Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 04-08-2008, 11:54 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Gặp lại nữ TNXP sống sót duy nhất ở Truông Bồn

Gặp lại nữ TNXP sống sót duy nhất ở Truông Bồn

TP - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 12 cô gái và 2 chàng trai TNXP thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317- TNXP Nghệ An) đã đưa địa danh Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương đi vào huyền thoại.


Rạng sáng ngày 31/10/1968, sau loạt bom của máy bay Mỹ, 11 cô gái và 2 chàng trai TNXP đã nằm lại vĩnh viễn với núi rừng khi tuổi đời chưa tròn mười tám, đôi mươi.

Cả tiểu đội chỉ còn một người sống sót đó chính là nữ thương binh Trần Thị Thông, đang sống một cuộc đời thầm lặng ở ngoại ô TP Vinh.

Người sống sót cuối cùng

Phát hiện QL15A là con đường chủ lực và Truông Bồn là một trong những địa bàn trọng yếu của việc chi viện hàng hóa, vũ khí, lương thực... cho chiến trường miền Nam, máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá rất ác liệt.

Mỗi ngày có hàng chục tấn bom của kẻ thù rải xuống, có hôm làm tắc nghẽn huyết mạch giao thông nhưng chị em TNXP Truông Bồn đã cùng nhân dân địa phương ngày đêm san lấp hố bom để nối đường cho xe bộ đội đi qua.

14 chiến sỹ thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317 vừa làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ vừa cùng đơn vị bám đường san lấp hố bom. Nhiều hôm chị em phải thức trắng đêm để dùng bẹ chuối trắng rải xuống đường theo làn xe và khoác lên mình chiếc áo màu trắng để làm “cọc tiêu sống” chỉ đường cho những đoàn xe đi qua.

Sau nhiều trận mưa bom băm nát tuyến đường, mạch giao thông quan trọng bị đứt. Đêm 31/10/1968, Tiểu đội 2 -do chị Trần Thị Thông làm Tiểu đội trưởng đã nhận được mệnh lệnh “bằng mọi giá phải mở đường máu” để cho đoàn xe của bộ đội đi qua Truông Bồn trước khi trời sáng rõ.

Nhận được lệnh, chị em TNXP đã quyết tâm hết sức khẩn trương mở đường. Đến rạng sáng hôm ấy, khi công việc đã sắp hoàn thành theo kế hoạch thì bất ngờ có báo động.

Máy bay Mỹ ầm ầm lao tới trút bom xuống, làm cho Truông Bồn chìm trong biển khói lửa. Ngớt tiếng bom, cả Đại đội 317 và nhân dân Mỹ Sơn ào lên đường đi tìm người.

Trong ngổn ngang mảnh bom và đất đá, đồng đội nỗ lực tìm kiếm nhưng 11 cô gái và 2 chàng trai TNXP của Tiểu đội 2 đã vĩnh viễn ra đi, trong đó có 7 người không tìm được thi thể. Một người duy nhất sống sót đó là chị Trần Thị Thông.

Trong lúc đào bới tìm kiếm đồng đội, chị Hường (người Yên Thành) phát hiện một nòng súng đang trồi lên trong đống đất đá. Chị Hường kêu lên “Ở đây có người”.

Lập tức chị Phan Thị Thao (quê ở xã Tăng Thành, Yên Thành) cùng một anh bộ đội đến dùng tay đào bới, người ta tìm thấy chị Thông trong đống đất cát và đưa chị về cấp cứu ở nhà mẹ Nguyễn Thị Thởm ở xóm 9, xã Mỹ Sơn, Đô Lương.

Được biết ngay trước đêm cuối cùng ấy của 13 thanh niên xung phong, có tới 8 người trong số họ đã được xét nghỉ, chuẩn bị được nhập học các Trường ĐH, CĐ và Trung cấp, có người chuẩn bị về quê làm đám cưới...

Lặng lẽ một cuộc đời

Ngày 18/5/1965, Trần Thị Thông được gia nhập Đại đội 317- TNXP Nghệ An. Sau đó là Tiểu đội trưởng của Tiểu đội 2.

Bà Thông cho biết, đến năm 1969, bà được đơn vị cho về Vinh theo học nghề may mặc. Trong thời gian này, chị ở trọ trong nhà ông bà Đèo, phường Đông Vĩnh của TP Vinh. Nhà ông bà Đèo có mấy người con đều đi bộ đội. Nhà chỉ có hai ông bà già nên rất yêu chị Thông.

Một ngày kia khi ông Đèo bị ốm, gia đình gọi điện cho anh Lê Hải Diên, con trai ông Đèo - làm việc trong trạm xá thuộc Sư đoàn 308. Từ chiến trường Quảng Trị, Diên về chăm sóc cha. Lần đó anh đã gặp được Thông. Bộ đội và TNXP vốn rất gắn bó với nhau ở chiến trường nên lần đầu gặp gỡ,tình cảm nảy nở và hai người đã yêu nhau.

Diên gửi mẹ cha cho Thông chăm sóc, còn anh tiếp tục trở lại chiến trường Quảng Trị . Một năm sau ngày gặp nhau (tức năm 1970), anh Diên và chị Thông đã tổ chức làm đám cưới. Cưới xong mới được 3 ngày thì anh Diên lại khoác ba lô vào chiến trường.

Anh Diên cho biết, một năm sau ngày cưới, ở chiến trường anh nhận được tin vợ sinh con trai và đã mừng rơi nước mắt. Đến năm 1972, sau khi bị thương, anh Diên được phục viên về quê. Và cũng từ đó cặp vợ chồng thương binh nghèo này mới thực sự ở gần nhau.

Ngót nghét 40 năm trôi qua nhưng bà Trần Thị Thông vẫn nhớ rõ từng nét mặt, nụ cười và ánh mắt của từng đồng đội năm xưa- những người đã cùng bà làm nên một Truông Bồn đi vào huyền thoại. Nhiều đêm nằm ngủ bà còn mơ thấy từng người một và rồi cất tiếng gọi trong mơ. Nào là “Vinh ơi”, “Đang ơi”, “Nhung ơi”, “Doãn ơi”....

Cô gái Tiểu đội trưởng TNXP trẻ trung, sôi nổi, quyết liệt của ngày nào giờ đây đang bị bệnh tật hành hạ. Cuộc sống của vợ chồng họ vẫn chồng chất những khó khăn, lo toan bởi cơm áo gạo tiền. Hơn 30 năm về ở với nhau, hai người vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ chật chội, vật dụng không có cái gì giá trị hơn ngoài chiếc ti vi đã cũ.

Truông Bồn, tháng 7/2008

Ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tuyến đường QL15A đoạn qua Truông Bồn, thuộc xã Mỹ Sơn, Đô Lương dài khoảng 15 km.

Chỉ tính riêng năm 1968 không quân Mỹ đã ném khoảng 2.692 quả bom và bắn hàng trăm quả tên lửa xuống nơi này. Để đảm bảo giao thông tuyến đường, nhiều cán bộ là bộ đội, chiến sỹ phòng không, công binh QK4 và Đại đội TNXP 317 đã không quản ngại hy sinh.

Có 307 người đã hy sinh và bị thương trong khi đang làm nhiệm vụ, riêng xã Mỹ Sơn, Đô Lương có tới 41 người hy sinh và bị thương.

Với những thành tích của 13 liệt sỹ thuộc Tiểu đội 2, TNXP -C317 ở Truông Bồn, Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn -Hội cựu chiến binh TNXP tỉnh Nghệ An đã có tờ trình gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương và các Bộ ban ngành liên quan về việc xét truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 13 liệt sỹ TNXP thuộc Đại đội 317.

Đây là việc làm cần thiết và ý nghĩa khi mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của 13 liệt sỹ Truông Bồn(31/10/1968-31/10/2008).

Phan Sáng



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™