Tháng 2/1967, tình hình Trung Đông trở nên cực kỳ căng thẳng khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abd Al-Nasser quyết định trục xuất Lực lượng Phản ứng nhanh của Liên Hiệp Quốc (UNEF) ra khỏi bán đảo Sinai nằm giữa Ai Cập và Israel.
Đây là lực lượng quân sự của Liên Hiệp Quốc hoạt động gìn giữ hòa bình tại bán đảo Sinai sau khi liên quân Anh - Pháp - Israel chiếm giữ bán đảo Sinai của Ai Cập khi xảy ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez vào năm 1957.
Trước nguy cơ bị tấn công từ nhiều phía bởi quân đội các quốc gia Ai Cập, Syrie và Jordanie, Israel quyết định ra tay trước bằng việc sử dụng không quân tấn công các cứ điểm quân sự của Ai Cập vào ngày 5/6/1967, khơi mào cho cuộc xung đột quân sự tại Trung Đông giữa một bên là Israel được sự hậu thuẫn của Mỹ và một số quốc gia phương Tây và một bên là Ai Cập, Jordanie và Syrie được hậu thuẫn bởi Iraq, Arập Xêút, Sudan, Tunisie, Marocco và Algérie. Cuộc xung đột vũ trang khu vực này có tên gọi là Cuộc chiến 6 ngày.
Ngày 5/6/1967, khi Không quân Israel tấn công vào các cứ điểm quân sự của Ai Cập, Tổng thống Nasser ra lệnh cho các tàu chiến phong tỏa toàn bộ kênh đào Suez nhằm ngăn chặn các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa, trang bị khí tài quân sự cho Israel.
Tại hai đầu kênh đào Suez, Hải quân Ai Cập bố trí nhiều tàu chiến chặn không cho bất cứ tàu hàng nào di chuyển qua kênh đào Suez. Một số tàu hàng, tàu quân sự quá hạn sử dụng cũng được đánh chìm ở hai đầu kênh để làm chướng ngại vật.
Ngoài ra, Ai Cập còn bắt giữ 15 tàu hàng nước ngoài lưu thông qua kênh đào Suez khi xảy ra cuộc chiến làm con tin. Đó là các tàu: SS Observer, SS African Glen (Mỹ); MS Nordwind, MS Munsterland (Tây Đức); MS Agapenor, MS Melampus, MS Scottish Star, MS Port Invercargill (Anh); MS Killara, MS Nippon (Thụy Điển); MS Essayons (Na Uy); MS Djakarta, MS Boleslaw Bierut (Ba Lan); MS Vassil Levski (Bulgaria); MS Lednice (Tiệp Khắc).
15 tàu hàng này được tập trung quản thúc tại hồ nước mặn Great Bitter nằm giữa kênh đào Suez trong lãnh thổ Ai Cập. Tại đây 11 tàu hàng của các quốc gia phương Tây có quan điểm ủng hộ Israel được gom về một khu vực và được quân đội và hải quân Ai Cập giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó 4 tàu hàng của các quốc gia XHCN cũng được tập trung riêng tại một khu vực khác trong hồ Great Bitter nhưng không bị kiểm soát gắt gao mà còn được hỗ trợ nhu yếu phẩm, nước và nhận sự tiếp tế của chính phủ các quốc gia đó.
Việc bắt giữ một lượng lớn tàu hàng của các quốc gia phương Tây làm con tin đã trở thành vũ khí quan trọng để Ai Cập buộc các quốc gia này không hậu thuẫn cho Israel và gây sức ép buộc Israel phải trao trả các vùng lãnh thổ Ai Cập bị chiếm giữ trong Cuộc chiến 6 ngày.
Để giải thoát sinh mạng của hàng trăm thuyền viên làm việc trên các con tàu bị bắt làm con tin, chính phủ các quốc gia: Tây Đức, Anh, Na Uy, Thụy Điển lên tiếng yêu cầu Chính phủ Israel đáp ứng yêu sách của Ai Cập.
Đến tháng 11/1967, do Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Ai Cập mà còn lên tiếng ủng hộ Israel nên Tổng thống Nasser ra lệnh đưa 2 tàu hàng Mỹ là chiếc SS Observer và SS African Glen đến quản thúc nghiêm ngặt tại hồ Timsah cách hồ Great Bitter 50km nằm trong lãnh thổ Ai Cập.
Việc bắt giữ hàng loạt tàu thuyền nước ngoài làm con tin của chính quyền Ai Cập đã khiến cộng đồng quốc tế quan tâm. Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế yêu cầu chính quyền Ai Cập trả tự do cho các tàu hàng cùng thủy thủ đoàn nhưng không mang lại kết quả.
Vì vậy, một số quốc gia có tàu thuyền và thuyền viên bị bắt giữ làm con tin với số lượng nhiều đã bí mật lên kế hoạch sử dụng các đơn vị đặc nhiệm thâm nhập vào lãnh thổ Ai Cập để giải cứu.
Việc có đến 114 thuyền viên người Anh bị bắt giữ trên 4 chiếc tàu đã khiến Thủ tướng Anh Harold Wilson bật đèn xanh cho Bộ Quốc phòng Anh sử dụng Lực lượng Đặc nhiệm không quân (SAS) tấn công bằng máy bay trực thăng từ lãnh thổ Israel vào hồ Great Bitter để giải cứu các con tin.
Chiến dịch giải cứu con tin táo bạo này có tên gọi Yellow Sand. Tuy nhiên, vào phút cuối, chiến dịch này bị đình chỉ vô thời hạn do Chính phủ Anh lo ngại chẳng may nếu chiến dịch bị thất bại thì không chỉ trở thành tai tiếng mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề.
Về phần mình, để khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong thời gian bị quản thúc mà không biết bao giờ mới quay về lại quê hương, thuyền viên các tàu hàng bị bắt giữ đã thành lập Hội Ái hữu hồ Great Bitter để tương trợ lẫn nhau.
Họ thường xuyên được phép tổ chức các buổi gặp mặt, tổ chức các cuộc thi đấu thể thao và vẽ những con tem làm lưu niệm. Tuy nhiên, cũng phải đợi đến năm 1972, nhờ sự can thiệp của Liên Xô, các tàu hàng của các quốc gia XHCN mới được trả tự do cùng thủy thủ đoàn.
Đến năm 1975, 11 tàu hàng phương Tây còn lại cùng toàn bộ thủy thủ đoàn mới được tiếp tục trả tự do để quay về quê hương. Đây được xem là vụ bắt cóc tàu hàng làm con tin lớn nhất trong lịch sử hàng hải thế giới
V.H. (theo Historia)