7. Võ Thuật và thẩm mỹ học cùng các ngành nghệ thuật:
Trong mỹ học có hình thức đẹp, ý cảnh đẹp, sức sống đẹp, trong vận động võ thuật cũng kiêm luôn 3 thứ đó. Các nhà võ thuật sáng tạo ra các loại quyền pháp lấy tiến thoái, công phòng, động tĩnh, nhanh chậm, cứng mềm, hư thực biến hoá lẫn nhau kết cấu nội dung dựa theo quy luật vẽ đẹp của tạo hình, ngoại hình của sự vật. Võ thuật chính là thiên nặng về tâm linh "tự ta cảm nhiễm" để thể hiện ý cảnh đẹp. Như trong sự biến hoá giữa "cao" và "thấp". "Cao" tựa rồng cuốn gió lốc xông thẳng lên trời mây, còn "thấp" thì như chim ưng mạnh bổ nhào xuống đất. Trong biến hoá "nhanh chậm", "nhanh" thì như sóng biển ào ạt gầm gừ không dứt khiến người ta phấn chấn tinh thần, còn "chậm" thì lại như mưa phùn gió hây hây thổi, ý vấn vít triền miên, tựa dòng nước manh mảnh ri như vẻ của thiên nhiên. Vẻ đẹp cuộc sống trong vận động võ thuật là vẻ đẹp thực sự chân thực. Võ thuật vốn có cơ sở từ cuộc sống, các động tác thường ngụ ý từ trong cuộc sống thường ngày được thi ca hóa thành những bài thiệu (ca quyết) để diễn tả động tác võ thuật như:
" Lão mai độc thọ nhứt chi vinh
Lưỡng túc kinh kinh tấn bộ hoành"
Lão Mai Quyền
"Ngọc trản ngân đài, tả hữu tấn khai
Thập tự liên ba, đả sát túc"
Ngọc Trản Quyền
"Long môn ngư vượt thủy
Hổ khẩu viên thượng phi"
Long Hổ quyền
Chính từ những hình thái đẹp đẽ từ trong các chiêu thức của võ thuật đã tạo cảm hứng cho các nhà nghệ thuật như hội họa, điêu khắc sáng tạo ra những tác phẩm đẹp truyền đời. Các bức tranh về các thế võ được vẽ trên vách chùa Thiếu Lâm, những hình khắc trên vách núi Hoa Sơn (Trung Quốc), hay các tranh vẽ các thế vật trong tranh Ðông Hồ, hoặc những hình chạm khắc trên vách ở các đình chùa, hình những dũng sĩ múa khiên đúc trên trống đồng Ngọc Lũ (Việt Nam) đều là những tác phẩm nghệ thuật để đời cho nhân loại
Cũng không thể bỏ qua ảnh hưởng của võ thuật trong các tuồng kịch nghệ hay sân khấu điện ảnh. Ở Trung Quốc có Kinh kịch (Bắc kinh), Việt kịch (Quảng đông), Dự kịch (Hà nam), Xuyên kịch (Tứ xuyên). Ở Việt Nam thì có Chèo (miền Bắc), Hát bộ (miền Trung), Cải lương (miền Nam). Tất cả các loại tuồng kịch đều lấy động tác võ thuật như múa kiếm, côn, đao thương, nhào lộn để diễn tuồng. Các loại nghệ thuật tuồng đều mượn võ thuật để diễn tả lại các nội dung của lịch sử, cổ xúy trừ gian dẹp loạn, trung quân ái quốc, đề cao nhân nghĩa.
Bước vào thế kỷ 21 nghệ thuật tuồng lần lần phải nhường bước cho nghệ thuật điện ảnh, trong đó các bộ phim hành động võ thuật rất là ăn khách, nội dung của các phim này cũng không ngoài bảo vệ kẻ yếu, nêu cao chính nghĩa, đem lại công bằng cho xã hội. Các bộ phim võ thuật hành động tiêu biểu như Rush Hour, Enter the Dragon, CrouchingTiger Hidden Dragon, Iron Monkey ,The last Samurai v.v...
Tài liệu tham khảo:
- Võ thuật Thần Kỳ - nxb Hà nội
- Sổ Tay Võ Thuật, cuốn 27, 30 và 31 - nxb Sàigòn
- Việt Võ Ðạo, Bàn Tay Thép và Trái Tim Từ Ái - nxb Thể Dục Thể Thao
- Căn bản Tae Kwon Do WTF – nxb Thể Dục Thể Thao
- Võ Thuật Cổ truyền Bình Ðịnh – nxb Ðồng Tháp
- Võ thuật Bình Định phái An Thái – nxb Long An
- Tôn Ngô binh pháp – nxb Thanh Hoá
- Miyamoto Musashi, The book of five rings – Bantam Wisdom Editions
- Journal of Asian Martial Art, volume 10 - Via Media Publishing Co
- The Zen way to the Martial Arts - Taisen Deshimaru - An Arkana book philosophy