10 sự kiện tiêu biểu Thể thao Việt Nam: Từ SEA Games 26 đến VPF
1. Đoàn thể thao VN thi đấu thành công ở SEA Games 26, bảo vệ vị trí trong top 3 khu vực và chứng tỏ sự tiến bộ rõ rệt của thể thao VN khi giành được rất nhiều huy chương ở các môn thuộc hệ thống thi đấu của Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng, TDDC, đấu kiếm.
2. VĐV Phan Thị Hà Thanh xuất sắc giành được HCĐ tại giải TDDC VĐTG diễn ra tại Nhật Bản. Nhờ thành tích này, Hà Thanh đã nhận được vé chính thức tham dự Olympic London 2012. Chiếc HCĐ của Hà Thanh đánh dấu một cột mốc lịch sử với thể thao VN nói chung và TDDC VN nói riêng, bởi đây là một trong những môn thể thao cơ bản thuộc hệ thống thi đấu Olympic.
Phan Thị Hà Thanh (giữa) xuất sắc giành được HCĐ tại giải TDDC VĐTG diễn ra tại Nhật Bản
3. ĐT U23 VN thi đấu thất bại ở SEA Games 26 với việc không giành nổi chiếc huy chương nào, từ đó dẫn tới việc HLV trưởng Falko Goetz và TTK VFF Trần Quốc Tuấn phải ra đi trước nhiệm kỳ.
4. Tháng 3/2011, HLV trưởng ĐTQG VN Henrique Calisto xin đơn phương chấm dứt hợp đồng với VFF để chuyển về làm việc tại CLB. Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, HLV trưởng ĐTQG chủ động xin từ nhiệm giữa chừng để gia nhập một CLB của Thái Lan, các đời HLV ngoại trước đó của ĐTQG VN khi chấm dứt hợp đồng với VFF đều có cùng nguyên nhân, hoặc bị sa thải hoặc không được gia hạn.
5. Bóng đá VN ở cấp độ CLB có sự cải tổ mạnh mẽ khi quyền tổ chức giải được trao lại cho chính các thành viên của giải đấu, với sự ra đời của Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF). Trong sự kiện này, vai trò của những ông bầu đã quen tên biết mặt với người hâm mộ bóng đá VN như ông Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội), ông Đoàn Nguyên Đức (HA.GL), ông Võ Quốc Thắng (ĐT.LA) là rất nổi bật…
6. Năm 2011 có thể coi là quãng thời gian buồn vui lẫn lộn với điền kinh VN, khi biểu tượng số một của điền kinh VN trong 6 năm qua là Vũ Thị Hương thi đấu không thành công ở SEA Games 26 vì nhiều lý do, nhưng bên cạnh đó điền kinh VN lại giới thiệu được một loạt tài năng trẻ rất có triển vọng như Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Dương Văn Thái (800m)… Ngoài ra, việc một số cựu binh như Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện tiếp tục thể hiện phong độ ổn định cũng là tín hiệu tích cực của điền kinh VN.
7. Sau đúng 10 năm, SLNA, đội bóng giàu truyền thống nhất VN hiện tại, mới lại giành được chức VĐQG ở V-League 2011. SLNA cũng là đội bóng hiếm hoi ở Super League hiện nay có mô hình tương đối chuẩn mực, trong đó quan trọng nhất hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ bản địa để cung cấp lực lượng cho đội một.
8. Lần thứ 2 liên tiếp, ĐT U19 VN vượt qua vòng loại để giành vé tham dự VCK giải U19 châu Á 2012. Trước đó, ĐT U19 VN từng có mặt ở VCK giải U19 châu Á 2010. Kết quả này cho thấy bóng đá trẻ VN không phải là không có tiềm năng, mà vấn đề là cách khai thác của những người làm bóng đá VN có thực sự hiệu quả hay không mà thôi.
9. Lê Quang Liêm trở thành kỳ thủ Siêu Đại kiện tướng quốc tế sau khi thiết lập hàng loạt thành tích nổi bật trong năm 2011, chẳng hạn như bảo vệ thành công ngôi vị quán quân tại giải Aeroflot, á quân giải Siêu Đại kiện tướng quốc tế Dortmund, vô địch Spice Cup và SEA Games 26, qua đó vươn lên vị trí thứ 25 thế giới, góp phần quan trọng giúp cờ vua VN xếp hạng thứ 3 châu Á.
10. Là VĐV hiếm hoi của một môn thể thao Olympic (cầu lông) ở VN đạt đến trình độ hàng đầu thế giới, năm 2011 Tiến Minh đã lập được thành tích xuất sắc là VĐV cầu lông VN vào tới tứ kết giải VĐTG diễn ra tại Anh tháng 8 năm 2011 và vươn lên vị trí số 7 thế giới, thứ hạng cao nhất mà Tiến Minh từng giành được. Tuy nhiên, đến SEA Games 26 Tiến Minh lại thi đấu không thành công và bị loại ngay ở trận đánh đơn thứ 2.