Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 25-02-2009, 12:01 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Vụ án tình báo lớn nhất Rumani thời chiến tranh lạnh

Năm 1956, tại thủ đô Bucarest của Rumani, đã diễn ra một phiên tòa đặc biệt xét xử tội hoạt động nội gián của đường dây điệp báo do điệp viên nằm vùng người Anh John Milton cầm đầu. Trong số các điệp viên nội gián bị bắt giữ và xét xử có Emil Calmanovici, người phụ trách việc tái xây dựng Rumani sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Theo cáo trạng được công bố tại phiên tòa mở ra từ ngày 5/3/1956 để xét xử tội trạng của điệp viên nằm vùng John Milton cùng một số điệp viên nội gián người Rumani thì Milton là một điệp viên của Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6) được điều động đến Rumani vào năm 1952 dưới lốt tham tán thương mại tại Sứ quán Anh ở thủ đô Bucarest.

Nhiệm vụ của Milton là móc nối, điều phối hoạt động đường dây điệp báo của Calmanovici được hình thành từ trước tại Rumani. Milton sẽ chu cấp tiền bạc và trang thiết bị để nhóm của Calmanovici tiến hành các hoạt động nội gián trên lãnh thổ Rumani.

Emil Calmanovici sinh năm 1896 tại thành phố Pietra Neamt trong một gia đình doanh nhân gốc Do Thái. Calmanovici từng tốt nghiệp Đại học Munich và Berlin của Đức, và khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Năm 1937, Calmanovici gia nhập Đảng Cộng sản Rumani (PCR) và được giao nhiệm vụ hoạt động kinh tài.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, Calmanovici tham gia các hoạt động kháng chiến chống lại chính quyền Rumani thân Đức Quốc xã. Khi chiến tranh chấm dứt và Rumani sau đó trở thành một quốc gia XHCN, Calmanovici được giao nhiệm vụ tái thiết cơ sở hạ tầng cho Rumani. Đến năm 1949, Calmanovici được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Xây dựng Bucarest.

Do đặc thù của công việc, Calmanovici được phép đến nhiều quốc gia, trong đó có một số quốc gia phương Tây, để đàm phán mua sắm thiết bị phục vụ cho ngành xây dựng non trẻ của Rumani. Có thể, trong những lần đến Anh, Calmanovici đã được MI-6 tiếp cận và tuyển dụng làm điệp viên nội gián.

Nhiệm vụ của Calmanovici là tuyển dụng thêm các điệp viên nội gián người Rumani để hình thành một đường dây điệp báo hoạt động nằm vùng tại thủ đô Bucarest và một số thành phố lớn khác. Để tạo điều kiện cho Calmanovici hoàn thành nhiệm vụ, MI-6 đã chi cho điệp viên nội gián này gần 30 triệu lei (tiền Rumani).

Theo cáo trạng, chỉ trong vòng hai năm (1950, 1951), Calmanovici đã tuyển dụng thêm các điệp viên nội gián là đảng viên PCR. Trong số đó đáng kể nhất là Patrascanu. Patrascanu sinh năm 1900 tại thủ đô Bucarest, vốn là luật sư, chính trị gia và một kinh tế gia được biết tiếng ở Rumani, tham gia Ban lãnh đạo PCR từ năm 1939. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt, Patrascanu là người đề xướng việc yêu cầu Hồng quân Liên Xô rút quân khỏi lãnh thổ Rumani. Tuy nhiên yêu cầu này đã gặp sự phản đối của chính quyền Rumani và PCR. Bất mãn, Patrascanu quyết định làm việc cho MI-6 khi được Calmanovici đặt vấn đề tuyển dụng làm điệp viên nội gián.

Năm 1952, khi đường dây điệp báo của Calmanovici đã lớn mạnh, MI-6 quyết định điều động John Milton, dưới lốt tham tán thương mại của Sứ quán Anh, đến Bucarest để điều phối hoạt động của đường dây điệp báo này với kinh nghiệm của người từng có thời gian hoạt động tại một số quốc gia Trung Âu như Bulgari, Hungari và Tiệp Khắc từ năm 1939 đến năm 1946, đường dây điệp báo của Calmanovici đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh của Rumani, trong đó có việc bố trí các căn cứ quân sự của Liên Xô trên lãnh thổ Rumani. Calmanovici còn lấy danh nghĩa Viện trưởng Viện Xây dựng Bucarest tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế làm bình phong cho việc chuyển giao tài liệu, thông tin cho MI-6.

Năm 1954, Cơ quan An ninh nhà nước Rumani (Securitate) bắt đầu nghi vấn về hoạt động của Calmanovici, Patrascanu cùng một số điệp viên nội gián khác nên quyết định bí mật điều tra. Một điệp viên của Cơ quan An ninh tên Corneliu Bratianu sau nhiều cố gắng đã thâm nhập vào được đường dây điệp báo của Calmanovici và đến năm 1955 trở thành người đưa tin của Calmanovici cho các thành viên khác của đường dây điệp báo và ngược lại. Bratianu đã thu thập được nhiều chứng cứ quan trọng liên quan đến đường dây điệp báo của Calmanovici và bí mật chuyển giao cho Securitate.

Tháng 11/1955, sau khi có được đầy đủ chứng cứ về hành vi hoạt động nội gián của Calmanovici, Patrascanu, Milton cùng đồng bọn, Securitate triển khai hàng loạt các vụ bắt giữ. Đầu tiên là Calmanovici bị bắt vào ngày 11/11/1955, sau đó đến lượt Patrascanu và các điệp viên nội gián khác. Riêng Milton không bị bắt giữ do được hưởng quy chế ngoại giao nhưng bị trục xuất về hành vi hoạt động điệp báo nằm vùng và có quan hệ với đường dây điệp báo của Calmanovici.

Trong phiên tòa đặc biệt mở ra tại thủ đô Bucarest vào ngày 5/3/1956 để xét xử Calmanovici và đồng bọn về tội hoạt động nội gián, Calmanovici và Patrascanu bị tuyên phạt án tử hình về hai tội hoạt động nội gián cho tình báo nước ngoài và phản bội Tổ quốc. 7 điệp viên nội gián còn lại phải lãnh mức án 20 năm tù giam cho đến tù chung thân cho mỗi người.

Ngày 12/3/1956, chỉ 5 ngày trước khi bị hành hình, Calmanovici được phát hiện chết do tự tử (do dùng dao cạo râu cắt mạch máu ở cổ tay) trong buồng giam tại nhà tù Aiud ở thủ đô Bucarest. Riêng Patrascanu bị hành hình vào ngày 11/3/1956. Đây được xem là vụ án tình báo lớn nhất Rumani thời kỳ Chiến tranh lạnh
Hoàng Phú (theo Spy Museum)



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™