Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 07-12-2009, 11:55 AM
huynq121 huynq121 is offline
Nhập Môn Tu Luyện
 
Tham gia: Mar 2008
Bài gởi: 65
Thời gian online: 2 giờ 18 phút 59 giây
Xu: 0
Thanks: 7
Thanked 24 Times in 7 Posts
Arrow Võ công Việt Nam

Võ công Việt Nam


Có lẽ trên thế giới, không có quốc gia nào có nhiều môn phái võ thuật như ở Việt nam. Cho đến tận bây giờ, dù cố gắng hết mức, Liên đoàn Võ thuật Việt Nam cũng chưa thể tập họp và thống kê hết các môn phái võ xuất xứ trong nước. Hàng trăm môn phái trãi dài từ Bắc đến Nam cho thấy tâm hồn Việt có tinh thần thượng võ cao ngút. Có võ phái lấy chân lý “tuyệt kỹ bế môn”, âm thầm khiêm tốn nơi thâm sơn cùng cốc nên thất truyền. Có võ phái mang màu sắc tâm linh huyền bí, không truyền thụ rộng rãi dẫn đến “bế truyền”, nhưng cũng có võ phái “trời ơi đất hỡi” không biết xuất xứ từ đâu, tự đến rồi đi, mất dạng giữa biển đời. Lại có võ phái xuất xứ từ … một ngày đẹp trời nào đó, có anh chàng mê kiếm hiệp bỗng xuất thần sáng tác vài đường quyền rồi vỗ ngực xưng tên “đại môn phái”.


RỪNG VÕ

Một danh sư làng võ cổ truyền Việt Nam cho rằng, đất nước ta có 5 hệ phái chính gồm: Bắc Hà, Bình Định, Nam Bộ, Trung Hoa và các hệ phái võ Việt đang phát triển ở nước ngoài. Nhiều bậc danh sư không đồng tình. Vì võ Việt ở nước ngoài bắt nguồn từ Việt Nam, hà tất phải xếp thành một hệ phái. Một danh sư nỗi tiếng với ngón “liên hoàn cước” thì chia võ Việt thành 4 hệ phái:

- Xuất xứ tại Việt Nam, có ông tổ là người người Việt Nam.

- Xuất xứ tại Việt Nam nhưng ông tổ là người nước ngoài lưu lạc đến Việt Nam.

- Xuất xứ tại Việt Nam, ông tổ là người Việt Nam nhưng có pha trộn chiêu thức từ võ nước ngoài.

- Xuất xứ tại Việt Nam nhưng ông tổ là… nhà văn Kim Dung!

Trong phạm vi bài này không bàn đến các hệ phái võ xuất xứ từ nước ngoài.

Ba hệ phái trên đều được xã hội trải nghiệm nhiều năm. Những hệ phái này có võ đạo, võ thuyết, võ pháp và được người đời tôn vinh, truyền tụng. Riêng hệ phái thứ tư mới làm những nhà nghiên cứu đau đầu. Hệ phái này sinh sau đẻ muộn nhưng luôn đòi hỏi các nhà nghiên cứu “phải đưa em vào danh phái xứ Nam”. Đó cũng là một phần lý do mấy chục năm nay, võ cổ truyền Việt Nam chưa có tiếng nói chung, chưa định hình được “võ Việt Nam là võ gì?”.

Hầu hết các danh sư đều ngại đụng chạm nên không thể nêu tên đích danh. Tất cả họ đều nhất trí với nhau rằng, đã gọi là võ học phải hội đủ 3 yếu tố chính: Võ đạo, võ thuyết và võ pháp. Nếu thiếu một trong 3 yếu tố ấy thì không thể gọi là võ thuật mà chỉ đáng gọi là võ biền. Một hệ phái võ chỉ biết đánh đấm mà không hiểu đánh vào cái gì, tại sao đánh như vậy thì chỉ đáng gọi là đánh cuội.
Ngay như võ vật Liễu Đôi xuất xứ từ Hà Nam cũng có 3 yếu tố chính. Đạo: Rèn luyện thân thể. Thuyết: Mượn sức người vật người. Pháp: Lừa miếng.

Võ Nhất Nam ở Thanh Hoá và Nghệ An xuất thân từ cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông cũng có tiêu chí rõ rệt về võ thuật.

Võ Bình Định xuất xứ từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đến nay đã truyền được hơn 20 đời truyền nhân vẫn giữ nguyên giá trị võ học.

Riêng võ thuật Nam Bộ rất đa dạng phong phú với nhiều hệ phái do sự pha trộn văn hoá giữa các quốc gia. Văn hoá Việt và Chămpa từ miền Trung di cư vào. Văn hoá Miên (Campuchia) và Xiêm (Thái Lan) từ hướng Tây qua. Văn hoá Trung Hoa từ cực Nam do Mạc Cửu đi lên. Võ thuật cũng ảnh hưởng sự pha trộn văn hoá ấy tạo thành rừng võ xuất xứ từ miền Nam với những hệ phái vang danh: Tân Khánh Bà Trà; Gò công, Thất Sơn võ đạo; Sơn Trà kha; Pali thần quyền…

Những hệ phái có xuất xứ từ miền Tây, hầu hết điều có liên quan đến các cuộc khởi nghĩa yêu nước như Trương Định (Gò Công), Trần Văn Thành (Thất Sơn võ đạo)…

Miền Nam xưa có các danh sư được xã hội công nhận và tôn vinh: “Tam nhật, tam nguyệt, tứ tú”. Tam nhật gồm: Hàn Bái, Bá Cát, Bảy Mùa. Tam nguyệt gồm: Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai. Tứ tú gồm: Hồ Lành, Trần Sil, Xuân Bình và Lý Huỳnh.
Nhiều phái võ Việt không chỉ rạng danh ở quê nhà mà còn được các Trưởng chi quảngbá, truyền thụ ở nước ngoài tạo thành tên tuổi.
Việt Võ Đạo, còn gọi là Vo Vi Nam do danh sư Nguyễn Công Tốt sáng lập dựa trên những tinh hoa các phái võ nước ngoài. Võ phái này sử dụng các chiêu thức hay của nước ngoài biến thành những chiêu thức phù hợp với thể chất người Việt. Hiện nay, các môn đệ của ông đã thu hút hàng ngàn võ sinh trên 10 quốc gia trên thế giới (*). Nhiều phái võ Việt khác như Cửu Long, Nam Hổ Quyền, Song Klong Khiên, Tây Sơn, Nam Hải phát triễn mạnh ở các nước phương Tây, thu hút gần 20.000 võ sinh, tạo nên một phong trào võ Việt sôi nổi. Tinh thần thượng võ của người Việt đã được các chưởng môn, trưởng chi chứng minh ở nước ngoài rất phong phú. Nhiều danh sư được các quốc gia trao cờ, khen tặng...

VÕ THUẬT MIỀN TÂY NAM BỘ XƯA

Từ thuở mở đất tiền về phương Nam, do chống chọi với thiên nhiên, thú dữ và cướp phỉ, người Việt nơi đây đã sáng lập nhiều môn phái võ mang tính chiến đấu cao như Tân Khánh Bà Trà, Gò Công, Thất Sơn võ đạo….

Do ảnh hưởng phong trào kháng Pháp, nhiều chí sỹ khóc hận nước mất nhà tan đã lánh vào rừng sâu núi thẳm rèn binh chờ cơ hội cứu nước nên khắp miền Nam thuở trước, vùng nào cũng có một hệ phái ra đời. Ở vùng Thất Sơn - Nơi chưởng cơ Trần Văn Thành tụ nghĩa kháng chiến đã có hàng chục hệ phái xuất hiện.

Một số Chưởng môn truyền nhân của các hệ phái đều nhắc đến ông tổ Cử Đa - Một nhà sư tay không đã hổ ở núi Thiên Cấm Sơn. Cũng có thể đó là ông tổ chung nhiều môn phái võ có xuất xứ ở vùng thất sơn.

Tương truyền, ông Cử Đa là một trong số chỉ huy của Chưởng cơ Thành. Khi nghĩa quân bị thực dân Pháp đàn áp, các vị chỉ huy nghĩa quân phân tán lực lượngvao các cánh rừng già để bào toàn lực lượng và chờ đợi người liên lạc của Chưởng cơ Thành. Họ không ngờ rằng chủ soái đã bị giặc bắt và tử hình. Với quân số ít ỏi, Cử Đa không thể làm được gì ngoài việc chiêu mộ thêm nghĩa quân và ngày đêm luyện tập võ nghệ. Do ảnh hưởng tín ngưỡng và điều kiện rèn quân nên hệ phái tổ sư Cử Đa có võ pháp nghiêng về các thế tấn công quyền pháp và binh khí. Về võ đạo, hệ phái tôn vinh tinh thần dân tộc, chống ngoại xâm và tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh sư phụ (chỉ huy) bằng lời thề độc khi nhập môn. Về võ thuyết, hệ phái này lấy niềm tin từ “cõi âm”, vì vậy, ngoài những bài tập rèn luyện về thể chất, võ sinh còn phải luyện bùa, phép, ngải, chú. Do sống trong vùng rừng thiên nước độc, không có giấy tờ ghi chép nên các võ sinh chỉ học bằng cách truyền khẩu. Sau này, các đệ tử (Nghĩa quân) của tổ sư Cử Đa tiếp tục đi khắp nơi chiêu mộ nghĩa quân, chiêu mộ đến đâu huấn luyện võ thuật đến đó. Vì lưu trữ kiến thức võ học bằng trí nhớ nên chuyện tam sao thất bồn là lẽ đương nhiên. Sau nhiều thế hệ nối tiếp, dần dà, Thất Sơn võ phái biến thành nhiều chi phái khác nhau. Có nhiều chi Thất Sơn nhưng hầu hết đều không nhận ra bài quyền nào của nhau. Thậm chí có chi phái hoàn toàn không luyện đòn thế mà chỉ chú tâm vào huyền thuật, gọi là chi phái “thần quyền”. Khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, nhiều người đã cố công sưu tầm, tập hợp các tinh hoa của tổ sư Cử Đa nhưng chưa thành công đã giài tán do chiến tranh.

Ở Gò Công có hệ phái Lâm Sơn phát nguôn từ lực lượng kháng chiến của Trương Định. Sau nhiều thế hệ truyền nhân, hệ phái này cũng phân mảnh thành nhiều chi phái khác nhau.

KỲ TÍCH VÀ HUYỀN THOẠI

Một danh sư Thất Sơn võ đạo đã mai danh tại Long Xuyên, cho biết: “Ngày xưa (đầu thế kỷ 20) tỷ thí võ đài không như bây giờ. Do nhiều hệ phái, chi phái xuất sơn hoà nhập với cộng đồng, ai cũng muốn phái của mình là đệ nhất võ lâm nên các võ sư thường tổ chức tỷ thí võ đài để tranh ngôi cao thấp. Vì vậy, nhiều cuộc thư hùng tranh tài cao thấp đã diễn ra”.

Thông thường, các võ sỹ không bao giờ dám tỷ thí võ đài nếu không có sự đồng ý của sư phụ.

Tỷ thí võ đài ngày xưa khác xa với đấu võ đài ngày nay như một số người lầm tưởng.

Ngày xưa, những cuộc tỷ thí võ đài thường do sư phụ, huynh trưởng của môn phái này với môn phái kia hoặc chi phái này với chi phái kia “thách thức” nhau. Họ chọn một bãi đất trống giăng dây hoặc vẽ vòng trên mặt đất. Trước mỗi trận thư hùng, hai bên đều lập bàn thờ tổ tại đài võ, khấn vái. Sau đó, sư phu hoặc huynh trưởng mỗi bên lập bản giao kèo, quy ước. Bên cạnh là hai chiếc quan tài để sẵn.

Trận thư hùng giữa võ phái thần quyền Thất Sơn ở cù lao Ông Chưởng và võ phái Trà Kha ở Bạc Liêu được võ sư Ba ở Cao Lãnh, Đồng Tháp kể lại: “Lúc đó, tôi 15 tuổi vừa nhập môn bái sư võ phái Thất Sơn vài ngày. Sư phụ tôi là Bảy Hớn. Nghe mấy huynh trưởng kể lại, mấy ngày trước, khi mọi người đang luyện võ thì một người gốc Miên xuất hiện xin gặp sư phụ. Người này tên No Sa Dăm là môn đệ của võ sư No Sa gốc Nam Vang đang mở võ đường ở Bạc Liêu. Họ nghe danh Thất Sơn Thần quyền đã lâu, nay muốn thí võ đài để học hỏi. Sư phụ tôi nhận lời. Bữa tỷ thí võ đài, bà con nghe tin chèo xuồng kéo đến coi cả ngàn người. Theo giao kèo giữa hai sư phụ thì, mỗi bên chọn ra 5 võ sỹ đấu thành 5 cặp. Võ sỹ bên nào văng ra khỏi vòng vẽ, xem như thua. Võ sỹ bên nào đo ván, lưng chạm đất, xem như thua. Võ sỹ bên nào đưa một cánh tay lên trời xem như xin thua. Đấu không nghỉ giải lao, đến khi có người thắng kẻ thua mới kết thúc trận. Bên nào có người bị thương, bị chết tự lo liệu thuốc men, chôn cất, không bên nào được thưa kiện ra Chánh quyền thuộc Pháp. Nếu bị pháp luật truy cứu, bên này phải làm tờ bãi nại cho bên kia. Hai bên đấu với nhau chỉ vì sỹ diện môn phái chứ không mua bán, tranh chấp gì cả. Sư phụ tôi lựa 5 đệ tử giỏi nhất ra đấu. Kết quả, phía Thất Sơn 1 người bị gãy tay, 1 người bể be sườn. Phía Trà Kha 2 người gãy chân, 1 người bất tỉnh. Thất Sơn Thần quyền có chiêu phá mã, còn phía gồng Trà Kha thì có chiêu khóa tay vật. Xem như hai bên bất phân thắng bại hẹn sẽ có dịp tái đấu. Sau đó cánh mạng tháng 8 bùng nổ, hai bên không có dịp gặp lại nhau. Sau này nghe nói No Sa Dăm đào tạo được rất nhiều thế hệ võ sỹ giỏi. Học trò của No Sa Dăm đào tạo được những võ sỹ nỗi tiếng sau năm 1975 như No Sa Long, No Sa Liên…”. Năm 1973, võ sư Ba có dịp gặp lại võ sư No Sa tại Sài Gòn. Lúc bấy giờ No Sa là huyến luyện viên trưởng đoàn võ thuật Caqmpuchia dẫn đoàn võ sỹ Campuchia sang đấu võ đài do Tổng hội võ thuật Sài Gòn tổ chức.

Sau này, vào khoảng thập niên 60 thế kỷ 20, những cuộc tỷ thí chết chóc không được tổ chức nữa mà chỉ tổ chức đấu vọ đài theo luật thể thao. Luật thể thao quy định hai võ sỹ đấu với nhau phải cùng hạng cân, mỗi trận chỉ có 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Võ sỹ bên nào cũng có săn sóc viên y tế đi theo và cuộc đấu luôn có hội đồng trọng tài chấm điểm.

Thời điểm này, phong trào võ thuật vùng miền Nam bộ như có làn gió mới, nơi nào cũng có võ đường tên tuổi như cồn: Sa Đéc có lò võ Sáu Cường; Lý Suol ở Châu Đốc; Bảy Biển ở Kiên Giang; Ba Hoằng ở Long Xuyên; Tiểu La Thành ở Vĩnh Long. Nhiều võ sư tạo được tiếng vang nhờ đào tạo được những võ sỹ vô địch trong các trận đấu võ đài. Đến tận ngày nay, những võ sư ấy vẫn còn được nhiều người nhắc như: Hai Diệp, Lê Bình Tây, Mười Nho, Nguyễn Mách, Cao Lý Nhơn, Út Dài, Phạm Thành Long, Lý Huỳnh Yến, Lâm Văn Có, Thiên Đường, Đoàn Tâm Ảnh, Tần Hớn, Vương Văn Quảng, Lâm Hổ Hội, Lê Hông Chương, Mười Cùi, Từ Thiện, Hồ Tường, TRần Xil, Lê Đại Hoan, Minh Sang… rất nhiều.

Họ thường tổ chức thi đấu tại Chợ Lớn (quận 5) mang tính giao hữu với các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Hồng Kong. Trong những cuộc đấu giao lưu ấy, nhiều võ sỹ Việt Nam đã tạo được sự thán phục của các võ sư, võ sỹ nước ngoài. Báo chí thể thao dạo ấy đã bình luận từng tuyệt chiêu của các võ sỹ. Võ sỹ Minh Sang (võ đường Minh Sang) nỗi tiếng gan lỳ và ngọn quyền vũ bão; Võ sỹ Minh Sơn (võ đường Denis Minh) có cú đấm như điện xẹt; Võ sỹ Xuân Quỳnh là “cây trụ đồng của võ đường Kim Kê”… Những trận thư hùng này đã khiến các đối thủ nước bạn nhớ những tên đòn thế: “Bàn sa cước” của võ sỹ Nguyễn bình; Cú húc chỏ “hồi mã thương” của Minh Sơn; “Liên tiền cước” của Trần Nho…

Các nữ võ sỹ Việt cũng tạo nên song gió như Hồ Ngọc Thọ (võ đường Từ Thiện) vô dịch hạng ruồi nhẹ; Lân Ngọc Vân (võ đường Lâm Sơn Hải) vô địch hạng ruồi; Võ sỹ Xuân Liễu (võ đường Biên Hòa) vô địch hạng ruồi.

Trong một trận thư hùng giữa võ sỹ Việt với các võ sỹ Hong Kong là môn đệ của Lý Tiểu Long Vịnh Xuân Quyền xảy ra năm 1973 khiến báo chí thể thao miền Nam lúc đó tốn khá nhiều công sức bình luận. Trong đợt thi đấu này võ sỹ Trần Mạnh Hiền Việt Nam đã thắng tuyệt đối bằng nốc ao võ sỹ Châu Đạt Vinh Hong Kong bằng một cú đá thần sầu ở hiệp ba khiến khán giả hâm mộ võ thuật sôi sục. Ngày nay, những võ sỹ thuở ấy đã trở thành đại võ sư.

Nhờ những trận đấu võ đài ấy, các võ đường Việt Nam nườm nượp môn sinh đến đăng ký học võ. Thời điểm đó, học phí mỗi tháng khoảng 700 đồng/học viên. Chỉ cần huấn luyện 100 võ sinh là sư phụ có thể yêm tâm về cơm áo gạo tiền để chuyên tâm nghiên cứu võ học. Thời điểm đó, chiếc xe Hon Da 67 còm măng chính hãng, giá khoảng 15.000 đồng/ chiếc.

Bỗng dưng thời hưng thịnh của võ học Việt xẹp lép. Nhiều võ sư chạy theo kế sinh nhai bỏ nghề. “Loạn võ sư” bắt đầu manh nha phát triễn. Nhiều môn phái không hiểu từ đâu xuất hiện như: Sát Tử Quyền, Bạch Long Sát Tử Quyền, Vô Biên Võ đạo, Nghịch Tất Tử Võ phái, Cao Đài quyền pháp. Thậm chí một cơ sở sản xuất thuốc sơn đông mãi võ cũng tự sáng tác ra môn phái “Y võ” rồi tự lu loa là võ Việt Nam cổ truyền…

Nhiều nước đã tôn vinh môn võ xuất sắc của họ như Indo có pencatxilat, Trung Hoa có Thiếu lâm, Thái Lan có Maya… Còn Việt Nam, môn phái nào là Việt Nam võ đạo cổ truyền chính hiệu? Điều đầu tiên, có lẽ nên cấm tiệt những kiểu tự sáng tác vài bài quyền múa rối rồi xưng danh Võ Cổ Truyền Việt Nam kẻo làm mất mặt những tổ sư Việt và hãy giữ lại những tinh hoa của võ học Việt có từ trăm năm trước.

Nông Huyền Sơn - Theo NXB CAND - Phóng sự Việt Nam



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của huynq121

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™