Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Thể Loại Khác > Tâm Lý - Giáo Dục
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 24-07-2008, 05:24 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Chúng tôi tham gia đóng phim: Chung một dòng sông

Chúng tôi tham gia đóng phim: Chung một dòng sông

Tháng 3 năm 1959, đoàn làm phim của Xưởng Phim truyện Việt Nam đã từ Hà Nội vào Quảng Bình, qua sông Nhật Lệ, bên kia bán đảo cát Bảo Ninh của thị xã Đồng Hới để thực hiện quay bộ phim chuyện "Chung một dòng sông". Đây là bộ phim có chủ đề về đấu tranh thống nhất, một vấn đề nóng hổi tính thời sự nên Bộ Văn hóa khi đó đã điều động khá nhiều nhân tài, vật lực để có một bộ phim truyện đầu tiên của nước nhà, nhằm đáp ứng nhu cầu mong mỏi cháy bỏng của nhân dân trong nước.



Phạm Kỳ Nam, Hồng Nghi, những người từng tham gia làm phim trong chiến dịch Điện Biên Phủ và phim tài liệu "Việt Nam trên đường thắng lợi" được cử làm đạo diễn và quay phim chính của bộ phim này.

"Chung một dòng sông" là câu chuyện xảy ra ở hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải sau Hiệp định Giơnevơ 1954. Anh Vận (Mạnh Linh đóng) ở bờ Bắc có vợ là chị Hoài (Phi Nga đóng) ở bờ Nam. Dòng sông chảy qua vĩ tuyến 17 ấy, ranh giới tạm thời của hai miền đất nước đã làm đôi đường tình thương cách trở.

Chiều chiều, những đoàn thuyền đánh cá từ ngoài khơi trở về cửa sông, một nửa tưng bừng rẽ sang bờ Bắc, một nửa phải vật vờ trở về bờ Nam. Anh Vận đau đáu, xót xa mỗi lần ngồi trên thuyền đánh cá bên bờ Bắc nhìn xa xăm về người vợ hiền đang đứng dưới bóng dừa ở bờ Nam vẫy tay, vẫy nón.

Trong lúc nhân dân Vĩnh Linh bờ Bắc tự do hội họp, học hành, vui chơi thì nhân dân bờ Nam ở Cát Sơn bị lính ngụy hà hiếp, cấm đoán hội họp, cấm đoán đi lại, cấm đoán thực hiện đời sống tâm linh. Những chiến sĩ công an vũ trang miền Bắc làm nhiệm vụ trong đồn liên hiệp ở bờ Nam giới tuyến bỗng trở thành sứ giả, niềm tin và ước mơ của những người dân trong vòng vây kẽm sắt của chế độ Mỹ-ngụy.

Bộ phim với nhiều tình tiết sinh động, hấp dẫn đã làm khán giả miền Bắc đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, phim đã được tham gia và đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan Phim quốc tế năm 1962. Và năm 1973, trong Liên hoan Phim toàn quốc lần thứ 2, "Chung một dòng sông" đã giật giải Bông sen vàng.

Trước một nhiệm vụ chính trị lớn lao, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và nhà quay phim Hồng Nghi khéo chọn Bảo Ninh và con sông Nhật Lệ để làm phim. Giữa cái vùng "chang chang cồn cát", suốt 4 tháng trời ròng rã giữa mùa nắng nóng, đoàn làm phim đã như cỗ máy mở hết công suất. Từ đạo diễn, quay phim, diễn viên đến đạo cụ, hóa trang, thư ký trường quay... mồ hôi ròng ròng để có những thước phim theo ý muốn.

Tôi còn nhớ, riêng cảnh đoàn thuyền đánh cá ngoài khơi trở về, một nửa sang Bắc, một nửa về Nam, đạo diễn và quay phim phải đi liên hệ từng thuyền, từng đội, dặn dò, chỉ vẽ cho họ từng chi tiết một từ trước khi họ ra khơi mấy ngày. Để rồi, ngày làm phim, khi vào đến cửa sông, tất cả các thuyền đều chạy theo một quỹ đạo vạch trước. Các lão ngư làng biển thuần phác quê tôi lần đầu tiên nhận lời đóng phim, hồ hởi và nghiêm túc như họ đã từng nhận mệnh lệnh, chỉ thị hành động của cách mạng thời kỳ chống Pháp.

Hôm đó, họ đi biển về, buông neo chờ đợi nhau phía ngoài cửa biển. Đợi khi có pháo lệnh từ giàn quay đặt trên một chiếc thuyền ở cửa sông Nhật Lệ bắn lên, tất cả đồng loạt nhổ neo, căng buồm lướt vào bờ. Đoàn theo hướng Bắc, đoàn theo hướng Nam. Một lần và duy chỉ một lần, cảnh quay không lặp lại. Thế mà khi phim chiếu lên, cảnh thật sinh động và hoành tráng.

Người dân làng biển quê tôi vui đến chảy nước mắt, vì thấy thuyền biển quê mình "nhập vai" khá sắc sảo thuyền biển của vùng sông nước cửa Tùng.

Một hôm, trưởng thôn quê tôi đi từng nhà thông báo: "Sáng mai, tất cả mọi người ra bờ sông để đóng phim, sẽ có trả tiền công". Nghe nói có trả tiền công, sáng sớm, trẻ già trai gái kéo nhau ra bờ sông đi làm công cho đoàn làm phim.

Cảnh quay là bà con bờ Nam đi chợ. Hôm đó là ngày Quốc khánh 2-9, bờ Bắc cờ xí rợp trời, nhân dân ca hát, nhảy múa rộn ràng. Bọn ngụy liền cản lại, đuổi bà con về vì sợ mọi người ngóng sang cả bờ Bắc. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam nói lớn: "Bà con cứ đi tự nhiên nhé, đừng nhìn vào ống kính đấy!".

Nhưng, vừa lạ lẫm, vừa tò mò, nhiều người đã không nghe lời đạo diễn. Thế là, phải làm đi làm lại đến chục lần. Chiều, dân chúng lại tham gia quay cảnh khác. Đó là cảnh nhân dân bờ Nam biểu tình, hô vang khẩu hiệu phải đền bù danh dự cho chị Hoài đã bị đồn trưởng Đồn Liên hợp của ngụy làm nhục trên cát. Mệt đấy, nhưng chiều đến, trước khi ra về, mọi người đều nhận được 1 đồng 2 hào 5 xu, giá tiền gần bằng bốn cân gạo mậu dịch. Ai cũng hả hê!

Bấy giờ, tôi là một cậu bé 14 tuổi. Một hôm, cùng gần chục đứa bạn nữa, trèo lên một cây me trên đồi để nhìn xuống khuôn viên của một ngôi đền sát đó, nơi đoàn làm phim đang quay cảnh anh Vận và chị Hoài thuở đoàn tụ, từng thổ lộ tình yêu. Bỗng đạo diễn và quay phim Hồng Nghi nhìn thấy, liền quay ống kính về phía chúng tôi: "Này, các cháu, chú quay phim đấy nhé. Các cháu chỉ chỉ, trỏ trỏ tự nhiên, xem như mình đang là các thiếu nhi ở bờ Nam sông Bến Hải đang hướng về bờ Bắc trong ngày Quốc khánh".

Cảnh quay tình cờ mà hóa thật như từng có trong kịch bản. Khi phim hoàn thành, chiếu lên, lũ trẻ chúng tôi ai cũng vỗ tay khoái chí. Bọn bạn đấm lưng tôi thùm thụp vì đã được đạo diễn chỉnh ống kính cho quay cận cảnh. Lúc đó, tôi không những chỉ chỉ, trỏ trỏ mà còn vỗ vào lưng một thằng bạn ngồi bên cạnh mà nói: "Xem kìa! Xem kìa!".

Sau cảnh quay "ngẫu hứng" ấy, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã gọi chúng tôi leo xuống, ngồi dưới gốc cây me rồi nói:

- Bây giờ cần có một cháu đóng vai một em bé bờ Nam ôm gốc cây hát theo Quốc ca ở bờ Bắc ngày 2-9. Ai xung phong?

Cả bọn nhìn nhau vừa thẹn, vừa sợ. Một thoáng, đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ vào Phạm Chính, bạn tôi:

- Cháu này đẹp trai hơn, đóng nhé!

Phạm Chính gật đầu. Thế là Phạm Chính được bố trí nép mình vào gốc cây. "Bắt đầu!" - hiệu lệnh của chú Phạm Kỳ Nam phát ra cùng lúc bàn tay chú chém mạnh vào không khí. Tiếng máy quay phim chạy xè xè. Phạm Chính hát, nhưng lại thẹn nên sắc mặt không tự nhiên. Những sáu bảy lần "Bắt đầu!", nét mặt Phạm Chính mới tỏ ra nghiêm trang khi hát Quốc ca. "Thôi được!" - khi chú Phạm Kỳ Nam thu lệnh như thế, Phạm Chính mới rời vị trí, chạy ra nhập đoàn với lũ trẻ chúng tôi, cùng nhau tưng tưng chạy về nhà như một bầy chim non.

Tháng 2/1965, Mỹ đánh vào Đồng Hới, Quảng Bình, mở đầu cho chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Ấy cũng là lúc tuổi trẻ làng quê Bảo Ninh chúng tôi mỗi người một việc. Người vào trường đại học. Người tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Người khoác súng vào Nam đánh giặc. Người theo cha chú lên thuyền ra khơi bám biển đánh cá...

Năm 1968, tôi trở lại Quảng Bình nhận công tác. Thật bàng hoàng khi được biết, Phạm Chính đã hy sinh từ tháng 5 năm trước. Trước đó một năm, bố anh, ông Phạm Rà, công tác tại ngành giao thông vận tải cũng đã bị bom Mỹ giết hại ở cửa Nhượng - Hà Tĩnh khi đoàn thuyền chở gạo vào Quảng Bình vừa ngang qua đây. Phạm Chính hy sinh, lúc đó anh là Tiểu đội trưởng trong Đại đội pháo C300 của Thị đội Đồng Hới.

Lần đó giặc Mỹ ném bom xuống trận địa sau làng. Phạm Chính bị một mảnh bom chém vào lưng, trong khi anh đang ấn cò súng, toàn thân đè lên khẩu pháo hai nòng đang nóng bỏng. Mộ của cậu bé hát Quốc ca bên bờ Nam sông Bến Hải hướng ra bờ Bắc trong bộ phim "Chung một dòng sông" năm xưa ấy được gia đình và dân làng đặt ở một trảng cát rộng, trên đồi. Tôi đến thắp hương trên mộ anh. Cậu bé trên cây, cậu bé nép dưới gốc cây ở bờ Nam sông Bến Hải, trong phim ấy, bây giờ, một người đứng đây, một người nằm dưới mộ. Nước mắt tôi lã chã rơi...

Những người làm phim "Chung một dòng sông" từ đạo diễn đến diễn viên chính giờ đây có lẽ đã vắng nhiều. Nhưng bộ phim họ để lại là một dấu ấn không thể phai mờ trong nền điện ảnh nước nhà. Trong đó có cả chúng tôi, những người dân làng biển Bảo Ninh và liệt sĩ Phạm Chính anh hùng từng vào vai phụ...
(Theo CAND)
Hồ Ngọc Diệp



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™