Việc Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam có Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự bất bình và phản đối trước sự độc quyền phát sóng của kênh truyền hình K+ đang khiến dư luận quan tâm. Đây là “bức tối hậu thư” khi mà sự độc quyền của K+ càng lấn tới thâu góm nhiều giải đấu của Âu Châu và bán gói cước với giá quá cao so với thu nhập của người dân.
Xúc phạm người nghèo và nhạo báng tình yêu thể thao?
Theo bức thư cho biết: Khi Truyền hình Việt Nam tách riêng các giải bóng đá hàng đầu Châu Âu để bán trong các kênh truyền hình cáp, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã một phen thiệt thòi. Rất nhiều khán giả ở các tỉnh xa, những khán giả nghèo đã không còn được xem các trận cầu đỉnh cao trên Đài truyền hình quốc gia Việt Nam nữa.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sau sự ra đời của kênh truyền hình K+, một liên doanh giữa Đài truyền hình quốc gia Việt Nam với một kênh thể thao nước ngoài, các trận đấu của các giải ngoại hạng Anh (Premier League), giải Tây Ban Nha (La Liga)… tiếp tục được tách để bán trong một kênh truyền hình riêng thì có lẽ sự việc đã vượt quá sự chịu đựng, cả về khả năng tài chính cũng như sự kiên nhẫn của khán giả, người hâm mộ cả nước.
Có một sự thật là từ khi Đài truyền hình ViệtNam, một đài quốc gia tham gia liên doanh để thành lập kênh K+ , thì giá thuê bao chỉ để xem những trận bóng đá đã đội từ 45 ngàn đồng mỗi tháng lên tới 250 ngàn đồng, tức là gấp gần 6 lần so với mức cũ.
Mức giá quá đắt này chẳng khác một sự đánh đố, một sự xúc phạm người nghèo, một sự nhạo báng tình yêu thể thao của các cổ động viên? Và phải chăng món ăn tinh thần dù rất đỗi giản dị của các cổ động viên, của dân chúng đang bị tước đoạt bởi cái tên K+?
Đấu tranh cho sự công bằng của người yêu bóng đá
Ông Trần Song Hải, đại diện hội CĐV bóng đá Việt Nam tại TP.HCM cho biết: “Hiện tại, số lượng người ký ủng hộ lên rất nhanh và đã hơn 12 nghìn người tính đến ngày 13/12. Chúng tôi đã có lực lượng tình nguyện viên đông đảo đến các quan cafe, các giảng đường đại học...để vận động mọi người cùng tham gia chiến dịch này. Đây là hành động để nói lên tiếng nói của cộng đồng yêu bóng đá trong nước. Đồng hành với sự kiện trên chúng tôi sẽ tạo diễn đàn để nhiều người nói về chuyện độc quyền của K+ mà giải nhất sẽ là vé tham dự trận chung kết AFF cup”
Nghệ sỹ Đức Trung- Chủ nhiệm lâm thời Hội cổ động viên Việt Nam bức xúc: “Nếu như một người có mức thu nhập tương đối ổn định mà còn không chịu nổi mức thuê bao trên thì kênh truyền hình này sẽ dành cho ai? Liệu bao nhiêu trong số 70 - 80% dân số là những người có thu nhập trung bình, thập chí nghèo, liệu có được xem bóng đá quốc tế nữa không?
Truyền hình Việt Nam đến nay vẫn luôn là một đài truyền hình quốc gia hoạt động bằng tiền đóng thuế của dân chúng. Vậy thì ưu tiên của một đài quốc gia phải là quyền lợi của dân chúng, của những người đóng thuế, chứ không phải là kinh doanh”.
Về vấn đề này, TS Vương Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Khiếu nại của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: “Ngay khi nhận được khiếu nại của ông Đức Trung về việc K+ độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh, Hội đã có công văn gửi kèm lá đơn này tới K+”.
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Đây không phải là lần đầu tiên Hội nhận được đơn khiếu nại của Người tiêu dùng về việc K+ độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh. Trong đơn khiếu nại, người tiêu dùng bày tỏ sự bức xúc về việc K+ áp đặt giá cung cấp dịch vụ bất hợp lý đối với các thuê bao muốn xem giải Ngoại hạng Anh.
Qua đơn thư, người tiêu dùng mong muốn Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam lên tiếng về việc họ phải chịu sự độc quyền, áp đặt giá cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lên mức bất hợp lý của K+”.
Hội dự kiến tổ chức cuộc gặp mặt giữa các bên liên quan bao gồm K+, người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng để cùng lên tiếng chính thức.
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: