Chùm hoa trắng rụng xuống sân tình yêu - Đinh Tiến Luyện
Chùm hoa trắng rụng xuống sân tình yêu
Tác giả: Đinh Tiến Luyện
Chương 1
- Chị có chấp thuận không chị Kim ?
- Ta thấy mi đừng nên bày vẽ, tốn tiền.
- Chỉ hai chục ngàn thôi, coi như chị đi ăn đám cưới bạn, khỏi phải gói quà mừng !
- Năm ngàn !
- Ôi chao! Sinh nhật của một con bé nghèo hèn được tổ chức ở lề đường. Chỉ một vài muỗng chè là tụi nó nuốt trôi tuốt tuột hết mười lăm tuổi của mình. Ôi chao ! Tội nghiệp !
- Không tương với chao gì nữa hết. Mười ngàn.
- Chị trùm sò quá, chị Kim ạ ! Cầu trời mai mốt chị đừng gặp một ông bán kẹo kéo.
- Kẹo gì thì kẹo, thây thệ ta. Mi làm ơn biến đi cho ta nhờ.
- Cau có làm chi cho mau già. À, chị Kim này, đừng xài kem làm
gì cho tốn. Người ta bảo trái dưa leo xắt lát mỏng, mỏng như tờ giấy ấy, đắp lên mặt. Ngủ một giấc tỉnh dậy soi gương thấy mình là công chúa.
- Ai bảo vậy?
- Mục 'Các bạn gái nên biết ' trong báo.
- Báo. Báo tào lao.
- Có cả 'Mẹo Vặt' nữa đây nè: Bạn bực mình vì bọn muỗi đói quấy rầy giấc ngủ ư? Đơn giản thôi. Hãy mắc mùng và để hé một chút. Bọn muỗi sẽ đua nhau bu tới, chen nhau chui vào. Trong khi đó bạn có thể yên thân làm một giấc điệp... dưới gầm giường. Chúc các bạn ngủ ngon.
- Lý thú đấy. Chúc mi ngủ ngon.
- Cớ sao chị cứ phải khó chịu với em mãi vậy?
An nằm dài ra trên giường chị :
- Thôi. Em chẳng tổ chức sinh nhật nữa đâu.
Chị Kim ngừng tay thoa mặt, nhìn An trong gương :
- Mi hay dở chứng.
An nằm yên, nhìn lơ đãng trên cao. Ở đâu đó vang lên một điệu nhạc.
Chị Kim quay lại, hất mái tóc xõa rộng :
- Mi thấy ta dạo này thế nào, An?
- Chị nên may một chiếc quần đầm. Dáng chị mặc quần đầm hợp đấy.
- Ta cũng đã nghĩ đến nhưng còn phân vân. Liệu có 'mốt' quá không ?
- Còn tùy.
- Tùy sao ?
- Tùy đối tượng, người ngắm là ai.
Chị Kim mỉm cười ngồi xuống mép giường:
- Ta đồng ý rồi đấy.
- Sao cơ ?
- Hai chục.
An lăn mình trên giường rồi nhổm dậy, hớn hở :
- Có thế chứ. Một kế toán trưởng tín dụng uy tín như chị phải là chỗ dựa đáng tin cậy.
- Thôi, dựa nhè nhẹ thôi. Đến khi đổ lấy ai mà thăm nuôi.
- Chị có hàng tá các ứng cử viên, chẳng lẽ không sót lại một.
- Cám ơn.
- Ít ra cũng còn em gái chị.
- Cám ơn luôn.
- Chị Kim nè, An lẩm nhẩm tính toán tiền mẹ cho cộng với tiền chị và số em để dành chắc là đủ cho một chiếc bánh đấy.
- Chiếc bánh nho nhỏ thôi.
- Cũng phải đủ vòng để cắm hết mười lăm ngọn nến sinh nhật chứ.
- Dĩ nhiên.
- Còn nước uống ?
- Một chai xi-rô pha ra hàng trăm ly với trái thơm xắt nhỏ.
- Cả xơ ri và chùm ruột nữa.
- Vài ngàn bạc.
- Cũng phải có chả giò chiên, bánh mặn, bánh ngọt gì nữa chứ.
- Á, à, lại còn thế nữa. Cô phải tự xoay xở lấy.
- Chị cho em vay vốn nhé.
- Vay vốn phải có thế chấp.
- Toàn bộ tài sản của em.
- Toàn đồ cũ, không đáng một xu.
- Thủy thủ tàu viễn dương nè, trưởng phòng kế hoạch vật tư nè, chuyên viên máy điện toán nè... chẳng lẽ họ không mừng em một cái gì đáng giá hơn một xu.
- Ai cho phép mi... cầm nhầm bạn ta ?
- Chị bảo em tự xoay xở mà. Toàn những người mong được có dịp ngồi vào phòng khách nhà mình, hẹp hòi gì mà không mời ?
- Thôi dẹp.
- Em đùa vậy, cái gì cũng phải có phép chị chứ.
An rụt cổ để né một cái cú đầu của chị. Chị Kim vui hay buồn, An cũng có thể đoán được phần nào. Chị hỏi:
- Đám bạn mi đông không ?
An thành thật :
- Vài chục đứa hơn, đứa nào cũng háu ăn cả.
- Chặt đi một nửa.
- Nửa đầu hay nửa đuôi hở chị ?
- Đừng đùa. Để ta bàn cho. Một chục thôi.
- Ít quá. Coi chừng tụi nó đánh nhau mất. Vừa rồi con Quỳnh Anh sinh nhật nó còn dám mời toàn lớp kia mà.
- Mời họp hay sao mà mời đông. Bạn bè phải phân biệt đứa thân đứa không. Chơi tràn lan như mi chỉ tổ... lắm chí trên đầu.
- Chị đừng khinh tụi bạn em, đứa nào cũng gội đầu bồ kết đủ bảy lần một tuần. Thôi em sẽ gạt đám con trai lại.
- Toàn bạn gái không thôi ít vui.
- Mấy đứa con trai lớp em cao kều cũng chỉ kêu em bằng... chị.
- Hề gì. Đứa nào ngoan nhất cứ mời. Giặc một phe thì như cái chợ miệng. Có phái này phái kia mới chế ngự được nhau.
An cười thầm. Chị Kim nói gì thế nhỉ? Bọn con trai, con gái trong lớp An vẫn cãi nhau chí chóe bất phân thắng bại, có đứa nào né đứa nào đâu. Thậm chí có khi còn đòi hỏi thăm sức khoẻ nhau mới phiền chứ.
- Chị Kim ạ, như thế một chục có ngọn rồi.
- Ngọn gì thì ngọn cũng phải vừa phải thôi. Đừng bày vẽ quá không ai dọn được.
- Chị yên tâm, mấy đứa con trai lớp em ngoan lắm. Chúng đua nhau chờ em sai bảo.
Chị Kim nhìn sang An một cái thật lạ. Có lẽ chị nghĩ An chỉ thích đùa.
- Mi lớn rồi đấy, An ạ. Tiếp xúc với bọn con trai cũng phải biết giữ ý tứ một chút.
An cãi:
- Chúng không ý tứ với em thì thôi chứ mắc mớ gì em phải ý tứ với chúng nhỉ?
- Mi bướng như... gì ấy. Con gái là con gái, đừng ăn nói như thế.
- Chứ chị bảo phải làm sao?
- Con gái là phải dịu dàng, kín đáo.
- Quan niệm đó xưa rồi chị ơi. Thời xưa khác, ngày nay khác.
- Khác làm sao?
- Em tiên đoán đến năm... 3000 nguyên thủ các quốc gia trên thế giới toàn là nữ giới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng là nữ giới luôn.
Chị Kim đã thay quần áo và đòi giường:
- Mi hãy ráng sống đến năm 3000 mà làm thủ tướng. Còn bây giờ làm ơn xéo đi cho tôi nhờ.
An ôm cứng lấy chị:
- Hôm nay chị cho em ngủ chung một bữa đi.
Chị Kim đẩy An ra:
- Nỡm, mi dở chứng vừa chứ.
An vẫn không buông chị:
- Em thấy dạo này chị ốm hẳn đi đấy, chị Kim ạ.
Kim buông xuôi tay, nằm im. Có thể là như thế. Khi choàng qua An, chị đã cảm thấy sự triển nở của em gái mình rõ từng nét. Có phải ở một điểm An thì đang tới gần, còn Kim mỗi ngày một xa? Ấy là thời con gái. Không ai biết để đón nó nhưng lại biết rất rõ phải tiễn nó đi lúc nào.
- Chị đang nghĩ gì vậy chị Kim?
- Mi bắt đầu lớn rồi, An ạ. Từ nay mi phải bỏ cái tật đi nhong nhong trong nhà với cái robe cũn cỡn, chẳng ra sao cả. Nhất là những khi có khách tới.
- Em là bé bồng bông mà chị.
An rúc vào chị, cười. Chị Kim đẩy nhẹ đầu em:
- Bồng bông gì nữa. Lớn rồi cô ạ.
- Thế mà anh Thức vẫn gọi em như vậy đấy.
- Ôi chao. Cái anh chàng đó.
- Anh chàng đó làm sao hở chị? Em thấy anh Thức cũng được lắm chứ.
- Trừ đôi mắt ra.
- Đôi mắt làm sao hở chị?
- Con trai mà lúc nào mắt cũng mọng như con gái.
- Càng đẹp chứ sao.
- Chẳng ai chẻ cái lãng mạn vô bổ ra mà ăn được.
- Ăn được hay không nhưng em thấy chocolate của anh ấy vẫn ngon!
- Mi vẫn nhận chocolate của hắn ta đấy à?
- Em nhận giùm chị, em ăn giùm chị, có sao đâu?
- Ở đó mà có sao đâu. Mi đừng ngậm vô tội vạ những quà tặng kiểu đó. Hãy nhớ cho đến khi hiểu được: Vô tình hay hữu ý, trong ruột mỗi vật tặng dữ đều có cái lưỡi câu.
- Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra... Ha ha, em nhớ rồi. Như thế người ta sẽ nói rằng 'sẩy con tôm bắt con tép'. Và em là con tép riu bé xíu xíu chỉ thích ngậm chocolate thôi.
- Đừng tào lao. Từ hay hễ có ta hay không có ta ở nhà, mi cũng làm ơn nói là ta đi vắng, nhớ chưa ?
- Dạ nhớ, Chị Kim đi vắng rồi. Nếu anh có nhắn gì, chẳng hạn như gửi một thanh chocolate thì đưa em giữ giùm cho.
- Thôi đi. Lúc nào mi cũng nhóp nhép cái miệng được.
An rụt cổ, cong người xoay vào trong.
Một lúc lâu yên lặng. An hiểu là chị Kim đang 'mơ mộng' gì đó. Cái 'gì đó' hẳn sẽ có anh Thức với vẻ mặt tiu nghỉu ra về. Tự dưng An liên tưởng tới câu chuyện vừa đọc trên báo. Có hai người thương nhau nhưng mỗi người ở một nơi xa lắc xa lơ, ngoài một ngày đường. 'Mối tình hàm thụ' bằng thư từ đã bao ngày tháng. Đều đều mỗi tuần mấy lần chàng ra bưu điện gửi thư, còn nàng thì mỗi sáng ngồi đợi người đưa thư tới đều đặn. Kết thúc câu chuyện: Chàng yêu cô gái bán tem ở bưu điện, còn nàng thì 'phải lòng' ngươi đưa thư tự lúc nào. Ngộ nghĩnh thật. An nghĩ tình cảm con người đôi khi là thói quen, có thể, thói quen nhìn, thói quen nghe và thói quen... yêu. Dù sao câu chuyện này cũng đáng được thưởng giải văn chương... bưu điện.
- An này...
Kim lay vai em. Nhưng An đã ngủ từ lúc nào. Con bé dễ ngủ thật. Cái miệng thì lúc nào cũng lao xao như tuổi của nó. Tung tăng, huyên náo và vô tư như chim muông. Hẳn là mươi năm trước mình cũng như nó bây giờ. Cả mặt trăng lẫn trái đất đều nằm trong túi. Cả ngàn xưa lẫn ngàn sau đều nhỏ xíu trong bàn tay. Ấy thế mà, khi lớn lên... Kim kéo chiếc robe trắng mong manh trên đầu gối An xuống và chợt nhận ra rằng em mình đã bắt đầu lớn thật rồi.
- Thôi về giường mình ngủ đi nhỏ.
An trườn mình, lưỡi lĩnh buông chân xuống khỏi giường. Sẵn ly nước trên bàn nhỏ trong tầm tay, cô bé ực một hơi. Tỉnh cả người, lại như sáo trên miệng An:
- Như thế chị chấp thuận cả rồi nhé.
- Còn chấp thuận gì nữa?
- Em sẽ góp cho chị, còn thiếu bao nhiêu chị... bao chót cho em.
- ...
- Sinh nhật em, em sẽ mời cả anh Thức nữa đấy.
- ...
- Nếu chị không chấp thuận tất cả có nghĩa là em sẽ tự xoay sở. Và lẽ nào anh Thức lại không bằng lòng đứng ra tổ chức sinh nhật cho cô em gái của chị, với tất cả lòng biết ơn sâu xa và lòng mến mộ chân thành.
- Khóa cái miệng lại. Khuya rồi, để bố mẹ ngủ.
An trở về giường mình. Lâu lắm rồi cô bé mới ngủ lại được, bởi cái đầu hay nghĩ lung tung chẳng thôi bài vẽ nào bánh , nào hoa, nào bạn bè, nào những bài ca và đầy ắp những tiếng cười của buổi sinh nhật sắp tới.
Lúc này khi cư xá đã thật yên ắng. Chỉ còn nghe tiếng rào rào từng chập của những ngọn gió khuya về ngang những lùm cây nhạc ngựa trên lối đi.
Dù sao cái ngày nóng lòng mong đợi ấy cũng tới. Và mọi chuyện An đã sắp xếp xong như ý muốn. Không phải là một chục có ngọn mà là gấp đôi như thế, số bạn bè của An được mời. Được cả ba lẫn mẹ 'bật đèn xanh', chị Kim có cau mày đôi chút nhưng vẫn sẵn sàng 'bao chót' cho bữa tiệc sinh nhật của em. Thiệp mời được nhỏ bạn 'gợi ý' kéo lụa ở nhà ông anh đầy đủ chữ nghĩa bay lượn với hoa lá cành vui mắt, được chuyển tới tận...cặp của bạn bè một tuần trước. Một tuần sau đó là nỗi băn khoăn của An. Không biết phải 'ra mắt' bạn bè với chiếc áo nào, trong gia sản áo cũ xì của mình. Chị Kim là người duy nhất được hỏi ý kiến không phát biểu chi cả, chỉ 'tùy mi'. Để độc đáo, em sẽ xuất hiện trước bạn bè bằng chiếc robe trắng thường mặc trong nhà. Đừng có khùng, chị Kim bảo vậy. Nhưng em thích màu trắng. Chị Kim lặng lẽ dắt xe đi làm.
Từ ngày chị Kim đi làm ở Quỹ Tiết Kiệm, chị bị cái nghề chi phối nặng nề đến tính tình. Thường xưa chị cũng không đến nỗi chi li tính toán, mà nay đụng tiêu pha một chút là chị... méo mó nghề nghiệp đưa ngay chính sách tiết kiệm ra. Trừ vấn đề may mặc. Thêm tiền của mặc, bớt tiền của ăn. Và chị đã bớt hơi nhiều ở cái này để đắp vào cái kia. Chị có thể nhịn ăn sáng liên tục, nhưng không thể 'nhịn' khi thấy một xấp vải 'hợp nhãn' một đôi lần với mặt vải mới và thời trang mới. Ăn cơm nguội không ai thèm biết tới, nhưng mặc một cái áo mới thì ít ra cũng... làm đẹp đường phố. Chị Kim nói thế và An cho là... phản khoa học. Với An, cứ phải chắc bụng cái đã.
Nếu không có buổi họp mặt sinh nhật sắp tới khiến An phải băn khoăn về vấn đề ăn mặc, hẳn triết lý 'cái bụng' của An vẫn được các hàng quán hết mình ủng hộ.
Mặc thử, ưng không, trưa về còn đổi.
Sinh nhật của An thực sự bắt đầu từ sáng sớm, khi chị Kim đã đi làm và cô bé nhận được quà tặng của chị để sẵn trên bàn lúc thức dậy. Một chiếc áo đầm voan trắng, đầy một ôm những tần đăng ten. Khỏi phải nói là An đã mừng rỡ và xúc động đến mức nào. Thử ngay tại chỗ, khỏi cần gương. An biết là quà tặng quá đẹp đối với mình. An tưởng tượng đến những đôi mắt tròn xoe của bạn bè khi nhìn mình. Ồ, chị Kim quả là tuyệt vời.
Buổi chiều, năm giờ hơn, các bạn đã kéo tới nhà đông đủ. Đủ mọi màu, mọi kiểu, nhưng bạn gái không ai là không công bình nhận xét, dù diện màu trắng thì nữ chủ nhân vẫn là người rực rỡ nhất. Rực rỡ toàn diện. Vừa vì vòng nến mười lăm, vừa vì vẻ sang trọng, thanh khiết của mình.
- Ê, An, tao là bạn thân nhất của mày cũng phải ngạc nhiên đấy.
- Tao là 'chồng' nó đây nó diện còn chưa xin phép.
- Bộ trưởng bộ ăn diện là tao mà nó qua mặt cái vù.
An la to lên át các bạn, với tuyên bố hùng hồn:
- Khớp tất cả các miệng lại, hỡi các đức ông chồng keo kiệt và các ả hoa hậu hay ghen. Hôm nay ta không mời các người đến đây để tỏ lộ những tính nết xấu xa ấy. Chúng ta sẽ có rất nhiều trò vui tối nay mà ai cũng phải tham dự.
- Mi tuổi con gì mà ăn hiếp nhau dữ thế hở An ?
- Ta sinh vào tháng 11, dưới chùm sao Hổ Cáp. Hổ Cáp là con bọ cạp, vừa kẹp vừa chích được không ?
- Đáng sợ rồi. Thôi, thắp nến sinh nhật lên và tuyên bố lý do đi, Hổ Cáp.
- Lý do thì kể như tuyên bố rồi. Còn bây giờ xin các bạn ai hãy ngồi chắc vị trí ấy, kẻo khi ta thổi tắt nến sẽ quá hơi mà... tắt luôn cả tim các bạn đấy.
Tiếng vỗ tay thích thú rần vang. Không ai nghĩ tới phải cài cột tim mình trong ngực áo vào cái giây phút gió bão sấm sét tiếng cười nói này.
- Hãy thổi bay tất cả nhà cửa, bàn ghế và trái đất này đi cũng được. Nhưng nhớ chừa cái bánh lại.
Mười lăm ngọn nến sáng lung linh trong đôi mắt mở rộng của An. Ánh lửa đẹp quá, tươi vui quá. Có một bài ca nào đang reo lên cùng với điệu múa chập chờn vây quanh tuổi của An trong giây phút huyền diệu này.
- Có bạn nào thuộc bài 'Happy Birthday' không nhỉ?
Một bạn nào đó cất lên nho nhỏ bài ca sinh nhật lạ lẫm nhưng chẳng ai hưởng ứng nên cũng tự quên luôn nửa chừng.
- Đáng tiếc thật. Các nhạc sĩ của ta chết đâu hết trong cái giây phút trọng đại của đời người thế này.
- Tại hắn chưa một lần được mời sinh nhật.
- Hắn chưa bao giờ biết khói nến vương vào mắt.
Chị Kim đến bên giục An:
- Dông dài mãi, thổi tắt nến đi để ta phụ cắt bánh cho.
An nhìn lại dãy bàn dài, khẽ cười nói với chị:
- Nhưng sao giờ này anh Thức vẫn chưa thấy tới ?
Chị Kim bặm môi:
- Điều đó không quan trọng.
An nhăm nhăm con dao răng cưa:
- Quan trọng lắm chứ. Em sẽ bằm anh ấy ra nếu dám coi thường lời mời đặc biệt của em.
Chị Kim nhìn chừng thái độ của An rồi bỏ vào trong. Không biết chị nghĩ gì.
- Hãy thổi nến đi chứ.
Một bạn nhắc. An mỉm cười với các bạn:
- Ta thay đổi ý kiến rồi.
Thư lên tiếng:
- Lại còn ý kiến ý ong nào ở đây nữa? Không tắt nến làm sao ăn ?
- Mi háu ăn quá, bộ trưởng bộ ăn uống ạ.
- Phúc cho ai có tinh thần ăn uống, vì sức khoẻ là của họ.
- Đừng xuyên tạc Thánh Kinh để tự bào chữa. Bây giờ ta xin hỏi ai là người đầu tiên đến với ta trong ngày hôm nay?
- Chính ta đây.
Thư đứng lên. Thủy Tiên đứng lên tiếp:
- Xin lỗi bạn à nha. Khi bạn tới thì tôi đã có mặt rồi.
- Đúng thế, An xác định. Thủy Tiên là người đầu tiên.
Và tuyên bố:
- Người đầu tiên sẽ được lãnh một quà tặng tự ý lựa chọn.
- Hoan hô, xin đem ngay ra cho.
- Tất cả bắt đầu khi tắt nến.
- Còn quà tặng cho người đến sau cùng nữa chứ. Tôi đây nè.
Hùng nhí đứng lên. An gạt đi:
- Nếu có quà tặng cho người đến sau cùng thì cũng không phải là bạn đâu mà ham.
- Ai? Hùng nhí chứng minh, tôi đến khi tất cả các bạn đã ngồi vào bàn đầy đủ rồi.
- Chưa đầy đủ đâu bạn ạ.
- Còn ai nữa ?
- Ai thì các bạn sẽ biết, hoặc sẽ không bao giờ biết, nếu họ không tới.
An nhìn ra phía cổng rồi gọi chị:
- Chị Kim ơi ra ngồi bên em, không để tụi nó đang bắt nạt em đây nè.
Một con chó sói sợ đàn cừu tấn công. Các bạn cười reo lối nhõng nhẽo của An. Cô bé mười lăm tuổi chu môi thổi một hơi, rưới tắt tất cả những đầu ngọn nến.
Đồng thời điện cũng tắt. Căn phòng tối om. Một cảnh hỗn loạn âm thanh sau đó.
- Khi không cúp điện.
- Tại nhỏ An thổi mạnh quá, tắt cả điện luôn.
- Chân đứa nào vậy?
- Ối, cái mũi tôi.
- Kẻ nào nhét bánh vào miệng ta thế này?
- Coi chừng đổ ly.
- Ngồi yên nào, sao leo lòng ta vậy nhỏ.
- Khỉ, đứa nào cù léc ta thế. Ối ! Ối!
- Chỗ của tao đứa nào ngồi đây?
Cảnh tan hoang sau đó được chấm dứt khi cả bọn khám phá ra không phải cúp điện mà chỉ vì ai đó đã đụng vào cái công tắc đèn phòng.
Người khách cuối cùng đã có mặt trong không khí ấy. An reo lên:
- Anh Thức !
Người thanh niên điềm đạm, chững chạc hiện ra trước những đôi mắt tròn xoe của đám thiếu niên.
- Xin chào tất cả các bạn nhỏ.
An chạy tới, sừng sộ:
- Anh là người nhiều tội. Chính anh đã tới trễ rồi còn gây chuyện tắt đèn phòng, phải không?
Người thanh niên cười cười:
- Làm gì có chuyện đó. Tôi đứng ngoài nãy giờ có ai thèm mời vào nhà đâu.
An nửa tin nửa ngờ nhìn cái 'cười cười' dễ ghét của người khách cuối cùng. Trịnh trọng, An làm nghi thức giới thiệu:
- Đây là anh Thức, bạn của...
Hướng về chỗ chị Kim nhưng An giật mình thấy chị đã biến mất tự bao giờ.
- ... Anh Thức là bạn của cả gia đình An.
Trong tiếng vỗ tay và xì xào, An đưa anh Thức về chỗ đối diện. Nơi mà chị Kim vừa bỏ vào nhà, dặn dò:
- Tuị bạn em gấu lắm, coi chừng sau khi chúng ăn hết mọi thứ sẽ ăn thịt anh đấy.
Anh Thức nhún vai điệu bộ rồi lẳng lặng rút thuốc ra hút. Trong khi chia phần bánh anh để ý có những đôi mắt bồ câu nhìn mình thật dễ thuơng và cũng thật ranh mãnh. Anh hiểu mình đang đi lạc.
An bảo anh Thức:
- Anh nói gì đi chứ ?
- Bé hôm nay thật xinh đẹp.
An tặng anh một lưỡi dao cạo nơi khóe mắt:
- Trông anh vậy mà lười sáng tạo.
- Chiếc áo bé mặc thật hợp.
- Chị Kim tặng đấy.
- Sao chị Kim dạo này hay trốn anh thế nhỉ?
- Có thể chị... không thích ồn ào. Để em vào mời chị ấy ra nhé.
Anh Thức nhún vai, cúi xuống:
- Thôi, đừng quấy rầy chị ấy thì hơn.
- Chỉ sợ anh buồn.
- Không buồn đâu, anh Thức nheo mắt nhìn, nhìn miệng các cô ăn và nói cũng vui rồi.
- Anh thật lạ.
- Thiệt đấy chứ, bé cứ tự nhiên vui đùa với bạn bè đi. Anh thích thế.
Cuộc vui phải tới hơn 10 giờ đêm, nếu An không được anh Thức cho xem đồng hồ chắc nó có thể kéo dài đến... giờ đi học sáng hôm sau. Những bài hát tặng không theo yêu cầu người nghe cùng những trò chơi khởi sắc ngoài chương trình. Cuộc xổ số trúng một... hột me và công việc công khai hóa các quà tặng ngay tại chỗ thú vị hơn một sân khấụ Cuối cùng thì các bàn hết nhẵn những gì có thể ăn được, uống được. Cả những bông hoa chưng trong bình sau đó cũng được chia đều cho bạn bè mang về.
- Hẹn vào ngày này, năm tới nhé.
- Một thời điểm xa quá. Sao không là tháng tới?
- Nhà đứa nào thế?
- Cúc Tím, 12 tháng 12. Tao đã nghiên cứu kỹ lý lịch nó rồi.
- Hoan hô hội trưởng hội truy lùng những người tiêu xài. Cúc Tím ơi, không mừng sinh nhật mi sẽ không bao giờ lớn được đâu.
- Tao đã sẵn quà tặng cho mi rồi. Một hộp Nana cộng thêm một hộp Softina...
Tiễn các bạn về rồi, trở vào An thấy “người khách cuối cùng” đã ngồi dưới những bậc tam cấp.
- Anh buồn phải không, anh Thức ?
- Không. - Anh Thức đứng dậy và búng mẩu thuốc lá vào khoảng đêm. - Anh có thể đã làm cho chị Kim buồn.
- Nếu chị Kim có buồn thì điều đó không phải lỗi của anh.
An định nói thêm: Chính An mới là người làm chị Kim buồn, vì khi mời anh là hoàn toàn do ý của An. Chị Kim không đồng tình nhưng cũngkhông ra mặt phản đối.
Anh Thức cười cười, nghiêng xuống mái tóc đầy những cánh hoa giấy lấp lánh của An:
- Thôi kệ những cái buồn. Miễn bé An của anh vui là được rồi.
An véo tay anh:
- An ghét anh, cứ hay gọi người ta là bé.
- Thì không phải mình còn bé sao ?
- Cứ cho là như thế đi. Nhưng có mặt bạn bè mà lại kêu người ta là bé, chúng cười chết.
- Cười hở... mười một cái răng, kệ chúng.
- Kệ sao được. Mất uy người ta.
- Bạn của An, cô bé nào cũng dễ thương.
- Sao anh, ai cũng dễ thương hết vậy ?
- Dĩ nhiên vẫn có người dễ thương nhất chứ.
Cánh tay Thức bị những móng tay An hỏi thăm. Các cô thật lạ, luôn có thái độ căm ghét với những điều mình muốn được nghe hơn một lần.
- An thường có nhiều bạn thân như thế sao ?
- Ít thôi. Thành phố, dòng sông, da-ua, cỏ may, Mực Tím...
- Chỉ vậy ? An làm thơ siêu thực đấy à ?
- Tên các bạn. Trong nhóm của An đứa nào cũng có một cái tên như thế đấy.
- Với một lai lịch ngộ nghĩnh kèm theo nữa phải không ?
- Gần như vậy. Dài dòng lắm. Có đứa tự chọn, có tên do bạn gọi mãi mà “chết”.
- Còn An ?
- Anh Thức thử đoán xem.
- Không ai đoán tên bao giờ.
- Nếu thế nó sẽ muôn đời bí mật đối với anh.
- Nhóm bạn của bé thật vui, bao giờ cho anh gia nhập với nhé.
- Nếu thế anh sẽ phải bỏ đi cả nửa số tuổi của anh.
- Dễ thôi, một nửa hay... bỏ luôn cũng được chẳng sao.
- Như thế anh sẽ phải... quấn tã, kỳ cục lắm.
Cả hai cùng cười. Họ bước ra phía cổng. Ngẫm nghĩ một lát rồi An thắc mắc:
- Nhưng anh Thức này, sao anh lại có ý nghĩ như con nít thế ?
- Ðơn giản thôi, tại anh không thích làm người lớn.
- Tại anh không thích làm người lớn ?
- Ồ, làm người lớn thì cái gì cũng phải suy tính gần xa, hơn thiệt. Mệt lắm.
- Anh Thức có vẻ lầm lì , phong sương hơn những người khác.
Thức hơi giật mình về nhật xét của một cô bé. Anh nhún vai :
- Có thể tất cả là do đời sống dạy mình thôi.
- Ðời sống là gì ?
- Là công việc mình làm, những người mình giao tiếp... nhưng rắc rối làm chi, bé đâu cần biết những điều đó.
- Cần lắm chứ. An muốn hiểu sao có người lại thích trở về thời nhỏ. Còn tụi nhỏ An thì nhiều đứa cứ thích mình đã lớn. Thật kỳ cục, phải không anh Thức ?
Thức không trả lời, anh lẳng lặng rút thuốc ra hút. Gió ngoài vười làm ngọn lửa run rẩy trong khoảnh khắc giữa hai khuôn mặt lạ lẫm, cúi xuống :
- Anh Thức này, An gọi sự yên lặng dậy, anh nghĩ sao về con bé này nhỉ ?
Thức phả một ngụm khói lớn, bật cười khan:
- Thì bé vẫn bé thôi.
- Kể cả đến hôm nay ?
- Và ngày mai cũng vậy.
- Cám ơn anh.
- Cám ơn cái gì mới được chứ ?
- Nghĩa là anh sẽ không bao giờ quên phần chocolate của An.
An cười thích thú và Thức còn thích thú hơn.
Anh thích thế bé ạ. Muôn đời là một cô gái bé bỏng. Hồn nhiên , vô tư ăn và nói. Ngổ ngáo một tí cũng được, đỏm dáng một tí cũng được. Có vương buồn một lúc nào đó cũng chả sao. Cũng chẳng sao nếu một lúc nào bé hiểu rằng tâm hồn con người có nhiều điều rắc rối. Ngủ một giấc là quên, dầm mình trong nước một lát là trôi hết cả.
- Ðèn trên lầu còn sáng. Hình như có ai vừa đứng ở bên cửa sổ nhìn ra.
- Chị Kim đấy.
- Ðể anh trở lại chào chị ấy nhé.
- Ðừng phiền chị ấy nữa, anh Thức ạ.
- Ðâu phải lúc nào chị ấy cũng...
- Ðáng lẽ anh phải hiểu chị ấy hơn An chứ ?
- Thôi được, anh về.
- Anh nhớ cái máy chụp hình của anh như đã hẹn đấy. Chị Kim thích chụp hình lắm.
- Còn bé ?
An bặm môi bất chợt:
- An không cần.
Yên lặng một lát Thức mới hiểu ra:
- Anh đã nghĩ phải mang nó theo trong tối nay. Khỉ thật, anh lại chỉ loay hoay dàn xếp mấy cái máy quay vidéo ở trung tâm, cái nào cũng có việc. Thôi để dịp khác anh đền vậy. Nguyên một cuộn phim, một cuộn vidéo nhé ?
- Còn dịp nào nữa ?
- Sẽ có dịp hai chị em đi chơi chung, lẽ nào không cho anh tháp tùng.
- Cái đó còn tùy ở chị Kim.
- Tất cả phụ thuộc vào độ ẩm ướt của chị Kim.
- Còn An thì vứt đi à ?
Thức bật cười vì cái trẻ con của An. Chính cái trẻ con ấy đã khiến An đẹp gấp mười trước mặt anh. Dù sao thì anh cũng biết nói gì để đẹp lòng những cái phụng phịu dễ thương kia:
- Thì chị Kim là chính, còn An là quan trọng.
- Anh lại thuộc lòng bài vở rồi.
- Lanh miệng lắm, cô bé ạ ! - Theo câu nói của Thức là cái ký nhẹ trên mái tóc An nhưng hụt. Cô bé chạy vút tới trước, dựa lưng vào cánh cổng khép.
- Cho tới lúc về mà An vẫn chưa nghe anh Thức chúc sinh nhật An.
- Ðầy đủ trong gói quà rồi.
- Một hộp chocolate thật to như anh hứa chứ gì ?
- Ðúng như vậy. Chúc bé hay ăn chóng lớn.
- Nội dung lời chúc của anh thường quá. Nhưng vì lời chúc của anh, An sẽ lớn nhanh hơn anh tưởng thì anh nghĩ sao ?
- Thì... thì mẹ cha chóng được nhờ.
An đập nhẹ gót giầy vào cánh cổng sau lưng, ranh mãnh:
- Anh về nếu hôm nay không ngủ được thì phải hiểu là chị Kim rủa anh đấy, chứ không phải là cái con bé này đâu.
Thức lách xe ra khỏi cổng:
- Uổng quá, nếu được cả bé rủa nữa thì anh sẽ ngủ ngon.
Nhưng vừa lọt ra khỏi cổng Thức mới chợt nhớ ra cái chậu cây mà mình đã nhờ xe xích lô chở tới hồi chiều.
- Chút xíu nữa thì quên mất, còn chậu cây này nữa.
- Cái gì vậy anh ?
- Anh xin ở nhà một người bạn.
- Chị Kim dặn anh à ?
- Không. Thức hơi bối rối, để anh tặng bé đấy.
An đi đến bên chậu cây đặt phía sau cổng, sát lối đi tối om:
- Cây gì mà không có hoa vậy anh ?
- Người bạn nói hoa gì anh cũng quên mất. Hắn dặn anh là phải cả năm nữa mới có hoa. Hoa trắng.
- Tuyệt diệu. Hoa trắng em rất mê.
- Sao vậy ?
- Hoa trắng thường có hương thoảng, bay xa.
- Ðể anh bê vào trong nhé.
- Kệ, anh đã để đâu thì cứ đặt ở đó đi.
An huơ tay nhè nhẹ trên đầu những ngọn lá:
- Sáng mai xem lá em sẽ biết nó là hoa gì ngay.
- Bé thật tài.
- Anh chưa biết danh hiệu của An đâu. Hội trưởng hội phá hoại cây cỏ là AN đấy.
Cả hai cùng cười. An khép cổng lại còn nói :
- Bây giờ anh về đi. Nhớ cho An gửi lời... rủa anh đấy.
Thức đạp xe nổ máy và cảm thấy như mình có cánh. Riêng An, nhìn lại chậu cây sum suê ngang ngực áo trắng, cô bé nghĩ, đây cũng là một bất ngờ đối với sinh nhật của mình.
- Có chuyện chi mà khám cặp người khác bất hợp pháp thế ?
- Suốt giờ học ta để ý nhỏ cứ cúi xuống nhóp nhép cái gì trong miệng.
- Nhóp nhé cái gì à ? Ðể cho bộ trưởng bộ ăn uống làm việc.
- Nhân danh hội trưởng hội bảo vệ những người ăn quà vặt, ta phản đối.
- Yên nào. Phản đối thì phản đối cũng phải có hệ thống. Á à, nguyên một hộp chocolate to thế này ăn một mình không đau bụng thì mụn cũng phun đầy mặt.
- “Ka Xê Ét” kiểm nghiệm thực phẩm, có ta đây.
- Ngọt, bùi, béo, ngậy... được lắm, ăn không chết người.
- Toàn thể hội đồng kiểm phẩm mới có giá trị.
Chỉ một loáng là hộp chocolate đã vơi quá nửa. An giữa vòng bạn bè la oai oái:
- Việc chi phải dữ tợn, mỗi đứa chỉ nếm thử thôi, không hết phần đâu mà sợ.
- Hết cũng được. - An vùng vằng, nhưng đừng làm nát cái hộp của người ta.
Bạn bè reo lên thích thú và chuyền tay nhau cho đến khi hết nhẵn hộp kẹo. Kẹo không bảo vệ lo bảo vệ cái hộp. Ừa, mà cái hộp đẹp thiệt, một bông hồng đỏ chót đặt trên một vuông khăn ca rô in rõ từng sợi vải.
An khoe ở nhà mình còn “sưu tập” một bộ giấy bọc kẹo đủ loại, đẹp tuyệt vời.
- Tất cả đều là chocolate ?
- Dĩ nhiên.
Cúc Phương reo to như một khám phá :
- Ðúng hắn rồi, các bạn ơi !
- Ðúng cái gì ?
- Chim tải cúc hay hót. Con An nó là con chim tải cúc hay hót. Các bạn nhớ phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ chứ ? Tất cả bắt đầu bằng chocolate. Chocolate hàng tháng, chocolate hàng tuần. Ðều đặn mỗi lần thăm viếng đều có chocolate.
- Ai thăm viếng ai ?
- Dĩ nhiên phải có một Kamêran nào đó.
- Có phải “bạn của gia đình” hôm bữa sinh nhật nó không ?
Những đôi mắt tròn ngơ ngác, lạ lùng nhìn An rồi nhìn nhau. Y như bầy nai chợt nhận ra mình lạc trong một khu rừng lạ.
An phá lên cười:
- Lầm rồi các nhỏ ơi! Các nhỏ xem phim nhiều bị nhiễm... phóng xạ yêu. Làm gì có con chim tải cúc nào ở xứ không có bóng thánh Ala này. Anh Thức là người đang đeo đuổi chị tao.
- Còn những thanh chocolate ?
- Tao chỉ... ăn dùm chị tao thôi.
- Tuyệt quá, nhỏ có ông anh tuyệt quá. Thế mà bấy lâu nay nhỏ giếm chocolate ăn một mình tệ quá.
Một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng đuợc thực hiện :
- Ông ấy bao nhiêu tuổi vậy ?
- Thắc mắc chi, đàn ông con trai khó đoán tuổi lắm. Cỡ chừng tuổi tao cộng tuổi mày cộng tuổi con rùa con thỏ rồi đem chia đôi.
- Kể như huề.
- Sao ông ấy không để râu hở mày ?
- Lại còn chuyện vớ vẩn ấy nữa. Bộ ai cũng phải là... kiến chắc.
- Ði xe gì , một cái Dream nho hay một bốn bánh đời mới ?
- Một cái vespa cà tàng, mỗi lần đạp phải ngoáy mũi.
- Nghề nghiệp mới quan trọng. Xí nghiệp bánh kẹo hay nước tương, xì dầu ?
- Một trung tâm quảng cáo gì đó, đại loại như vậy. Tao không rõ.
- Ðúng rồi. Trung tâm dịch vụ quảng cáo báo chí, truyền thanh, truyền hình, panô, bao bì, mẫu mã...
- Sao mày rành quá vậy ?
- Ðơn giản là tao đã đọc được tấm danh thiếp trong cặp mày. Nguyễn Trọng Thức, điện thoại số...
- Xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Quá lắm rồi Thanh ạ, chưa tới tay chị tao mà đã tới tay mày.
- Ðến bao giờ chị mày đám cưới ?
- Làm sao biết được. Chắc còn gay go lắm.
- Càng gay go quyết liệt càng tốt.
- Sao vậy ?
- Mày sẽ có chocolate ăn dài dài và lẽ nào không nhớ tụi tao.
Buổi trưa học về, An đợi chị để trao lại tấm danh thiếp hồi sáng đi học gặp anh Thức nhờ đưa. Nhưng chị Kim không về. Thỉnh thoảng chị vẫn nghỉ trưa tại nơi làm việc. Hoặc vì bận quá hoặc có một phim nào đuọc nhắc tên nhiều lần. Năm ngoái hai chị em còn hay đi coi phim chung và thỉnh thoảng đi phố, đi chơi chung. Nhưng từ khi chị đi làm, hai chị em chỉ còn chung phòng và chung những chuyện nhì nhằng chị em vào buổi tối trước khi đi ngủ. Không phải tình chị em không còn được như xưa. Chỉ tại công việc. Có lẽ cả vì mỗi người đã có một môi truòng riêng biệt với bạn bè riêng biệt.
Ðặt tấm danh thiếp lên bàn phấn của chị rồi, nghĩ sao An lại nhặt lên, ghi lại số điện thoại của anh Thức in trong ấy.
Nghề của anh Thức chả lấy gì làm “ngon” cả. Sao lại không là cái gì có thể ăn được như bánh kẹo, mì ăn liền hoặc nước ngọt, nướt tương, xì dầu, cũng còn dễ thân thiện với “đức tính” của mình. An bật cười. Mỗi thời mỗi nơi sinh ra lắm nghề phục vụ quanh co, rườm rà xa thực thế... bao tử. An nghĩ khi gặp anh Thức sẽ “gây sự” với anh như vậy, để nghe anh “trổ nghề quảng cáo nghề” của anh ra sao.
Buổi chiều rãnh rỗi, tự dưng An nảy ra ý định gọi tới nơi làm việc của anh Thức. Thế là cô bé tìm đến phòng điện thoại công cộng ở góc đường gần nhà.
- Trung tâm dịnh vụ, tôi nghe đây.
- Xin cho tôi gặp anh Thức.
- Thức hả, ảnh mới đi khỏi rồi. Người đẹp cần chi để tôi nhắn lại.
- Tôi không phải là người đẹp và tôi cũng chẳng cần nhắn lại điều gì.
- Xin lỗi, đối với trung tâm chúng tôi ai cũng đẹp cả. Cô cho chúng tôi số điện thoại hoặc địa chỉ, chúng tôi sẽ phái nhân viên tới phục vụ tận nhà.
- Rất tiếc. Nhà tôi xa lắm.
- Chúng tôi có xe riêng, nơi đâu chúng tôi cũng có thể tới được trong ngày. Xin cô cứ cho biết.
- Ðã bảo rằng xa lắm, các ông không tới được đâu.
- Xin cô cứ cho biết để chúng tôi định liệu.
- Mặt trăng.
- Haha, mặt trăng. Tưởng đâu xa chứ, nơi ấy cũng có con người đặt chân đến rồi.
- Ðó là địa chỉ tạm trú. Thực sự nhà tôi ở Sao Kim cơ.
Cúp máy. An trả tiền điện thoại và bước nhanh ra đuờng như chạy trốn, như sợ cái điện thoại có thể đuổi theo và la lối om sòm. Ðúng là mình đã giao thiệp với một địa chỉ dịch vụ. An mỉm cười một mình và nếu là nghề đầu tư bằng... nước bọt thì cái anh chàng nào đó đã lỗ vốn to.
*
* *
Từ cư xá nơi An ở tới trường không xa lắm. Có một chị bạn học trên An ba lớp, thuòng hay đợi An chung đường đi. Thỉnh thoảng cả khi về, nếu An không kịp leo lên sau xe một đứa bạn, quá giang một đường ngắn, trước khi rẽ vào lối cư xá.
An với chị Hà đang vừa đi vừa chỉ trỏ, nhòm ngó (để có thể trộm) những cây những hoa sau hàng rào các nhà bên đường thì xịch một cái, chiếc xe vespa của anh Thức đậu ngay trước mắt. Không cần một lời từ giã bạn đường, An nhào tới ngồi sau xe anh Thức tỉnh bơ. Anh Thức cũng không cần quay lại, sang số xe lao đi.
- Anh đi đâu vậy, Anh Thức ?
- Về sao Kim.
An đấm vào lưng anh Thức liên tục :
- Cái trung tâm... khỉ gió nhà anh chỉ hay rà tần số mò.
- Vậy mà trúng phóc.
- Không phải An đâu, chị Kim gọi cho anh đấy.
Thức cười với cái cười ngây ngô đôi khi của một cô bé. Chỉ cần nghe kể sơ lại cuộc đối thoại, Thức cũng đoán ngay ra được ai gọi cho mình.
- Chuyện chi vậy bé ?
- Không có chuyện chi cả. Chỉ tính kiểm tra mấy con số và phá anh chơi.
- Bé đã đưa tấm danh thiếp cho chị Kim ?
- Chị ấy xé bỏ sọt rác rồi.
- Tàn nhẫn thế ư ?
- Xé bỏ sọt rác rồi chị lấy lại nhặt lên, cẩn thận gắn lại rồi ép vào tim.
- Nếu bé được tuyển vào ngành của anh có ngày sẽ giữ tới chức siêu giám đốc chứ không phải chơi.
- Thế hở ? Anh thích thú thật tình, bộ trung tâm của anh chuyên nói dóc hở ?
Thức chân thành buông một tiếng thở dài thậm thượt, hệt như cái xe đang đi ngon trớn xì hết hơi.
Tốt hơn hết là cắt ngang. Dừng lại.
- Sao Kim đâu mà lạc lối này ?
- Quay trái, mở lớn mắt ra.
An nhảy xuống xe, reo lên:
- Ồ, người yêu không thể thiếu của An, đã lâu vắng bóng ở góc đường, thì ra trốn nơi đây.
An đến bên xe sữa đậu nành để nhận nụ cười quen thuộc. Ông già không cần đợi gọi, tự động xúc đường bỏ vào ly rồi hòa với những muỗng sữa nóng, kèm theo một miếng bánh bông lan xắt góc đặt trên đĩa cẩn thận.
Uống được một hớp rồi quay lại, An thấy anh Thức vẫn còn ngồi đấy, trên xe.
- Ỷ là người lớn rồi không uống sữa hở.
Thức nhẹ nhàng gỡ cặp kính xuống, cười cười:
- Anh chẳng háu ăn tí nào.
- Ðể thực hiện lời chúc sinh nhật của anh Thức, em sẽ uống thêm ba ly nữa.
Chiếc cặp để lại, tay cầm ly, tay bưng đĩa bánh, An để xuống trên yên xe làm cái bàn. Rồi cô bé trở lại xe sữa đậu nành lấy thêm một khẩu phần khác.
- Bao giờ lớp em tổ chức picnic, anh Thức đi chung nhé ?
- Bé tính dắt cáo vào chuồng bồ câu à ?
- Ai cáo ai bồ câu chưa biết à nha.
An cười trên mép ly. Học trò con gái trên hai đứa hợp lại thành một đạo quân, thầy giáo em nói rồi đấy. Anh Thức bảo, điều này đáng ghi vào sổ tay giáo dục.
- Bé uống tiếp hai ly còn lại đi chứ.
- Còn ngày mai, ngày mốt và ngày kia nữa, chỉ sợ không có ai để trả tiền cho em thôi.
Giá mỗi ngày anh Thức cứ nhớ chở em về học thế này thì... tiện biết mấy.
- Anh cho An xuống ngoài này rồi đi bộ vào cư xá cũng được.
Anh Thức ngừng xe trước cổng vào cư xá, còn đứng lại nhìn theo nếp áo trắng học trò, cho đến khi khuất vào những bờ cây thấp. Cả mái tóc ngắn của An, cũng như một ngọn gió thoảng.
Ừ nhỉ, Thức nghĩ, vẫn quên hỏi cô bé xem đã tìm ra tên của loài hoa trắng ấy chưa.
Những buổi sáng như thế này trời đất như đeo đá. Khô và nóng. Chưa mở mắt nắng đã liếm sạch những giọt sương hiếm quý trên các mặt lá, mặt cỏ. Những ngọn cây ngủ không có giấc mơ, thở nặng nề, không thèm vươn vai cử động. Tất cả đều lười biếng. Những lối sỏi và những phiến ngói cũ kỹ cùng những bờ rào thấp lẫn trong cỏ kia, đã già nua cùng thời với cư xá này, đang họp nhau lại thành một cụm kiến trúc lạc lõng ngay giữa thành phố. Tất cả đều thở mệt nhọc.
Thời tiết ngoài kia với thời tiết trong An như cùng trên một phong vũ biểu: nặng nề, biếng nhác.
Ðó là một buổi sáng Chủ Nhật, An nằm ngồi uể oải nhìn ra ngoài cửa sổ, không thiết cả tới việc chải đầu hay dọn dẹp lại giường. Chị Kim đã rúc vào phòng tắm từ sớm, than phiền nước chảy yếu quá không còn lên nổi tới vòi sen. Chị trở về phòng thoải mái với một chiếc khăn quấn ngang người và ngồi gỡ tóc thật lâu trước gương.
- Sáng nay mi không đi đâu, hở An?
-...
- Mệt hả?
- Cái đầu em hay choáng váng.
- Ðừng nằm nữa.
- Chị sửa cho em chiếc xe đạp đi chị Kim.
- Phải nói với ba, chiếc xe ấy muốn đi được phải sửa lại toàn bộ.
- Ba thì chẳng muốn em đi xe đạp.
- Ðúng vậy, mi chạy xe ẩu lắm. Với lại gần trường cần gì.
- Nhưng em cũng phải có bạn bè chứ.
Chị Kim im lặng và bắt đầu ủi quần áo. Có lẽ chị sửa soạn đi đâu.
- Chị đi đâu vậy, chị Kim?
- Có chút việc.
An nghe trong câu trả lời có sự giấu giếm. Chờ chị sửa soạn đóng bộ vào là An có thể đoán được phần nào chị đi đâu.
Dạo này, chị hay chú ý tới sửa soạn, và sửa soạn hơi lâu. Khác hẳn với thời còn sinh viên, chỉ gọn gàng mái tóc là đủ. Việc chọn giày khôgn bao giờ có. Bây giờ chăm chút từng tí. Lông mi, lông mày, kem lót, phấn thoa, môi son, môi bóng. Giày dép chục đôi, thử tới thử lui có khi ra tới cửa còn trở vào đổi kiểu này kiểu khác. Rắc rối thật, con gái. Nếu xem cắm một bông hoa vào bình chưng có lẽ người ta cũng không đến nỗi tỉa tước, nắn nót vuốt ve lâu như thế.
Một chiếc áo dài màu trắng sữa với những khối màu đỏ chen với chấm và sọc đen cắt góc rất “mô đen,” dáng người thon thả, chị Kim mặc áo dài thật hợp.
- Lịch sự mi để đâu rồi An?
Chị Kim kéo lại mép áo. An vẫn thản nhiên nhìn chị. Chị mình dạo này có vẻ thoải mái tự nhiên hơn những năm trước. Mà chị em với nhau có gì phải dè dặt với nhau như thế nhỉ?
- Sao chị không sắm một lố “mi ni,” dạo này thiên hạ thịnh “mi ni” lắm cơ mà.
- Mi có vẻ rành nhỉ?
- Em nghe chị Hà nói vậy.
- Hà nào?
- Chị Hà ở cùng cư xá mình, vẫn hay đợi em đi học đó.
- Cái nhà ấy mới dọn về đây được hơn một năm mà phất mau quá. Lên lầu lên xe nhanh như trúng số. Nghe đâu cái con nhỏ đó quậy lắm phải không?
- Em đâu rõ.
- Ðang đi học mà đã bày đặt cặp tùm lum.
- Chị ấy gần hết cấp ba rồi.
- Ba bốn gì cũng vậy. Hễ yêu cái này thì thôi yêu cái kia. Còn đi học thì chỉ nên biết sách vở.
- Chị hơi khắt khe quá đấy, chị Kim ạ.
- Chẳng quá đâu. Ta nói thật, ham vui sớm chỉ thiệt thân con gái.
An im lặng. Ở đây An thấy chị và mình có một khoảng cách. Cũng như chị hay nói: Các cô bây giờ bạo quá, hơn cả xi nê. Chị quên, thời của xi nê đã chào thua để thời của video lấn lướt. An không bênh chị Hà. An khôgn biết chị Hà nhiều. Nhưng chị Hà trắng và có nét, đẹp và sống động. Nhất là giọng Hà Nội của chị, do re mi fa sol la si bảy nốt âm nhạc cũng không diễn tả hết cung bậc dễ thương, rất dễ thương mà ai cũng muốn nghe từ cái đàn là cặp môi mọng của chị.
- Chị Kim ơi, An vội gọi chị khi chị đã bước xuống thang, nơi chị làm việc có thể gọi điện thoại tới được không?
- Có, nhưng chỉ ngoài giờ thôi. Chi vậy?
An tính xin chị số điện thoại để có dịp “làm quà” cho anh Thức và cũng để “nhắc nhở” tới một số điện thoại mà chị đã biết. An không muốn mất anh Thức như vậy An phải giữ được chị Kim. Ðộ này chị Kim kín lắm, bạn bè của chị đố bao giờ chị hé ra cho thấy... gót giày, nói chi tới mặt mũi. Nghe mẹ nói, hình như dạo này có đám bạn học cũ của chị hay rủ rê nhau sinh hoạt và cũng hình như, chị đang có một dấu chấm hỏi rớt vào đâu đó trong đám cố tri ấy.
An nói với mẹ:
- Anh Thức cũng được đấy mẹ?
Mẹ bảo:
- Con trai chúng nó lúc nào cũng “đom đóm lập lòe, bươm bướm chập chờn,” chẳng biết chúng ngả đâu, nghiêng đâu. Khi nào rã cánh mới biết chúng sa xuống đám nào. Biết đâu mà tin, biết đâu mà đợi.
Mẹ nói, hết bàn. An lục chạn kiếm cái gì có thể bỏ vô miệng được rồi vào phòng tắm xối nước ào ào. Mặc mẹ phản đối: Khi không được khỏe trong người phải kiêng nước. Nước là chất xúc tác dễ làm con người trong lên và làm trôi được cả những bực bội, khó chịu nơi thân xác, An nghĩ thế. Cô bé nhắm chừng mẹ không còn ở bếp, để nguyên vậy và chạy thẳng lên lầu, quấn người bằng một chiếc mền to xù, ngồi thù lù như một con thú lông giữa giường. Ðó là buổi sáng Chủ Nhật. An bỗng thèm một ly sữa đậu nành và một miếng bánh bông lan thơm vàng mềm tơi ra ngập miệng.
An đang sấp người với những trang báo vụn vặt bỗng nghe có tiếng huýt gió từ dưới cửa sổ vọng lên. Ló đầu ra An thấy Quân đang đứng ngửa cổ lên với cặp vợt dài cầm nhăm nhăm:
- Chơi cầu lông không, An?
An lắc đầu:
- Không.
- An đang làm gì vậy?
- Không.
- Xuống đây chơi được không?
- Không.
- Sao cái gì cũng không hết vậy. Quân vô chơi được không?
- Ðừng. Ðợi An một chút.
An “xoọc” vội quần áo rồi nhào xuống. Quân là em của chị Hà, “cậu bé” bằng hay hơn An một vài tuổi gì đó. Ham thể thao, anh chàng mê cả tốc độ. Khi nghe có tiếng rú ga, nhìn ra thì y như rằng chàng đang biểu diễn xe gắn máy trong đường hẹp cư xá để được chú ý và nghe các ông bà già xỉa xói cho vui.
- Xe đâu rồi?
An hỏi, hai người đang đứng trước bờ rào bằng hoa dâm bụt cắt thấp. Quân bẽn lẽn:
- Bị phạt một lần, ông già cấm rồi.
- Cho đáng. Chị Hà có nhà không?
- Chắc có đấy. Mẹ An đâu?
- Có lẽ đi chợ.
- Mình vào được không.
- Thôi đứng đây đi.
Nhưng nghĩ rằng mẹ không thích cảnh bên bờ rào chuyện trò, An lách đám cây chui ra.
- An muốn qua chơi với chị Hà một chút.
Ở chung một ku, đi học chung một đường nhưng chỉ biết vậy, chị Hà và An cũng chưa bao giờ tới nhà nhau. Nhân thể vừa rồi chị khoe nhà mới mua máy đánh trứng làm bánh, An muốn tới để xem thử.
- Chị Hà mới đi khỏi, Quân vào nhà rồi trở ra sân báo cho An biết, chị Hà có bạn trai nào vừa mới tới chở đi chơi. An có chuyện gì cần không?
- Cũng chả cần thiết lắm.
An nhìn lên cây mận trắng ở giữa sân để tìm một điểm... nóng. Những cành thấp đã trụi, chỉ còn vài chùm nhí nhưng lại ở rất cao.
- Hái được không, Quân?
- Chát lắm.
- Kệ.
- Ðể bao giờ lớn tặng An nguyên rổ?
- Chẳng thèm. Lười hái thì thôi.
Dễ chọc tự ái nhau. Quân leo lên và bức xuống hai bà chùm liền. Chẳng ngon lành gì, nhưng có cái gì nhai trong miệng cũng đỡ buồn. Vừa nhai vừa nhả, An ngồi xuống một cái ghế thấp và kêu lên:
- Ghế gì mà dốc như cầu tuột nhà trẻ thế này?
- À, ghế tập tạ của mình đấy.
- Quân tập tạ nữa à. Thể dục thể thao khiếp nhỉ?
- Sao lại khiếp nhỉ?
- Nói thật đấy, An nhìn thấy mấy ông vai u thịt bắp cử tạ trên ti vi sợ đến phát khiếp lên được.
An cố tình bắt chước giọng nói của một vai kịch nào đó, khinh khỉnh, tỉnh bơ.
Quân cười:
- Mình chỉ tập cho khỏe thôi:
- Khỏe thì thiếu gì thứ chơi, bóng này bóng nọ hay bơi lội chẳng hạn.
- Mình cũng tính ghi danh ở một hồ bơi đấy.
- Ðâu vậy?
- Ở tuốt Thị Nghè cơ.
- Xa thế.
- Bộ An cũng thích bơi hở?
- Nghe tụi nó bảo bơi lội cũng tốt lắm. Anh chỉ sợ...
- Sợ đen hở?
- Không. An sợ phải... giao thiệp với bác sĩ tai mũi họng.
- Làm gì đến nỗi. Cứ để bao giờ có khóa mới mình sẽ ghi danh cho An luôn thể.
- Hy vọng từ đây đến đó An không thay đổi ý kiến.
An ném trái mận non về phía Quân, cười. “Cậu bé” coi bộ cũng còn lắm điều ngây ngô. Rất nhanh, An liên tưởng tới lúc hắn cúi rạp người trên xe và rú máy phóng như bay. Một cách đối kháng nào đó ngộ nghĩnh, giữa hai tâm trạng ở một con người. Có phải mỗi đứa trẻ lớn lên đều như thế, ngay cả mình theo cách nghĩ của An, có những khao khát chưa rõ nét về tuổi trẻ. Lúc chưa định hình được thì mình vẫn được coi như một trẻ con với những mảnh rất trẻ con. Một trẻ con đã lớn, ở một số đứa như An chẳng hạn, theo nhận xét của bố mẹ, không phải ít điều phiền phức kèm theo.
Về tới nhà, nghe có tiếng động phía sau bếp, An đi vòng cổng trước.
- Ðâu về vậy nhỏ?
- Con ra ngoài mua mấy viên thuốc.
Hết buổi sáng Chủ Nhật. An xoài ngươì trên giường và nghe trong mình như có sóng nhồi.