LTS: Thế Lữ là người mở đầu cho phong trào Thơ mới, một cây bút văn xuôi vững vàng, đặc biệt là những truyện khoa học rùng rợn (như Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh), một kịch tác gia và đạo diễn nổi tiếng. Ngoài ra, ông còn là một nhà báo sôi nổi trên hai tờ Phong hóa, Ngày nay và tạp chí Văn nghệ sau 1945. Nhân ngày 21-6, VHNT xin giới thiệu phạm vi hoạt động còn ít người biết đến của con người đa tài Thế Lữ.
Ngay từ khi còn rất trẻ, Thế Lữ đã được làm quen với báo chí. Có một trong nhiều nguyên nhân khiến Thế Lữ chỉ học đến hết năm thứ nhất trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương thì bỏ, như ông đã tâm sự: "Tôi muốn viết, tôi muốn viết văn, viết báo để ta cùng "mở mày mở mặt". Pháp họ có nhà văn thì mình cũng có nhà văn, họ làm báo, viết văn, thì ta cũng làm được". Thế Lữ từng làm công việc sửa bản in cho tờ báo ý muốn của Đông Dương (Volonté Indochinoise).
Thế Lữ chính thức bước vào nghề văn từ nghề báo. Rất may mắn và thuận lợi cho ông, nơi ông khởi nghiệp, được thử thách để trưởng thành lại là Phong hóa và Ngày nay, hai tờ báo thuộc một tổ chức văn học duy nhất, đầu tiên, có vai trò, có đóng góp lớn nhất nước trong công cuộc đổi mới văn chương, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nền báo chí và nền văn học nước nhà. Tự lực văn đoàn, với hai tờ tuần báo Phong hóa và Ngày nay cùng với nhà xuất bản Đời nay, đã làm nên tên tuổi Thế Lữ, cũng như đã sinh ra các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, nhà thơ Tú Mỡ và có thể cả một số nhà văn nổi tiếng khác nữa. Đối với Thế Lữ và một số thành viên khác (trừ Tú Mỡ, Xuân Diệu sau này còn tiếp tục sáng tác văn chương), hai công việc làm báo và viết văn hầu như được thu gọn trong thời gian làm việc trong Tự lực văn đoàn, số năm tháng viết văn của họ gần trùng khít với tuổi thọ của văn đoàn này. Thế Lữ và hầu hết trí thức cựu học và tân học viết văn ở nước ta đầu thế kỷ XX nhờ báo mà có văn, nhờ báo mà có tác phẩm văn chương in thành sách. Tuần báo Phong hóa là luồng gió mới, làm xáo trộn tất cả trật tự xã hội, thổi tung những lớp bụi bẩn phủ đầy trên lâu đài văn hóa cũ một lần nữa bay mù trời.
Là một trong sốt ít ỏi tám thành viên của một tờ báo tự nhận lấy vai trò lớn trong công cuộc cải cách văn hóa xã hội và nhất là cải cách văn chương, Thế Lữ đã đảm trách nhiều phần việc quan trọng, từ tổ chức đội ngũ bạn viết đến việc biên tập và viết bài mang tính thời sự để in trên những trang mục thường xuyên. Về sáng tác của cá nhân, ngoài thơ, Thế Lữ còn viết truyện, trước tiên nhằm cuốn hút bạn đọc, sau đó là đóng góp tài năng của mình vào nền văn học mới của dân tộc. "Tờ báo có một quy định chặt chẽ, tất cả những người trong Tự lực văn đoàn đều phải thay nhau làm chủ bút 6 tháng… Bốn anh em rường cột trong toà soạn (anh Tam, anh Long, anh Giư, anh Thế Lữ), tình nguyện chỉ lãnh mỗi tháng 50 đồng đủ sống, để dành tiền lãi làm vốn phát triển". Bút danh Thế Lữ và bút danh thứ hai dùng khi viết báo là Lê Ta gắn liền với tên tuổi hai tờ báo của Tự lực văn đoàn. Thế Lữ - Lê Ta tham gia phụ trách, viết nhiều bài tại các chuyên mục như Cuộc điểm báo, Cuộc điểm sách, Từ cao đến thấp… (Phong hóa) hoặc Điểm báo, Xem văn, Tin thơ, Tin văn … vắn (Ngày nay). Trong đó, mục Tin thơ do ông viết hầu như toàn bộ, đã phát hiện và khích lệ một số khả năng thơ mới. Ở báo Ngày nay, Thế Lữ tham gia tất cả những trang mục chủ yếu. Về thời sự, Lê Ta góp sức cùng Tứ Ly (Nguyễn Tường Long), Nhị Linh (Khái Hưng), Đoàn Phú Tứ. Về phê bình văn học, nghệ thuật, Thế Lữ - Lê Ta góp tin bài cùng Khái Hưng, Thạch Lam. Về truyện, tác phẩm của Thế Lữ đan xen với tác phẩm của các bạn văn Khái Hưng, Nhất Linh, Đỗ Đức Thu, Thạch Lam, Thanh Tịnh, Trần Tiêu. Về thơ, Thế Lữ in tác phẩm của mình và giới thiệu tác phẩm của các nhà thơ Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Phạm Văn Hạnh,... Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài bàn về văn chương, nghệ thuật, ngoài những chuyên mục cố định. Ông giúp báo Tinh hoa viết một số bài cần thiết do báo ấy yêu cầu.
Đáng chú ý nhất trong những hoạt động báo chí, văn chương của Thế Lữ là, từ khoảng năm 1934 cho đến hết chặng đường của Tự lực văn đoàn, ông đã thông qua việc làm báo ở một tờ báo không chỉ chuyên về văn chương theo nghĩa hẹp, góp phần lớn cùng Lưu Trọng Lư, Huy Thông và một số nhà văn, nhà thơ khác ở bên ngoài, kết hợp với các thành viên trong tổ chức này, chống thơ cũ, bảo vệ và đề cao thơ mới bằng việc đăng bài báo, nêu lý lẽ, đăng sáng tác, trong đó có sáng tác của chính mình, để chứng minh, khẳng định. Ngoài những sáng tác nghệ thuật, Thế Lữ đã viết hàng trăm tin, bài trên báo.
Khoảng gần một năm đầu ở báo Phong hóa, cũng là khi phong trào Thơ mới vừa mở ra với những cuộc khẩu chiến, bút chiến căng thẳng giữa phái chủ trương thơ cũ và phái chủ trương thơ mới, Thế Lữ lặng lẽ làm thơ, đăng thơ. Đến khi ông đăng liên tiếp những bài phê phán thơ cũ và loại thơ gọi là thơ mới nhưng tẻ nhạt, kệch cỡm, đồng thời bênh vực, cổ vũ thơ mới đích thực, thì cũng là khi những bài thơ của ông đăng trước đó và vừa xuất hiện chiếm được cảm tình nồng nhiệt của bạn đọc rộng rãi ở thành thị, trong đó có các bạn viết trẻ và giới học thuật, khiến những người chủ trương thơ cũ và phải ngại ngần, nhường nhịn.
Bài thơ Nhớ rừng gây chấn động, có sức cảm hóa đối với đông đảo bạn đọc. Rồi những bài thơ khác như Cây đàn muôn điệu, Tiếng sáo Thiên thai… đăng báo Phong hóa và báo Ngày nay và cuối cùng, tất cả những tác phẩm ấy được gom vào tập Mấy vần thơ (cùng với tập thơ Dòng nước ngược của Tú Mỡ, là hai tập thơ đầu tiên của Tự lực văn đoàn, cũng là đầu tay của hai tác giả, do Nhà xuất bản Đời nay công bố cùng năm 1935), trở nên một trong những "đòn" chủ yếu dứt điểm, đánh bại thơ cũ, giành phần thắng hoàn toàn, rực rỡ cho thơ mới.
Thế Lữ là một biên tập viên cần mẫn, thẳng thắn, trung thực, có trách nhiệm cao và nhiều tình thân ái đối với bạn đọc, bạn viết báo, bạn văn chương. Ông nói: "Sự thành thực, đường hoàng là sức mạnh của người làm báo" (Ngày nay, số 30, 19-12-1937). Thế Lữ rất chú ý phát hiện và biểu dương cái mới. Ở mục Tin thơ (chuyên về khen) do ông đảm trách, với bút danh là tên thật Thế Lữ, ông đón mừng những khả năng thơ mới vừa xuất hiện, có nhiều triển vọng. Ông trân trọng thơ của các nhà thơ vượt qua ông như Xuân Diệu, Huy Cận và thơ của các nhà thơ khác như Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Đoàn Phú Tứ, văn của Thanh Tịnh..., sớm đăng bài của họ . Ông viết bài giới thiệu thơ Xuân Diệu, văn Thạch Lam,... một cách mạnh dạn, công bằng. Ông còn nhắn tin trên báo và gửi thư cho một số cây bút trẻ có triển vọng, thậm chí còn đến thăm, động viên, khích lệ họ sáng tác và cộng tác với hai tờ báo của Tự lực văn đoàn. Song Kim, bạn đời của Thế Lữ, từng kể lại rằng có một lần vào ban đêm, khi đọc lại bài lai cảo lẽ ra đã bỏ qua, Thế Lữ phát hiện một truyện ngắn rất hay của Tô Hoài. Thế Lữ bèn đến ngay nhà Thạch Lam trong đêm. Thế là mấy ngày sau, truyện ngắn ấy được đăng trên báo Ngày nay.
Thế Lữ có nếp làm việc đáng được trân trọng và ghi ơn là khi đọc thơ của bạn đồng nghiệp, ông dày công biên tập, sửa chữa. Khi Xuân Diệu gửi đến báo Phong hóa bài Hoa đêm có câu đầu ở khổ thứ hai là Một tối vòm trời chẳng gợn mây, Thế Lữ sửa thành Một tối bầu trời đắm sắc mây. Xuân Diệu cho rằng "Thế Lữ đã chữa hộ tài tình". Một thí dụ khác, câu thơ quen thuộc, nổi tiếng của Hàn Mặc Tử trong bài Bẽn lẽn vốn là: Trăng nằm sóng sượt trên cành liễu, được Thế Lữ sửa hay hơn như bạn đọc đã biết đến là: Trăng nằm sóng soải trên cành liễu.
Những năm ba mươi đầu thế kỷ XX, Phong hóa và Ngày nay được nhìn nhận như là những tờ báo trào phúng đầu tiên của báo chí Việt Nam.
Chủ trương dùng cái cười để góp phần xóa bỏ cái cũ, cái trì trệ và tạo dựng cái mới lại rất phù hợp với tố chất hóm hỉnh, hài hước, trào lộng của nhà báo Lê Ta - Thế Lữ. Nhà thơ Tú Mỡ với những bài thơ trào phúng của ông, đã góp phần lớn tạo nên cái cười mà Tự Lực văn đoàn chủ trương. Thế Lữ, Tú Mỡ kết thân với nhau một phần vì hai ông cùng có khả năng gây cười. Cùng làm việc ở một tờ báo, mỗi người một vẻ, người làm thơ, người viết báo, cả hai phối hợp, bổ sung cho nhau, đóng góp tiếng cười vừa vui vừa phê phán một cách rất nhiệt tình và có hiệu quả. Yếu tố hài hước cũng có trong thơ trữ tình và văn xuôi nghệ thuật của Thế Lữ. Trong thơ, yếu tố hài hước lộ ra khi Thế Lữ tự bạch, rằng Thế Lữ là một chàng kỳ khôi, quần áo xộc xệch, đi lang thang không nhà cửa, "Sống hôm nay không biết đến ngày mai". Trong truyện, yếu tố hài hước đọng lại ở những đoạn văn, câu văn nói đến những người vụng về, thấp kém, những sự việc trớ trêu, trái khoáy hoặc có khi tác giả chỉ cốt tạo ra tiếng cười vui vẻ, nhẹ nhàng, có tác dụng giải trí đơn thuần.
Yếu tố hài hước trong những bài báo của Thế Lữ thường thường mang hai mục đích, một là phê phán, hai là vui vẻ, giải trí. Ở không ít trường hợp, hai mục đích đó không dễ tách bạch. Đối với Thế Lữ, cái hài vừa là một phương tiện vừa là một biện pháp nghệ thuật. Nhìn chung lại, chất hài hước là một trong những yếu tố thuộc phong cách báo chí của Thế Lữ. Nếu yếu tố hài hước chỉ xuất hiện thoáng qua trong văn chương của Thế Lữ thì nó lại có mặt thường xuyên nhiều bài báo của ông. Nhiều khi, Thế Lữ vừa làm công việc của một nhà báo, vừa làm công việc của một nhà phê bình văn học. Thế Lữ phê phán một cách hài hước thói a dua, theo đuôi, lai căng, sáo ngôn, sính chữ, kệch cỡm, giả dối, dễ dãi, lười biếng, đểnh đoảng…
Đùa và phê nhẹ tập thơ Dưới trăng của Thao Thao, tập thơ dày… 16 trang, trong đó có nhiều bài chỉ có một câu, Thế Lữ viết: "Thao Thao thì phải bất tuyệt chứ" (Phong hóa, số 138, 15-2-1935). Khi ấy, tác giả thơ Thao Thao là một trong những trường hợp điển hình về việc tìm tòi lạ lẫm. Sách thơ của ông gửi bán bị phủ bụi cả năm chỉ vì tác giả bọc kín trong túi giấy bóng kính. Trả lời câu hỏi: "Làm như thế thì ai biết nội dung thế nào mà mua" Thao Thao giải thích: sách mỏng, không làm thế thì người ta đọc chỉ mấy phút là hết, không bán được. Chuyện này được Lê Ta kể ra có ý cười cợt. Lê Ta chuyện trò với một tác giả thơ có cái bút danh lạ: Ngoai. Nhà báo, nhà phê bình khuyên "nhà thơ" ấy: "Đừng dài giọng, đùa cợt với vần điệu, nhưng đừng khinh mạn; đừng bằng lòng đeo những hạt bàng rẻ tiền lẫn với hạt ngọc xinh xắn trên cổ người tình nhân khả ái là Nàng Thơ của ông". Lê Ta cũng không quên khuyên ông Nghoai bỏ cái tên Nghoai kỳ dị đi (Ngày nay, số 87, 28-11-1937). Thời thơ mới, một số người làm thơ đặt những bút danh kỳ dị tương tự hoặc dùng bút danh phụ nữ để dễ được đăng. Những trường hợp như vậy bị Thế Lữ mang ra đùa cợt, chế nhạo. Đương nhiên, nội dung và chất lượng tác phẩm vẫn được Thế Lữ chú ý hơn những hình thức nằm ngoài văn chương. Không đồng tình với sáng tác đoạt giải Nhất trong một cuộc thi "tầm cỡ", Lê Ta viết một cách hóm hỉnh: "Bài Tân nữ huấn ca, mặc dù có tiếng tăm bóng lộn như một nước sơn phủ ngoài, cũng là một vật cất vào bảo tàng. Một cái gương cũ đã mờ, ông chủ kèm nhèm cố hà hơi lên mặt kính, ông lấy ống tay áo lụng thụng lau lên làm cho sạch bụi và thật thà bảo các bạn gái: soi đi!" (Ngày nay, số 185, 28-10-1939). Phê phán người viết sách, soạn sách và nhà xuất bản chạy theo thị hiếu tầm thường, trái thuần phong mỹ tục, phản thẩm mỹ, Lê Ta mỉa mai: "Thì ra nghề xuất bản có thể là bước hiển đạt của những hiệu thuốc phong tình". Thế Lữ cũng không ngần ngại chĩa mũi dùi vào cơ quan kiểm duyệt của chính quyền thực dân Pháp. Ông tiết lộ rằng: "Bị cắt nhiều nhất và bị cắt luôn, là những báo trào phúng, phần nhiều ta chỉ thấy những nụ cười bạch phếch và buồn bã lạ lùng". Nhà báo trào phúng mạnh dạn phát hiểu: "Cứ thành thực mà nói thì tôi… mong cho bà kiểm duyệt chóng về hưu" (Ngày nay, số 197, 20-1-1940).
Tố chất hóm hỉnh, hài hước của đôi bạn Thế Lữ - Tú Mỡ làm lây truyền đến tất cả các nhà báo khác trong nhóm. Trên một số báo Ngày nay đầu xuân năm 1940, Thế Lữ và Tú Mỡ bỗng nhiên mở một mục vui mang tên Minh niên giáng bút. Mục này đăng những bài thơ bốn câu chủ yếu do hai ông sáng tác, nhằm châm chọc, đùa bỡn các cây bút văn chương ngoài và cả trong Tự lực văn đoàn (không nêu công khai danh tính) như: Tam Lang, Nguyễn Tuân, Lê Văn Trương, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Can, Ngô Tất Tố, Ngọc Giao, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Lê Ta, Thạch Lam...
Khi Xuân Diệu đỗ tham tá thương chính, nhận được giấy bổ vào Sài Gòn nhậm chức, nhóm làm báo Ngày nay (thiếu Khái Hưng, Trần Tiêu, có thêm Huy Cận) tổ chức bữa tiệc tiễn đưa. Tám người gồm Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận, Thế Lữ, Tú Mỡ và Xuân Diệu bàn nhau cùng làm thơ nghịch ngợm tiễn Xuân Diệu. Hoàng Đạo ứng khẩu trước một câu thất ngôn, bảy người tiếp theo mỗi người làm một câu. Thế là một bài thơ thất ngôn bát cú, mà tác giả là tập thể tám nhà thơ, nhà văn, được hoàn thành. Toàn văn bài thơ như sau: Bỗng dưng thi sĩ hóa tây đoan / Nửa mặt nhà thơ, nửa mặt quan/ Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ / Nỗi tình ly biệt ý khôn toan / Giờ đây xin nhớ phen bùi ngọt / Chốc nữa đừng quên cảnh… tóp chan / Ví thử anh em đều xuất cả / Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn. Tú Mỡ đặt tên bài thơ là Bát tiên quá chén (Ngày nay, số 200, 24-2-1940).
Tố chất hài hước, trào lộng là một trong những mặt mạnh của nhà báo Thế Lữ, phù hợp với chủ trương của Tự Lực văn đoàn.
Sau năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, Thế Lữ tiếp tục tham gia hoạt động báo chí trong một thời gian ngắn. Năm 1948, Thế Lữ làm việc ở tạp chí Văn nghệ, tiền thân của báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Ông giữ cương vị Ủy viên ban Biên tập cùng các nhà văn, nghệ sĩ Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Văn Cao, Nguyên Hồng, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Huy Tưởng. Thế Lữ còn là giảng viên lớp đào tạo cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng cùng với các đồng chí Trường Chinh, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Tố Hữu, Như Phong,... Lớp học diễn ra trong ba tháng. Tổng bộ Việt Minh làm lễ khai giảng vào ngày 4-4-1949. Vào những năm tháng cuối đời, nhớ lại những kỷ niệm xưa. Thế Lữ tâm sự: "Không có báo Phong hóa, Ngày nay, không có bạn bè Tự lực, không có bạn thơ văn ngày ấy ăn ở với nhau như bát nước đầy, sẵn lòng yêu tài, mến đức của nhau… thì không có Thế Lữ".
P.Đ.Â
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: