Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 16-10-2008, 08:18 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Quá trình chuẩn bị gìn giữ thi hài Chủ Tịch Hồ Chí Minh 40 năm trước

Cho đến nay, đã gần 4 thập niên trôi qua, nhưng việc chuẩn bị cho công tác gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra như thế nào và trong thời gian bao lâu vẫn không nhiều người được biết.

Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cao cả này, chỉ có 6 cán bộ y tế của Viện Quân y 108 (nay là BV Trung ương Quân đội 108) và nay, cũng chỉ còn lại 3 người, trong đó có Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Châu - nguyên Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Viện 69 (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Nhưng cũng giống như nhà quay phim Trần Anh Trà - người đã quay những thước phim cuối cùng của đời Bác - khi tôi đề nghị kể lại chuyện, BS Châu đã từ chối với lý do, từ ngày đó, ông đã được quán triệt: sống để bụng, chết mang theo!

Phải nhờ sự giúp đỡ của Đại tá Nguyễn Văn Cương - Tư lệnh và Đại tá Đặng Nam Điền - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông mới đồng ý kể cho chúng tôi nghe những việc mà ông và đồng đội đã tiến hành trong suốt 2 năm trời trước khi Bác Hồ mất. Đã ở tuổi 74, nhưng với sự mẫn tiệp tuyệt vời, gần như từng ngày tháng của mỗi sự kiện đều được BS Châu nhớ chính xác.

Sự lo xa chu đáo

Trước khi Hồ Chủ tịch mất nhiều năm, TW Đảng đã tính đến việc giữ gìn lâu dài thi hài của Người khi Người ra đi, nên công tác chuẩn bị đã bí mật diễn ra từ sớm. Năm 1967, 3 cán bộ y tế gồm: Thiếu tá, BS. Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý Viện Quân y 108 và là Trưởng phòng Pháp y Quân đội; BS nội tiết Lê Ngọc Mẫn và BS ngoại khoa Lê Điều, đã được đưa sang Liên Xô học về công tác bảo vệ, gìn giữ thi hài, bởi đây là chuyên môn sâu chỉ ở Liên Xô mới có. Nhóm của họ được gọi là Tổ y tế đặc biệt. Đây là những người đầu tiên tiến hành công tác chuẩn bị gìn giữ thi hài Bác Hồ, cũng là những người đặt nền móng cho công tác bảo quản thi hài ở Việt Nam.

7 tháng sau, khi Tổ y tế đặc biệt trở về nước, cũng là lúc sức khỏe của Hồ Chủ tịch không còn được như trước. BS Lê Ngọc Mẫn liền được điều về Ban Chăm sóc sức khỏe TW để theo dõi sức khỏe của Người, còn BS Quyền và BS Điều về Viện Quân y 108 khẩn trương chuẩn bị về kỹ thuật, phòng thí nghiệm. Hàng ngày, BS Lê Ngọc Mẫn thông báo chi tiết tình hình sức khỏe của Bác với BS Quyền và BS Điều.

Ngoài ra, Tổ y tế đặc biệt còn có nhiệm vụ tuyển chọn cán bộ bổ sung. Với các tiêu chuẩn ngặt nghèo về chuyên môn, y công Phạm Ngọc Ảm, BS Nguyễn Văn Châu, BS Sái Văn Thế và y sĩ Nguyễn Trung Hát đã lọt vào danh sách của Tổ y tế đặc biệt. Về nhận công tác, nhưng họ không được biết sẽ làm việc gì và mục đích gì, vì yêu cầu bí mật tuyệt đối nên không ai dám hỏi.
Trong lúc này, bộ đội công binh cũng xây dựng gấp một phòng thí nghiệm đặc biệt. Đang thời chiến nên để đảm bảo an toàn, phòng thí nghiệm được xây dựng kiên cố, đủ để chịu đựng cả sức ép của bom tấn. Chỉ riêng cánh cửa phòng đã nặng hơn 1.000 kg. Căn phòng có diện tích khoảng 12m2 được lắp điều hòa nhằm duy trì được nhiệt độ theo yêu cầu và luôn được giữ vô trùng tuyệt đối.

BS Quyền và BS Điều hàng ngày bồi dưỡng kiến thức về ướp, bảo quản thi hài cho BS Châu, BS Thế, y sĩ Hát và y công Ảm, để họ tiếp tục hoàn thiện và duy trì phòng thí nghiệm ở điều kiện tốt nhất. Bởi nước ta khí hậu nhiệt đới nên vấn đề môi trường vô cùng quan trọng, nên Tổ y tế đặc biệt còn phải tiến hành các thí nghiệm nhỏ để theo dõi các chỉ số về vệ sinh, nhiệt ẩm. Dụng cụ do các bác sĩ mang từ Liên Xô về, cộng với trang thiết bị do BV Việt - Xô cung cấp đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Văn phòng TW Đảng cũng lắp cho Tổ y tế đặc biệt một điện thoại mang số 455, để kịp thời chỉ đạo công việc hoặc nghe báo cáo tình hình, nhưng thường chỉ BS Quyền và BS Điều nghe.

Đến tháng 3/1969, tốc độ nghiên cứu được đẩy mạnh hơn. BS Châu còn nhớ: Ban ngày, mọi người đều làm việc bình thường tại Viện 108, đến đêm, cả tổ lại thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên tại phòng thí nghiệm. Càng ngày, kết quả thí nghiệm càng tốt hơn. Thời gian này, liên tục có các đoàn cấp trên đến kiểm tra hoạt động chuyên môn. Một đoàn chuyên gia Liên Xô do đồng chí Viện phó Viện Thi hài Lênin dẫn đầu đã sang Việt Nam kiểm tra mọi chỉ số cần thiết. Các xét nghiệm về nấm mốc, vi khuẩn, nhiệt độ và môi trường đều đảm bảo tiêu chuẩn nên đã được chuyên gia bạn đánh giá cao.

Những ngày sau đó, sức khỏe của Hồ Chủ tịch càng xấu đi. Các thí nghiệm được tiến hành nhiều hơn. Mọi công việc được chuẩn bị gấp rút nhưng vẫn âm thầm, bí mật. Khó ai ngờ rằng, các nghiên cứu khoa học này đã giúp ích rất nhiều cho công tác bảo quản thi hài Bác những năm sau này, trước những biến động về chính trị ở Đông Âu, các chuyên gia Liên Xô trở về nước và công việc từ đó đến nay, hoàn toàn do các thầy thuốc Việt Nam đảm nhận.

Ngày 24/8/1969, bắt đầu một sự kiện trọng đại. Ăn cơm chiều xong, mọi người đang định đi chơi thì bất ngờ có lệnh báo động. BS Quyền thông báo: Toàn bộ nhân viên y tế của Khoa Giải phẫu bệnh lý, nhất là Tổ y tế đặc biệt, không được rời khỏi đơn vị. Hôm sau, toàn bộ lực lượng trong Viện được huy động để vệ sinh khu vực Khoa, nhất là phòng thí nghiệm. Lúc này, Khoa đã được ngăn cách tách biệt với Viện Quân y 108 và có lực lượng cảnh vệ bảo vệ nghiêm ngặt 24/24.

Cũng hôm đó, Tổ y tế đặc biệt được lệnh bắt đầu tiến hành thí nghiệm lớn. Bộ phận kỹ thuật được tăng cường, thường trực cả ngày lẫn đêm. BS Sái Văn Thế được giao vệ sinh một xe hồng thập tự mang biển số FH 1460. Còn nguyên trong ký ức BS Châu hình ảnh người đồng nghiệp miệt mài và chu đáo với công việc, khi sử dụng hóa chất, tia cực tím để vô trùng mà không có đồ bảo hộ, khiến mặt mũi sưng húp, nhưng vẫn không muốn rời vị trí. Cứ 3 tiếng một lần, mẫu xét nghiệm vệ sinh lại được gửi đi, cho đến khi các tiêu chuẩn của chiếc xe đáp ứng được yêu cầu.

Trước diễn biến xấu về tình hình sức khỏe của Bác Hồ, ngày 28/8/1969, đoàn chuyên gia Liên Xô 5 người đã bay sang Việt Nam, trong đó có 2 giáo sư Viện sĩ Thông tấn. Họ kiểm tra toàn bộ khu vực Khoa Giải phẫu bệnh lý và hoàn toàn hài lòng về công tác chuẩn bị chu đáo của các y, bác sĩ Việt Nam.

"Triệu lòng người cùng cất gọi: Bác ơi!"

Nhớ lại 39 năm trước, BS Nguyễn Văn Châu vẫn nguyên nỗi nghẹn ngào: "Sáng 2/9/1969, tôi và anh Điều, anh Hát dậy từ 4 giờ sáng tiếp tục tiến hành các thí nghiệm như mọi khi. Khoảng gần 9 giờ, chúng tôi nhận lệnh đi làm nhiệm vụ đặc biệt nhưng không biết là nhiệm vụ gì. Bước ra ngoài, tôi ngạc nhiên khi thấy không khí im lặng đến khắc khoải bao trùm toàn Viện, nhiều người mắt còn đỏ hoe.

Đại tá Trần Kinh Chi - Cục trưởng Cục Bảo vệ, người thường xuyên có mặt ở Khoa Giải phẫu bệnh lý suốt thời gian qua, cũng lặng lẽ đi lại, nét mặt trầm buồn, căng thẳng". Linh cảm được nỗi đau tận cùng đang ập đến, ngay lập tức, BS Quyền, BS Châu và y sĩ Hát lên chiếc xe FH 1460 có Đại tá Trần Kinh Chi đã ngồi chờ sẵn, còn BS Điều và y công Ảm ở lại chuẩn bị sẵn sàng.Con đường từ Viện Quân y 108 đến Phủ Chủ tịch cũng "im lìm tiếng nấc".

Từ 30/8, tình hình sức khỏe của Bác đã được thông báo trên Đài Tiếng nói Việt Nam tới toàn thể nhân dân, nên lúc này, dường như mọi người đều lo âu về một tin không lành xảy ra, khi hôm đó, cuộc mittinh trên Quảng trường Ba Đình lịch sử vắng bóng Bác.

Đến cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe của Viện Quân y 108 dừng lại, riêng chiếc xe cứu thương đi thẳng vào trong và dừng bên gốc cổ thụ. Mọi người trên xe bước xuống, đi qua thảm cỏ để đến căn phòng Bác nằm. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ra đón đoàn bác sĩ. Nước mắt tràn trên gương mặt vốn rắn rỏi của ông. Bộ trưởng nghẹn ngào dặn dò: "Bác Hồ đã đi xa rồi. Các đồng chí phải nén đau thương để làm thật tốt nhiệm vụ, không được phép để xảy ra sai sót gì nhé!".

Đại tá Trần Kinh Chi dẫn 3 người vào nơi Bác nằm. Cả cuộc đời mình, BS Nguyễn Văn Châu không bao giờ quên được giây phút đó. Trên chiếc giường nhỏ, Bác Hồ nằm thanh thản trong bộ bà ba lụa màu nâu giản dị. Vẫn vầng trán cao và chòm râu bạc, gương mặt Người hiền lành như đang nằm ngủ, dù đôi mắt có trũng sâu và nước da có xanh hơn. Cảnh tượng vô cùng xúc động diễn ra bên giường Bác: các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Song Hào, Lê Thanh Nghị,... đều không giấu nổi nỗi đau đớn tận cùng trong dòng nước mắt.

Nhớ lại chuyện xảy ra đã 39 năm, BS Châu vẫn còn thổn thức: "Như mọi người, tôi cũng òa khóc. Nhưng rồi, nhớ lời đồng chí Trần Quốc Hoàn dặn dò, tôi vội cố nén nỗi đau vào tim để thực hiện nhiệm vụ. Lúc này, đồng chí Phạm Văn Đồng yêu cầu mọi người tránh sang cho chúng tôi làm chuyên môn. Anh Quyền nâng Bác phía trên, tôi nâng Bác ở ngang người, còn anh Hát ở phía dưới, chúng tôi phối hợp nhịp nhàng và nhẹ đặt Bác lên băng ca. Hơi ấm của Người vẫn tỏa nhẹ, đôi bàn tay thon gầy vẫn mềm như thể Người đang ngon giấc". BS Châu không ngờ rằng, lần đầu được ở bên Người lại là lần đau thương đến thế.

Cùng với Đại tá Trần Kinh Chi, 3 người đưa Bác ra xe hồng thập tự. Tất cả diễn ra rất nhanh, chỉ 13 phút, kể từ khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng. Đúng 10 giờ, chiếc xe cứu thương lăn bánh đưa thi hài Người về Viện Quân y 108. Thời điểm này, đất nước đang chiến tranh nên điều kiện còn thiếu thốn. Tổ y tế đặc biệt phải chuẩn bị sẵn 3 tảng nước đá lớn rồi đặt cáng lên trên vì xe không có điều hòa. BS Quyền, BS Châu và y tá Hát ngồi bên thi hài Người, không ai dám nhìn lâu gương mặt Bác, bởi niềm xúc động dâng trào. Mỗi người một nghĩ suy, một cảm giác, chỉ có niềm đau cuộn trào như cơn bão đang là chung của tất cả mọi người...

Các chuyên gia Liên Xô đã trực sẵn, đón Bác vào khu y tế và nhanh chóng làm các thủ tục tiếp theo. Thời khắc của Tổ y tế đặc biệt đã đến sau 2 năm chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. Đúng 12 giờ, các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam cùng trực tiếp tham gia công tác y tế cho Bác. Với niềm thành kính thiêng liêng, tất cả các thầy thuốc đều cố gắng tối đa để giữ chân dung Bác được nguyên vẹn, để trông Người hệt như đang nằm nghỉ. Vì thế, từng sợi tóc, sợi râu, từng móng tay của Người đều được nâng niu. Từng tế bào của Người đều gắng được duy trì ổn định. Từng mũi kim tiêm đều được cẩn trọng tối đa.

21 giờ, các chuyên gia Liên Xô mới rời khỏi phòng; 24 giờ ngày 2/9/1969, các y, bác sĩ Việt Nam mới hoàn tất công việc cuối cùng. Căng thẳng sau một ngày tập trung cho sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của dân tộc và lớn hơn cả là niềm đau không gì sánh nổi, khiến không ai còn muốn bưng bát cơm dẫu từ sáng sớm chưa kịp ăn gì.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, các công việc làm thuốc cho Bác lại được tiến hành khẩn trương, lặng lẽ. Công tác y tế bước 1 của giai đoạn I trong việc bảo quản thi hài Bác đã được hoàn thành, để 19 giờ 30 phút ngày 4/9, các bác sĩ đưa Người trở lại Ba Đình kịp lễ viếng vào sáng hôm sau. Sau khi lễ viếng kết thúc, tối 9/9/1969, các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt lại tiếp tục công việc bảo quản thi hài Bác giai đoạn sau. Điều rất may mắn là việc bảo quản thi hài Hồ Chủ tịch đã được thừa hưởng bước tiến bộ vượt bậc của công nghệ trên thế giới, công nghệ hóa chất, công nghệ về điện cũng như công nghệ nhiệt ẩm và nhất là kinh nghiệm của các chuyên gia Liên Xô sau thành công trong việc gìn giữ thi hài Lênin, Xtalin, Đimitơrốp nên mọi việc đã diễn ra hoàn hảo cho đến hôm nay.

Thay cho lời kết

BS Nguyễn Văn Châu là một người may mắn. Không chỉ vinh dự được ở bên Hồ Chủ tịch trong một thời điểm lịch sử với một nhiệm vụ vô cùng nặng nề nhưng cũng đầy ý nghĩa ấy, ông còn được "theo" Bác suốt 33 năm liền, cho đến khi nghỉ hưu, năm 2003. Những năm chiến tranh, để đảm bảo an toàn cho giấc ngủ của Bác, TW Đảng đã 6 lần tổ chức di chuyển thi hài của Người từ Hà Nội lên K9 và từ K9 về lại thủ đô, là 6 lần ông cùng Tổ y tế đặc biệt đều có mặt.

Đây là những di chuyển cực kỳ khó khăn, trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt, lại đang chiến tranh, nhưng với tình yêu Bác, lòng đam mê khoa học, BS Châu đã cùng đồng đội tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng với sự tin tưởng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Từ năm 1975, khi Hồ Chủ tịch được đưa trở lại Ba Đình yên nghỉ, BS Châu lại thường xuyên có mặt bên Người những khi nhiệm vụ yêu cầu.

Trong sự nghiệp thầy thuốc của mình, BS Châu đã có những cống hiến không nhỏ. Năm 2000, ông đã cùng với các đồng nghiệp được trao Giải thưởng Nhà nước vì "đã tham gia nghiên cứu công trình khoa học công nghệ trực tiếp bảo đảm cho nhiệm vụ giữ gìn, an toàn, tin cậy, lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh"

Thanh Hằng



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™