Mới nhận được một tin xấu nhỏ vài giờ trước. Phòng Nhân Sự ra lệnh hoãn ngày chuyển giao quyền chỉ huy của con cho đến khi lần triển khai này chấm dứt. Vì vậy, Jim Bowie vẫn được ngồi trên cái ghế nóng bỏng ấy thêm một thời gian nữa, trong khi con gái cưng của bố tiếp tục kiên nhẫn chờ đến phiên của mình.
Thật ra, có lẽ con cũng không có gì để phàn nàn cả. Jim là một hạm trưởng xuất sắc và là một người rất là được. Anh ấy giúp đỡ con không thể nào hơn được và rất sâu sắc. Thủy thủ đoàn sùng bái anh ta lắm. Khỏi cần phải nói, con không vui vẻ gì vì cuộc đình hoãn này, nhưng mà nếu đã phải ngồi yên chờ thời, ít ra biết rằng người đang chiếm chỗ chơi của con là một tay chơi giỏi cũng đủ an ủi rồi.
Trước khi bố kịp có ý nghĩ gì, phải nói trước là Jim không phải là mẫu người của con đâu. Vậy xin bố đừng có bắt đầu tính toán gì. Anh ấy đã có bạn gái lâu năm hay vợ sắp cưới, hay gì đó. Con cũng không rõ chi tiết, mà con cũng không tính hỏi. Khi nào con quyết định có một mối quan hệ đứng đắn, thì chắc chắn sẽ không phải cùng một người trong Hải quân đâu. Bố đừng hiểu lầm, con thích đàn ông mặc quân phục, nhưng mà con nghĩ có một hạm trưởng trong gia đình là đã là quá đủ rồi. Vả lại, con đã định sẽ cưới chiếc tàu này trong vòng hai năm tới đây rồi.
Tình huống này cũng có một mặt tốt. Con được dịp nhìn chiếc tàu mới của con và thủy thủ đoàn hành động dưới áp lực trước khi con nắm quyền. Tụi con có một chiến đoàn Ấn Độ ở một bên và một chiến đoàn Trung quốc ở bên kia. Cái này khá giống như trên đe dưới búa vậy. Tụi con không ở trong hoàn cảnh tác chiến, và (lạy Chúa) tụi con sẽ không ở trong hoàn cảnh đó, nhưng mà tình hình căng thẳng lắm. Thủy thủ đoàn làm việc thật là gọn đẹp. Chưa gì mà con đã rất hãnh diện vì mỗi người nam và nữ trên chiến hạm này, và con sẽ hãnh diện chỉ huy họ khi thời điểm ấy đến.
Cho con hôn Mẹ một cái và nhớ đừng cho Snickers (dịch giả: tên con chó) ăn đồ thừa dưới gầm bàn. Mười hai năm rất dài đối với một con chó, mà ở độ tuổi đó, tụi nó dễ bị đau tim lắm. Bố chỉ cần gãi vào sau tai nó và nhớ nói với nó là của con gửi tặng nó đó.
Thương bố,
Kat
Trung tá Katherine Silva
USS Towers (DDG-103)
-----------
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Quán U Street Café
Thủ Đô Washington
Chủ Nhật, 30 tháng 11, 18:30 giờ địa phương
Gregory Brenthoven tìm một cái bàn tận bên trong của quán cà-phê. Hắn chọn một chiếc ghế đưa lưng ra cửa quán để có thể thỏa thích ngắm bức tranh màu sắc rực rỡ làm cả vách tường sáng rực do họa sĩ Joel Bergner vẽ.
Brenthoven mở nắp ly cappucino và đổ hai gói đường vào lớp sữa hấp bên trên cà-phê. Những viên đường nâu thô nhanh chóng chìm vào lớp bọt sữa, để lại một lỗ thủng thẳng đến chất cà-phê đen bên dưới. Hắn khoắng vài vòng thật nhanh bằng một cây que gỗ rồi đóng nắp ly cà phê lại.
Hương thơm bốc lên từ ly cà phê thật tuyệt vời. Trong thủ đô có biết bao quán cà-phê sang trọng hơn, nhưng qua suốt sự nghiệp lâu dài của hắn ở Washington, hắn chưa từng phát hiện ra chỗ nào làm ra tách cappucino ngon như ở đây.
Hắn cũng có mua một ổ bánh mì tròn mềm, kẹp thịt gà nướng và trái bơ, nhưng hắn để yên nó trên bàn trong khi mắt thì ngắm nghía bức tranh.
Bức họa bất thường của Bergner vẽ cảnh đường U Street lịch sử được treo giữa, bên trái là chân dung của huyền thoại nhạc jazz Billie Holiday và Duke Ellington, còn bên phải là đám đông người liên hoan trên đường phố trong đêm bầu cử năm 2008, khi mà cuối cùng bức rào màu da của Tổng Thống Hoa Kỳ bị đột phá. Bên trong bức tranh là một đoạn đường cong cong, có một chiếc xe mui trần của những năm 1920 đang chạy ngang qua rạp Roosevelt Theater khi xưa.
Bức tranh dùng màu sắc thiên về màu cam và vàng, làm nó trông có vẻ cổ xưa, gương mặt của những nhân vật thì lại trộn lẫn vẻ cam chịu và lạc quan kỳ quái.
Brenthoven mở nắp ly và nhấp một ngụm cappucino. Vẫn còn nóng quá, nhưng mà ngon làm sao ấy.
Đôi mắt hắn di chuyển từ bên này sang bên kia bức tranh, mà không chăm chú vào nơi nào cả. Hắn đã ngắm bức tranh này hằng mấy trăm lần rồi từ ngày mà Bergner hoàn thành năm 2009, nhưng hắn vẫn không rõ vì sao nó lại làm hắn xúc động sâu xa như vậy. Trong ấy có một thứ gì đó, bên dưới lớp sơn, như một bản tin đã được mã hóa một kín đáo, chứa đầy tuyệt vọng và hi vọng. Một sự nhận thức rằng thế giới có thể là một nơi tốt lành hơn là thế này… đáng lý là một nơi tốt lành hơn… nhưng ngay cả trong hoàn cảnh bất công và bị áp bức, người ta vẫn có lý do để trông mong vào một ngày mai tươi đẹp hơn.
Brenthoven lại nhấp một ngụm cappucino và bắt đầu nghĩ đến việc bóc lớp giấy gói ổ bánh mì ra.
Dĩ nhiên, hắn có thể hiểu sai hoàn toàn ý tưởng trong bức họa mà họa sĩ định bày tỏ. Hắn chưa bao giờ gặp qua Joel Bergner và hắn cũng chưa từng thử tìm hiểu về biểu tượng mà họa sĩ định bày tỏ. Nhưng mà đó là điều mà bức họa nói lên với Brenthoven và đối với hắn, cái đó chính là biểu tượng duy nhất mà hắn quan tâm.
“Xin chào buổi tối, ông Brenthoven.” Một thanh âm vang lên sau lưng hắn.
Brenthoven ngoái đầu nhìn lại. Hắn bất ngờ khi đối phương gọi hắn bằng tên, mà còn bất ngờ hơn khi hắn nhận ra người đã lên tiếng. Đó là Gita Shankar, bà Đại Sứ Ấn Độ.
Bà ta nâng một cái ly giấy mang nhãn hiệu của quán cà-phê. “Cho phép tôi ngồi chung bàn với ông nhé?”
Vẫn còn hơi chưng hửng vì cuộc chạm trán bất ngờ, Brenthoven phải mất vài giây mới đáp. “Dĩ nhiên. Vâng, mời bà.”
Bà đại sứ chọn ghế đối diện hắn và mở nắp ly giấy của mình.
Brenthoven gật đầu hướng ly giấy của bà ta. “Cà-phê à?”
“Đúng ra là trà.” Bà đại sứ đáp. “Với sữa. Có vẻ như đây là cái thứ gần giống với trà ‘chai’ nhất mà tiệm này có thể pha được. Trừ phi tôi muốn thử cái thứ gọi là smoothie (sinh tố).”
“Nếu bà không quen uống smoothie, thì an toàn nhất là bà cứ uống trà đi.” Brenthoven nói.
Hắn hơi ngả ly về phía bà đại sứ ra dấu mời, rồi nhấp một ngụm. Khi đặt ly xuống, hắn nhìn vào mắt người đàn bà Ấn. “Tôi có cảm giác là bà không phải là khách hàng quen thuộc của tiệm này.”
Bà đại sứ Shankar nghịch với cái nắp ly giấy, nói. “Ông dĩ nhiên đoán đúng rồi. Tôi chưa bao giờ đến đây cả.”
Brenthoven gật đầu. “Vậy, cho tôi hỏi chuyện gì đưa bà đến nơi này?”
“Chắc hẳn ông đã biết câu trả lời rồi mà.” Bà đại sứ đáp. “Tôi ở nơi này là vì ông đang ở nơi này.”
Brenthoven lại gật đầu. “Bà cho người theo dõi tôi à?”
Bà đại sứ nhăn mặt. “Với mọi thiện ý, tôi xin cam đoan với ông.”
Brenthoven đáp lại cái nhăn mặt của bà ta bằng một cái nhíu mày. Rõ ràng là hắn đã trở nên thiếu thận trọng rồi. Hắn chưa từng cần đến sự bảo vệ của Mật Vụ, nhưng mà nếu mọi cử động của hắn lại dễ bị theo dõi như vậy thì có lẽ đã đến lúc phải suy nghĩ đến an toàn cá nhân nhiều hơn rồi.
Hắn nhìn vị khách không mời. “Bà đã tìm được tôi rồi, và tôi có thể hứa sẽ hoàn toàn chú tâm nghe bà nói, thưa bà Đại Sứ.”
“Tôi xin ông.” Bà ta nói. “Hãy gọi tôi là Gita đi.”
“Vậy bà gọi tôi là Gregory đi.” Hắn nói. “Nhưng mà tôi vẫn muốn biết tại sao bà lại phải cho người theo dõi tôi đến đây. Tôi đoán là bà muốn bàn chuyện gì đó ngoài con đường ngoại giao thông thường. Như tôi đã nói, tôi lắng nghe đây.”
Viên đại sứ Ấn Độ nâng ly lên, rồi lại hạ tay xuống mà không uống một hớp. “Ông nói đúng, dĩ nhiên. Tôi muốn nói chuyện với ông một cách không chính thức và ngoài đường lối thông thường.”
Brenthoven lại nhấp một ngụm cappucino. “Về chuyện gì?”
“Về địa điểm thủy điện mà chúng ta đã bàn qua. Và về ý định mà nước tôi có thể có đối với địa điểm ấy, trong một tương lai gần.”
“Tôi hiểu rồi.” Brenthoven nói. Bà đại sứ rõ ràng không muốn nhắc đến cái tên Đập Nước Tam Hiệp ở nơi công cộng này và mọi thảo luận về kế hoạch hủy hoại nó của nước Ấn Độ cũng sẽ được nhắc đến một cách gián tiếp thôi. Như vậy cũng được. Brenthoven cũng biết cách nói quanh co như bất cứ nhân viên chính phủ nào khác.
“Bà có điều gì rõ rệt muốn cho tôi biết về dự định của quý quốc đối với địa phương thủy điện ấy không?”
“Có.” Viên đại sứ đáp. “Nói một cách không chính thức, tôi được phép cho ông rõ là hành động của chúng tôi sẽ xảy ra vào hai ngày nữa.”
Bà nhìn đồng hồ trên tay. “Khoảng 48 giờ kể từ bây giờ.”
“Tôi thật nghiêm túc.” Bà Đại Sứ Shankar nói. “Ngày giờ này được cho chia xẻ với ông hoàn toàn trong sự tín cẩn. Chúng tôi trông mong ông bảo vệ tin tức này như bảo vệ bí mật quân sự của một đồng minh thân cận vậy. Nếu nó được tiết lộ cho những người không nên biết, mọi sự tín nhiệm giữa chính phủ tôi và chính phủ ông sẽ bị phá hỏng không thể bào chữa.”
“Tôi hiểu được.” Brenthoven nói. “Nhưng mà tôi không hiểu vì sao quý vị lại chia sẻ điều này với chúng tôi. Nếu tin tức này quan trọng đến vậy, mà tôi đồng ý là nó quan trọng thật, tại sao lại không giữ kín nó trong nội bộ của quý vị chứ?”
“Tại vì vẫn còn thời gian để quý chính phủ thuyết phục các lãnh đạo của chúng tôi bỏ qua kế hoạch ấy.” Bà đại sứ đáp.
Brenthoven nhìn bà trừng trừng. “Làm sao được? Chúng tôi phải làm gì để thuyết phục quý chính phủ bỏ qua kế hoạch này?”
Đại sứ Shankar mỉm cười. “Chúng ta đã bàn qua chuyện này rồi mà. Quý vị có thể tham gia cuộc chiến bên phía chúng tôi và giúp chúng tôi ép nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngừng hành vi xâm lược của họ, mà không cần phải dùng đến những chọn lựa chiến lược không tưởng.”
“Chúng tôi không thể làm vậy được.” Brenthoven nói. “Nước CHNDTH không làm gì để khiêu khích Hoa Kỳ cả. Chúng tôi không có lý do gì để trực tiếp tham gia quân sự.”
Bà đại sứ có vẻ ngạc nhiên. “Bắn hạ máy bay quân sự của quý vị còn chưa đủ khiêu khích sao?”
Brenthoven cảm thấy trong ngực thắt lại. “Thưa bà đại sứ, bà đang nói gì đó?”
“Ồ!” Bà đại sứ nói. “Tôi tưởng đâu ông đã biết…”
Gút thắt trong lồng ngực Brenthoven lại chặt thêm. “Biết cái gì?”
“Cuộc không chiến diễn ra trước đây khoảng một giờ.” Bà ta nói. “Hai chiếc F-18 từ tàu sân bay của quý vị bị hai phi đội tiêm kích Trung quốc tấn công. Tôi không rõ thiệt hại bên phía Trung quốc ra sao, nhưng tôi biết một chiếc máy bay của quý vị bị tiêu diệt. Tôi nghĩ là chiếc kia bị thiệt hại, nhưng tôi chưa được thuyết trình chi tiết.”
Brenthoven lắc đầu. “Không thể nào đâu, thưa bà đại sứ… Gita. Nếu có, tôi đã được thông báo rồi.”
Hắn mò mẩm tìm chiếc điện thoại di động và móc nó ra từ túi quần. Nó bị tắt. Pin đã cạn hay phần mềm đã kích hoạt lại, hay cái gì đó. Chuyện gì xảy ra cho nó không quan trọng. Cái quan trọng là cái vật khốn kiếp này đã tự tắt đi rồi.
Nó đã tắt đi bao lâu rồi nhỉ? Hắn đã mất liên lạc bao lâu rồi? Có lẽ hiện giờ đang có một nhóm nhân viên tại căn nhà của hắn và chắc họ đã thử điện thoại cho hắn cả năm chục lần rồi. Cả ở nhà lẫn máy di động của hắn nữa. Thế nhưng, nó lại nằm im rơ trong túi hắn như một khối sắt vô dụng.
Hắn nhấn mạnh vào nút bật máy và chiếc di động bắt đầu quá trình kích hoạt. Không chờ nó hoàn tất quá trình, hắn cũng đã biết mình sẽ thấy gì rồi. Ít nhất là hai chục bản thư thoại và cũng chừng ấy tin nhắn.
Mẹ nó! Mẹ nó!
Hắn đứng bật dậy. “Cho tôi xin lỗi, Gita. Tôi phải đi đây.”
Bà đại sứ cũng đứng dậy theo. “Đương nhiên rồi, Gregory. Anh bận việc mà.”
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Phi tuần tác chiến
VFA-228 – Marauders (Quân Cướp)
Vịnh Bengal
Thứ Hai, 1 tháng 12, 06:26 giờ địa phương
Thiếu Úy Rob “Monk” Monkman dìu chiếc Boeing F/A-18E Super Hornet bị thương của gã chậm rãi quẹo phải và cố gắng lờ đi các rung động càng lúc càng mạnh đang chấn động chiếc tiêm kích. Chiếc hàng không mẫu hạm chỉ còn cách hơn 95 km một chút thôi. Gần về đến nhà rồi. Gần đến nhà rồi…
Gã không cảm thấy mình như một nhà sư tý nào vào lúc này. Sự bỡn cợt khoác lác về cao thủ Thiếu Lâm của gã dường như đi vắng mất rồi. Lúc này đây, gã chỉ cảm thấy mình là tên Robby Monkman tầm thường, và gã đang khiếp đảm đến nổi muốn đái ra quần rồi.
Gã phớt lờ vô số tín hiệu cảnh báo đỏ nhấp nháy trên màn hình trước mặt. Cái màn hình tinh thể lỏng ấy được thiết kế để gã có thể điều khiển bằng đầu ngón tay và chỉ báo hầu hết mọi hệ thống trên máy bay, nhưng gã đã không còn theo dõi được số lượng cảnh báo tán loạn trên đó nữa. Chiếc Hornet của gã bị thương nặng, ít nhất gã cũng biết được điều ấy. Gã cũng biết gã không hi vọng gì có thể sắp xếp được vô số bản tin trong trí để hiểu được một cách rõ ràng là mọi thứ đã tệ hại như thế nào.
Hệ thống phi hành kỹ thuật số của chiếc Super Hornet có khả năng phát hiện các hư hỏng do chiến đấu và tự động điều chỉnh để bù vào phần hư hỏng. Có lẽ nó đang làm tốt phần hành ấy, bởi vì chiếc máy bay của Monk bị trúng một quả tên lửa đã hơn một giờ rồi mà gã vẫn còn trên không trung.
Động cơ bên phải đã tắt ngúm và gã đã bị mất cả đống nhiên liệu, nhưng hệ thống điều khiển fly-by-wire (hệ thống điều khiển thông qua máy vi tính, chứ không phải trực tiếp do người điều khiển) có khả năng dư thừa bốn lần, vẫn còn làm theo mệnh lệnh của gã nếu gã không cưỡng ép máy bay quá sức. Lúc gã trải qua khóa huấn luyện sơ cấp để lái tiêm kích Hornet tại NAS Lemoore (NAS: Naval Air Station, căn cứ không quân Hải quân) và khóa huấn luyến cao cấp ở NAS Fallon, người ta đã nói qua là chiếc Super Hornet bền bỉ như thế nào rồi. Quả thật, chiếc máy bay này thật xứng với danh tiếng có thể chịu đòn của nó.
Tuy nhiên, cho dù khung máy bay được chế tạo bền chắc như thế nào, các hệ thống được thiết kế thừa khả năng ra sao cũng đã không cứu mạng gã Poker được. Rob đã trông thấy quả tên lửa không-đối-không Trung quốc đâm thẳng vào buồng kính của chiếc Hornet của Poker, khiến cả phần buồng lái của chiếc tiêm kích ấy nổ tung thành mảnh vụn titanium. Và Rob đã đảo chiếc Hornet của chính mình quay lại nhanh chóng để thấy phần còn lại của chiếc máy bay của viên phi công dẫn đội của gã đâm vào biển.
Không có ghế lái được bắn ra. Không có chiếc dù nào mở bung ra. Mà gã cũng không nghĩ là sẽ thấy dù. Gã đã biết ngay khi quả tên lửa đánh trúng rằng Owen ‘Poker’ Dowell đã chết rồi.
Nhưng mà tâm tư đau buồn vừa thoáng qua tâm trí của Rob đã tan biến ngay. Gã đã quay sự chú ý và phẫn nộ vào lũ con hoang Trung quốc đã vừa bắn gục bằng hữu và thầy của gã.
Rob không rõ vì sao đám phi công Trung quốc lại khai hỏa. Đây chỉ là một cuộc bay chặn thông lệ: hai chiếc F-18 của Hải quân chặn hai cặp Bogies ở phần rìa của vòng đai phòng thủ 480 km của toán tuần tra không phận.
Họ đã đến gần đối phương đủ để nhận diện chúng là những chiếc J-15 Trung quốc, xác nhận báo cáo của chiếc E-2D Hawkeye đang thi hành nhiệm vụ cảnh báo sớm cho phi đoàn của tàu sân bay Midway.
Trong suốt tuần qua, đã có ít nhất là hằng chục vụ ngăn chặn như vậy, khi mà quân Trung quốc thăm dò vòng đai phòng thủ 480 km của chiếc USS Midway. Nhưng mà đám Bogies Trung quốc luôn luôn quay đầu đi và chưa từng có dấu hiệu bất ổn nào cả.
Thế rồi chúng lại bắn hạ Owen Dowell không một lời cảnh báo. Trước đó không có ra-đa phát sóng mạnh lên, không có cảnh báo bị hệ thống kiểm soát vũ khí tỏa định gì hết. Chỉ có một quả cầu lửa đột ngột khi gã Poker lảnh một quả tên lửa ngay vào mặt. Có lẽ cái này có nghĩa là quả tên lửa Trung quốc là một loại tên lửa tầm nhiệt, hay một loại nào khác không cần phải phát sóng để tìm mục tiêu, bằng không các cảm biến trên hai chiếc Super Hornet đã cảnh báo rồi.
Rob mặc kệ các thứ chi tiết kỹ thuật. Gã chỉ chăm chú vào việc trả đũa những thằng *** giảo hoạt đã giết Poker mà thôi.
***
Lúc này, trong khi bay về chiếc Midway, Rob không còn nhớ gì mấy về cuộc giao chiến nữa. Gã biết mình đã bắn hạ hai Bogies và làm thiệt hại một chiếc thứ ba. Gã biết mình đã dính đạn trong lúc hỗn chiến.
Gã biết hai cánh trống rỗng không còn một món vũ khí và khẩu súng 20 mm hết sạch đạn rồi. Phần lớn chi tiết của cuộc cẩu chiến (*) đã phai nhạt cùng với cơn phẫn nộ, nhưng mà gã quả thật đã bắn hết sạch thùng đạn vào lũ con hoang kia rồi.
(* ND: cẩu chiến, dogfight. Từ này bắt nguồn từ Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) để dùng chỉ chiến đấu giữa máy bay. Khi chiến đấu, hai bên đều tìm cách tiến vào yếu điểm của đối phương, tức là sau lưng; do đó, cả hai sẽ thi hành những động tác nhào lộn, truy đuổi, … rất giống hai con chó đánh nhau. Ngày nay, chiến đấu trên không vẫn không mấy thay đổi: sau khi bắn xong tên lửa điều khiển bằng ra-đa ở tầm xa, hai bên sẽ dùng đến tên lửa tầm nhiệt, rồi súng. Khi lọt vào tầm tên lửa tầm nhiệt, chính là lúc bắt đầu cẩu chiến. Máy bay tiêm kích được thiết kế để thay đổi tư thế và phương hướng nhanh hơn, để mau chóng tìm đến yếu điểm của đối thủ: sau lưng)
Gã kiểm tra khoảng cách với tàu sân bay. Đã đến giờ báo cáo rồi. Do đó, gã bấm nút nói. “Tấn Công. Hai Không Chín ở 84. Một động cơ, tình trạng bốn chấm ba.”
Bản báo cáo của gã, đối với người không ở trong nghề phi hành thì có vẻ như mật mã, nhưng lại cho bộ chỉ huy Tấn Công mọi thứ mà họ cần biết: Monk đã ở 84 km cách chiếc tàu sân bay, chỉ còn một động cơ và 4,300 cân nhiên liệu.
Tấn Công trả lời lập tức. “Roger, Hai Không Chín. Nháy Ident (**) đi.”
Monk bật nút cho hệ thống IFF phát ra mạnh thêm (** IFF: Identification Friend-Foe, nhận diện bạn hay địch. Mọi máy bay quân sự đều có trang bị thiết bị phát tín hiệu để nhận diện địch-bạn). Như thế, ký hiệu của máy bay gã sẽ thoáng nhấp nháy trên màn hình theo dõi trên tàu sân bay, để xác nhận lai lịch của gã và làm cho máy bay của gã dễ được theo dõi hơn trong các ký hiệu ra-đa hỗn loạn trên bầu trời nhộn nhịp.
Gã lại kiểm tra tình trạng nhiên liệu. Thật là khít khao. Một chiếc Super Hornet mạnh khỏe sẽ đốt khoảng 1.100 cân dầu trong một lần hạ cánh bình thường. Monk không rõ mức tiêu thụ dầu hiện tại của mình, nhưng mà máy bay của gã rõ ràng là không được mạnh khỏe rồi và mức tiêu thụ dầu chắc chắn sẽ cao hơn bình thường.
Gã đã sống sót qua cuộc cẩu chiến và đã cà nhắc lết về nhà. Lẽ nào đã đến gần tàu sân bay đến thế, để rồi hết dầu trước khi hạ cánh? Như thế, không phải là mỉa mai lắm sao?
Gã không có cách nào biết được khung máy bay bị hư hại đến đâu, hay lồng kính có mở ra hay không nếu gã phải nhảy dù. Nếu lồng kính bị kẹt, chiếc ghế ngồi có trang bị động cơ phản lực nhiên liệu đặc sẽ dập gã vào lớp nhựa acrylic trong và dày với một gia tốc 13G. Y như lời gã Poker đã chết thường nói, ‘cục thịt băm đặt trên đường xa lộ cao tốc’.
Gã lắc đầu thật nhanh để làm tâm trí trong sáng một chút. Đã đến lúc ngừng suy tư về những thứ tệ hại có thể xảy ra. Gã phải tập trung vào việc duy trì chiếc máy bay trên không trung. Bay, định hướng, liên lạc. Đó là những thứ mà gã cần làm. Bay, định hướng, liên lạc. Quên đi những thứ có thể lấy mạng mình.
***
Tiếng nói của phi đoàn trưởng vang lên trên điện đài. “Hai Không Chín, Barnstormer đây. Được rồi anh bạn, bắt đầu danh sách nhé.”
Trên tàu sân bay, Chuck ‘Barnstormer’ Barnes đang cầm một quyển NATOPS chỉ dẫn và liệt kê các tiết mục cần kiểm tra cho tiêm kích F/A-18E. Như mọi phi công trong Hải quân khác, Monk có một bản bỏ túi của quyển sách này trong buồng lái, nhưng nội dung của bản liệt kê được soạn ngắn lại tới mức tối thiểu để có thể sử dụng nhanh chóng và dễ dàng. Điều khiển một chiếc máy bay phản lực không chừa lại cho bạn bao nhiêu thời giờ để mà đọc những bài viết kỹ thuật dài lê thê, do đó các tình huống bị hư hại nhiều nơi không được ghi vào đó. Các trường hợp khẩn cấp cở lớn phải dùng đến quyển NATOPS nguyên bản, và Chuck Barnes đã sẵn sàng dìu dắt Monk qua bản liệt kê những thao tác kiểm tra và các phương sách khẩn cấp.
Sau khi đã làm xong tất cả những gì có thể làm qua bản liệt kê ấy, Monk đã bay đến địa điểm cách tàu 40 km. Bây giờ là lúc chuyển qua Trung Tâm Kiểm Soát Không Lưu.
Gã lại bấm nút nói. “Marshal, Hai Không Chín cách bốn không. Một động cơ, ba chấm bảy.”
“Roger một động cơ.” Marshal đáp. “Chúng tôi sẽ đưa bạn đến trực tiếp.”
Đây là một quyết định làm gã cảm thấy an ủi, mặc dù là đương nhiên. Monk được cho phép vượt qua phương thức bay để kiểm soát thông lưu, được gọi là ‘stack’ (đống: máy bay bay vòng, hay xếp hàng chờ hạ cánh, theo một thứ tự ưu tiên nào đó, như tình trạng nhiên liệu, cấp bực hành khách, v.v.) và trực tiếp tiến hành quá trình hạ cánh.
Gã đã không còn đủ nhiên liệu để đợi chờ đến phiên trong stack nữa, cho dù là gã không phải bay chỉ với một động cơ. Như thường lệ, có một chiếc máy bay tiếp tế dầu đang bay quanh tàu sân bay ở độ cao 3.000 bộ. Thể lệ thông thường là hẹn gặp nhau với chiếc máy bay tiếp tế dầu, chuyển vào một ít dầu, rồi mới tiến hành hạ cánh với một lượng dầu an toàn. Tuy nhiên một trong những dấu hiệu màu đỏ đang nhấp nháy trên màn hình của Monk cho gã biết rằng nhiều thành phần trong hệ thống dầu của chiếc Super Hornet, kể cả ống tiếp dầu có thể co ra thụt vào, đã không vượt qua kiểm tra. Quyết định không mạo hiểm tiếp dầu đã được cấp trên đặt ra rồi.
***
Khi còn cách xa 8 km, Monk chỉ còn lại 3.200 cân dầu. Rõ ràng là gã sẽ phải móc dính ngay tại lần đầu hạ cánh. Nếu gã móc hụt sợi cáp trong lần đầu, có thể là gã còn đủ dầu để thử lần thứ hai. Nhưng mà chắc chắn người ta sẽ phải căng lưới cho lần thứ hai.
(ND: máy bay đáp xuống tàu sân bay được trang bị một móc thép; tàu sân bay có ba sợi cáp để máy bay hạ cánh và một tấm lưới để cản máy bay nếu cần. Tuy nhiên dùng lưới sẽ làm máy bay hư hại, nên nếu không móc được ba sợi cáp, phi công sẽ thử quay lại và hạ cánh lần nữa. Lưới chỉ để dùng trong trường hợp khẩn, khi máy bay bị hư hại hệ thống hạ cánh hay phi công bị thương.)
Không một phi công Hải quân nào lại muốn hạ cánh kiểu ấy cả, khi mà máy bay của mình bị lưới ny-lông chụp cứng như một con ruồi sa lưới nhện. Tuy hạ cánh như thế không hay tý nào, nhưng cũng còn đỡ hơn là phải nhảy dù.
Bây giờ thì chiếc tàu sân bay đã ở trong tầm mắt, một khối đen nhỏ nơi xa.
Khi còn cách 1,2 km Monk trông thấy quả ‘banh’, tên gọi bộ đèn màu Fresnel của hệ thống đáp máy bay. Quả bóng vàng cam nằm hơi phía dưới dãy đèn xanh lục nằm ngang, cho thấy là gã đang ở vị trí hơi thấp, nhưng hướng bay thì tốt.
Gã tăng thêm lực vào cái động cơ còn lại và bấm nút nói. “Marauder Hai Không Chín, Super Hornet ‘banh’, hai chấm tám, một động cơ.”
Viên sĩ quan chỉ huy hạ cánh đáp. “Roger ‘banh’.”
Chiếc tàu sân bay chỉ vài phút trước còn trông nhỏ xíu bây giờ đang to lên nhanh chóng, nhưng Monk tập trung vào quả banh, hướng tiếp cận và góc độ máy bay. Quả banh, phương hướng, góc độ. Không còn gì khác. Giống y như khi huấn luyện vậy. Quả banh… Phương hướng… Góc độ…
Thanh âm của viên sĩ quan chỉ huy hạ cánh vang lên trong tai nghe. “Thêm chút sức lực.”
Monk ấn cần tăng thêm lực vào động cơ và máy bay của gã bay thẳng lại một chút. Vài giây sau, bánh xe của gã đâm sầm xuống sàn tàu. Gã lập tức nhấn cần tăng lực, cái động cơ duy nhất còn lại hú lên hết mức để dự trù trường hợp gã bắt hụt các sợi cáp và phải bốc lên lại.
Móc thép sau đuôi bắt được sợi cáp thứ hai. Không phải là một cuộc hạ cánh hoàn hảo gì, nhưng cũng được. Thân thể gã lao ra phía trước chống lại dây an toàn trong khi sợi cáp làm chiếc máy bay giảm tốc độ, rồi khiến nó ngừng hẳn lại.
Gã đã hạ cánh rồi.
Một gã thủy thủ mặc sơ-mi vàng chạy về phía gã, ra hiệu giảm lực động cơ. Monk hạ lực động cơ xuống trở lại bình thường và tiếng nói của sĩ quan không lưu vang lên trong tai. “Hai Không Chín, Boss đây. Chúng tôi sẽ tắt máy cho anh ngay bây giờ.”
Monk tiếp nhận lệnh tắt máy, ra hiệu đã hiểu khi gã sơ-mi vàng ra dấu đã chêm bánh, rồi tắt máy. Sự yên lặng trong buồng lái làm gã cảm thấy như bị điếc.
Toán nhân viên trên sân bay đã bắt đầu xông đến máy bay của gã, lái xe kéo đến để lôi chiếc máy bay bị thương của Monk về vị trí đậu đã được chỉ định.
Thế rồi, với chiếc máy bay đã đáp xuống an toàn, bàng quang của Monk xả ra và gã tiểu tiện ngay trong bộ đồ phi hành.
Thế này thì hay rồi… Rồi đây gã sẽ nghe kể về chuyện này cho đến hết sự nghiệp của mình. Sẽ không ai nhắc nhở gì đền hai chiếc Bogies mà gã đã bắn hạ, hay chiếc thứ ba mà gã đã bắn thủng lỗ chỗ, hay việc mà gã duy trì một chiếc máy bay hư hại nặng nề trên không suốt 480 km rồi thành công một cuộc hạ cánh khó khăn. Gã sẽ chỉ nghe người ta nói đến chuyện gã đái dầm trong tả.
Tuy nhiên không ai nhắc đến bộ đồ phi hành sủng nước tiểu. Không ai chế nhạo gã đã đái dầm. Không ai có ý đổi biệt hiệu của gã thành ‘Cái Bô’ hay ‘Thằng mặc tả’. Nếu mà sự kiện Rob không kiểm soát được bàng quang của mình được người ta bàn thảo qua, thì gã không nghe qua bao giờ.
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Phòng Tình Huống, Nhà Trắng
Washington D.C.
Chủ Nhật, 30 tháng 11, 20:33 giờ địa phương
Tổng thống Wainright bước vào phòng Tình Huống, một nhân viên Mật Vụ theo sau. Gã Mật Vụ tiến đến vị trí thường lệ của gã trong góc phòng, còn tổng thống thì ngồi vào ghế của ông. “Có ai làm ơn cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra không?”
Viên Sĩ Quan trực hé miệng, nhưng Đô Đốc Casey, Tham Mưu trưởng Hải quân, dành trả lời. “Đã có một cuộc không chiến xảy ra trên bầu trời Vịnh Bengal, thưa ngài tổng thống. Hai chiếc F/A-18 Super Hornet cất cánh từ chiếc USS Midway được điều đi xua đuổi bốn chiếc J-15 tiêm kích xung kích của Trung quốc cất cánh từ chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Máy bay từ chiếc Midway đã từng bay phi vụ ngăn chặn như vậy cả 10 hay 12 lần rồi, trong suốt tuần qua. Cho tới nay, các phi vụ này đều kết thúc yên lành, các tiêm kích Trung quốc luôn luôn quay đầu trở về, ngay khi những chiếc Hornet xuất hiện.”
“Chúng tôi không rõ tại sao lần này lại khác.” Ông ta nói tiếp. “Chúng ta chỉ biết chắc một điều là các chiếc J-15 đã khai hỏa vào Hornet của chúng ta và một cuộc không chiến diễn ra. Một trong những chiếc Hornet bị bắn rơi và chiếc kia bị hư hại ít nhiều, nhưng bay về an toàn. Ít nhất là hai máy bay Trung quốc bị tiêu diệt. Một chiếc máy bay Trung quốc thứ ba bị hư hại, nhưng vẫn còn bay khi nó vượt qua khỏi tầm ra-đa của chúng ta. Như vậy, có lẽ chiếc đó không bị bắn rơi.”
Tổng thống nhìn trừng vào Tham Mưu trưởng Hải quân. “Chúng ta có chắc chắn rằng phi công của chúng ta không khai hỏa trước chứ?”
Bộ trưởng Quốc Phòng (BTQP), bà Mary O’Neil-Broerman, đáp. “Hoàn toàn chắc chắn. Chúng ta có báo cáo của gã phi công Hornet còn sống sót, mà lời tường thuật của gã đã được xác nhận bởi dữ liệu từ hệ thống cảm biến trong máy vi tính trên máy bay của gã. Nó còn được chứng thực bởi dữ liệu được chiếc E-2D Hawkeye khi ấy đang thi hành nhiệm vụ cảnh báo sớm, thu được. Chính tôi chưa thấy qua các dữ liệu ấy, thưa ngài, nhưng chúng tôi được báo cáo trực tiếp từ đô đốc Zimmerman rằng dữ liệu do ra-đa của chiếc Hawkeye thu được không nghi ngờ gì cho thấy máy bay Trung quốc tấn công không cảnh báo, lẫn khiêu khích. Một chiếc Super Hornet của chúng ta bị tiêu diệt vì quả tên lửa đầu tiên. Chiếc Hornet kia tiếp chiến và đuổi tiêm kích Trung quốc chạy mất.”
Tổng thống nhướng một bên lông mày. “Phi công của chúng ta một đối bốn mà dành được thượng phong sao?”
Bà BTQP gật đầu. “Vâng, thưa ngài. Tôi được nghe từ nguồn tin chính xác là gã đã đạp một cước thật đau vào đít của cả bốn tên.”
“Ừ, nghe có vẻ là thế thật.” Ông tổng thống nói. Giọng ông đã trở nên bình ổn hơn. Ông hỏi. “OK, vậy chúng ta phải làm gì đây?”
Lần này, Tham Mưu trưởng Hải quân lên tiếng. “Thưa ngài tổng thống, ngay lúc này, chiếc USS Midway đã gia tăng số phi vụ tuần hành tác chiến lên gấp đôi và nới rộng vòng đai phòng thủ ra thêm 30 km. Ngoài ra, các chiến hạm hộ vệ trong nhóm đang ở trong tình trạng báo động cao và được phép khai hỏa vào mọi mục tiêu trên không nghi ngờ là thù địch nếu chúng phớt lờ cảnh báo qua điện đàm và tìm cách xuyên qua vòng phòng ngự của tàu sân bay.”
Không ai quanh bàn bình luận gì về sự kiện cái từ ‘mục tiêu’ lần đầu tiên đi vào buổi nói chuyện.
“Tôi rõ rồi.” Tổng thống nói. “Các phương án ấy có đủ để bảo vệ chiếc tàu sân bay của chúng ta chưa?”
“Nói thật ra, thưa ngài, có lẽ như thế chưa đủ.” Tham Mưu trưởng Hải quân đáp. “Nhưng mà chúng ta chỉ có đi đến mức ấy, nếu không muốn các lực lượng của chúng ta tiến vào tư thế tấn công.”
Tổng thống quay sang ông ta. “Đô đốc đề nghị những gì?”
Viên đô đốc mím môi. “Cho phép tôi nói thẳng, thưa ngài. Quân của chúng ta bây giờ đầu óc như trong sương mù vậy. Nếu muốn cho họ chiến đấu, chúng ta nên tháo xiềng cho họ và để họ đưa chiến cuộc vào địa bàn đối phương. Nếu không muốn họ chiến đấu, chúng ta nên rút họ ra khỏi khu vực ấy trước khi càng thêm nhiều người thiệt mạng bởi những cái gọi là lực lượng trung lập. Xin thứ cho tôi ví von không đúng chỗ, nhưng mà chúng ta hoặc là lưới cá, hoặc là cắt đứt lưới đi, thưa ngài. Mình không thể nào chiến thắng khi mà cứ chờ cho đối thủ bắn vào đầu mình, rồi mới quyết định có nên bắn trả hay không.”
“Cái này… chúng ta không hề dự định là một cuộc hành quân tác chiến.” Tổng thống nói. “Chúng ta cho nhóm của chiếc Midway vào vịnh Bengal là để tạo ảnh hưởng ổn định tình hình.”
“Nếu vậy, tôi nghĩ chúng ta không sai khi nói rằng dự tính này đã không thành công rồi, thưa ngài.” Đô đốc nói. “Sự hiện diện của chiếc Midway không hề ngăn cản quân Trung quốc đánh tơi tả chiếc tàu sân bay Ấn Độ. Nó cũng không ngăn được bọn chúng thử đột phá không phận tàu sân bay của chúng ta. Và nó cũng không ngăn chúng khai hỏa vào phi tuần phòng thủ của ta. Tôi không biết chúng ta đạt được những gì ở đó, nhưng mà chắc chắn là chúng ta không hề ổn định tình hình chút nào cả.”
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đại tướng Lục quân Horace Gilmore, chỉnh lại cặp kính cận, nói. “Tôi cũng đồng ý, thưa ngài tổng thống. Người Trung quốc không có vẻ gì là để ý đến ổn định cả. Chúng đã khai hỏa vào Hải quân của chúng ta và Ấn Độ. Và bây giờ chúng lại có một vệ tinh chuyên dùng cho khu vực này, để quan sát mọi hành động của chúng ta. Mỗi khi chúng ta phóng một chiếc trực thăng hay tiếp dầu cho một chiếc chiến hạm, chúng đều thấy cả. Theo như tôi thấy, thưa ngài, chúng đang chuẩn bị tác chiến cường độ lớn đó!”
“Chúng ta không thể khẳng định điều đó.” Tổng thống nói. “Ngay bây giờ, tất cả chỉ là phỏng đoán mà thôi.”
“Ngài nói đúng.” Bà BTQP nói. “Chúng ta không nói chắc được. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ không nhận được dữ liệu xác định cho đến khi đã quá muộn. Lời Đô đốc Tham Mưu trưởng nói là đúng, thưa ngài tổng thống. Nếu ngài chờ bên kia bắn ngài ngay vào mi tâm, có thể ngài không còn kịp bắn trả đâu.”
Tổng thống lắc đầu. “Tôi sẽ không để bất cứ ai uy bức tôi làm một quyết định hấp tấp đâu.”
Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia lên tiếng. “Thưa ngài, lập ra chính sách quân sự không phải là phần hành của tôi, mà tôi cũng không muốn ép ngài làm điều gì cả. Nhưng mà đây là một trường hợp mà chúng ta không có quyền lựa chọn thời gian.”
Tổng thống quay sang hắn. “Anh muốn nói gì vậy, Greg?”
Brenthoven liếc nhìn đồng hồ trên tay. “Cho phép tôi nhắc ngài là chính phủ Ấn Độ dự tính tiến hành vụ tập kích Shiva của họ vào đập nước Tam Hiệp chỉ 45 giờ nữa thôi. Nếu mà phản ứng của Trung quốc chỉ cần gần như chúng ta tưởng tượng, có lẽ viễn ảnh trước mắt là một trận giao đấu vũ khí hạt nhân tầm mức lớn ở vùng nam và đông Á châu đó!”
“Tôi không có quên đâu!” Tổng thống gắt lên. “Tôi chỉ muốn tập trung vào vụ khủng hoảng mà thôi.”
“Tôi hiểu rồi.” Brenthoven nói. “Nhưng mà tôi không nghĩ chúng ta có thể tách rời vụ này khỏi vụ kia được. Bất cứ chuyện gì chúng ta làm cho, với, hay chống lại Trung quốc đều sẽ ảnh hưởng đến Ấn Độ. Bất cứ chuyện gì chúng ta làm cho, với, hay chống lại Ấn Độ đều sẽ ảnh hưởng đến Trung quốc. Mà nếu chúng ta cố gắng giữ nguyên trạng, Ấn Độ sẽ tiến hành kế hoạch tàn phá trung tâm Trung quốc.”
Brenthoven giơ một bàn tay lên, cả năm ngón xòe ra. “Theo tôi thấy, chúng ta có năm phương cách để tiến hành…”
Hắn gập một ngón tay lại. “Thứ nhất, chúng ta không làm gì cả và hi vọng rằng Ấn Độ chỉ lừa phỉnh về vụ tập kích đập nước Tam Hiệp. Dĩ nhiên, nếu họ thật ra không lừa phỉnh, nhóm của chiếc USS Midway sẽ nằm khá gần nơi trung tâm khi mà các đầu đạn hạt nhân bắt đầu bay loạn xạ.”
Hắn gập ngón thứ nhì. “Thứ hai, chúng ta tích cực thử ngăn vụ tập kích của Ấn Độ vào đập Tam Hiệp. Điều này có nghĩa là trực tiếp hành động quân sự chống lại Ấn Độ. Nó cũng có nghĩa là để cho Hoa Kỳ liên kết với Trung quốc, kẻ xâm lược trong cả vụ rối rắm này.”
Ngón tay thứ ba hạ xuống. “Thứ ba, chúng ta tiết lộ kế hoạch tập kích đập Tam Hiệp cho chính phủ Trung quốc và tin tưởng rằng Trung quốc sẽ bảo vệ được cái đập nước ấy. Điều này có nhiều may rủi vì nhiều nguyên nhân, trong số đó chính là chính phủ Ấn Độ sẽ biết ngay chúng ta chính là kẻ đã tiết lộ ra. Điều này chỉ kém trực tiếp tập kích Ấn Độ mà thôi, nhưng chắc chắn sẽ đưa Hoa Kỳ vào thành phần ‘kẻ địch’.”
Hắn gập ngón thứ tư. “Thứ tư, chúng ta đồng ý với Ấn Độ và tham dự vào bên phe Ấn Độ. Điều này có nghĩa hành động quân sự trực tiếp chống lại Trung quốc, nhưng ít ra chúng ta cũng không đi theo phe xâm lược. Hơn nữa, bởi vì Trung quốc đã tấn công lực lượng của chúng ta mà Ấn Độ thì không có, do đó điều này hợp lý hơn trên phương diện chính trị và ngoại giao.”
Ngón cuối cùng cũng gập xuống. “Thứ năm, chúng ta rút mọi lực lượng ra khỏi vùng ngay tức khắc và hi vọng rằng sẽ không có những cụm mây hình nấm cùng khắp Á châu vào giờ này tuần tới.”
Brenthoven hạ tay xuống. “Thưa ngài tổng thống, e rằng tôi phải nói là đại tướng Gilmore, đô đốc Casey và bà bộ trưởng đã nói đúng. Bây giờ là lúc hành động quyết liệt, hay rút khỏi nơi ấy và cầu nguyện mọi sự sẽ êm đẹp.”
Tổng thống Wainright xoa nắn hai bên thái dương. “Anh nói là tôi đã bị đẩy vào góc tường rồi và không có giải pháp nào tốt cả sao?”
Bà BTQP lắc đầu. “Hoàn toàn không phải, thưa ngài tổng thống. Chúng tôi muốn nói là hoàn cảnh đã đẩy chúng ta vào một góc tường rồi và chúng ta không có một phương án nào hấp dẫn cả. Chúng ta có nhiều lựa chọn, thưa ngài. Ngài có nhiều lựa chọn. Tiếc thay, chẳng qua chúng không phải là những lựa chọn mà chúng ta mong muốn vào lúc này thôi.”
“Thì cũng như thế cả.” Tổng thống nói.
Đại tướng Gilmore nhíu mày, nói. “Không phải bao giờ chúng ta cũng có thể lựa chọn chiến trường. Nhưng chúng ta vẫn có thể lựa chọn sẽ chiến đấu như thế nào và chiến đấu chống lại kẻ nào. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể cưỡng ép người nào trở thành đồng minh của mình, nhưng nó có nghĩa là chúng ta có thể làm họ hối hận đã trở thành kẻ địch của chúng ta.”
Tổng thống phất tay. “Thôi được rồi. Hùng hổ như thế là đủ rồi. Như vậy đề nghị của mọi người là chúng ta về phe người Ấn Độ.”
“Thưa ngài, vâng ạ.” Viên đại tướng nói. “Hoặc là như thế, hoặc là rút chân ra khỏi khu vực ấy và hụp đầu xuống để tránh đạn cho tới khi người Ấn Độ và Trung quốc giải quyết xong vụ lộn xộn của họ.”
Ông tổng thống ngồi yên không nói năng gì suốt nhiều phút. Sau cùng, ông chồm người ra phía trước và chống cùi chỏ lên bàn họp. “Tôi chưa sẵn sàng quyết định gì cả. Tôi phải suy nghĩ đã.”
“Chúng ta không có nhiều thời gian đâu, thưa ngài.” Viên Tham Mưu Trưởng Hải quân nói.
“Tôi cũng hiểu được điều đó.” Tổng thống nói. “Các vị đã nhấn mạnh điểm này thật rõ rồi. Nhưng đây là một quyết định khổng lồ với nhiều ảnh hưởng sâu xa. Tôi không thể nào làm quyết định như thế trong lúc nhất thời được.”
“Đã hiểu.” Bà BTQP nói. “Nhưng mà tôi có một kiến nghị trong khi ngài nghiền ngẫm vấn đề này.”
“Kiến nghị gì?” Tổng thống hỏi.
“Tôi nghĩ chúng ta nên cho phép Hải quân bắn hạ cái vệ tinh kia của Trung quốc.” Bà BTQP đáp. “Nếu ngài quyết định rút lui khỏi khu vực, việc này giúp chúng ta chuyển quân an toàn hơn nhiều. Còn nếu ngài quyết định chiến đấu, chắc chắn là chúng ta không muốn cái vật ấy tòn ten trên không phận vùng chiến.”
Tổng thống Wainright đảo mắt quanh phòng, lặng lẽ trưng cầu ý kiến của mọi người. Mọi người đều gật đầu.
“Được lắm.” Ông nói. “Làm thế đi. Bắn cái vật khốn kiếp ấy xuống.”
Tác Giả: Jeff Edwards
Người Dịch: qnnguyen
Biên Tập: Không Không
Nguồn: Tàng Thư Viện
Khu Trục hạm USS Towers (DDG-103)
Vịnh Bengal
Thứ Hai, 1 tháng 12, 11:27 giờ địa phương
Trung Úy Lambert, viên sĩ quan phụ trách Hệ Thống Tác Chiến cho chiến hạm, bước vào phòng hành quân CIC và tiến thẳng đến nơi Đại Tá Bowie và Trung Tá Silva đang đứng.
“Mọi thứ tốt đẹp, thưa hạm trưởng.” Lambert nói. “Đắp vá phần mềm đã được nạp vào rồi và ra-đa SPY đã được khởi động lại và vận hành tốt.”
‘Đắp vá’ là một chương trình phần mềm để sửa đổi tham số vận hành của hệ thống ra-đa AN/SPY-1D(V)2 của chiến hạm khiến nó có thể theo dõi mục tiêu ở cao độ quá 61 km. Với một công xuất hơn 4 megawatt, được điều hành bởi một hệ thống vi tính đa năng, SPY có thừa khả năng phát hiện những vật thể từ mặt địa cầu cho đến quỹ đạo thấp. Ngoài các vệ tinh gần mặt đất, hệ thống này còn có thể theo dõi bất cứ loại rác không gian nào đủ lớn để ra-đa có thể phát hiện. Bởi vì có khoảng 10 triệu vật thể nhân tạo bị vứt bỏ trong không gian trong suốt nửa thế kỷ phóng phi thuyền có người hay không có người, điều này có thể làm màn hình ra-đa bị ngập tràn bởi những phát hiện vô ích.
Để tránh cho các dữ liệu vô dụng ấy áp đảo các nhân viên ra-đa, phần mềm của radar SPY chứa một chương trình con để cưỡng ép hệ thống bỏ qua mọi phát hiện ở cao độ hơn 61 km khi hoạt động bình thường. Trong những trường hợp hiếm hoi phải theo dõi các vật thể trong không gian, người ta phải dùng đến phần mềm ‘đắp vá’: một mã chương trình nhỏ có thể nạp vào hệ thống để tháo gỡ rào cản điện tử cho SPY, khiến cho ra-đa có thể nhìn thấy đến tận mức khả năng của nó.
Báo cáo của viên sĩ quan hệ thống tác chiến xác nhận rằng việc này vừa được làm xong. Đắp vá phần mềm đã được nạp vào hệ thống, SPY có thể hoạt động thỏa sức và bây giờ có thể theo dõi những mục tiêu trong không gian.
Đại tá Bowie gật đầu. “Làm hay lắm. Phải mất bao lâu chúng ta mới có thể theo dõi Redbird 1?”
“Có lẽ không lâu đâu.” Viên trung úy đáp. “Có lẽ SPY đã bám chặt vào nó rồi, nhưng nhân viên của chúng ta còn cần 15 phút để tìm ra con cừu trong bầy dê và xác định mục tiêu.”
****
Các nhân viên Truy Tìm Không Gian mất 8 phút mới nhận định được ký hiệu ra-đa tương ứng với chiếc vệ tinh thám sát của Trung quốc, và thêm 12 phút nữa để kiểm tra vị trí và lộ tuyến của mục tiêu với dữ liệu mà Không Quân cung cấp.
Cuối cùng, viên sĩ quan chỉ huy nhóm Không gian vang lên trong mạng thông tin chiến thuật. “TAO, Không gian đây. Chúng tôi đã theo dõi Redbird 1 với mức tin cậy cao. Mục tiêu này được chỉ định là Lộ Tuyến Không Không Một.”
Viên sĩ quan Tác Chiến (tactical action officer, TAO) bấm nút nói. “TAO, aye.”
Viên TAO quay sang đại tá Bowie. “Đã khóa vào mục tiêu và đang theo dõi, thưa Đại Tá. Xin phép cho khai hỏa.”
Đại tá mỉm cười. “Anh hoàn toàn chắc chắn là chúng ta đang theo dõi đúng vệ tinh, phải không? Bởi vì, nếu tôi hạ lệnh mà chúng ta cắt ngang chương trình truyền hình thiếu nhi Disney Channel, tôi sẽ vĩnh viễn không dám ló mặt ở câu lạc bộ sĩ quan nữa đâu. Còn chưa nói đến các siêu thị quân đội nữa.”
Viên TAO đáp lại với một cái nhún vai đầy kịch tính. “Tôi không dám nói là hoàn toàn chắc chắn là chúng ta đang theo dõi đúng vệ tinh. Nhưng mà gần như hoàn toàn. Như thế đã đủ chứ?”
“Cũng đành vậy thôi.” Bowie nói. “Tốt lắm. Anh được lệnh khai hỏa.”
Viên TAO cười toét miệng và nói vào ống nghe. “Kiểm Soát Vũ Khí, TAO đây. Xử lý Không Không Một bằng tên lửa đi.”
“TAO, đây là Kiểm Soát Vũ Khí. Xử lý Không Không Một bằng tên lửa, aye.”
***
Một cái nắp bằng thép mở tung trên sàn tên lửa ở phía sau của chiếc khu trục hạm, để lộ ra lớp màn chống mưa nắng có thể bay xuyên qua, dùng để che bên trên ống phóng tên lửa thẳng đứng. Chưa tới một phần ngàn giây sau, lớp màn ấy nát bấy khi một quả tên lửa SM-3 Block II gầm to, bay ra khỏi ống phóng và lao vào bầu trời mang theo một dãi lửa và khói.
***
Trong phòng hành quân CIC, viên sĩ quan Kiểm Soát Vũ Khí bấm nút nói trên dụng cụ nghe choàng đầu. “TAO, Kiểm Soát Vũ Khí đây. Chim đã rời ổ, không thấy trục trặc gì.”
Khi gã lên tiếng, tiếng gào rú của quả tên lửa đang tan đi rồi.
***
Tên lửa SM-3: phần động cơ đẩy phụ tầng một hoạt động 6 giây trước khi cạn nhiên liệu và được thả ra, để lộn nhào xuống biển. Kịp lúc động cơ phản lực của tầng thứ hai được kích hoạt, quả tên lửa đã vượt qua tầng đối lưu và đang lao lên qua cao độ 21.300 m, nơi mà bầu trời xanh trở nên đậm màu.
Phần đẩy tốc độ nhanh của tầng thứ hai kéo dài 7 giây, rồi quả tên lửa lướt đi gần nửa phút mà không dùng đến động cơ, vượt qua tầng tỉnh khí vào tầng giữa. Lúc này, bầu trời đã trở thành hoàn toàn đen tối và mặt phẳng của địa cầu đã biến thành mặt cong của một quả cầu.
Tạm thời không có sức đẩy của động cơ, quả tên lửa chỉ mất một chút tốc độ thôi, bởi vì quán tính, khối lượng bị giảm do tầng một đã được thả đi và lực cản của không khí giảm sút. Mặc dù tầng điện ly còn vươn lên đến độ cao khoảng 1.126 km, phần lớn không khí của địa cầu, hơn 99% số phân tử khí đã bị bỏ lại.
Tầng thứ hai lại kích hoạt trong 35 giây cho đến khi nhiên liệu đã bị tiêu hao hết, rồi cái vỏ của động cơ đẩy phụ tầng hai được thả đi. Đến lúc này, gần như 75% khối lượng của quả tên lửa đã bị sử dụng và vứt bỏ rồi.
Phần điều khiển của tên lửa định vị bằng GPS và thực hiện vài chỉnh sửa nhỏ cho lộ tuyến của tầng động cơ phản lực thứ ba. Tầng này cũng được thiết kế để kích hoạt hai lần: lần đầu dùng sức đẩy mạnh và lần sau dùng sức đẩy nhẹ hơn kèm với những điều chỉnh cuối cùng cho lộ trình.
Tầng ba không tự động tách rời ngay khi lần đẩy thứ nhì chấm dứt. Thay vì thế, máy điện toán trong tên lửa kích hoạt những động cơ phản lực nhỏ để điều chỉnh góc bay khiến cho mũi của tên lửa hướng xuống phía dưới, chếch khỏi đường bay. Một loạt khối chất nổ nhỏ xíu đồng thời được kích hoạt, cắt đứt cái vòng giữ đầu tên lửa hình nón vào thân tên lửa. Trong chốn không gian gần như chân không này, cái mũ chụp giúp tên lửa xuyên qua không khí dễ hơn đã không còn cần thiết nữa. Đầu tên lửa rơi vào không khí và sẽ cháy tiêu khi quay trở vào khí quyển.
Sau khi công tác sau cùng ấy đã được hoàn tất, các động cơ nhỏ của tầng ba lại được kích hoạt để hướng mũi của vũ khí về đúng góc độ cần thiết cho vụ đánh chặn. Mũ che hình nón đã được tách bỏ, bây giờ cái hình xuyến dài kỳ dị của chiếc Lightweight Exo-Atmospheric Projectile, LEAP (Đầu Đạn Ngoài Khí Quyển Hạng Nhẹ) hoàn toàn lộ ra.
Viên LEAP chỉ nặng 9 kg và không chứa chất nổ. Mà nó cũng không cần chất nổ. Viên đầu đạn động lực này đang di chuyển với tốc độ hơn 9.500 km/giờ. Cộng vào tốc độ quỹ đạo của chiếc vệ tinh mục tiêu, hai vật thể đang lao vào nhau với tốc độ là 36.700 km/giờ.
30 giây trước khi va chạm, viên LEAP tự động tách rời khỏi tầng ba của tên lửa. Cảm biến trong viên LEAP nhận định mục tiêu không chút khó khăn, xác nhận vị trí bằng GPS lần cuối và dùng một loạt điều chỉnh nhỏ bằng các động cơ phản lực của nó để tăng thêm phần chính xác cho góc độ tiếp cận mục tiêu.
***
Vệ tinh Haiyang HY-3 của Trung quốc được cường hóa chống va chạm. Nó được thiết kế để có thể chịu đựng va chạm bởi những vẫn thạch siêu nhỏ và phế liệu nhân tạo. Tuy nhiên, nó không được thiết kế để có thể sống sót qua 43.5 triệu kg lực do một vật thể có khối lượng 9 kg có tốc độ tổng hợp hơn 36.000 km/giờ đem lại.
Chính xác là 297,352 giây sau khi được phóng, viên LEAP phá tan Redbird Một bằng 130 megajoule năng lượng nhiệt động học. Nếu có ai quan sát, mắt của y sẽ bị chớp sáng lóa mắt do sự va chạm ấy làm mù ngay lập tức và không bao giờ phục hồi được.
Tuy nhiên mọi nhân chứng đều ở 200 km bên dưới, chỉ quan sát phát va chạm qua màn hình ra-đa thôi. Các hệ thống cảm biến và màn hình chỉ ghi nhận sự kiện vệ tinh bị phá hủy, nhưng không thể nào diễn đạt được cái lực lượng khủng bố vừa bộc phát ra theo mệnh lệnh của họ.
Trên chiếc USS Towers:
“TAO, đây là Không Gian. Chúng tôi xác định Không Không Một đã bị đánh chặn. Chúng tôi dò thấy một cụm phế liệu đang lan rộng từ địa điểm va chạm.”
Viên sĩ quan Hệ Thống Tác Chiến quay sang viên đại tá. “Tôi nghĩ rằng cái này có thể xem như một vụ bắn hạ thành công đó, hạm trưởng.”
Bowie gật đầu và nhìn quanh phòng hành quân CIC cho đến khi nhìn thấy thượng sĩ Kenfield. Gã Chuyên viên tác chiến đồ sộ này đang chúi đầu vào một bản vẻ lộ trình điện tử. Đại tá Bowie chờ khi gã chú ý đến mình và gật đầu. “Này Ruộng Đồng Thênh Thang… Cho chúng ta nghe một bài đi.”
Gã thủy thủ gật đầu. “Aye-aye, hạm trưởng!” Gã tằng hắng và hít một hơi thật sâu.
Lúc này, Trung tá Silva đã quen thuộc với tiết mục của gã chuyên viên tác chiến cấp 2 này rồi, nên biết gã sắp làm gì. Nàng nén phản ứng bịt tai.
Nếu có thể, tiếng gào của Ruộng Đồng Thênh Thang còn to hơn lần trước nữa. Nó dường như làm cho cả không khí cũng chấn động và cũng như lần trước, nó lập tức được hưởng ứng bởi tiếng gầm rú của mọi người nam và nữ trong phòng hành quân CIC. Bowie mỉm cười hài lòng và tán thưởng.
Khi tiếng gào dần tan đi, trung tá Silva nghiêng người qua Bowie. “Trước khi liên hoan quá mức, chúng ta nên kiểm tra xem đài truyền hình Disney Channel vẫn còn phát tuyến hay không. Nếu chúng ta vừa hạ lầm vệ tinh nào khác, cả đám chúng ta nên đổi tên họ và chuyển nhà đi thành phố khác đó!”