Vào một chiều cuối thu, tôi tới thăm Trung tướng - Anh hùng tên lửa Nguyễn Văn Phiệt, người làm nên trận đánh huyền thoại của Bộ đội Tên lửa Việt Nam vào đêm 21/12/1972 trong Chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội.
Với hai trận đánh liên tiếp diễn ra chỉ cách nhau có 10 phút, mỗi trận phóng một quả tên lửa, tiêu diệt 2 máy bay B52 đạt được 3 cái nhất: Thời gian diễn ra giữa hai trận ngắn nhất, tiêu hao tên lửa ít nhất và xác suất lớn nhất mà từ khi xuất quân cho đến khi kết thúc chiến tranh chưa hề có đơn vị nào của Bộ đội Tên lửa đạt được.
Nhìn thấy tôi, ông niềm nở ra tận cổng đón rồi đưa tôi vào phòng khách nằm bên hàng cây xanh đang vươn cao bóng mát. Nhấp chén chè nóng hổi, hương thơm của nó bỗng làm tôi nhớ đến hương thơm của những vườn chè bạt ngàn trên trận địa bãi Trám - Đông Anh năm xưa. Ở nơi ấy, chính ông là người đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.700 vào 9h ngày 27/6/1972 trên bầu trời thủ đô. Đây là chiếc máy bay F4E bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên trên bầu trời Hà Nội kể từ khi đế quốc Mỹ mở lại cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc lần thứ 2.
Kéo tôi ra khỏi những kỷ niệm một thời cùng ông chiến đấu, ông chậm rãi kể cho tôi nghe về diễn biến của trận đánh B52 đêm 21/12/1972, về những con người trong kíp chiến đấu đã cùng ông làm nên trận đánh có một không hai trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam anh hùng.
"... Kể từ đêm ngày 18/12 đến đêm 21/12 đã là 3 đêm anh em chúng tôi thức trắng. Ngồi trực trên máy ai cũng tranh thủ nghỉ lấy vài phút cho đỡ mệt. Mọi ăn uống sinh hoạt đều bị đảo lộn, không khí chiến tranh ngày một căng thẳng, ác liệt. Đơn vị đã đánh một số trận nhưng chỉ tiêu diệt được một máy bay B52. Ngay từ chập tối địch đã ồ ạt trút hàng trăm tấn bom xuống khu vực Đông Anh, Đức Giang, Yên Viên tạo nên những quầng lửa cháy sáng rực một góc trời. Đêm hôm trước đơn vị đã tham gia chiến đấu nhưng không có kết quả. Mọi người trong kíp chiến đấu ai cũng tỏ ra bồn chồn, lo lắng. Làm thế nào phải chặn đứng được địch từ hướng tây, tây bắc mà trên đã phân công cho đơn vị đảm nhận, quyết không để chúng lợi dụng địa hình, địa vật của hướng này để bay vào đánh phá thủ đô. Bỗng có tiếng chuông điện thoại vang lên làm cắt ngang mọi suy nghĩ của tôi. Tôi vội cầm ống nghe, từ đầu dây bên kia là tiếng nói sang sảng của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Tạo.
Lúc ấy tôi hiểu đó chính là chỉ thị, là mệnh lệnh của Tổ quốc, là tiếng gọi thiêng liêng của đất nước. Vì vậy tôi động viên nhắc nhở mọi người khẩn trương vào chuẩn bị chiến đấu, nghiêm khắc rút kinh nghiệm của trận đánh đêm 20/12, cố gắng vận dụng bằng được mọi cách đánh hay của các đơn vị bạn nhất là những kinh nghiệm chiến đấu với B52 trước đây ở chiến trường Khu IV.
Nét mặt mọi người trong kíp chiến đấu dưới ánh đèn chiếu sáng của cabin thật tươi tỉnh và rạng rỡ, tiếp thêm cho tôi một niềm tin để vững tâm chỉ huy. Mọi ánh mắt đều thể hiện một quyết tâm đồng lòng nhất trí cao độ. Nhất là sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên đang tập trung cao độ vào màn huỳnh quang để chọn mục tiêu. Chàng sinh viên năm nào vừa từ giã giảng đường đại học xung phong đi chiến đấu đang chăm chú lắng nghe mệnh lệnh của tôi đồng thời chỉ huy theo dõi 3 trắc thủ. Anh nhớ lại trận bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên của đơn vị vào đêm 19/12 vừa qua. Anh lấy trận thắng đó làm kinh nghiệm cho mình, cho kíp chiến đấu để lập nên chiến công mới.
Hơn 4 năm là sĩ quan điều khiển anh tâm đắc một điều: Phải có sự hợp đồng ăn ý thật cao, bất kể lúc nào 3 trắc thủ với mình phải luôn là một, cả khi sinh hoạt đời thường cũng như trong chiến đấu. Các chiến sĩ trong kíp chiến đấu đều còn rất trẻ, chưa ai có vợ. Trong đó Ngô Văn Lịch, trắc thủ góc tà là trẻ nhất, chả thế mà anh em trong đơn vị vẫn trêu Lịch là: "Miệng còn hơi sữa". Lúc ấy anh mới 20 tuổi từ kíp II đưa lên kíp I. Tuy trẻ nhưng Lịch rất nhanh nhẹn, tháo vát, nhanh trí tiếp thu học hỏi những kinh nghiệm của lớp đàn anh một cách thận trọng. Được giao nhiệm vụ mới, tính chăm chỉ ham học của người thanh niên đất Tổ Vua Hùng được phát huy cao độ, anh tranh thủ từng giờ, từng phút luyện tập tay quay cho thuần thục khi bám mục tiêu không bị giật cục.
Trắc thủ cự ly Mè Văn Thi vốn là người ít nói, kiệm lời. Vốn con nhà nông, anh sinh ra ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Cho đến bây giờ tôi đã đi nhiều nơi, ở nhiều vùng của đất nước, chưa hề gặp ai lại có tên họ giống anh. Chắc chỉ có anh mới có cái tên họ mà ta nghe có một lần là nhớ đến cả đời. Nhưng đối với tôi cái nhớ nhất ở anh là tính chất phác, nhu mì. Năm ấy anh 21 tuổi, rời ghế nhà trường anh "ôm" ngay "vô lăng" điều khiển tên lửa. Thi làm việc gì cũng lề mề chậm chạp, từ dáng đi đến lời nói, cả đội gọi Thi là "ông cụ non" của kíp. Mỗi khi họp rút kinh nghiệm hoặc trao đổi về một trận đánh, từ đó rút ra những kinh nghiệm để chiến thắng trong những trận đánh sau, Thi chỉ ngồi im nghe.
Trắc thủ phương vị Nguyễn Xuân Đài sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có nhãn lồng quả ngọt. Sự lao động vất vả của nhà nông đã tạo cho anh có một dáng người to đậm, chắc nịch. So với Lịch và Thi, anh có tuổi đời và tuổi quân nhiều hơn cả. Anh nhập ngũ cùng năm với sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên, cùng chiến đấu với Kiên được nhiều trận nên rất hiểu về tính tình và cách đánh của Kiên. Trong kíp trắc thủ, anh được coi là người có kinh nghiệm chiến đấu dày dặn hơn cả nhưng anh lại luôn tỏ ra là một con người khiêm tốn và cầu thị. Mỗi lời anh nói ra sau từng trận đánh là mỗi lời được toàn kíp tôn trọng. Trong sinh hoạt anh luôn tỏ ra là người từng trải, gương mẫu trong từng lời nói việc làm nên anh được mọi người yêu quý.
Thế là lại sắp hết một đêm dài thức trắng. Kim đồng hồ trên bàn chỉ huy chậm chạp chỉ đến con số 4h 30'. Cả kíp chiến đấu đang chìm sâu trong tĩnh lặng chỉ còn lại tiếng máy ro ro đều đều. Bỗng hồi chuông điện thoại vang lên. Tôi vội cầm máy nhận lệnh, xong tôi ra lệnh ngay: Tất cả vào vị trí chiến đấu! Tiếng còi báo động từ Sở chỉ huy vang lên xua tan màn đêm yên tĩnh của một vùng quê. Tiếng báo cáo dõng dạc của 3 trắc thủ: Cự ly xong! Tà xong! Phương vị xong! Cuối cùng sĩ quan điều khiển báo cáo, giọng anh dứt khoát ngắn gọn: 3 rãnh, 3 đạn sẵn sàng chiến đấu tốt!
Lúc này Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn chúng rôi đánh tốp B52 mang số hiệu 318. Tôi ra lệnh cho sĩ quan điều khiển phát sóng sục sạo mục tiêu.
Mặc dù bị nhiễu nặng nhưng toàn kíp trắc thủ đã nhanh chóng xác định, chọn và bám sát thống nhất vào giải nhiễu của một chiếc B52. Địch vào cự ly 35km. Tôi ra lệnh phóng quả 1 nhưng đạn không đi. Đèn báo vùng cấm bật sáng, tôi lệnh tiếp phóng quả 2, sĩ quan điều khiển Kiên nhanh chóng ấn nút hoàn quả 1 rồi phóng tiếp quả 2. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên làm cả cabin rung lên. Kíp trắc thủ căng mắt tập trung bám sát vào chính giữa giải nhiễu một cách bài bản và thuần thục.
Quả đạn được 3 trắc thủ khéo léo điều khiển trúng chiếc B52 ở cự ly 25km. Trên đài NA-00 trắc thủ Đoàn Văn Súc báo cáo: Máy bay B52 bốc cháy, tiếng anh hô to vọng xuống các cabin làm mọi người vô cùng sung sướng. Thế là đơn vị đêm nay đã bắn rơi B52 thỏa lòng mong đợi của bao người. Đối với kíp chiến đấu đây còn là một kinh nghiệm quý báu cho trận đánh tiếp theo. Nhìn đồng hồ đã là 5 giờ 9 phút, trên bệ phóng chỉ còn lại duy nhất một quả đạn, mọi suy nghĩ lại tràn về trong tôi...
Chưa kịp báo cáo lại trận đánh với sở chỉ huy Trung đoàn thì cấp trên lại ra lệnh cho đơn vị vào vị trí chiến đấu. Đó là diệt tốp B52 mang ký hiệu 532. Toàn kíp chiến đấu đã hiệp đồng ăn ý từ những giây đầu tiên nên bám sát đúng ngay giải nhiễu của chiếc B52 được giao. Chờ địch vào đến cự ly 35km, tôi ra lệnh phóng quả đạn cuối cùng. Nhanh chóng thực hiện lệnh của người chỉ huy, sĩ quan điều khiển ấn nút phóng, một tiếng nổ vang lên khắp trận địa. Trên màn hiện sóng lúc này các giải nhiễu luôn biến đổi nhưng 3 trắc thủ vẫn miệt mài bám chính xác vào giải nhiễu sáng nhất của một chiếc B52.
Khi tên lửa gần gặp máy bay thì các trắc thủ nhìn thấy rõ tín hiệu của máy bay B52 to bằng hạt gạo đang hiện ra rất rõ trong giải nhiễu nằm giữa tâm điểm của màn hình càng làm cho các trắc thủ quyết tâm điều khiển quả tên lửa đến đúng mục tiêu. Quả vậy, khi tên lửa nổ thì mục tiêu bị tiêu diệt ngay ở cự ly 24km. Trong cabin cả 3 trắc thủ đều đồng thanh báo cáo mục tiêu bị tiêu diệt. Chiếc máy bay B52 bốc cháy rơi xuống chợ Thá, Núi Đôi, huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Mọi người trong đơn vị chạy ùa ra leo lên thành công sự nhìn về phía bắc trận địa. Cả một vùng trời sáng rực, xác máy bay bốc cháy ngút trời. Lúc đó đồng hồ chỉ 5 giờ 19 phút sáng ngày 22/12/1972...
Được lệnh của trên đơn vị về cấp II, cả kíp chiến đấu từ cabin bước xuống. Một làn khí lạnh đang ùa về làm cho đầu óc, tâm trí mọi người thấy sảng khoái dễ chịu. Chúng tôi lại nhanh chóng quây quần ngồi với nhau để rút kinh nghiệm sau trận đánh.
Lúc này bên ngoài trời đang sáng dần, tiếng gà gáy từ các chuồng gà của đơn vị đang thi nhau vang lên báo hiệu một ngày mới đã đến. Cả kíp chiến đấu trở về lán nghỉ, trên nét mặt mọi người ai nấy đều sung sướng phấn khởi đến lạ thường ...
Nhớ về một đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" trong chiến dịch 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt với máy bay B52 của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, tôi lại nhớ đến những người đồng đội thân yêu của tôi, những người đã hy sinh anh dũng, những người hiện đang còn sống. Giờ này các anh ở đâu? Đang làm gì? Chắc trong lòng các anh cũng như tôi luôn bồi hồi xao xuyến nhớ về một thời chiến đấu oanh liệt đã qua. Chúng ta tự hào đã góp phần viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc, lập nên những trận đánh quyết định trong lịch sử".
Từ khi nghỉ hưu đến giờ cũng được 4 - 5 năm rồi, ông Phiệt cùng người vợ thân yêu của mình ngày đêm thay nhau săn sóc bố mẹ già gần 100 tuổi cứ liên tục ốm đau. Thế mà ông vẫn còn tham gia làm trưởng ban liên lạc của 6 hội bạn chiến đấu. Ông còn là thành viên Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông trực tiếp phụ trách một cơ sở dạy nghề cho trẻ khuyết tật, con em những người đồng đội bị nhiễm chất độc da cam. Hàng tuần ông vẫn thường xuyên đi lại kiểm tra cơ sở. Thế mới biết sức bền bỉ dẻo dai của những người lính ghê thật. Năm nay ông đã "thất thập" mà trông vẫn còn phong độ, thân người săn chắc, bước đi nhanh nhẹn, nói năng khúc triết, minh mẫn.
Chia tay ông ra về mà trong lòng tôi cứ thấy bâng khuâng tiếc nuối. Giá mình đến sớm hơn chút nữa thì còn được nghe ông kể nhiều hơn về những chiến công của ông và đồng đội trong những tháng năm đánh Mỹ...