Mai Khê, sinh viên chưa tốt nghiệp của đại học Trung Y Dược Bắc Kinh, từ thuở nhỏ phiêu bạt giang hồ, gian nan vào được đại học. Thế nhưng vừa học đến năm thứ hai thì hắn lại gặp một lần kỳ ngộ ngoài ý muốn mà xuyên qua, đi tới thời điểm nhà Đường đang hưng thịnh.
Hắn kinh ngạc phát hiện, nơi mình tới không quá giống trong lịch sử. Những sự vật thần thoại chỉ tồn tại trong truyền thuyết lại xuất hiện chân thật xung quanh hắn. Hắn phải làm sao đây? Là lịch sử ghi chép sai lầm, hay bởi vì hắn đến mới sáng tạo ra lịch sử mà hậu thế chứng kiến?
Bất cứ ai trong chúng ta đều vẫn luôn không ngừng ao ước được một lần xuyên qua hoặc trọng sinh, để có thể trả lại tất cả tiếc nuối trong lòng. Mỗi người đều hi vọng có thể xây dựng thế giới của mình thành một tòa Linh Sơn hoàn mỹ, thế nhưng đến cuối cùng thì sao? Vẫn là một câu cổ ngữ kia — Linh Sơn chích tại nhữ tâm đầu. (Linh Sơn chính là ở trong tâm của bạn)
Đôi lời người dịch:
Đầu tiên, xin lý giải qua một chút từ Linh Sơn. Linh Sơn ở đây ám chỉ nơi đất Phật. Hiển nhiên, mỗi người đều muốn có một nơi bình yên cực nhạc như vậy của riêng mình. Câu "Linh Sơn chích tại nhữ tâm đầu" nguyên bản đầy đủ là: "Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu, Linh Sơn chích tại nhữ tâm đầu. Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp, Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu." (Phật tại Linh Sơn không cầu đâu xa, Linh Sơn chính ở trong tâm của bạn. Mỗi người đều có một tháp Linh Sơn, Hướng vào tháp Linh Sơn ấy mà tu).
Bộ truyện này đã khá cũ, cũng từ năm 2008 như bộ Tây Du Nhất Mộng. Thế nhưng mỗi khi nhớ đến nó, cảm giác của tôi luôn là bước vào một thế giới mơ mơ hồ hồ trong làn sương khói. Tiên hiệp mà lãng mạn hoài tình, quả thật hiện giờ chẳng tìm được mấy bộ tương tự như vậy nữa...
Quyển 1: Nhân Gian Thế
Chương 1: Bé con gửi thân giang hồ khách, ông lão kể chuyện Bát Đại Môn
Dịch & Biên: †Ares†
Nguồn: 4vn.eu
oOo
- Xuân mộng nhiều hại thận!
Mai Khê nằm ở trên giường, nhớ lại một câu thầy giáo nói đùa trên lớp.
Hắn vừa mơ một giấc mơ thật thoải mái, thật phong cách, không khỏi bội phục sức tưởng tượng phong phú của mình:
Mai Khê thân mặc đạo bào màu vàng sẫm, khói tím lưu chuyển xung quanh, tóc búi cao xỏ trâm phất phơ trong gió, chân đạp mây ngũ sắc đứng lơ lửng giữa trời. Trước mắt hắn là một cảnh tượng huyền diệu, kim quang vạn vạn đạo, mây trắng mịt mờ, thi thoảng lại có sương khói lượn qua. Mai Khê mở mắt, thần quang bắn ra, bình thản nhìn tất cả.
Chỉ thấy chư vị Bồ Tát, La Hán, Kim Cương, Già Lam, Minh Mẫu, Phi Thiên, Tiêu Hán Lưu Ly ẩn hiện; chư vị Đế Quân, Thiên Quan, Tinh Túc, Thần Tướng, Tiên Đồng, Ngọc Nữ an thân trên đài ngọc; đủ loại Yêu Vương đắc đạo, tinh kỳ dị quái, kỳ thụ ngọc hoa tìm chỗ đứng im; còn có đồ đằng, thần linh không biết tên từ khắp các phương, hoặc đỉnh đầu có vòng sáng, hoặc mặc giáp vàng chói lọi, hoặc vỗ cánh lăng không, lấy ngàn vạn tư thế hình thái mà xuất hiện.
Mà lúc này, tất cả thần phật tiên thánh đang đứng phân rõ một giới tuyến đều mang vẻ kính sợ trên mặt, nhìn chăm chú cùng một hướng ― Mai Khê và các vị thần linh, yêu thần đang cầm binh khí đứng sau hắn.
Chỉ nghe một tiếng gầm vang, một con khỉ to lớn lông vàng đã cưỡi mây mà đến cách đó không xa. Áo cà sa đỏ thẫm trên người nó đã rách tơi tả, còn đang bốc khói, lông khỉ phía sau đầu cũng bị đốt trụi một khoảng, tay cầm cây Kim Cô Thiết Bổng chỉ vào Mai Khê nói:
- Mai chân nhân, ngươi khuấy động trận chư thiên hạo kiếp này, kết thúc nhân quả Thiên – Nhân, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã bị đánh rớt xuống phàm trần, ngươi còn muốn thế nào nữa?
Mai Khê mỉm cười:
- Những người chứng đạo chúng ta đã thoát khỏi sinh tử, cần gì đánh thêm nữa. Hiện đại cục đã định, chính là ứng với chư thiên thương lượng, Mai mỗ chỉ là đại diện mà thôi.
Lúc này lại có một tiếng thét dài, từ phương xa có một thiên thần mặc giáp vàng hóa thân cao vạn trượng bay đến, con mắt ở giữa mi tâm trợn lên uy phong lẫm liệt, chỉ là giáp vàng trên người đã nứt vỡ, binh khí tam tiêm lưỡng nhận (đinh ba hai lưỡi) trong tay cũng ít đi một lưỡi. Hắn cao giọng hỏi:
- Mai chân nhân, ngươi nói chư thiên giờ thương lượng thế nào? Tình hình bây giờ, nếu ngươi lên Lăng Tiêu bảo điện còn có thể, xin chớ tái khởi hạo kiếp làm tổn thương Thiên hòa.
Mai Khê cười ha ha:
- Đánh rớt một Ngọc Hoàng Thượng Đế, ta làm Ngọc Hoàng Thượng Đế tiếp theo sao? Như thế còn không phải tự đánh mình, đây quả thực là hủy đạo hành công quả của ta! Ta phải nói, bất kể chư vị tu đạo nào theo giáo gì, cũng bất kể là ở tầng trời thứ mấy, thế giới huyền diệu này chia ra Tiên giới cũng tốt, Niết Bàn cũng được, Thiên quốc cũng có thể, nhưng ta chỉ cần duy nhất một 'Thiên'… Hủy đi Lăng Tiêu bảo điện, lập lại Thiên nhai, bày ra Thiên điều, ta muốn phong Thiên!
Lúc này một tràng tiếng Phạn theo một đài sen tiến lại, bên trên là một nữ tử đoan trang đang ngồi. Nữ tử này dung nhan yêu kiều, trán có chấm đỏ, thế nhưng lúc này bộ dáng lại cố chút chật vật: y phục hơi xộc xệch, rách một đoạn lộ cánh tay trần, chiếc bình Thanh Tịnh trong tay có chút rạn nứt, thậm chí vỡ cả phần miệng, mà cành dương liễu cắm bên trong đó giờ cũng đã cháy khô. Có điều nhìn biểu cảm của nàng lại không hề có chút dị trạng nào, nàng chân thành hỏi:
- Xin hỏi Mai chân nhân, ngài muốn định ra Thiên điều thế nào, lại muốn phong Thiên thế nào?
Mai Khê cười ha ha nói:
- Không phải ta định Thiên điều, mà là chư thiên Tiên Phật Thần Thánh cùng định Thiên điều, cái gọi là phong Thần, chính là phân giới… Quán Thế Âm, ngươi hưởng hương khói nhân gian nhiều nhất, trước muốn cùng ngươi nói rõ… Thanh Đế, ngươi nói đi?
Một nam tử thân mặc y phục kết từ lông vũ màu bạc tiến lên từ phía sau Mai Khê rồi sóng vai mà đứng, cất cao giọng nói:
- Không thể nghĩ xằng tư tưởng của Thiên là tư tưởng của mình; không thể cưỡng ép tín ngưỡng mê hoặc chúng sinh; không thể tại thế hiển thánh tự xưng thần ― ba điều này chính là Thiên điều chúng ta định ra.
Lời vừa ra, bốn phía lập tức ồn ào lên. Mai Khê cất giọng vang như sấm rền vạn dặm:
- Chư vị yên lặng!
- Yên lặng cái gì mà yên lặng? Đêm hôm rồi tất cả đang ngủ ngon còn ở đấy mà nói mớ ầm lên! Ca đi WC đây, tất cả là tại cậu làm giật mình!
Đầu Mai Khê bị đập một cái, bên tai truyền tới giọng của lão tứ cùng phòng ký túc xá. Hắn lập tức tỉnh dậy, phát hiện mình đang nằm trên giường, thì ra vừa rồi chỉ là một giấc mơ.
Hiện tại mới chỉ khoảng bốn giờ, trời còn chưa sáng, bên ngoài cửa sổ vẫn im lìm tối đen, nhưng Mai Khê lại không sao ngủ lại. "Tại sao mình có giấc mơ như vậy chứ? Có phải là đêm qua lên mạng đọc mấy tiểu thuyết huyền ảo nên bị lậm không? Hay là lại nghĩ tới chuyện ông nội muốn dạy mình pháp thuật?"
Ông nội của Mai Khê – Mai Thái Công là một vị dị nhân giang hồ, từng nói nếu lúc Mai Khê tròn hai mươi tuổi có thể qua khảo sát thì sẽ dạy pháp thuật chân chính cho hắn. Lúc này Mai Khê mới nhớ ra, hôm nay là ngày 14 tháng 11 năm 2008, cũng là sinh nhật tròn hai mươi tuổi của hắn.
(Thái Công: đây không phải tên riêng mà là cách gọi cho người đàn ông lớn tuổi nhất hoặc vai vế nhất trong gia đình, họ tộc)
Mai Khê, nam, sinh năm 1988, thân cao một mét bảy mươi chín, nặng bảy mươi hai kilogam, đang là sinh viên năm thứ hai hệ chính quy của trường đại học Trung Y Dược Bắc Kinh, chuyên ngành Trung Y.
Hắn có cặp lông mày hơi rậm, con mắt không lớn nhưng ánh mắt có một chút thâm thúy, mũi thẳng, khi hé miệng thì khóe môi sẽ vểnh lên, nhìn chung là anh tuấn mang theo vài phần cương nghị, còn có cả chút cảm giác tang thương không tương xứng với độ tuổi. Nhưng khi hắn mỉm cười thì lại có một lực hấp dẫn khó hiểu làm người ta không tự chủ được sinh ra cảm giác tin tưởng, mà đây cũng là chiêu bài kiếm cơm từ nhỏ đến lớn của hắn. Giải thích một chút, hắn cũng không phải ‘ăn cơm mềm’, mà là ‘phiêu bạt giang hồ’, hay đơn giản là Mai Khê ăn cơm từ trăm nhà mà lớn.
***
Mai Khê lớn lên ở một thôn trang nằm bên bờ Nam sông Hoàng Hà, tên là Mai Gia Nguyên. Nơi này ba mặt bao bọc trong núi, mặt trước có con sông Mai Công từ hướng Bắc uốn lượn chảy vào Hoàng Hà. Nguồn nước của sông Mai Công là hai con suối bắt đầu từ vùng núi phía Nam Mai Gia Nguyên, phân biệt một hướng Đông một hướng Tây gọi là Sơ Khê cùng Tổ Khê.
(Mai Gia Nguyên: nơi toàn những người họ Mai)
Hai con suối này chảy vòng quanh Mai Gia Nguyên, ở phía Bắc thôn hợp dòng thành sông Mai Công. Bản thân Mai Gia Nguyên nhờ có đồi núi trùng điệp cùng sông Mai Công vây quanh mà Trung Nguyên suốt ngàn năm loạn lạc lại thần kỳ không có lan đến chỗ này, cơ hồ là thế ngoại đào viên trong truyền thuyết. Chẳng qua cư dân Mai Gia Nguyên cũng không tử thủ ở mảnh đất cùng sơn sấu thủy này, từ đời tổ tiên cho tới bây giờ, cư dân thôn trang này hầu hết đều là những nghệ nhân phiêu bạt giang hồ.
(Cùng sơn sấu thủy: núi xa nước nhỏ, ý nói vùng cô lập chậm phát triển)
Trong Mai Gia Nguyên, nhiều tuổi nhất, vai vế cao nhất, uy vọng lớn nhất chính là Mai Thái Công. Ông sống một mình tại căn nhà nhỏ trên ngọn đồi sát ngoài Mai Gia Nguyên, nằm chính giữa rừng mai, vừa đẹp, vừa tao nhã lại vừa yên tĩnh. Có người nói Mai Thái Công đã một trăm hai mươi tuổi, cũng có người nói Mai Thái Công hơn hai trăm tuổi, nhưng Mai Thái Công từng tự mình nói cho Mai Khê rằng ông sống ở thời Dân Quốc bốn năm, đến năm 2008 là chín mươi ba tuổi, không có khoa trương như truyền thuyết.
Thái Công vì sao lại nói cho Mai Khê chuyện này? Mai Khê gần như là nắm rõ toàn bộ bí mật của ông lão thần bí nhất Mai Gia Nguyên, bởi vì Mai Khê là lớn lên bên cạnh Mai Thái Công. Tại sao Mai Khê lại sống với Mai Thái Công? Cha mẹ của hắn đâu? Ài, cậu ta không có cha mẹ, nói thì dài dòng…
Năm 1988, nơi đây có một trận đại hồng thủy, sông Mai Công sóng chồm gào thét, nước tràn cả lên bờ. Có một đêm, Mai Thái Công đang ngủ thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc nỉ non, bèn từ trên giường ngồi bật dậy lắng tai nghe, nhận ra tiếng khóc đến từ phía Bắc chính diện cửa thôn thì không khỏi cả kinh trong lòng.
Thái Công vì sao lại giật mình? Kỳ thật ai tinh thông thuật giang hồ đều biết, đêm nghe tiếng trẻ con khóc ngoài trời chưa chắc đã là chuyện tốt, nhất là ở nơi ngoại ô đồng không mông quạnh thế này. Chuyện như vậy thường có ba loại khả năng: đầu tiên là có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nhưng thông thường cha mẹ đứa trẻ bị vứt bỏ đều lựa chọn chỗ nhiều người ở để có người sớm phát hiện, chứ đem đứa trẻ bỏ ở vùng hoang vu thế này là chuyện rất hiếm thấy. Thứ hai là yêu ma quỷ quái, Mai Thái Công không phải người kiên định với chủ nghĩa duy vật, ông tin vào quỷ thần, mà theo như một số "nhà nghiên cứu" nghiên cứu một cách khoa học về vấn đề tâm linh này giải thích thì đây là việc sinh ra ảo giác do hoàn cảnh đặc biệt nào đó, thần trí không thanh tỉnh khi đi vào những vùng hoang vu, đều rất nguy hiểm.
Loại thứ ba có thể là gặp phải giang hồ hắc đạo, ví dụ như một số kẻ bắt cóc trẻ em sau đó bắt chúng khóc ré lên để gọi điện đòi tiền chuộc, càng thời điểm đêm khuya càng có hiệu quả.
Tiếng khóc cứ văng vẳng mãi khiến Mai Thái Công lo lắng, nhưng ông cũng không trực tiếp đi ra bờ sông mà là vào thôn gõ cửa đánh thức mấy gia đình rồi cùng mấy người đàn ông to khỏe mang đèn pin gậy gộc đi tới. Đến hiện trường, chỉ thấy nước sông Mai Công vẫn cuồn cuộn chảy xiết, mà một đứa trẻ sơ sinh nằm ngay cạnh mép nước.
Đứa trẻ này hơi gầy yếu, toàn thân trần truồng, nhìn bề ngoài thì hẳn là mới sinh chừng trăm ngày. Xem tình hình rất có thể là nó bị lũ bất ngờ cuốn đi, sau đó tới chỗ nước cạn bị sóng đẩy vào bờ. Nhưng kỳ lạ là toàn thân đứa trẻ này lại không có lấy một vết thương, vật phẩm duy nhất trên người là một món đồ trang sức đang nằm trên cổ nó.
Đồ trang sức này có hình dạng một cái lá cây xanh biếc, bên ngoài còn có hoa văn dạng gân lá, lớn chừng 10 cm, dày hơn nhiều lá cây bình thường, có một cái dây nhỏ màu vàng rất hợp để đeo trên cổ, nhìn qua như là một vật trang sức nhỏ bằng phỉ thúy mà người thời bấy giờ hay đeo. Kỳ lạ là thứ này cầm trong tay cảm giác không phải vàng cũng chẳng phải ngọc, nhìn kỹ lại phát hiện thêm trên mặt chiếc lá kia không có lỗ để dây màu vàng xỏ qua, mà là một thể hoàn chỉnh, tựa như trên cái vòng mọc ra một chiếc lá cây. Kể cả Mai Thái Công kiến thức rộng rãi cũng không rõ vòng này làm từ chất liệu gì. Đứa trẻ này chính là Mai Khê, mà món trang sức kỳ lạ kia hắn vẫn luôn đeo trên người từ nhỏ, là di vật duy nhất mà cha mẹ không biết tên lưu lại cho hắn.
Lại kể khi đó Mai Thái Công ôm lấy đứa nhỏ vào trong lòng, bên cạnh đã có người nói một câu tương tự như lời thoại trong một bộ phim của Châu Tinh Trì:
- Đứa nhỏ này cốt cách thanh kỳ, nhãn thần minh triệt, trung khí hoàn túc, lại tới đây một cách kỳ lạ như vậy, nhất định là người phi thường.
Mai Thái Công nói một câu:
- Bất kể nó là ai thì cũng là một mạng người, chúng ta có trách nhiệm phải tạm thời thu nhận rồi tìm người nhà cho nó. Đợi ngày mai lũ qua đi, mọi người tới đồn công an khai báo.
Nhưng lũ đã qua rất lâu mà vẫn không ai tìm đến, người trong thôn căn cứ việc đứa nhỏ xuất hiện ở bãi sông mà toàn thân không có thương tích thì đoán rằng nó cùng thân nhân bị lũ cuốn theo, thân nhân của nó cố gắng che chở cho nó trong dòng nước, cuối cùng trôi tới sông Mai Công thì đem toàn lực đẩy đứa nhỏ tới chỗ cạn, còn bản thân lại kiệt sức bị nước cuốn đi. Phỏng đoán này có chút thê lương thảm thiết, nhưng lại vô cùng hợp lý, từ đó đứa trẻ được giữ lại Mai Gia Nguyên, do Mai Thái Công nhận nuôi, còn tới đồn công an làm đầy đủ thủ tục nhập hộ khẩu.
Trước một ngày khi quyết định đăng ký hộ khẩu cho đứa nhỏ, Mai Thái Công triệu tập toàn bộ những người có mặt tại bãi sông đêm đó mở hội nghị gia tộc. Thái Công nói với mọi người:
- Đứa nhỏ này đại nạn không chết đi vào Mai Gia Nguyên chúng ta cũng xem như là có duyên, sau này mỗi người ở đây sẽ cùng nhau nuôi nó lớn. Nó sẽ ở với tôi, lấy vai vế con cháu của mọi người, cũng họ Mai.
Tiếp đó, mọi người bàn xem nên đặt tên gì cho đứa nhỏ. Vì đứa nhỏ theo dòng nước mà đến, nên đại bá ý kiến nên đặt là Mai Tổ Khê, nhị bá lại nói nên gọi là Mai Sơ Khê, nhưng cả hai cái tên này lại đều "không có tiền đồ" như nhau. Cuối cùng lại là Thái Công đánh nhịp, xóa đi chữ ở giữa hai cái tên kia, dù sao mọi người cũng không biết được đứa bé là từ con suối nào tới, cho nên dứt khoát gọi là Mai Khê. Cái tên này đọc lên na ná tên của cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Argentina – Méi Xi/ Messi , nhưng đến khi tới trường lại bị các bạn học trêu ghẹo đọc chệch đi là "Méixì" – tức là không hi vọng, điều này quả thật năm đó Mai Thái Công không ngờ đến.
Mai Khê cứ như vậy lớn lên ở Mai Gia Nguyên, ăn cơm ngàn nhà mặc áo trăm nhà, buổi tối thì ngủ tại chỗ của Mai Thái Công, xem như là nhờ những người hảo tâm mà trưởng thành. Mai Thái Công còn đưa hắn đến trường, đứa nhỏ này rất thông minh, học một lèo từ tiểu học đến trung học phổ thông đều loại giỏi, còn thi đậu đại học ở Bắc Kinh, trở thành sinh viên đầu tiên của Mai Gia Nguyên.
Trung Quốc tại thế kỷ hai mươi mốt thì việc lên đại học chẳng còn là chuyện khó khăn gì, nhưng tại sao Mai Gia Nguyên mãi tới năm 2007 mới có một sinh viên đầu tiên đây? Cũng không phải người dân ở đây không bỏ tiền cho con em tới trường, lại càng không phải trẻ em nơi này không đủ thông minh, mà là bọn nhỏ ở đây từ khi còn bé tí đã quen việc thoải mái tự do, không muốn ngồi nghiêm chỉnh trong phòng học, cũng không muốn tham gia những kỳ thi đau đầu, mà người giám hộ của chúng cũng không quá để ý việc này, xem như môi trường hoàn toàn khác biệt so với trong thành thị.
Mai Khê được Mai Thái Công nhận nuôi, tức là rất nhiều người trong Mai Gia Nguyên đều trở thành "thân thích" của hắn, như vậy những người chiếu cố hắn từ khi hắn còn rất nhỏ là những người thế nào đây?
Đại bá của Mai Khê tên là Mai Chính Kiền, là một vị cao nhân đắc đạo, cũng là vị nói Mai Khê cốt cách thanh kỳ ở bờ sông năm đó. Đại bá trước kia là đi khắp giang hồ mở quầy xem tướng số, đặt chân từ Nam chí Bắc, sau lại ở một khu du lịch gần Mai Gia Nguyên tham gia một đạo quán, hành nghề đạo sĩ, pháp danh Chính Kiền đạo trưởng. Từ khi bắt đầu vào đạo quán làm việc, Chính Kiền đạo trưởng có riêng một bàn hương án để hành nghề ở tại một góc đại điện, mà câu cửa miệng của ông cũng trở thành "Thí chủ xin dừng bước!"
Một khi có du khách dừng bước, trong vòng ba phút sẽ bị một tràng về thiên địa huyền cơ cát hung họa phúc làm cho hôn mê, sau đó Chính Kiền đạo trưởng sẽ đưa cho người hữu duyên này một lá bùa màu vàng vẽ bằng mực chu sa, dặn người hữu duyên sau khi về nhà phải tìm một số nơi có đặc điểm phúc lành để đốt bùa đi thì mới có thể tiêu tan tai họa. Bùa là tặng không không cần tiền, sau đó đạo trưởng sẽ mở ra một quyển sổ vàng, muốn người hữu duyên tùy ý quyên một phần tiền nhang đèn và hứa sẽ đích thân thay người hữu duyên này cầu phúc tới Tam Thanh tổ sư. Trong quyển sách kia viết tên một loạt người quyên tiền, trong đó thấp nhất cũng là 288 nhân dân tệ.
(288 NDT khoảng gần 1 triệu VNĐ)
Tình huống này chẳng lẽ có người nào không biết xấu hổ mà quyên ít hơn sao? Xung quanh còn nhiều người đang nhìn lắm đấy! Vị thí chủ lỡ ‘dừng bước’ cũng đành ngậm đắng trong miệng mà móc ra ít nhất 288 đồng. Cho nên nhân tiện nhắc nhở mọi người một chút, nếu các bạn đi du lịch vào vùng thiền miếu hay đạo quán nào, thấy một vị đạo trưởng tiên phong đạo cốt đang mỉm cười hiền lành rồi cố ý nói với bạn: "Thí chủ xin dừng bước!" thì trừ trường hợp bạn đang rất dư dả trong túi, còn không tốt nhất là đừng nghe.
Chính Kiền đạo trưởng cốt cách thanh kỳ, rất có dáng vẻ cao nhân đắc đạo, cộng thêm nhiều năm phiêu bạt giang hồ rèn ra bản lĩnh không tồi, ở trong đạo quán làm ăn thoải mái, sau lại còn trở thành quán chủ của đạo quán đó. Đại bá Mai Chính Kiền là đạo sĩ, nhưng con trai của đại bá lại không phải, người này hiện đang giữ chức trưởng thôn Mai Gia Nguyên.
Nhị bá của Mai Khê tên là Mai Thân Thủ, có được đủ loại danh hiệu chuyên gia. Trước đây ông này là một lang trung giang hồ, chuyên trị vấn đề xương khớp và ngoại thương, thuận tiện còn bán cả thuốc tăng lực cùng rượu thuốc gia truyền tự chế. Sau này khi có tuổi ông hồi hương, mở một phòng khám cùng với con trai ở thị trấn gần đó, thường xuyên lên đài với thân phận khách mời đặc biệt ở vị trí chuyên gia về y học, ngẫu nhiên trả lời các câu hỏi của các khán giả về bệnh thường gặp, cũng có khi là quảng cáo cho một hãng thuốc mới nào đó v.v…
Tam thúc của Mai Khê tên là Mai Chính Tân, là một vị nghệ thuật gia dân gian. Nhà tam thúc đông con trai, tự lập thành một đoàn nghệ thuật dân gian bao gồm hát nói kiêm diễn xiếc. Mai Khê thân nhất với gia đình tam thúc, bởi khi hắn vừa được ôm trở về thôn thì chính tam thẩm là người cho hắn sữa, bởi bà cũng vừa sinh một đứa nhỏ trước hắn vài tháng. Trước đây Mai Khê cũng không ít lần theo đoàn nghệ thuật nhà tam thúc đi biểu diễn ở những nơi quanh thôn, chủ yếu là giúp đỡ những công việc vặt, thậm chí còn học được một môn biểu diễn ― xiếc khỉ.
Trẻ con ở thành thị hiện đại chỉ sợ là chưa từng thấy qua xiếc khỉ truyền thống. Người dạy khỉ sẽ gõ chèng theo nhịp điệu, điều khiển khỉ lớn khỉ bé tự mặc quần áo, sau đó đeo lên mấy chiếc mặt nạ hề đặc chế rồi làm đủ động tác lộn nhào thú vị. Từ khi bước vào những năm 2000, gánh xiếc nhà tam thúc đã không còn xiếc khỉ nữa, chỉ đi lưu diễn các màn nghệ thuật dân gian ở khắp các hội chợ.
Diễn xiếc là phải có bản lĩnh, Mai Khê trước đây cũng phải luyện qua võ thuật cùng tam thúc, mặc dù chỉ chút kỹ năng đẹp mắt nhưng hiệu quả cường thân kiện thể cũng không tệ. Hắn còn học xong một môn tuyệt kỹ ― Đả Hầu Tiên. Nghe nói ngón đòn roi biểu diễn xiếc ảo thuật này rất khó học, ngay cả các con trai ruột của tam thúc cũng không học hết được toàn bộ.
Tứ cô của Mai Khê thì lại là một nhà khảo cổ học, sớm đã lấy chồng ở bên ngoài, cách thôn không xa rồi sinh được một người con trai tên Du Tố Danh, là anh họ của Mai Khê. Người anh họ này làm chủ một lò nung nhỏ, nhưng không sản xuất gạch mà làm các loại đồ gốm sứ bằng công nghệ cao, có thể làm giả cổ và tạo dấu ấn các triều đại lịch sự. Lò nung này không chịu trách nhiệm tiêu thụ mà luôn có các con buôn đồ cổ đến tận cửa thu mua.
Nhà của tứ cô ở nơi này xem như tương đối giàu có. Tuy rằng đã chuyển hẳn ra ngoài thôn, thế nhưng vẫn theo truyền thống tốt đẹp của dòng họ Mai: con em một khi thành niên đều phải tự mình kiếm sống, cho nên con trai của anh họ Mai Khê là Du Thành Cơ trước kia từng tới Bắc Kinh làm kinh doanh mặt hàng điện tử. Anh chàng này thường xuyên dùng đôi mắt thuần khiết mà quét lên những người đi đường, chộp chuẩn thời cơ tiến lên hỏi một câu: "Tiên sinh, mua phim tình cảm xã hội không?" Thời gian gần đây bởi vì nghênh đón thế vận hội Olimpic cho nên cơ quan quản lý kinh doanh làm rất chặt, sinh ý không còn tốt như trước, chàng này đành phải đổi cách kiếm ăn, chạy qua chợ đồ cổ Phan Gian Viên làm một người bán hàng, xem như là kế thừa tri thức chuyên ngành mà gia tộc tích lũy được.
Ngũ thúc của Mai Khê tên là Mai Chính Kim, là một nhà địa lý học. Ngũ thúc cũng là một đại sư phong thủy nổi tiếng gần xa, mặc dù giai đoạn trước kia làm ăn không tốt lắm, xuôi Nam ngược Bắc kiếm sống, nhưng mấy năm gần đây đổi vận rất phát đạt. Trong phạm vi trăm dặm quanh thôn, bất kể là động thổ, mở công ty, cưới hỏi v.v… người ta đều sẽ mời lão nhân gia xem chút phong thủy vận số cùng vật sắp đặt. Cứ thế, ngũ thúc dần dần danh chấn một phương. Đến trước lúc Mai Khê đi học đại học, ngũ thúc từng đi Hồng Kông tiến hành "giao lưu học thuật", sau khi trở về cũng không tự mình đi xem phong thủy nữa mà giao hết cho con của ông hành nghề.
Lục thúc của Mai Khê tên Mai Chính Tề, là một vị đại sư khí công. Những năm 80, lục thúc từng rất nổi danh, mở không ít lớp dạy khí công trên khắp cả nước, thuộc nhóm giàu lên sớm nhất. Sau công tác này không còn hot nữa, lục thúc đổi nghề, hợp tác cùng với cha con nhị bá đang ở trong thị trấn mở phòng khám kiêm trung tâm chăm sóc sức khỏe.
Vợ chồng thất cô của Mai Khê đều là giáo sư cố vấn đa ngành. Bọn họ chuyên cung cấp các loại giấy chứng nhận, bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí trên tiến sĩ, phạm vi bao gồm bằng cấp của các trường đại học nổi tiếng trên toàn quốc. Thậm chí không chỉ có vậy, chỉ cần bạn biết cách đặt vấn đề một chút, khai sinh khai tử đều có thể được cung cấp, giá cả vừa phải, đầy đủ chủng loại, bao hài lòng.
Những người này chính là thân thích của Mai Khê, ngoại trừ làm "sinh ý" ở bên ngoài, bọn họ cũng làm nông trong Mai Gia Nguyên. Có điều nơi này người nhiều đất ít, tuy rằng phong cảnh không tồi nhưng vẫn là cùng sơn sấu thủy, cho nên phần lớn thời gian đều lăn lộn giang hồ. Chính những người này đã thay nhau nuôi lớn Mai Khê, cho nên từ nhỏ Mai Khê đã rất chịu khó, mỗi khi rảnh rỗi không phải đến trường hoặc ôn tập đều sẽ theo chân đi phụ giúp cho những thân thích này, cũng nhờ thế mà biết rất nhiều nghề kiếm sống.
Một đứa nhỏ lớn lên trong hoàn cảnh thế này sẽ ra sao? Làm cho người ta liên tưởng tới tiểu thuyết Tuyệt Đại Song Kiêu của Cổ Long, với nhân vật Giang Tiểu Ngư lớn lên từ Ác Nhân Cốc. Đừng nhìn Mai Khê tuổi còn nhỏ mà nghĩ non nớt, hắn tuyệt đối có kỹ năng không một tiếng động đem người bán đi, mà người bị bán lại còn cười híp mắt giúp hắn kiếm tiền. Chẳng qua tới tận bây giờ Mai Khê chưa hề làm chuyện như thế, hắn muốn làm người tốt.
Cứ thế, "đứa trẻ bị vứt bỏ" không rõ lai lịch được nuôi lớn, không chỉ không lo ấm no, còn có thể thi lên đại học. Ở trong mắt Mai Khê, mọi người quanh hắn đều là người tốt. Nhưng Mai Khê cũng không phải người ngu, theo thời gian lớn dần lên, cũng ngày một hiểu chuyện, hắn biết các thân thích của mình là đang làm gì ― một thôn này trong mắt người ngoài chính là một hang ổ lừa đảo!
Ý nghĩ này cứ quanh quẩn mãi trong đầu hắn, nhưng lại không thể nói ra, để cho hắn vô cùng khó chịu. Mai Thái Công là bậc nào, đươg nhiên nhìn ra Mai Khê nghĩ gì, chủ động nói hết với hắn. Bởi vậy Mai Khê mới biết được hóa ra mọi người làm việc đều có tính toán, có thể xưng là Giang Hồ Bát Đại Môn. Mà Giang Hồ Bát Đại Môn, ở thời cổ đều không phải thủ đoạn lừa tiền như bây giờ, mà là có bản lĩnh bí hiểm thật sự.
Năm đó, Mai Khê vừa học xong lớp 9, bắt đầu ngày nghỉ hè đầu tiên, cũng vừa học xong Đả Hầu Tiên do tam thúc truyền lại, hai ngày nữa sẽ phải vào thị trấn học lên trung học phổ thông. Xế chiều hôm đó, hắn vừa giúp Thái Công bổ củi gánh nước quét sân xong thì nghe Thái Công gọi:
- Mai Khê, nghỉ đi cháu, ra bờ sông múc cho ông một bát tô cát về đây.
Mai Khê rất kỳ quái hỏi:
- Ông muốn cát làm gì ạ?
Mai Thái Công cười có chút thần bí:
- Làm một mâm đồ nhắm, để cho mày tiếp ông uống rượu. Thôi đừng hỏi nữa, nhanh ra bờ sông múc cát đi.
Lấy một bát cát làm rượu và đồ nhắm? Mai Thái Công tuy thường làm những chuyện rất cổ quái, nhưng lần có vẻ hơi quá rồi. Mai Khê tò mò muốn chết, vội vàng cầm bát chạy ra sông.
Quyển 1: Nhân Gian Thế
Chương 2: Pháp thuật thiện ác do người dụng, có tài không đức tự họa thân
Dịch & Biên: †Ares†
Nguồn: 4vn.eu
oOo
Lúc Mai Khê mang cát về, Thái Công đã đón ở cổng, phất phất tay nói:
- Đi vào bếp, đổ cát vào chum gạo.
- Sao ạ? Đổ cát vào trong chum gạo ấy ạ?
Mai Khê không dám tin vào tai mình.
Mai Thái Công lại nói, chòm râu cằm khẽ vểnh lên:
- Bảo cháu làm thì cứ làm đi, đừng hỏi nhiều như vậy.
Mai Khê cũng chỉ đành gãi đầu đi vào bếp, đem bát cát sông ẩm ướt đổ cả vào chum gạo. Hắn vừa đậy chum lại thì từ phía sau có một bàn tay đem nắp chum mở ra. Nghiêng người vừa nhìn, Thái Công chẳng biết từ lúc nào đã đứng ở cạnh, tay kia còn cầm một cái lưới loại dùng để bắt tôm nước cạn. Mai Thái Công cười híp mắt, cũng không nói chuyện mà úp lưới vào trong chum gạo sau đó quơ một cái rồi nhấc lên. Cả gạo lẫn cát đều theo mắt lưới rớt xuống, còn lại bên trong nặng cả nửa lưới con tôm sông lớn dài đến cả chục phân!
Từ nhỏ Mai Khê đã thấy qua đủ loại ảo thuật, nhưng chưa bao giờ gặp chuyện thần kỳ như thế! Kỳ thật ảo thuật chỉ là những kỹ xảo nhanh tay dựa trên các đạo cụ mà đánh lừa đôi mắt, thế nhưng chum gạo này không phải đạo cụ ảo thuật. Mai Khê rất rõ chuyện này, hắn ngày nào cũng lấy gạo nấu cơm từ nơi đây, cả cái lưới bắt tôm kia hắn cũng hay dùng, không có bất kỳ chỗ nào đặc biệt.
Trời rất nóng, Thái Công cởi trần, cơ thể rắn chắc cộng với làn da ngăm đen nhìn thật khỏe mạnh, ngay cả một cái đồi mồi cũng không có. Thái Công hiển nhiên không thể giấu nhiều tôm trên người như vậy, hơn nữa động tác của ông rất chậm, Mai Khê nhìn rõ ràng, cho nên hắn càng trợn mắt há hốc mồm không dám tin vào hai mắt của mình. Thái Công đưa lại lưới đầy tôm cho Mai Khê, khẽ cười nói:
- Cháu sững sờ cái gì, mau làm sạch tôm còn nhắm rượu.
Mai Khê thở dài ra một hơi, trừng to mắt hỏi:
- Ông, đây là ảo thuật gì vậy? Ông làm sao làm được? Dạy cho cháu được không ạ?
Mai Thái Công cười ha ha:
- Đây cũng không phải là ảo thuật mà là pháp thuật, pháp thuật thật sự!
Khi nói, Thái Công cố ý nhấn mạnh hai chữ "thật sự".
- Pháp thuật?
Mai Khê có chút mơ hồ. Từ nhỏ hắn đã gặp qua đủ mánh khóe lừa bịp, đương nhiên không tin thật sự có pháp thuật.
Mai Thái Công đưa tay vỗ vỗ lên đầu hắn, khẽ thở dài một hơi nói:
- Hôm nay ông làm phép trước mặt mày là muốn hỏi mày một chuyện: nếu tam thúc của mày muốn biểu diễn ảo thuật như vậy thì mày nói có thể không?
Mai Khê nghĩ nghĩ đáp:
- Trình độ ảo thuật của tam thúc cao lắm ạ, nếu bố trí chum gạo trước thì ít nhất có năm, sáu cách để lấy tôm, nhưng cháu nghĩ mãi không ra vì sao ông làm được?
Mai Thái Công:
- Tam thúc của cháu chỉ làm ảo thuật, còn ông thật sự làm phép, nhưng trong mắt người ngoài nghề thì cũng chỉ là ảo thuật mà thôi. Thằng nhóc, cháu nghĩ thông suốt chuyện gì chưa?
Mai Khê mở trừng hai mắt không đáp. Thái Công nhìn hắn, khẽ cười:
- Tuổi của cháu còn quá nhỏ, chưa biết nhiều chuyện thế gian, hỏi vấn đề này đúng là làm khó cháu rồi… Thôi, nhanh đi làm một hai món rồi uống rượu với ông, ông có chuyện muốn nói với mày.
Luộc đậu quả tự mình trồng, hái thêm vài trái ớt, hấp một đĩa lớn tôm sông, lại vặt ở trong sân mấy cọng rau thơm ăn kèm, Mai Khê bày mâm đồ ăn lên cái bàn bát tiên ở chính giữa nhà, lại rót cho Mai Thái Công một chén rượu rồi ngồi ở một bên cung kính tiếp rượu dùng cơm với Thái Công.
Mai Thái Công lấy thêm một cái chén cho hắn rồi tự mình rót, Mai Khê lắc đầu nói:
- Ông, cháu không uống rượu.
Mai Thái Công nâng đũa nói:
- Nhóc, mấy hôm nữa là cháu lên thị trấn học trung học rồi, cũng coi như người lớn, uống một chén đi… Chuyện vừa rồi nhất định là mày rất kỳ quái, ông lại hỏi mày một vấn đề, trong mắt mày, các thân thích ở Mai Gia Nguyên là những người thế nào?
Mai Khê cúi đầu:
- Cháu cũng biết thân thế của mình, đương nhiên hiểu được tất cả mọi người là người tốt.
Mai Thái Công rất có thâm ý nhìn hắn:
- Tốt thì đúng là tốt rồi, nhưng cháu cũng không phải trẻ con nữa, đương nhiên biết bọn họ đều là bịp bợm giang hồ đúng không? Không cần nói thêm, kỳ thật ông hiểu mày nghĩ gì trong lòng, hôm nay cũng đặc ý nói với mày một câu về sự tích Giang Hồ Bát Đại Môn.
- Mai Khê ngẩng đầu:
- Giang Hồ Bát Đại Môn? Là gì vậy ạ?
Mai Thái Công:
- Thuật giang hồ ngày xưa chia làm Kinh, Bì, Phiêu, Sách, Phong, Hỏa, Tước, Yếu – tám môn, người trong Mai Gia Nguyên đều tính là dựa vào tám môn này đi hành tẩu giang hồ kiếm ăn. Nhưng Giang Hồ Bát Đại Môn chân chính lại không chỉ chừng này, mà là tất cả đạo thế gian. Cháu ngồi im nghe ông cẩn thận giải thích…
Tam sơn ngũ nhạc, ngũ hồ tứ hải* đều gọi là giang hồ. Tục ngữ nói miễn nơi có người sẽ có giang hồ, bất kể nghệ thuật gì trong cuộc sống cũng đều có thể gọi là thuật giang hồ, cũng nằm trong tám môn kia. Nhưng từ khi Thanh mạt Dân Quốc tới nay, cái gọi là học thuật giang hồ đã lưu lạc thành thủ đoạn lừa đảo kiếm cơm, đây là nghĩa hẹp của giang hồ, mà thế nhân ngày nay nói về Giang Hồ Bát Đại Môn cũng đã hoàn toàn theo nghĩa hẹp.
(*Tam sơn ngũ nhạc, ngũ hồ tứ hải: câu chỉ các địa danh bao quanh và nổi tiếng của Trung Quốc. Ý ở đây muốn nói đâu đâu cũng là giang hồ)
Kinh Môn chính là một chi của Giang Hồ Bát Đại Môn, chủ yếu nghiên cứu cát hung họa phúc, giải mê cho người. Những thầy tướng thầy số hiện giờ cũng xem như người giang hồ thuộc Kinh Môn. Thủy tổ của Kinh Môn là Phục Hi cùng Chu Văn Vương. Theo truyền thuyết, Phục Hi vẽ Bát Quái mà Văn Vương diễn Chu Dịch. Ngoài ra những thuật sĩ giang hồ còn có một vị tổ sư gia khác là đại thần nhà Hán Đông Phương Sóc, nghe nói Đông Phương Sóc từng mở quầy xem bói ngay trong thành Trường An. Nếu như muốn tìm hiểu về kinh điển (sách vở) của Kinh Môn, vậy có thể xem Kinh Dịch.
Giang Hồ Bát Đại Môn có Kinh Môn không phải là không có đạo lý, bởi vì nó nghiên cứu thiên đạo biến hóa. Một khi tinh thông Kinh Môn thì hoàn toàn có thể suy diễn ra bảy môn học thuật giang hồ còn lại, thôi diễn cát hung họa phúc thế sự biến hóa vốn là hạch tâm của đạo thế gian. Thầy tướng số hiện đại chỉ sợ là không có bản lĩnh này, nhưng xem người qua tướng mạo vẫn là kiến thức cơ bản, coi như dùng học thuật giang hồ xem mặt để kiếm ăn.
Bì Môn, coi trọng đạo hành y tế thế. Việc hành y ở đây không chỉ có các thầy lang giang hồ mà có cả bác sĩ trong bệnh viện, thậm chí bao gồm cả thầy mo thầy tế thời cổ đại. Chỉ cần dùng các biện pháp nghiệp vụ xem bệnh cho người đều thuộc về Bì Môn. Người trong Bì Môn bái hai vị tổ sư gia là y thánh Trương Trọng Cảnh cùng dược vương Tôn Tư Mạc. Nhưng hiện giờ nói tới giang hồ Bì Môn thì phần lớn mọi người đều chỉ nhắc tới các thầy lang vườn có mặt ở bốn phương.
Bì Môn nằm ở vị trí thứ hai, chỉ sau Kinh Môn trong Giang Hồ Bát Đại Môn, địa vị cũng rất quan trọng, bởi vì nó nghiên cứu về bản thân con người. Xét sâu xa mà nói, thủy tổ Bì Môn chính là hoàng đế Hiên Viên cùng viêm đế Thần Nông, bọn họ theo truyền thuyết cũng là thủy tổ của dân tộc Trung Hoa. Kinh điển của Bì Môn đương nhiên là Hoàng Đế Nội Kinh cùng Thần Nông Bản Thảo Kinh.
Phiêu Môn, chuyên về đạo ‘vân du cầu học’. Tổ sư gia của Phiêu Môn là Khổng Tử Khổng thánh nhân, điều này sợ là rất nhiều người không ngờ đến. Mà đến ngày hôm nay, những tạp kỹ giang hồ như xiếc ảo thuật, diễn kịch sân khấu, thậm chí cả ca kỹ cũng đều tự xưng là người trong Phiêu Môn.
Sách Môn, chú trọng nghiên cứu kim cổ. Tổ sư gia của Sách Môn là Tư Mã Thiên. Đến ngày nay, những người buôn bán đồ cổ thật giả, bán xuân cung, kinh doanh tranh chữ đều tự xưng là người Sách Môn, thậm chí còn bao gồm cả đào trộm mồ.
Phong Môn, nghiên cứu địa lý núi sông toàn thiên hạ. Nghe nói tổ sư gia Phong Môn là Quách Phác, như vậy những thầy phong thủy, âm dương trạch sư hiện tại đều thuộc một môn này.
Hỏa Môn, chú trọng các loại thuật dưỡng sinh. Tổ sư Hỏa Môn là Cát Hồng Cát thiên sư, kinh điển bao gồm Bão Phác Tử, Tham Đồng Khế v.v… Như vậy luyện đan thuật, luyện kim thuật, phòng thuật đều là thuộc Hỏa Môn.
Tước Môn, chuyên về đạo làm quan. Theo truyền thuyết, tổ sư gia của Tước Môn là Quỷ Cốc Tiên Sinh, kinh điển gồm Quỷ Cốc Tử và Chiến Quốc Sách. Quỷ Cốc Tiên Sinh có hai đệ tử rất nổi danh là Tô Tần và Trương Nghi. Truyền thống Tước Môn nói thật ra là thuật tung hoành. Từ cận đại tới nay, kỹ năng mua quan bán tước, bao gồm việc dối trên lừa dưới, luồn cúi thăng quan coi như là thuật giang hồ của Tước Môn.
Yếu Môn, giảng giải về những việc muộn phiền. Đây là một môn học vấn thâm ảo, thời vận kém liên tục gặp chuyện xấu thì phải làm thế nào để tai qua nạn khỏi? Tổ sư gia Yến Môn nghe nói là Chu Nguyên Chương, cũng có người cho là Liễu Hạ Thác, nói chung vẫn chưa biết chính xác. Ngày nay, việc xin ăn, đòi nợ tống tiền, giả trang tăng ni hóa duyên lừa người, thậm chí bỏ thuốc mê đều có thể tính là người trong Yếu Môn.
Theo những điều trên, Giang Hồ Bát Đại Môn bao la vạn tượng, gồm tất cả những thủ đoạn và đạo lý khắp thế gian. Bản thân học thuật giang hồ không có thiện ác tốt xấu, thế nhưng người giang hồ lại có tốt xấu lẫn lộn. Mà Giang Hồ Bát Đại Môn ở cận đại cơ hồ đều chỉ còn tạp kỹ giang hồ, thuộc nghĩa hẹp của "phiêu bạt giang hồ".
Thời xưa, người trong giang hồ có hai loại chú trọng: "Lý" cùng "Tiêm", hay còn xưng là "Thuật" cùng"Đạo". "Lý" chỉ phương pháp, ví dụ như cách buôn bán hoặc nghiên cứu tâm lý con người xem dùng cách nào mới có thể đạt tới mục đích. "Tiêm" thì chỉ bản lĩnh thật, công phu thật sự cùng truy cầu đại đạo. Chẳng hạn như hành y trong Bì Môn, "Lý" nói lên làm thế nào để cố ra vẻ huyền bí mà lừa dối người, còn "Tiêm" nói lên tu vi y đạo chân chính.
Mọi việc làm trong thế gian đều không thể bỏ ngoài hai chữ "Lý" và "Tiêm", nếu không dù có bản lĩnh thật sự cũng chưa chắc đã có người chịu phục, như việc từ xưa đến nay, người có tài nhưng không gặp thời thấy rất nhiều. Tục ngữ nói "Tiêm trung lý, liễu bất khởi, lý trung tiêm, tái thần tiên", nôm na tức là "có tài mà không biết cách sống thì không khá lên nổi, còn vừa có tài vừa khôn khéo thì có thể thắng cả thần tiên" chính là đạo lý này. Nhưng đi tới cận đại thì những nghệ nhân thuật sĩ hành tẩu giang hồ lại biến tướng thành chuyên dùng thủ đoạn hãm hại lừa gạt, phần lớn sa vào tà đạo. Kỳ thật, bản thân học thuật giang hồ là một môn học vấn vô cùng uyên thâm, nếu thuần thục vận dụng được đạo trong đó đủ để hành tẩu thiên hạ.
Nói đến đây, Mai Thái Công nhấp một ngụm rượu, để đũa xuống hỏi:
- Giờ cháu đã có câu trả lời cho việc lấy tôm từ chum gạo chưa?
Mai Khê chớp tròng mắt nghĩ nửa ngày:
- Hiểu rõ một chút ạ
Mai Thái Công gật gật đầu:
- Hiểu một chút là được rồi, đạo lý còn lại từ từ nghĩ cho rõ ràng đi. Kỳ thật học thuật giang hồ đều không phải là vô dụng, mà phải xem người dùng nó ra sao. Làm thiện hay làm ác chỉ ở trong một ý niệm. Giang hồ to lớn như thế không phải chỉ là lừa gạt hay diễn xiếc, thế gian chính là giang hồ, chẳng cần phân ra Bát Đại Môn làm gì cả.
Mai Khê nhíu mày lại hỏi:
- Ông hiểu nhiều đạo lý như vậy, tại sao các thúc bá lại…
Hắn chỉ nói ra một nửa rồi im miệng. Mai Thái Công nhìn hắn một cái, cười khổ nói:
- Bọn họ là thôn dân quê nghèo, chẳng qua học chút thủ đoạn kiếm miếng cơm ăn mà thôi, chẳng lẽ còn muốn họ nói cái gì trị quốc an bang sao? Cháu hiểu là được… Học thuật giang hồ không thể lạm dụng, con cháu Mai Gia Nguyên tự có quy củ, ví như nhà tứ cô của cháu buôn bán đồ cổ nhưng tuyệt không được phép đào trộm mồ mả quấy nhiễu âm trạch, tạo đồ giả cổ cũng nhất định phải lưu lại ký hiệu độc môn của mình cho người trong nghề biết… Có điều những người tương tự khác ở trên đời có những quy tắc này không thì ông cũng không xen vào được.
Mai Khê lại hỏi:
- Vậy họ có công phu thật sự không ạ?
Thái Công nở nụ cười:
- Đương nhiên có, nếu không có lấy chút tài nghệ thì sao lăn lộn nổi trên giang hồ? Nhưng phần lớn vẫn là dựa vào học thuật giang hồ che giấu tai mắt người. Không nói đâu xa, cháu học ở tam thúc bộ Đả Hầu Tiên kia chính là tuyệt kỹ, ảo diệu trong đó chỉ sợ ngay cả tam thúc của cháu cũng không rõ bao nhiêu.
Mai Khê đến đây hứng trí:
- Tuyệt kỹ Đả Hầu Tiên cháu học xong rồi ạ, nhưng tại sao con của tam thúc đến giờ vẫn chưa học xong hả ông?
Mai Thái Công:
- Có nhiều chuyện phải dựa vào tính tình, tư chất, ngộ tính, người không học được thì cả đời không học được. Đôi khi chúng ta chỉ có thể nhớ kỹ phương pháp cùng yếu quyết trong đó để truyền lại cho đời sau, không cắt đứt truyền thừa mà thôi. Kỳ thật bộ Đả Hầu Tiên pháp của cháu còn xa mới được đầy đủ, tổ tiên truyền xuống bao nhiêu đời rồi, thất lạc bớt cũng là không có cách nào thay đổi.
Mai Khê đảo đảo con mắt nghĩ thêm mấy chuyện:
- Ông ơi, hôm nay ông bắt tôm là dùng pháp thuật gì thế ạ? Có thể dạy cháu không?
Mai Thái Công lấy tay vuốt chòm râu dài, mặt hơi đắc ý nói:
- Pháp thuật này có cái tên rất vang dội, gọi là Thần Tiêu Thiên Lôi, là bí kỹ truyền tay của tộc trưởng các đời ở Mai Gia Nguyên.
Vừa nghe kia là bí kỹ truyền đời của tộc trưởng, Mai Khê có chút mất mát, cúi đầu nhìn mâm cơm không nói tiếp. Vốn hắn muốn học, thế nhưng bản thân hắn chỉ là một đứa trẻ bị vứt bỏ được nhặt về nuôi, còn không có tư cách học bí kỹ truyền các đời tộc trưởng. Mai Thái Công đương nhiên nhìn thấy hết biểu cảm của hắn, giọng dò hỏi:
- Mai Khê, cháu đang thất vọng lắm hả? Kỳ thật hôm nay ông làm phép trước mặt cháu là định dạy cho cháu.
Mai Khê sáng mắt lên, chợt lại yếu ớt nói:
- Nhưng mà cháu…
Mai Thái Công cắt lời hắn:
- Tuy ông không biết cháu sinh ra từ đâu, nhưng cháu ở Mai Gia Nguyên mà lớn, cũng họ Mai, là người một nhà với chúng ta. Ông quan sát cháu đã lâu rồi, cháu tính tình thuần chính, tư chất lại tốt, trong con em gia tộc chỉ có cháu là thích hợp học pháp thuật truyền đời của Mai Gia Nguyên nhất. Ông không trông cậy cháu làm cái gì, chỉ hi vọng cháu tiếp tục truyền thừa nó xuống. Ông đã lớn tuổi rồi, cũng đã tới lúc tìm truyền nhân thích hợp.
Mai Khê có một chút vui sướng trong lòng, cũng có vài phần khẩn trương, sau một lúc lâu mới hỏi:
- Tại sao lại là cháu ạ?
Mai Thái Công hỏi ngược lại:
- Vì sao không thể là cháu? Cháu học hết Đả Hầu Tiên, bộ tiên pháp này ngay cả tam thúc của cháu cũng không có luyện thành một thức cuối cùng, nếu bàn về tư chất ngộ tính, cháu là tốt nhất. Thêm nữa ngoại trừ cháu ra, một đời thanh niên ở Mai Gia Nguyên chẳng còn viên ngọc nào nữa, ông vốn cũng tìm nhiều năm rồi.
Mai Khê không dám nói tiếp, mấy lời này Mai Thái Công coi như động viên hắn cũng được, nhưng nếu truyền ra ngoài, khẳng định đắc tội thanh niên cả thôn. Mai Khê có muốn học pháp thuật từ ông nội không? Dĩ nhiên muốn, hắn lúc này chẳng qua mới là thiếu niên mười lăm tuổi, đổi lại ai trong lứa tuổi đó cũng đều muốn. Mai Khê hỏi sang một chuyện khác:
- Ông, ông định lúc nào thì dạy cho cháu ạ?
Mai Thái Công cười khà khà hai tiếng:
- Tuy rằng tư chất và ngộ tính của cháu không tồi, nhưng bản tính một người như thế nào thì còn cần khảo sát lịch lãm. Mai Gia Nguyên chỉ là một chảo nhuộm nhỏ, thế gian mới thực sự là chảo nhuộm, chờ cháu ra bên ngoài học tập một phen, lúc cháu tròn hai mươi tuổi ông mới có thể dạy cháu. Rất nhiều việc cháu nhất định đều phải trải qua mới có thể khiến ông yên tâm.
Mai Khê:
- Yên tâm? Thế nào mới khiến ông yên tâm ạ?
Mai Thái Công:
- Học phép có rất nhiều chú ý, chỉ có tư chất và ngộ tính còn chưa đủ, nếu tính tình không đoan chính, ngược lại có thể tạo thành họa, ông cháu ta nói một chuyện xưa này đi…
Thời đại Dân Quốc, Mai Thái Công có một người em họ đằng nội tên là Mai Thái Năng, tư chất không tồi, rất được trưởng bối yêu thích, được tộc trưởng Mai thị đời trước chọn làm truyên nhân, nhưng sau khi dạy dỗ một thời gian lại phát hiện Mai Thái Năng phẩm hạnh không tinh khiết nên không tiếp tục dạy nữa mà đổi sang Mai Thái Công tư chất kém hơn một chút. Có điều Mai Thái Năng dù sao cũng là con cháu trong nhà, trưởng bối không có nhẫn tâm phế đi tu vi của ông ta.
Mai Thái Năng học phép bỏ dở nửa chừng, nhưng cũng nắm được một môn "tuyệt kỹ", chính là nếu coi trọng tiểu quả phụ nhà ai trong vòng mười dặm thì sẽ có cách làm cho người ta buổi tối chủ động tới nhà của ông ta mà nhảy vào lồng ngực. Thời gian đầu ông ta sống thật khoái hoạt, người chung quanh thì vừa hận vừa sợ, nhưng biết ông ta có pháp thuật lại không dám trêu chọc. Sau này giải phóng, Mai Thái Năng bị giải phóng quân kéo đi làm bia.
- Làm bia? Đi chế tạo bia ngắm để người ta luyện bắn súng ấy ạ?
Mai Khê nghe đến đó nhất thời kịp phản ứng.
Mai Thái Công thở dài một tiếng:
- Luyện cái gì, là bị người ta xem làm bia ngắm, chết trong mưa đạn.
Khi nói chuyện, vẻ mặt Mai Thái Công có chút chua xót, con mắt híp lộ một tia thê lương.
- Vị tên Mai Thái Năng kia có một môn pháp thuật lạ thật, ông nội có biết không ạ?
Mai Khê cuối cùng nhịn không được, nhỏ giọng hỏi.
Quyển 1: Nhân Gian Thế
Chương 3: Sở học trăm ngàn đều hữu dụng, việc tốt nhiều ít cảm tạ người
Dịch & Biên: †Ares†
Nguồn: 4vn.eu
oOo
Mai Thái Công bị hắn làm bật cười, híp mắt lại, bộ dáng giống như một lão hồ ly giải hoạt, nhìn Mai Khê mà nói:
- Ông đương nhiên biết, cụ thể là làm thế nào thì đợi khi ông nguyện ý dạy cho mày sẽ nói sau, mày tự thu xếp ổn thỏa đi.
Kế tiếp Mai Thái Công lại hàn huyên rất nhiều truyền thuyết về học thuật giang hồ, không nói gì việc dạy phép nữa, Mai Khê nghe cũng thấy rất thú vị. Hắn chỉ còn tò mò hai chuyện, một là Thái Công sẽ dạy hắn bản lĩnh gì trong tương lai, hai là từ chum gạo mò tôm sao lại gọi là Thần Tiêu Thiên Lôi, chuyện đó với sấm sét trên trời căn bản chẳng liên quan gì nhau a? Hai vấn đề này, Thái Công chỉ cười mà không đáp.
Cơm nước xong xuôi, Mai Khê lại hỏi một câu:
- Giang Hồ Bát Đại Môn này là lưu truyền từ bao giờ ạ?
Mai Thái Công ngẩng đầu nhìn rừng mai ngoài cửa sổ, như nghĩ tới điều gì đó mà đáp:
- Theo tương truyền, thủy tổ của Giang Hồ Bát Đại Môn là Thanh Đế Phục Hi. Phục Hi vẽ bát quái thuở Hồng Hoang, bát quái phương vị chia làm Kinh, Thương, Khai, Cảnh, Tử, Sinh, Đỗ, Hưu bát môn, thuật lại vạn vật nhân gian, hậu thế diễn hóa thành Giang Hồ Bát Đại Môn.
Mai Khê há miệng:
- Khoa trương như vậy? Bát Môn không phải là giản lược từ Kỳ Môn Độn Giáp ạ?
Từ nhỏ Mai Khê thường quấn lấy đại bá Chính Kiền đạo trưởng cho nên cũng tìm hiểu một ít mấy thứ này.
Mai Thái Công gật gật đầu:
- Có thể người hậu thế cố chắp vá vào, vừa rồi ông kể cho cháu là Bát Đại Môn thời cổ, bao gồm các loại đạo lý thế gian, nhưng lại khuyết thiếu một môn học vấn quan trọng nhất, cháu thử đoán xem là gì?
Mai Khê lắc đầu:
- Cháu đoán không được.
Mai Thái Công:
- Là đạo quân thần đế vương, người trên giang hồ không có ai truyền thụ điều này, thời cổ cũng không thể học trộm. Ông chẳng qua là một ông lão ở nông thôn, học vấn quá cao siêu cũng không hiểu được.
Mai Khê vừa thu dọn chén đũa vừa hỏi:
- Ông, pháp thuật làm cách nào để lưu truyền tới nay? Tại sao cháu chưa bao giờ thấy qua người biết pháp thuật thật sự?
Mai Thái Công:
- Dù cháu có gặp được cũng không biết đâu, bởi vì người học pháp đều có quy củ từ xưa. Quy củ này là do một người định ra, hơn nữa pháp thuật mà Mai gia chúng ta truyền lưu cũng có quan hệ với người kia.
Mai Khê:
- Ai vậy ạ? Chắc hẳn là tài ba lắm ông nhỉ!
Mai Thái Công:
- Người này tên là Chính Nhất tổ sư, theo truyền thuyết thì tổ tiên Mai gia chúng ta chính là đệ tử của ngài, do ngài để một chi truyền nhân lưu lại tại Mai Gia Nguyên Này, đã có một ngàn hai trăm năm. Trong gia quy của dòng họ Mai, con cháu có thể hành tẩu giang hồ nhưng không thể buông bỏ mảnh đất quê hương này, cũng không thể chặt đứt truyền thừa, nghe nói chính là Chính Nhất tổ sư di huấn… Kỳ thật lai lịch của cháu kỳ lạ, có khi có quan hệ với di huấn của vị tổ sư này!
Mai Khê lắp bắp kinh hãi:
- Lai lịch của cháu? Có quan hệ gì với Chính Nhất tổ sư cơ ạ?
Mai Thái Công:
- Còn chưa tới thời điểm nói cho cháu biết. Hôm nay ông nói về Chính Nhất tổ sư cùng việc ông biết pháp thuật, cháu không được nói ra ngoài nửa chữ, cũng đừng hỏi nhiều. Không nên nóng vội, chuyện này sớm hay muộn cháu cũng sẽ được biết thôi.
Mai Khê tự rõ thân thế mình, lẽ nào còn lai lịch gì khác nữa sao? Hắn đương nhiên muốn truy hỏi, tiếc là làm thế nào Mai Thái Công cũng không chịu nói gì thêm. Mai Khê chỉ còn biết tập trung dọn bàn:
- Ông còn có gì sai cháu không ạ?
- Hết rồi! À, không thể lãng phí chum gạo kia, cháu đổ gạo ra sàng rồi đem ra sân sàng qua cho hết cát đi.
- Ông, rõ ràng ông biết pháp thuật, sao còn bảo cháu sàng cát ạ?
Mai Thái Công khoát tay:
- Cát mày đổ, tôm cũng mày ăn, mày không làm chẳng lẽ để lão già này làm sao?
Tôm mặc dù ngon, nhưng mà giờ đi loại cát cũng quá tốn sức, sớm biết phiền toái như vậy Mai Khê tình nguyện kiêng đĩa tôm này. Từ đó trở đi Mai Thái Công không nhắc tới chuyện truyền pháp nữa, Mai Khê cũng không tiện thúc giục. Suốt thời gian ba năm học cấp 3 trên thị trấn, Mai Khê cũng không có lần nào ‘hành tẩu giang hồ’, cứ vừa nghỉ hè nghỉ lễ là đã bị ông nội gọi về nhà, dạy cho hắn các loại học thuật giang hồ của Bát Đại Môn, lại kể vô số chuyện người trong giang hồ hãm hại lừa gạt thế nào vào thời Dân Quốc. Mai Khê có chút không rõ Thái Công muốn làm gì, chẳng lẽ muốn đem hắn bồi dưỡng thành một gã đại lừa gạt trên giang hồ sao? Mãi sau hắn mới rõ, phỏng chừng là Thái Công sợ rằng lúc mình ra khỏi nhà sẽ ăn thiệt thòi nên dạy một số thứ cho hắn phòng ngừa.
Cứ như vậy qua ba năm, hết cuộc đời học sinh, kế đến là thi vào đại học. Việc đầu tiên mà Mai Khê cần làm là kê khai nguyệt vọng. Điều này sẽ quyết định số điểm hắn thi được đủ để vào trường nào. Ở thành phố, lứa tuổi như Mai Khê khi kê khai nguyện vọng là cực kỳ thận trọng, hầu như đều cần cha, mẹ, ông bà nội ngoại hai bên thu thập các loại tư liệu thảo luận rất lâu. Còn thân thích của Mai Khê tuy rằng tinh thông hãm hại lừa gạt, nhưng đối với việc chọn trường lại rất mù mờ, đương nhiên Mai Khê chỉ biết đi thỉnh giáo người có quyền uy cùng học vấn cao nhất thôn là Mai Thái Công.
Mai Thái Công cực kỳ coi trọng việc đăng ký trường của Mai Khê, nhưng phương pháp chọn trường lại vô cùng kỳ quái ― theo thứ tự Giang Hồ Bát Đại Môn mà chọn. Mai Thái Công đầu tiên là chọn Kinh Môn, có điều Mai Khê nói cho ông biết hiện tại đại học khoa chính quy không dạy ngành này, cho nên đành lùi một nhịp, chọn Bì Môn ở vị trí thứ hai ― học y.
Học loại y nào đây? Để Mai Thái Công làm chủ đương nhiên là học Trung y! Đi đâu học Trung y? Đương nhiên là đi kinh thành, dưới chân Thiên Tử lắm danh y mà, đã đi là phải thi viện y học ở Bắc Kinh. Nếu có người khác biết Mai Thái Công lựa chọn thay Mai Khê theo cách như vậy, không hề để ý tới danh tiếng trường học, chuyên ngành trong trường hoặc tương lai tốt nghiệp sẽ làm được gì thì nhất định sẽ trợn mắt há hốc mồm. Mai Thái Công mặc dù là người từng trải, nhưng dù sao cũng chỉ là lão nông xuất thân từ xã hội cũ, đương nhiên không hiểu nhiều như vậy.
Mai Khê thi đại học có thành tích không tồi, trúng luôn nguyện vọng một, cứ như vậy hắn u mê thi đậu đại học Trung Y Dược Bắc Kinh.
Việc Mai Khê đậu đại học chính là đại sự ở Mai Gia Nguyên. Bà con nơi đây đều rất yêu mến đứa trẻ số khổ mồ côi lại rất mực ngoan ngoãn này, cho nên nhà này cho quần áo, nhà kia cho chăn đệm v.v… Tuy rằng con cháu Mai thị có truyền thống sau khi trưởng thành thành lưu lạc giang hồ đều phải tay làm hàm nhai, nhưng lên đại học có ý nghĩa không giống, bá thúc cô dì đều gom góp biếu tặng ít tiền, nếu không quả thật Mai Khê cũng chẳng cách nào đi tận Bắc Kinh học xa nhà.
Trước khi đi, Mai Thái Công đặc ý dặn dò:
- Nhóc, cháu là người Mai Gia Nguyên, bà con cho tiền cùng đối đãi với cháu từ nhỏ ra sao là ngàn vạn lần không thể quên, bất kể cháu có bao nhiêu tiền đồ đi nữa… Mấy năm nay ông nói với cháu không ít chuyện giang hồ, chân chính giang hồ là toàn bộ thiên hạ, một khi cháu đã bước lên nhất định phải tự mình bảo trọng.
***
Một ngày đầu tháng 9 năm 2007, Mai Khê lẻ loi một mình bước ra từ nhà ga xe lửa Bắc Kinh Tây, đến sớm hơn ngày nhập trường trong giấy báo hai ngày. Ngày nhập trường của các trường đại học lớn nhỏ là khác nhau, cho nên khi đứng ở quảng trường trước ga có thể thấy không ít người đang giơ bảng hiệu trường của mình để tiếp đón tân sinh viên, còn thấy cả trường Trung Y Dược Bắc Kinh trong đó.
Hiện giờ đúng là những ngày cao điểm tân sinh viên tới nhập trường, liếc mắt một cái có thể thấy vô số người chạc tuổi Mai Khê đang được phụ huynh dẫn đi, tay mang bao lớn bao nhỏ, vẻ mặt cực kỳ hứng thú. Mai Khê cũng không vội tìm đến người tiếp đón của trường mà đứng tại chỗ quan sát một lúc, cảm thấy đây đúng là một cơ hội tuyệt hảo để làm "sinh ý".
Vừa tới Bắc Kinh, Mai Khê đã nghĩ xem thế nào lợi dụng cơ hội trước mắt để kiếm lời ít tiền. Tuy tiền mà bà con cho đủ một năm học phí, nhưng đại học còn phải học mấy năm, lại còn nhiều phí tổn khác, Mai Khê cũng không muốn phiền tới mọi người nữa. Con cháu Mai thị đã ra giang hồ đều phải tự mình kiếm cơm, Bắc Kinh là giang hồ, mà đại học cũng là một loại giang hồ.
Dựa theo thuật ngữ giang hồ, đầu tiên phải "chọn chỗ", chọn chuẩn rồi tới "mở hàng". Hắn chọn một chỗ khuất quảng trường nhà ga, tại vỉa hè trên con đường cách đó không xa về bên trái. Mọi người đi qua đây khá đông, cũng không có cửa hàng sát vỉa hè đó, mà quan trọng hơn là những người lui tới đây hầu hết đều là sinh viên cùng người giám hộ.
Hành lý của Mai Khê đều đã gửi cho bên hóa vận ở nhà ga, sẽ được bên đó chuyển tới trường học, không cần tự mình mang vác. Hắn chỉ mang bên mình một cái túi du lịch không lớn lắm. Mai Khê lấy từ trong túi ra một cây gậy trúc nhỏ dài hơn 30 cm, một đầu cột một miếng bọt biển nhỏ, sau lại lấy một cái hộp, mở ra thì bên trong là vữa trắng hòa nước ― đây chính là bút cùng mực hắn dùng để viết chữ.
Quên giới thiệu, Mai Khê tuy rằng vừa mới tốt nghiệp trung học, nhưng đã có chút thành tựu "thư pháp gia". Thư pháp của hắn là chân truyền từ "danh gia" ― Mai Thái Công tự tay dạy dỗ từ nhỏ. Lớp trẻ trong Mai Gia Nguyên chỉ hắn là có đãi ngộ này. Mai Khê bắt đầu dùng bút trúc nhúng vào mực vữa mà ‘sáng tác tác phẩm’ trên lề đường, rất có phong thái mẹ già của Âu Dương Tu đời Tống lấy cỏ lau vạch chữ dạy con học.
- Cha, cha xem bên kia kìa, người kia đang làm gì vậy nhỉ?
- Ồ? Là vẽ graffiti sao? Không phải, chẳng lẽ vừa ra ga đã gặp nghệ thuật gia… Con gái ngoan, mau nhìn kìa, chữ thư pháp đẹp như vậy không thấy nhiều đâu.
Mai Khê đang chuyên tâm viết chữ, đột nhiên nghe thấy sau lưng truyền đến tiếng nói chuyện. Nhìn lại, là một người đàn ông trung niên khoảng hơn 40 tuổi, mắt đeo kính, tay trái xách túi du lịch, trên đó vẫn còn đính dấu hiệu hành lý của tân sinh viên lên Bắc Kinh học, tay phải dắt một cô gái chừng mười tám, mười chín tuổi, vừa nhìn đã biết là cha đưa con gái lên kinh nhập học. Thiếu nữ này cũng đeo một cặp kính nhỏ xinh, bộ dáng động lòng người, đang chớp chớp đôi mắt tò mò mà nhìn hắn.
- Nhị vị, tôi không phải làm nghệ thuật mà là xin ăn.
Mai Khê làm vẻ có lỗi, rất lễ phép mỉm cười, giải thích với họ. Lúc này tác phẩm thư pháp của hắn đã hoàn thành, là một bài văn ngắn lay động lòng người, kể về một đứa trẻ mô côi đến từ một ngôi làng nghèo khó không ngừng vươn lên rồi thi đậu đại học, cũng nói đến tình cảnh ngượng ngùng về cái ví của mình, hi vọng người qua đường có thể hảo tâm giúp đỡ một chút, cũng là kết một thiện duyên.
Mai Khê viết xong thì đem túi đặt tạm chân tường sát vỉa hè rồi ngồi xuống, lấy giấy báo nhập học đặt trước mặt, dùng một cục đá nhỏ chặn cho khỏi bị gió bay, lại lấy bằng tốt nghiệp phổ thông được ép cứng chỉnh tề ra hơi gấp tạo thành một cái hộp đáy là mặt đất, trong đó thả mấy tờ tiền mệnh giá khác nhau. Hắn ngẫm nghĩ, lại lấy nốt chứng minh thư ra đặt bên cạnh hộp kia.
Lúc hắn làm việc này thong thả điềm tĩnh khiến đôi cha con kia xem mà choáng váng. Cô con gái chậm chạp hỏi:
- Bạn à, bạn đây là…?
Mai Khê làm vẻ mặt thật hổ thẹn, cúi đầu nói:
- Tớ làm ăn xin, ngại thật, để bạn chê cười rồi.
Người cha kia kéo con gái một cái, ý bảo cô bé đừng hỏi nữa, dùng ánh mắt nghi ngờ nhìn hồi lâu, rốt cục lộ vẻ đồng tình, mở ví ra, không nói gì mà rút tờ 50 đồng đặt vào trong hộp, thở dài rồi khẽ kéo con gái đi. Mai Khê lập tức đứng dậy, hướng về phía bóng lưng của bọn họ mà cúi chào nói:
- Cảm ơn hai người, người hảo tâm, tôi sẽ không quên sự giúp đỡ của hai người! Có thể để lại các liên lạc không, tương lai nhất định tôi sẽ trả lại tiền!
Người cha kia quay đầu lại khoát tay nói:
- Không cần đâu, chàng trai, tự thu xếp ổn thỏa đi.
- Cha, cậu ta liệu có phải là kẻ lừa đảo không? Trên báo thường xuyên đưa tin như vậy.
Cô gái nhỏ giọng hỏi người cha.
Người đàn ông trung niên cũng nhỏ giọng đáp:
- Không giống, cha chưa thấy qua kẻ lừ đảo nào mà bày ra cả giấy nhập học, bằng tốt nghiệp, chứng minh thư cả, tất cả đều không giống giả… Cậu nhóc kia rất khá đấy.
- Xin tiền thì có gì khá chứ ạ?
Cha của cô bé nở nụ cười:
- Con yêu, cha hỏi con, nếu sau này con ra ngoài gặp chuyện gì khó khăn thì liệu có thể bỏ xấu hổ mà làm như cậu ta được không?
Cô gái dẩu môi lên:
- Tại sao con phải đi ăn xin chứ, gọi điện thoại về nhà là được rồi, hiện giờ gửi tiền qua ngân hàng rất nhanh mà!
- Ôi trời, cha không phải là nói đi ăn xin.
Hai cha con vừa nói vừa đi xa dần, Mai Khê thừa dịp không người bền cầm tờ tiền lên soi thử xem thật hay giả rồi nhét vào túi quần, ở hộp giấy thì vẫn là mấy tờ “thính” ban đầu. Thời buổi này ăn xin cũng phải có nghệ thuật, bình thường người ăn xin sẽ cầm một cái bát có mấy tờ tiền lẻ ở bên trong, chỗ tiền này là tự đặt vào, không thể nhiều quá cũng không thể ít quá.
Đặt ít sẽ tạo thành một loại ám thị cho người đi qua ― "Hóa ra tất cả mọi người chỉ cho như vậy, tội gì mình cho thêm?" như vậy đương nhiên không được. Đặt nhiều cũng làm người ta có loại ấn tượng khác ― "gã ăn mày này còn nhiều tiền hơn mình, mình còn cho làm cái gì chứ?" như vậy càng không được. Phải căn cứ tâm lý của mọi người cùng với "phán đoán thị trường", tùy khu vực mà đặt “thính” phù hợp, ví dụ như Mai Khê đặt hai tờ hai mươi đồng cùng hai tờ mười đồng.
Còn một điều rất quan trọng là phải bỏ thêm cả một chút tiền mệnh giá vừa nhỏ vừa rách nát, để người ta vừa nhìn đã nghĩ rằng: "đứa nhỏ này đã đáng thương như vậy, sao còn có kẻ nhẫn tâm bỏ mấy tờ này?" Vì thế họ sẵn sàng bỏ một, hai tờ mười đồng, tuy rằng không nhiều nhưng lại tạo cho bản thân cảm giác "đại thiện". Tóm lại xin ăn cũng là một môn học vấn, chứa không ít đạo lý của Yếu Môn trong Giang Hồ Bát Đại Môn.
Mai Khê biết đạo lý của việc ăn xin, nhưng dù sao hắn cũng là lần đầu đến Bắc Kinh, không rõ lắm tình huống nơi đây. Nào có ai đi ngang nhiên ngồi ăn xin trước cửa ga Bắc Kinh Tây như hắn, đây không phải ảnh hưởng bộ mặt thành phố sao? Nếu lực lượng an ninh bắt gặp nhất định sẽ bị giải đi. Vận khí của Mai Khê cũng không tệ lắm, ngồi đây cả nửa ngày mới bị người phát hiện.
Rốt cuộc, có một nam cảnh sát bộ dáng uy nghiêm đi từ hướng nhà ga tới. Mai Khê sớm đã nhìn thấy người này, đoán chừng là trực ban duy trì trật tự tại ga, nhưng hắn vẫn giả vờ cúi đầu không phát hiện, thẳng đến khi một đôi giày da đen xuất hiện trước mắt hắn, một giọng ồ ồ quát:
- Cậu đang làm gì thế hả? Từ bao giờ ga Bắc Kinh Tây lại thành chốn xin ăn thế này?
Mai Khê ra vẻ giật mình đứng lên, nhưng vẻ mặt không hoảng loạn, cũng không có chạy. Ra giang hồ tình cờ gặp an ninh là ngàn vạn lần không thể hoảng, nếu không dù không phạm pháp cũng có phiền toái. Mai Khê dùng ánh mắt xin giúp đỡ mà nhìn vị cảnh sát này, nhỏ giọng đáp:
- Chú cảnh sát, cháu không làm gì ạ, cháu chỉ muốn cầu người hảo tâm hỗ trợ một chút thôi.
- Không có làm gì? Hạng lừa đảo như cậu tôi gặp nhiều lắm rồi, thành thật một chút cho tôi, có tin tôi đưa cậu về đồn không hả!
Cảnh sát dùng giọng điệu cười nhạo nói, khẽ khom lưng cầm lên giấy báo nhập học cùng chứng minh thư của Mai Khê, nhìn chăm chú hồi lâu, sau đó vẻ mặt biến thành khó coi. Hai thứ này nhìn thế nào cũng không giống đồ giả ― tuy rằng hiện tại bằng giả có nhiều, nhưng làm một cảnh sát, hắn vẫn có thể phân biệt giả hay thật.
Chút biến hóa nho nhỏ của vị cảnh sát bị Mai Khê nhìn ra, biết chuyện có thể thương lượng, hắn nhanh chóng giải thích:
- Chú cảnh sát, cháu không phải lừa gạt, cháu là sinh viên vừa thi đậu năm nay, nếu chú không tin có thể gọi điện đến trường của cháu để kiểm tra ạ.
Sắc mặt của vị cảnh sát kia dịu đi một chút, trả lại giấy tờ cho Mai Khê rồi trừng mắt nhìn hắn như đang nhìn một quái vật:
- Cậu đúng là sinh viên đi nhập trường sao? Kiểu sinh viên như cậu lần đầu tôi thấy, vừa đến Bắc Kinh đã đi ăn xin? Cha mẹ của cậu đâu?
Mai Khê hơi cúi đầu nhìn lên mặt đất:
- Cháu không có cha mẹ, đều viết cả ở đây rồi ạ.
Lúc này viên cảnh sát mới nhìn xuống mấy hàng chữ đang bị mình dẫm dưới chân, lộ vẻ mặt không đành lòng:
- Nếu cậu nói thật thì đúng là đáng thương, nhưng chỗ này không cho phép xin ăn, có khó khăn thì nên nhờ trường học hỗ trợ… Ừm, chữ rất đẹp, so với thằng nhóc nhà tôi thì khá hơn nhiều.
Mai Khê yếu ớt nói:
- Chú cảnh sát, cháu sai rồi ạ, làm chú thêm phiền toái, cảm ơn chú đã nhắc nhở… À, con trai của chú đang học lớp mấy ạ?
Viên cảnh sát theo bản năng đáp:
- Lớp 11, sắp thi đại học rồi, đáng tiếc là thành tích chẳng ra gì lại ưa nghịch ngợm, chú nói cái gì nó cũng không chịu nghe… Cậu nhóc, chú cũng không làm khó cháu, mau thu dọn đồ đạc đi nhanh đi.
Khi nói câu này, giọng của hắn lại mang vài phần ngượng ngùng.
Mai Khê đương nhiên phát hiện ra, lập tức hỏi dò:
- Chú ơi, cháu hơi mệt, ngồi nghỉ ở ven đường được không ạ?
Cái này có gì không được? Cảnh sát ngẩn người:
- Đương nhiên có thể.
Mai Khê lại chỉ mấy hàng chữ trước mặt:
- Có cần cháu lau không chú?
Cảnh sát cũng kịp phản ứng, liếc mắt nhìn Mai Khê một cái. Mai Khê cúi đầu, bộ dạng nhu thuận. Cảnh sát cũng chỉ đành cười xòa:
- Chữ đẹp như vậy không cần xóa ngay, cháu cứ ngồi nghỉ ngơi đi, nghỉ xong thì đi, ngày mai không được đến nữa nhé. Kỳ thật cháu có thể xin miễn giảm học phí, chú nghe nói các trường đại học giờ đều có chính sách này.
Cảnh sát đi rồi, Mai Khê nhẹ nhàng thở ra, mồ hôi cũng chảy ướt hết sau lưng. Cũng may là vị cảnh sát này dễ nói chuyện, Mai Khê nhanh chóng nhận sai thu dọn đồ đạc, đổi tới một chỗ xa hơn tiếp tục ‘bày quầy’. Ngày hôm nay gặp nhiều người hảo tâm!
Cảnh sát vừa mới đi, lại có một ông lão mặc áo kiểu Tôn Trung Sơn, đầu tóc hoa râm dừng trước mặt Mai Khê, nhìn hồi lâu rồi rút ra một tờ tiền mệnh giá 100 đồng đưa tới. Ông lão cũng không ném tiền vào trong hộp giấy mà nhẹ nhàng khom người đặt vào. Mai Khê nhanh chóng đứng dậy cúi đầu đáp tạ. Ông lão cười nói:
- Người trẻ tuổi, không cần cảm ơn ta, tiền là cho những chữ trên mặt đất. Thư pháp phong cách Chử Toại Lương thời Đường, không đơn giản, không đơn giản!
Bắc Kinh thật sự là rộng lớn, hạng người gì cũng có, đây là tờ tiền mệnh giá lớn nhất Mai Khê thu được hôm nay, bèn nhanh chóng cầm lên đút vào túi quần. Một ngày qua đi, Mai Khê thu hoạch phong phú, đến khi cuối ngày đã kiếm được một ngàn ba trăm mươi mươi tám đồng, nếu để những người hành nghề ăn xin khác biết được nhất định sẽ cực kỳ hâm mộ.
(Gần 4 triệu 500 ngàn VNĐ)
Không phải ai làm nghề ăn xin nào cũng kiếm được nhiều tiền như vậy một ngày. Mai Khê ở đây lợi dụg thiên thời địa lợi cùng nhân hòa, xem chuẩn chỗ rồi mới ‘mở hàng’. Đầu tiên hắn chọn thời gian cao điểm lúc nhiều sinh viên từ ga ra, sau lại chọn gần nhà ga nhiều người qua lại, cuối cùng ngồi ở vỉa hè viết chữ, lại đặt giấy báo nhập học năm nay lên trên như biển hiệu, để người đi qua chủ yếu là sinh viên cùng phụ huynh dẫn con em đến nhận trường không cách nào không nhìn ― đây là một cậu sinh viên mới thi đậu giống như con nhà mình, coi như không biết thật hay giả thì cũng nguyện ý bố thí một chút thiện tâm.
Bất kể là ai cho tiền, Mai Khê cũng đều đứng dậy, lễ phép cúi đầu cảm ơn, lần lượt ngồi xuống rồi lại đứng lên. Vì sao hắn không đứng luôn, còn phiền phức như thế? Bởi chỉ đứng mà cúi đầu sẽ mất đi vẻ thành khẩn. Bất kể người đi đường bố thí bao nhiêu, dù chỉ vài đồng lẻ thì Mai Khê cũng sẽ đứng lên cúi đầu cảm tạ, không một chút bất mãn. Cách làm như vậy, thậm chí khiến vài vị nữ sĩ mới ban đầu cho không nhiều lắm nhưng bị thái độ nho nhã lễ độ của Mai Khê làm cho ngượng ngùng, lại đỏ mặt bỏ thêm tiền.
Thuật của Yếu Môn trong Giang Hồ Bát Đại Môn chia làm "Thiện Yếu" và "Ác Yếu", hôm nay Mai Khê là dùng "Thiện Yếu", tức là ‘giúp’ mọi người làm điều tốt. Phương diện này có chú ý gì đây? Đó chính là nhất định phải làm cho những người bố thí cảm giác thỏa mãn vì làm việc thiện, chứ không phải cảm giác khó chịu vì bị lừa tiền, điểm này cực kỳ quan trọng! Không chỉ có quan hệ đến không gian sinh tồn cùng chén cơm của người Yếu Môn trong thiên hạ mà còn là cống hiến một phần sức mạnh của mình cho tinh thần xây dựng văn minh cống hiến chủ nghĩa xã hội khoa học.
Có thể ở trong mắt một vài người, Mai Khê làm vậy rất bẽ mặt. Thế nhưng Mai Khê lại không cho rằng như vậy, không phải bởi da mặt hắn đặc biệt dày mà là hắn đã sớm nhìn thấu giang hồ. Nếu tiếp nhận tiền của bà con Mai Gia Nguyên thì đương nhiên cũng có thể nhận ý tốt từ người lạ, huống hồ hắn cũng không có lừa người, mà người làm việc thiện cũng có thu hoạch của mình. Nói đến cùng, còn là bởi vì tiền trong túi hắn quả thật không đủ chi phí ở đại học, mà mới tới Bắc Kinh cũng chẳng còn cách kiếm cơm nào khác.
Nếu không phải tình cờ bị ‘đập quán’, Mai Khê ngày hôm nay còn có thể thu vào cao hơn nữa. Mai Khê rất may mắn gặp giảng viên hướng dẫn ở đại học của mình ― Khúc đại tiểu thư. Chuyện này vượt xa hết thảy các loại tính toán của Mai Khê.
- Làm sao cậu có thể như vậy hả? Không cần nhìn quanh, nói cậu đấy! Cậu lừa người ta chưa đủ, lại còn bôi đen trường học của chúng tôi!
Mặt trời vừa xuống núi, sắc trời dần ảm đạm, trước mặt Mai Khê vang lên một giọng nói vô cùng êm tai. Hắn ngẩng đầu, nhìn thấy một cô gái rất đẹp.
Quyển 1: Nhân Gian Thế
Chương 4: Chỉ ưa tinh xảo khinh thực nghệ, vỗ mặt bầy khỉ hạ thần châm
Dịch & Biên: †Ares†
Nguồn: 4vn.eu
oOo
Cô gái này chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi, dáng người cao gầy, mặc một cái quần bò bó sát người làm nổi bật vòng ba tròn trịa cùng đôi chân thon dài. Vòng eo của cô rất nhỏ, thế nhưng vòng một lại trái ngược, làm chiếc áo thun đang mặc căng phồng lên, rất là dụ người. Lông mày cong cong nhỏ nhắn, đôi mắt sâu thẳm nhìn rất có thần thái, bờ môi đỏ hồng hơi cong lên, thật sự là vô cùng xinh đẹp, thậm chí có vài phần giống với minh tinh truyền hình Dương Cung Như, mà ở trong mắt Mai Khê, cô so với Dương Cung Như còn đẹp hơn.
Mai Khê đứng dậy, nho nhã lễ độ nói:
- Chào chị, em không rõ chị đang nói gì, em có chút khó khăn cầu người hảo tâm giúp một tay mà thôi, không có bôi nhọ ai cả.
Người đi đường tình cờ gặp ăn xin, không cho tiền thì cũng chỉ đi qua thôi, chẳng mấy ai lại đi nổi nóng, huống hồ người này không phải cảnh sát hay dân quân. Mai Khê thấy phản ứng của cô thì lòng khẽ động, mơ hồ đoán được điều gì.
Cô gái này rất tức giận, cầm lấy tờ giấy báo nhập học trên mặt đất, gằn từng tiếng nói:
- Đại học Trung Y Dược Bắc Kinh! Cậu dùng thứ giả tạo này để lừa tiền đã là không đúng, còn dám dùng tên trường của chúng tôi nữa. Cảnh sát đâu hết rồi, việc này không quản sao!
Mai Khê vừa nghe lời này thì lập tức hiểu ra, vội vàng nhặt cả chứng minh đưa tới, lộ vẻ mặt kinh hoảng như là làm sai chuyện gì, giải thích nói:
- Lão sư, em không phải lừa đảo, những điều này đều là thật.
Cô gái nhìn mấy tờ giấy hồi lâu cũng không thấy có sơ hở gì, nhưng vẫn cười lạnh móc ra di động, bấm số rồi nói to:
- Vương lão sư hả, vẫn còn ở văn phòng chứ? Giúp tôi tra một chút, tân sinh viên chuyên ngành Trung y nhập học năm nay có người nào tên Mai Khê không? Mai trong hoa mai, Khê trong khê thủy (nước suối)!
Lúc nói, nàng lại trừng mắt nhìn Mai Khê, biểu tình như là đang nói ― nhóc con, xem tôi làm sao vạch trần cậu!
Một lát sau, xem chừng đã có kết quả kiểm tra, cô gái nghe xong thì há hốc miệng:
- Cái gì? Thực sự có người này, sẽ không nhầm chứ? Số chứng minh là bao nhiêu? ... Được rồi, tôi biết rồi, không, không có gì đây, chỉ hỏi một chút thôi, cúp máy đã nhé.
Nói chuyện điện thoại xong, mặt cô gái này mang vẻ cực kỳ kinh ngạc mà trả lại giấy tờ cho Mai Khê, đồng thời cũng có chút xấu hổ. Mai Khê vẫn làm như rất sợ hãi hỏi:
- Lão sư, giờ đã tin em không phải lừa gạt rồi chứ? Em làm gì sai sao ạ? Nếu có chỗ không đúng, em nhất định sẽ sửa!
Nghe hắn nói như vậy, cô gái lại trừng mắt:
- Em cảm thấy mình làm rất đúng sao? Tới Bắc Kinh không đến đại học trình diện, lại ở nhà ga xin ăn? Việc này bị đồn ra thì có bao nhiêu tai hại hả? Có gì khó khăn không thể nhờ trường học giải quyết sao?
Mai Khê nhanh chóng gật đầu:
- Lão sư, em sai rồi, xin lão sư đừng giận! Em từ nông thôn tới, lần đầu tiên lên đại học, không hiểu chuyện, vừa xuống xe mới biết tiền trong túi mình không đủ cho nên mới bày ra hạ sách này, về sau em nhất định sửa.
Thấy cậu thanh niên thành khẩn nhận sai, biểu tình như là đứa trẻ đang sợ hãi, cô gái cũng nguôi giận không ít. Cô ngoắc tay với Mai Khê:
- Công tác tuyên truyền quả thật không hiệu quả với những nơi xa xôi, quên đi, không phê bình em nữa, thu dọn đồ đạc rồi theo tôi!
Mai Khê vừa thu dọn đồ vừa hỏi:
- Lão sư, em còn không biết lão sư là ai?
Cô gái mặt hòa hoãn lại:
- Tôi tên là Khúc Di Mẫn, chính là giáo viên hướng dẫn của các em, sau này còn gặp nhau rất nhiều. Nói cũng buồn cười, tôi vừa được bổ nhiệm thì gặp sinh viên đầu tiên là em, thật sự là tạo sự kinh hỉ cho tôi!
Mai Khê vác túi du lịch lên lưng rồi đi theo cô, vừa bước vừa hỏi:
- Chị à, sao chị lại biết em xin ăn ở chỗ này?
Cô gái cũng không quay đầu lại nói:
- Em không biết thẹn còn hỏi, là có sinh viên khóa trên phụ trách đón nhận khóa mới thấy em nên điện thoại cho tôi… Mà sao em lại gọi tôi là chị?
Thì ra là thế, loại tình huống xuất hiện này cũng không tính là bất ngờ. Mai Khê làm vẻ mặt thuần khiết ngây ngô cười:
- Chị trẻ như vậy, hơn em có mấy tuổi, lại còn xinh đẹp nhường này, gọi là lão sư thì có vẻ già quá, gọi chị vẫn tốt hơn.
Khúc Di Mẫn bị hắn nói đến có chút mất tự nhiên:
- Miệng còn rất ngọt, ở nông thôn em cũng gọi lão sư như vậy sao?
Mai Khê:
- Ở chỗ chúng em làm gì có lão sư nào trẻ tuổi lại xinh đẹp như chị!
Khúc Di Mẫn nở nụ cười:
- Chữ của em rất đẹp, có thể tham gia câu lạc bộ thư pháp trong trường.
Mai Khê:
- Em viết chữ trên đường là để kiếm miếng ăn, sao lại đi biểu diễn được, mà em cũng không làm nổi mấy vấn đề văn phòng tứ bảo*… Chị, chị muốn mang em đi đâu vậy?
Hai người vừa đi vừa nói, bất chợt đã tới gần bến xe buýt.
(*Văn phòng tứ bảo: gồm “bút, nghiên, giấy, mực” là bốn vật quý của chốn văn chương chuyên chở ngôn ngữ, ý nghĩa và nghệ thuật…)
Khúc Di Mẫn:
- Đương nhiên là dẫn em về trường học. Trường nằm ở đường Bắc Tam Hoàn, cách nơi này còn rất xa, bây giờ là giờ cao điểm tan tầm, ngồi xe buýt cho tiện.
- Chị à, em đã ngồi ven đường hơn nửa ngày, vừa khát vừa đói, có thể ăn chút gì đó mới đi được không? Không thì em mua đồ mang lên xe ăn cũng được.
Mai Khê dùng giọng điệu cầu xin nói, ánh mắt đáng thương van nài khiến ai thấy cũng mềm lòng.
Khúc Di Mẫn dừng bước lại nhìn hắn:
- Tôi quên mất điều này, vừa lúc tôi cũng chưa ăn cơm chiều, tôi sẽ mời em một bữa.
Mai Khê cũng không chối từ, rất khách khí đáp:
- Cảm ơn chị, chị thật sự là quá tốt!
Khúc Di Mẫn:
- Em không cần cảm ơn tôi, tôi cũng muốn tìm chỗ nói chuyện với em.
Tìm một quán ăn nhỏ sạch sẽ bên đường, gọi mấy món ăn cùng hai chén cơm đầy, Mai Khê cố ý làm ra bộ dạng rất đói bụng, ăn hết chén của mình còn gọi thêm hai chén cơm nữa, nhưng lại gắp rất ít thức ăn. Khúc Di Mẫn bắt đầu còn nghiêm mặt, sau thấy bộ dáng của hắn cũng dần dần mềm lòng, thở dài nhỏ giọng khuyên nhủ:
- Ăn từ từ thôi, gắp thêm thức ăn vào nữa.
- Em ăn no rồi, không phải chị có chuyện muốn nói với em sao?
Mai Khê để đũa xuống hỏi.
Khúc Di Mẫn nghĩ nghĩ một chút xem nên mở lời ra sao, giọng đều đều nói:
- Có thể nói cho tôi biết vì sao em lại làm như vậy không? Tình cảnh gia đình em ra sao? Cha mẹ làm nghề gì? Sinh viên vừa xuống xe lửa đã đi xin ăn, thật sự là lần đầu tiên tôi gặp.
- Em cũng không biết cha mẹ em làm gì…
Mai Khê nhỏ giọng cúi đầu, đơn giản kể lại chuyện của mình. Hắn không có nói quá để khiến người thương hại, cũng không giấu giếm chuyện gì, dùng ngữ khí bình thản mà kể lại những chuyện hắn đã viết rõ trên đường ban nãy.
Lắng tai nghe, vẻ mặt Khúc Di Mẫn trở nên nhu hòa hơn, cô cũng không hỏi cặn kẽ mà khẽ thở dài một hơi hỏi:
- Vậy làm sao em tới được Bắc Kinh? Gom đủ học phí chưa?
- Bà con trong thôn cho em tiền, trong túi em giờ có hơn sáu nghìn rồi, hẳn là đủ nộp học phí.
Mai Khê vừa nói vừa tóm lấy túi, muốn lấy tiền ra, hoàn toàn không có vẻ cảnh giác.
Khúc Di Mẫn vội chặn tay Mai Khê lại, nhỏ giọng quát:
- Mau cất đi, đang ở ngoài đường, sao lại móc hết tiền trên người ra như vậy, em cũng quá thiếu kinh nghiệm xã hội!
Mai Khê thầm nghĩ trong lòng:
- Nếu không như vậy thì sao chị thể hiện mình có kinh nghiệm được?
Thế nhưng trên mặt hắn lại một bộ tiếp thu nói:
- Cảm ơn chị đã nhắc nhở! . . . Chị à, vì sao ở ven đường lúc nãy chị lại giận như vậy? Em phạm lỗi rất nghiêm trọng ạ? Trái với kỷ luật trường học sao chị?
Khúc Di Mẫn cười khổ:
- Không, trường của chúng ta không có kỷ luật như vậy… Ài! Xem ra em thật sự là không hiểu, nếu báo chí ngày mai mà đưa tin sinh viên từ quê lên nhập trường phải ăn xin trên đường lớn thì tạo thành ảnh hưởng thế nào hả? Dư luận xã hội bây giờ rất khủng khiếp, không chừng còn đồn đại thành việc dạy học trường chúng ta xuống dốc nọ kia, rồi sau đó thì tới đội ngũ giảng viên trong trường nhận bao nhiêu chửi mắng.
Mai Khê:
- Thật xin lỗi, em không nghĩ tới ạ, thiếu chút nữa đã đem phiền hà tới cho chị, sau này em sẽ không bao giờ làm vậy nữa.
Khúc Di Mẫn lắc đầu:
- Đây là tình huống khách quan, cũng không phải lỗi của em. Học phí của các em năm nay là năm nghìn tám, ngoài ra còn có rất nhiều khoản chi tiêu khác trong quá trình học, chút tiền trong túi em quả thật không đủ. Nhưng không cần lo, trường hợp của em có thể xin miễn giảm học phí, còn có thể xin trợ cấp thêm từ nhà trường, nếu học tốt hàng năm sẽ được nhận cả học bổng nữa, mà trường học cũng ưu tiên sắp xếp cơ hội làm thêm, tóm lại nhất định sẽ có cách vượt cửa ải khó khăn trước mắt.
Mai Khê ánh mắt sáng ngời:
- Thật sao? Thủ tục có phức tạp không ạ?
Khúc Di Mẫn:
- Tôi sẽ giúp em lo liệu, cũng không tính là quá phức tạp, chỉ cần điền mấy thông tin khai báo, có vài giấy tờ cần người nhà của em cung cấp nữa là xong… Chỉ là không ít sinh viên sợ bạn bè khinh thường nên không chủ động xin những chính sách này.
Mai Khê nở nụ cười, khuôn mặt non nớt anh tuấn thành thật nói:
- Em không sợ, có gì đâu chứ, ngay cả xin ăn cũng làm rồi.
Khúc Di Mẫn cũng không nhịn được cười:
- Đừng nhắc tới chuyện ăn xin nữa! Thủ tục này tôi sẽ giúp em lo liệu, em không cần phải lo!
Mai Khê:
- Chị giúp em nhiều như vậy, em cũng không biết cảm tạ sao mới tốt?
Khúc Di Mẫn:
- Đừng nói mấy lời khách sáo này, về sau học hành cho tốt là được. Tôi là giáo viên hướng dẫn của em, không giúp em thì giúp ai? . . . Cơm nước xong rồi giờ đi thôi, tới trường cũng đừng khoe ra nhiều tiền mặt như vậy, nên đi làm một cái thẻ ATM… Ài, tôi cũng thật phục em mà!
Mai Khê ôm túi đứng lên:
- Chị phục em gì cơ ạ?
Khúc Di Mẫn vừa bực mình vừa buồn cười nhìn hắn:
- Tôi phục em ngồi trên phố ăn xin! Còn nữa, về sau trước mặt mọi người không được gọi tôi là chị, phải gọi là Khúc lão sư, nhớ chưa?
Mai Khê gật đầu:
- Nhớ rõ, Khúc lão sư! Cảm ơn chị đã mời em cơm chiều, đợi sau này em kiếm được tiền nhất định sẽ mời lại.
Khúc Di Mẫn thoải mái vung tay lên:
- Nhóc này thật biết nói chuyện, vậy thì chờ em kiếm ra tiền rồi nói sau!
Nói tới đây cô đột nhiên nhớ tới cái gì, khuôn mặt nghiêm nghị lại hỏi:
- Hôm nay lúc em ngồi ở vệ đường có gặp phóng viên phỏng vấn không thế hả?
Mai Khê vội trịnh trọng đáp:
- Không có, tuyệt đối không có!
***
Thời gian sinh viên mới đi khai giảng này rất mẫn cảm, cho nên việc xin ăn ở cạnh nhà ga làm kinh động đến trường học cũng không khiến Mai Khê bất ngờ. Thế nhưng tình cờ gặp được giáo viên hướng dẫn của hắn là Khúc Di Mẫn thì phải nhìn kỹ xảo biển diễn cùng vận khí. Mà sự tình cũng như lời Khúc Di Mẫn đã nói ― Mai Khê căn bản không có làm gì sai.
Miễn giảm học phí, trợ cấp cho sinh viên nghèo, cho vay tiền học v.v… những chính sách này trường nào cũng có, nhưng muốn xin toàn bộ khá là phiền toái, hơn nữa thường bị người xem thường cùng làm khó dễ. Không phải mỗi người trong xã hội đều là người tốt, trên đời này có rất nhiều kẻ cho rằng chức trách mình nên làm lại là một loại bố thí, làm cho người ta rất không thoải mái.
Mai Khê đúng là may mắn, Khúc Di Mẫn hỗ trợ giảm đi rất nhiều phiền toái cho hắn, cho nên hết thảy đều thuận lợi. Đợi khi ăn Tết xong, vào học kỳ hai, Khúc Di Mẫn lại giúp hắn nhận được một công việc làm thêm không tệ. Cứ thế, hắn thuận lợi học xong đại học năm thứ nhất, còn lấy được học bổng.
Khúc Di Mẫn có tính cách phóng khoáng hòa nhã, người lớn lên cũng đẹp, là đệ nhất mỹ nữ trong lòng toàn bộ nam giảng viên và sinh viên trong trường, đi tới chỗ nào cũng hấp dẫn tới 200% ánh nhìn ― quay đầu lại xem một cái còn chưa đủ, thường thường phải xem đến lần thứ hai. Chẳng qua vị "lão sư" này cũng không phải chỉ có ưu điểm, ví dụ như cô nàng nhiều khi rất hậu đậu, đã thế còn ưa gây họa. Mai Khê cũng đã nếm qua không ít đau khổ từ cô ― sau này sẽ đề cập cụ thể, tạm thời không nhắc ở đây.
Khúc Di Mẫn là trợ giảng trong đại học Trung Y Dược Bắc Kinh, kiêm giáo viên hướng dẫn của ngành Trung Y hệ chính quy, mới đây vừa thi đậu nghiên cứu sinh tiến sĩ, người hướng dẫn chính là ông nội của cô ― giáo sư Khúc Chính Ba đại danh đỉnh đỉnh. Khúc lão gia tử năm nay đã bảy mươi hai tuổi, thế nhưng thân thể vẫn khỏe mạnh vô cùng, ngay cả lên cầu thang cũng là bước hai nhịp một, không hề thua kém người trẻ tuổi. Với số tuổi của ông vốn là đã có thể về hưu hưởng phúc, có điều lão nhân gia vẫn đang tích cực giảng dạy, xem như một cây đại thụ trấn giữ danh tiếng cho trường.
Khúc Chính Ba ở phương diện "địa vị học thuật" không tính là đứng đầu, ít nhất còn kém một cấp bậc so với viện sĩ trung khoa viện. Nguyên nhân rất đơn giản, giới học thuật quốc nội có một cái tiêu chuẩn tối quan trọng để đánh giá thành quả nghiên cứu khoa học ― nghiên cứu đó được đăng tải trên những tạp chí khoa học quốc tế công nhận. Với những người theo Trung y truyền thống như Khúc Chính Ba, ngay cả luận văn mà ông viết cũng khó dịch thành tiếng nước ngoài chứ đừng nói được đăng tải. Có chút "nhân sĩ tinh anh" thường xuyên lấy việc này để công kích Trung y cùng nhân sĩ Trung y truyền thống.
Thế nhưng "địa vị giang hồ" của Khúc Chính Ba lại cực kỳ cao, học sinh đệ tử của ông trải rộng khắp nơi trên thế giới, rất nhiều người có thành tích cao không chỉ ở lĩnh vực Trung y. Khúc giáo sư vẫn luôn là một nhân vật truyền kỳ của đại học Trung Y Dược Bắc Kinh, Mai Khê mới vừa lên đại học không lâu, chợt nghe được một chuyện xưa về ông lão ‘già gân’ này:
Có một năm, một đoàn giao lưu học thuật quốc tế đã đến trường để giao lưu học thuật, mà trường hợp như vậy không thể thiếu lãnh đạo một vài bộ môn cùng đi, nhân viên nhà trường cũng khó tránh được việc tiệc tùng khoản đãi, Khúc giáo sư cũng xuất hiện một lần trên bàn rượu. Trong bữa tiệc, mọi người nói tới châm cứu trị liệu, Khúc giáo sư nhất thời hứng khởi nói về vấn đề "nhân châm hợp nhất" khiến bạn bè quốc tế rất tò mò ― chỗ cao minh chân chính của thuật châm cứu không chỉ là biết chỗ để hạ châm, thời cổ đại, những thần y cao minh còn rèn luyện ra một loại "công lực" đặc thù, như vậy sẽ tạo được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bữa tiệc đó có mặt một vị y học gia đến từ nước Anh, căn bản là không tin việc này, lại thêm có chút men rượu nên nói năng bỗ bã, trong lời nói ám chỉ Khúc lão giống với bọn bịp bợm giang hồ. Khúc giáo sư lúc ấy vẫn chưa phát hỏa, cho đến khi một gã quan viên của Bộ Y Tế đứng lên xin lỗi giải thích với người Anh kia:
- Vị lão tiên sinh này có quan niệm quá truyền thống, xin Blair giáo sư bỏ qua cho. Cách nhìn của tôi với Trung y cũng giống như ngài, châm cứu linh tinh gì đó có thể hiệu quả gì chứ, nếu có chẳng qua cũng là hiện tượng ám thị tâm lý mà phương Tây vẫn hay áp dụng…
Vị quan viên này nghĩ rằng Khúc lão nghe không hiểu ngoại ngữ, ai ngờ trình độ tiếng Anh của lão nhân gia rất tốt. Hắn còn chưa nói xong, chỉ nghe một tiếng động điếc tai ― hóa ra Khúc Chính Ba đột ngột vỗ một cái lên bàn rượu trước mặt, khiến chén rượu của mọi người gần như cùng nẩy lên, làm tất cả bị hoảng sợ.
Thấy mọi người đều giật mình nhìn mình, Khúc Chính Ba lấy ra một cây châm mang bên mình, chính là loại châm inox nhỏ mà các bệnh viện vẫn dùng để châm cứu. Ông cũng không nói chuyện, lấy ngón cái và ngón giữa tay phải nắm châm, ngón trỏ đỡ hờ, ở trước mặt cả bàn nhẹ nhàng vân vê. Mọi người đều biết loại bàn tròn trong khách sạn chứ? Ở giữa chính là một miếng thủy tinh công nghiệp hình tròn có thể xoay được dày chừng 0,5 cm. Châm trong tay Khúc Chính Ba vô thanh vô tức đâm xuyên qua tấm kính dày, mà tấm kính lại không hề có một vệt rạn nứt.
Mọi người cả kinh trợn mắt há hốc mồm, Khúc Chính Ba đứng lên, nói trước mặt vị Blair giáo sư kia:
- Tôi thừa nhận, theo góc độ y học thì ông có nhiều chỗ đáng để chúng tôi phải học tập, có điều ông không hiểu một chút nào về Trung y cả. Tranh luận vui vẻ, nêu quan điểm của mình cũng được, nhưng ông tới đây làm khách, chúng tôi hảo tâm chiêu đãi, ông hẳn là nên biết lịch sự, hơn nữa đây không chỉ là vấn đề khách tới không biết khách khí nữa rồi!
Tiếp theo Khúc giáo sư nhìn sang vị quan viên kia nói:
- Vương cục trưởng, chỉ cần ông dùng ba ngón tay nhổ được cây châm này ra, muốn lão già tôi nhận lỗi cách nào cũng được, còn nếu không nhổ được, tôi đề nghị ông đến miếu Dược Vương mà quỳ lạy tạ tội đi!
Nói xong, Khúc Chính Ba phẩy tay áo bỏ đi.
Sau lần ấy, cả tính tình lẫn tuyệt kỹ của Khúc lão đều nổi danh, ai nghe chuyện cũng kính nể. Sau lại có người mời Khúc lão ra nước ngoài, chủ yếu là để biểu diễn tuyệt kỹ thần châm, nhưng Khúc lão lại lần nữa vỗ bàn quát: "Tôi là bác sĩ, không phải khỉ làm trò!" mà từ chối đương trường. Câu chuyện này từng là giai thoại, nhưng Mai Khê nghe xong lại có cách nhìn khác ― không phải Mai Khê bất kính với Khúc giáo sư, mà là vì hắn không kỳ thị khỉ làm trò.
Ở trong mắt Mai Khê, một châm trên bàn rượu kia của Khúc giáo sư cũng là một loại học thuật giang hồ, ngôn ngữ trong nghề gọi là "Chủy cương an môn khảm" – "đập thật mạnh lên cửa sẽ được yên", hiểu nghĩa đen là thể hiện ra tài năng để giữ miếng cơm. Ví dụ như lúc làm xiếc khỉ, đầu tiên phải để con khỉ nhào lộn mấy động tác đẹp mắt nhằm thu hút sự chú ý. Mà xiếc khỉ của nhà họ Mai thì trước hết sẽ diễn một bộ Đả Hầu Tiên pháp, dùng roi quật thành tiếng trên mặt đất để mọi người nhìn tới, cũng để cho khỉ đứng thành hàng thẳng tắp, xếp hàng cúi chào gây cười.
Nhưng mà "đập mạnh" ở xiếc khỉ là một việc quy trình biểu diễn cố định, còn "đập mạnh" của Khúc giáo sư trên bàn rượu lại có chút bất đắc dĩ. Ngẫm lại cũng đúng, một vị danh gia Trung y cả đời hành y, còn cần lấy châm cắm lên thủy tinh để chứng minh y thuật sao? Chẳng qua là chút thủ đoạn để chứng minh suy nghĩ mọi người về Trung y hoàn toàn sai. Theo ý nào đó mà nói, Khúc lão cũng là làm xiếc khỉ ― lúc ấy ngồi trước mặt ông là một bàn toàn khỉ.
Mai Khê khi đó là nghĩ như vậy, chẳng qua hắn không nghĩ tới, không lâu sau mình cùng Khúc giáo sư lại trở thành bạn vong niên.