Hồng Gia Quyền còn được gọi là Thiếu Lâm Hồng gia quyền, hay Hồng quyền, Thiếu Lâm Hồng Quyền là một hệ phái Nam quyền có lịch sử hơn 300 năm của Trung Quốc. Hồng Gia Quyền chủ yếu thịnh hành ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), là một trong ngũ đại danh quyền của Quảng Đông là Hồng, Thái, Lý, Mạc,Lưu.
Nguyên gốc từ Quảng Đông, Hồng Gia Quyền dần lưu truyền sang các tỉnh lân cận của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây, Thiểm Tây, HongKong, Ma Cao. Sau đó Hồng Gia Quyền được truyền ra hải ngoại như Mỹ,Canada, Đông Nam Á. Có nhiều thuyết khác nhau về lai lịch của Hồng Gia Quyền, cụ thể nổi lên có một số thuyết như sau:
Thuyết thứ nhất cho rằng: người sáng lập môn phái là Hồng Hy Quan (HongXiGuan)- một đệ tử tục gia của Chí Thiện (Zhi Shan) thiền sư trụ trì tại chùa Nam Thiếu Lâm ở tỉnh Phúc Kiến vào đầu thời kỳ vua Càn Long nhà Thanh. Sau khi chùa Thiếu Lâm Nam Phái Phúc Kiến (không phải là chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam) theo truyền thuyết bị quan quân nhà Thanh đốt phá, Hồng Hy Quan đã rời chùa Nam Thiếu Lâm trở về thành phố Phật Sơn quê hương ông thuộc tỉnh Quảng Đông và mở võ quán truyền bá Thiếu Lâm Quyền. Nhưng để giấu tung tích ông đã gọi môn võ này là Hồng Quyền (HongQuan) hay Hồng Gia Quyền (HongJiaQuan). Lục A Thái (LiuATai) là truyền nhân của Chí Thiện Thiền Sư và sau này cũng được Chí Thiện Thiền Sư gửi đến Hồng Hy Quan để thụ huấn thêm Thiếu Lâm Quyền Lục A Thái truyền lại cho Hoàng Thái (HuangTai), Hoàng Thái truyền lại cho con trai là Hoàng Kỳ Anh (HuangQiYing), Hoàng Kỳ Anh truyền lại cho con trai là Hoàng Phi Hồng (HuangFeiHong - 1840-1933), Hoàng Phi Hồng truyền lại cho Lâm Thế Vinh (LinShiRong - 1850-1943), Lâm Thế Vinh truyền lại cho cháu nội là Lâm Tổ (LinZu - 1910-?) hiện nay đang sống ở Hồng Kông được 97 tuổi (2007), tất cả các môn đồ Hồng Quyền Hồng Hy Quan ở Quảng Đông và Hoa Kỳ hiện nay đều là học trò của Lâm Thế Vinh và Lâm Tổ.
Thuyết thứ hai thì cho rằng Hồng Quyền do Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn nằm mơ gặp Tiên Ông dạy cho 36 động tác căn bản Hồng quyền rồi theo đó sáng tạo Thái tổ trường quyền. Sở dĩ gọi là Thái tổ trường quyền là để ghi nhớ đến đức Tống Thái Tổ.Thuyết này cho đến nay vẫn chưa có tài liệu khảo chứng cụ thể.
Thuyết thứ ba cho rằng vào thời Thanh, nhân dân bí mật lập xã Hồng Môn, giả mượn Thiếu Lâm truyền võ để gây dựng phong trào phản Thanh phục Minh và lấy tên là Hồng trong chữ Hồng Môn chỉ nguyên hiệu Minh thái tổ Chu Nguyên Chương để đặt tên cho loại quyền thuật này.
Hoàng Phi Hồng được biết đến như là một anh hùng dân tộc, một kỳ nhân võ thuật, một bác sỹ đông y bậc thầy trong lịch sử cận hiện đại Trung hoa,là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim điện ành và truyền hình. Hình tượng Hoàng Phi Hồng chiếm kỷ lục về thể tài phim võ thuật, đã được tái hiện qua hơn 100 bộ phim võ thuật, do các diễn viên nổi tiếng như Quan Đức Hưng, Triệu Văn Trác, Thành Long, Lý Liên Kiệt... thủ diễn. Tên của ông được đưa vào từ điển danh nhân võ thuật Trung Quốc.
Hoàng Phi Hồng tên thật là Hoàng Tích Tường sinh năm 1847 ở làng Lộc Đan, núi Tây Triều, thuộc phủ Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Cha của ông là Hoàng Kỳ Anh- một trong Quảng Đông Thập hổ - từng theo học Thiếu Lâm Phúc Kiến (Nam Thiếu Lâm) với thiền sư Lục A Thái,bạn đồng môn của Hồng Hy Quan,người được xem là sáng lập Hồng Gia Quyền.
Phi Hồng từ lúc lên 5 tuổi đã được thân phụ truyền thụ Hồng quyền và nghề thuốc,đến năm 13 tuổi, đã theo cha rong ruổi các nơi múa võ bán thuốc. Ông có cơ duyên được các cao thủ truyền dạy như quyền sư Lâm Phúc Thành - cao đồ của Thiết Kiều Tam Lương Khôn - dạy cho tuyệt kỹ Phi đà, Thiết tuyến quyền; đại sư Tống Phúc Đường truyền cho Vô ảnh cước...
Phi Hồng vốn có căn cơ võ thuật, võ công tiến bộ rất nhanh, 14 tuổi đã được tôn xưng là “Thiếu niên anh hùng”. Hai cha con họ Hoàng lập võ quán ở Lạc Thiện sơn phòng, Quảng Châu, môn sinh rất đông. Sau khi Hoàng Kỳ Anh qua đời, Hoàng Phi Hồng mới 16 tuổi đã nối nghiệp cha dạy võ.
Tuyệt kỹ của Hoàng Phi Hồng gồm có Song phi đà, Vô ảnh cước, Hổ hạc song hình quyền, Tử mẫu đao, La Hán bào, Thiết tuyến quyền, Đơn song hổ trào, Công tự Phục hổ quyền, La Hán Kim tiền phi tiêu, Tứ tượng tiêu long côn. Ông có công rất lớn trong việc cải cách hệ thống quyền pháp Thiếu Lâm Nam phái, bỏ được các điểm yếu như động tác lặp lại nhiều, chậm chạp, nặng nề, thêm nhiều đòn chân, thay đổi cái tệ “quyền Nam cước Bắc”.
Hổ hạc song hình quyền qua Hoàng Phi Hồng cải tiến trở nên độc đáo, mới lạ. Hổ hình chuyên luyện khí và lực, động tác dũng mãnh, khí thế uy phong. Hạc hình chuyên luyện tinh và thần, thân thủ mau lẹ, động tác biến hóa, được mệnh danh là “tĩnh như gái trinh, động như thỏ phóng”. Bài quyền này sau khi được Hoàng Phi Hồng chỉnh lý đã theo chân các môn sinh lưu truyền rất rộng rãi từ Quảng Đông ra khắp Trung Quốc, sang các nước Đông Nam Á, đến tận Bắc Mỹ. Hoàng Phi Hồng cũng nổi tiếng về múa lân-sư-rồng, được mệnh danh là “Quảng Châu sư vương”.
Năm 1886, Hoàng Phi Hồng mở võ quán, y quán “Bảo Chi Lâm” ở Nhân An, Quảng Châu, vừa chữa bệnh cho dân nghèo, vừa dạy võ nghệ. Phi Hồng y thuật tinh thông, đặc biệt giỏi về chữa chấn thương, trật đả, danh tiếng lan đi khắp nơi. Thủ lĩnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc từng đến chữa bệnh ở Bảo Chi Lâm, kết giao với Hoàng Phi Hồng, tự tay viết tặng ông tấm biển “Kỹ nghệ giai tinh” - nghề võ và nghề thuốc đều tinh thông.
Võ quán ông chuyên truyền thụ võ nghệ cho “Dân đoàn” - chủ yếu là tầng lớp công nhân làm trong các hãng đồng, sắt, cá, rau quả... nhằm mục đích chấn hưng tinh thần dân tộc, truyền bá quốc túy Trung Hoa để thoát khỏi nỗi nhục “Đông Á bệnh phu”. Nhiều cao thủ các nước đến tỉ võ đều bị Hoàng sư phụ hạ gục.
Năm 1885, tướng quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc tấn công quân pháp ở Việt Nam . Năm sau danh tướng họ Lưu được điều động về Phúc Kiến làm tổng binh. Hoàng Phi Hồng được Lưu Vĩnh Phúc chọn làm trưởng ban huấn luyện. Năm 1895 chiến tranh Trung Nhật nổ ra, Hoàng Phi Hồng theo Lưu Vĩnh Phúc đến Đài Loan.Quân thanh đại bại, triều đình cắt Đài Loan cho Nhật, quân dân Đài Loan khởi nghĩa và phong Hoàng Phi Hồng lên làm "Điện Tiền Tướng Quân" thống lãnh. Sau này Cách mạng Tân Hợi (1911) bùng nổ, Lưu Vĩnh Phúc mời Hoàng Phi Hồng làm giáo luyện dân đoàn tỉnh Quảng Đông.
Hoàng Phi Hồng từng đặt chân đến Hòng Kong, gặp lại môn đồ Lục Chính Cương và được mời đến võ đường của Lục Chính Cương tham quan. Thời gian ở đây do bất bình trước cảnh một người cô thế bị uy hiếp, Hoàng Phi Hồng ra tay can ngăn và đánh bại một đám đông có vũ khí bao vây.Bị triều đình truy nã, Hoàng Phi Hồng phải chạy trốn. Về sau Lục Chính Cương tìm đến nơi trú ẩn của Hoàng Phi Hồng, kể lại chuyện người phương Tây đem chó berger đến khiêu chiến và nhiều nhà sư bị chó tấn công, Hoàng Phi Hồng đùng đùng nổi giận lập tức đến hương giang đập gãy xương sống con chó hung thần ấy. Ngày hôm sau báo chí Hong Kong chạy tittle đỏ về tin này và gọi đó là "Chí khí người Trung Quốc".Trở về Quảng Đông, Hoàng Phi Hồng mở thêm một nhà thuốc nữa ở Phật Sơn, trở thành một trong bốn vị thầy thuốc lớn nhất Quảng Đông bấy giờ.
Về gia đình, ông có 4 đời vợ, đều là người trước qua đời mới lấy người sau. Vợ chính là La thị,cũng là một võ sư cưới được 3 tháng thì mất. Vợ kế là Mã thị, sinh được 2 con trai là Hoàng Hán Lâm và Hoàng Hán Sâm thì bệnh mất. Vợ thứ ba là Sầm thị, sinh được một trai là Hoàng Hán Khu rồi cũng qua đời. Vì “mệnh khắc thê” nên khi Hoàng Phi Hồng cưới người thứ tư là Mạc Quế Lan thì chỉ gọi là “thiếp” chứ không gọi là “thê”. Mạc Quế Lan vốn dòng võ Mạc gia, từ nhỏ đã luyện Mạc gia quyền, sau theo Hoàng Phi Hồng luyện võ rồi kết nghĩa vợ chồng. Lúc ấy Mạc Quế Lan mới 19 tuổi, còn Hoàng Phi Hồng đã 64.Riêng chuyện gặp người vợ thứ tư đã là một giai thoại thú vị: năm đó Quế Lan 19 tuổi, một lần đi xem vía Phật có Hoàng Phi Hồng trình diễn võ thuật, không biết trời xui đất khiến thế nào mà khi múa bài chĩa ba vũ gia, lại văng chiếc giày vào mặt Quế Lan. Cho là xúc phạm, Quế Lan liền leo lên khán đài tát vào mặt Hoàng Phi Hồng một cái, nói: "một võ sư nổi tiếng như ông không thể phạm sai lầm như thế, đây là chiếc giày nếu là vũ khí thì sao". Kính phục, Hoàng Phi Hồng xin cưới nàng làm vợ.
Trong các con của Hoàng Phi Hồng, Hoàng Hán Sâm (Phì Nhị Tử) được cha truyền thụ võ công nhiều nhất, sau đi làm vệ sĩ cho một khu thương mại. Có một vệ sĩ đồng nghiệp tên là Quỷ Nhãn Lương thách đấu với Hán Sâm, chỉ qua 2 chiêu đã bị hạ, ôm hận trong lòng. Tết Trung thu năm ấy, Quỷ Nhãn Lương phục rượu Hán Sâm đến say mèm rồi dùng súng bắn chết. Phi Hồng biết chuyện, đau đớn vô cùng, thề rằng không bao giờ dạy võ cho con nữa.
Tháng 8-1924, tổng trưởng thương đoàn Quảng Châu là Trần Liêm Bá được đế quốc Anh hỗ trợ, thừa lúc Tôn Trung Sơn bắc phạt, đã phát động bạo loạn võ trang ở Quảng Châu, cả dải Quan Tây chìm trong khói lửa. Bảo Chi Lâm mà Hoàng Phi Hồng khổ tâm cả đời gầy dựng bỗng chốc trở thành đống tro tàn. Hoàng Phi Hồng suy sụp nặng, uất ức thành bệnh, mùa đông năm ấy qua đời, thọ 77 tuổi. Lúc ấy trong nhà tiêu điều, không còn tiền bạc, may có nữ đệ tử là Đặng Tú Quỳnh đứng ra lo liệu hậu sự cho thầy, an táng Hoàng sư phụ bên chân núi Bạch Vân. Hoàng phu nhân Mạc Quế Lan được các đệ tử Lâm Thế Vinh, Đặng Tú Quỳnh giúp đỡ, cùng hai con di cư sang Hồng Kông, tiếp tục mở võ đường, truyền thụ võ công của Hoàng Phi Hồng. Mạc Quế Lan qua đời năm 1983 tại Hồng Kông, thọ gần trăm tuổi.
Đã có 2 Thành viên nói CÁM ƠN đến bài viết rất có ích của Lệ Vô Tình