Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Bộ Quốc Phòng
Thủ đô New Delhi, Ấn Độ
Thứ Bảy, ngày 22 tháng 11, 19:32, giờ địa phương
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, Sanjay Nehru đang nói điện thoại thì cửa phòng làm việc của lão bật tung ra. Tấm cửa dày nặng mở nhanh, chạm vào ván ốp chân tường bằng gỗ sồi và bật trở lại; khi cửa gần đóng, vị khách không mời giơ tay ra cản lại.
Nehru giật mình quay lại nhìn. Lão không quen cảnh người ta xông vào phòng làm việc của mình như thế. Khi Nehru nhận ra kẻ xông vào, vẽ chấn động đổi ngay thành bực dọc. Chính là tên đại úy trẻ, sĩ quan phụ tá cho tướng Singh. Tên ngốc này tên là gì nhỉ? Kumar à? Katari sao? Đại khái tương tự như vậy.
Gã đại úy trẻ đang hít thở nặng nề, như thể gã vừa chạy vậy. Gã chấp hai tay dưới cằm, cúi đầu thi lễ thật nhanh. “Namaste (chào), thưa ngài bộ trưởng. Tôi xin lỗi đã quấy rầy ngài, nhưng tướng Singh yêu cầu ngài đến phòng kế hoạch càng sớm càng tốt. Chúng tôi không gọi ngài bằng điện thoại được, cho nên…”
Nehru đã không để ý đến tiếng tít-tít của máy điện thoại báo hiệu có một cú gọi đang chờ. Lúc này đã quá giờ làm việc trong ngày thứ Bảy từ lâu rồi; mà sau nửa ngày ngụp lặn trong đám văn kiện, lão đang muốn trò chuyện với đứa cháu nội mà lão cưng nhất. Lão dùng tay che ống nói. “Thì đừng có đừng ì ở đó.” Lão gắt. “Có gì mà khẩn cấp như vậy?”
Gã sĩ quan trẻ ngưng thoáng một giây để lấy hơi. “Mới nhận được báo cáo.” Gã nói. “Có phi đạn tập kích…”
Nehru gác điện thoại, mọi tư tưởng về đứa cháu đã bay biến mất. “Phi đạn tập kích à? Ở đâu? Anh muốn nói là chúng ta đang bị tấn công à?”
Viên đại úy gật đầu. “Dạ phải, thưa ngài bộ trưởng. Tới nay, chúng ta chỉ biết có một mục tiêu là làng Geku, một ngôi làng nhỏ ở Hi Mã Lạp Sơn. Theo phân tích đầu tiên, khoảng một trăm phi đạn từ một điểm phóng chưa được xác định ở Tây Nam Trung quốc.”
Nehru choáng váng. Trung quốc? Không hợp lý. Thật là điên rồ.
“Chắc phải có một sự nhầm lẫn nào đó.” Lão nói. “Chắc ra-đa sai lầm, hay báo cáo lộn xộn làm sao đó.”
“Tôi không nghĩ vậy, thưa ngài.” Viên sĩ quan nói. “Chúng ta có hình ảnh vệ tinh. Có vẽ như cả ngôi làng đã bị tiêu hủy. Không có dấu vết của người nào sống sót.”
Bộ trưởng Quốc Phòng Nehru nhìn gã sĩ quan trẻ chằm chặp. “Tại sao người Trung quốc lại tập kích một ngôi làng nhỏ như con ruồi bên phía nước ta chứ? Có một sự khiêu khích nào không?”
Viên đại úy lắc đầu. “Thưa ngài, chúng tôi không được biết đến sự khiêu khích nào cả. Mà cũng chẳng có gì có tính cách chiến lược trong khu vực ngôi làng ấy, theo như chúng tôi thấy.”
“Vậy thì tại sao bọn Trung quốc lại tấn công chúng ta?”
“Xin ngài bộ trưởng thứ lỗi.” Viên đại úy nói. “Chúng tôi không biết. Tướng Singh yêu cầu…”
Nehru gật nhanh và phất tay về phía cửa phòng. “Được. Tốt. Bảo tướng Singh rằng tôi sẽ đến ngay. Và thông báo cho ông ấy rằng tôi muốn nghe ban tham mưu báo cáo toàn diện trong vòng 10 phút.”
“Dạ, thưa ngài.” Viên đại úy nói. Gã quay nhanh đi và ra khỏi phòng.
Nehru với tay nhấc điện thoại. Lão phải gọi cho Thủ Tướng ngay tức khắc. Tay lão chợt dừng trước khi đụng vào điện thoại. “Này, đại úy!”
Viên sĩ quan trẻ ngừng lại và ngoái đầu. “Dạ, thưa ngài bộ trưởng?”
“Bảo tướng Singh hạ lệnh tổng báo động. Điều động mọi lực lượng không, hải và bộ. Chuẩn bị cao nhất.”
Giọng lão lắng xuống, cứng như thép. “Nếu những gì anh nói là thật, Trung quốc đã vô cớ thực thi một hành động chiến tranh đối với nước cộng hòa Ấn Độ.” Lão nói. “Tôi không biết bọn ngốc ấy muốn làm gì. Nhưng nếu chúng muốn đánh trận, chúng sẽ được một trận đánh.”
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Phi đội trưởng
Phi Đoàn 303 Hắc Báo, Hải Quân Ấn Độ
Vịnh Bengal, phía tây quần đảo Andaman
Chủ Nhật, ngày 23 tháng 11, 05:12, giờ địa phương
Sau này nhìn lại, không ai biết được tại sao Trung Úy Ajit Chopra lại nhấn cò. Cho dù là nguyên nhân nào đi nữa cũng đã cùng chết với gã khi chiếc Mig-29K (21) thuộc hải quân Ấn do gã lái nổ tan nát trên bầu trời vịnh Bengal.
Trong những ngày và những tuần lễ sau ‘trận hải chiến vịnh Bengal thứ nhất’, hằng đám ký giả đã liên tiếp cố gắng liên kết hành động của Chopra với vụ phi đạn tập kích làng Geku tối hôm trước. Do số tuổi tương đối trẻ của viên phi công này và truyền thuyết về mãnh lực của con tim, vài bình luận gia trong giới báo chí đã suy đoán rằng Chopra đã gặp gỡ và có lẽ đã yêu một thiếu nữ sống trong ngôi làng này, mà thiếu nữ này đã thiệt mạng trong vụ tập kích ấy.
Thế là tin đồn bắt đầu nổi lên trên mạng internet, còn xác định là người yêu của Trung Úy Chopra là một thiếu nữ nghèo nhưng xinh đẹp tên là Mira. Câu chuyện tình bi tráng của Ajit và Mira trở thành câu chuyện tình Romeo-Juliet của thời mạng hiện đại, được truyền đi bằng hàng ngàn, rồi trăm ngàn bức email bởi vô số kẻ lãng mạn.
Truyền thuyết trong internet có khuynh hướng tự phát triển khi lưu hành và câu chuyện hấp dẫn của đôi tình nhân tuyệt vọng này cũng thế. Càng ngày càng có những dòng email dài dặc mô tả cảnh tử vong của nàng Mira khi mà những quả phi đạn Trung quốc lao xuống từ trời cao để nổ nát căn nhà nhỏ (nhưng sạch sẽ) của nàng. Lại có những bài văn bóng bảy mô tả tâm trạng tuyệt vọng của chàng Ajit khi chàng nhắm chiếc máy bay tiêm kích do Nga chế tạo vào một chiến hạm Trung quốc và với đôi mắt nhòa lệ, đã thay nàng Mira yêu dấu trả thù bọn người hiếu chiến vô thần.
Cho dù có bao nhiêu bài viết hoành tráng hoa lệ đi nữa, không ai tìm được một dữ kiện nào để xác thực câu chuyện ấy cả. Không có chứng cứ nào là nàng Mira đã từng tồn tại; ngay cả sự liên hệ, về tình cảm hay thứ gì khác, giữa Trung Úy Chopra và ngôi làng Geku đã bị hủy cũng không được xác thực.
Các phân tích sau trận chiến chỉ xác định những sự kiện sau đây. Sáng chủ nhật, ngày 23 tháng 11, Trung Úy Chopra là phi đội trưởng của một đội bốn chiếc Mig-29, cất cánh từ tàu sân bay INS Vikrant (21*) của Ấn Độ. Lúc 05:12 sáng, mặc dù không được lệnh, Chopra quay mũi máy bay về phía chiếc khu trục hạm tên lửa Zhuhai (Chu Hải) của Trung quốc. Khoảng 10 giây sau đó, viên phi công Ấn trẻ mở chốt an toàn và phóng hai quả Kh-35U ‘Switchblade’ (22) tên lửa chống hạm về phía chiến hạm Trung quốc này. Cả hai phi đạn hoạt động tốt, bay dưới tốc độ âm thanh đến mục tiêu.
Phản ứng của thủy thủ đoàn Trung quốc rất nhanh, nhưng không nhanh đủ. Ra-đa kiểu 360S Doppler dùng tần số E/F nhận dạng được hai viên phi đạn khi chúng còn cách khoảng 17 km.
Như số đông đồng bạn trên tàu, viên sĩ quan trưởng phụ trách vũ khí trên chiếc Zhuhai đã được huấn luyện hải chiến trong suốt sự nghiệp của hắn. Nhưng ngoài huấn luyện và thao diễn ra, hắn chưa trải qua thực chiến bao giờ. Hắn chưa từng bắn một viên đạn vào một kẻ địch người thật nào, mà chắc chắn là hắn chưa từng hứng chịu một cuộc tấn công như thế này bao giờ. Khi cảnh báo phi đạn xuất hiện trên màn ảnh, viên sĩ quan vũ khí này ngập ngừng vài giây trong khi óc hắn còn đang xác nhận rằng đây không phải là một lần thao dợt: có kẻ nào đó thật sự đang muốn mạng hắn đây mà.
Hắn lắc đầu thật mạnh, rồi nhấn cái nút khiến hệ thống điều hành chiến đấu ZJK-4 Thomson CSF (23) tự hành. Hệ thống điều hành chiến đấu lập tức kích hoạt hệ thống phòng không tầm ngắn HQ-7. Cái dàn 8 ống phóng tên lửa lập tức quay qua mạn tàu phải chỉa về hướng phi đạn địch.
Viên sĩ quan phụ trách vũ khí chỉ ngần ngừ rất nhanh. Điều này có thể hoàn toàn hiểu được. Tuy nhiên hắn không kịp hối hận.
Được mệnh danh là Harpoonski vì giống y như phi đạn Mỹ AGM-84 Harpoon do hãng Boeing sản xuất, hai quả Kh-35U bay sát mặt biển với tốc độ Mach 0,8 (Mach 1 = tốc độ âm thanh), hay khoảng 274,6 mét mỗi giây. Mỗi quả mang đầu đạn thuộc loại khối nổ lõm nặng 145 kg. Hai quả dập vào mạn phải của chiếc Zhuhai với 80% tốc độ âm thanh.
Như một màn ảo thuật, chiếc khu trục hạm Trung quốc biến mất trong một cụm lửa và khói đen. Khi màn khói tan đi, chiếc chiến hạm chỉ để lại một mãng dầu đang lan rộng, bên trong lởm chởm những mẫu vụn còn cháy.
Kế tiếp chỉ có thể mô tả là hỗn loạn.
***
Mạng thông tin của hải quân Ấn lập tức tràn ngập tiếng người nhốn nháo khi mọi viên phi công, sĩ quan phòng hành quân và nhân viên truyền tin cùng cất tiếng, cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Không rõ có tiếng nói của Trung Úy Chopra trong đó hay không, cho dù là có đi chăng nữa, nó cũng đã bị những giọng nói tức tối và hoang mang của đồng đội che lấp rồi.
***
Hai chiếc khu trục hạm nhỏ Ma’anshan (Mã An Sơn) và Wenzhou (Ôn Châu) có nhiệm vụ hộ tống chiếc Zhuhai, không đợi một lời giải thích nào cả. Cả hai khai hỏa vào bốn chiếc Mig-29K của Trung Úy Chopra và đồng đội.
Trong vòng vài giây ngắn ngủi, bầu trời trên vịnh Bengal ngang dọc những dây khói của những quả tên lửa hải-không Trung quốc bay lên hướng các chiếc Mig của hải quân Ấn và của những viên Kh-35U do các phi công Ấn phản kích.
Lúc mà những phi đạn đầu tiên trúng vào mục tiêu, một phi đội khác đã cất cánh từ tàu sân bay INS Vikrant rồi.
Toàn bộ cuộc chạm trán chỉ mất chưa đến 20 phút. Khi tất cả xong xuôi, cả ba chiến hạm trong nhóm hành động Trung quốc đã chìm nghỉm. Bảy chiếc máy bay của Hải Quân Ấn Độ bị bắn hạ và ba chiếc khác bay khập khiểng về chiếc tàu sân bay mang theo ít nhiều hư hại. Mặt biển đầy xác thủy thủ đã chết hay bị thương.
Thế là trận Hải Chiến Vịnh Bengal Thứ Nhất đã chấm dứt. Chém giết thật sự thì còn chưa bắt đầu.
Chú Thích
(21) Mig-29K là phiên bản Mig-29M được cải biến để dùng với tàu sân bay. Khung xương và bộ phận bánh đáp được chế tạo cứng chắc hơn để có thể đáp trên tàu sân bay. Mig-29K chỉ được hải quân Nga và Ấn Độ sử dụng. Ấn Độ bắt đầu sử dụng từ năm 2010.
(21*) INS Vikrant: tàu sân bay do Ấn Độ tự sản xuất, có lượng giản nước 40.000 tấn, chiều dài 262 m, rộng 60 m. Tổng số nhân viên kể cả nhân viên phi hành là 1.400 người. Số lượng máy bay gồm 30 tiêm kích Mig-29K và 10 trực thăng Kamov Ka-31 hay Westland Sea King. Tàu được hạ thủy năm 2013 và đến năm 2016 còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Dự trù chính thức vào biên chế năm 2018.
(22) Kh-35U, tên gọi của khối NATO là Switchblade (dao xếp): phi đạn chống hạm, có đầu đạn nặng 145 kg, tầm xa 260 km, có thể tự phát hiện mục tiêu (ra-đa) cách 50 km. Bắt đầu được Nga sử dụng từ năm 2003. Việt Nam bắt đầu được trang bị năm 2009 (17 quả), rồi 16 quả năm 2010; sau đó, tự sản xuất bắt đầu từ 2012. Được quân đội Mỹ gọi đùa là Harpoonski vì nó rất giống phi đạn AGM-84 Harpoon (cả bề ngoài lẫn đặc tính kỹ thuật) do hãng Boeing chế tạo và được sử dụng từ năm 1977. Người Mỹ thường ghép thêm vần –ski sau 1 từ thì lập tức biến từ đó thành Nga Sô, để chế nhạo Nga Sô hay sao chép các sản phẩm Mỹ; điều này làm nhiều người Ba Lan bực bội vì người Ba Lan mới thường hay mang họ có vần –ski ở đuôi chứ không phải người Nga, mà người Ba Lan lại thù ghét Nga Sô đã chiếm đóng nước họ sau Thế Chiến Thứ Hai và cưỡng ép Ba Lan thành một nước chư hầu trong khối Warsaw.
(23) ZJK-4 Thomson CSF là hệ thống điều hành chiến đấu của Pháp, được sử dụng chung với hệ thống tên lửa tầm ngắn HQ-7. HQ-7 là tên của Trung quốc dành cho hệ thống tên lửa Crotale của Pháp. Vào năm 1978-1979, Trung quốc mua Crotale của Pháp để trang bị cho chiến hạm. Sau này, Trung quốc tự sản xuất và gọi là HQ-7. Hệ thống này có thể ghi nhận 30 mục tiêu cùng lúc và điều khiển phi đạn chống lại 12 mục tiêu cùng lúc. Mỗi dàn HQ-7 có 8 ống phóng tên lửa; sau khi bắn hết có thể tự động nạp 8 viên khác mỗi lần. Tên lửa có tầm tối đa 15 km và tối thiểu 500 m (gần hơn, ra-đa không điều khiển được).
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Phòng Tình Huống Nhà Trắng
Thủ Đô Washington, DC
Thứ Bảy, ngày 22 (ngày 23 tại Á châu) tháng 11
18:21, giờ địa phương
Tổng thống Dalton Wainright theo chân một gã nhân viên Sở Mật Vụ qua cửa căn phòng Tình Huống. Khi tổng thống tiến đến chiếc ghế dành cho ông ta ở đầu cái bàn dài bằng gỗ đào, gã cận vệ thuộc Sở Mật Vụ dừng lại ở góc phòng bên phải cửa vào; từ chỗ này, gã có thể quan sát nguyên căn phòng mà không cần nhúc nhích gì hết.
Trước kia, khi các màn hình phải được chiếu hình từ những máy phóng ảnh LCD gắn trên trần phòng, phòng Tình Huống phải nằm trong cảnh tranh tối tranh sáng. Ngày nay, máy phóng ảnh đã được thay thế bằng sáu máy TV dẹp lớn đặt dọc theo hai bên chiều dài căn phòng và một TV khổng lồ chiếm nguyên vách tường đối diện với ghế dành cho tổng thống. Không còn máy phóng ảnh, không có lý do gì để tắt bớt đèn, nên căn phòng sáng trưng.
Tuy nhiên tổng thống Wainright sẽ không nhìn nhận với bất cứ ai, kể cả chính ông, là ông thích cảnh tối mờ của xưa kia hơn. Không phải là ông nhớ nhung gì cái vẻ thần bí của cảnh tranh tối ấy, mà là cái tính cách ẩn nặc, cái cảm giác giả tạo nhưng dễ chịu rằng mình đang vô hình mà đôi khi người ta cảm thấy khi đang xem phim trong bóng tối ấm cúng của một rạp chiếu phim.
Wainright không thấy thoải mái chút nào trong cái công việc của mình. Ông không phải là người đầu tiên trong cái chức vị này cảm thấy như thế, nhưng cái cảm giác bất ổn của ông không có cùng nguồn gốc với những người khác. Biết bao chính trị gia đã cực khổ cả đời để được lọt vào phòng Bầu Dục (Oval Office, tên gọi văn phòng tổng thống), để rồi khám phá ra rằng công việc này quá lớn, quá nhiều thử thách và không béo bở gì để phải tốn bấy nhiêu công sức.
Cái đó không phải là trường hợp của Wainright. Như phần đông những người làm chính trị, đôi khi ông cũng từng mơ đến cái ghế tổng thống, nhưng chỉ là mơ mộng chơi thôi. Ông chưa từng có ý định biến các giấc mơ ấy thành sự thật; và vì thế, ông không hề bất ngờ khi phát hiện ra chức vụ tổng thống làm ông chới với như bị ngập trong nước sâu.
Ông đã rất hài lòng với vị trí thượng nghị sĩ ít thâm niên hơn của tiểu bang Maine (chú thích: mỗi tiểu bang có hai thượng nghị sĩ), vui lòng khi nghĩ rằng sự nghiệp của ông đã đạt đến đỉnh điểm. Lời mời tham gia vào liên danh ứng cử tổng thống chung với Frank Chandler đã làm ông thật ngạc nhiên. Wainright đã nhận lời ứng cử chức vị phó tổng thống, không phải vì ông tin Chandler sẽ đắc cử mà là vì ông cảm thấy đây là một cách hợp lý để kết thúc sự nghiệp chính trị của mình.
Có lẽ ngoại trừ Chandler ra, không ai bị chấn động hơn Wainright khi cuộc vận động tranh cử của đảng Cộng Hòa đối lập với họ bỗng nhiên sụp đổ sau một vụ tai tiếng về tình dục bị làm ầm ỉ lên. Phản ứng dữ dội của dư luận đã đưa Frank Chandler tọt vào phòng Bầu Dục, cùng với Dalton Wainright còn khá sửng sờ bám theo đuôi áo.
Giờ đây Chandler cũng đã rời khỏi, bị sự công phẩn của quần chúng truất phế, sau vụ thất bại lớn ở Kamchatka và vụ phi đạn tập kích Trân Châu cảng (được tường thuật trong một tác phẩm trước). Sự ra đi của lão ta đã biến Dalton Wainright thành vị phó tổng thống thứ nhì trong lịch sử Mỹ được tiến vào phòng Bầu Dục sau khi tổng thống tại vị từ chức.
Trong nhiệm kỳ của ông ở Thượng Nghị Viện, một ký giả của tờ Washington Post đã từng mô tả Wainright là ‘giỏi dắn, chăm chỉ, nhưng không nổi bật”. Ngồi dưới ánh đèn sáng trưng của căn phòng Tình Huống, Wainright đang tự hỏi phải chăng cái khen ngợi nhỏ nhoi ấy là quá lời. Mặc dù không sáng rực, ông cũng đã xứng với cái ghế thượng nghị sĩ của ông. Khi ấy, ông cũng biết mình đang làm gì và đã đảm đương được mọi thử thách.
Còn chức vị tổng thống là một chuyện khác. Ông vẫn xứng với hai từ ‘chăm chỉ’ và ‘không nổi bật’, nhưng ông thật hoài nghi mình có giỏi dắn đủ để ngồi ở vị trí cao nhất trong quốc gia hay không.
-***-
Đúng theo nghi thức, sáu-bảy người quanh chiếc bàn dài đang đứng nghiêm. Wainright ra hiệu cho họ ngồi xuống và ông cũng ngồi xuống ghế của mình.
Viên sĩ quan trực phòng Tình Huống, một vị đại tá Không quân với gương mặt nghiêm khắc, đeo kính gọng viền sắt, vẫn đứng ở cuối bàn. Hắn gật đầu chào vị tổng tư lệnh. “Xin chào buổi tối, ngài tổng thống.”
Wainright mở tấm bìa cứng màu xanh đặt trước mặt, đựng tài liệu sẽ được thuyết trình và ngước nhìn vào mắt viên đại tá. Ông gật đầu nhanh đáp lễ. “Bắt đầu đi.”
Viên sĩ quan trực chỉ cây điều khiển về phía cái màn ảnh khổng lồ đối diện Wainright. Nền ảnh xanh lơ cùng với huy hiệu tổng thống biến mất khỏi cái màn ảnh rộng cả vách tường và được thay bằng bản đồ của một phần châu Á, bên trên có hằng trăm ký hiệu chiến thuật khó hiểu. Sáu màn ảnh nhỏ hơn dọc theo hai vách tường lập tức chiếu hình ảnh những chiếc chiến hạm, máy bay tiêm kích, tàu ngầm, trực thăng và hệ thống phi đạn.
Viên sĩ quan trực quay sang màn ảnh chính và nhấn một cái nút để biến cây điều khiển thành con trỏ laser. Điểm đỏ của ngọn laser dừng lại trên một vùng nước phía đông Ấn Độ, vịnh Bengal; nơi đây, có một đám ký hiệu nhiều màu lộn xộn dường như để biểu thị một nhóm tàu và máy bay.
“Thưa ngài tổng thống,” viên sĩ quan nói, “cuộc đụng độ giữa Trung quốc và Ấn Độ đang leo thang nhanh chóng. Cả hai bên đang điều động quân cụ từ đủ mọi nơi và cả hai đều đã chứng minh rằng họ sẵn sàng đụng chạm quân sự.”
Bộ trường Quốc Phòng Mary O’Neil-Broerman lên tiếng. “Tình hình ở đó đã tuột vào vực thẳm rồi đó, thưa ngài.”
“Tôi thấy được chứ.” Wainright nói. “Tôi muốn biết là tại sao.”
Ông lập tực hối hận đã dùng giọng gay gắt như thế. Ông có khuynh hướng trở nên nóng nảy khi ông không tự tin, mà hiện tại ông đang cực kỳ không tự tin.
Từ cái ngày mà ông thừa hưởng chức vị tổng thống, mỗi ngày ông đều bắt đầu bằng một lời cầu nguyện thật đơn giản, có lẽ ông nhắm vào toàn thể vũ trụ vì lời cầu xin của ông không hướng đến một vị thần linh nhất định nào cả. “Xin đừng để xảy ra chuyện gì mà tôi không ứng phó nổi.”
Cho đến nay, ông vẫn lò mò qua ngày mà không gây ra tai họa nào cả, phần lớn là do lão Frank Chandler đã để lại cho ông một nhóm nhân viên rất tài giỏi có thể giúp ông vượt qua các tình huống khó khăn. Nhưng mà ông cũng đã rất may mắn. Định mệnh chưa trao cho ông một vấn đề nào vượt qua khả năng của ông.
Vận may của Wainright không thể nào cứ kéo dài như thế mãi được. Ông biết thế. Sớm hay muộn mà thôi. Ông sẽ đụng phải một thử thách hay tai họa nào đó quá lớn đối với ông. Thế là người dân Mỹ sẽ biết ngay mọi chuyện có thể tệ hại như thế nào khi mà cái tên ngồi trên cái ghế cao vời ấy lại không đủ khả năng.
“Thưa ngài tổng thống, chúng tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi của ngài phần nào thôi ạ.” Viên sĩ quan trực nói. “Căn nguyên có lẽ là vụ lật xe lửa ở Tây Tạng hôm thứ Ba, vụ tấn công đường xe lửa Thanh Hải bằng tên lửa ấy mà. Khói của vụ lật xe còn chưa tan, Trung quốc đã kêu đó là một vụ khủng bố. Dường như họ đã tra ra đám khủng bố ở ngôi làng Geku, trên Hi Mã Lạp Sơn bên phía Ấn Độ. Quân Giải Phóng Nhân Dân trả đủa bằng một vụ tập kích khổng lồ bằng phi đạn đã xóa ngôi làng khỏi bản đồ.”
“Không thể nào!” Ông tổng thống nói. “Người Trung quốc đâu có ngốc, mà cái đó là phản ứng quá mức rồi. Đâu có thể nào trả đủa một hành vi khủng bố địa phương bằng cách tập kích một quốc gia khác với quy mô lớn như thế được chứ.”
Bà bộ trưởng Quốc Phòng chồm người ra phía trước. “Thưa ngài tổng thống, xin thứ lỗi, cái đó cũng không nhất định là đúng. Nước Mỹ đã từng làm như vậy nhiều lần rồi. Thí dụ đầu tiên là vào tháng 8 năm 1998, khi mà tổng thống Clinton ra lệnh phóng phi đạn hành trình Tomahawk vào Afghanistan và Sudan. Chuyện này là để trả đủa hai vụ đặt bom tòa sứ quán của ta ở Kenya và Tanzania. Khi ấy, chúng ta cùng lúc phóng khoảng 75 phi đạn vào hai quốc gia nằm ở hai châu khác nhau.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, Gregory Brenthoven, lắc đầu. “Mặc dù tiên đề của bà là đúng, nhưng mà thí dụ của bà không khớp với rắc rối hiện tại ở Á châu.”
Hắn quay sang tổng thống. “Khi cựu tổng thống Clinton hạ lệnh phóng phi đạn, ông ấy biết rằng cả Afghanistan lẫn nước cộng hòa Sudan nằm cách nước Mỹ một khoảng cách xa. Khoảng 10-11 ngàn km gì đó. Tổng thống Clinton còn biết là cả hai nước ấy đều không có hỏa lực hay phương tiện để phản kích vào đất Mỹ. Nói cách khác, khả năng leo thang lên chiến tranh toàn diện coi như không.”
Brenthoven chỉ về phía bản đồ Á châu trên màn ảnh chính. “Vụ rắc rối Trung-Ấn này không cùng tình huống ấy, thưa ngài. Không phải Trung quốc phóng phi đạn vào một nước thuộc đệ tam thế giới nằm phía bên kia trái đất. Mà họ đã khiêu khích một đối thủ cỡ lớn đang cạnh tranh quân sự với họ, mà còn là một nước hạt nhân nữa, nằm ngay ở biên giới phía nam của họ. Và cái này không hợp lý chút nào cả. Đúng như ngài đã nói, thưa ngài tổng thống, người Trung quốc không ngốc. Nếu có ai dám đấm Ấn Độ vào ngay lỗ mũi, mình nên cược tới đồng đô-la cuối cùng là Ấn Độ sẽ trả đủa bằng cả hai quyền ấy chứ. Người Trung quốc biết điều đó. Vậy mà họ vẫn làm thế.”
Ông tổng thống ngước nhìn bản đồ. “Tại sao họ lại làm thế chứ? Tại sao họ lại liều lĩnh ngu xuẩn như vậy?”
“Chúng tôi chưa biết, thưa ngài.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia nói. “Nhưng ngay bây giờ, chúng ta phải trả lời một câu hỏi lớn hơn. Chúng ta phải làm gì đây?”
“Tôi đã nói chuyện với chủ tịch của hội đồng Tham Mưu trưởng Liên Quân rồi.” Bà bộ trưởng Quốc Phòng nói. “Ông ấy đang soạn một bản thuyết trình chiến thuật đầy đủ. Khi làm xong, ông ấy sẽ bàn thảo chi tiết, nhưng nói chung, ông ấy đề nghị chúng ta cho một chiếc tàu sân bay đến vùng ấy càng sớm càng tốt. Ý định là để thiết lập một sự hiện diện và hi vọng là có thể tạo thành một lực lượng cân bằng cho vùng này.”
Ông tổng thống chậm rãi gật đầu. “Ai đang ở vị trí tốt nhất?”
Tham mưu trưởng Hải quân, Đề Đốc Robert Casey, tằng hắng. “Thưa ngài tổng thống, đó là nhóm của chiếc USS Midway, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản.”
Tổng thống quay sang vị đề đốc. “Mà chiếc Midway sẵn sàng ra khơi chứ?”
“Thưa ngài, vâng.” Viên đề đốc đáp. “Chiếc Midway chính là chiếc hàng không mẫu hạm sẵn sàng của chúng ta (chú thích của dịch giả: Hải quân Mỹ luôn có hạm đội luân phiên trong trạng thái nghỉ ngơi và sẵn sàng ở mỗi khu vực trên thế giới; nên bao giờ HQ Mỹ cũng có thể tham chiến tại mọi nơi sau một thời gian chuẩn bị cực ngắn). Nó có đủ số tàu hộ vệ và tất cả có thể khởi hành trong vòng vài giờ.”
“Tốt lắm.” Tổng thống nói. “Làm như vậy đi. Cho các chiếc tàu đó khởi hành đi. Chúng ta sẽ tính toán chi tiết sau, trong khi chúng đang trên đường.”
Ông ngắm nhìn cái màn ảnh chiếm cả vách tường, tràn ngập những ký hiệu kỳ quái và ông bắt đầu thắc mắc phải chăng hôm nay là ngày mọi chuyện bắt đầu hỏng bét.
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Quảng trường Barkhor
Thành Phố Lhasa, Tây Tạng
Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11, 09:24, giờ địa phương
Cho dù sau này chính phủ và báo chí Trung quốc có nói gì đi nữa, thì đó cũng không phải là một vụ bạo loạn.
Mục sư Bill McDonald nhìn xuống từ cửa sổ phòng khách sạn ở tầng hai khi dân chúng bắt đầu tụ tập trên quảng trường bên dưới. Ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ sư sải mặc cà sa tím. Hắn tự hỏi phải chăng họ đến đây để tụng kinh, hay thiền hay chỉ đơn giản là để gặp gỡ và trò chuyện tại cửa của ngôi chùa Jokhang nổi tiếng.
Nhưng chẳng bao lâu sau, dân chúng mặc thường phục cũng nhập đoàn và nhiều người hơn nữa xuất hiện từ những con đường bên cạnh hoặc từ những ngỏ hẽm, bắt đầu tiến vào quảng trường. Nhóm người nhỏ mau chóng biến thành nhóm người lớn; và nhóm người lớn trở thành một đám đông. Vậy mà dòng người vẫn còn không dứt. Dần dần các màu sắc đỏ, xanh dương, vàng, trắng và xanh lục của lá cờ ‘Tuyết Sư’ của Tây Tạng bắt đầu xuất hiện, đôi khi được vung vẫy bên trên một tấm biểu ngữ, đôi khi quấn quanh thân một người nào đó như một tấm áo choàng.
Khi các lá cờ lộ ra, McDonald hiểu ngay rằng hắn đang chứng kiến một sự kiện không bình thường rồi. Lá cờ Tuyết Sư biểu tượng cho sự độc lập của Tây Tạng và điểm tập kết của các hoạt động giành độc lập. Do vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đưa ra dùng vào năm 1912, lá cờ này vẫn là cờ chính thức của Tây Tạng cho đến khi vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vượt thoát khỏi sự chiếm đóng của Trung quốc qua Ấn Độ năm 1959. Ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau, nó đã trở thành biểu hiệu cho sự tự trị của Tây Tạng, một cách nhắc nhở đến những ngày tháng trước cuộc xâm lăng của Trung quốc và một hứa hẹn tự do trong tương lai.
Người Trung quốc thì coi lá cờ Tây Tạng như một huy hiệu của khủng bố và hỗn loạn. Họ đã cấm chỉ hành vi sở hữu lá cờ này trong lãnh thổ được Trung quốc kiểm soát, kể cả Tây Tạng. Trưng bày lá cờ nơi công cộng sẽ bị trừng trị nhẹ nhất là tù tội.
Tuy nhiên, đứng ở cửa sổ, McDonald có thể thấy ít nhất là 50 lá cờ này. Đám đông trên quảng trường Barkhor đang công khai vi phạm lệnh cấm này. Đây rõ ràng là một cuộc biểu tình phản kháng cở lớn. Lúc này đã có khoảng gần ngàn người trên quảng trường rồi, nhưng vẫn còn nhiều người hơn nữa đang gia nhập.
Cửa sổ của hắn đang đóng kín, nhưng hắn vẫn nghe được âm thanh từ đám đông, hàng trăm người đang cùng hô hò khẩu hiệu. Không la hét, không đe dọa. Chỉ cùng hô khẩu hiệu một cách trầm bổng. Tiếng hô nghe thật kỳ quái, thê lương mà mạnh mẽ, nhưng hoàn toàn yên bình.
Sự hiện diện của McDonald tại Tây Tạng không có liên quan gì đến chính trị hay báo chí cả. Hắn không phải đến đây để thu thập tư liệu về tình trạng dân chúng Tây Tạng hay để chất vấn gì sự chiếm đóng của Trung quốc trên mảnh đất đã từng tự chủ này. Ngoài ý đồ mở mang đầu óc của mình ra, hắn không có ý đồ nào khác. Hắn đến đây chỉ là để học hỏi với các nhà sư và tìm hiểu xem cái đạo của họ có giúp ích gì cho chính hắn trên con đường tìm đạo của mình hay không.
Trong thời chiến tranh Việt Nam, hắn đã từng là một xạ thủ và trưởng phi hành đoàn trong đại đội 128 Trực Thăng Tấn Công của Lục quân Hoa Kỳ. Hắn đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến công tác, thường là ngồi vắt vẻo bên cánh cửa của chiếc trực thăng Huey với một khẩu đại liên M-60 kẹp giữa đôi chân. Hắn đã từng bị bắn hạ hai lần, bị thương do đạn địch một lần và, quan trọng hơn cả, là hắn đã được thay đổi.
Bill McDonald đã trở về từ Việt Nam với một huy chương Distinguished Flying Cross (huy chương Thập Tự chứng nhận chiến tích phi hành), một huy chương Sao Đồng (Bronze Star chứng nhận chiến đấu anh dũng), 14 huy chương Phi Hành (Air medal) và một huy chương Tử Tâm (Purple Heart, trao tặng cho chiến binh bị thương trong chiến trận; mỗi lần bị thương, được trao tặng một Tử Tâm); nhưng trên chuyến bay trở về Hoa Kỳ, hắn đã mang theo một thứ còn quan trọng hơn tất cả các huy chương đang được cất giấu cẩn thận trong túi hành trang quân dụng. Hắn mang theo một tài sản tâm linh sâu sắc của riêng hắn.
Giữa nỗi kinh hoàng của chiến tranh, hắn đã phát hiện ra sự liên kết của riêng hắn với vũ trụ. Hắn đã trở thành thứ mà hắn gọi là “chiến sĩ tâm linh”. Hắn không còn suy nghĩ về chiến thắng quân địch. Hắn chỉ còn tập trung tinh thần để chiến thắng tâm hồn của chính mình và tìm hiểu chỗ đứng của mình trong vũ trụ tâm linh.
Nếu hắn không sai về tâm tính của chính phủ Trung quốc, chính quyền sẽ phản ứng vừa nhanh vừa hung bạo. Suốt vài chục năm qua, hắn đã cố gắng né tránh chính trị và bạo lực, nhưng giờ đây hắn vô tình đang ngồi ở vị trí tốt nhất để mục kích cả chính trị lẫn bạo lực.
Một phần trong hắn muốn quay đi khỏi cái cửa sổ để hắn khỏi bị lôi kéo vào cuộc xung đột sắp diễn ra, dù rằng chỉ với tư cách khán giả. Nhưng một phần khác của hắn lại hiểu rằng con đường tầm đạo cũng là tìm hiểu sự thật. Không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra tại quảng trường Barkhor sáng nay, sau đó chính phủ Trung quốc sẽ dùng mọi quyền lực để chi phối dư luận quần chúng.
Dù muốn dù không, mục sư William (Dịch giả: Bill là viết tắt cho William) H. McDonald sắp trở thành chứng nhân của lịch sử. Nếu mà sự thật cần được phơi bày từ sự kiện sáng nay, hắn phải mang cái trách nhiệm đó.
Bill tháo cây gài cửa sổ và mở cửa sổ hé ra vài phân. Khi khe hở mở rộng ra hơn, tiếng hô hò của đám đông lớn hơn và rõ hơn.
Hắn tìm được chiếc điện thoại di động và mò mẩm tìm được cái hình biểu tượng cho máy thâu hình. Hình ảnh trên màn ảnh di động rõ nét và sáng sủa. Hắn không biết bộ phận thu âm nhỏ xíu có thâu nổi âm thanh dội lên từ phía dưới hay không. Hắn không biết làm sao để kiểm tra hay điều chỉnh mức thâu, cũng không biết máy có khả năng điều chỉnh hay không nữa. Hắn bèn quyết định kèm vào lời trần thuật, để cho khúc video dễ hiểu hơn, trong trường hợp âm thanh quá nhỏ hay quá rè để có thể hiểu được.
“Tên tôi là William H. McDonald.” Hắn nói. “Bây giờ là khoảng chín giờ ba mươi sáng, thứ Bảy, ngày 23 tháng 11. Tôi đang đứng ở cửa sổ của phòng tôi trên tầng hai, một khách sạn trước quảng trường Barkhor, thành phố Lhasa ở Tây Tạng.”
Hắn chậm rãi đảo máy quay phim sang phải, rồi sang trái, cố gắng thu hình cả đám đông. “Như quý vị có thể thấy, một đám người đông đảo, tôi đoán từ khoảng vài trăm đến ngàn người, đang tụ tập trên quảng trường. Họ đang hô hào khẩu hiệu, nhưng tôi chỉ biết lỏm bỏm vài từ Tây Tạng, nên tôi không rõ họ đang nói cái gì. Nhưng tôi muốn nói rõ đây là một cuộc tụ tập yên bình. Không có dấu hiệu bạo động nào, hay hành vi phá phách nào. Đây không phải là một đám hỗn tạp. Đây là một cuộc biểu tình hòa bình và có trật tự.”
Hắn dừng lại vài giây, phân vân không biết có nên nói gì thêm nữa không.
“Tôi không biết máy thâu hình của tôi có thâu được tiếng của họ hay không.” Hắn tiếp. “Tôi hi vọng nó thâu được, vì tiếng hô hò này, hay ca hát… hay là gì đó… thật là hay. Tôi chưa từng được nghe thứ gì như vậy…”
Hắn thôi nói, nhưng tiếp tục đảo máy qua lại để thu hình đám đông từ mọi khía cạnh mà khung cửa sổ cho phép. Hắn tính đi xuống quảng trường để có thể thu được nhiều hơn, nhưng lại quyết định thôi không đi. Có lẽ chỗ này cho hắn tầm nhìn tốt hơn và, nếu công an xuất hiện hay đúng hơn, khi công an xuất hiện, chúng sẽ tịch thu máy thu hình của hắn ngay khi nhận ra nó là thứ đồ gì. Nếu hắn ở lại phòng, hắn tin rằng hắn rất có hi vọng đem máy và hình ảnh đã thu được ra khỏi nước.
Lực lượng công an xuất hiện không bao lâu sau và McDonald cẩn thận thu hết.
“Tôi thấy ba chiếc xe tải chạy đến quảng trường.” Hắn nói. “Mỗi chiếc chứa khoảng 30, hay có thể là 50, người được vũ trang, dường như ăn mặc và trang bị chống bạo động. Tôi không nhận ra được đây có phải là quân đội hay cảnh sát chiến thuật đặc biệt nào đó, nhưng họ quả thật được trang bị nặng.”
“Họ đang leo xuống xe, lập trận hình ở ba nơi. Trông không giống như họ đang thiết lập một chu vi hay đang bao quanh đám đông.” Hắn lại dừng. Hắn lắng nghe suốt nhiều giây tiếng hô hò khẩu hiệu nhịp nhàng, không ngừng của đám đông. Những người trong quảng trường đã thấy các nhóm quân vũ trang lập trận hình, nhưng họ không có vẻ gì là muốn chống cự hay tháo chạy cả.
Đám đông dường như đứng khít vào nhau hơn như để tăng thêm can đảm và quyết tâm cho nhau. Giọng hô hò hơi xao động nhưng không tắt đi. Nhịp hô rất nhanh lại đều trở lại.
McDonald vừa đang định nói lên các nhận xét của hắn thì nghe tiếng bụp-bụp của những quả lựu đạn hơi cay. Hắn thấy nhiều lon khói rơi vào đám đông, rồi đám đông tản ra khỏi các cụm khói trắng phun ra từ các lon ấy.
Khói cay! Hắn đã gặp phải thứ này trong các buổi huấn luyện chiến tranh hóa học thời còn ở quân trường và đã từng thấy nó được sử dụng trong thực chiến nhiều lần ở Việt Nam. Hắn lại trông thấy hình ảnh quen thuộc của những người vừa ôm mặt, vừa nôn ọe khi hít phải một ngụm khói trắng, rồi lảo đảo thụt lùi tránh cụm khói. Đám đông có trật tự bỗng biến thành một đám nhốn nháo và sợ hãi.
“Họ dùng đạn khói.” McDonald nói. “Tôi đoán là khói cay. Không rõ là thứ gì, nhưng chắc chắn có hiệu quả rồi. Tôi nghĩ…”
Nhưng hắn không bao giờ thu được những cảm nghĩ của hắn nữa, vì sự chú ý của hắn chợt bị tiếng súng phá tan, tiếp theo là những tiếng rú kinh hoàng và đau đớn.
Hắn thoáng cảm thấy buồn nôn khi hóoc-môn adrenalin chợt cuộn tràn trong mạch máu, phát ra hiệu lệnh cổ xưa thôi thúc hắn bỏ chạy trước nguy hiểm. Hắn cảm thấy lòng bàn tay ứa mồ hôi và một âm thanh leng-keng kỳ lạ nơi tai không liên quan gì với âm vang tiếng súng.
Hắn nhanh chóng đảo mắt nhìn quanh, cố gắng tìm nguồn gốc của tiếng súng. Hắn thấy nhiều người trong số lính chống bạo động đã tháo súng khỏi vai. Hắn đưa vội máy thu hình trong chiếc di động qua và kịp thời thu được cảnh cả chục người mặc đồng phục đang khai hỏa vào đám dân thường nhốn nháo. Tiếng súng nổ dòn dã, từng tràng ba viên đúng theo phương pháp tác chiến.
Bao nhiêu ý định bình luận gì đó đã bay khỏi đầu óc của Bill McDonald rồi. Hắn thấy một số lớn người biểu tình bật người và loạng choạng khi trúng đạn. Máu văng tung tóe. Người ta ngã xuống đất. Mọi thứ được bao trùm trong tiếng súng vang nhanh và tiếng rú. Đây đầu phải là chống bạo động gì. Đây là thảm sát. Nhưng tại sao chứ?
Không phải mọi tên lính hay công an đều nổ súng. Đúng ra, phần đông không hề nổ súng. Có phải là họ đã được lệnh nổ súng, nhưng nhiều người không nghe lệnh? Hay là họ không hề được lệnh, nhưng một số đã tự mình quyết định khai hỏa? Thật là không hợp lý gì cả.
McDonald nhớ là có nghe tin tức trên truyền hình về một vụ tấn công một chuyến xe lửa chở lính Trung quốc cách đây vài ngày. Đây có phải là một sự trả đủa cho cuộc tấn công ấy không? Một sự trừng phạt chính thức? Hay một vụ phục thù đột xuất… Lính Trung quốc đang sẵn căm hận, lại đụng phải đám người Tây Tạng biểu tình phản đối ngay trước họng súng…
Càng suy nghĩ, Bill McDonald càng cái ý nghĩ sau là đúng. Cuộc biểu tình chỉ mới diễn ra chưa đầy một tiếng đồng hồ. Chừng đó không đủ thời gian cho các nhân vật cao tầng của Trung quốc quyết định và ưng chuẩn một kế sách dùng đòn sát thủ với đám đông này. Ngoài ra, trận này bắt đầu bằng khói cay. Cái đó cũng đã đủ cho đám đông tản đi rồi. Bằng không, nếu ý đồ là tận diệt đám phản kháng này, thì cách làm khôn ngoan nhất là quây họ lại, để có thể tập trung hỏa lực vào.
McDonald tiếp tục quét máy thu hình qua lại. Quảng trường đã gần như vắng người rồi, chỉ còn những người đã ngã gục, không còn đi đâu được nữa. Sau khi súng bắt đầu nổ, nhóm người vũ trang cũng không hề ngăn cản dân chúng trong cuộc biểu tình bỏ chạy. Điều này cũng tăng trọng lượng cho cái quan điểm rằng vụ nổ súng này không có kế hoạch từ trước, mà là do lòng căm phẫn và bạo lực trong nhất thời.
Đây là thứ mà hắn muốn lánh xa trong khi quyết định lên đường tầm đạo. Mọi khó khăn trên thế giới này không thể nào dùng súng để giải quyết được. Mà các thi thể dưới kia, khoảng 80 hay 100 thi thể, là minh chứng cho điều đó.
Ngay cả bọn lính cũng có vẻ sững sờ vì những gì đã xảy ra. Chúng chỉ đứng chộn rộn tại chỗ cả phút, rồi mới bắt đầu khó nhọc tiến đến các thi thể, kiểm tra xem có còn người sống hay không.
McDonald tắt máy thu hình và thụt lùi khỏi khung cửa sổ. Qua một lúc rất ngắn nữa, không chừng chỉ vài giây, bọn lính sẽ thoát ra khỏi sự sững sốt và bắt đầu truy tìm các nhân chứng. Một người nước ngoài mang theo một máy thâu hình sẽ thật không ổn nếu bị chúng bắt gặp.
Hắn nhét chiếc di động vào túi quần và rời khỏi khách sạn đến một ngõ hẻm, từ một cánh cửa phía đối diện với quảng trường. Mười phút sau đó, hắn đã ở cách đó 6 con phố, giả vờ ngắm nghía hàng hóa trong một cửa tiệm chuyên bán cho du khách. Hắn chẳng cần hay muốn một món quà kỷ niệm nào cả, nhưng nơi này đã cách hiện trường đủ xa rồi, và hắn nhất định không xuất hiện trên đường phố cho đến khi mọi thứ đã được dọn dẹp xong và nhóm lính chống bạo động kia đã rời khỏi.
Hai bàn tay của hắn vẫn còn run lẩy bẩy và hắn phải nhét chúng vào túi quần. Chiếc điện thoại di động đụng vào tay hắn, mang lại cảm giác trơn láng và ấm áp. Ngoài hắn ra, không ai có thể biết chiếc di động chứa những gì trong bộ nhớ. Hắn dự tính sẽ đợi đến lúc hắn đã ở thật xa khỏi lãnh thổ Trung quốc rồi mới tiết lộ cái mãnh vụn lịch sử chứa trong đó.
Theo bản năng, ý tưởng đầu tiên của hắn là tìm một chuyến bay rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt, nhưng đó có lẽ không phải là việc làm khôn ngoan. Tốt hơn là nên đợi ba ngày và cứ theo cái lộ trình mà hắn đã định từ trước. Nếu hắn đột nhiên thay đổi lộ trình, chính quyền Trung quốc có thể sẽ thắc mắc tại sao gã du khách Mỹ này lại khẩn trương rời khỏi lãnh thổ của họ như thế. Tốt nhất là kiên nhẫn. Như thế sẽ an toàn hơn.
Đến khi hắn đặt chân được đến vùng đất bạn, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có lẽ đã thi hành biện pháp quản lý chặt chẽ mọi thông tin rồi. Dựa theo lịch sử, hầu như chắc chắn chính phủ Trung quốc sẽ hoàn toàn che đậy sự kiện vừa rồi, phủ định rằng đã từng có một vụ tắm máu. Mà cho dù có công nhận rằng có vụ nổ súng, có lẽ họ cũng sẽ cố gắng che đậy tầm vóc của cuộc biểu tình và con số thương vong. Họ sẽ tuyên bố rằng các báo cáo về thương vong chỉ là sự thêu dệt của bọn phản động mà thôi. Họ còn có thể đổ tất cả lên đầu dân chúng trong cuộc biểu tình, tố cáo là họ đã có hành vi bạo lực đối với công an hoặc quân đội.
Nhưng mà, cho dù là thẳng thừng phủ nhận hay tung tin vịt, gần như chắc chắn là chính quyền Trung quốc sẽ làm tất cả để che giấu sự thật khủng khiếp đã xảy ra hôm nay ở đây. Đoạn phim trong chiếc di động của McDonald là bằng chứng tuyệt đối sẽ làm tan nát mọi sự phủ nhận hay thoái thác của bọn chúng. Nếu chúng tìm được nó, hắn không hoài nghi gì rằng bọn chúng sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để hắn im miệng.
Kế hoạch không dính líu gì đến chính trị của hắn có vẻ như không xong rồi, nhưng có lẽ đây là vận mệnh. Có lẽ, tại thời điểm này trong cuộc đời của hắn, vận mệnh của hắn là ‘không được’ xa lánh cuộc sống nhân loại mà phải là kẻ đưa sự thật ra ánh sáng.
Hắn sẽ nghiền ngẫm và cầu nguyện. Thường thì suy ngẫm và cầu nguyện sẽ làm tâm trí của hắn sáng tỏ hơn và kiên định hơn.
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Quá trình phát triển của phi đạn hành trình
(trích từ bài viết của tiến sĩ David M. Hardy cho viện Phân Tích Chiến Lược Quốc Gia)
Năm 1915, bộ trưởng Hải quân Josephus Daniels thành lập một nhóm hội thảo gồm những nhà phát minh để giúp quân đội Hoa Kỳ làm các chuẩn bị để dự phòng khi phải tham gia vào cuộc Đại Chiến bên Âu châu, cái mà ngày nay chúng ta gọi là Thế Chiến thứ Nhất. Bộ trưởng Daniels nhận thấy rằng đầu những năm 1900, các kỹ thuật dùng trong chiến đấu đã phát triển với một tốc độ chưa từng có và ông lo rằng quân đội Hoa Kỳ không được trang bị và huấn luyện một cách đúng đắn cho chiến tranh cơ giới.
Tổ chức này được gọi là Ủy Ban Cố Vấn Hải Quân, gồm có 24 nhà phát minh được giao nhiệm vụ cung ứng ‘thiết bị và cơ sở để sử dụng thiên tư phát minh của người Mỹ trong việc ứng phó với các điều kiện mới trong chiến tranh’. Mò mẫm trong cái nhiệm vụ cao vời nhưng mù mờ ấy, ủy ban này không có cơ sở pháp lý nào, không có ngân sách, mà cũng không có nhân viên trong năm đầu tiên. Mãi đến tháng 8 năm 1916, Quốc Hội mới ưng chuẩn ngân sách là 25 ngàn đô-la và bấy giờ Ủy Ban Cố Vấn Hải Quân mới bắt đầu hoạt động.
Mặc dù được bộ trưởng Josephus Daniels đặt nhiều kỳ vọng, ủy ban không làm được điều gì đáng ghi nhận ngoài việc ưng chuẩn màu sơn ngụy trang cho thương thuyền tư nhân. Nhưng có một ngoại lệ đáng chú ý là sự khai triển của cái gọi là ‘ngư lôi bay’.
Là đứa con tinh thần của ông Elmer Sperry, một trong những nhà tiên phong trong việc áp dụng thực tế máy con quay, ‘ngư lôi bay’ được dự trù là một quả bom bay không người lái, có khả năng tấn công mục tiêu ở xa mà không cần người điều khiển hay can thiệp vào. Ông Sperry bị say mê bởi tiềm năng đáng kể của một vũ khí như thế và ông hi vọng sức phá hoại khủng bố ấy sẽ làm các quốc gia không còn dám khai chiến nữa.
Có một điểm cần ghi nhận là cái quan niệm của ông Sperry cho rằng chất nổ có thể làm người ta thoái chí, tuy ngày nay nghe có vẻ là khờ khạo, nhưng lại tương đối phổ biến trong các nhà chế tạo vũ khí ở đầu thế kỷ 20. Sperry và những người cùng thời đại tin rằng, nếu sự dễ sợ của chiến tranh có thể được đưa lên độ cao đủ, con người sẽ không còn cách nào khác hơn là từ bỏ chiến tranh. Đáng buồn thay, hai trận Thế Chiến, hằng hà sa số những cuộc chiến tranh nhỏ hơn và cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu đã phủ nhận cái lý thuyết ấy.
Ông Elmer Sperry có thể đã sai lầm khi dự đoán sự kết thúc của chiến tranh, nhưng viễn ảnh của ông về món vũ khí bay tự hành đã giành được sự để ý của Ủy Ban Cố Vấn Hải Quân. Năm 1917, ủy ban ký với hãng Sperry Gyroscope một hợp đồng trị giá 200 ngàn đô-la để chế tạo một quả ngư lôi bay.
Ông Sperry bắt đầu công việc bằng cách nghiên cứu một máy lái tự động dùng nguyên lý máy con quay và gắn nó vào một chiếc máy bay cánh đôi Curtiss N-9. Ông muốn bắt đầu bằng cách biểu diễn rằng một chiếc máy bay có thể tự điều hành mà không cần người nắm cần lái. Chiếc N-9 có một viên phi công để cất cánh và đáp xuống, nhưng ý định tối hậu là phi hành hoàn toàn tự động. Lúc này thì viên phi công còn được giao cho nhiệm vụ quan sát và báo cáo máy bay bay như thế nào dưới sự điều hành của máy lái tự động.
Sau một số lần bay thử thành công, ông Sperry chỉ huy việc chế tạo một chiếc ngư lôi bay đặc chế, được trang bị một động cơ hai-thì. Công việc sản xuất và lắp ráp chiếc máy bay mẫu được tiến hành bởi hãng Curtiss Aeroplane and Motor.
Chiếc ngư lôi bay mẫu được thiết kế để có thể chở một viên phi công, vì họ dự trù rằng cần có người để quan sát và trợ giúp tìm tòi và sửa chửa các sự thiếu sót, trong những chuyến thử nghiệm đầu tiên. Con trai của ông Sperry, ông Lawrence Sperry, chính là viên phi công thử nghiệm. Tuy ngày nay người ta không còn biết chính xác có bao nhiêu chuyến bay thử, nhưng được biết chắc là chiếc Ngư Lôi Bay Sperry đã rớt ít nhất là bốn lần dưới sự điều khiển của ông Lawrence Sperry. Tài liệu kỹ thuật còn sót lại đến nay cho thấy là các vụ trục trặc này là do chiếc mẫu bị hỏng máy, chứ không phải do lầm lỗi của viên phi công.
Mặc dù gặp phải những thử thách ấy, ông Elmer Sperry cuối cùng vẫn cảm thấy rằng chiếc ngư lôi mẫu đã đủ chín chắn để có thể hoạt động mà không cần sự giúp đỡ của con người. Chuyến bay không người lái đầu tiên của chiếc Ngư Lôi Bay Sperry diễn ra vào ngày 6 tháng 3 năm 1918, ngày nay được xem là lần đầu tiên phi đạn điều khiển được phóng thành công.
Hoạt động hoàn toàn tự động, chiếc ngư lôi bốc lên từ vị trí phóng, đạt đến một độ cao đã được định trước, tiếp tục bay một cách êm ái và ổn định cho đến khi máy lái tự động kết thúc vụ thử nghiệm ở khoảng cách 1.000 mét như đã định trước. Chuyến bay đầu tiên của chiếc Ngư Lôi Bay Sperry thành công rực rỡ. Tiếc thay, sự thành công này không được lặp lại.
Các chuyến bay sau này không được như vậy: hoặc chiếc máy bay không người lái không bay ổn định được, hoặc bay lệch lộ tuyến đã được định sẵn, hoặc đơn giản hơn là đâm đầu xuống đất. Cuối cùng, các viên kỹ sư của hãng Sperry đành từ bỏ kiểu ngư lôi đặc chế ấy, mà quay trở lại chiếc Curtiss N-9 thử nghiệm để rà lại từ đầu sáng chế của họ.
-***-
Trong khi ông Sperry và hãng Curtiss còn chật vật với vô số khó khăn về kỹ thuật, Ủy Ban Máy Bay của Lục quân Hoa Kỳ quyết định khởi đầu dự án ngư lôi bay của riêng họ. Lục quân yêu cầu nhà sáng chế kiêm kỹ sư Charles Kettering phát minh một quả bom bay không người lái, có khả năng đánh vào một mục tiêu cách xa 65 km hay hơn nữa.
Năm 1917, ông Kettering đã từng quan sát những cuộc thử nghiệm của cái máy lái tự động của ông Sperry, nay chấp nhận cuộc thử thách sáng chế một quả ngư lôi bay này. Ông Kettering nhìn nhận tiềm năng của các cố gắng kỹ thuật của ông Sperry trong lãnh vực tự động điều khiển máy bay, nhưng ông muốn một phát minh rẻ tiền hơn và ít phức tạp hơn.
Trong khi trao đổi ý kiến với ông Orville Wright và hãng Dayton-Wright Airplane, ông Kettering chế tạo ra một khung máy bay nhỏ có cánh đôi hơi chếch lên; thân máy bay thuôn tròn làm bằng ván ép và giấy bìa. Động cơ là một cái máy De Palma 40 mã lực, được giữ nguội bằng không khí. Chiếc máy bay không người lái này dài 3,8 mét, nặng 240 kg và được cấu tạo để mang một đầu đạn nặng 82 kg.
Tên chính thức của nó là Ngư Lôi Bay Kettering, nhưng người ta bắt đầu gọi nó ngay từ đầu là Con Bọ Kettering, có lẽ vì hình dáng giống như con chuồn chuồn của nó.
Ông Kettering lập ra từng nhóm kỹ sư độc lập để nghiên cứu các phần khác nhau của dự án. Một trong các nhóm này chế tạo một thiết bị phóng máy bay rẻ tiền có thể chở đi dễ dàng, gồm một cái giàn bốn bánh chạy trên hai đường ray.
Mặc dù ông dự định phát minh một cái máy lái tự động rẻ hơn và đơn giản hơn cái máy của ông Sperry đã từng thử nghiệm trên chiếc N-9, ông Kettering không thành công chế tạo được một cái máy nào có thể hoạt động được. Cuối cùng, ông đành nhờ ông Elmer Sperry trợ giúp. Mặc dù hai người đang cạnh tranh, ông Sperry vẫn đồng ý giúp chế tạo máy lái tự động.
Cuối cùng, sau khi mọi khó khăn kỹ thuật sơ khởi đã được giải quyết, Con Bọ Kettering đã sẵn sàng được thử nghiệm vào tháng 9 năm 1918. Sau nhiều cuộc thử nghiệm sơ khởi dưới đất, chuyến bay thử đầu tiên được tiến hành vào ngày 2 tháng 10.
Chuyến bay bắt đầu bằng một màn cất cánh trơn tru, nhưng sau đó thì không ổn. Thay vì quẹo sang hướng đã được chỉ định và bay thẳng lại, Con Bọ tiếp tục bay thẳng lên không cho đến khi nó chết máy và đâm đầu xuống đất.
Chiếc Ngư Lôi Bay Kettering có một màn khởi đầu không tốt đẹp, nhưng một số chuyến bay thử nghiệm sau thì thành công hơn. Lục quân cũng hài lòng đủ để đặt mua 100 chiếc mẫu, nhưng chỉ mới khoảng 45 chiếc được sản xuất khi Hòa Ước được ký kết chấm dứt Thế Chiến I.
Thấy rằng không có nhu cầu cấp thiết gì với kỹ thuật này, mà thật ra cũng không có bao nhiêu ấn tượng tốt với thành quả đạt được đến thời điểm ấy, chính phủ Liên Bang quyết định nhập chung cả hai dự án ngư lôi bay của Hải quân và Lục quân. Thử nghiệm chung cho thấy phát minh của ông Sperry trội hơn, nên Con Bọ Kettering bị bỏ rơi.
Quân đội Hoa Kỳ tiếp tục thí nghiệm chút ít trong hai năm kế tiếp, trước khi hoàn toàn hủy bỏ dự án vào năm 1920.
Cuộc Chiến Để Chấm Dứt Mọi Chiến Tranh (tên thường gọi Thế Chiến I khi ấy) đã kết thúc và cũng chấm dứt luôn chương trình ngư lôi bay. Những người lạc quan tiên đoán một tương lai hòa bình và thịnh vượng trên toàn cầu, trong đó người ta sẽ không cần đến những dụng cụ chiến tranh nữa. Tiếc thay, họ đã sai rồi. Nhân loại còn chưa dừng chiến tranh, mà chiến tranh cũng chưa buông tha cho nhân loại.
Một cuộc chiến toàn cầu khác, còn quy mô hơn và dữ tợn hơn cuộc chiến đầu tiên, đang lấp ló nơi chân trời. Và các nhà lãnh đạo quân sự của cuộc chiến sắp tới sẽ không quên cái khái niệm dùng một quả bom không người lái để tiêu diệt kẻ địch từ khoảng cách xa.
Thế hệ đầu của vũ khí bay không người lái chưa từng tiến hành một cuộc tấn công trong hoàn cảnh thực chiến nào cả. Chúng chưa từng tiêu diệt một mục tiêu nào, chưa từng giết hại một quân địch nào. Tuy nhiên thế hệ thứ hai của loại vũ khí này chẳng bao lâu sau sẽ xuất hiện. Mà khi chúng xuất hiện, chúng sẽ thay đổi tất cả.