Tìm hiểu cội nguồn Hùng Vương, trong đó có việc coi Hùng Vương như là thủ lĩnh một tộc người thờ gà trống trắng là một vấn đề khá lý thú.
Một số học giả tên tuổi như Cầm Trọng, Trần Quốc Vượng coi danh từ Hùng có nguồn gốc Thái tộc. Theo họ, Hùng có gốc từ từ Khun hay Khún của các tộc người gốc Thái. Quả thật trong một số truyện dân gian của các tộc người Thái có một số thủ lĩnh Thái tộc mang họ Khun hoặc Khún: Khun Sa (Khun Sa là thủ lĩnh tộc người Shan thuộc ngữ hệ Thái ở Myanmar, y là người lai giữa người Shan và người Hoa); Khún Bolom (còn gọi là Khún Borom), một thủ lĩnh của người Lào. Tộc người Lào ở nước CHDCND Lào cũng thuộc về nhóm Thái tộc, họ được gọi là Thái Lạng xạng, nghĩa là Thái triệu voi; Khún Lò, Khún Chương trong truyện dân gian Thái Tây Bắc nước ta, trong truyện dân gian Lào.
Theo ý riêng tôi, cách quan niệm trên của Cầm Trọng và Trần Quốc Vượng là có thể chấp nhận được. Trong một số bài khảo cứu đã công bố tôi cũng xem Hùng trong Hùng Vương có cội nguồn Khun của ngữ hệ Tày - Thái. Hùng vừa là danh từ chung, lại vừa đóng vai trò danh từ riêng. Khi nói Hùng Vương đánh nhau với Thục Phán thì Hùng Vương là danh từ riêng. Khi nói Hùng Vương có 18 đời thì mỗi đời vua Hùng cũng là một danh từ riêng, ví dụ: Hùng Duệ Vương. Nhưng khi tôi viết Hùng Vương-thủ lĩnh tộc người thờ gà trống trắng thì Hùng Vương ở đây lại là danh từ chung, nó cũng tương tự như khi người ta nói Việt Vương, Sở Vương, Hán Đế, Tần Công, Tề Công...
Hùng Vương, nguyên ủy, là thủ lĩnh một tộc người nói một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Tày - Thái. Tộc người do Hùng Vương cầm đầu chiếm lĩnh khu vực châu thổ sông Hồng. Khi bắt đầu văn hóa Phùng Nguyên (-2000) thì đồng bằng này mới chỉ rất hẹp, biển vào tới tận thị xã Sơn Tây ngày nay. Nhóm cư dân Tày - Thái do Hùng Vương làm đầu lĩnh gắn với cả một thế giới Tày - Thái rộng lớn ở vùng Hoa Nam - khi đó còn nằm ngoài thế giới của người Hoa.
Giới khoa học đã tiến tới quan niệm rằng khái niệm Bách Việt có nội dung Thái tộc, trong khi mà Sở thuộc về Miêu tộc, và Ngô quốc trong thời Đông Chu liệt quốc là một quốc gia Nam Đảo (Austronesian).
Ở người Thái có sự phân chia thành hai nhánh Thái Trắng (Táy Khao, Táy Đón) và Thái Đen (Táy Đăm, Táy Xuông). Sự phân chia này biểu hiện đậm đặc ở tộc người Thái tại Tây Bắc nước ta, chủ yếu dựa vào sự khác biệt trong văn hóa trang phục của họ. Thái Đen mặc áo đen, Thái Trắng mặc áo trắng. Theo nhà Thái học Cầm Trọng thì người Nùng xưa kia vốn là người mặc áo đen, còn người Tày là người áo trắng (1). Người Lào đóng vai trò chủ thể ờ CHDCND Lào vốn thuộc ngành Thái Trắng, còn tộc người Thái làm chủ vương quốc Thái Lan thuộc về một nhóm cư dân Thái Đen. Cũng theo Cầm Trọng, sự phân chia thành hai ngành Thái Trắng, Thái Đen xuất hiện cách đây 6.000 năm (2).
Người Thái Trắng thờ chim, theo phụ hệ, người Thái Đen thờ rắn (rồng), theo mẫu hệ. “…Thái đen theo dòng mẹ Rồng và cha Chim, ngược lại Thái trắng theo dòng mẹ Chim và cha Rồng. Đó là bức tranh có thể thấy được tromg môtip văn hóa phân chia thành hai ngành Đen và Trắng…”(3).
Thần thoại Việt khẳng định Lạc Long Quân - mà Cao Huy Đỉnh gọi là Vua Rồng xứ Lạc - là ông tổ (cha) và Âu Cơ - nòi chim, là Tiên - là bà tổ (mẹ) của người Việt. Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng nở trăm người con, tức là trăm tộc người khác nhau. Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển. Âu Cơ dẫn 50 con lên núi, trong đó con trưởng là Hùng Vương.
Rõ ràng nếu chúng ta so sánh thần thoại giải thích cội nguồn Việt tộc với sự phân chia Thái tộc thành hai nhánh Đen và Trắng như đã nói ở trên thì người Việt chúng ta có sự gần gụi, hơn thế nữa, là quá giống với cách quan niệm của người Thái Trắng. Ta có mẹ Chim (Âu Cơ) và cha Rồng (Lạc Long Quân). Nhưng người Thái Trắng do Hùng Vương cầm đầu chỉ là một nhánh tạo nên người Việt chúng ta. Còn một nhánh cư dân khác góp phần tạo nên người Việt cổ chính là một nhóm cư dân có gốc Nam Á (Môn-Khơme) sinh tụ ở vùng quanh núi Ba Vì và vùng sông Lam, sông Mã, sông Chu, tôn sùng thần núi Tản Viên (Sơn Tinh). Hai nhóm cư dân có nguồn gốc ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau này đã lưỡng hợp thành người Việt cổ, khi có một lực lượng thứ ba nguồn gốc Nam Đảo từ Hạ Long, từ duyên hải Thanh - Nghệ tiến sâu vào đất liền, đặc biệt vào khu vực đồng bằng sông Hồng.
Thời Phùng Nguyên (-2000-> -1500) thì hai nhánh Nam á cổ và Tày-Thái Trắng cổ còn chưa lưỡng hợp. Sự thống nhất hoàn chỉnh diễn ra vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (-700). Quá trình thống nhất tương ứng với giai đoạn văn hóa Gò Mun (-1100-> -700) tại sông Hồng và giai đoạn Quỳ Chử (-1100->-700) tại sông Mã. Phải đến thời kỳ Đông Sơn thì người Việt cổ mới thực sự hình thành, đạt tới độ thống nhất khá cao, họ cũng làm chủ một nền văn minh đồng thau phát triển thịnh đạt cùng một nền văn hóa lúa nước tuyệt diệu.
Theo tôi, có hai giai đoạn Hùng Vương: Hùng Vương của người Thái Trắng là Hùng Vương I. Hùng Vương của người Việt cổ của thời đại Đông Sơn là Hùng Vương II.
Trong các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên người ta đã đào được tượng gà bằng đất nung. Tại Cổ Loa có Xóm Gà. Tại Bắc Ninh nhiều làng thờ Gà Trắng làm thành hoàng làng. Một trong những lễ vật mà vua Hùng thách cưới hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh là gà chín cựa. Sơn Tinh có lễ vật trước, khi đến cổng thành, quân lính của Hùng Vương không cho vào, vì khi đó mới là canh tư. Sơn Tinh giả làm tiếng gà gáy sáng nên quân lính tưởng là trời sáng bèn mở cổng thành cho Sơn Tinh vào. Thực ra, trong chi tiết này, ta cần hiểu tiếng gà gáy là một biểu tượng, có tiếng gà gáy thì cổng thành mới được mở. Lễ hội dân gian vùng Ba Vì và vùng Phong Châu, khi diễn lại tích Sơn Tinh Thủy Tinh - Mỵ Nương có điệu múa gà phủ.
Có thể khẳng định được rằng tộc người do Hùng Vương I là thủ lĩnh là một nhóm cư dân Thái Trắng-Tày cổ thờ Chim, mà Chim ở đây là Gà trống trắng. Người Thái Trắng ở Tây Bắc thờ chim én.
Truyền thuyết Thục Phán - Mỵ Châu - Trọng Thủy (tức truyện Loa thành) giúp ta khẳng định rõ thêm sự hiện hữu của tín ngưỡng thờ Gà trống trắng ở tộc người Việt cổ mà Hùng Vương II cầm đầu. Dĩ nhiên trong thời kỳ Hùng Vương và Đông Sơn, có hiện tượng đa thần giáo trong đời sống tâm linh của xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên tín ngưỡng thờ gà trống trắng vẫn chiếm một vị trí rất quan trọng.
Khi đã diệt được Hùng Vương, chiếm Phong Châu, Thục Phán dời đô về Cổ Loa, tiến hành xây thành xoáy ốc. Truyện kể rằng, thành xây ban ngày bao nhiêu thì tối đến bị đổ sạch. Thần Kim Quy biết rõ thiên cơ bèn bảo cho Thục Phán biết rằng con gái chủ quán lấy con gà trống trắng tu luyện nghìn năm thành tinh ở núi Thất Diệu, nếu nhà vua giết được con gà trống trắng ấy thì thành nhất định xây xong. Truyền thuyết này thoạt nghe ta thấy rất hàm hồ, mông lung, vô lý; các nhà Nho nước ta ngày trước từng chê cười, cho là phi lý và quái đản, rùa mà cũng nói tiếng người, người đàn bà sao lại lấy gà trống làm chồng?! Nhưng ta cần bóc tách cái vỏ duy tâm, phi lý, mơ hồ ấy ra thì ta sẽ hiểu được thực chất vấn đề, sẽ nắm được cốt lõi lịch sử mà dân tộc gửi gắm trong truyền thuyết.
Kinh thánh (Cựu ước) của người Do Thái giáo bảo rằng trong khoảng thời gian 40 năm Moise (Moses) dắt dẫn dân tộc Do Thái bỏ xứ Ai Cập để trở về Palestine nhưng chưa về được nên họ sống loanh quanh trong vùng sa mạc Sinai. Khi đó Chúa Trời ban cho họ mỗi buổi sáng giỏ thần trong đó có sữa, bánh và mật ong. Họ không cần phải làm lụng vất vả mà vẫn có ăn. Thực ra thì Chúa Trời không ban gì hết cho họ. Theo các nhà khoa học nghiên cứu Cựu ước thì vùng sa mạc Sinai có loại cây bách liễu, trên cây sinh sống loài côn trùng, được người Hy bá lai (Hebrew, Hebreu) tức người Do Thái dùng làm thực phẩm. Nó có chất hydrat cacbon, ngọt và sánh tựa mật. Tuy nhiên nó chỉ là thứ thay thế cho lương thực như lúa mỳ, lúa mạch khi cả một tập đoàn người Do Thái đi loanh quanh trong sa mạc Sinai đến 4 thập kỷ mà không có cách gì để trồng cấy lương thực. Nêu lên một thí dụ như thế để độc giả hình dung được rằng: một số chuyện trong thần thoại cũng có hạt nhân hợp lý, khoa học chứ không phải mọi thứ đều là phi lý, hoang đường, mông lung. Vấn đề là người ta phải bóc tách ra được cái hạt nhân hợp lý ấy.
Chúng ta trở lại vấn đề con gà trống trắng trong truyện Cổ Loa thành. Cách nói con gái chủ quán trọ lấy con gà sống trắng tu luyện nghìn năm thành tinh ở núi Thất Diệu là cách nói bóng, phương pháp ẩn dụ mà tư duy thần thoại thường sử dụng.
A’
A
Cô con gái chủ quán
Con dân Vua Hùng cũ
Con gà trống trắng tu luỵên thành tinh ở núi Thất Diệu
Tín ngưỡng thờ gà trống trắng của cư dân Việt cổ theo Hùng Vương
Con gái chủ quán lấy gà trống trắng làm chồng
Con dân Vua Hùng cũ thờ gà trống trắng làm thần
Gà trống trắng bị giết bởi Thục Phán
Tín ngưỡng thờ gà trống trắng bị Thục Phán diệt
Cô con gái chủ quán lăn ra chết
Người Việt cổ bỏ tín ngưỡng thờ gà trống trắng, thần phục Thục Phán, trở thành con dân Thục Phán.
Cái đập vào mắt ta là A’, song thực chất của vấn đề lại là A. Nhà nghiên cứu phải giải mã cho được A’ là A.
Tôi xin dẫn ra một dẫn chứng khác về vấn đề phương pháp ẩn dụ trong văn học dân gian và sự giải mã ẩn dụ. Trong tác phẩm Truyện cổ nước Nam của tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có kể một câu chuyện lý thú. Vào một thời kỳ nọ trong lịch sử dân tộc, nhà kia có đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc. Bỗng nhiên loạn lạc xảy ra, giặc dã liên miên khiến hai vợ chồng ly tán. Người vợ vẫn sống trong nhà chồng nhưng người chồng bị lạc. Chờ rất lâu không thấy chồng về, người vợ bèn lấy một người chồng khác. Đôi vợ chồng mới sống cũng rất hạnh phúc. Bỗng nhiên một ngày kia anh chồng cũ trở về. Tình trạng phức tạp và khó xử xuất hiện trong quan hệ giữa ba người. Một hôm chị vợ bỗng hát lên :
Muốn tắm mát lên ngọn sông Đào,
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.
Đôi tay em vít cả đôi cành,
Quả chín thì hái, quả xanh thì đừng.
Anh chồng mới nghe chị vợ hát, biết rằng chị ta vẫn còn yêu anh chồng cũ hơn mình nên anh ta chủ động giã từ chị vợ, nhường chị ta cho anh chồng cũ. Anh chồng mới đã giải mã được ý tứ mà người vợ gửi gắm trong câu hát. Thoạt kỳ thủy ta tưởng cần phải giải mã sông Đào và rừng xanh, nhưng thực ra không phải vậy. Hai câu đầu chỉ là để dẫn vào hai câu sau.
ăn sim chín
hạnh phúc vợ chồng
rừng xanh
gia đình
đôi tay em vít cả đôi cành
trạng huống phức tạp, vợ chồng tay ba
cành chín
anh chồng cũ
cành xanh
anh chồng mới
cành chín thì hái, cành xanh thì đừng
giữ anh chồng cũ, chia tay anh chồng mới
Trong một thời kỳ lịch sử dài lâu từ giai đoạn Hùng Vương I (-2000->-1100) qua Hùng Vương II (-700->-258) thì tín ngưỡng thờ gà trống trắng vẫn được cư dân nước ta tin theo. Đến khi Thục Phán-An Dương Vương diệt được tín ngưỡng truyền thống lâu đời đó thì thành Cổ Loa mới được xây dựng hoàn chỉnh, địa vị của Thục Phán được củng cố, thể hiện bằng sự kiện thành Cổ Loa được xây dựng hoàn chỉnh.
Gà là một con vật gắn với nền nông nghiệp trồng lúa vùng Đông Nam Á. Từ Công nguyên trở về trước vùng Giang Nam - Ngũ Lĩnh của Trung Hoa được coi là thuộc về khu vực Đông Nam Á cổ đại, ở đây cũng có nhiều gà. Đông Nam Á cổ đại được coi là quê hương của cây lúa nước, cũng như quê hương của gà. Gà nhà là gia cầm, được thuần hóa từ gà rừng. “Ở Sumatra (Nam Dương) người ta có đền thờ gà và tổ chức hàng năm để vinh danh thần gà”(4). Có thể không riêng gì ở Sumatra mới có đền thờ gà và tín ngưỡng thờ gà.
Chúng ta thử bàn qua về tộc danh Hùng mà sử sách, thư tịch cổ Việt và Hán đều chép.
Hùng với nghĩa là thủ lĩnh, gốc từ từ Khun có cội nguồn ngôn ngữ Thái tộc thì chúng ta đã bàn tới ở trên và trước nay tôi vẫn tán thành ý kiến đó.
Tuy nhiên ta cũng cần nhìn qua xem từ Hán hay Hán - Việt có dính dáng gì tới từ Hùng hay không ?!
Theo Từ điển Việt - Hán (do GS Đinh Gia Khánh hiệu đính, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội ấn hành năm 2003) thì chữ Hùng ( ) còn có nghĩa là con gà trống, trong khi đó chữ Thư ( ) là con gà mái. Trong tiếng Việt ta cũng như trong tiếng Hán đều có cách nói quen thuộc một trận hùng thư với cái nghĩa là đánh nhau quyết liệt, một phen sống mái, một sống một chết...
Phải chăng Hùng Vương của dân tộc Việt chúng ta, nguyên là thủ lĩnh một tộc người Thái cổ - Tày cổ thờ gà trống trắng, sau này trong thời Đông Sơn tín ngưỡng đó vẫn được người Việt cổ tin theo; tới thời Âu - Lac thì tín ngưỡng đó bị thất truyền, bị tuyệt diệt bởi tay An Dương Vương.
Nhân dịp Xuân Ất Dậu 2005, tôi viết mấy dòng trên đây đóng góp vào việc nghiên cứu Hùng Vương và đời sống tín ngưỡng thời Hùng Vương và thời Đông Sơn. Mong được các bậc thức giả và độc giả xa gần góp ý, bàn luận, tôi xin cảm ơn lắm thay! Cũng cần phải chua thêm ở đây là ý kiến cho rằng Hùng trong Hùng Vương là một con gà trống không phải do tôi là người đưa ra đầu tiên. Tuy nhiên tôi đã chấp nhận ý kiến này, sau khi đã tập hợp nhiều dữ kiện khác.
Nghiên cứu về cái gọi là tín ngưỡng hay tôn giáo thời văn minh Đông Sơn và đời Hùng Vương dựng nước thì rất khó có thể nói chắc như đanh đóng cột rằng A là A, B là B, nói một cách chẻ hoe như vấn đề nằm trong lòng bàn tay vì chúng ta cách xa tiền nhân cả hai, ba, bốn thiên niên kỷ; tư liệu, chứng cứ thiếu thốn. Nhà nghiên cứu cần phải, hơn lúc nào hết, tổng hợp rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau (cổ sử, dân tộc học, khảo cổ học, Hán - Nôm học, folklore học, thần thoại học, ngôn ngữ học, từ vựng học và ngữ âm học lịch sử , cổ địa lý học, địa danh học, tôn giáo học…). Và nhà nghiên cứu cũng cần có óc suy luận, trí tưởng tượng, khả năng suy đoán nữa thì ngõ hầu mới đạt kết quả, để có thể hiểu được rằng A’ là A, A là A’.
Trong bài này tôi mới chỉ bàn về vấn đề Hùng Vương là thủ lĩnh tộc người thờ gà trống trắng ?! Vấn đề nguồn gốc Tày - Thái của Hùng Vương I tôi xin để dịp khác hầu chuyện độc giả một cách kỹ lưỡng hơn.
Hà Nội, tháng 3-2005.
Đ.V.B
_______________
1, 2. Cầm Trọng, Từ những tên gọi của từng dân tộc trong ngôn ngữ Tày - Thái chúng ta có thể nghiên cứu gì về nguồn gốc của họ?, Tạp chí Dân tộc học, số 4/1992, tr.14-22.
3. Cầm Trọng - Phan Hữu Dật, Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995, tr 30.
4. Nguyễn Văn Tuấn, Tản mạn về gà - một dấu tích văn minh nông nghiệp Đông Nam Á, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2/2005, tr.33.
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: