( Sutvao.com ) Bóng đá Việt Nam đã có 11 năm lên chuyên nghiệp và các đội bóng đã trải qua nhiều xu hướng khác nhau để đi đến thành công. Từ năm thứ 12 với sự ra đời của giải ngoại hạng thì các đội bóng sẽ đi theo xu hướng nào để bước lên ngôi vô địch? Với những qui định mới, luật chơi mới chúng ta cùng dự đoán xem xu hướng nào sẽ được phát triển thành khuôn mẫu cho BĐVN.
Xu hướng của 11 năm chuyên nghiệp
Với việc CLB SLNA vô địch V_League 2011 cùng một lần vô địch vào những năm đầu BĐVN lên chuyên nghiệp (2001), 2 chức vô địch của SLNA và một chức vô địch của Cảng Sài Gòn (2000) thì nó đã vô hình chung khẳng định một phần "chân giá trị" của công tác đào tạo trẻ và giá trị truyền thống. SLNA xứng đáng là lò đạo tạo trẻ số một của cả nước! nhưng xen cạnh với việc SLNA lập được cú đúp vô địch trong khoảng 11 năm BĐVN lên chuyên nghiệp thì cũng không ít những lò đào tạo có tiếng của cả nước đã chết yểu khi không theo nổi ma lực của đồng tiền trong bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam: Đó là một Thể Công đã bị giải thể, một Nam Định từ thi đấu tại giải đấu cao nhất của Việt Nam hiện đang ngoi ngóp tại giải hạng nhì, đó là một Đồng Tháp luôn khởi đầu mỗi mùa giải với mục tiêu trụ hạng. BĐVN trong 11 năm chuyên nghiệp đã có không ít các CLB lên ngôi với hơi thở đồng tiền của các ông Bầu. chúng ta có thể điểm lại một vài đội bóng như sau:
Đó là hai lần lên ngôi liên tiếp của HAGL (2003-2004) với cách làm bóng đá táo bạo của Bầu Đức những năm đầu bước chân vào làng bóng Việt! Khi HAGL lên ngôi vô địch mang đậm dấu ấn của các ngoại binh Thái Lan kết hợp với các tuyển thủ chất lượng Việt Nam, khi đó Bầu Đức đã khai sinh ra "mốt" chơi hàng Thái của nhiều CLB tại V_League tại thời điểm ấy
Đấy là hai lần lên ngôi liên tiếp của ĐT.Long An (2005-2006) của Bầu Thắng với các cầu thủ Braxin kết hợp với một số tuyển thủ Việt Nam xuất sắc như anh em nhà Tài EM, Minh Phương…! Đó cũng là thời kỳ mở ra một xu hướng sử dụng ngoại binh mới đó là: thích dùng cầu thủ đến từ Nam Mỹ và Châu Phi.
Đấy là hai lần lên ngôi liên tiếp của Becamex Bình Dương (2007-2008)với sự đầu tư mạnh mẽ của Becamex đã biến Bình Dương thành đội bóng từng được mệnh danh là "Chelsea của Việt Nam", khi mà tất cả các vị trí trên sân của Bình Dương vào thời điểm đó đều là những "ngôi sao", đó là tập hợp của nhiều tuyển thủ quốc gia Việt Nam và một số cầu thủ Braxin chất lượng. Cách xây dựng đội hình của Bình Dương có nét giống với ĐT. Long An nhưng đội hình của Bình Dương có chiều sâu hơn nhiều.
Đấy là 2 lần lên ngôi vô địch của hai đội bóng mà Bầu Hiển hâm mộ: năm 2009 là Đà Nẵng và 2010 là Hà Nội T&T. Đây là giai đoạn mà Bầu Hiển đầu tư rất nhiều tiền của vào bóng đá và bước đầu gặt hái thành công khi Đà Nẵng lên ngôi rất thuyết phục với dàn cầu thủ đã chơi bóng với nhau nhiều năm và mang nhiều dấu ấn của nội binh. Còn Hà Nội T&T lại lên ngôi một cách đầy may mắn mà theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn là "các đối thủ đã tự thua".
Với số lần vô địch của các đội bóng "lắm tiền nhiều của" lấn át hoàn toàn các đội bóng có truyền thống và công tác đào tạo trẻ tốt (8/3). Nó đủ giải thích tại sao các đội bóng lại chạy đua mạnh mẽ về mặt tiền bạc trong bóng đá đến vậy. Để rồi trong mùa giải 2011 theo tính toán mỗi ông Bầu trung bình phải bỏ ra 80 tỷ đồng để nuôi đội bóng. Có thể tạm thời khẳng định xu hướng chung trải dài suốt 11 năm của bóng đá chuyên nghiệp là xu hướng "dùng đồng tiền đổi lấy thành công thanh chóng".
BĐVN sẽ thế nào sau cuộc cách mạng của các ông Bầu
Giải ngoại hạng và thời của Bầu Kiên đã đến?
Có thể khẳng định giải ngoại hạng ra đời nó sẽ hạn chế được phần nào sức mạnh ghê gớm của đồng tiền trong 11 năm của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng từ năm 2012 BĐVN hay nói đúng hơn là các CLB sẽ đi theo xu hướng nào để đổi lấy thành công? Có thể khẳng định đó là những đội bóng hợp thời và biết vận dụng khéo léo đúng luật các qui định VPF đưa ra,từ mùa giải 2012 các CLB muốn tiêu thật nhiều tiền cũng khó, muốn dùng tiền "doping tiền thưởng" để thúc đẩy tinh thần thi đấu của các cầu thủ theo cách làm của Bầu Hiển trước đây cũng không được( vì đã có những qui định rõ ràng về chuyện này). Vậy muốn thành công các CLB phải có được 2-3 ngoại binh chất lượng cao,cùng một dàn cầu thủ nội và nhập tịch đồng đều, biết vận dụng qui định về cầu thủ Việt Kiều khéo léo, cùng với đó là phải có dàn cầu thủ trẻ chất lượng. Đó là công thức để đi đến thành công nhưng việc có lên ngôi Vô Địch hay không thì đấy là câu chuyện phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa trong hoàn cảnh BĐVN hiện tại.
Với những diễn biến trong thời gian vừa qua thì người hâm mộ dễ dàng nhận thấy Bầu Kiên của CLB bóng đá Hà Nội hiện lên như một "kẻ thách thức vĩ đại" với mọi ông Bầu khác. Khi những mục tiêu chuyển nhượng nội binh, Việt Kiều và ngoại binh luôn rất hợp lý và đi theo đúng đường hướng mà VPF vạch ra, cùng với đó là việc ông giành hẳn CLB trẻ Hà Nội sẽ chơi ở giải hạng nhất mùa tới của mình để "luyện binh". Rõ ràng với những gì mà Bầu Kiên thể hiện trong thời gian vừa qua với VFF và VPF cùng các CLB mà mình có thì ông tỏ rõ quyết tâm làm bóng đá một cách chuyên nghiệp của mình, chứ không còn làm "chơi chơi" như 11 năm trước nữa. Và với những gì ông "nói được làm được" trong thời gian vừa qua khi cho "knock out" VFF cùng với sự ra đời của VPF thì việc ông quyết tâm làm bóng đá khiến nhiều người tin tưởng rồi ông sẽ thành công vấn đề chỉ là thời gian mà thôi!
Ngày khai mạc mùa giải ngoại hạng 2012 không còn lâu nữa! Người hâm mộ cả nước đang háo hức chờ đợi xem BĐVN sẽ thế nào sau cuộc cách mạng của các ông Bầu, và điều được chờ đợi không kém là "xu hướng mới nào sẽ ra đời". Chúng ta cùng chờ và hy vọng những xu hướng mới
đó sẽ giúp BĐVN vươn tới những đỉnh cao mới, những thành công mới!
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: