Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, để giành thế chủ động và “ chiến thắng trên địa bàn Tây Nguyên, quyết định thắng lợi ở miền Nam Việt Nam”, “bộ óc điện tử” - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đương thời, McNamara cho ra đời Sư đoàn Kị binh bay vào đầu những năm 60. Giới quân sự Mỹ coi đây là “bảo bối” là “phát minh chiến thuật kỳ diệu nhất trên lĩnh vực biên chế tổ chức đơn vị quân sự sau Chiến tranh thế giới thứ hai”.
Biên chế của nó lúc đương thời gồm 15.780 quân, được trang bị 434 máy bay trực thăng, 1.600 xe các loại, 54 khẩu pháo 105mm, 78 dàn rốckét với 1.872 ống phóng lắp trên máy bay trực thăng vũ trang. Với ưu thế nhiều mặt, nó được giao nhiệm vụ “tìm và diệt” đối phương và cũng để phản ứng kịp thời, thích hợp trong chiến tranh “chống nổi dậy” ở Việt Nam.
Thế mà chỉ mới tham chiến hơn 1 tháng tại chiến dịch Pleime - Gia Lai (từ ngày 19/10 đến ngày 26/11/1965) cái “bảo bối” của quân đội Mỹ đã bị quân và dân ta trên mặt trận Tây Nguyên đánh cho tan tác, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.700 tên Mỹ, 1 chi đội xe M113, 1 chi đoàn thám thính bị diệt gọn, 59 máy bay, 88 xe bọc thép bị bắn rơi và phá hủy.
Chiến dịch Pleime là chiến dịch đầu tiên quân và dân ta đánh thắng oanh liệt cả quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa - đặc biệt là lực lượng tinh nhuệ được trang bị hiện đại cơ động chủ yếu bằng trực thăng: Sư đoàn Kị binh Không vận số 1 của Mỹ.
Tiếp theo các trận đầu thắng Mỹ ở đồng bằng Khu V và miền Đông Nam Bộ, chiến thắng Pleime đã bước đầu định đoạt số phận của chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, mở ra tiền đề đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ tại Việt Nam.
Để khách quan trong xem xét về thắng lợi chiến dịch Pleime của quân và dân ta, chúng tôi xin trích giới thiệu một số nhận định, đánh giá, kết luận của một số nhân vật “nổi tiếng” đã từng tham gia cuộc “đọ sức” lịch sử này, mà chủ yếu từ nước Mỹ.
Phóng viên AP Peter Arnett, sau khi theo chân “những người bạn” tham chiến tại Pleime, đã đánh giá tinh thần quân Mỹ trên chiến trường là “thấp hơn ngọn cỏ”. Ở họ mưa trong rừng cũng tưởng đối phương mò tới gần, bắn. Tiếng cành cây gãy, tưởng tiếng chân người, bắn. Thấy một ụ mối giống hình người cũng bắn xối xả. Như vậy họ khó mà chiến thắng...
Còn nhận xét về trang bị của quân đội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó sang thăm Việt Nam Cộng hòa đã đóng vai một nhà báo chiến trường đến “tham quan” chiến dịch Pleime về nói như sau: “Quân đội Mỹ ở Việt Nam đã có đủ những vũ khí và phương tiện mà những người chỉ huy quân sự các nước khác chỉ thấy trong mơ. Thế mà, mỗi khi đối phương đã tiếp nhận giao chiến là trên 90% các trận đánh, quyền chủ động thuộc về họ...”.
Kết thúc cuộc chiến, bình luận về chiến dịch Pleime Thống tướng Westmoreland cho biết: tổn thất của Hoa Kỳ trong trận này là nặng nề hơn mọi trận đánh khác từ trước đến nay. Trong khi đó báo đài của các nước thì liên tục đưa tin, bài, ảnh về trận Pleime.
Ngày 18/11/1965, nhật báo Chánh đạo dẫn nguồn tin từ Đài Phát thanh Australia: Trận đánh 3 ngày qua (14, 15, 16/11/1965) ở Pleime là một trong những trận đánh ác liệt nhất giữa quân đội Mỹ và Việt Cộng để dành ngọn núi (Chư Prông).
Số tổn thất về nhân mạng của quân đội Mỹ trong trận này nhiều hơn bất cứ trận đánh nào khác ở Việt Nam”. Tiếp đến ngày 6/12/1965, báo Chiến đấu của nước Pháp lại đưa tin: “Hai chữ Ia Đrăng ngày nay đã gợi lên trong tâm trí hàng chục triệu dân Mỹ hình ảnh hãi hùng của những người lính Mỹ thuộc Sư đoàn Cơ động máy bay số 1 bị thương và chết... hàng chục ngàn người Mỹ đã biểu tình trước Nhà Trắng hoặc gửi đăng trên tờ Thời báo New York những bản tuyên ngôn lấp kín 2 trang báo để khuấy động dư luận quần chúng, trong nước Mỹ chỗ nào cũng có những cuộc hội họp, biểu tình... Một vấn đề đã được đặt ra đối với họ là: “Tại sao lại dẫn thân đến Ia Đrăng để chết ở đó”.
Song có lẽ thực tế hơn cả là Trung tá Moore trên cương vị Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 3 Kị binh Không vận chiến đấu ở Pleime, sau trận chiến đã kết luận: Chủ lực Quân giải phóng là “một đối tượng ngoan cường”. Diễn biến từ chiến dịch Pleime cho thấy: “Nếu có tin là có thể đánh bại được họ thì sẽ còn phải tốn nhiều xương máu người Mỹ hơn nữa và sẽ không bao giờ tiêu diệt được quân chủ lực giải phóng Việt Nam...”.
Galloway, một phóng viên chứng kiến từ đầu tới cuối chiến sự Pleime sau nhiều năm suy ngẫm đã đưa ra một kết luận hết sức chua xót, thấm thía và đánh giá như sau: “Thất bại ở thung lũng Ia Đrăng (Pleime) đã làm cho người Mỹ bị suy thoái và sa lầy vào một thập kỷ đẫm máu, đã dẫn 58.000 người Mỹ vào những quan tài bằng nhôm sáng bóng do quân đội Mỹ sản xuất, đã làm hỏng một đời tổng thống, mang lại vết dơ sâu sắc cho các đời tổng thống khác và đẩy cả dân tộc Mỹ tới chỗ đối lập với chính bản thân mình”.
Ngày 27/11/1965, một ngày sau khi kết thúc cuộc đọ sức ở Pleime, 25.000 người dân Mỹ đã tham gia một cuộc biểu tình trước Đài kỷ niệm Washington tố cáo chính quyền Johnson mở rộng chiến tranh ở Việt Nam.
Tướng Westmoreland hai ngày sau khi kết thúc thảm bại chiến dịch Pleime đã buồn bã điện về Nhà Trắng thông báo: “Giờ đây tôi đang phải đương đầu với một cuộc chiến tranh quy ước mà chỉ có lính Mỹ mới chọi nổi quân Bắc Việt Nam”.
Năm 1994, Moore đã sang thăm Việt Nam, thăm lại Pleime. Tại đây ông đã công khai kết luận trước các đối thủ cũ của mình rằng: Pleime chính là cột mốc lịch sử mở đầu cho sự thất bại của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Nó đã làm mất uy thế bách chiến, bách thắng trong lịch sử hình thành và phát triển của quân đội Hoa Kỳ. Mặt khác, chính Pleime còn là một trong những nguyên nhân bắt đầu mở ra “hội chứng Việt Nam” gây ra sự ám ảnh dai dẳng, nặng nề đối với quân đội Mỹ
Bài: Lê Hân
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: