới đó là vào 4 giời sáng, các cậu bé của làng cầm trong tay một nhánh của loại cây quanh năm xanh tốt, đi từ nhà này sang nhà khác, vẩy vào mọi người để chúc phúc và mang lại may mắn cho họ.

Tại Ireland, năm mới, về bản chất, từng là tết của người Xentơ và được biết đến là Samhai, có nghĩa là Cuối hè, được tổ chức vào 31-10 và chính là lễ Halloween ngày nay. Năm mới được xem là thời điểm nguy hiểm bởi lẽ vào lúc này linh hồn của người chết có thể trở về trái đất và làm hại người sống nếu không có những biện pháp phòng ngừa cẩn thận. Vì vậy, đêm giao thừa các linh mục thường vào rừng lấy cây tầm gửi, chuyển cho mọi người để chống ma tà. Các đám lửa được đốt lên đuổi các thế lực quỉ dữ đi. Vào dịp năm mới, người Ireland cho rằng ở trong nhà là an toàn nhất vì vào thời điểm này các vị tiên cũng du hành hết và sẽ không có ai giúp đỡ họ ngoài chính bản thân. Ngày nay, vào đêm giao thừa, khi đi ngủ, các cô gái thường dấu cành tầm gửi hay lá thiêng dưới gối để có thể mơ về người chồng tương lai. Một phong tục cổ xưa của người Ireland cũng rất thú vị là lấy một ổ bánh mì Giáng sinh lớn hay một lát bánh gatô Giáng sinh lớn đập mạnh vào cửa ra vào và cửa sổ để xua đuổi đi những gì không may mắn và đón hạnh phúc vào nhà.

Tại Scotland, lễ đón năm mới được gọi là Hogmany (xuất phát từ một dạng bánh cây sồi dành cho trẻ em vào dịp năm mới). Người Scotland cho rằng sẽ không thể có năm mới khi năm cũ chưa qua, bởi năm cũ được cho là tai ương và cần phải xua đuổi đi. Họ có phong tục diễu hành quanh thành phố với hình nộm của Thần chết và sau đó đốt cháy, đổ xuống sông hoặc chôn xuống đất. Hình nộm này có thể được làm bằng rơm, cành khô hoặc giẻ rách và được gọi là Auld Wife. Tại một số làng mạc, những thùng nhựa đường được thắp sáng và lăn dọc phố. Họ tin rằng bằng cách đó, năm cũ sẽ bị đốt cháy cùng với những rủi ro và năm mới sẽ được phép tiến vào với những may mắn. Người Scotland còn đốt bụi cây bách xù trong nhà để xua đi vi trùng và bệnh tật. Trong bàn tiệc đón năm mới, người Scotland thường có món Haggis (dạ dày cừu nhồi tim gan), bánh bơ giòn, bánh nướng, bánh sồi, pho mát, rượu whisky, rượu vang và bánh mì đen đặc biệt của năm mới.

Còn người Tây Ban Nha từ thời xa xưa đã có phong tục truyền thống đón năm mới vào ngày cuối cùng của năm, ngày 31-12, họ chờ cho tới 12 giờ và mỗi người đều có 12 quả nho sẵn sàng để ăn khi đồng hồ bắt đầu điểm. Cứ mỗi khi đồng hồ điểm một tiếng họ lại cho một quả nho vào miệng và phải ăn hết số nho khi đồng hồ đánh đủ 12 tiếng năm mới bắt đầu, nhưng hầu như không ai kịp ăn hết số nho đó. Ăn nho vào thời điểm giao thừa rất thú vị và là một truyền thống vui vẻ vì tất cả sẽ đón năm mới với miệng đầy nho, tất cả nhìn nhau, cùng cười lên vui vẻ và chúc nhau một năm mới no ấm và tràn đầy niềm vui.

Huong Xuan

(Theo tài liệu nước ngoài)



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
scotland



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™