Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 16-10-2008, 04:08 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Chào Mừng Ngày 20-10:Mẹ bình dị, mẹ anh hùng

Mẹ ngồi đó gần gũi, giản dị mà rất đỗi thân thương. Tuổi 78 cùng những mảnh đạn vẫn còn trong người khiến mẹ đau yếu luôn. Mẹ ít nói về mình nhưng câu chuyện cuộc đời của mẹ mà chúng tôi được nghe thì như một huyền thoại. Mẹ là người phụ nữ được vinh dự mang hai danh hiệu anh hùng: Mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng.

Chiến công thầm lặng

Mẹ sinh ra ở xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), một làng quê giàu truyền thống cách mạng. Ký ức tuổi thơ còn ám ảnh đến tận bây giờ là những ngày thực dân Pháp đi càn, xả súng tàn sát dân làng. Bà con lấy ngày 27 tháng Chạp hằng năm là ngày giỗ chung. Bốn tuổi thì mồ côi mẹ, cha hoạt động cách mạng rồi bị đày ra Côn Đảo, gửi lại mấy anh em cho bà con chòm xóm nuôi giùm. Vì sợ địch biết tung tích nên các con đều phải khai sinh theo họ mẹ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, người cha của mẹ từ Côn Đảo trở về. Trong số những người đồng đội của ông, có chú Hai Hùng (đồng chí Phạm Hùng-khi đó giữ chức Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ), thường hay qua lại thân thiết như người nhà. Chú Hai chính là người giác ngộ và dìu dắt mẹ đi theo cách mạng và trực tiếp giới thiệu mẹ vào tổ tự vệ mật với nhiệm vụ chuyển vũ khí, lựu đạn, nắm tình hình địch và giao liên các nút trạm.

Mẹ trở thành người chiến sĩ biệt động đầu tiên trong tổ vũ trang đô thị-tiền thân của Đội Biệt động Sài Gòn-Gia Định. Trong lịch sử hoạt động, Đội đã từng 5 lần bị mất phiên hiệu vì hy sinh gần hết. Bản thân mẹ thường xuyên phải độc lập chiến đấu với 11 tấm căn cước giả. Trên cương vị chiến đấu và chỉ huy chiến đấu bí mật trong lòng địch, chiến sĩ biệt động Nguyễn Thanh Tùng đã chiến đấu xuất sắc hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt 26 tên giặc, bắt 37 tên. Trong công tác xây dựng cơ sở, mẹ xây dựng được 10 nút giao liên, 4 nơi cất giấu vũ khí, 2 hầm nuôi cán bộ, vận động hàng chục thanh niên bổ sung cho lực lượng Biệt động thành. Mẹ từng vận chuyển 16 lượt vũ khí, trên một tấn thuốc nổ vào nội thành để đánh các mục tiêu quan trọng. Trong chiến đấu, đã 2 lần mẹ bị thương, nhưng thật tài tình là trải qua bao nhiêu lần hiểm nguy, mà không lần nào bị rơi vào tay giặc. Mẹ bảo: “Bản thân có nỗ lực, mưu trí, sáng tạo nhưng tất cả là nhờ bà con đùm bọc, che chở”.

Có chồng, con mẹ trong hình hài Tổ quốc

Mẹ lấy chồng ban đầu cũng là để dễ bề hoạt động, nhưng rồi tình yêu, hạnh phúc nảy nở từ tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu. Chồng của mẹ là chiến sĩ biệt động Phạm Văn Tám, sinh ra trong một gia đình cách mạng trung kiên, có 11 anh em thì hy sinh mất 6 người. Hai vợ chồng cùng hoạt động trong nội thành nhưng chẳng mấy khi được gần nhau. Kết quả của những lần gặp gỡ ngắn ngủi là hai người con trai Phạm Quốc Nam (sinh năm 1956) và Phạm Quốc Trung (sinh năm 1958) lần lượt ra đời trong lòng địa đạo Phú Thọ Hòa. Khi các con vừa đầy thôi nôi, mẹ gửi lại cơ sở nuôi ăn học, còn mình tiếp tục đi công tác.

Năm 1967, chuẩn bị cho Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, mẹ được gặp chồng nhưng đâu ngờ đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Tháng 10 năm đó, chồng mẹ hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở nội thành. Thương các con chịu cảnh mồ côi cha, nhưng mẹ cũng không thể ở bên con để bù đắp, ngược lại, chính các con lại là người động viên mẹ. Mẹ gạt nước mắt khi nghe đứa con trai mới 11 tuổi đầu nói: “Anh em con còn mẹ mà mất cha. Thù cha chúng con nhất định phải trả”. Các con của mẹ lớn lên vừa đi học vừa làm liên lạc và sau đó gia nhập Tiểu đoàn 1 và 316 đặc công.

Đầu năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cuối. Tháng 2-1975 - hai tháng trước ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, trong trận đánh ở cầu Rạch Chiếc (Thủ Đức) của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 316 đặc công phối hợp, hai người con trai của mẹ đã anh dũng hy sinh. Hôm đó là ngày 1-2-1975. Thời điểm đó, mẹ đang chuẩn bị cho một trận đánh quan trọng. Trước sự lo lắng của mọi người, mẹ nuốt nước mắt, bảo: “Hai con tôi hy sinh, tôi đứt đi từng núm ruột, các đồng chí mất đi những chiến sĩ kiên trung. Chúng ta càng phải tiếp tục chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”... Nói rồi, mẹ ngất xỉu. Mấy tiếng đồng hồ sau tỉnh lại, tiếng súng từ Biên Hòa, Long Thành vang lên dồn dập, như nhắc nhở mẹ nhiệm vụ còn đó, trận đánh đã được chuẩn bị với bao công sức của đồng đội mới bắt đầu… Và ngày 30-4-1975 ấy, trên cương vị quận đội trưởng quận 9, mẹ đã chỉ huy các lực lượng vũ trang và quần chúng địa phương đánh chiếm trụ sở quận, chiếm toàn bộ lô cốt, kho tàng, cùng 27 tàu hải quân ngụy đóng ở cảng Thủ Thiêm trước khi Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Mẹ bảo, ngày đổi đời của dân tộc, của đất nước, cái vui là cái vui chung, cái mừng là cái mừng lớn, so với nhiều đồng đội cùng thời với mẹ đã ra đi mà không thấy được độc lập, thì mình vẫn còn may mắn... Thế nhưng...

Mẹ đưa tay lau vội hàng nước mắt rồi lại bình thản nói chuyện. Mấy chục năm rồi, nước mắt chảy vào trong.

VƯƠNG HÂN



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
20/10 mẹ, tho hai chao mung 20-10



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™