Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Phi trường Lhasa Gonggar
Khu vực Shannan, Tây Tạng
Thứ Tư, 26 tháng 11, 08:50, giờ địa phương
Bánh của chiếc Airbus A320 của hãng China Eastern rời khỏi đường băng của phi trường Lhasa Gonggar đúng giờ và mục sư Bill McDonald hít vào hơi thở thông thoáng đầu tiên từ ba ngày nay. Từ hôm xảy ra vụ thảm sát ở quảng trường Barkhor, hắn chưa từng chợp mắt quá 15-20 phút mỗi lần. Bây giờ, cuối cùng máy bay cũng đã cất cánh và đang rời khỏi lãnh thổ Trung quốc và hắn có thể buông lỏng rồi.
Chiếc điện thoại di động đang nằm an toàn trong túi của hắn và tấm thẻ nhớ có đoạn hình kia vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ ba tiếng rưỡi nữa, hắn sẽ đáp xuống Kathmandu, rồi sau khi phải chờ đợi 4 tiếng, hắn sẽ lên một chuyến bay của hãng Cathay Pacific để đến phi trường San Francisco International sau khi ghé qua Hồng Kong.
Hắn sẽ về đến nhà trễ tối mai, vừa kịp để ăn một bữa cơm Thanksgiving trễ nãi, nhưng hắn vẫn chưa quyết định được sẽ làm gì với đoạn phim đã thâu. Hắn phải giao nó đến đúng người cần đưa, đó là điều hiễn nhiên. Chỉ tiếc là hắn cũng không rõ ai mới là người cần được giao.
Hắn đã nghĩ đến việc đi thẳng với hãng CNN hay là một trong những hãng báo chí mà cả nước đều biết đến, nhưng hắn không quen biết ai trong giới báo chí cả. Các tổ chức báo chí có lẽ mỗi ngày đều nhận được cả ngàn cú điện phá phách. Nếu hắn bất ngờ gọi đến văn phòng của bất cứ một tờ báo hay hãng thông tin nào, có lẽ họ sẽ liệt hắn ngay vào trong số những kẻ bài ngoại hoặc thích tán gẫu những câu chuyện âm mưu. Hắn sẽ không có một cơ hội nào để trình đoạn phim cho bất cứ ai có khả năng và quyền hạn công khai phổ biến nó trên tầm mức toàn quốc được. Như vậy là không thể nào đi thẳng đến các hãng thông tin lớn được rồi, trừ phi hắn có thể tìm cách cho một nhân vật cao cấp nghiêm túc chú ý đến câu chuyện của hắn.
Hắn cũng đã nghĩ bỏ qua người trung gian và tự mình đưa đoạn phim lên mạng internet. Hắn có thể đưa nó lên một trang web chuyên dùng cho video, rồi đợi nó bốc lửa và lan nhanh như các clip trong vụ phản đối Occupy Wall Street năm 2011. Nhưng trên mạng có hằng trăm ngàn clip, không chừng hằng tỷ clip, mà chỉ có một số rất nhỏ làm người ta chú ý mà thôi.
Bill không có fan trên mạng, mà muốn có đủ số fan phải mất nhiều năm. Hắn có thể đưa đoạn phim vào hằng trăm trang mạng, nhưng nếu không ai xem thì cũng chẳng có ích lợi gì.
Có thể hắn sẽ may mắn và đoạn phim sẽ được lưu truyền trên mạng như lửa cháy đồng cỏ khô cho đến khi mọi người đều bàn luận về nó và các chính trị gia đều tranh cãi về nó trên các đài truyền hình. Hay cũng có thể là nó sẽ tan biến trong đại dương bao la của internet mà không để lại một gợn sóng nào.
Thật mỉa mai thay. Hắn đã bay sang Tây Tạng để tìm kiếm một sự thật nào đó, nhưng số mệnh đã tuyển chọn hắn làm một nhân chứng cho một loại sự thật khác hẳn với mong muốn. Một sự thật có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người hay vận mệnh của nhiều quốc gia. Hắn đang mang theo sự thật trong túi áo, nhưng hắn lại không biết phải làm gì với nó cả.
-***-
Hắn vẫn còn đang giằng co với vấn đề này thì máy bay đã hạ cạnh xuống phi trường quốc tế Tribhuvan ở Kathmandu. Hắn vẫn chưa giải quyết được vấn đề bốn tiếng sau đó, khi chiếc máy bay hãng Cathay Pacific chở theo hắn cất cánh lên đường đến Hồng Kong.
Đến lúc này, hắn đã mệt như chỉ còn là một cái xác biết đi. Hắn ngã ghế ra sau, nhắm mắt lại cố gắng ngủ, nhưng óc hắn vẫn cứ tỉnh táo. Tâm trí hắn nhất định không buông tha vấn đề ấy, cứ đảo nó qua lại mãi.
Hắn cố rơi vào trạng thái thiền định để buông thả mọi lo âu và thả hồn vào thức hải. Hắn điều hòa hơi thở và buông lỏng từng cơ bắp một. Hắn đã yên bình… Tâm hồn bình hòa… Hắn… chợt tỉnh.
Mắt hắn mở bừng ra. Chẳng ích lợi gì cả. Không cách nào ngủ được.
Hắn thò tay vào ngăn chứa sách báo ở cái lưng ghế trước và lấy ra một tờ báo của hãng máy bay. Hắn lật nhanh qua các trang giấy, mà chỉ nhìn thoáng qua hình ảnh, hoàn toàn không lưu ý đến các bài viết. Mắt hắn đã quá mỏi để muốn đọc. Hắn chỉ muốn chia trí một lúc để đỡ phải suy nghĩ thôi.
Khi lật đến trang cuối, hắn lại bắt đầu lại từ đầu, các trang giấy trơn bóng chỉ còn là những hình ảnh vụn vặt và những bảng quảng cáo. Khi đã lật đến lần thứ tư, một hình ảnh chợt đập vào mắt hắn. Đó là một số tranh vẽ của một họa sĩ trẻ người Nam Dương, được triển lãm tại một phòng trưng bày sang trọng nào đó ở New York.
Ngay giữa trang giấy, có một bức tranh bộ ba: ba bức tranh vẽ cùng một cảnh, mỗi bức từ một góc độ hơi khác nhau. Giữa mỗi bức tranh là chân dung của một người đàn ông già có đường nét người Á châu rõ rệt, được vẽ từ bên trái, thẳng mặt và bên phải. Cả ba bức đều có một vòng kẽm gai rỉ sét chờn vờn trước mặt người đàn ông.
McDonald chăm chú nhìn ba bức vẽ, tập trung vào mặt người chứ không để ý vòng kẽm gai. Nó làm hắn nhớ đến một cái gì đó, một tờ yết thị, một bảng quảng cáo, hay một thứ gì hắn đã từng thấy trên truyền hình. Hắn nhắm đôi mắt đau rát và cố nhớ lại. Ba vòng kẽm gai…
Rồi hắn chợt nhớ ra, một tấm áp-phích đã nhiều năm rồi hắn chưa từng thấy lại. Trong suốt nhiều tuần trước Thế Vận Hội 2008 ở Trung quốc, bức áp-phích này được bày khắp nơi. Năm vòng kẽm gai trên một hàng rào sắt, in bóng trên nền trời vàng ảm đạm. Ba vòng nằm trên và hai vòng bên dưới, rõ ràng bắt chước theo đồ án năm vòng tròn trứ danh của hội Thế Vận Quốc Tế. Bên trong vòng tròn bên phải, có dòng chữ ‘Bắc Kinh 2008’. Trên hàng rào sắt, có treo tòn teng một danh sách dài liệt kê các vi phạm nhân quyền đang xảy ra ở Trung quốc khi mà dân chúng hay tổ chức xã hội đối lập với chính phủ bị bắt bớ và giam cầm để họ khỏi lộ mặt ra trong Thế Vận Hội.
Tâm trí mệt mỏi của McDonald không hiểu vì sao lại nhớ ra tờ áp-phích này thật rõ ràng. Hắn còn thấy rõ phía dưới có dấu hiệu: hội Ân Xá Quốc Tế.
Chính là nó rồi! Khi những chữ này hiện lên trong óc, hắn biết ngay là đã tìm ra được giải đáp cho vấn đề. Có lẽ chính hắn không thể nào làm cho các hãng thông tin lớn chú ý đến, nhưng một tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ làm được. Nếu họ đưa đoạn phim cho các hãng lớn, các hãng này sẽ lắng nghe. CNN và các hãng lớn khác sẽ không dám bỏ qua một tin lớn như thế, nếu nó được hội Ân Xá Quốc Tế đưa ra. Họ sẽ không dám để vuột mất một câu chuyện có thể biến thành chuyện vị phạm nhân quyền lớn nhất từ khi vụ Thiên An Môn như thế.
Hội Ân Xá Quốc Tế, một đáp án đơn giản như thế! Tại sao hắn lại không nghĩ ra từ sớm chứ?
Đoạn phim trong túi hắn đã từ một vấn đề nan giải biến thành những công đoạn dễ dàng thực hiện. Chỉ cần vài cú điện là có thể hẹn gặp được một người sẽ nghe hắn nói, một người mà công việc hàng ngày là tìm kiếm những vật chứng như thứ McDonald đang mang theo trên người và đem công bố nó cho cả thế giới biết.
Có lẽ hắn chỉ cần vào trang mạng của hội Ân Xá Quốc Tế là tìm ngay được số điện thoại. Sau đó, hắn sẽ…
Chưa kịp nghĩ đến bước kế tiếp, mục sư William H. McDonald đã ngủ say trên ghế số 31B, tại một điểm nào đó bên trên biển Đông.
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Bắc Kinh, Trung quốc
Phủ Chủ Tịch Nhà Nước
Thứ Tư, 26 tháng 11, 13:35, giờ địa phương
Như thường khi, hai gã cận vệ của Lu Shi bị ngăn lại ngoài cửa và lão phải đi vào một mình.
Lu Shi không thích bị buộc phải lưu lại hai tên cận vệ. Không phải là lão cảm thấy không an toàn tại nơi đây, vì phủ Chủ Tịch là một trong những kiến trúc an toàn nhất Trung quốc. Nhưng mà Lu Shi chỉ khó chịu về phương diện khí thế mà thôi. Trải qua suốt một cuộc đời đấu tranh cẩn thận và tỉ mỉ, đột nhiên lão cảm thấy khó lòng chịu được những gì hơi có vẻ là một trở ngại.
Hai tên cận vệ bị chặn lại ngoài cửa làm lão chợt nhớ lại là cũng còn có vài địa điểm và hoàn cảnh mà ý muốn của lão không là trên hết. Lão phải tự đề tỉnh rằng trên giấy tờ, lão vẫn còn là nhân vật thứ hai trong chính phủ Trung quốc mà thôi. Tuy rằng việc mà trên thực tế lão nắm quyền điều hành cả nước chỉ là một bí mật mà mọi người đều rõ, nhưng quyền hành chính thức vẫn thuộc về lão Xiao Qishan, chủ tịch nhà nước, ít nhất trên giấy tờ là thế.
Thường thì Lu Shi cố gắng không nghĩ rằng lão Xiao là một bù nhìn. Lão Xiao là một người rất giỏi lúc ở thời của lão và lão đã phục vụ cho đảng rất tốt. Cái từ ‘bù nhìn’ cũng không phải không chính xác. Ảnh hưởng chính trị của lão nhân này đã tàn lụi gần như không còn gì. Lực lượng của lão đã gần như mất hết rồi. Lão không còn bằng hữu để nhờ vả nữa. Lão Xiao còn giữ chức vị của lão là vì Lu Shi cho phép. Nếu Lu Shi không ủng hộ lão nữa, Xiao Qishan sẽ không còn ngồi trên chiếc ghế chủ tịch nhà nước chưa đầy một tháng sau đó.
Hơn nữa, lão nhân này cũng biết điều đó. Mặc dù cả hai không ai trực tiếp nói ra, hai người đều ngầm hiểu. Lão Xiao đọc các bài diễn văn và chủ trì các cuộc họp báo, còn lão Lu thì toàn quyền quyết định các chính sách lớn để quốc gia tiếp tục tiến lên.
Chính vì vậy mà cuộc họp hôm nay thêm phần bực mình. Xiao Qishan đã cho triệu vời lão, cứ như Lu Shi là một viên chức cấp thấp vậy. Lu Shi không hài lòng. Không hài lòng chút nào.
Lão đã định phớt lờ lệnh triệu. Như thế, lão có thể khiến lão Xiao nhớ rõ quyền hành trong Trung quốc nằm trong tay ai. Nhưng phô trương thanh thế một cách trắng trợn như vậy thật ra không cần thiết; thôi thì cứ để cho lão mãnh long già này khoái chí một chút cũng được.
Lu Shi cố gắng nở nụ cười khi bước vào phòng làm việc của lão Xiao. Lão nhân này đang ngồi nơi bàn làm việc, đọc một cuốn sách nhỏ có bìa đỏ đã tả tơi. Lu Shi nhận ra ngay đó là cuốn Mao Trạch Đông Ngữ Lục.
Lão Xiao ngẩng đầu lên và mỉm cười.
Lu Shi hơi nghiêng đầu, nửa gật đầu, nửa cúi nhẹ đầu. “Thưa đồng chí Chủ Tịch, ngài muốn gặp tôi sao?”
Xiao đóng cuốn sách lại, kẹp một ngón tay để nhớ chỗ đang đọc. “A, đồng chí Lu. Cám ơn anh đã đến, lão bằng hữu.”
Lu Shi lại gật đầu. “Tôi luôn sẵn sàng phục vụ đồng chí.” Không thành thật lắm, nhưng nghe cũng đủ cung kính và lễ phép.
Xiao phất tay về phía một cái ghế. Lu vờ như không thấy. Lão vẫn đứng.
Lão Chủ Tịch hơi nhíu mày, nhưng cũng không ép. “Tôi muốn nói chuyện với anh về… tình huống này… với nước Ấn Độ láng giềng của chúng ta. Vài đồng chí trong Ủy Ban Quân Sự Trung Ương đã tỏ ra… lo lắng…”
Tiếng cười của Lu Shi cay đắng hơn là vui vẻ. “Vài đồng chí thân ái của chúng ta là những lão bà nhút nhát.”
Xiao đặt cuốn sách đỏ xuống bàn, ngón tay giữ chỗ đang đọc. “Đương nhiên đồng chí biết rõ các đồng chí trong Ủy Ban hơn tôi,” lão nói. “Và có lẽ vài người trong nhóm quá cẩn thận. Tuy nhiên đây là một nơi mà tánh cẩn thận có lẽ là khôn ngoan đó.”
Lu Shi cố gắng áp chế ý muốn đảo mắt coi thường. Lão nói. “Tôi không có vấn đề gì với tánh cẩn thận hết. Mà sự khôn ngoan là đức tính tốt của kẻ lãnh đạo. Nhưng tôi không phải nói về cẩn thận hay khôn ngoan. Tôi đang nói về nhút nhát. Sợ sệt. Thiếu can đảm.”
Lão gật đầu về phía cuốn sách đỏ. “Thưa đồng chí Chủ Tịch, ngài thấm nhuần tư tưởng của Mao Chủ Tịch hơn bất cứ ai khác mà tôi được biết.”
Điều này quả là sự thật. Khi mà khối quyền lực đáng sợ của lão Xiao dần suy thoái, lão mãnh long này ngày càng chìm đắm vào quá khứ. Hằng ngày, lão chỉ chuyên chú vào các bài nói và bài viết của Mao Trạch Đông, với niềm tin rằng học hỏi những thứ ấy sẽ biến lão thành một lãnh tụ sáng suốt hơn. Trong khi ấy, lão quên rằng sự lãnh đạo của lão chỉ gần như còn tồn tại trong trí tưởng tượng của lão mà thôi.
Tuy nhiên Lu Shi cũng không tự kiêu đến nỗi bỏ qua lời của Mao để đưa câu chuyện qua một góc độ thuận lợi hơn cho lão. Lão với tay tới cuốn sách đỏ và nhẹ nhàng nhấc nó khỏi tay của lão nhân. “Đồng chí có nhớ rằng Mao Chủ Tịch đã nói thế nào về những người quá nhút nhát để làm ra các quyết định khó khăn không?”
Xiao gật đầu. “Dĩ nhiên…”
Lu cũng gật đầu. “Và tôi tin rằng, thưa đồng chí Chủ Tịch, đồng chí cũng nhớ những gì Mao Chủ Tịch viết về những kẻ bảo vệ cho kẻ thù của cách mạng cộng sản chứ?”
Lão nhân lại gật. “Tôi nhớ…”
Lu Shi cầm cuốn sách trong hai tay. “Mao Chủ Tịch đã sáng suốt đề tỉnh chúng ta phải liên hiệp với các bằng hữu chân chính để đánh đổ kẻ thù chân chính. Người đã nhắc nhở chúng ta rằng các giới lãnh đạo phải luôn tuân thủ nguyên lý này để tránh dẫn dắt quần chúng một cách sai lầm.”
“Tháng 3, năm 1926.” Xiao nói. “Chủ tịch đang nói về sự phân chia giai cấp trong xã hội Trung Hoa…”
“Phải,” Lu Shi đáp. “Nhưng có phải là Mao chủ tịch đang nói bằng phép ẩn dụ không? Hay ngài mong muốn các giới lãnh đạo hậu thế đem tư tưởng của ngài vào hành động?”
“Ngài muốn chúng ta hành động.” Xiao nói. “Ngài luôn muốn chúng ta hành động.”
“Tôi đồng ý.” Lu đáp. “Nếu chúng ta chấp hành những lời Mao Chủ Tịch răn dạy vào tình hình hiện tại, thì chúng ta nên coi làng giềng Ấn Độ là địch hay bạn?”
Xiao ngập ngừng. “Tôi không biết chúng ta có đủ dữ kiện để xác định rõ ràng điều này.”
“Bọn chúng cố tình chứa chấp kẻ địch của Trung quốc.” Lu nói. “Những kẻ địch đã tiêu hủy tài sản trị giá hằng tỷ nhân dân tệ và giết hằng trăm dân chúng của chúng ta. Vậy mà láng giềng Ấn Độ của chúng ta lại hoan nghênh bọn khủng bố ấy và đối xử với chúng như khách quý. Không bắt và giao trả chúng cho chúng ta trừng trị trong khi chúng vẫn đang lập mưu những hành động phá hoại và giết người kế tiếp.”
Lu Shi đặt cuốn sách đỏ lại trên bàn, bên cạnh bàn tay của Xiao Qishan.
“Theo luật pháp của chúng ta,” Lu nói tiếp. “Nếu kẻ nào chứa chấp và giúp đỡ một tên tội phạm, kẻ ấy cũng là tội phạm. Vậy chúng ta phải làm gì với một kẻ chứa chấp và giúp đở kẻ địch đây?”
Lần này, Xiao ngần ngừ lâu hơn. Đến khi lão cất tiếng, tiếng của lão chỉ là thì thào. “Kẻ như thế cũng phải là kẻ địch của chúng ta…”
Lu nhìn thẳng vào mắt của lão nhân. “Vậy, chúng ta có nên cho một quốc gia hưởng quy chế thấp hơn một cá nhân không?”
Xiao chậm rãi lắc đầu.
“Vậy thì chúng ta phải tự hỏi một câu đơn giản.” Lu Shi lại nói. “Mao Chủ Tịch răn dạy chúng ta phải làm sao với kẻ địch của Trung quốc?”
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Trụ Sở của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA)
Langley, Tiểu Bang Virginia
Thứ Năm, 27 tháng 11, 08:26 giờ địa phương
Kurt Gray ngáp to trong suốt quá trình phức tạp kích hoạt máy điện toán của gã. Gã đút tấm thẻ điện tử vào máy đọc cạnh màn hình và đợi cho đèn đỏ trên máy đọc vân tay sáng lên.
Nào là chìa khóa điện tử, nào là chìa khóa sinh trắc học, rồi lại mật khẩu dài ít nhất 15 chữ, máy điện toán của gã được mã hóa 9 cách khác nhau. Những năm gần đây, Cơ Quan đã đem bảo mật thông tin lên thành sự ám ảnh gần như bệnh hoạn. Kurt và các đồng bạn giải tích của gã đều cho rằng sớm muộn gì các phương pháp mã hóa sẽ gồm cả phân tích tế bào di truyền AND và khám hậu môn.
Cái này cũng chỉ nửa đùa thôi, bởi vì có đủ mọi dấu hiệu cho thấy tính đa nghi của CIA càng lúc càng tăng cao. Kurt lại ngáp trong khi đánh vào máy mật khẩu thứ nhất. Có lẽ nghĩ đó là tính đa nghi cũng không công bằng lắm, bởi vì thật sự có nhiều người đang cố gắng vươn các ngón tay tin học nhớp nhúa của chúng vào các cơ sở dữ liệu của Cơ Quan. Rất nhiều người… Các chính phủ địch, các lực lượng quân sự nước ngoài, các phần tử tội phạm, những kẻ điên khùng, đủ loại phần tử trộm dữ liệu trên mạng và cả một số chính phủ nước bạn nữa. Nói đúng ra, có cả mớ người trong chính phủ Hoa Kỳ sẵn lòng bỏ ra bộn bạc để được ghé mắt vào kho tàng tin tức của CIA.
Khi ngọn đèn đỏ sáng lên, Kurt đặt ngón trỏ tay phải lên máy đọc vân tay, rồi đánh vào máy mật khẩu thứ nhì của gã. Máy đáp lại bằng một tiếng bíp hài lòng và Kurt ngồi dựa ra sau, chờ cho máy điện toán của gã tiến hành quá trình thần kỳ giải mã ổ đĩa cứng.
Gã với tay nâng tách cà-phê Starbucks luôn ở bên cạnh và nhấp một ngụm lớn cà-phê nóng bỏng và đậm đà. Đây là cà-phê sữa có thêm hương vị bí ngô, một hương vị chỉ có trong khoảng lễ Thanksgiving hằng năm.
Kurt hạ tách cà-phê ấm áp từ môi và nghiêng tách về màn hình như để chào nó. “Chúc ông một lễ Thanksgiving tốt lành, ông Computer (máy điện toán) ạ. Hi vọng ông không phiền lòng khi phải làm việc vào ngày Gà Tây chứ? Tại vì tôi thì *** khoái chút nào.”
Gã lại nhấp một ngụm trong khi bảng báo cáo hiện lên trên màn hình, rồi tên những tập tin bắt đầu hiện lên. Cả quá trình tốn hơn một phút. Danh sách không phải là ngắn. Kurt cuộn xuống dãy tên tập tin và cất tiếng rên rỉ đau khổ.
Phương thức hoạt động của Ban Tình Báo được thành lập từ những năm 1960 và 1970, trước khi có internet, khi mà chưa từng ai nghe đến thư điện tử và động cơ tìm kiếm, và cũng là khi mà máy fax là phương tiện thông tin điện tử tiên tiến nhất. Khoảng thời gian ấy, nào có tần số điện thoại di động để mà ngăn chặn, nào có máy chủ mạng để mà tìm cách đột nhập và nào có ổ đĩa flash để chứa và đem theo hằng gigabyte hay terabyte hồ sơ đã đánh cắp được. Thời ấy, các chuyên gia giải tích tình báo phải cực khổ liên kết những mẫu tin tức nhỏ xíu, trong một hoàn cảnh cực kỳ khan hiếm tin tức.
Ngày nay, Ban Tình Báo lại phải chật vật với một vấn đề trái ngược hẳn: tình trạng quá tải thông tin. Cái gọi là “siêu xa lộ thông tin” đã biến thành một ngọn sóng thần tin tức càng lúc càng nhiều và liên tục thay đổi. Thêm vào đó là hình ảnh từ máy bay trinh sát không người lái, tín hiệu bị đánh chặn và cả những bản báo cáo từ nhân viên hoạt động tại địa phương, thế là thông thường một chuyên gia giải tích bị tràn ngập bởi một số lượng hồ sơ mà không một người nào có thể tiêu thụ được. Cũng may là khoảng 98% lượng thông tin này không hữu ích gì hết, trên khía cạnh an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Cái khó là làm sao thò tay vào trong cái biển rác rưởi ấy và lôi ra cái phần 2% có ý nghĩa thiết thực.
Đó chính là công việc của Kurt. Mà tuy rằng thường thì nó chi ly và phiền toái, gã lại làm rất giỏi. Gã lại trở lên đầu danh sách và bắt đầu lọc lựa.
Trước khi bắt đầu, gã hi vọng là lượng việc sẽ nhẹ một chút, nhưng xem ra không được rồi. Tuy vậy, có lẽ cũng không tệ quá. Từ tên của hồ sơ, gã đã nhận ra là phần lớn là những bài tóm gọn tình báo từng khu vực. Nhiều bản báo cáo chỉ nhắc lại các sự kiện trong báo cáo hôm trước. Gã có thể bỏ qua mớ hồ sơ này và gã chỉ cần đọc lướt qua số còn lại.
“OK,” Gã tự nhũ. “Để xem có gì xảy ra trên vùng đất Ấn Độ huyền bí…”
Kurt đã được điều đến Phòng Nam Á của CIA ba năm rồi; mà hai năm gần đây, gã được sắp xếp làm việc chuyên chú vào Bharat Ganarajya, tức là nước Cộng Hòa Ấn Độ. Gã có thể đọc ngôn ngữ Hindi như một người dân bản xứ vậy, mà nói thì không được thông thạo như vậy. Tuy nhiên sự tinh thông ngôn ngữ ấy cũng không hữu dụng như nếu gã phải làm việc ở những khu vực khác, bởi vì hơn phân nửa số hồ sơ xuất phát từ Ấn Độ được việt bằng Anh ngữ.
Từ thời là thuộc địa của Anh quốc, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ dùng trong chính trị và thương mại ở Ấn Độ. Khi nước này dành lại độc lập năm 1947, người ta đã cố gắng nhiều lần chuyển sang ngôn ngữ Hindi khi giao tiếp chính thức, nhưng suốt một thế kỷ bị nước Anh đô hộ đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trên chính trường Ấn Độ.
Theo thói quen, Kurt móc một đồng tiền từ túi quần và ném lên trời. Ngửa, gã sẽ đọc hồ sơ bằng tiếng Hindi trước. Sấp, gã sẽ bắt đầu từ hồ sơ Anh ngữ.
Đồng tiền rơi trên mặt bàn, nảy lên rồi gương mặt George Washington hiện ra. “Tiếng Hindi vậy.” Gã nói và mở tài liệu đầu tiên ra.
-***-
Hai giờ sau, mắt đã nhòa đi, Kurt mở một trong những hồ sơ viết bằng tiếng Hindi cuối cùng. Chỉ vài cái nữa, gã sẽ bắt đầu qua hồ sơ viết bằng Anh ngữ.
Hồ sơ mở ra thật chậm. Khi mà nó cuối cùng hiện ra trên màn hình, Kurt hiểu ngay vì sao. Nó chứa ít nhất hàng chục hình ảnh.
Kurt liếc nhanh đến tấm hình đầu tiên và nhấn nút trên con chuột để bức hình lớn lên. Đó là một bức vẽ đen trắng của kiến trúc sư, vẽ hình một kiến trúc vuông vức, giống như một cây cầu. Dựa theo đường tỷ lệ bên cạnh, cái kiến trúc này thật là vĩ đại: dài nhiều km và cao khoảng 200 m.
Kurt phóng đại bức hình thêm nữa và cố gắng đọc chữ viết trong những ô nhỏ. Chữ viết này có dáng vẻ Á Đông mà Kurt không hiểu được. Trung Hoa, hay Nhật, hay Hàn, đại khái như thế. Tuy nhiên có những ghi chú viết tay ở vài nơi quanh bức vẽ; mà Kurt có thể đọc được các ghi chú này, bởi vì chúng được viết bằng ngôn ngữ Hindi. Nhiều khoảng ghi chú bằng tiếng Hindi được kèm theo những mũi tên vẽ tay và những đường cong chạm nhau, rồi lại tách ra, rồi lại tụ lại ở vài địa điểm có vẻ quan trọng trên cái kiến trúc đồ sộ ấy.
Phải mất khoảng 30 giây, Kurt mới ý thức được là cái kiến trúc vuông vức vĩ đại ấy không phải là một cây cầu; nó là một cái đập nước. Một cái đập thủy điện khổng lồ, có nhiều cửa van thoát nước hơn bất cứ cái đập nào mà gã từng thấy qua.
Kurt thu nhỏ bức vẽ lại và nghiên cứu qua số hình ảnh còn lại trong một cơn phấn khích và sợ hãi càng lúc càng dâng cao. Một ý nghĩ dần thành hình trong óc gã; mà nó không làm gã thoải mái chút nào cả.
Gã nhìn trân trân vào màn hình suốt nhiều phút, lần đầu tiên trong sự nghiệp hi vọng rằng mình đừng tìm được cái gì thú vị.
“Không ổn.” Gã tự nhủ, với tay đến máy điện thoại. “Cái này thật tình là không ổn rồi.”
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Quá trình phát triển của phi đạn hành trình
(trích từ bài viết của tiến sĩ David M. Hardy cho viện Phân Tích Chiến Lược Quốc Gia)
Sự bộc phát của Đệ Nhị Thế Chiến làm người ta lại chú ý đến những vũ khí bay không người lái.
Năm 1940, kỹ sư người Anh Frederick George Miles đề nghị khai triển một chiếc máy bay nhẹ, được điều khiển từ xa, có khả năng mang một quả bom 450 kg. Được mệnh danh là chiếc Miles Hoop-la, nó không phải là một món vũ khí chỉ có thể dùng một lần. Trái lại, nó có thể thả quả bom vào mục tiêu được chỉ định, rồi quay về căn cứ để được tiếp liệu và đeo bom cho phi vụ kế tiếp. Nó được dự trù là có vận tốc trên 480 km/giờ, nhưng điều này không bao giờ được chứng nhận bởi vì dự án bị hủy bỏ trước khi một mô hình được chế tạo.
Năm 1941, ReichluftMinisterium (Bộ Không Quân) Đức bắt đầu tìm hiểu các đề cương cho máy bay “ghép”, nghĩa là nhiều máy bay được trực tiếp ghép dính vào nhau và được điều khiển như một cá thể. Sự chú ý của Đức Quốc Xã đến khái niệm này có lẽ bắt nguồn từ các cuộc nghiên cứu của Sô Viết vào những năm 1930 về những chiếc máy bay chiến đấu được gắn vào thân hay cánh của những chiếc máy bay ném bom cỡ lớn, sẵn sàng bay lên bảo vệ cho máy bay mẹ khi bị máy bay địch đe dọa.
Một kế hoạch của Đức là dùng một chiếc máy bay chiến đấu được gắn vào một chiếc máy bay ném bom Junkers Ju-88 không người lái, chứa đầy chất nổ để điều khiển chiếc máy bay ném bom vào mục tiêu. Khi bay đến địa điểm được định sẵn, viên phi công của chiếc máy bay chiến đấu sẽ nhắm chiếc máy bay ném bom vào mục tiêu, tách rời máy bay của mình ra và ly khai trong khi chiếc Junkers lao vào mục tiêu và nổ tung.
Ban đầu giới lãnh đạo cao cấp của Luftwaffe (Không quân Đức) phản đối kế hoạch này, nhưng rốt cuộc bộ ReichluftMinisterium cũng ưng chuẩn dự án Beethoven để chế tạo một quả bom ghép mang bí danh Mistel.
Vụ thử nghiệm thực sự đầu tiên tiến hành vào tháng 7 năm 1943. Chiếc máy bay dùng để điều khiển là một chiếc chiến đấu cơ Messerschmitt Mf-109E được lắp bên trên một chiếc oanh tạc cơ Ju-88A không người lái và được nối dây điều khiển vào bộ phận điều chỉnh ga (tốc độ) và hệ thống điều khiển hướng bay của chiếc Ju-88A. Viên phi công cất cánh suông sẻ và bay chiếc máy bay ghép về phía mục tiêu. Khi đạt đến đúng tầm, gã tách chiếc Messerschmitt khỏi chiếc oanh tạc cơ, khiến chiếc Ju-88A tự động bay về phía mục tiêu. Mức chính xác của vụ tấn công này không chê vào đâu được và lượng chất nổ trong chiếc oanh tạc cơ hoàn toàn phá hủy mục tiêu. (Ghi chú của dịch giả: Mf-109 là một chiến đấu cơ một động cơ cánh quạt, còn Ju-88 là một oanh tạc cơ cở trung bình có hai động cơ cánh quạt. Cả hai được Đức Quốc Xã sử dụng từ đầu đến cuối Thế Chiến thứ Hai.)
Chiếc Mistel trông không giống quả Ngư Lôi Bay Sperry hay Con Bọ Kettering của thế chiến trước, nhưng cái phát minh mới này của Đức là con cháu trực hệ của các vũ khí bay kia. Chỉ trong một chuyến bay, chiếc Mistel đã chứng minh rằng cái khái niệm quả bom bay không người lái chẳng những thực thi, mà còn chí mạng nữa.
Các sĩ quan cao cấp của Luftwaffe bèn bỏ qua mọi sự phản đối và ngay lập tức hào hứng với chiếc Mistel. Họ nhanh chóng lập kế hoạch hoàn thiện chiếc Mistel và đưa nó vào sản xuất và thực chiến.
Chiếc Mistel bắt đầu vào thực chiến tháng 6 năm 1944, gần đúng một năm sau lần thử nghiệm đầu tiên. Hình thức sau cùng của nó là dùng một chiếc chiến đấu cơ Focke-Wulf Fw-190A lắp bên trên một chiếc Junkers Ju-88A-4. Phần mũi và phòng lái của chiếc oanh tạc cơ được tháo đi, thay vào đó là một đầu đạn 3,500 kg thuộc loại khối nổ lõm. (chú thích của người dịch: khối nổ lõm có phía trước bằng kim loại thường là đồng, hình nón; mặt lõm hướng về phía mục tiêu, thuốc nổ bao bọc phía sau. Khi nổ, sức nổ ép tấm kim loại hình nón thành một mũi tên kim loại nóng chảy bắn vào mục tiêu. Mục đích là xuyên phá. Thường được dùng để phá mục tiêu được bảo vệ bằng giáp dày như xe tăng, tàu chiến, tường dày, v.v.)
Các cuộc thử nghiệm cho thấy cái đầu đạn khổng lồ này của chiếc Mistel có khả năng xuyên thấu xi-măng cốt sắt có hầu như bất cứ độ dày nào. Một cuộc tấn công thử vào một chiếc thiết giáp hạm cũ của Pháp làm cho chiếc chiến hạm này bị thiệt hại một cách nghiêm trọng lạ lùng, cho thấy khả năng của chiếc Mistel trong nhiệm vụ chống hạm. Khả năng này lập tức được thử nghiệm khi nhiều chiếc Mistel được dùng để tấn công tàu bè của quân Đồng Minh ngay trong tháng đầu tiên chiếc Mistel được đem vào thực chiến.
Giới lãnh đạo cao cấp của Đức Quốc Xã liền bắt đầu lập kế hoạch cho một chiến dịch sử dụng Mistel trên quy mô lớn chống quân Đồng Minh, mang bí danh Chiến Dịch Eisenhammer (Thiết Chùy). Hơn 250 chiếc Mistel được sản xuất, nhưng Chiến Dịch Eisenhammer không bao giờ được tiến hành. Số Mistel đã được gom góp cho chiến dịch này được sử dụng trong nhiều vụ tấn công nhỏ, phần đông nhắm vào các cây cầu trên tuyến đường tiến quân của quân Đồng Minh.
Không quân Đức có chế tạo một số kiểu Mistel khác nhau tý đỉnh, gồm vài thay đổi hay thay thế máy bay để phù hợp với các nhiệm vụ. Một kiểu Mistel dùng máy bay phản lực được nghĩ đến, với ý định là dùng chiếc máy bay chiến đấu phản lực Messerschmitt Me-262; tuy nhiên dự án này không bao giờ được thực thi. Nhiều kiểu khác được đề nghị, nhiều kiểu cực kỳ quái dị. Phần đông các ý tưởng quyết liệt nhất chỉ ở trên giấy thôi.
-***-
Trong khi nước Đức đang nghiên cứu và sử dụng các vũ khí bay không người lái của họ, phía bên kia Đại Tây Dương, Hoa Kỳ lại tiếp tục nghĩ đến ngư lôi bay.
Trong một chuyến viếng thăm nước Anh vào năm 1936, Tham Mưu Trưởng Hải Quân, Đô đốc William H. Standley chứng kiến một vụ tập trận bằng đạn thật chống lại một chiếc máy bay huấn luyện Queen Bee của Anh quốc; đây là một chiếc máy bay cánh đôi Tiger Moth của hãng de Havilland, được vô tuyến điều khiển và được dùng làm bia sống. Đặc điểm của chiếc Queen Bee ấy gây ấn tượng mạnh cho ông và ông liên lạc với chuẩn Đô đốc Ernest J. King, chỉ huy Phòng Phi Hành, và lệnh cho ông này nghiên cứu các phương án chế tạo máy bay vô tuyến điều khiển cho Hải Quân Hoa Kỳ.
Dưới sự đề bạt của đô đốc Tham Mưu Trưởng, chuẩn đô đốc King chọn Trung Tá Delmar S. Fahrney làm người lãnh đạo đề án này. Là một phi công kỳ cựu và mang bằng thạc sĩ trong ngành kỹ sư hàng không, Fahrney đầy đủ kinh nghiệm và cực giỏi trên lãnh vực kỹ thuật. Ông ta còn là người có tầm nhìn xa.
Làm việc chung với Xưởng Máy Bay Hải Quân, Fahrney điều hành việc biến đổi hai chiếc máy bay cánh đôi Curtiss và hai chiếc cánh đôi Stearman thành những chiếc “drone” (người dịch: drone là máy bay không người lái, nhưng cũng có nghĩa là tiếng vo ve). Gần như chắc chắn Fahrney là người đầu tiên dùng từ drone để chỉ một chiếc máy bay không người lái. Có lẽ đây là một sự công nhận đầy thiện ý rằng chiếc Queen Bee (ong chúa) của Anh quốc là nguồn linh cảm cho chương trình này của Hải Quân Hoa Kỳ.
Đến năm 1937, nhóm Fahrney bắt đầu bay thử những chiếc máy bay này. Một năm sau, các chiếc máy bay không người lái của nhóm được dùng trong những cuộc tập trận chống máy bay của chiếc tàu sân bay USS Ranger. Những chiếc máy bay này là những mục tiêu cực khó cho các đội phòng không; qua hết đợt tấn công giả này đến đợt khác, chúng không bị sứt mẻ gì cả.
Sự thành công của máy bay không người lái và sự thất bại của các đội phòng không đã khiến cho toàn bộ Hải quân phải đánh giá lại lực lượng phòng không của mình. Các cuộc thí nghiệm với chiếc USS Ranger này cũng khiến ông Fahrney tin rằng máy bay vô tuyến điều khiển có thể được sử dụng như một vũ khí để tấn công chiến hạm địch bằng cách oanh tạc hay phóng ngư lôi.
Fahrney lập tức tiến hành một vụ thực nghiệm, cho một chiếc “drone tấn công” mang theo một đầu đạn giả tập kích chiếc thiết giáp hạm USS Utah. Tiếc thay cho ông Fahrney, các đội phòng không trên chiếc Utah bắn giỏi hơn các nhóm trên chiếc Ranger. Khi chiếc máy bay không người lái bắt đầu lao xuống để ném bom, một tràng đạn phòng không trúng ngay vào nó, làm nó đâm xuống biển. Thế là cuộc tấn công giả chấm dứt.
Ông Fahrney không hề mất niềm tin. Cuộc biểu diễn của ông bị cắt ngang vì một viên đạn may mắn, nhưng ông không hề hoài nghi rằng khái niệm cơ bản vừa có ích, vừa có thể đạt được. Một chiếc máy bay vô tuyến điều khiển có thể tấn công một chiến hạm địch mà không cần phải lo lắng đến tính mạng của phi công.
Trong khi nghiên cứu các phương pháp để cải tiến chiếc drone tấn công của mình, Fahrney được quen biết với Tiến Sĩ Vladimir Zworykin, một di dân người Nga thật sáng chói đã trở thành kỹ sư trưởng của hãng Radio Corporation of America (thường được gọi là RCA). Zworykin sau này nắm giữ nhiều bằng sáng chế trọng yếu nhất cho các kỹ thuật được sử dụng cho máy truyền hình và kính hiển vi điện tử; lúc này, ông đã cố gắng từ nhiều năm để Hải Quân Hoa Kỳ chú ý đến ý tưởng một quả ngư lôi bay được điều khiển bằng một con mắt điện tử. Giới lãnh đạo của Hải quân cho rằng khái niệm này của tiến sĩ Zworykin không cần thiết, đắt tiền và có lẽ không thể thực thi.
Ông Fahrney chỉ nhìn bản kế hoạch đề xuất qua một lần, đã bỏ qua tất cả mọi thẩm định trước đó. Ông nhanh chóng soạn một hợp đồng với hãng RCA để khai triển một loạt thí nghiệm những hệ thống máy truyền hình có thể sử dụng trên máy bay Hải quân.
Vì đã nghiền ngẫm ý tưởng này từ nhiều năm, tiến sĩ Zworykin tạo được một nguyên mẫu có thể hoạt động chỉ trong vòng vài tháng. Mô hình đầu tiên cân nặng 155 kg, quá nặng cho một chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ, nhưng đủ nhẹ để thử nghiệm trên một chiếc máy bay có người lái. Các cuộc thử nghiệm đầu tiên thành công, cho thấy tín hiệu hình ảnh phát đi từ một chiếc máy bay có thể được nhận và nhìn được trên một chiếc máy bay khác cách xa 30 km.
Trong khi nguyên mẫu vẫn còn đang được thử nghiệm, nhóm Zworykin tại hãng RCA đang tìm cách chế tạo một mô hình khác nhỏ hơn. Được gọi là “Khối 1” vì hình dạng vuông vức của nó, mô hình mới này chỉ cân nặng 44 kg, đựng vừa trong một hộp có kích thước 20 cm x 20 cm x 60 cm (vì thế có tên “khối”).
Trước khi mô hình Khối-1 có thể được lắp vào một chiếc máy bay để thử nghiệm, Hải Quân Hoàng Gia Nhật đã mở cuộc tập kích trứ danh ở Trân Châu Cảng, ở tiểu bang Hawai, gây nên thiệt hại trước nay chưa từng có cho hạm đội Thái Bình dương của Mỹ. Các tàu sân bay và một số tàu hộ vệ nhỏ của Mỹ không bị thiệt hại gì vì chúng không có mặt tại Trân Châu cảng khi nơi này bị tập kích, nhưng phần lớn hạm đội bị tiêu hủy.
Hải Quân Hoa Kỳ náo loạn. Các thiết giáp hạm, khi ấy là thành phần chủ lực của hạm đội, đã bị đánh tơi tả. Về sau, một số được vớt lên, sửa chửa và trở về hàng ngũ; tuy nhiên khi ấy, Hải quân Hoàng gia Nhật đang tung hoành trên Thái Bình dương, Hoa Kỳ không thể nào ngồi yên chờ đợi đến khi các chiếc thiết giáp hạm được sửa xong. Hải quân Hoa Kỳ cần phải có khả năng tác chiến ngay tức khắc.
Tàu sân bay là thành phần chính của đáp án. Chúng chính là một hướng đi mới triệt để khác với đại pháo và giáp dày của thời đại chiến tranh bằng thiết giáp hạm. Trong những tháng kế tới, các chiếc tàu sân bay đã chứng minh mình là tương lai của sức mạnh hải quân; tuy nhiên, ngay sau biến cố Trân Châu Cảng, khả năng và mức đáng tin cậy của chúng còn chưa được chứng minh. Trong không khí bất an ấy, máy bay không người lái được vô tuyến điều khiển của ông Fahrney bỗng nhiên đem lại đầy hứa hẹn.
Tháng 2 năm 1942, Hải quân phát ra một chỉ thị tối mật, mệnh danh là Đề Án Lựa Chọn, biến máy bay không người lái tấn công thành một ưu tiên quốc phòng. Hai ông Fahrney và Sworykin còn chưa có một mô hình có thể sử dụng thì đã phải lao đầu vào một chương trình chế tạo quy mô lớn dưới sự lãnh đạo của hải quân đại tá Oscar Smith.
Chỉ hai tháng sau khi chương trình được thành lập, nhóm Đề Án Lựa Chọn đã thành công thử tấn công chiếc USS Aaron Ward, một chiếc khu trục hạm đang chạy 15 hải lý/giờ (28 km/g) theo một lộ trình quanh co để tránh địch. Chiếc máy bay không người lái là một chiếc máy bay phóng ngư lôi được cải hóa và được điều khiển bởi viên phi công của một chiếc máy bay cách xa 13 km, hoàn toàn ngoài tầm nhìn của chiếc khu trục hạm bị tấn công.
Vừa nhìn hình ảnh được truyền về từ máy thu hình lắp nơi mũi chiếc drone tấn công, viên phi công dễ dàng lái chiếc drone lao đến mục tiêu. Quả ngư lôi được chiếc drone phóng đi, chạy thẳng bên dưới lườn chiếc khu trục hạm đang điên cuồng tránh né. Nếu quả ngư lôi mang theo đầu đạn thật, chiếc USS Aaron Ward đã bị nổ tung khỏi mặt nước rồi.
Các lãnh đạo cao cấp của chính phủ và quân đội bị chấn động khi xem đoạn phim quay cuộc tấn công thử nghiệm ấy. Không mấy ai đã từng xem đoạn phim ấy có chút hoài nghi nào rằng mình đang chứng kiến một bước ngoặc quan trọng trong phương thức tác chiến.
Đô đốc King vừa được tổng thống Roosevelt thăng chức thành Tham Mưu Trưởng Hải Quân, hạ lệnh cho Hải quân Đại Tá Smith tiến hành việc sản xuất 5.000 chiếc drone tấn công. King còn lệnh cho Đại tá Smith thành lập 18 phi đoàn drone phục vụ dưới quyền chỉ huy của một đơn vị tác chiến không quân đặc biệt tân lập.
Mặc dù Đề Án Lựa Chọn được sự ủng hộ ở cấp cao nhất, chương trình này thật ra không được hoan nghênh tại mọi nơi. Mỉa mai thay, chống đối dữ dội nhất lại đến từ Chuẩn Đô Đốc John H. Towers, khi ấy đã thay thế Đô đốc King trong chức vụ chỉ huy Phòng Phi Hành. Towers kiên quyết rằng hao tốn tài nguyên quý báu vào một vũ khí chưa qua thử thách là một quyết định kém khôn ngoan. Sự chống đối của ông càng có vẻ mỉa mai khi xét lại bao khó khăn chính ông đã từng gặp phải vào các năm 1920-1930, khi ông cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ cho ngành không quân của Hải quân, trước sự chống đối của những cấp lãnh đạo đã công khai hoài nghi sự hữu dụng của tàu sân bay và máy bay trong một thế giới được thống trị bởi tuần dương hạm và thiết giáp hạm.
Fahrney quả thật tin tưởng vào khái niệm drone tấn công, nhưng ông cũng nhận rõ cần phải tạo càng ít cơ hội cho những kẻ chống đối chương trình này càng tốt. Ông quyết định rằng chiếc máy bay phóng ngư lôi không người lái sẽ được sản xuất bằng số lượng tối thiểu vật tư khan hiếm. Do đó, thế hệ máy bay phóng ngư lôi không người lái đầu tiên, được mệnh danh là TDN-1, được chế tạo gần như hoàn toàn bằng gỗ.
Với đôi cánh lắp cao trên thân và hai động cơ nhỏ, chiếc TDN-1 có thể mang theo một quả ngư lôi hay một quả bom 900 kg dưới bụng, ở tốc độ 280 km/g. Chiếc máy bay rất nhẹ, rẻ tiền và chỉ dùng số lượng vật tư quý hiếm tối thiểu. Tiếc rằng cách thiết kế của chiếc TDN không tiện cho sản xuất quy mô lớn. Chỉ 114 chiếc được sản xuất, hầu như tất cả đều được dùng để thử nghiệm hay được dùng như bia ngắm bay. Không một chiếc TDN-1 nào được dùng trong thực chiến.
Sự nhiệt tình với khái niệm drone tấn công bắt đầu xuống dốc, một phần do sự bài xích không ngừng của đô đốc Towers và những người phản đối khác. Đại tá Smith và trung tá Fahrney vẫn không nản chí. Nhóm Đề Án Lựa Chọn lập tức tiến hành sản xuất những chiếc TDR-1, thế hệ drone tấn công thứ nhì được thiết kế thích hợp với sản xuất hằng loạt hơn.
Tháng 5 năm 1944, sau khi được đại tá Smith và trung tá Fahrney vận động kịch liệt, đơn vị tác chiến không quân đặc biệt số 1 (Special Air Task Force One, viết tắt STAG-1) được điều động đến vùng nam Thái Bình dương để chiến đấu chống Nhật.
Các chiếc drone TDR-1 của STAG-1 được điều khiển từ những chiếc máy bay oanh tạc Grumman Avenger được cải biến với hệ thống vô tuyến điều khiển và ăng-ten truyền hình. Dụng cụ điều khiển gồm có một cần điều khiển cho viên phi công của chiếc Avenger sử dụng, và một bàn quay số điện thoại nối liền bằng vô tuyến với hệ thống lái tự động của chiếc TDR-1 để điều hành mẫu bay, lên đạn và thả bom hay ngư lôi. Hệ thống điều hành chỉ có 4 kênh, nên mỗi chiếc Avenger chỉ có thể điều hành tối đa là 4 chiếc drone cùng lúc.
Vụ tập kích bằng TDR-1 đầu tiên diễn ra ngày 30 tháng 7 năm 1944 chống lại một chiếc tàu hàng Nhật đã bị thủy thủ đoàn rời bỏ sau khi mắc cạn gần đảo Guadalcanal. Sáu chiếc TDR-1 tham gia vào nhiệm vụ này: bốn chiếc sẽ tấn công, còn hai chiếc kia để dự bị. Cả sáu chiếc đều trang bị bom nặng 900 kg.
Khởi đầu không được tốt. Hai chiếc drone nứt đôi khi cất cánh. Hai chiếc khác đánh trúng mục tiêu, nhưng bom không nổ. Hai chiếc cuối cùng tấn công thành công và bom của chúng phá hủy mục tiêu.
Phim quay cảnh chiếc tàu hàng Nhật nổ tung thật là tạo chấn động, tuy nhiên mức ưa chuộng khái niệm drone tấn công đã xuống thấp đến nỗi đại tá Smith phải vận động mãnh liệt chương trình mới thoát khỏi số phận bị hủy bỏ.
Khoảng 8 tuần sau, STAG-1 tiến hành một loạt tập kích bằng drone vào những cơ sở của quân Nhật trên đảo Bougainville. Các cuộc tập kích bắt đầu vào ngày 27 tháng 9 cho đến 26 tháng 10. Tổng cộng là 46 chiếc TDR-1 được sử dụng. Trong số này, 37 chiếc đột phá được hàng rào phòng không của quân Nhật và bay đến mục tiêu. Ít nhất là 21 chiếc đánh trúng mục tiêu được chỉ định.
Quân Nhật bị chấn động bởi các đợt tập kích điên cuồng của các chiếc drone, tưởng rằng Hải quân Hoa Kỳ đã bắt đầu tấn công tự sát, một phương thức tác chiến mà chính nước Nhật chỉ mới bắt đầu vài tuần trước đó thôi.
Thành tích của các vụ tập kích ở Bougainville rất khả quan, nhưng không đủ để giúp chương trình drone tấn công thoát khỏi số phận bị hủy bỏ. Các chiến binh và nhân viên của Đề Án Lựa Chọn vô cùng thất vọng, nhưng vào cuối năm 1944, mọi người có thể thấy rõ là chiến tranh ở Thái Bình dương không cần đến các quả bom bay kỳ quái của STAG-1 cũng có thể chiến thắng được. Trước kia chiếc TDR-1 từng được xem là một sự đột phá kỹ thuật tối quan trọng, nay không còn được xem là sẽ mang đến ích lợi đáng kể trong việc kết thúc chiến tranh nữa.
Khi chương trình bị hủy bỏ, thế hệ drone thứ ba, chiếc TDR-3 đang được thiết kế. Một số hình ảnh của chiếc TDR-3 vẫn còn tồn tại, nhưng không rõ nó là nguyên mẫu có thể bay, hay chỉ là mô hình. Dù gì đi nữa, công cuộc truy tìm một chiếc máy bay tấn công không người lái của Hải quân đến đây đã kết thúc.
-***-
Song song với các cố gắng của Hải quân, Không quân của Lục Quân Hoa Kỳ (KQLQHK) cũng nỗ lực phát triển một quả bom bay không người lái. Chương trình A-1 chủ yếu là một chiếc máy bay cánh đơn có khả năng mang theo một đầu đạn nặng 225 kg đến mục tiêu cách xa 650 km. Một số A-1 nhỏ được sản xuất khi chương trình bị hủy bỏ năm 1943.
(chú thích của người dịch: mãi cho đến 1948, bộ quốc phòng Hoa Kỳ mới được Quốc Hội cho phép thành lập quân chủng Không Quân (Air Force); từ đó Không quân của Lục Quân tách ra khỏi Lục Quân và trở thành Không Quân; Lục Quân chỉ được phép sử dụng trực thăng (mọi cỡ lớn-nhỏ) và máy bay liên lạc và vận tải cở nhỏ)
Trong một chương trình mệnh danh Dự Án Aphrodite, KQLQHK cộng tác với Hải quân trong việc phát triển một loạt thiết kế ngư lôi bay mang tên kỳ quái “BQ”. Một trong những kiểu khoa trương nhất là chiếc BQ-7: những chiếc oanh tạc cơ Pháo Đài Bay B-17 cũ được cải biến để được điều khiển bằng vô tuyến và chất đầy 9 tấn chất nổ để được sử dụng như những chiếc drone tiến công.
Mỗi chiếc BQ-7 có một phi công trưởng và một phi công phó khi cất cánh. Nóc phòng lái đã bị cắt bỏ, để phi hành đoàn có thể nhảy dù thoát đi, sau khi chiếc máy bay đã cất cánh xong. Trên lý thuyết, sau đó chiếc BQ-7 sẽ được vô tuyến điều khiển bay đến mục tiêu.
Khoảng 25 chiếc BQ-7 được chế tạo. Hầu hết được chỉ định để đánh vào những cơ sở quân sự kiên cố trong nước Đức, trong một kế hoạch mang tên Dự Án Perilous (hiểm nghèo). Tiếc thay, cái tên này lại vô cùng chính xác.
BQ-7 được thử nghiệm trong thực chiến một số lần, không lần nào thành công đáng kể cả, mà vài lần còn gần tạo ra thảm họa nữa. Trong một vụ, chiếc BQ-7 mất khống chế và cứ bay vòng vòng bên trên một thành phố Anh quốc; mãi lâu sau, nhóm nhân viên điều khiển kinh hoàng mới dần dần thành công liên lạc được với nó và cho nó đâm vào một địa phương an toàn. Trong một lần khác, chiếc BQ-7 không nghe theo tín hiệu vô tuyến mà đâm đầu xuống một vùng đồng quê Anh quốc, để lại một cái hố rộng và sâu hoắm. Dự án Perilous lập tực bị hủy bỏ trước khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng hơn.
Một nỗ lực tiếp theo mang tên Dự Án Anvil (cái đe) dùng một chiếc oanh tạc cơ hạng nặng B-24 trong một hình dạng BQ-8 mới mẻ và coi như cải tiến. Tuy nhiên BQ-8 cũng không khá gì hơn BQ-7.
Phi vụ Anvil đầu tiên diễn ra vào ngày 12 tháng 8, 1944. Chiếc oanh tạc cơ được cải tiến nổ tung trên không, trong khi hai nhân viên phi hành vẫn còn bên trong. Hai phi công chánh và phó, Hải quân trung úy Wilford Willy và Joseph P. Kennedy Jr. đều thiệt mạng ngay tức khắc.
Đáng ghi nhận là Trung úy Kennedy chính là trưởng tử của một thương gia và chính trị gia xuất chúng, ông Joseph Kennedy Sr. Khi ấy, trung úy Joseph đang được chuẩn bị để ứng cử Tổng Thống. Em của ông, John Fitzgerald Kennedy sau này trở thành vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ.
Phi vụ Anvil thứ nhì diễn ra vào ngày 3 tháng 9, 1944. Lần này, chiếc BQ-8 hụt mục tiêu được chỉ định do tín hiệu truyền hình khi được khi mất, nhưng cũng gây thiệt hại ít nhiều cho một cơ sở Đức khác, tuy không phải là mục tiêu.
Sau đó, loạt máy bay BQ bị hủy bỏ vì biểu hiện kém và đôi khi nguy hiểm.
Cũng như Hải quân, KQLQHK cũng từ bỏ ý đồ bom bay, ít nhất trong ngắn hạn. Đã gần 30 năm trôi qua từ những nỗ lực đầu tiên của hai ông Elmer Sperry và Charles Kettering, mà quân đội Hoa Kỳ vẫn không thành công tạo được một vũ khí bay không người lái có thể tin cậy.
Xui xẻo cho dân chúng Anh quốc là người Đức đã giải được vấn đề này rồi. Người dân Luân Đôn sắp được biết những vũ khí này chí mạng như thế nào.
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Phòng Tình Huống Nhà Trắng
Thủ Đô Washington, D.C.
Thứ Năm, 27 tháng 11, 10:34, giờ địa phương
Tổng thống Dalton Wainright không để ý đến tập hồ sơ màu xanh lơ chứa tài liệu của buổi thuyết trình, mà gật đầu về phía màn hình rộng chiếm cả vách tường của phòng Tình Huống. “OK, quý vị, tôi đang nhìn vào cái gì đây?”
Sĩ quan trực phòng Tình Huống là một Hải quân đại tá có cái mũi ưng và tóc muối tiêu hai bên thái dương. Gã nói. “Xin lỗi đã làm gián đoạn ngày lễ Thanksgiving của ngài, thưa ngài Tổng Thống. Đây là một bản vẽ kiến trúc của đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang, bên nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.”
Gã để cho hình ảnh trên màn hình vài giây, rồi chỉ cây điều khiển vào màn hình. Bức vẻ kiến trúc bị thay thế bởi một bức không ảnh chụp tường chắn của đập Tam Hiệp, có cả cái hồ nước mênh mông phía sau.
“Đây là dự án đập thủy điện lớn nhất từ trước đến nay.” Viên sĩ quan trực nói tiếp. “Mà nó cũng là một trong các kiến trúc nhân tạo lớn nhất thế giới, chỉ thua Vạn Lý Trường Thành thôi. Chiếc đập này đã hoàn toàn hoạt động từ năm 2011 và ngày nay, nó tạo ra điện lực khoảng 85 terawatt-giờ mỗi năm. Cái này là hơn gấp đôi sản lượng hàng năm của toàn bộ nhà máy điện nguyên tử của Trung quốc.”
“Đáng nể thật.” Tổng thống nói. “Tôi nghĩ là anh có lý do nào đó khi nhắc đến cái này, phải không?”
Viên sĩ quan trực gật đầu. “Thưa ngài, vâng ạ. Vài giờ trước đây, chúng tôi nhận được tình báo sơ khởi rằng quân đội Ấn Độ có thể đang lập kế hoạch phá hủy đập Tam Hiệp.”
“Phá hủy nó sao? Làm sao được? Cái này chính là một con quái vật đó.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, Gregory Brenthoven, gật đầu. “Nó quả thật là một quái vật, thưa ngài Tổng thống. Nhưng mà người Ấn Độ có vẻ như đang định đánh sập nó trong một vụ tập kích bằng phi đạn hành trình được phối hợp cẩn thận: bảy quả phi đạn Nirbhay mang theo đầu đạn tiên tiến chuyên xuyên phá mục tiêu cứng.”
Tổng thống Wainright giơ một tay lên. “Hai câu hỏi, Greg… Thứ nhất, nguồn tin của chúng ta là gì? Thứ nhì, có thể thành công không?”
Ông lại nhìn vào màn hình. “Cái này quả thật là một quái vật. Trừ phi họ dự định đánh bằng đạn hạt nhân, tôi không làm sao mường tượng được phi đạn hành trình có thể đánh xập nó.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia móc từ trong túi áo ra một cuốn sổ nhỏ bìa da. “Nguồn tin là HUMINT (27).” Hắn nói. “Một nhân viên CIA ở New Delhi có quen biết trong bộ Quốc Phòng Ấn Độ. Hắn hay cô ta, tôi cũng không rõ, thành công lấy được một bản phân tích kỹ thuật và kế hoạch tập kích. Báo cáo của nhân viên này được chuyển đến bàn Nam Á ở Langley và gã chuyên gia giải tích đọc qua nó, lập tức đưa nó lên cho cấp cao ngay.”
Tổng thống gật đầu. “Như vậy, chúng ta cũng tương đối tin tưởng rằng tin tức này là thật sao?”
Brenthoven lật lật cuốn sổ và đọc lướt qua vài hàng. “Mức độ đáng tin được ghi là ‘trung bình’. Cái này có nghĩa là tin tức hợp lý và nguồn tin được coi là đáng tin, nhưng không có đủ đối chiếu từ nơi khác để làm tăng mức đáng tin.”
“Vậy là chúng ta phải tìm đối chiếu rồi, đúng không?” Tổng thống nói.
“Dĩ nhiên là thế, thưa ngài.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia đáp. “Chúng ta có CIA, DIA và ONI cùng tìm tin xác thực. Nhưng mà nếu kế hoạch này được giấu kỹ, chúng ta có thể sẽ không tìm được nguồn nào để xác thực cả. Nguồn cung cấp tin hiện tại có thể là tất cả mà chúng ta có rồi.”
Tổng thống ngập ngừng vài giây, rồi gật đầu. “Hiểu rồi. Bây giờ đến câu hỏi thứ nhì của tôi nhé. Có khả năng bao nhiêu rằng vài quả phi đạn hành trình có thể đánh sụp một kiến trúc đồ sộ như đập Tam Hiệp?”
“Thưa ngài, chúng tôi đang cho Phòng Nghiên Cứu Hải Quân chạy các mô hình về vấn đề này ngay lúc này đây.” Brenthoven nói. “Nhưng giải tích nhanh của chúng tôi cho rằng điều này có khả năng lắm, nếu phi đạn được trang bị đúng loại đầu đạn.”
“Mà người Ấn Độ có đúng loại đầu đạn không?” Tổng thống hỏi.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mary O’Neil-Broerman chồm người ra phía trước, nói. “Chúng tôi nghĩ là họ có. Quân đội Ấn Độ có một loại đạn xuyên phá mục tiêu cứng được sản xuất tại nội địa. Đạn này có thể có đủ uy lực để đánh vỡ toang cái đập ấy.”
Tổng thống quay đầu nhìn trừng trừng vào viên bộ trưởng Quốc Phòng. “Bà nói là quân đội Ấn Độ đã phát triển một đầu đạn cực kỳ chuyên dụng, để dự phòng một ngày nào đó họ phải oanh tạc một đập thủy điện khổng lồ của Trung quốc sao?”
Viên bộ trưởng lắc đầu. “Không phải vậy, thưa ngài. Buồn cười là họ nghiên cứu đầu đạn này cho Không Quân. Không Quân của chúng ta.”
Tổng thống Wainwright xoa bóp gáy cổ mình. “Bà đùa tôi, phải không, Mary?”
“Tiếc là không phải vậy. Tôi không đùa đâu, ngài Tổng Thống.” Bà bộ trưởng nói. “Đầu đạn ấy được nghiên cứu chế tạo bởi tổ chức Nghiên Cứu và Triển Khai Quốc Phòng của Ấn Độ để tranh thầu dự án ‘Đầu Đạn Xuyên Phá Thế Hệ Mới’ của Không Quân Hoa Kỳ. Đó là cái mà Không Quân gọi là NGP (tắt cho Next Generation Penetrator, Đầu Đạn Xuyên Phá Thế Hệ Mới). Giới công nghệ quốc phòng Ấn Độ có lẽ đã quyết định rằng một dự án nghiên cứu lớn của Không Quân là một cách tốt nhất để họ chen chân vào các chương trình trong tương lai của bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Thiết kế của họ không lọt qua vòng tuyển chọn sau cùng, nhưng họ quyết định tiến hành triển khai một NGP của riêng họ. Họ gọi nó là Rudrasya khadgah. Theo chúng tôi được biết thì nó cực kỳ hữu hiệu.”
Tổng thống nhíu mày. “Cái tên ấy là gì nhỉ? Rud…”
“Rudrasya khadgah.” Bà bộ trưởng đáp. “Nó là tiếng Phạn, nghĩa là ‘Thanh kiếm của thần Shiva’.”
Lông mày tổng thống nhướn cao. “Shiva sao? Vị thần của Ấn Độ giáo sao?”
“Đúng vậy, thưa ngài.” Bà bộ trưởng nói. “Shiva là vị thần của Ấn Độ giáo tượng trưng cho sự sáng tạo và hủy diệt. Nhưng khi ngài xuất hiện dưới cương vị Rudra thì ngài chính là thần của bão tố, giông gió, hủy diệt và chết chóc.”
Tổng thống Wainwright nhếch bên mép, cười nửa miệng một cách không vui. “Hài…, nghe có vẻ đầy hứa hẹn, phải không? Bà còn tin vui nào cho tôi nữa không?”
“Chúng tôi còn đang duyệt qua các bản đánh giá sơ khởi.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia nói. “Nhưng mà nếu Rudra, cái đầu đạn Kiếm của thần Shiva kia, quả thật hữu hiệu như các mô hình đầu tiên cho thấy, thì bảy quả có lẽ là dư thừa rồi. Rất có thể chỉ cần bốn quả đã đủ đánh sụp cái đập nước, đương nhiên nếu đánh đúng chỗ và đúng lúc.”
“Dĩ nhiên rồi.” Tổng thống nói. “OK, tình báo về kế hoạch này cũng đủ đáng tin và có lẽ một cuộc tập kích bằng phi đạn như vậy đục thủng được đập nước ấy. Có vẻ như phiền toái lớn cho Trung quốc rồi, nhưng mà cái đó tại sao lại là một vấn đề an ninh quốc gia trọng đại đối với chúng ta chứ?”
Viên sĩ quan trực của phòng Tình Huống cất tiếng. “Thưa ngài, người Ấn Độ không phải chỉ dự định phá thủng vài chỗ trên đập nước đâu. Dường như mục đích của họ là khiến toàn bộ tường chắn bị hủy. Cái đó sẽ dẫn đến nạn lụt thảm thiết trên toàn bộ lưu vực Trường Giang, suốt từ đập Tam Điệp ra đến biển Đông.”
Viên sĩ quan trực lại bấm nút điều khiển và màn hình chính trong phòng Tình Huống chuyển sang bản đồ vùng phía đông của trung phần Trung quốc. Đường màu xanh lơ ngoằn ngoèo của Trường Giang cắt ngang giữa bản đồ, chia hai phần nam-bắc thành hai vùng đất rõ ràng. Có ba chấm đen để chỉ ba thành phố bám trên dòng sông: Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải.
“Trường Giang chảy xuyên ngay giữa nơi tập trung dân chúng lớn nhất của Trung quốc.” Viên sĩ quan trực nói. “Khoảng 400 triệu người sinh sống trong vùng lưu vực Trường Giang. Cái này chính là gần một phần ba tổng dân số của Trung quốc.”
Gã chỉ vào màn hình. “Nếu đập Tam Hiệp bị sụp, ba trong những thành phố lớn nhất và đông dân cư nhất của Trung quốc sẽ nằm trực tiếp trên đường nước lũ tàn phá.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia gật đầu. “Dân số của cả ba thành phố Thượng Hải, Nam Kinh và Vũ Hán cộng chung tương đương như dân số của New York, Los Angeles và Washington của nước ta. Và ba thành phố ấy chính là cột sống của nền công nghệ và tài chính của Trung quốc. Chỉ cần mất đi một trong ba thành phố ấy đã gây thiệt hại trầm trọng cho kinh tế Trung quốc rồi. Còn nếu mất cả ba…” Brenthoven bỏ lửng câu cuối.
“Đây là ác mộng của Trung quốc rồi.” Tổng thống nói. “Trong ngắn hạn là hằng triệu nhân mạng và thiệt hại nặng nề cho hạ tầng cơ sở quốc gia, tiếp theo là kinh tế suy sụp.”
“Đúng là như vậy, thưa ngài Tổng Thống.” Brenthoven nói. “Chưa hẳn là tận thế cho người Trung quốc, nhưng cũng gần như thế rồi.”
Tổng thống Wainwright lắc đầu. “Đã vậy, tại sao họ lại xây cái quỷ ấy chứ? Người Trung quốc có thể là đủ thứ, nhưng họ không phải là kẻ ngốc. Tại sao họ lại đặt bấy nhiêu dân chúng vào hiểm cảnh như thế?”
“Có lẽ họ cho rằng họ đã loại bỏ tất cả mọi may rũi rồi.” Bà bộ trưởng Quốc Phòng nói. “Trên phương diện kiến trúc, đập Tam Hiệp được xây kiên cố hơn là cần thiết một cách đáng kể. Họ đã dự phòng cho địa chấn và các loại thiên tai khác và, ngoài trừ vũ khí hạt nhân, thật ra chẳng có bao nhiêu bom hay phi đạn có thể tạo sứt mẻ nghiêm trọng nào cho nó. Có lẽ bộ Chính Trị Trung quốc cảm thấy họ đã tính đến hết mọi khía cạnh rồi.”
“Nhưng mà họ không tính đến cái đầu đạn mới của Ấn Độ.” Tổng thống tiếp lời.
“Rõ ràng là không có tính đến.” Brenthoven nói.
Tổng thống Wainwright nhìn sững suốt một lúc lâu vào cái màn hình rộng cả vách tường, rồi nói. “Chính phủ Trung quốc sẽ phản ứng như thế nào, nếu Ấn Độ thành công trong kế hoạch này?”
“Đó chính là câu hỏi lớn nhất.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia nói. “Ngài sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp như thế, thưa ngài? Trong giả thuyết mà Hoa Kỳ đang chiến đấu với một đối thủ nào đó và đột nhiên, không một lời cảnh báo, đối thủ của chúng ta quét tan New York, Los Angeles và Washington, giết mất khoảng một phần ba dân chúng của nước ta. Ngài sẽ phản kích như thế nào, thưa ngài?”
“Tôi nghĩ mình là một người ưa chuộng hòa bình.” Tổng thống nói. “Nhưng nếu ai đó đánh chúng ta bằng một đòn tàn độc và trầm trọng như vậy, tôi sẽ phản kích bằng tất cả vũ khí mà tôi có. Tôi sẽ cố gắng hết sức để biến cả nước của chúng thành một bãi đậu xe.”
Bà bộ trưởng thở dài nặng nề. “Tôi thật không muốn nhìn nhận, nhưng chính tôi cũng sẽ làm như thế. Bất cứ một lãnh đạo nào nếu có khả năng và uy lực cũng sẽ đáp trả mãnh liệt như vậy. Nếu có người đấm mình một cú nặng như vậy, mình sẽ không đấm lại làm gì. Mình sẽ đập bẹt nó.”
“E rằng đó chính là giải đáp của chúng ta rồi.” Brenthoven nói. “Nếu quả thật Ấn Độ làm vụ này… Nếu họ đánh sụp đập nước Tam Hiệp, Trung quốc sẽ dùng mọi thứ để đánh trả…”
Những âm thanh cuối của gã như dừng lại trong không khí, mà mọi người không hề hoài nghi cái từ ‘mọi thứ’ có ý nghĩa là gì.
Tổng thống Wainwright dựa vào lưng ghế, nói. “Chúng ta đã bỏ qua một cái gì đó.”
“Chúng ta còn trong giai đoạn tìm hiểu, thưa ngài.” Brenthoven nói. “Chúng ta còn thiếu nhiều thứ nữa. Các cơ quan tình báo còn phải tốn một thời gian nữa mới phát triển được các nguồn đối chiếu và thu gom những chi tiết trọng yếu.”
“Tôi không nói đến chi tiết.” Tổng thống nói. “Mà tôi cũng không nói đến kiểm chứng các sự kiện.”
“Mary mới vừa tổng kết thật hoàn hảo.” Tổng thống nói. “Nếu có người đấm mình một phát mạnh đến thế, mình sẽ không đấm qua đấm lại với họ. Mà mình đập bẹp họ. Đúng chứ?”
Brenthoven gật đầu, nhưng không nói gì.
“Tôi không tự cho là mình hiểu được tâm tình của chính phủ Ấn Độ.” Tổng thống nói. “Nhưng mà họ không đến nổi mù lòa để không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nếu họ đánh què Trung quốc bằng một cuộc tập kích có cường độ như thế. Toàn bộ kế hoạch này gần như là van xin người ta phản kích bằng vũ khí hạt nhân vậy. Đã thế, tại sao họ lại có thể nghĩ đến nó chứ?”
Không ai thử trả lời.
“Chúng ta đã bỏ qua một cái gì rồi.” Tổng thống lại nói. “Một phần lô-gic nào đó thiếu sót rồi.”
Trưởng phòng Hành Quân của Hải Quân gõ nhịp ngón tay nhẹ trên mặt bàn. “Có gì không hợp lý vậy?” Hắn hỏi. “Trước khi gã khùng kia, Zhukov, đánh bom Trân Châu cảng (*), tôi từng cho rằng không ai có thể cuồng tín đến độ có thể làm chuyện ngu xuẩn như thế. Nhưng mà những lúc gần đây, thưa ngài Tổng Thống, tôi không còn coi thường uy lực của sự ngu si và điên cuồng nữa rồi.”
(* được kể trong một truyện trước của cùng tác giả)
Tổng thống Wainwright nhăn mặt, nói. “Ông nói đúng đó. Nhưng mà điên cuồng hay không, các bằng hữu Ấn Độ của chúng ta đang giấu cái gì đó trong tay áo của họ. Mà tốt nhất là chúng ta phải tìm được cái đó là cái gì…”
Chú Thích
(27) HUMINT hay Human Intelligence: Tình báo từ nguồn nhân viên, bao gồm đủ loại nhân viên tình báo, trong tối hay ngoài sáng, công khai hay bí mật. Đây là từ được dùng trong khối NATO. Ngoài ra còn có SIGINT hay Signals Intelligence bao gồm nghe lén liên lạc giữa người với người (tức là Communications Intelligence hay COMINT), hay máy với máy (ELINT hay Electronic Intelligence); IMINT hay Image Intelligence: phân tích hình ảnh từ vệ tinh hay các phương tiện trinh sát khác; và MASINT hay measurement and signature intelligence: tình báo gom góp và phân tích từ tín hiệu ra-da, phóng xạ, tiếng động, v.v.