Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 15-07-2008, 12:38 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Xung quanh cái chết của con dâu Chủ tịch Mao Trạch Đông

Tối 24/6/2008, Thiếu tướng Trần Thiệu Hoa, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Trung Quốc đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh, thọ 69 tuổi. Cái chết của Thiếu tướng Trần Thiệu Hoa được dư luận quan tâm bởi bà là con dâu của Mao Chủ tịch và bà cũng được nhiều người xót thương bởi nữ tướng quân là một người đa tài nhưng gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Gia phong của Mao gia

Chỉ 3 ngày sau khi mẹ qua đời, ngày 27/6/2008, Mao Tân Vũ, cháu nội duy nhất – của Mao Chủ tịch đã công bố “Gia phong của Mao gia”. Đây là lần đầu tiên “Gia phong của Mao gia” được công bố công khai trước dư luận.

Theo Mao Tân Vũ, “Gia phong của Mao gia” là tài sản vô giá của gia đình và nó sẽ tiếp tục được lưu truyền cho hậu thế bởi ông nội (Mao Trạch Đông) luôn dạy bác Mao Ngạn Anh và mẹ cũng thường dạy chúng tôi phải “lặng lẽ làm người” và phải phát huy truyền thống “liêm khiết” của gia đình. “Lặng lẽ làm người” và “liêm khiết” vốn là 2 quan niệm không giống nhau, nhưng lại là nội dung chính của “Gia phong của Mao gia”. Trong “Tuyển tập thư tín Mao Trạch Đông” mọi người đều thấy rất rõ quan điểm và tinh thần “lặng lẽ làm người” mà Mao Chủ tịch đã đưa ra.

Trong bức thư gửi 2 con Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh ngày 31/1/1941, Mao Chủ tịch căn dặn “phải học nhiều và nắm chắc khoa học tự nhiên, ít đề cập tới chính trị. Khoa học là cơ bản, là thật học, là điều có thể sử dụng vào bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào”.

Ngoài ra, Mao Chủ tịch còn nhắc nhở 2 con phải thực sự cầu thị, không được tự mãn và cảnh giác với những bài học lịch sử. Được đánh giá là một trong những người am hiểu sâu sắc lịch sử Trung Quốc, Mao Chủ tịch luôn lấy những nhân vật lịch sử để răn dạy con cháu và “lặng lẽ làm người” là điều quan trọng nhất được ghi trong “Gia phong của Mao gia”. Còn “liêm chính” không những được Mao Chủ tịch gương mẫu thực hiện, mà cả Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh cùng các con dâu và cháu nội ngoại cũng nhất loạt làm theo.
Cách đây gần một năm, tháng 9/2007, bà Trần Thiệu Hoa đã từ chối nhận mức lương Viện trưởng của Học viện Tùng Điền thuộc Đại học Quảng Châu. Và trước khi chết, bà Trần Thiệu Hoa đã đưa cho con trai Mao Tân Vũ 100.000 NDT, tiền tiết kiệm để ủng hộ bà con chịu thiên tai trận động đất kinh hoàng hôm 12/5/2008.

Mao Tân Vũ sinh ngày 17/1/1970, hiện là Ủy viên Chính hiệp khu Tây thành, thủ đô Bắc Kinh, là Ủy viên thường vụ Đoàn thanh niên toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tuổi thơ dữ dội

Trần Thiệu Hoa sinh ra (tháng 10/1938) tại Diên An, Thiểm Tây, nhưng có tài liệu nói rằng, bà sinh ra trong nhà tù khi mẹ đẻ bị giam trong nhà tù của Thịnh Thế Tài. Tuy không cùng một bố, nhưng đều do bà Trương Văn Thu, một trong những người sáng lập ra cơ sở đảng ở huyện Kinh Sơn, sinh ra và về làm dâu sau chị gái Lưu Tư Tề trong gia đình Chủ tịch Mao Trạch Đông, nên Trần Thiệu Hoa được mọi người quen gọi là Lưu Thiệu Hoa. Nhưng sau này “Thiệu Hoa” đã trở thành tên gọi của con dâu Mao Chủ tịch.

Bố đẻ Thiệu Hoa là ông Trần Chấn Á, người chồng thứ hai của bà Trương Văn Thu. Mùa xuân năm 1941, Trần Chấn Á sang Liên Xô điều trị bệnh, nhưng khi đi qua Tân Cương, ông đã bị Thịnh Thế Tài bắt giữ. Đến tháng 7/1943, Trần Chấn Á bị sát hại.

Người đời đồn đại khá nhiều về cuộc đời của Thiệu Hoa, nhưng sự thật khá giản dị. Ngay từ nhỏ Thiệu Hoa đã thích văn học Nga và ham mê những tác phẩm nổi tiếng Trung Quốc như “Hồng Lâu mộng”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Tây Du ký”... nên ngay từ năm 1954, bà đã có tác phẩm đầu tay khá nổi tiếng “Hoàng Kế Quang”.

Sau khi tốt nghiệp đại học (Khoa Trung Văn Trường đại học Bắc Kinh), Thiệu Hoa đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học khá nổi tiếng khác như: “Truyện về Lưu Khiêm Sơ”, “Truyện về Trần Chấn Á”... Sau khi lấy chồng, Thiệu Hoa đã cùng Mao Ngạn Thanh cho ra đời cuốn “Chúng tôi yêu con tu hú đỏ ở Triệu Sơn”. Tác phẩm này từng được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa của học sinh trung học.

Do có nhiều tác phẩm khá nổi tiếng nên Thiệu Hoa được bầu làm Ủy viên Hội Nhà văn Trung Quốc (1984). Thiệu Hoa từng là Phó chủ nhiệm bộ môn Bách khoa tại Học viện Khoa học kỹ thuật quân sự kiêm Phó tổng thư ký Hiệp hội Khoa học kỹ thuật quân sự. Ngoài ra, Thiệu Hoa còn là Ủy viên Chính hiệp toàn quốc 3 khóa liền – khóa 7, khóa 8 và khóa 9. Cách đây gần 9 năm (1-10-1999), Thiệu Hoa được phong hàm Thiếu tướng.


Mao Ngạn Thanh là con trai thứ của Mao Trạch Đông với bà Dương Khai Tuệ và được sinh ra (23/11/1923) trong nhà bà ngoại. Sau khi bà Dương Khai Tuệ bị địch sát hại (14/11/1930), Mao Ngạn Thanh và Mao Ngạn Anh mới được phóng thích khỏi nhà tù.

Sau khi ra tù, Mao Ngạn Thanh và anh trai Mao Ngạn Anh đến sống trong gia đình mục sư Đổng Kiến Ngộ. Khi đó, Mao Trạch Đông vừa bước vào những ngày đầu làm cách mạng với giai đoạn gian khổ và nguy hiểm. Sau khi nguồn cung cấp kinh phí bị cắt (1933), anh em Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh phải ra đường kiếm ăn từ khi chưa tới 10 tuổi. Năm 1936, Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh được thuộc hạ của tướng Trương Học Lương là Lý Đỗ đưa sang Paris, Pháp một thời gian, trước khi vào sống trong Viện Nhi đồng Quốc tế thứ 2 ở Moskva, Liên Xô đầu năm 1937. Năm 1947, Mao Ngạn Thanh cùng anh về nước và tiếp tục được dưỡng bệnh tại Tp Đại Liên. Được biết, mới 7 tuổi, Mao Ngạn Thanh đã bị địch đánh trọng thương ở đầu và vết thương này ảnh hưởng suốt cuộc đời ông. Nhiều lúc Mao Ngạn Thanh phát bệnh giống như người mắc phải chứng tâm thần.

Chuyện tình sóng gió

Tuy cuộc tình giữa Mao Ngạn Thanh với Thiệu Hoa chủ yếu qua thư từ, nhưng diễn ra khá lâu và được sự giúp đỡ của nhiều người, nhất là Mao Chủ tịch nên mới thành. Do đó mọi người đều cho rằng, nếu không gọi là sóng gió thì cũng không thể nói là phẳng lặng bởi khi đó Mao Ngạn Thanh đang phải điều trị “bệnh thần kinh” trong bệnh viện.

Sau năm 1949, Mao Ngạn Thanh làm công tác phiên dịch ở Bộ Tuyên truyền và khi đó bệnh tình của ông đã thuyên giảm đáng kể, thậm chí có khả năng khỏi hẳn nếu không bị Giang Thanh kiếm cớ gây chuyện. Vốn là người đa cảm, lại có tiền sử bệnh về não nên sau khi bị Giang Thanh mắng chửi thậm tệ vì một chuyện “giời ơi”, Mao Ngạn Thanh lập tức bị đổ bệnh. Bệnh tình nặng tới mức Mao Trạch Đông phải đưa gấp Mao Ngạn Thanh sang Liên Xô điều trị (từ năm 1951).

Sau mấy năm điều trị ở Liên Xô, Mao Ngạn Thanh lại tiếp tục được chăm sóc ở Đại Liên nên bệnh tình đã thuyên giảm. Trong một lần nói chuyện (mùa hè năm 1957), Mao Ngạn Thanh đã thẳng thắn đề nghị với bố kiếm giúp một bạn gái. Sau một thời gian suy nghĩ, Mao Trạch Đông hỏi thăm dò con trai: “Em gái chị dâu con thế nào?”. Mao Ngạn Thanh không ngờ bố lại giới thiệu người bấy lâu trong mộng của mình, nên nhanh chóng chấp thuận. Vì hiểu tình hình của con trai nên ngay sau khi biết tin Thiệu Hoa “tỏ ý quan tâm”, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã rất mừng, thậm chí viết thư động viên Mao Ngạn Thanh.

Sau khi thành vợ chồng, Mao Ngạn Thanh mới dám thổ lộ, tuy rất thích Thiệu Hoa, nhưng không dám nói vì sợ! Khi kết hôn năm 1960, Mao Ngạn Thanh 37 tuổi còn Thiệu Hoa mới 22 tuổi. Nhiều người nói rằng, mặc dù cảm mến Thiệu Hoa ngay từ lần đầu gặp mặt, nhưng Mao Ngạn Thanh vẫn không hề bày tỏ tình cảm của mình trong một thời gian khá dài. Thiệu Hoa khi đó vào thăm Mao Ngạn Thanh là hoàn toàn tình cờ – chị gái Lưu Tư Tề đưa đi cho vui.

Có lẽ chuyện tình cảm giữa Thiệu Hoa với Mao Ngạn Thanh cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức thư từ thăm hỏi, nếu không có sự can thiệp của Mao Chủ tịch. Sau này Thiệu Hoa từng tâm sự, chẳng biết Mao Chủ tịch biết chuyện này từ bao giờ mà ông lại viết thư động viên cả 2 người.

Điều đáng nói là khi đám cưới được cử hành (1960) thì Mao Chủ tịch lại không có mặt. Tuy nhiên, món quà cưới của cha luôn được Mao Ngạn Thanh và Lưu Thiệu Hoa trân trọng, gìn giữ mãi về sau. Đó là chiếc đồng hồ đeo tay và chiếc đài để nghe tin tức. Do tính chất công việc của 2 vợ chồng, nên thời gian sống chung giữa Mao Ngạn Thanh và Lưu Thiệu Hoa không nhiều, thậm chí có khi nửa năm họ mới gặp mặt một lần.

Cuộc sống lúc xế chiều
Cấp hàm của Mao Ngạn Thanh khi còn làm việc ở Học viện Khoa học kỹ thuật quân sự là trung tá. Theo giới truyền thông, tuy không giữ cương vị trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay Chính hiệp, nhưng Mao Ngạn Thanh là nhân vật được nhiều người quan tâm bởi ông lưu giữ hầu hết các tài liệu và di cảo của Mao Chủ tịch cũng như nhiều bậc tiền bối cách mạng khác.

Nhiều người còn nói, Mao Ngạn Thanh là nguồn cung cấp tư liệu quan trọng của mọi viện bảo tàng ở Trung Quốc. Có lẽ vì nguyên nhân này nên Mao Ngạn Thanh luôn được chăm sóc theo chế độ của Phó thủ tướng. Mao Ngạn Thanh rất ít khi xuất hiện trước đám đông và sau khi nghỉ hưu không muốn tiếp xúc với người ngoài. Tuy mắc bệnh ở đầu từ nhỏ, nhưng mãi tới tháng 3/2007, Mao Ngạn Thanh mới qua đời, thọ 84 tuổi.

Về phần mình, năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của mẹ chồng, liệt sĩ Dương Khai Tuệ, Thiệu Hoa đã chủ biên cuốn sách nói về bà. Sau đó Thiệu Hoa còn cùng nhân dân địa phương tu sửa lại khu lăng mộ liệt sĩ Dương Khai Tuệ.

Năm 1993, nhân kỷ niệm Mao Chủ tịch tròn 100 tuổi, Thiệu Hoa và Mao Ngạn Thanh cùng chủ biên cuốn truyện tranh “Trung Quốc sinh ra Mao Trạch Đông”. Ngoài ra, Thiệu Hoa còn cùng với Tiết Khải Lượng cho ra mắt độc giả nhỏ tuổi cuốn “Tổ phụ của chúng ta”. Thiệu Hoa còn là cố vấn văn học và Tổng giám sát của bộ phim truyền hình nhiều tập “Phong vũ tình”.

Năm 1996, nhân kỷ niệm 60 năm cuộc kháng chiến trường chinh, Thiệu Hoa đã làm chủ biên bộ phim truyền hình 7 tập “Ký ức của nữ hồng quân, nữ tướng quân”. Thiệu Hoa cũng là tổng chỉ huy kiêm cố vấn văn học của 2 bộ phim khác, trong đó có “Dương Khai Tuệ”. Ngoài ra, Thiệu Hoa còn cùng con trai Mao Tân Vũ chủ biên bộ phim tài liệu “Hoài niệm không quên”, nhân dịp Mao Chủ tịch tròn 100 tuổi.

Tháng 12/1998, Thiệu Hoa còn cho xuất bản tập tản văn “Tu hú đỏ”.

Việc trở thành một tay máy có tên tuổi trong nghề chỉ xuất phát từ một chuyện hết sức đơn giản. Khi đó vì muốn chụp cho Mao Chủ tịch một bức ảnh nên Thiệu Hoa đã không ngần ngại học cách sử dụng chiếc máy ảnh do anh chồng Mao Ngạn Anh mang từ Liên Xô về.

Sau này chiếc máy ảnh đã trở thành vật bất ly thân của Thiệu Hoa mỗi khi bà ra ngoài làm việc. Những bức ảnh của Thiệu Hoa không những được đăng tải tại nhiều tờ báo lớn, cũng như tạp chí chuyên ngành của Trung Quốc, mà còn nhận được các giải thưởng lớn về lĩnh vực này.

Thiệu Hoa là nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhiếp ảnh Trung Quốc và những bức ảnh của bà đã giúp người ta dựng lên nhiều bộ sưu tập lớn về công, nông, binh ở Trung Quốc
Quỳnh Trang - Tuấn Cường (Tổng hợp)
Theo CAND



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
cai chet mao ngan, cai chet mao trach dong, cuoc doi mao ngan anh, mao ngạn anh, mao ngan anh, mao ngan anh chet, mao ngan thanh, mao ngạn anh, mao ngạn thanh, mao tân vũ, mao trach dong an choi, maongan anh con mao, maongananh, , vo con mao ngan anh



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™