Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 18-12-2008, 02:55 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Gặp người anh hùng rừng Sác năm xưa giữa đời thường

Kỷ niệm 64 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2008)

Người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) rừng Sác Trịnh Xuân Bảng mà tôi vô cùng ngưỡng mộ qua đài báo đã đọc, đã nghe một thời là đây. Ở tuổi 67, nhưng sức vóc ông trông vẫn khỏe mạnh, cường tráng. Anh hùng thuở ấy, bây giờ là nông dân. Mái tóc ông Trịnh Xuân Bảng đã bắt đầu bạc là bằng chứng của quãng đời làm lính, cầm cuốc, cày của ông.

Nhà ông cách phía nam cầu Càng chừng 500 mét, sát đường quốc lộ 1A, thuộc thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đó là ngôi nhà cấp 4, ruộng lúa bao quanh, quà tặng của Binh chủng Hải quân nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam mấy năm trước.

Tôi bước vào ngõ khi ông đang hì hục đào hố để ủ phân chuồng. Bà Phạm Thị Đạo, vợ ông, vội vã đến làm thay, để ông đến bể nước, mở vòi, rửa tay, rửa mặt, mặc vội chiếc áo đã nhàu nhĩ, bắt tay và dẫn khách vào nhà. Tôi nhìn bao quát. Ngoài bộ bàn ghế ở phòng lồi để khách và chủ ngồi, chiếc tivi đặt trên bàn đối diện với bàn thờ gian giữa, còn hai bên là mấy chiếc giường ngủ của vợ chồng ông và các cô con gái.

Người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) rừng Sác Trịnh Xuân Bảng mà tôi vô cùng ngưỡng mộ qua đài báo đã đọc, đã nghe một thời là đây. Ở tuổi 67, nhưng sức vóc ông trông vẫn khỏe mạnh, cường tráng. Anh hùng thuở ấy, bây giờ là nông dân. Mái tóc ông Trịnh Xuân Bảng đã bắt đầu bạc là bằng chứng của quãng đời làm lính, cầm cuốc, cày của ông.

Tháng 2/1965, Mỹ đánh vào Đồng Hới, mở màn cho chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Trong hào khí giục giã tòng quân bảo vệ Tổ quốc thân yêu, 24 tuổi, cùng bao trai tráng, Trịnh Xuân Bảng náo nức, hồ hởi lên đường nhập ngũ. Sau mấy tháng luyện tập cơ bản, anh là lính bộ binh thuộc Đơn vị 365 Bộ đội Quảng Bình. Đùng một cái, lực lượng Hải quân cần bổ sung.

Thế là với 3 chiến sĩ khác cùng quê, Trịnh Xuân Bảng trong số những người được chọn cấp tốc được đưa ra Hải Phòng, gia nhập binh chủng mới, Binh chủng đặc công nước. Để trở thành người chiến sĩ của binh chủng đặc biệt này, người lính phải luyện tập ngày đêm, đủ môn, trên bộ, dưới nước. Có khi phải chôn mình trong bùn giữa nắng suốt ngày, rồi qua đêm. Đến tiết mục lặn sâu, lặn dài, người nào cũng như con nhái, máu mồm, máu mũi hộc ra...

Cuối năm 1966, đơn vị anh hành quân vào Nam. Ôtô chở đến làng Ho (Lệ Thủy, Quảng Bình) thì tất cả bắt đầu đi bộ để vượt Trường Sơn. Suốt 9 tháng trời ròng rã, cũng có chiến sĩ nằm lại giữa Trường Sơn đại ngàn, đơn vị anh đã vào đến Đồng Nai, phiên chế vào Trung đoàn 10, Quân đoàn 7.

Rừng Sác là hậu cứ của đặc công nước, một vùng sình lầy mênh mông đủ các loại cây sú, vẹt, đước, mắm, thuộc địa phận giữa Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Sài Gòn chừng 30km. Mùa mưa thì nước ngập mênh mông. Mùa khô thì cạn ráo. Nước ngọt phải chưng cất như người ta chưng cất rượu, rồi chia nhau từng ngụm.

Nhiều lần, tiếp tế lương thực từ các hậu phương bị bế tắc, chiến sĩ rừng Sác phải bắt ốc, bắt cua, nấu với tiêu chuẩn 1 người 1 vốc gạo mỗi bữa. Bọn thám báo luôn rình rập. Máy bay OV10 của Mỹ không ngày nào không vè lượn tìm mồi. Khả nghi, chúng gọi phản lực đến ném bom, vãi đạn. Tuy vậy, người chiến sĩ đặc công rừng Sác vẫn sống, bám trụ, biến nơi đây thành bàn đạp, làm nên những chiến công thần kỳ, khiến quân thù khiếp sợ.

Ông Trịnh Xuân Bảng lại rót nước mời tôi, rồi kể về chiến công mà ông được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam phong tặng anh hiệu Anh hùng giữa năm 1969.

Đó là sau tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường chốt chặn khắp mọi tuyến đường để cô lập thành phố và chiến khu của ta. Những ngày cơm thiếu, đạn thiếu, rừng Sác như người bệnh kiệt sức. Chính quyền Mỹ-ngụy huênh hoang trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng, Việt Cộng đã bị tiêu diệt hoàn toàn, vì súng đạn Hoa Kỳ, vì đói, vì bệnh.

Phải lấy lại lòng tin của dân. Phải nói cho mọi người được biết: Cách mạng còn đây! Sức mạnh và ý chí của Việt Nam còn đây! Tư lệnh Quân khu 7 Lương Văn Nho (còn gọi là Hai Nhã) và Trần Bá Ước, Trung đoàn trưởng, bao đêm bần thần trước một câu hỏi lớn của lịch sử. Ý định đánh kho xăng Nhà Bè để vì mục đích ấy, vẫn như bài toán không có lời giải.

"Để em đi cho, thủ trưởng hí!". "Nói dốc!", Tư lệnh trưởng Hai “Nhã” bắn tia nhìn vào đôi mắt Trịnh Xuân Bảng. Người con trai của đất lửa Quảng Bình ngày đêm đang bị bom Mỹ bắn phá, cầm tay Tư lệnh trưởng của mình, lay lay với một lời thề tín nghĩa: "Thủ trưởng hãy tin thằng em quê Quảng Bình này!".

Trầm ngâm một lát, Trung đoàn trưởng Trần Bá Ước ngồi bên bỗng cất giọng: "Mà mày, lấy cái gì để mà đánh?". Thế là các "ổng" đồng ý rồi, Trịnh Xuân Bảng nghĩ vậy liền hăng hái lên: "Có gì đâu, thủ trưởng! Bảo công binh tháo 1 quả bom chưa nổ 500 bảng Anh là em ẵm đi được thôi!".

Kế hoạch Trịnh Xuân Bảng đề xuất được thực thi. Trước khi lên đường, đang được quyền chọn 2 chiến sĩ mà theo mình là có thể cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đó là Trần Dần, quê Hà Tĩnh và Nguyễn Chất Xê, quê Thái Bình. Trước tối lên đường, 3 chiến sĩ cảm tử của rừng Sác được ngồi chung mâm với các thủ trưởng.

Hôm đó, có thêm đĩa cá lóc kho khô, do các chiến sĩ trong tiểu đội anh ban sáng bắt được. Bữa cơm chia tay, nếu như không nói rằng, đó là bữa "giỗ sống", mà trong thâm tâm ai cũng nghĩ vậy. Bởi vì, đã nhiều lần, có những cuộc chia tay của các chiến sĩ rừng Sác như thế này, người ra đi đã không trở lại.

19h, các chiến sĩ rừng Sác lên đường. Khối thuốc nổ được đặt trên một bè chìm, lắp xắp mặt nước. Bèo độc bình được phủ dày. Tất cả vừa bơi đứng, vừa đẩy khối thuốc nổ xuôi theo dòng sông Sài Gòn. Đúng như tổ điều nghiên đã báo cáo lại, chiếc tàu 1,5 vạn tấn của Mỹ cập cảng Nhà Bè luôn được bảo vệ cẩn mật.

Không những bằng các canô tuần tiễu mà còn lính tráng trên mạn tàu thỉnh thoảng ném lựu đạn xuống sông để phòng ngừa đặc công nước Việt Cộng có thể xâm nhập. Đèn pha của chúng luôn luôn quét sáng mặt nước, kiểm soát từng vật nhỏ trên sông. Nhưng với mưu trí thao lược, khoảng 2h sáng thì cả khối thuốc nổ được 3 chiến sĩ áp vào được mạn tàu giặc.
Trịnh Xuân Bảng gài đồng hồ hẹn nổ sau 1 tiếng. Cả 3 người lặng lẽ lặn ngược dòng sông. Khi một tiếng nổ và khối lửa bùng lên dữ dội ở cảng Nhà Bè, áp suất trong nước đẩy mỗi người một nơi, không tìm được nhau. Gần sáng, Tổ trưởng Trịnh Xuân Bảng đã gặp một chị nông dân ra bờ sông cắt rau cho lợn.

Tiếng nổ trước đó ở cảng Nhà Bè và con người mình trần quần cụt dạt vào đây, khiến chị nghĩ ngay đến đó là bộ đội giải phóng. Nhờ chị, anh có trang phục và thức ăn. Tìm về rừng Sác sau 7 ngày ròng rã. 3 lần gặp địch, nhưng với sự khôn ngoan, bình tĩnh, anh đã đánh lừa được chúng.

Trần Dần, Nguyễn Chất Xê sau đó cũng trở về với một pho chuyện sinh động, hấp dẫn, ly kỳ giữa lòng dân, lòng địch. Về sau, 2 chiến sĩ này cũng được phong Anh hùng, bởi họ còn tham gia nhiều chiến công oanh liệt khác.

Anh hùng Trịnh Xuân Bảng bám trụ rừng Sác, tới năm 1972 ông được ra Bắc chữa bệnh. Trước khi rời chiến trường, ông được Mặt trận Campuchia mời tham mưu cho một trận thủy chiến. Sau 3 đêm điều nghiên rồi vào trận, chiếc tàu chở 4.000 tấn vũ khí đạn dược tiếp tế cho bọn phản động neo đậu ở cảng Tân Châu trong Vịnh Xihanuc bị nổ tung, bốc cháy rồi chìm nghỉm bởi khối thuốc nổ hơn 600 cân. Năm 1987, ông được nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.

Chân ướt, chân ráo về với đất Quảng Hưng lắm cỏ dại và cát trắng, ông được nhân dân địa phương bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tân Sơn trong 2 nhiệm kỳ. Người Anh hùng rừng Sác năm nào quyết định táo bạo là bắt thăm chia lại đất đai của hợp tác xã cho các xã viên. Ai cũng có phần ruộng tốt, ruộng xấu. Đã có sự ẩu đả xảy ra khi kế hoạch thực thi. Bí thư Chi bộ Trịnh Xuân Bảng liền có mặt, giải thích: "Đây là nghị quyết chung của hợp tác xã. Ai chống lại sẽ bị pháp luật trừng trị". Dần dần, mọi người cho việc làm của ông là phải.

7 đứa con, 2 trai, 5 gái lần lượt ra đời, người Anh hùng rừng Sác năm xưa nghĩ cách thoát nghèo bằng cách khai hoang, khẩn hóa. 1,5 mẫu ruộng, trong đó có 4 sào ruộng khoán của hợp tác xã phân phối. Hạt lúa, củ khoai nhuốm mặn mồ hôi và nước mắt của vợ chồng ông. Những buổi nông nhàn, ông cùng con cái lên rừng đi củi, vừa có cái đun bếp, vừa có cái bán lấy tiền mua thêm thức ăn vật dụng trong nhà.

Đến bây giờ, sóng gió cuộc đời nghèo túng đã tạm yên. Cùng với đồng lương hưu, nông sản thu được qua mùa vụ, khiến cái đói, cái nghèo không còn rình rập gia đình ông nữa. 2 đứa con trai và con gái đầu đã lập gia đình, ở riêng. 4 cô con gái còn lại, 1 đang theo học Cao đẳng Kế toán ở Đà Nẵng, 3 đang theo học THPT ở huyện.

Tháng 1/2008, trong chuyến thăm các tỉnh miền Trung, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dừng xe, ghé thăm ông. Chủ tịch nước khoác vai người Anh hùng xưa và nông dân nay Trịnh Xuân Bảng từ ngoài cổng, cùng đi vào nhà, như hai anh em từng quen biết từ thuở nào. Trên bộ bàn ghế trong căn nhà giản dị mà hôm nay tôi đang ngồi với ông, lúc đó có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, quyền Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cùng vợ chồng ông lúc đó đã ngồi.

Chủ tịch nước nói: "Tất cả những đặc công ở rừng Sác đều xứng đáng là những Anh hùng".

Gần cuối buổi gặp gỡ, trò chuyện, Anh hùng Trịnh Xuân Bảng đề xuất 2 ý kiến với Chủ tịch nước.

Một là, nếu đất nước có chiến tranh trở lại, thì ông và đồng đội sẵn sàng cầm súng lên đường để bảo vệ Tổ quốc. Hai là, làm sao cho dân ta mau thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thân mật, vui vẻ trả lời. Vấn đề thứ nhất là Đảng và Nhà nước ta sẽ bằng mọi cách để chiến tranh vĩnh viễn không xảy ra trên mảnh đất này.

Vấn đề thứ hai, bắt đầu từ năm 2012, cuộc chinh phục đói nghèo trên toàn đất nước có thể đạt được hiệu quả lớn. Vì lúc đó, hàng loạt dự án kiến thiết, xây dựng lớn của đất nước đã thực thi đi vào giai đoạn gặt hái.

Và, vẫn vậy, tôi sẽ tiếp tục làm anh nông dân đến hết đời, trung thành, tận tụy với công việc xã hội, gia đình và vui sướng đợi chờ tương lai tươi sáng của đất nước đang đến gần. Anh hùng rừng Sác năm xưa Trịnh Xuân Bảng nói như thế khi tiễn tôi ra tận cổng. Nắng chiều đang hối thúc ruộng khoai lang, trồng xen giữa hai vụ lúa hè - thu và đông - xuân càng mau xanh ngọn. Đồng quê tươi lại sau những trận mưa dầm dề trút xuống cả miền Trung...

Hồ Ngọc Diệp



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™