Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 16-05-2008, 02:25 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Thiếu tướng Y Blok Eban, niềm kiêu hãnh của người Ê đê

Người Ê đê vùng Tây Nguyên tự hào vì đã sinh ra người con gan dạ Y Blok Yban. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giờ đây thiếu tướng Y Blok Yban đã trở thành tượng đài sống bất tử của vùng Tây Nguyên anh dũng và giàu đẹp. Vừa tròn 60 năm tuổi Đảng, ông nói vui: “Chắc mình đã gần đến lúc đi gặp Bác Hồ rồi!”.

Khu vườn đẹp

Thiếu tướng Eban (trái) bắt tay với đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1957 tại Nghệ An.
Một ngày đầu tháng Năm, lên Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm đến nhà thiếu tướng Y Blok Eban. Thằng bé chăn dê chừng mười tuổi chỉ đường cho chúng tôi, không quên dặn dò: “Ông Eban mới đi bệnh viện về, người yếu lắm, chú đến gặp nói chuyện ít thôi chứ không ông ấy xỉu đấy!”. “Chà, thằng bé biết cả tình trạng sức khỏe của tướng Eban. Có vẻ như nhất cử nhất động của ông, dân bản khắp Tây Nguyên đều quan tâm thông báo cho nhau” - chúng tôi tự nhủ.

Cánh cửa sắt kiên cố được khóa bằng hai ổ khóa. Chúng tôi được cảnh báo trước, nếu không có số điện thoại thì khó mà vào được, vì nhà ông Eban nằm sâu phía trong rẫy cà phê, cách cổng hơn 100 mét, từ cổng gọi chẳng ai nghe được. Ngồi ngoài cổng chừng một giờ đồng hồ, người hàng xóm ông Eban về, chúng tôi mừng húm xin theo vào.

Nhà thiếu tướng Eban nằm quay mặt ra hướng Nam. Trước nhà là giàn phong lan được chăm chút rất kỹ lưỡng. Cạnh đó là hồ nước, chiếc xuồng và những bông sen đang khoe sắc, trông rất trữ tình. Đó là một không gian nông thôn yên ả, đẹp đến mê người, nó như choáng ngợp, vương vấn mãi trong lòng khách đến thăm.

Con chó sủa vang một góc vườn, người phụ nữ từ trong bếp nhìn ra (sau này chúng tôi được biết là bà K’Pa H’Ngọt, vợ tướng Eban). Tướng Eban từ trong phòng đẩy cửa bước ra, trên mình mặc bộ đồ giản dị. Chủ và khách xa lạ nhìn nhau nhưng sau cái bắt tay làm quen và mấy câu chào hỏi, câu chuyện trở nên thân tình lạ thường! Chậm rãi tiếng Kinh lơ lớ tiếng Ê đê, tướng Eban cho phép chúng tôi nói chuyện trong vòng 15 phút vì ông đã quá yếu, không đủ sức khỏe để có thể ngồi lâu hơn.

Đối diện chúng tôi, tướng Eban đã 89 tuổi, mái tóc bạc phơ, nhìn vẫn cường tráng lắm! Hình ảnh những trận chinh chiến cam go giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước được tái hiện rõ.

Từ lính gác nhà tù đến lãnh đạo lực lượng vũ trang

Những ngày thơ ấu không cha, tướng Eban cùng mẹ đi ở cho nhà người ta. Rồi bị bắt đi làm lính khố xanh, mẹ mất không được về chịu tang, tướng Eban trở nên đăm chiêu. “Khổ lắm, nhìn bọn Nhật đánh đập dân mình, tôi chịu không nổi mặc dù lúc đó tôi làm lính cho Nhật” - tướng Eban thổ lộ.

Làm lính canh ngục cho nhà tù của Nhật tại Buôn Ma Thuột, tướng Eban đã được gặp gỡ anh Vịnh (đại tướng Nguyễn Chí Thanh) và một số tù chính trị khác. Không lâu sau, tướng Eban đã giác ngộ cách mạng và trở thành thành viên hoạt động tích cực tại Buôn Ma Thuột.

Ngày 1/4/1945, lực lượng vũ trang đầu tiên tại Buôn Ma Thuột được thành lập với tên gọi là đội Phan Đình Phùng, do sáu người làm chủ chốt, trong đó có tướng Eban. Công việc đầu tiên là đi cướp chính quyền từ tay bọn Nhật.

Đến ngày 24/8/1945, lực lượng này kết hợp với những người lính khố xanh giác ngộ cách mạng và với sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân đã vùng lên biến buổi chào cờ của quân Nhật thành buổi mít-tinh giành lại chính quyền.

“Lúc đó đi lính khổ lắm chú à, anh em toàn mặc quần đùi, đi chân đất. Thế nhưng khi nghĩ đến độc lập tự do, bà con mình có cơm ăn no, có cái áo mặc ấm là ai cũng xung phong đi làm cách mạng theo gương Bác Hồ” - tướng Eban nói. Dần dần, ông đã trở thành người được nhân dân tin yêu. Năm 1946, tướng Eban được cử đi học tại trường Lục quân Quảng Ngãi.

Những lần gặp không quên

Tướng Eban kể, thời gian tập kết ra Bắc, ông đã gặp Bác Hồ nhiều lần. Nhớ nhất là năm 1954, khi tham dự hội nghị tổng kết phong trào chiến tranh du kích lần một, tướng Eban bị bệnh nên không lên gặp Bác được. Tối đó, khi anh em đang sinh hoạt, Bác bỗng nhiên xuất hiện, anh em ồ lên “Bác đến” và đứng dậy chào Bác (anh em lúc trước chỉ thấy Bác qua ảnh - PV). Bác nói: “Bác biết có đoàn cán bộ của Khu V ra nên Bác đến thăm. Các anh, các chú, các cô có khỏe không?”. Anh em vừa vui mừng vừa cảm động đến rơi nước mắt, vì Bác thân thương và gần gũi quá!


Thiếu tướng Eban đang tiếp phóng viên tại nhà riêng.
Bác căn dặn: Cán bộ người dân tộc phải đề cao, giữ gìn đoàn kết, quan tâm đến chính sách tôn giáo, tránh lợi dụng mê tín dị đoan. Người đảng viên, quan trọng nhất là tư tưởng, phải kiên quyết trong chống thù trong, giặc ngoài. Lúc đó anh em như được mở lòng thêm! Tướng Eban kể với vẻ mặt trở nên hồ hởi, phấn khích.

Tướng Eban nói ông cũng nhớ rất kỹ lần gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là vào năm 1957, lúc đó tướng Eban giữ chức vụ trung đoàn trưởng Trung đoàn 120. Khi trung đoàn tiến quân đến Nghệ An, đại tướng bất ngờ đến thăm: “Chúc anh hạnh phúc, hãy làm tốt công tác của Đảng và nhà nước giao cho”. Lời thăm hỏi của vị đại tướng Võ Nguyên Giáp như thắp sáng thêm niềm tin và quyết tâm cho vị trung đoàn trưởng Eban trên đường tiến về Nam.

Ông cũng nhớ như in “lần gặp duyên nợ” vào năm 1961. Như một định mệnh, khi tướng Eban hành quân vào Phú Yên, để qua đường, buộc ông phải liên lạc với du kích ở đây. Ông kể lại, lúc đó người ông thường xuyên liên lạc là cô du kích nhỏ K’Pa H’Ngọt thuộc Huyện đội Xuân Hòa. Qua trao đổi thư từ về tình hình địch, hai người yêu nhau từ lúc nào không biết. Có một điều trùng hợp, bà K’Pa H’Ngọt là em gái một người lính của ông mà ông chẳng hề biết.

Mối tình đẹp kéo dài đến 1966 thì hai người tổ chức đám cưới. Sau đó, ông vẫn tiếp tục đi ra trận, còn bà thì vẫn ở quê nhà làm du kích, lâu lâu hai người mới gặp nhau một lần. Đến chiến thắng mùa xuân 1975, gia đình ông bà mới đoàn tụ và lần lượt bốn người con trai ra đời, trong đó có đến ba người theo nghiệp cha. (Trước đó, năm 16 tuổi, ông Eban đã từng “bị bắt” làm chồng. Tuy nhiên, do thoát ly gia đình quá lâu, theo tục lệ của người Ê đê, vợ ông đã “bắt chồng” khác - PV)

Tiếp chúng tôi hơn 20 phút, ông chừng đã mệt. Bà K’Pa H’Ngọt tiếp sức cho ông bằng một ly trà xanh và nói ông đã yếu lắm rồi, lần sau ông khỏe, mấy chú tới chuyện trò tiếp. Ông Eban phản ứng như muốn nói tiếp với khách cho hết câu chuyện, chứ một người lính chinh chiến trận mạc lên rừng xuống biển không sờn sức mà lại không ngồi được thêm vài phút để kể về cuộc đời oanh liệt của mình cho lớp trẻ hậu sinh...

Bà K’Pa H’Ngọt tiễn chúng tôi ra cổng, trời Buôn Ma Thuột bắt đầu đổ mưa. Chúng tôi tự nhủ sẽ trở lại vào một ngày gần nhất để nghe ông kể tiếp về những chiến công hiển hách khi xưa.

- Y Blok Eban sinh năm 1919.

- Năm 1958, mang quân hàm thượng tá; năm 1960, giữ chức phó tư lệnh rồi quyền tư lệnh Quân khu VI.

- Năm 1974, được thăng hàm đại tá; năm 1975, giữ chức chủ tịch Ủy ban quân quản Dăk Lăk; năm 1976, làm chủ tịch tỉnh Dăk Lăk.

- Năm 1984, được thăng hàm thiếu tướng, trở lại công tác trong quân đội cho đến ngày nghỉ hưu

- Là đại biểu Quốc hội khóa III, IV...


Theo Duy Tính (Pháp Luật TP.HCM)



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™