Với những ai theo dõi và hòa theo nhịp sống của ca khúc Việt Nam những năm gần đây, sẽ nhận ra một gương mặt khác, một khía cạnh khác, đầy khởi sắc, tươi mới, nếu không muốn nói là có sự kế thừa, tiếp nối và đạt được những bước tiến đáng ghi nhận so với dòng ca khúc chính thống các thời kỳ trước, trên nhiều phương diện. Điều ấn tượng nhất, đó là, thế hệ nghệ sĩ 8X, 9X, 10X này có trình độ chuyên môn chính quy, bài bản, rất tài năng và đa năng. Hầu hết trong số họ, không chỉ đảm nhiệm một khâu trong quy trình cho ra một tác phẩm âm nhạc mà thường kiêm nhiệm nhiều vai trò, vị trí khác nhau và đều rất thành công.
Trước hết, nhìn về phương diện đội ngũ (sáng tác, biểu diễn, hòa âm, phối khí, sản xuất chương trình và băng đĩa, tổ chức sự kiện…), chúng ta sẽ có ngay nhận xét, đó là một lớp người làm âm nhạc đông đảo, có trình độ chuyên môn cao và đồng đều, có tài năng thực sự và vô cùng mạnh dạn, táo bạo trong cách tân, sáng tạo. Họ biết kế thừa thành tựu của các lớp đàn anh đi trước, nhất là của các thế hệ 6X, 7X gần nhất, để có những sáng tạo, bứt phá trên con đường hoạt động âm nhạc của mình. Hầu như họ, ít xuất hiện một cách tự phát đầy may rủi mà đa số đều trải qua, được khẳng định và lớn lên từ những cuộc sát hạch gay go qua những cuộc thi, những game show… có trữ lượng chuyên môn cao như: Sao Mai (tiền thân là Tiếng hát truyền hình); Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam); Giọng hát Việt; Bài hát Việt; Học viện ngôi sao; The Remix – Hòa âm ánh sáng; Khởi đầu ước mơ; Bài hát hay nhất (Sing my song); VTV Awards (Ấn tượng VTV – Đài truyền hình Việt Nam); HTV Awards (Giải thưởng truyền hình HTV)…, bên cạnh các cuộc thi và hoạt động chính thống do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều đơn vị hữu quan khác tổ chức như: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến (Báo Thể thao và Văn hóa); Làn sóng xanh (Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – sóng FM 99,9 MHz); Zing Music Awards (Zing MP3); We Choice Awards (Công ty Cổ phần VCCorp); Yan Vpop 20 Awards (kênh YAN TV); Gala Vietnam Top Hits (Yeah1 và V-App)…
Về sáng tác, có thể kể đến nhiều cái tên như: Phạm Thanh Hà; Châu Đăng Khoa; Phạm Toàn Thắng; Khắc Hưng; Khắc Việt; Đỗ Hiếu; Lê Cát Trọng Lý; Tiên Tiên; Vũ Cát Tường; Nguyễn Văn Chung; Phạm Hồng Phước; Nguyễn Hoàng Tôn; Mr. Siro; Tiên Cookie; Phan Mạnh Quỳnh; Bùi Công Nam… Chưa kể rất nhiều người vừa sáng tác, vừa biểu diễn, vừa làm nhà sản xuất khác sẽ nêu ở sau.
Về biểu diễn là một đội ngũ ca sĩ và rapper khá đông đảo. Sau những cái tên hot một thời như Hồ Quỳnh Hương; Hồ Ngọc Hà; Mỹ Tâm; Nguyễn Ngọc Anh; Hà Anh Tuấn; Tân Nhàn; Phương Linh; Tùng Dương; Ngọc Khuê; Kasim Hoàng Vũ; Nguyễn Hoàng Hải; Phạm Anh Khoa; Đinh Mạnh Ninh; Đoàn Thùy Trang; Văn Mai Hương; Noo Phước Thịnh; Uyên Linh; Trung Quân Ido; Nguyễn Trần Trung Quân… là Hương Tràm; Bảo Anh; Đinh Hương; Trúc Nhân; Trọng Hiếu; Bùi Lan Hương; Phạm Quỳnh Anh; Miu Lê; Min; Hari Won; Hòa Minzy; Anh Tú; Lyly; Sơn Tùng M – TP; Lương Hải Yến; Đông Nhi; Bùi Anh Tuấn; Đức Phúc; Bảo Thy; Ali Hoàng Dương; Hoàng Yến Chipi: Hoàng Thùy Linh; Thúy Ngân; Jack; Khởi My; Isaac 365; Soobin Hoàng Sơn; Bích Phương; Erik; Hiền Hồ; Amee; Đen Vâu…
Về lĩnh vực sản xuất âm nhạc (producer), tiếp theo các tên tuổi hàng đầu của Việt Nam đương đại như: Quốc Trung; Đức Trí; Huy Tuấn; Nguyễn Hải Phong; Dương Khắc Linh; Hồ Hoài Anh… là một loạt tên tuổi trẻ hơn, được đào tạo bài bản và hầu hết đều là những người kiêm luôn cả mấy chức năng: sáng tác; ca sĩ; hòa âm, phối khí; nhà sản xuất như: Dương Cầm; Nguyễn Đức Cường; Hứa Kim Tuyền; Only C; Masew; Hoàng Touliver, Slim V; Phúc Bồ; JustaTee… Ngoài ra còn có những người đã được nhắc tên ở trên như: Khắc Hưng; Phạm Thanh Hà; Đỗ Hiếu; Lê Cát Trọng Lý; Vũ Cát Tường; Đinh Mạnh Ninh; Tiên Tiên; Tiên Cooki; Soobin Hoàng Sơn; Bùi Lan Hương…
Có thể khẳng định, đây là một thế hệ mới, rất giàu tài năng và tiềm năng của nền âm nhạc nói chung và ca khúc Việt Nam nói riêng trong hiện tại và tương lai. Nhận định này là có cơ sở, khi đi vào tìm hiểu ít nhiều về sự cống hiến và thành tựu của họ trong những năm qua.
Trước hết xin nêu mấy ví dụ về đội ngũ sáng tác mà người viết chọn từ cảm xúc và hứng khởi mà mình có được nhiều nhất, khi nghe các ca khúc của họ.
Người đầu tiên là Phạm Thanh Hà (1988). Anh là một nhạc sĩ có thiên hướng đi theo dòng nhạc dân gian nhưng kết hợp hài hòa với phong cách hiện đại (rap) mà ca khúc nổi tiếng mang âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc: Tình yêu màu nắng là một dẫn chứng tiêu biểu. Ca khúc không chỉ góp phần làm nên tên tuổi ca sĩ Đoàn Thùy Trang mà còn chứng minh một luận điểm: ca khúc mang âm hưởng dân gian vẫn tồn tại mạnh mẽ, lâu bền trong thế giới hiện đại, nếu nó là một ca khúc hay, phù hợp, hoàn hảo. Một trong những ca khúc nổi tiếng khác của Phạm Thanh Hà không thể không nhắc ờ đây, đó là Rằng em mãi ở bên được thể hiện qua giọng hát Bích Phương. Cũng thấm đẫm âm điệu âm nhạc dân gian miền núi phía Bắc, bản hit này đã lan tỏa rất mạnh mẽ và sâu rộng trong giới trẻ yêu nhạc không kém gì Tình yêu màu nắng.
Người tiếp theo là Phan Mạnh Quỳnh (1990) – được mệnh danh là người làm nhạc là triệu view (…) “ông hoàng” của nhạc phim điện ảnh Việt những năm gần đây. Anh không chỉ là người sáng tác mà còn là một ca sĩ thường biểu diễn các ca khúc của mình với giọng hát ấm áp, trẻ trung. Công chúng nhớ đến anh nhất có lẽ từ ca khúc Ngày chưa giông bão (một trong 3 ca khúc chủ đề trong phim Người bất tử) qua giọng hát của Bùi Lan Hương. Bài hát tạo cảm giác ma mị, huyền ảo, phù hợp với nội dung phim, nhưng lại gây ấn tượng mạnh đối với người nghe nói chung, nhờ cách xử lý giai điệu và kết cấu nhuần nhuyễn, sáng tạo, mới mẻ. Gần nhất, ca khúc Có chàng trai viết lên cây (2019) của Phan Mạnh Quỳnh (cũng là một ca khúc trong phim – Mắt biếc) đã gây bão trên Vpop và trên nhiều môi trường âm nhạc khác.
Một so sánh tuy có vẻ hơi khập khiểng, nhưng không phải không có lý rằng: Cùng với Tình yêu màu nắng của Phạm Thanh Hà, ca khúc Ngày chưa giông bão của Phan Mạnh Quỳnh khiến người nghe liên tưởng đến giai điệu của các ca khúc say lòng, lung linh khơi gợi và bất tử trong nền âm nhạc đương đại Việt Nam như Bài ca hy vọng của Văn Ký hay Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ…
Người thứ ba là Bùi Công Nam (1994). Đây cũng là một người vừa sáng tác vừa trình bày các ca khúc của mình rất thành công, kể từ Chí Phèo tham gia chương trình Bài hát hay nhất (Sing my song) mùa đầu tiên (2017). Nhưng người ta nhắc đến Bùi Công Nam nhiều nhất là từ ca khúc hit: Có ai thương em như anh qua giọng hát Tóc Tiên. Trong chương trình ca nhạc truyền hình thực tế đầu năm 2021 mang tên Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, do HTV thực hiện, Bùi Công Nam xuất hiện với tư cách là khách mời bằng ca khúc Ôi trời ơi mà anh vừa sáng tác và biểu diễn rất ấn tượng. Nhìn chung âm nhạc của Bùi Công Nam man mác một chút trào phúng, u – mua nhưng rất trữ tình, dù đó là đề tài tình yêu lãng mạn hay những vấn đề xã hội nóng bỏng…
Tiếp đến, xin nêu mấy vì dụ về các ca sĩ tiêu biểu mà cách chọn của tác giả bài viết này cũng theo phương thức nêu trên: đó là người gợi cho mình nhiều cảm hứng đồng sáng tạo và ấn tượng bền chặt, sâu đậm nhất. Đương nhiên nó có thể hoàn toàn khác với cách chọn của nhiều người.
Có ai yêu các ca khúc thời 8x 9x như mình không?