Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 07-04-2008, 07:00 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 35 phút 40 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
BIỂU TƯỢNG CHÓ TRONG VĂN HÓA THẾ GIỚI - Jean Chevalier – Alain Gheerbrant

BIỂU TƯỢNG CHÓ

TRONG VĂN HÓA THẾ GIỚI

Jean Chevalier – Alain Gheerbrant



Có lẽ không có một nền huyền thoại nào mà lại không liên kết con chó: Anubis, T'ien K'uan (Thiên khuyển), Cerbère Xolotl, Garm,… với Thần Chết, với âm phủ, với hạ giới, với những vương quốc vô hình do các thần âm ty hay thái âm điều khiển. Biểu tượng rất phức tạp của con vật này ngay từ đầu đã gắn bó với bộ ba nguyên tố đất (thổ) - nước (thủy) - trăng (nguyệt) mà ý nghĩa huyền bí ta đều biết ở chúng: ý nghĩa âm tính, đồng thời là giá trị sinh trưởng, tính dục, bói toán, nền tảng, tất cả rất thích hợp với khái niệm về cái vô thức cũng như cái tiềm thức.

Chức năng huyền thoại đầu tiên của chó, được ghi nhận khắp nơi trên thế giới, là chức năng dẫn hồn, dẫn dắt con người trong bóng đêm của cõi chết, sau khi nó đã là bạn đường của con người trong ánh sáng ban ngày của cuộc đời. Từ Anubis đến Cerbère, thông qua Thot, Hécate, Hermès tất cả những nhân vật lớn dẫn dắt linh hồn, ở mọi giai đoạn lịch sử văn hóa phương Tây của chúng ta đã mượn bộ mặt chó. Nhưng trên toàn cầu, có nhiều loại chó, và trong mọi nền văn hóa, nó đều phân chia thành những biến tướng chỉ làm giàu cho ý nghĩa biểu trưng ban đầu.

Những con khỉ đầu chó, rất nhiều trong tranh tượng Ai Cập, được giao sứ mệnh giam giữ hoặc thủ tiêu những kẻ thù của ánh sáng và gác cổng các thánh địa, thánh thất.

Ở các bộ tộc Đức cổ, có một con chó khủng khiếp tên là Garm, chuyên gác lối vào Niflheim, vương quốc của những người chết, xứ sở của băng giá và bóng tối.

Người Mêhicô cổ nuôi những con chó chuyên để làm bạn đồng hành và dẫn đường cho những người chết sang thế giới bên kia. Người ta chôn cùng với người một con chó màu sư tử - tức là màu lửa - để nó hộ vệ người quá cố cũng như Xolotl, chó thần, đã từng hộ vệ Mặt Trời trong cuộc du hành dưới lòng đất. Hoặc là con chó được hiến sinh trên mộ chủ nó, để giúp chủ sau cuộc hành trình dài vượt qua được chín con sông lớn ngăn lối lên Chocomemictlan, bầu trời thứ chín, chốn ở vĩnh hằng của những người quá cố.

Ngay hiện nay ở Goatêmala, những người da đỏ Lacandon vẫn đặt ở bốn góc mộ của họ bốn tượng chó nhỏ làm bằng lá cọ.

Chòm sao thứ mười ba và là cuối cùng trong vòng Hoàng đạo Mêhicô cổ là chòm sao Chó; nó dẫn dắt đến những ý niệm về sự chết, sự cáo chung, về thế giới đất, nhưng đồng thời cũng về sự khởi đầu, đổi mới, như theo câu thơ của Nerval:

Chòm mười ba trở lại... vẫn là chòm thứ nhất.

Ở cực đối diện với Trung Mỹ, thí dụ này cho phép hiểu rõ hơn một số chi tiết trong các nghi lễ chôn cất của các dân tộc theo đạo Saman ở Xibia. Người Gold chẳng hạn, bao giờ cũng chôn người chết cùng với con chó của người ấy. Ngoài ra, ở một dân tộc cưỡi ngựa, con ngựa của người chết bị hiến sinh và thịt của nó được phân chia cho chó và chim là những con vật sẽ dẫn đường người quá cố vào những vương quốc âm phủ và thiên đường.

Ở Ba Tư và Bactriane, người ta phó mặc cho chó những người chết, người già và những người mắc bệnh. Ở Bombay, những người Parsi đặt một con chó bên cạnh người sắp chết, để cho người và chó nhìn vào mắt nhau. Khi một người đàn bà ở cữ chết, người ta đưa ra không phải một mà hai con chó, bởi vì phải đảm bảo cho cuộc du hành của hai linh hồn. Trên cây cầu huyền thoại Tschinavat, nơi các thần linh trong sáng và các thần linh ô trọc tranh giành các linh hồn, những linh hồn lương thiện được những con chó gác cầu ở phía các thần trong sáng dẫn lên thiên đường.

Nhưng thân thiết với cõi vô hình, con chó không thỏa mãn với vai trò dẫn dắt người chết. Nó còn đóng vai kẻ can thiệp giữa thế giới bên kia, phát ngôn cho những người sống để hỏi những người đã chết và các thần linh dưới đất về xứ sở của họ.

Chẳng hạn người ta quan sát thấy người Bantous ở Kasai (vùng trũng Congo) có thuật bói toán bằng thôi miên, theo thuật này người khách của thầy bói, nối với thầy bằng một sợi dây, được thả xuống một cái hố, để từ đó bắt liên lạc với các thần, nhờ sự có mặt ở hai bên anh ta, trong khi anh ta rơi vào trạng thái bị thôi miên, một con chó và một con gà mái. Cũng ở vùng ấy, việc nằm mơ thấy chó có nghĩa là ở đâu đó đương diễn ra một phép lạ. Cuối cùng, và thí dụ này có lẽ đáng ngạc nhiên nhất, cũng những người quan sát ấy phát hiện ra một tục lệ sau đây nhằm giải thích cái chết bí ẩn của một người nào đó trong làng: vị tù trưởng treo cổ con chó của người mới chết ấy lên cây, khoác cho nó một bộ lông báo có lẽ để truyền thêm cho con chó những năng lực hung bạo. Thân con vật được hiến sinh bằng cách ấy sau đó được chia cho dân làng và họ phải ăn, chỉ để lại cái đầu. Người tù trưởng canh giữ cái đầu ấy và sau khi đã lấy đất sét trắng trát lên nó, cầu khẩn nó bằng những lời thế này:

Hỡi ngươi, con chó và ngươi, con báo, hãy nhìn thật tốt!

Chó ơi, hãy ngửi cho ra cái chết đến với con người ấy từ phương nào

Ngươi nhìn thấy các linh hồn, ngươi thấy các pháp sư,

Đừng nhầm, hãy chỉ đúng ai có tội về cái chết của con người này!

Sau đó một thời gian, một trong làng trước đấy đã tham gia chia thịt chó mắc bệnh: con chó đã chỉ ra người có tội.

Cũng năng lực thấu thị ấy và quan hệ thân thiết của chó với cái chết và những sức mạnh vô hình của bóng đêm có thể, ở mức tột bậc, làm cho con vật này bị nghi là có phép ma. Trường hợp này được Evans - Pritchard ghi nhận ở người Azandé thuộc miền Trung Soudan (Xuđăng); ở đấy, qua kết quả các cuộc thử tội, người ta quy cho những con chó bị tình nghi trách nhiệm về những cái chết không giải thích được.

Những tập tục ở Xibia lặp lại tập tục châu Phi: trong tay các cỗ tang, người ta cho chó ăn cái phần của người quá cố với lời khấn:

Khi người còn sống, người tự ăn uống,

Bây giờ, khi người đã mất, anh linh người thụ lộc.

Bonyowski miêu tả một bộ y phục của thầy pháp Saman làm bằng da chó thuộc, điều này cho thấy rằng người ta gán cho con vật này cả năng lực bói toán. Cũng tín niệm này được tìm thấy ở Tây Phi, vùng bờ biển Nô lệ cũ. Bernard Maupoil tường trình: một trong những người cung cấp thông tin cho ông ta ở Porto - Novo đã nói riêng với ông rằng, để tăng cường năng lực bói toán cho chuỗi hạt của y, y đã chôn nó xuống đất mấy ngày, trong bụng một con chó được hiến tế.

Đối với người Iroquois, chó cũng là sứ giả can thiệp giúp người: hàng năm, vào những ngày tết năm mới, theo truyền thống người ta hiến tế một con chó trắng: sự hiến sinh này là tiết mục trung tâm của lễ hội. Con chó quả được xem như một sứ giả lập tức mang lên trời những lời cầu nguyện của con người.

Nếu chó xuống âm phủ, thì thường thường nó canh gác chốn ấy hoặc là cho các chủ nhân cõi âm vay mượn bộ mặt của mình; ngoài những thí dụ mà chúng tôi đã dẫn, có thể nêu ra vô số thí dụ khác. Trong thần thoại Hy Lạp, Hécate, nữ thần của bóng tối, có thể mang hình dạng một con ngựa cái, hoặc một con chó hay lui tới các ngã tư* cùng với bầy chó săn hung dữ theo sau. Cũng như thế, những thầy pháp ở Altai, khi họ thuật lại các cuộc đi xuống âm phủ của họ, đều xác nhận rằng họ phải đối phó với những con chó canh gác nơi ở của các chủ nhân âm phủ. Ngày thứ mười trong lịch sử bói toán của người Aztèque là ngày Chó; người chủ phù hộ ngày này là thần âm phủ, và bầu trời thứ mười là nơi ngự của các thần linh đêm.

Sự liên tưởng giữa các loại chó, các thần âm ty và tục hiến tế người rõ ràng phát xuất từ một huyền thoại Pêru tiền Inca được cha Avila dẫn trong cuốn sử biên niên của mình soạn vào thời kỳ đầu của cuộc đô hộ Tây Ban Nha. Theo huyền thoại này, sự thiết lập thời đại mới (có lẽ ứng với điểm khởi nguyên huyền thoại của chu kỳ nông nghiệp) được đánh dấu bằng chiến thắng của thần thiên giới, chủ của nước và lửa trên trời, đối với thần âm giới, chủ của lửa dưới đất. Sau khi đã dồn địch thủ của mình đến đường cùng vào một thung lũng cao trên dãy núi Andes và làm cho y trở thành bất lực, vị thần linh cõi trời quyết định rằng thay vì ăn thịt người, từ nay trở đi người sẽ phải ăn thịt chó, vì lý do ấy mà cha Avila kết luận, những người Yuncas sùng mộ vị thần bị phế truất, cho đến nay vẫn ăn thịt chó.

Là con vật hồn, cũng như Hermès, chó nếu gặp cơ hội, còn biểu hiện những khả năng chữa bệnh: trong thần thoại Hy Lạp, nó có mặt trong số các biểu hiện của Asclépios (Esculape của người Latinh), một anh hùng và vị thần của y học.

Cuối cùng, sự hiểu biết của nó về cõi bên kia cũng như bên này của cuộc sống con người làm cho con chó hay được hình dung như một anh hùng khai hóa, hoặc còn phổ biến hơn như là người chủ đã chiếm lĩnh được lửa, đồng thời như một thuỷ tổ huyền thoại; điều này đã đưa thêm vào biểu tượng chó một ý nghĩa tính dục.

Chẳng hạn, người Bambara ví nó với dương vật; theo lối uyển ngữ, người ta thậm chí dùng từ chó để chỉ bộ phận ấy. Theo Zahan, liên tưởng này có thể xuất phát từ phép so sánh giữa sự giận dữ - sự cứng lên-của dương vật trước âm hộ với tiếng sủa của chó trước người lạ mặt; nó cũng có thể xuất phát từ quan niệm về sự ham nhục dục của con người, mà tính tham lam của nó trong lĩnh vực này chỉ có thể tương đương với tính háu đói của chó.

Nhiều huyền thoại Tuyếc Mông kể về những người phụ nữ thụ thai bởi ánh sáng; thường thường ở các chuyện ấy có một chi tiết là sau khi đã nhập vào người đàn bà, ánh sáng rời bỏ người ấy dưới dạng một con chó vàng; điều này không khỏi gợi nhớ con chó màu sư tử, màu mặt trời tuyệt vời, của người Aztèque.

Chó và chó sói, mặt khác được xem là những con vật khởi thuỷ cho nhiều dòng họ Tuyếc Mông, một điều trùng ý nghĩa với nhiều huyền thoại Mỹ da đỏ và xác minh chúng. Thí dụ người Dené ở Bắc Mỹ cho rằng nguồn gốc loài người là từ những quan hệ bí mật của một phụ nữ với một con chó đực. Truyền thuyết Aztèque kể rằng Xololt, chó thần, đã đánh cắp từ âm phủ những hài cốt để từ đó, các thần linh tạo ra giống người mới.

Là thủy tổ huyền thoại của con người, chó cũng có vai trò khá nổi trội trong những công việc của mặt trăng; vì thế mà, cũng giống những con vật "nguyệt tính" khác như thỏ, cáo…, nó hay được xem như một thuỷ tổ hoặc một anh hùng hơi dâm dục. Ở Mélanésie, nó là thuỷ tổ của một trong bốn giai cấp xã hội đã được Malinowski nghiên cứu. Con chó cái nuôi Romus gợi liên tưởng tới muôn vàn những họ chó khác được tôn là những anh hùng khai hóa, luôn luôn liên quan với sự thiết lập chu kỳ nông nghiệp.

Nhưng cũng trong những truyền thống văn hóa ấy, con chó còn hay xuất hiện hơn như là một anh hùng sinh ra lửa, như tia lửa có trước tia lửa của sự sống hay là nhiều khi trùng hợp với nó. Chẳng hạn, người Chilouk ở vùng Nil Trắng và toàn bộ vùng thượng lưu sông Nil tin rằng con chó đã đánh cắp lửa ở con rắn nằm trên cầu vồng, ở các thần linh trên trời hoặc ở chính vị Thần Tối Thượng để mang xuống cõi trần, giấu tia lửa trong lông đuôi của mình. Trên đường chạy về nhà, cái đuôi của nó bị bốc lửa, và gào rú vì đau đớn, nó đã truyền lửa cho cây cỏ trong rừng rậm, và loài người đã lấy được lửa từ đấy. Người Fali ở Bắc Camơrun liên kết nó với con Khỉ đen, hóa thân của người thợ rèn đã đánh cắp lửa, còn đối với bộ tộc Prodovko láng giềng của họ thì chó đã đem lại cho con người hai cái quý nhất: lửa và cây kê. Người Ibo, Ijo và các sắc tộc khác vùng Biafra cũng tin rằng chó đã đánh cắp lửa trên trời mang xuống cho con người. Ở Nam Mỹ, Canis vetulus không chiếm lửa mà là chủ sở hữu đầu tiên của lửa; hai anh hùng sinh đôi dưới dạng sên và cá đã đánh cắp lửa cho y. Ở Bắc Mỹ, phép so sánh - liên tưởng giữa lửa với hành vi tính giao, được xác nhận trong nhiều huyền thoại khác biểu dương con chó như một anh hùng sinh ra lửa: chẳng hạn đối với người Sia và Navajo ở Mêhicô mới, người Karok, người Gallinomero, người Achomawi, người Maidu ở Californie; chó sói - anh hùng vĩ đại của thảo nguyên - đã sáng chế ra lửa bằng sự cọ sát hoặc đã đánh cắp lửa, giấu vào trong tai mang về cho người; nó còn tổ chức cuộc chạy đua tiếp sức, mà qua đó con người đã suy tôn nó như một thần linh.

Các huyền thoại châu Đại Dương nhấn mạnh nhiều hơn ý nghĩa tính dục trong biểu tượng chó, tuy nhiên vẫn luôn luôn gắn chặt với hành động chiếm lửa. Ở Nouvelle Guinée, nhiều bộ tộc cho rằng con chó đã đánh cắp lửa của chủ nhân đầu tiên là con chuột, lửa đây tất nhiên là lửa âm ty. Người Motu Motu và người Ozokaiva ở Papouasie tin chắc rằng chó là chủ của lửa, vì nó luôn luôn ngủ gần lửa và gầm gừ khi bị đuổi đi chỗ khác. Nhưng một huyền thoại ở Nouvelle Bretagne, cũng được Frazer dẫn, đã làm sáng rõ một cách đáng kinh ngạc mối liên hệ chó-lửa-tính dục. Một hôm, ông kể, những thành viên một hội bí mật của nam giới tập hợp để tìm hiểu bí quyết lấy lửa từ cọ sát. Một con chó đã quan sát họ và đã báo lại cho những người phụ nữ, điều nó đã phát hiện ra bằng cách này: nó nhuộm đuôi mình theo đúng màu của hội đàn ông kia rồi bắt đầu cọ cái đuôi ấy vào một miếng gỗ mà trước đó một người đàn bà đã ngồi trên đấy, cho đến khi bật ra lửa; lúc ấy, người đàn bà khóc òa lên và nói với con chó: Mày đã làm ô danh tao, bây giờ mày phải lấy tao.

Đối với người Murut ở Bắc Bornéo, chó vừa là tổ phụ huyền thoại vừa là anh hùng khai hóa: là đứa con đầu lòng của quan hệ loạn luân giữa một người đàn ông với em gái duy nhất của mình sống sót sau một cuộc đại hồng thủy, nó đã dạy cho loài người mới tất cả các kỹ nghệ mới trong đó có phép lấy lửa. Như vậy, nguồn gốc chu kỳ nông nghiệp một lần nữa được giải thích. Người Dayak láng giếng của người Murut thì cho rằng hôm sau trận hồng thủy, con chó đã tiết lộ cho một người phụ nữ bí mật của lửa bằng cách cọ xát đuôi mình vào một dây leo. Cuối cùng, trong một huyền thoại thuộc quần đảo Carolines, lửa đã được đem lại cho một người phụ nữ bởi thần Sấm hiện hình trước nàng dưới dạng một con chó. Thí dụ cuối cùng cho thấy rõ sự dao động của biểu tượng giữa lĩnh vực âm giới và thiên giới, và điều này đưa chúng ta trở lại với những người Trung Mỹ. Đối với người Maya, như chúng ta đã thấy, chó dẫn đường cho mặt trời trong cuộc hành trình dưới đất và vì thế nó biểu trưng cho mặt trời da đen; còn theo người Aztèque thì nó là sự tổng hợp, là đích thị của biểu tượng lửa.

Trong thế giới người Celtes, chó gợi liên tưởng với giới quân nhân. Trái ngược với thế giới Hy-La, ở người Celtes con chó là khách thể của những so sánh và những ẩn dụ có tính ngợi ca. Người anh hùng vĩ đại nhất của họ, Cùchulainn, có nghĩa là con chó của Culann, và chúng ta biết rằng tất cả những người Celtes ở hải đảo cũng như châu lục đều có chó luyện để chiến đấu và đi săn. Ví một người anh hùng với một con chó là đem lại vinh dự cho người ấy, biểu dương giá trị chiến sĩ ở người ấy. Mọi ý niệm xấu đều không có ở đây. Hình như cũng không có con chó gác cửa địa ngục giống như Cerbère. Chó ác tâm chỉ có trong folklore, có thể do ảnh hưởng của đạo Kitô; ở Bretagne, con chó đen trên núi Arée biểu thị cho những người bị nguyền rủa. Người anh hùng Ailen Cùchulainn có một kiêng kỵ chính trong ăn uống là thịt chó; và để buộc chàng phải chết, những mụ phù thuỷ mà chàng bắt gặp trên đường ra trận, đã đem thịt chó đến cho chàng và bắt chàng ăn.

Một số bình diện của biểu trưng chó mà chúng tôi vừa mô tả: anh hùng khai hóa, tổ phụ huyền thoại, biểu tượng của sức mạnh tính dục và, từ đó, của sức sống trường cửu, kẻ quyến rũ, kẻ hoang dâm tràn trề sinh lực, tựa hồ thiên nhiên mùa xuân hay sản phẩm của những mối tình vụng trộm - tất cả những cái đó làm nổi bật lên diện mạo dương tính, nhật tính của biểu tượng. Từ đó cũng cần xem xét cả diện mạo âm tính, dạ tính của nó. Một minh chứng có sức thuyết phục nhất ở đây là sự cấm kỵ không thể vượt qua mà con vật này phải chịu đựng trong các xã hội Hồi giáo.

Đạo Hồi biến con chó thành hình ảnh của tất cả những gì xấu xa đê tiện nhất trong thế gian. Theo Shabestari, quyến luyến với cõi trần thế, tức là tự đồng hóa mình với con chó ăn xác chết; chó là biểu tượng của sự tham lam, sự phàm ăn; sự cùng tồn tại của chó và thiên thần là không thể có được. Tuy nhiên, theo các truyền thuyết đạo Hồi, con chó đến năm mươi hai thuộc tính, trong đó một nửa là thánh thiện, một nửa là ác quái. Thí dụ, nó thức tỉnh, nó kiên nhẫn, nó không cắn chủ. Ngoài ra, nó còn sủa chống lại bọn thư lại.v.v… Tính trung thành của nó được ca ngợi: Khi con người không có anh em, chó là đứa em của người ấy. Trái tim chó đập hòa nhịp với trái tim chủ nó.

Chó cũng đưỡc em như loài vật nhơ bẩn. Các thần Jnũn thường xuất hiện dưới dạng những con chó đen. Tiếng chó sủa cạnh nhà là điềm báo trước cái chết. Thịt nó được dùng như một thứ thuốc (chữa vô sinh, chống lại vận xấu…). Ở Tanger, thịt chó con hoặc mèo con được ăn như một thứ thuốc giải độc chống lại phép phù thuỷ. Khác với các giống chó khác, chó săn lại được xem không phải như một con vật nhơ bẩn, mà lại như con vật có khiếu baraka. Nó che chở con người khỏi vía xấu. Người Hồi giáo ở Syrie tin rằng các thiên thần không bao giờ vào nhà nào có chó. Theo một truyền thuyết về Mohammad, ông này đã tuyên cáo rằng cái bình nào đã bị chó uống thì phải rửa bảy lần, lần thứ nhất rửa với đất. Tục truyền ông cũng cấm giết chó, trừ những con chó mực có hai đốm trắng trên mắt, giống chó ấy được coi là ma quỷ. Giết chó là làm ô uế bản thân mình; người ta nói giết một con chó xấu như giết bảy người; người ta tin con chó có bảy kiếp sống. Con chó canh gác Bảy Người Ngủ trong hang hay được nhắc đến trên các bùa.

Tuy thế, những người theo đạo Hồi vẫn phân biệt rạch ròi chó thường với con chó săn, mà dáng đi quý phái của nó biến nó thành một con vật trong sạch. Phái viên của Dante, veltro, là một con chó săn, con vật mà ta cũng thấy trên các bức tranh của Durer, và có thể đồng nhất hóa với nhân vật sẽ đến trước để báo về cuộc giáng thế thứ hai của Chúa Kitô. Con chó khạc lửa là biểu hiện của thánh Dominique, những tu sĩ dòng này xưa kia được gọi là Dominicanes (những con chó của Chúa), tức là những người bảo vệ Nhà của Chúa Trời bằng tiếng nói hoặc truyền lời mệnh lệnh của Ngài.

Ở Viễn Đông, ý nghĩa biểu tượng của chó là hai chiều đối nghịch nhau về bản chất: lành, bởi vì chó là bạn gần gũi của con người và canh gác gìn giữ nhà cửa của người; dữ, bởi vì nó có họ hàng với chó sói và chó núi, nó được xem như một con vật bẩn thỉu và đáng khinh. Cả hai bình diện này không ứng với bất kỳ một ranh giới địa lý nào, mà có đều tính phổ biến như nhau. Một ý nghĩa rất gần gũi được phát lộ ở Tây Tạng, nơi đây chó là biểu hiện của sự phóng dục, sự đam mê nhục dục và đồng thời của tính cả ghen. Ai sống như chó, Đức Phật dạy, thì khi thân xác tan rữa, sau khi chết người ấy sẽ đi với chó.

Ở Nhật Bản, chó nhìn chung rất được cảm tình: là bạn trung thành của người, hình ảnh nó bảo hộ cho trẻ em và giảm nhẹ sự nhọc nhằn, đau đớn cho các sản phụ. Ở Trung Hoa, chó là bạn đồng hành không kém phần trung thành của các vị tu Tiên, cho tận đến khi họ đắc đạo: đấng Đại Tôn, xuất hiện trên núi Thái Sơn dưới triều hoàng đế Vũ Hán, dắt theo mình một con chó vàng; con chó của Hantseu đã đổi màu thành đỏ như con chó trời, đã mọc cánh và trở thành bất tử. Nhà luyện đan Wei Poyang đã bay lên trời cùng với con chó của mình. Chó là tổ phụ và biểu rưng của một số bộ tộc, có thể của chính người Hoa, bởi vì Bàn Cổ (P'an Kou) có thể trước đó là một con chó.

Con chó Trời (Thiên Khuyển) là dông bão và sao băng: nó gây sấm và chớp; nó đỏ như lửa. Dĩ nhiên nó là đối thủ của con cú mèo ma quái, nhưng nó cũng báo hiệu chiến tranh. Để không cho cú mèo ảnh hưởng đến mình, người ta véo tai chó để cho chúng cất tiếng sủa. Dựa vào một số truyền thuyết cổ xưa, người Hoa hình dung cái hỗn mang dưới hình thức một con chó khổng lồ lông dài. Nó có mắt nhưng không nhìn thấy gì; có tai, nhưng không nghe thấy gì; nó không có năm phủ tạng, nhưng nó vẫn sống.

Một biểu tượng khác, điển hình của Trung Hoa là những con chó rơm. Việc sử dụng những hình con vật này trong cúng tế, như M.Kaltenmark gợi ý, có thể có nguồn gốc từ đạo Saman, đó là đồ để lọc những bùa yểm, dùng xong thì huỷ đi. Biểu tượng này, được cả Trang Tử vận dụng, khai thác một tính cách chốc lát của một báu vật mà người ta sẽ vứt đi, dày xéo hoặc đốt sau khi cúng lễ xong. Mọi vật đã không còn hữu ích nữa, Trang Chu kết luận, đều phải vứt đi, để chúng không gây tác hại. Lão Tử biến hình chó rơm thành biểu tượng chỉ tính phù du của mọi vật trong thế gian này mà người hiền chối từ không quyến luyến. Theo Trang Tử: những con chó rơm, khi chưa bày để cúng tế thì được cất kỹ trong rương, bao bằng gấm thêu. Khi đã bày cúng xong rồi thì phải đốt đi, bởi vì nếu lại dùng chúng một lần nữa thì mọi người trong gia đình sẽ đều bị ác mộng giày vò.

Khu vực Trung Á đã cung cấp những huyền thoại có thể được xem là trung gian, những missing links, mà qua đó ta có thể hiểu được vì sao con chó dần trở thành một con vật ô trọc, bị nguyền rủa, mang một vết nhơ nguyên lai không thể xóa tẩy.

Theo một bộ phận người Tatar, Thượng đế khi sáng thế đã giao cho con chó canh gác loài người, ngăn chặn không cho quỹ dữ tới gần con người. Nhưng chó đã để cho kẻ thù mua chuộc và vì thế đã trở thành kẻ chịu trách nhiệm về sự sa ngã của con người. Theo người Yakoute, Thượng đế ban đầu tín cẩn giao những hình ảnh của mình cho chó canh giữ, nhưng nó đã để cho quỷ dữ bôi nhọ; để trừng phạt, Thượng đế đã bắt chó phải mang hình dạng hiện nay. Có nhiều dị bản lặp lại đề tài này ở những thổ dân sống dọc sông Volga, gần gũi với người Phần Lan. Tất cả chúng đều có một chi tiết chung quan trọng: con chó nguyên thuỷ lõa thể đã phải khoác lấy lông của quỷ dữ để trả giá cho sự phản bội của mình. Như vậy là sự phản bội đã được vật chất hóa thành bộ lông thú; nó dần dần biến sinh linh môi giới này thành một con vật nhơ bẩn, không sờ đến được; hơn thế nữa, sự phản bội ấy còn đem đến cho loài người những bệnh tật, những nhơ bẩn bên trong, tất cả những cái đó, cũng như bộ lông của chó, đều phát sinh từ nước bọt của quỷ dữ; và cũng như thế, con chó trở thành kẻ chịu trách nhiệm về sự chết, hệ quả cuối cùng của những tai họa ấy, của sự làm bẩn và sự nhỏ dãi ấy. Người Bouriate nói rằng Thượng Đế đã nguyền rủa con chó bội phản bằng những lời sau đây: Người sẽ mãi mãi khổ sở vì đói, người sẽ phải gặm xương, ăn những thức ăn thừa của con người, và họ sẽ đánh đập người không biết thương xót.

Ở điểm cực của bình diện ác hại này, biểu tượng chó gặp gỡ biểu tượng con dê đực chuộc tội.

Uno Harva nhìn thấy ở những huyền thoại Á châu này một vết tích của tín ngưỡng nhị nguyên cổ Ba Tư và nhân tiện nhớ ra rằng trong nền tôn giáo ấy chó, con vật của thần thiện Ahuda Mazda đóng vai trò rất quan trọng trong việc săn đuổi các thần ác: một đường đi mới của quả lắc biểu tượng trong thần thoại. Theo cách diễn đạt của Jean-Paul Roux, có thể nói rằng trong tư duy các dân tộc châu Á, tính nhị nguyên nội tại ấy của biểu tượng chó - con vật vừa là che chở và ban phước lành lại vừa gánh chịu sự nguyền rủa của Thượng đế - đã biến nó thành một thiên thần sa đoạ về bản chất.

Tóm lại, chó là một biểu tượng với nhiều bình diện đối nghịch mà tất cả các nền văn hóa đều không đoạn tuyệt với một bình diện nào. Nhưng thật đáng ngạc nhiên nếu ta nhớ lại rằng đối với những nhà giả kim học và các hiền triết, con chó bị chó sói xé xác biểu thị sự tẩy rửa vàng bằng antimon, là giai đoạn áp chóp của Công trình vĩ đại. Vì vậy, chó và chó sói là gì ở đây, nếu không phải là hai bình diện của một biểu tượng đã nói ở trên; ở hình ảnh bí hiểm này, biểu tượng ấy có thể đã tìm thấy sự giải quyết mâu thuẫn và đồng thời ý nghĩa cao nhất của mình: chó và chó sói cùng một lúc, tức là nhà hiền triết hoặc thánh nhân, tẩy uế mình bằng cách xé xác mình, có nghĩa là hy sinh bản thân mình đề cuối cùng đạt được đỉnh điểm của thắng lợi tinh thần.

J.C-A.G

(Trích Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Đà Nẵng, 1997)



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
biểu tượng chó, biểu tương chó sói, bieu tuong cho soi, bieu tuong con chó, bieu tuong con cho, bieu tuong con cho', bieu tuong cua cho soi, bieu tuong hinh con cho, bieu tuong ve con cho, bieu tuong ve loai soi, hinh bieu tuong cho soi, mơ thấy chó

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™