Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Tòa Đại Sứ Ấn Độ
Thủ Đô Washington
Thứ năm, 27 tháng 11, 17:15, giờ địa phương
Gita Shankar, đại sứ của nước Cộng Hòa Ấn Độ tại Hoa Kỳ, đang ngồi, vội đứng lên khi viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ được mời vào văn phòng của bà. Bà bước vòng qua sau bàn để gặp hắn khi hắn tiến đến và đưa tay ra để bắt tay.
Bà đại sứ mặc một áo sari lụa màu xanh lơ đậm, bên trong mặc một chiếc áo xám đơn giản và một chiếc váy có nếp. Tấm lụa rộng vắt chéo ngực và choàng qua eo bà, phần dư thì phủ bên vai trái theo một phương cách truyền thống. Quanh cổ là một chuỗi hạt trai và mái tóc đen của bà được gom lại phía sau để lộ ra cặp bông tai cũng bằng hạt trai tương xứng.
Bà đại sứ Shankar mỉm cười với vị khách khi hắn nắm lấy bàn tay bà. “Hoan nghênh ông, ông Brenthoven. Hôm nay, chúng ta ăn mặc cùng màu rồi!”
Gregory Brenthoven liếc nhìn tay áo bộ com-lê. Nó gần như cùng màu xám với chiếc áo của bà đại sứ và chiếc cà vạt màu xanh lơ, hiệu Salvatore Ferragamo tiệp màu với áo sari của bà một cách bất ngờ.
Brenthoven mỉm cười. “Thưa bà đại sứ, tôi đã gọi điện trước khi đến để hỏi xem bà mặc màu gì. Rồi tôi chạy nhanh về nhà và thay đồ đúng y như thế.”
Bà đại sứ bật cười và chỉ về cặp ghế dài kiểu thời Thuộc Địa Anh quốc mà các nhân vật trong chính phủ Ấn Độ vẫn chuộng.
“Xin mời.” Bà đại sứ nói. “Mời ông an tọa, rồi cho tôi biết chuyện gì đã làm ông phải rời khỏi gia đình trong dịp lễ quan trọng của Hoa Kỳ này.”
Brenthoven ngồi vào một chiếc ghế dài và bà đại sứ ngồi vào chiếc ghế đối diện.
Brenthoven đảo nhanh mắt quanh văn phòng được trang trí thật lịch sự. “Tôi không muốn tỏ vẻ cường điệu, thưa bà đại sứ, nhưng mà căn phòng này có an toàn không?”
Câu hỏi khiến bà đại sứ nhướn mày. Bà nói. “Nó cũng khá an toàn. Mỗi ngày văn phòng tôi đều được rà soát máy nghe lén và nhân viên an ninh của chúng tôi sử dụng những biện pháp đặc biệt để phá các phương pháp theo dõi khác. Tôi tin tưởng ông cũng quen thuộc với các biện pháp tương tự trong các kiến trúc của chính phủ các ông.”
“Dĩ nhiên.” Brenthoven đáp.
“Và tôi cũng biết rằng,” bà đại sứ nói tiếp, “ông cũng rõ là các phương pháp chỉ làm giảm bớt nguy cơ bị địch thủ theo dõi thôi. Chúng không thể nào bảo đảm không bị nghe lén được.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ ngập ngừng. Hắn không phải là một đại diện của bộ Ngoại Giao, mà hắn cũng không có ủy nhiệm thư của bộ Ngoại Giao. Hắn cũng không phải là một bằng hữu được tin cậy của chính phủ Ấn Độ, và vì vậy nghi thức ngoại giao không cho phép hắn yêu cầu được sử dụng cái gọi là “bọt nước” của tòa sứ quán.
Như hầu hết các sứ quán trên thế giới, tòa sứ quán Ấn Độ được trang bị một phòng cách âm làm bằng Plexiglas được sơn một lớp hợp chất đặc biệt để chống lại bức xạ điện từ. Theo tiếng lóng của giới ngoại giao, một căn phòng như thế thường được gọi là “bọt nước”. Trên lý thuyết, một cái bọt nước được thiết kế đúng đắn sẽ miễn dịch với các dụng cụ theo dõi từ bên ngoài, và gần như không thể nào bị cài đặt máy nghe lén ở bên trong. Trên thực tế, tiến triển kỹ thuật không ngừng khiến cho bất cứ căn phòng nào, cho dù được bảo vệ kỹ lưỡng đến đâu, cũng có nguy cơ bị nghe lén. Mặc dù vậy, một căn bọt nước được bảo quản tốt đã gần như đạt đến mức an toàn tuyệt đối rồi.
Đại sứ Shankar đã thấy ánh mắt của Brenthoven đã đảo quanh phòng bà không mấy kín đáo. Và bà không hoài nghi rằng hắn đang tìm cách để được bà mời dùng căn bọt nước của sứ quán. Nhưng hắn đã xin hẹn rất gấp gáp và đã bỏ qua nhiều quy củ ngoại giao và chính trị. Hắn cũng không hề gợi ý về đề tài hắn định bàn thảo; điều này làm bà và viên phó đại sứ không có bất kỳ cơ hội nào chuẩn bị một tư thế chính thức để ứng phó với vấn đề hắn muốn bàn đến.
Bởi các điểm thiếu hụt trên phương diện ngoại giao ấy, cho dù là nhỏ nhặt, bà không muốn cấp cho hắn một điểm nhân nhượng nào cả. Chờ khi hắn tiết lộ đề tài bí ẩn của cuộc gặp mặt này, bà có thể sẽ đổi ý và đề nghị dời vào căn bọt nước kia, nếu bà cho rằng nên dè dặt như thế. Còn bây giờ, cứ để hắn khó chịu một chút cũng không sao.
“Tôi không biết nói tiếng Phạn.” Brenthoven nói. “Bởi vậy, xin bà tha thứ cho phát âm vụng về của tôi.”
Bà đại sứ mỉm cười và phất phất tay. “Dĩ nhiên rồi.”
Brenthoven lại đảo mắt quanh căn phòng và lại ngập ngừng trước khi cất tiếng. “Thưa bà đại sứ, bà có từng nghe đến đầu đạn cho phi đạn hành trình được mệnh danh là Rudrasya khadgah chưa?”
Đại sứ Shankar hơi nhíu mày. “Tôi không tin đã từng nghe qua.”
“Theo tôi hiểu,” Brenthoven nói, “cụm từ này là nói đến lưỡi kiếm của vị thần Shiva trong Ấn Độ giáo, khi ngài hiện thân thành Rudra, vị thần của bão tố, hủy diệt và chết chóc.”
“Dịch như vậy cũng là đúng rồi.” Bà đại sứ nói. “Nhưng mà tôi không được biết đến phi đạn nào mang cái tên đó.”
“Đó là một đầu đạn xuyên phá Thế Hệ Mới.” Brenthoven nói. “Nó được phát triển bởi Tổ chức Nghiên Cứu và Phát Triển Quốc Phòng của quý quốc, nhằm tấn công và xuyên phá những mục tiêu cực kỳ cứng chắc, thí dụ như hầm xây dưới mặt đất được gia cố thật tốt, hay hầm phi đạn bằng bê-tông cốt sắt dày.”
Bà đại sứ chuyển người trên ghế. Bà không biết đề tài này đang đưa đến đâu, nhưng bà đã bắt đầu cảm thấy khó chịu vì giọng nói của hắn. Bà nói. “Tôi tin lời ông. Tôi nghĩ rằng tôi có được một sự hiểu biết cơ bản về khả năng quân sự của nước tôi, nhưng tôi không thể cho là mình biết mọi chi tiết về mọi vũ khí đang được phát triển.”
Giọng bà ta trở nên sắc bén hơn. “Phải chăng Hoa Kỳ đột nhiên lo ngại rằng đầu đạn này vi phạm luật pháp quốc tế hay một hiệp nghị quốc tế nào đó?”
“Không phải đâu.” Brenthoven nói. “Theo tôi hiểu, thiết kế của đầu đạn Rudrasya khadgah hoàn toàn hợp pháp dưới mọi hiệp ước hiện hành.”
Bà đại sứ buông người dựa vào những cái gối kê nơi lưng ghế. “Vậy, cho tôi hỏi vấn đề nằm ở đâu? Chắc phải là điều gì nghiêm trọng lắm mới khiến ông tỏ ra quan tâm về tính an toàn của cuộc nói chuyện này như thế chứ?”
“Quả thật là chuyện nghiêm trọng, thưa bà đại sứ.” Brenthoven nói. “Chúng tôi đã nhận được những dấu hiệu đáng tin cho thấy rằng quân lực của quý quốc đang lập kế hoạch sử dụng một số các đầu đạn xuyên phá tiên tiến này để tạo ra một sự thiệt hại có tính cách hủy diệt đối với đập nước Tam Hiệp của Trung quốc.”
“Tôi không hề được nghe qua về kế hoạch nào như thế.” Bà đại sứ nói. “Tuy nhiên nước tôi đang chiến đấu để tự vệ chống một quân xâm lược mà trước đó không hề khiêu khích họ. Ấn Độ không phải là nước khởi đầu cuộc chiến này, ông Brenthoven ạ. Tôi tin chắc là ông cũng hiểu rõ điều này. Vậy, nếu chính ông đã công nhận là những vũ khí này không bị cấm bởi hiệp ước hay luật pháp và vì chúng tôi chỉ phản ứng lại vụ thảm sát cả một ngôi làng thường dân không vũ trang, tôi thật hiếu kỳ muốn biết vì sao các toan tính của quân đội chúng tôi lại đột nhiên gây nên sự chú ý của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi không muốn tỏ ra lỗ mãng, nhưng mà chuyện này làm sao lại có thể được cho là một vấn đề của chính phủ Hoa Kỳ chứ?”
“Chúng tôi đã làm vài đánh giá sơ khởi về các hậu quả khi đập nước Tam Hiệp chịu sự hủy hoại mang tính cách hủy diệt có thể đưa đến.” Brenthoven nói. “Các chuyên gia giải tích của chúng tôi ước tính rằng thiệt hại nhân mạng của Trung quốc có thể lên đến 350 triệu người. Ngoài ra, có khả năng là ba trong số những thành phố trù phú nhất của Trung quốc sẽ bị xóa tên trên bản đồ, khiến cho nền kinh tế của Trung quốc bị suy sụp trong suốt mấy chục năm.”
“Tôi chưa từng thấy qua các ước tính như vậy.” Bà đại sứ nói. “Tuy nhiên, những con số ấy có vẻ hơi phóng đại rồi.”
“Chúng tôi không nghĩ thế.” Brenthoven đáp. “Thật ra, các ước tính đầu tiên của chúng tôi có thể là quá lạc quan là khác.”
Đại sứ Shankar không nói gì. Tất cả những chuyện này là một sự bất ngờ thật lớn đối với bà. Bà không biết có bao nhiêu trong đó, hay có chút nào trong đó, là sự thật nữa.
Brenthoven đóng cuốn sổ nhỏ của hắn lại và nhét nó vào túi. “Thưa bà đại sứ, nếu cuộc tập kích vào đập nước Tam Hiệp xảy ra, chúng tôi tin rằng rất có khả năng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung quốc sẽ đánh trả bằng một đợt tập kích hạt nhân cỡ lớn.”
“Vô lý!” Bà đại sứ nói.
“Chúng tôi không nghĩ vậy.” Brenthoven. “Nếu quý vị đánh Trung quốc một phát mạnh như thế, chúng tôi tin họ sẽ đánh trả càng dữ dội hơn.”
Bà đại sứ chợt ý thức rằng mắt bà đang đảo loạn khắp nơi trong phòng. Bà nói. “Chúng ta không nên bàn những chuyện này ở đây. Chúng ta nên chuyển qua phòng bọt nước đi.”
“Đó là một ý kiến rất tốt. Chúng ta cứ qua đó đi.” Brenthoven đáp.
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Khu Trục Hạm USS Towers (DDG-103)
Vịnh Bengal
Thứ Sáu, 28 tháng 11, 19:24 giờ địa phương
Viên sĩ quan Tác Chiến, Trung Úy Ben Lambert, không rời mắt khỏi màn hình Aegis khổng lồ nằm ở vị trí trung ương trong phòng hành quân CIC. Trên màn hình tác chiến, bốn ký hiệu tượng trưng cho máy bay đang di chuyển nhanh chóng về phía chu vi phòng thủ của các chiến hạm bảo vệ mẫu hạm USS Midway (27-A).
Lambert nhấn nút để chuyển bộ ống nghe choàng đầu sang hệ thống điện thoại của chiếc tàu, rồi bấm ba số gọi phòng ngủ của hạm trưởng. “Hạm trưởng, đây là TAO. Xin lỗi đã làm phiền ông, nhưng mà có bốn Bogies đang bay về chúng ta từ hướng tây. Không có mã số, không có điện đàm, không có tín hiệu IFF (28).”
“Cám ơn anh.” Đại tá Bowie nói. “Tôi lên ngay. Làm ơn gọi Trung tá Silva hộ tôi. Tôi tin chắc cô ấy muốn tham dự vào chuyện này.”
“Tuân lệnh.” Viên TAO đáp.
-***-
Không đến ba phút sau, Đại tá Bowie và Trung tá Silva đã đứng sau lưng viên TAO, nhìn qua vai gã vào màn hình tác chiến.
“Chúng ta đang nhìn dấu hiệu của ai đây?” Bowie hỏi.
Chiếc USS Towers đang chạy lặng im và tối đen, tận dụng kỹ năng tàng hình tiên tiến để ẩn núp khỏi tầm dò tra của cảm biến từ các chiến hạm và máy bay khác. Các góc cạnh của khung tàu và phần trên tàu đã được tính toán cẩn thận để làm các tia ra-đa từ ngoài tới bị lệch đi, không cho chúng phản chiếu lại khiến đối phương không thể phát hiện và theo dõi chiếc tàu. Thiết kế góc độ tiên tiến này lại được nâng cao thêm bởi những tấm làm bằng sợi các-bon có tác dụng hấp thu tia ra-đa và lớp sơn quang hợp ngụy trang bao phủ phần lớn những nơi lộ ra bên ngoài của chiếc tàu.
Lại thêm vào các hệ thống ngăn âm thanh và che nhiệt, các kỹ thuật này che giấu chiếc chiến hạm 9.800 tấn này trên mặt biển một cách hữu hiệu lạ lùng. Tuy nhiên, không một thiết kế tinh vi nào có thể che giấu hay ngụy trang các làn sóng do chính chiếc chiến hạm này phát ra được. Nếu chiếc Towers bật các hệ thống ra-đa lên, trên phổ điện từ chúng sẽ sáng trưng như pháo hoa vậy. Mọi che đậy sẽ lập tức biến mất.
Cách duy nhất để đạt được mức tàng hình hữu hiệu là đóng hết mọi ra-đa và máy phát sóng khác, mà chỉ dựa vào cảm biến từ các khí tài khác của Hải quân Hoa Kỳ trong vùng.
Lúc này, chiếc Towers chính là đang làm như thế, lướt đi im ắng trong màn đêm, chỉ dựa vào tín hiệu nhận được từ các chiến hạm và máy bay trong hạm đội USS Midway để định hướng.
“Các tín hiệu này được chuyển đến từ chiếc Hawkeye (29)”. Viên TAO nói.
Hawkeye mà gã đang nói tới là chỉ một trong những chiếc máy bay cảnh báo sớm E-2D làm công tác theo dõi ra-đa tầm xa cho chiếc tàu sân bay và sư đoàn không quân của nó.
Trung tá Silva gật đầu, nói. “Xem ra có vẻ chúng sẽ không bay qua ngay bên trên chúng ta.”
Viên TAO phóng đại trên màn ảnh ký hiệu của bốn máy bay lạ. “Thưa cô, cô nhìn chính xác lắm. Bọn Bogies này sẽ không bay trên đầu chúng ta. Trừ phi lộ trình của chúng thay đổi, chúng sẽ bay qua cách chúng ta khoảng 16 km phía bắc, trong khoảng 8 phút nữa.”
“Chúng nhắm hướng chiếc Midway đó.” Silva nói.
“Có vẻ là vậy.” Viên TAO nói. “Chúng bay thấp và nhanh, mà ra-đa thì đóng lại. Tôi nghĩ chúng định hù dọa chiếc tàu sân bay của chúng ta một phát đó!”
“Nói như vậy chắc là đúng rồi.” Đại tá Bowie nói.
Mắt hắn dán chặt vào bốn cái tín hiệu máy bay. “Nếu cho tôi đoán, tôi nghĩ là chúng ta đang đối phó với tiêm kích J-15 (30) từ hạm đội tàu sân bay Trung quốc. Hai phi đội, mỗi đội hai chiếc.”
“Có lẽ là vậy.” Viên TAO nói. “Vậy chúng ta để chúng bay qua, hay lệnh chúng dừng lại?”
“Chúng ta có thể cho chúng đi qua.” Bowie nói. “Chiếc Hawkeye đã nắm cứng chúng rồi. Bọn Bogies này sẽ bị F-18 (31) đè ngập chúng trước khi chúng tiếp cận được chiếc tàu sân bay.”
“Đúng vậy.” Viên TAO nói. Giọng gã có mang chút bâng khuâng, giống như gã đang hi vọng có chuyện gì hào hứng hơn trong lần đầu tiên gã chạm trán với một cái gì có thể là một mối đe dọa thật.
Bowie mỉm cười. “Mặt khác, tình trạng EMCON (32) hiện tại của chúng ta là tự mình thiết lập. Chúng ta đang chạy lặng im và tối đen là để tập dợt, chứ không phải chúng ta được lệnh phải duy trì tình trạng kiểm soát phát xạ.”
Viên TAO toét miệng cười. “Đại tá nghĩ là mình có nên rung cây dọa khỉ không?”
Bowie cũng cười. “Tại sao không chứ? Không được bật ra-đa điều khiển hỏa lực. Dọa chúng thì được, nhưng chúng ta không nên cho chúng lý do để khai hỏa.”
Viên TAO bấm nút nói. “Mọi vị trí nghe lệnh, đây là TAO. Đổi sang tình trạng EMCON Delta biến cải. Phát xạ không hạn chế từ hệ thống điều khiển hỏa lực, tiến hành lập tức. Uy lực tối đa trong mức độ an toàn. Lặp lại, mọi thiết bị lập tức phát xạ với uy lực tối đa trong mức độ an toàn. Break. Nhóm Phòng Không, đây là TAO. Tôi muốn radar SPY quét một phát thật mạnh vào khu vực từ hai-chín-không đến ba-năm-không.”
Hệ thống ra-đa dạng phase AN/SPY-1D(V)2 là cột sống của hệ thống cảm biến phối hợp với vũ khí Aegis. Với công suất hơn 4 triệu watt, radar SPY có thể làm xáo trộn hay hư hại các hệ thống điện tử trên hầu hết các máy bay.
Viên TAO vẫn cười toét miệng. Mấy tên phi công Trung quốc này sắp nhận được một sự bất ngờ lớn nhất đời họ rồi. Một giây trước, họ còn đang lén lén lút lút bay trong bóng đêm, bám sát vào các ngọn sóng biển và cố gắng biến mình thành vô ảnh vô tung. Mọi thứ đều thoải mái và yên ắng, không một dấu hiệu nào của bất cứ thứ gì giữa họ và mục tiêu của mình. Qua giây sau, ầm! Một chiếc khu trục hạm Hoa Kỳ ngay trước mặt đang phun mạnh 4 megawatt sóng vi ba, khiến máy cảnh báo của họ ré lên và các thiết bị hỗn loạn.
Tiếng của viên sĩ quan trưởng nhóm Phòng Không vang lên trên mạng. “TAO, đây là Phòng Không. SPY đã được bật lên và phát xạ. Uy lực tối đa khu vực từ hai-chín-không đến ba-năm-không.”
“Và đến nè!...” Viên TAO nói.
Trên màn hình tác chiến Aegis, bốn dấu hiệu máy bay đảo ngoặc về bên trái, tránh hướng chiếc Towers và Midway.
Nửa giây sau, tiếng nói của trưởng nhóm Phòng Không lại vang lên trên mạng. “TAO, Phòng Không đây. Bogies đang tháo chạy. Có vẻ chúng đang chạy về chuồng rồi.”
Viên TAO bấm nút nói. “Roger (33), Phòng Không. Cứ để ý đến chúng nhé. Đừng để chúng lại lén quay lại và trả lại cú bất ngờ.”
“Thật là dễ dàng nhỉ.” Trung tá Silva nói.
Viên TAO gật đầu. “Chỉ là chào hỏi thân ái thôi, cho đám bạn Trung quốc của chúng ta biết rằng Hải quân Hoa Kỳ đang ở trong xóm.”
Silva lắc đầu, nói. “Chúng ta làm hơi sớm rồi. Đáng lý chúng ta nên đợi đến tháng tới.”
Viên TAO nhìn nàng. “Tôi không rõ cô muốn nói gì, Trung tá…”
“Lễ Thanksgiving đã qua rồi.” Silva nói. “Mà chúng ta lại vừa cho bọn này món quà Giáng Sinh sớm trước cả tháng đó!”
Viên TAO lại cười toét. “Tôi nghĩ họ sẽ tha lỗi cho chúng ta mà, thưa cô.”
“Hi vọng anh nói đúng.” Đại tá Bowie nói. “Hi vọng anh nói đúng.”
Chú Thích
(27-A) USS Midway (CVN-82) là một tàu sân bay động cơ hạt nhân giả tưởng, có lẽ thuộc lớp Ford. Chiếc có thật mang số CV-41 tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ được hạ thủy năm 1945 và rời khỏi biên chế năm 1992, ngày nay là bảo tàng viện ở San Diego, bang California. Tàu này có giản lượng nước 64.000 tấn và chạy bằng động cơ tua-bin dầu. Tàu từng tham chiến ở Việt Nam và chiến dịch Bão Táp Sa Mạc ở Trung Đông năm 1990-1991. Nếu là hàng không mẫu hạm động cơ hạt nhân lớp Ford, tàu có chiều dài 337 m, rộng 78 m và giản lượng nước 100.000 tấn, tổng số nhân viên khoảng 4.297 người, kể cả nhân viên phi đoàn 2.480 người. Tổng số máy bay đủ loại kể cả trực thăng khoảng hơn 75 chiếc cấu thành phi đoàn (air wing) của tàu, gồm có tiếm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet, tiêm kích F/A-18C Hornet (nhỏ và cũ hơn, ngày nay dùng cho tấn công nhiều hơn là nhiệm vụ ngăn chặn tiêm kích địch), EA-18 Growler (phiên bảng F/A-18 chuyên dùng trong chiến tranh điện tử), E-2C Hawkeye (cảnh báo sớm), C-2A Greyhound (vận chuyển, tiếp liệu), trực thăng MH-60R Seahawk và MH-60S Knighthawk đa nhiệm và chống tàu ngầm.
(28) IFF hay Identification Friend or Foe: tín hiệu bạn-địch. máy bay quân sự đều có trang bị dụng cụ để phát ra tín hiệu để có thể nhận diện địch hay bạn.
(29) Hawkeye (Mắt Ưng) E-2 là máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) chiến thuật trang bị cho tàu sân bay, do hãng Northrop Grumman chế tạo. Hiện phục vụ cho hải quân Hoa Kỳ, Pháp và Mexico, lực lượng tự vệ Nhật Bản và Không quân Đài Loan.
(30) J-15 Phi Sa (Cá Mập Bay) là máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay, được phát triển bởi Shenyang Aircraft Corporation và Viện 601 trang bị cho tàu sân bay của Không quân Hải quân Quân giải phóng Nhân dân. Có báo cáo cho rằng máy bay này được thiết kế dựa theo mẫu tiêm kích Sukhoi Su-33 của Nga. Năm 2001, một nguyên mẫu Su-33 được mua từ Ukraine và được mổ xẻ tỉ mỉ. Kết cấu của tiêm kích J-15 dựa theo Su-33, nhưng sử dụng kỹ thuật của Trung quốc tương tự như tiêm kích J-11. Theo lời của chuyên gia thiết kế trưởng của J-15, ông Sun Cong, tiêm kích J-15 tương đương với F/A-18 của Mỹ về phương diện tải trọng, tầm hoạt động và tính lưu động. Tuy nhiên, sau đó ông lại nói thêm rằng còn phải cố gắng nhiều hơn trên phương diện hệ thống điện tử và hệ thống tác chiến; ngoài ra, thiếu nguồn cung cấp máy phản lực nội địa cũng là điểm yếu. Chuẩn đô đốc Yin Zhuo tuyên bố rằng tiêm kích này có khả năng tác chiến hơn tiếm kích F/A-18 E/F của Hoa Kỳ; khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền và trên biển hơi kém hơn F/A-18 E/F, nhưng dụng cụ điện tử lại chuẩn cho tiêm kích thế hệ thứ năm.
(31) F-18 Hornet (Ong Bắp Cày), hay đúng hơn là F/A-18, là một máy bay phản lực chiến đấu đa nhiệm siêu thanh hai động cơ có khả năng hoạt động trên tàu sân bay trong mọi thời tiết, có khả năng chiến đấu và tấn công các mục tiêu mặt đất (F/A viết tắt của Fighter/Attack – Chiến đấu/Tấn công) do McDonnell Douglas và Northrop thiết kế. Được sử dụng bởi Hải quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa kỳ và nhiều nước khác: Úc, Canada, Phần Lan, Kuwait, Mã Lai, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. F/A-18 Hornet là thiết kế cơ sở của loại Boeing F/A-18E/F Super Hornet, một bản thiết kế lại lớn hơn, và có sự phát triển cao hơn của F/A-18. So với Hornet, chiếc Super Honet lớn hơn, nặng hơn và có tầm hoạt động cũng như tải trọng cao hơn. Ngày nay, hầu hết F/A-18 của quân đội Hoa Kỳ đã được thay thế bởi F/A-18E/F; Úc cũng thay thế F/A-18 bằng F/A-18E/F. Như đa số máy bay được thiết kế cho tàu sân bay, F/A-18 có đặc tính là tầm hoạt động lớn, mức độ đáng tin cậy cực cao và giỏi ‘chịu đòn’ vì phải hoạt động xa căn cứ và lục địa; cũng vì những đặc tính này, nước Úc cũng chọn F/A-18 cho không quân của mình.
(32) EMCON là viết tắt của Electromagnetic Emission Control: tình trạng Kiểm Soát Phát Xạ Điện Từ, tức là tình trạng mọi thiết bị có thể phát xạ tín hiệu phải được kiểm soát gắt gao, để phòng đối phương có thể phát hiện sự hiện diện của mình.
(33) Roger: đã hiểu. Tiếng lóng thường dùng trong điện đàm. Tiếng lóng chuyên dụng sẽ không được dịch.
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Quá trình phát triển của phi đạn hành trình
(trích từ bài viết của tiến sĩ David M. Hardy cho viện Phân Tích Chiến Lược Quốc Gia)
Với quả tên lửa V-1, nỗ lực phát triển bom bay của Không quân Đức, Luftwaffe đã tách rời hoàn toàn khỏi khung máy bay cánh quạt và hệ thống điều khiển từ xa của các thiết kế trước kia. Vũ khí mới của Đức là một rô-bô tự kiểm soát, sử dụng những thiết bị điều khiển tự động được lắp bên trong, thay vì cần một người điều khiển từ xa. Thiết kế mới này không dùng động cơ cánh quạt, mà một động cơ ‘phản lực xung’ đơn sơ nhưng hữu hiệu, chỉ gồm có một phòng đốt nhiên liệu có hình dáng như một cái ống.
Vũ khí này mang tên chính thức là Fiesler Fi-103, nhưng guồng máy tuyên truyền của Đức Quốc Xã gọi nó là Vergeltungswaffe Einz (Vũ Khí Phục Thù số 1), một cái tên sớm được gọi tắt là V-1.
Khác với các thế hệ máy bay không người lái và ngư lôi bay trước kia, chiếc V-1 nhìn không giống như một chiếc máy bay truyền thống thời bấy giờ. Thân nó làm bằng những tấm thép mỏng, có dáng thuôn dài, đầu nhọn, làm nó nhìn giống như một mũi phi tiêu. Đôi cánh ngắn thẳng như thập tự giá, được bọc bằng ván ép để giảm trọng lượng và chi phí. Và động cơ hình ống nơi đuôi làm nó trông như thứ trong truyện tranh khoa học giả tưởng vậy.
Quả thật, toàn bộ hình dáng của chiếc V-1 trông như trong truyện tranh hơn là sự thật, nhưng V-1 không phải là vật trong huyền thoại. Nó có thật và nó cực kỳ nguy hiểm.
Cho đến lúc ấy, hơn 30 năm cố gắng và hao tốn chỉ đem lại vài trăm món vũ khí bay không người lái. Không một chương trình nào hơn mức tạm thành công trong thực chiến cả. Ngược lại, Đức Quốc Xã sản xuất gần 30.000 quả tên lửa V-1, hằng ngàn quả được sử dụng trong thực chiến, đạt được sự hữu hiệu tàn khốc.
Với tầm hoạt động 250 km, V-1 không thể bay trực tiếp từ Đức qua Anh quốc được. Không quân Đức, Luftwaffe vượt qua hạn chế này bằng cách xây dựng 96 địa điểm phóng ở vùng bắc nước Pháp bị Đức chiếm đóng, trong tầm bắn đến London.
Cuộc tập kích V-1 đầu tiên diễn ra vào ngày 13 tháng 4, 1944, một tuần sau cuộc đổ bộ D-day của quân Đồng Minh vào Âu châu. Quả tên lửa bay đến cuối lộ tuyến của nó và đâm xuống gần một cây cầu cho xe lửa ở khu East End của London. Tám thường dân thiệt mạng trong vụ nổ.
Vài quả V-1 được phóng đi trong ngày hôm sau, trước khi đợt tấn công nghiêm trọng đầu tiên bắt đầu. Từ chiều ngày 15 tháng 6 đến nửa đêm 16 tháng 6, Trung Đoàn Phòng Không 155 của Đức đã phóng 244 V-1 về hướng London. Khoảng 90 trong số này không vượt qua được lãnh thổ nước Anh do có vấn đề xảy ra khi phóng hay ngay sau khi phóng. Khoảng 50 quả rơi vào những khu không người phía nam của thành phố mục tiêu và 22 quả khác bị lực lượng phòng không Anh quốc bắn hạ. Số 73 quả còn lại đánh vào London, gây thiệt hại nhà cửa đáng kể và làm hàng trăm người thiệt mạng, phần đông là thường dân.
Cái âm thanh vù vù kỳ lạ của động cơ ‘phản lực xung’ của V-1 làm nhiều nhân chứng nghĩ đến tiếng vo-ve của côn trùng. Âm thanh đặc thù này khiến cho người ta gọi nó là “con bọ con” hay “bom vo-ve”. Mặc dù có những âm thanh và tên gọi buồn cười như vậy, V-1 không có gì là khôi hài cả. Chẳng qua bao lâu người dân nước Anh đã liên kết cái âm thanh côn trùng này với sự hủy diệt và chết chóc.
Được kiểm soát bởi một hệ thống bay tự động sử dụng con quay hồi chuyển từ tính, một cái phong kế để tính toán khoảng cách đã bay và một thiết bị quả lắc để điều chỉnh góc cao thấp, hệ thống điều khiển của V-1 này không đủ chính xác để đánh vào những mục tiêu nhỏ. Nhưng hệ thống đơn sơ này đã đủ chính xác để nhắm vào những mục tiêu lớn như thành phố rồi; mà như vậy đã đủ để thỏa mãn nhu cầu chiến thuật của Luftwaffe.
Theo một bản báo cáo của viên tướng Mỹ Clayton Bissell, nước Đức đã phóng khoảng 8.025 quả V-1 vào những mục tiêu bên nước Anh chỉ trong vòng 9 tuần lễ năm 1944. Hơn 1 triệu căn nhà hay các kiến trúc khác bị hư hỏng hay tiêu hủy, và hàng chục ngàn người thiệt mạng.
Tuy nước Anh là mục tiêu chánh của chương trình này, thành phố Antwerp của nước Bỉ cũng bị 2.500 quả V-1 đánh trúng.
Tháng 3 năm 1945, dàn phóng V-1 cuối cùng ở nước Pháp bị các quân đoàn Đồng Minh đánh chiếm, chỉ năm tuần rưỡi trước khi Đế Chế thứ Ba của Đức Quốc Xã sụp đổ và đầu hàng. Vũ Khí Phục Thù số 1 của Hitler sẽ không còn che kín bầu trời hai nước Anh và Bỉ nữa. Sự thống trị của bom vo-ve đã chấm dứt, nhưng di sản của nó chỉ vừa bắt đầu thôi.
Những cứ điểm V-1, bao gồm hàng trăm quả đạn chưa được sử dụng, rơi vào tay nước Mỹ, Pháp và Liên Bang Sô Viết. Cả ba quốc gia bắt đầu nghiên cứu thiết kế của V-1 và sản xuất phiên bản vũ khí bay rô-bô của riêng họ.
Ngày nay, nhiều sử gia quân sự cho rằng chiếc V-1 của Đức là chiếc phi đạn hành trình đúng nghĩa đầu tiên. Có nhiều điểm lý luận ủng hộ lập luận này và cũng nhiều điểm phản bác nó. Cho dù là đúng hay sai, chương trình V-1 chính là chất xúc tác cho sự phát triển kỹ thuật phi đạn hành trình.
Khái niệm này đã được chứng minh qua sự hữu hiệu tàn khốc của nó. Một vũ khí bay không người lái quả thật đã có thể tìm đến và đánh vào một thành phố ở xa xôi, mà không cần người nào can thiệp vào. Trong những năm sau đệ Nhị Thế Chiến, những tổ nghiên cứu và phát triển khắp nơi trên địa cầu hối hả lặp lại, rồi vượt qua các thành quả của V-1 của Đức Quốc Xã.
Thời đại của phi đạn hành trình đã đến. Tương lai của chiến kỹ đã bị thay đổi hoàn toàn.
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Tòa Nhà Trắng, Washington
Thứ Sáu, 28 tháng 11, 20:30 giờ địa phương
Tổng thống Wainright bắt tay bà đại sứ Ấn Đồ, rồi đưa tay mời bà ngồi vào một trong chín chiếc ghế bành trong khu họp của Phòng Bầu Dục. “Cám ơn bà đã đến nhanh như vậy, thưa bà đại sứ. Tôi xin lỗi vì giờ giấc trễ như thế này.”
Bà đại sứ Shankar ngồi xuống ghế và mỉm cười lịch sự. “Xin ngài đừng cảm thấy khó chịu, thưa ngài Tổng thống. Đây là nhiệm vụ và hân hạnh cho tôi khi được ngài triệu vời, bất cứ vào lúc nào.”
Tổng thống ngồi vào cái vị trị truyền thống thuộc về ông ở chủ vị của số ghế xếp vòng, lưng quay về cái bàn làm việc trứ danh được đóng từ gỗ lấy từ chiếc tàu buồm của Anh quốc, chiếc HMS Resolute vào thế kỷ 19.
Ghế của bà đại sứ bên tay phải của ông, còn ghế bên trái là của viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Gregory Brenthoven.
“Tôi thật cảm kích lòng rộng lượng của bà.” Tổng thống nói. Ông dùng ngón tay đảo một vòng trên không, chỉ vào số ghế. “Như bà thấy đó, chúng ta đang bỏ qua mọi lễ nghi phiền phức thông dụng, để có thể làm việc nhanh và kín đáo.”
Đám nhân viên ngoại giao và cố vấn thường ngày đều vắng mặt. Thông thường, một cuộc họp mặt giữa tổng thống và một viên đại sứ nước khác sẽ gồm cả viên chánh văn phòng, bộ trưởng Ngoại Giao, phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao chuyên lo vụ việc khu vực Đông Nam Á, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia và một thư ký của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Tuy nhiên, trừ viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, không ai trong danh sách ấy có mặt cả.
“Tôi hiểu.” Bà đại sứ nói. Nếu có cảm thấy không thoái mái vì việc không đúng nghi thức của tòa Nhà Trắng, bà cũng không để lộ ra. Mà lần này thật là không đúng nghi thức rồi. Ngoại trừ việc một số nhân vật vắng mặt ra, rất hiếm khi nào tổng thống lại gặp mặt trực tiếp với một viên đại sứ, càng hiếm hơn nữa là gặp mặt trong Phòng Bầu Dục.
Các viên đại sứ hầu như bao giờ cũng làm việc với những đại diện của bộ Ngoại Giao và các cuộc gặp mặt thường xảy ra trong Phòng Roosevelt, hay trong trường hợp viên đại sứ đang bị ghét bỏ, thì gặp nhau trong tiền sảnh của cánh phía Tây. Đối với đại sứ Shankar, buổi họp hôm nay đã đi ngược với mọi sự chờ đợi của bà: trực diện với tổng thống, trong Phòng Bầu Dục, mà không có sự hỗ trợ đoàn nhân viên ngoại giao.
“Tôi rất vui khi nghe bà nói vậy.” Tổng thống nói. “Xin lỗi cho tôi bỏ qua những lời khách sáo mà đi thẳng vào chuyện cần thiết.”
“Dĩ nhiên rồi.” Bà đại sứ đáp.
“Tốt lắm.” Tổng thống nói. “Bởi vì tôi muốn biết nước bà có phải dự định tập kích đập nước Tam Điệp, hay không?”
Ông ta gật đầu về phía Brenthoven. “Theo tôi hiểu, Greg… tôi muốn nói là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của tôi… đã chuyển lời cho bà các mối lo âu của chúng tôi về một cuộc tập kích như thế. Bà đã bàn thảo vấn đề này với chính phủ của bà chưa?”
“Tôi đã được thuyết trình về toàn bộ dự tính của chính phủ trong vụ việc này rồi.” Bà đại sứ nói. “Trên chính thức, không hề có một kế hoạch tập kích đập nước Tam Hiệp nào hết.”
“Còn không chính thức thì sao?” Tổng thống hỏi.
“Câu trả lời không chính thức là, e rằng,” bà đại sứ đáp, “hơi khác một chút. Nói một cách không chính thức, tôi được phép thông báo cho ngài, trong điều kiện tối mật, rằng sự phá hủy đập nước Tam Hiệp được xem là một lựa chọn quân sự cần thiết và đúng đắn, nếu xung đột với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vẫn tiếp tục leo thang.”
Tổng thống Wainright bóp bóp sau gáy. “Tôi biết rồi. Chính phủ của bà đã hiểu rằng hầu như chắc chắn một cuộc tập kích như vậy sẽ được Trung quốc xem như một sự công kích chiến lược trực tiếp vào cơ sở hạ tầng quan yếu của quốc gia họ chứ? Và chính phủ của bà cũng hiểu rằng một đòn mãnh liệt như vậy có lẽ sẽ được đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chứ?”
“Chính phủ của tôi đã nhận được những điều lo ngại của ngài rồi.” Bà đại sứ Ấn Độ đáp. “Nhưng chúng tôi không đồng ý với nhận định của quý ngài về phản ứng của nước CHNDTH. Chính phủ tôi không tin rằng Bộ Chính Trị Trung Ương Trung quốc sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân để phản kích.”
“Lỡ khi nhận định của quý chính phủ sai thì sao?” Tổng thống hỏi. “Tại sao quý vị lại mạo hiểm với khả năng ấy chứ?”
Bà đại sứ nắm hai tay trên đùi. “Thưa ngài tổng thống, Trung quốc không phải là mối quan tâm duy nhất của chúng tôi. Tôi tin chắc là các vệ tinh của quý ngài đã cho thấy rằng láng giềng Hồi quốc (Pakistan) của chúng tôi đã bắt đầu tập kết quân đội gần biên giới phía đông của chúng tôi, ở hai tỉnh Punjab và Sindh. Ngay trong khi chúng ta đang thảo luận, Pak Faza’ya, Không Quân của Hồi quốc đang tiến hành một chiến dịch bay tuần tra kịch liệt ngay sát biên giới. Mặc dù các hoạt động này trên mặt kỹ thuật không được gọi là hoạt động quân sự chống lại nước tôi, nhưng các lực lượng vũ trang của Hồi quốc có hành vi gây hấn. Chính phủ Hồi quốc rõ ràng là muốn thừa nước đục thả câu rồi.”
Bà nhướn mày. “Như thành ngữ của người Mỹ nói, đó chính là ‘lũ cá mập đang vờn quanh’, thưa ngài tổng thống. Cả ở phía bắc, lẫn phía đông của chúng tôi. Chúng tôi không thể nào để chúng đánh hơi thấy mùi máu trong nước được.”
“Tôi hiểu nỗi lo của quý vị.” Tổng thống nói.
Trước khi ông kịp nói tiếp, đại sứ Shankar lại cất tiếng. “Thành thật xin lỗi ngài, nhưng mà ngài không hiểu được nỗi lo của chúng tôi đâu. Nếu Hoa Kỳ thật sự hiểu được những mối căng thẳng về văn hóa và chính trị nơi vùng thế giới của chúng tôi, thì quý ngài đã không vội vã bán vũ khí cho Hồi quốc như thế, hoặc là chống lưng cho chế độ khủng bố đang cầm quyền tại Islamabad. Mà quý ngài cũng không hiểu được sự lo lắng của chúng tôi về Trung quốc. Tôi xin lưu ý ngài về cái gọi là chiến tranh Trung-Ấn vào đầu thập niên 1960. Nhân dân chúng tôi đã từng biết qua bị Quân Giải Phóng Nhân Dân tràn qua biên giới là như thế nào. Tôi cũng mừng là quốc gia quý ngài chưa từng trải qua kinh nghiệm như thế.”
“Đối với chúng tôi, cái này không phải là một bài tập chính sách đối ngoại.” Bà nói. “Nó cũng không phải là lý thuyết chính trị. Mà chúng tôi đang phải đối đầu từ hai phía những đối thủ đã từng biểu hiện trong lịch sử ý định tiêu diệt Ấn Độ của họ, và hiện tại đang tiến hành những hành vi thù nghịch đối với nước tôi. Chúng tôi sẽ không tỏ ra yếu đuối. Và nếu điều này có nghĩa là đập nước Tam Hiệp phải bị tiêu hủy, thì đó chính là cái giá mà Trung quốc phải trả khi họ tàn sát các thôn làng của chúng tôi không một lời cảnh báo hay bị khiêu khích gì.”
Tổng thống lắc đầu. “Bà đại sứ ạ, tôi xin quý vị đừng làm việc này.”
Đại sứ Shankar ngồi yên suốt nhiều giây, trước khi lên tiếng. “Quý ngài có thể cho chúng tôi một lựa chọn nào khác không? Quý ngài có thể cho quân lực của quý ngài sát cánh với quân lực chúng tôi và cho Trung quốc và Hồi quốc thấy rằng chiến đấu với Ấn Độ cũng chính là chiến đấu với Hoa Kỳ không?”
Tổng thống im lặng.
Bà đại sứ cười buồn. “Câu trả lời của ngài chính là như thế đó, thưa ngài tổng thống. Nếu quý ngài không thể đứng bên cạnh chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tự vệ mà không cần sự trợ giúp của quý ngài. Và chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp mà mình có.”
“Lỡ như tính toán của quý vị sai lầm thì sao?” Tổng thống lại hỏi. “Lỡ như Trung quốc trả đũa bằng vũ khí hạt nhân thì sao?”
Đại sứ Shankar thở dài. “Vậy thì họ sẽ khám phá ra là Ấn Độ cũng có những vũ khí như thế và, nếu bị bắt buộc, chúng tôi cũng không ngại gì đem chiến tranh đến trước ngưỡng cửa của kẻ thù.”
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Trung Tâm CNN
190 đường Marietta, thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia
Thứ Bảy, 29 tháng 11, 10:19 giờ địa phương
Đoạn phim kết thúc và Irene Schick lại nhấn nút ngay lập tức để xem lại. Cô đã xem đoạn phim năm lần liên tiếp, mà vẫn không tin được mắt mình. Cô cho phim chạy nhanh đến đoạn súng trường tiến công bắt đầu bắn vào đám đông và các thân xác bắt đầu đổ xuống đất.
Âm thanh bị ù đi và gần như không thể nghe hiểu được, nhưng đoạn phim thật là đáng kinh ngạc… Binh lính Trung quốc đang bắn gục dân chúng đang yên ổn biểu tình mà không có một sự khiêu khích nào cả. Máu me. Kinh hoàng. Đám đông bỏ chạy dẫm đạp lên nhau như đàn dê bò.
Các nhà hoạt động chính trị Tây Tạng đã tố cáo Trung quốc hành động hung bạo như vậy nhiều lần từ lúc những vụ bạo động năm 2008, nhưng mọi chứng cớ hiếm hoi có được đều thiếu chất lượng và tính cách thuyết phục.
Nhưng cảnh tượng đang diễn ra trên màn hình máy vi tính của cô là hàng thật rồi. Nghe thì có vẻ thiếu tế nhị, nhưng đoạn phim này giống như ‘khẩu súng nòng còn bốc khói’ trong truyền thuyết đó! Không phải chỉ có một hay hai kẻ bạo động bị bắn gục trong hoàn cảnh không chắc chắn nào đó, mà là hàng trăm người chết hay bị thương. Hay nhiều hơn thế nữa. Cô sẽ phải lập ra một tổ để nghiên cứu mỗi một khung hình trong đoạn phim này, đếm số thi thể và ghi nhận mọi chi tiết nhỏ nhặt có thể bị bỏ sót nếu không tra xét tỉ mỉ.
Theo lời của Byron Maxwell của hội Ân Xá Quốc Tế, đoạn phim được thu từ một chiếc điện thoại di động. Dựa theo chất lượng hình ảnh, có lẽ đó là một di động loại tốt. Ngay cả khi chiếu lớn trên màn ảnh LCD 25 inch của Irene, hình ảnh vẫn rõ nét và trong vắt. Còn thua xa cấp độ chuyên nghiệp, nhưng thừa để đem lên truyền hình.
Thế nào khúc phim cũng mất đi vài chi tiết và bị sai lệch chút đỉnh khi bị chuyển qua dạng A-roll, nhưng điều này cũng chỉ làm tăng thêm tính chất kịch nghệ và tạo nên cảm giác chân thật trong trí của khán giả truyền hình.
Họ sẽ đưa gã du khách đã thu phim lên một đài truyền hình địa phương của đài CNN mẹ ở tiểu bang California, hay chỉ cần phỏng vấn bằng âm thanh thôi trong khi chiếu đoạn phim của gã. Họ cũng có thể cho một phát ngôn nhân của hội Ân Xá Quốc Tế một chút thời giờ trên truyền hình, để trả ơn họ đem đến đoạn phim cho đài. Irene đã bắt đầu hoạch định đoạn phóng sự đầu tiên trong đầu. Câu chuyện này sẽ lên hàng đầu suốt nhiều ngày đó! Cô đã linh cảm thế rồi.
Cô nhấc điện thoại, bấm một loạt số và bắt đầu nói ngay khi bên kia bắt máy. “Roger à, đây là Irene. Phải bao lâu mới có thể phái Tom Gwinn hay Kelly Spencer qua Tây Tạng với cả một đội vậy?”
Ngập ngừng một chút, rồi chủ nhiệm cao cấp Roger Calloway nói. “Cô hỏi thật đấy hả?”
“Thật chứ sao không?” Irene đáp. “Chúng ta sắp phải có một nhóm giỏi nhất ngay tại Tây Tạng đó! Thật gấp đó!”
Cô lại nhìn vào cảnh thảm sát trên màn hình. “Bám chặt lấy ghế đi nhé, Roger. Tôi sắp thả một quả bom tấn vào lòng ông đó!”