Vụ việc một ông bố ở Trung Quốc cầm dao giết chết đứa con gái 13 tuổi vì quá say mê nhóm nhạc Hàn Quốc đang khiến cộng đồng bị sốc. Câu nói: "Ngôi sao tốt hơn những kẻ làm cha làm mẹ như các người" chính là nguyên nhân dẫn tới kết cục đau lòng. Người cha đã xuống tay giết hại chính đứa con đẻ của mình rồi sau đó tự kết liễu bản thân.
Bài báo này lại gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, khiến chúng ta không khỏi giật mình. Nhiều bậc cha mẹ đã nghĩ ngay đến những đứa con của mình.
Không cần nhìn đi đâu xa, chỉ ngay tại đất nước chúng ta thôi, hiện tượng cuồng Kpop cũng đạt đến đỉnh điểm, khi nhiều bạn trẻ trở thành "huyền thoại", thành "thánh cuồng" với những hành động lố bịch như hôn ghế thần tượng, quỳ khóc tại sân bay khi không gặp được thần tượng... Thậm chí, trong vụ máy bay MH370 mất tích, một fan Kpop còn phát biểu: "Chỉ có mỗi cái máy bay rơi thôi mà cũng làm rần rần, khi nào SNSD qua Việt Nam mới lo lắng"
Một cô bé là fan hâm mộ của một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc, chỉ vì bị cha mẹ nhắc nhở phải chú tâm học hành, đã lên mạng chửi cha mẹ không tiếc lời. Thật đáng buồn vì đây lại không phải trường hợp cá biệt. Chỉ cần lên Google tìm kiếm về cụm từ "cuồng Kpop" cũng cho ra hàng triệu kết quả với những hình ảnh dở khóc dở cười. Nhiều nam nhi khóc lóc, quỳ gối, mặt mày lem nhem, đẫm lệ. Những dòng status chửi cha mẹ, chửi ông bà... được giật lên chỉ vì bị ngăn cấm tình yêu với thần tượng.
Nhiều em học sinh cấp hai, cấp ba, và thậm chí cả những sinh viên đại học, cứ sau giờ học là đóng kín cửa phòng để xem những thứ liên quan tới thần tượng Kpop, bỏ bê học tập, thu mình với gia đình và xã hội.
Mỗi lần có nhóm nhạc Kpop sang Việt Nam biểu diễn, dư luận lại dậy sóng với những câu chuyện “fan cuồng”. Các em sẵn sàng ăn ngủ ở sân bay cả ngày trời, các em kiếm mọi cách để có tiền vào cổng và các em ngất lên ngất xuống khi thấy thần tượng. Thậm chí có em còn đòi bỏ nhà ra đi vì bố mẹ không cho tiền đi xem ca nhạc.
Người lớn trách móc bọn trẻ “cắm đầu cắm cổ vào những thứ vô bổ”, còn trẻ con thì cãi lại “đó là sở thích của chúng con”. Phải rồi, mỗi người đều có những sở thích khác nhau, nhưng hâm mộ ai đó không có nghĩa là khiến bản thân mình trở nên xấu hơn. Cuồng thần tượng một cách thái quá sẽ gây ra những hành động tiêu cực, thậm chí gây nên những câu chuyện đau lòng như vụ việc vừa xảy ra ở Trung Quốc.
Cách đây khoảng hơn 10 năm, khi làn sóng Kpop bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam, tôi không thể hình dung có ngày sự hâm mộ lại bị biến dạng một cách xấu xí như hiện tại. Tất nhiên, Kpop không xấu, và fan Kpop không phải ai cũng cư xử như những trường hợp đáng buồn kể trên. Tôi rất ngưỡng mộ các bạn trẻ tự đi làm kiếm tiền để phục vụ sở thích cá nhân. Và tôi biết có nhiều fan club thường xuyên tổ chức các buổi quyên tiền làm từ thiện giúp đỡ cộng đồng.
Những sự việc tiêu cực của fan cuồng gây nên là điều không ai mong muốn, và chúng ta không thể đổ lỗi cho ai, kể cả chính những nhóm nhạc, ca sĩ Hàn Quốc đó. Có trách thì hãy trách sự mê muội của những đứa trẻ mới lớn và gia đình, xã hội đã không đủ sức dẹp bỏ nó.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích lại câu nói của Chang Min, thành viên nhóm nhạc DBSK: "Đừng quan tâm đến chúng tôi quá mà hãy quan tâm đến cuộc đời bạn. Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bạn. Nếu không học hành đàng hoàng thì đừng tự nhận là fan của tôi".