Bảy Viễn tên thật là Lê Văn Viễn, một trong những thủ lĩnh Bình Xuyên đã tham gia đánh Pháp từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Tuy có chút ít thành tích nhưng ông ta vốn đầu óc giang hồ hảo hán, anh hùng nhất khoảnh, cục bộ địa phương rất nặng. Biết được điểm này, cơ quan tình báo Pháp đã tìm cách cài cắm được hai nhân viên phòng nhì là Lại Hữu Tài và Lại Văn Sang làm quân sư cho Bảy Viễn khi y đang chỉ huy Chi đội 9 Bình Xuyên đóng ở rừng Sác. Dưới sự đạo diễn của hai tên này, Bảy Viễn ngày càng lao sâu vào con đường sa đoạ, trụy lạc, bất tuân thượng lệnh.
Sau khi ông Ba Dương thủ lĩnh của Bình Xuyên hy sinh, ông Năm Hà được bầu làm chủ tướng thay ông Ba Dương, điều này càng làm cho Bảy Viễn bất mãn. Tuy đã được cấp trên bổ nhiệm làm Khu bộ phó Khu 7 nhưng Viễn vẫn ở lại rừng Sác, biến nơi đây thành một giang sơn riêng, một tiểu triều đình có đủ quan văn, quan võ, mỹ nữ, cung phi. Sống giữa rừng sâu mà ngày ngày vẫn đủ cà phê, hủ tiếu, lave, xá xị, xóc đĩa, bài cào và gái phục vụ. Bảy Viễn ngày càng sa đoạ và lộ rõ ý đồ phản bội. Y mưu toan ám hại những người cách mạng trung kiên, thủ tiêu các cán bộ quân sự người Bắc, công khai thanh trừng các chính trị viên các đơn vị Bình Xuyên do hắn chỉ huy. Để đối phó lại, Xứ ủy Nam Bộ hồi đó do đồng chí Lê Duẩn làm bí thư và Bộ Tư lệnh Nam Bộ do Trung tướng Nguyễn Bình chỉ huy đã đề nghị Trung ương phong cho Bảy Viễn chức Khu trưởng Khu 7 để kéo hắn rời bỏ rừng Sác về Đồng Tháp nhận chức mới. Bảy Viễn về nhận lễ tấn phong chức Khu trưởng Khu 7 ngày 19-5-1948 tại xã Nhơn Hòa Lập. Nhưng chưa được bao lâu Bảy Viễn lại thay lòng đổi dạ. Ngày 24-5-1948, y đã kéo 2 đại đội mạnh đi theo hộ tống rút khỏi Bộ chỉ huy Khu 7 để về Sài Gòn đầu hàng quân Pháp sau khi đã cho Năm Tài tức Lại Hữu Tài đi trước bắt liên lạc với tên tướng Pháp Đờ-la-tua (DeLaTour). Lãnh đạo và chỉ huy Nam Bộ cũng biết điều này nhưng để tránh cảnh phải nổ súng bắn nhau giữa hai bên, bên ta chủ trương không níu kéo Bảy Viễn ở lại nữa mà chỉ tìm cách hạn chế tác hại của việc này. Một đại đội pháo liên thanh Bô-pho trong số hai đại đội mà Bảy Viễn mang theo được lệnh bí mật của ta đã ở lại, không qua sông Vàm Cỏ Tây. Vào giờ phút chót thì Bảy Cao, tham mưu trưởng của Bảy Viễn vin vào cớ phải có lực lượng đi trước mở đường về thành nên đã dẫn thêm được hai tiểu đội bộ binh nữa quay lại Sở chỉ huy Khu 7, không theo Bảy Viễn. Thế là khi về đầu hàng Tây, trong buổi lễ ra mắt quan thầy, Bảy Viễn chỉ còn trong tay hơn hai trung đội lính đi theo hộ tống. Xung quanh việc Bảy Viễn về Sài Gòn đầu hàng giặc có mấy tình tiết đáng lưu ý. Đêm ấy trên đường về thành, Bảy Viễn ghé qua Sở chỉ huy Chi đội 4 của Mười Trí để nghỉ. Viễn và ông Mười cùng là dân giang hồ hảo hán, cùng là thủ lĩnh Bình Xuyên, cùng bị Pháp bắt vì tội làm cướp hồi trước Cách mạng Tháng Tám, lại cùng nhau vượt ngục từ Côn Đảo về đất liền nên rất thân nhau, tin nhau. Họ chỉ khác nhau ở chỗ Bảy Viễn thì nhiều tham vọng, dễ dao động ngả nghiêng, còn Mười Trí thì kiên trung với cách mạng.
Tâm tình với bạn suốt một đêm một ngày, Mười Trí đã hết lời khuyên Bảy Viễn ở lại nhưng không được, Bảy Viễn vẫn cương quyết ra đi. Sáng 26-5-1948, Bảy Viễn tiếp tục lên đường. Mười Trí cũng nai nịt gọn gàng dẫn một tiểu đội đi theo và nói:
- Để tao tiễn mày một chặng đường.
- Mày tiễn tao hay mày bám sát theo lệnh của Ba Bình (Trung tướng Nguyễn Bình)?
- Dẹp Nguyễn Bình qua một bên đi. Tao làm theo ý tao. Đây là tình nghĩa đồng sinh đồng tử giữa tao với mày. Mày còn nhớ lần vượt Côn Đảo phải uống nước đái giữa biển Đông thề nguyền sống chết có nhau không?
Bảy Viễn hỏi lại:
- Mày bị Cộng sản nhuộm đỏ rồi phải không?
- Nhuộm thằng Mười này còn khó nhưng thật tình tao có cảm tình với Cộng sản. Nếu không có mấy cha làm Cách mạng Tháng Tám thành công thì giờ này hội mình cũng chỉ là đám lục lâm thảo khấu. Cách mạng đã nâng chúng ta lên thành con người sống có lý tưởng, có nhân cách. Tao mến Cộng sản là ở chỗ đó…”.
Bảy Viễn không nói gì thêm, chỉ im lặng thở dài.
Sau khi về đầu hàng giặc, Bảy Viễn được bọn Pháp mua chuộc gắn cho lon thiếu tướng. Nhưng do ngán ngẩm thân phận, y không cầm quân nữa mà lên cao nguyên mở công trường khai thác và buôn bán gỗ cho đến năm 1955.
Năm 1956, Bảy Viễn cầm đầu một phe nhóm chống lại Ngô Đình Diệm và Diệm đã quyết tiêu diệt Bảy Viễn bằng được. Vì ở thế yếu, Bảy Viễn buộc phải trốn sang Pháp sống lưu vong những năm cuối đời.