Bên Ngoài Cuộc Sống nguyên bản: Sợi Chỉ Trong Hồn, Truyện dài, Thời Văn xuất bản năm 1990
. Ðã được sửa chữa lại và thay tên cho lần tái bản
Sẽ không có một biến cố lớn lao nào xảy ra với nhân vật chính của câu chuyện này. Cũng không có những tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn như các câu chuyện khác hoặc các sự kiện mang tính tiểu thuyết. Tại đây, chúng ta chỉ tìm thấy đời sống của một con người bình thường và có thể đang sống cạnh chúng ta với những sinh hoạt quen thuộc như ăn, ngủ, làm việc, rong chơi... Dĩ nhiên, hắn cũng có những suy nghĩ riêng tư về tình yêu, về bạn bè, về quá khứ... theo kiểu của hắn, nhưng gút lại chẳng có gì lạ. Cái khác biệt nếu có, thì cũng rất nhỏ, đó là một người cầm viết.
Và 400 trang sách chỉ là một đoạn đời của hắn tại San Jose, từ tháng ba đến tháng tám năm 1989. Vậy, hãy nhìn quanh để thấy hắn trước khi đọc. Biết đâu sự gần gũi này sẽ làm những dòng chữ còn lại trở thành của chúng ta. Riêng của chúng ta.
Chương 1
Nếu đúng như lời Vĩnh và Hoàng nói thì Tường là thằng bỏ đi. Thằng bỏ đi, hiểu theo một nghĩa nào đó là hết xài, mất tư cách, không lý tưởng, hay gì gì đó không chừng. Cả hai người bạn đều có ý nghĩ đó, trong cái nhìn từ hai phía đối nghịch, dành cho anh. Tỷ như một đường thẳng với hai cực âm và dương, được căng ra hai đầu nhưng vẫn dính liền tại một điểm, để làm nên đường thẳng. Tường đứng ngay điểm đó để biến thành thằng bỏ đi của Vĩnh và Hoàng.
Họ chơi thân với nhau từ những năm trung học đệ nhất cấp. Số mệnh – nếu quả tình có số mệnh – đã buộc lấy ba người từ ấu thời đến tận hôm nay. Luôn luôn sự liên lạc hoặc giao tình được giữ đều đặn. Dù có nhiều lần mỗi đứa ở một nơi thật xa đầu mối liên lạc vẫn là gia đình. Thư từ, quà cáp thường xuyên như ba đứa là con của chung của ba nhà. Ðến độ ba bà mẹ nhớ rõ các thói quen, tật xấu của từng đứa. Và cách xưng hô? Cả ba bà mẹ đều được gọi là má, là mẹ, là me như mọi người trong gia đình vẫn gọi. Chẳng có gì phải quan ngại, bọn Tường lớn và trưởng thành trong vòng tròn tình cảm đó.
Hãy tuởng tượng đến tình bạn của họ để hiểu những điều Vĩnh và Hoàng nói về Tường. Bắt đầu là khoảng sân trường Võ Tánh của năm đệ thất với cái bỡ ngỡ của những học sinh tiểu học vừa lên trung học. Cũng có thể bằng bãi cát của biển, mùa hè Nha Trang, với đủ thứ trò nghịch ngợm của đám học sinh trung học. Hay bằng những phút mơ mộng, yêu thương, đau khổ... từ mối tình đầu của đám học sinh lãng mạn như vùng biển đang sống... Kéo dài, kéo dài suốt bảy năm trung học biết bao kỷ niệm. Từng góc phố, từng hè đường đều mang theo trong trí mỗi khi nhớ về quá khứ. Rồi Tường và Hoàng vào lính lúc Vĩnh theo học tại Sài Gòn. Vào tù khi Vĩnh di tản. Xa tăm tắp nhưng các lá thư được kể lại từ ba bà mẹ, bọn Tường như luôn luôn có nhau bên cạnh. Cuối cùng là lần vượt thoát của Hoàng. Rồi Tường. Và bây giờ là San Jose, năm 1989, họ đã gặp lại.
Như thế, hơn hai mươi năm có nhau, trách chi Vĩnh và Hoàng không dạn miệng và thẳng thắn với Tường. Mạnh dạn và thẳng thắn quá đi chứ! Có gì đâu mà ngại? Ba đứa biết về nhau còn hơn mỗi đứa nghĩ về chính mình. Rõ ràng như từng vết sẹo ở nơi kín nhất trong thân thể, mà người ngoài dĩ nhiên mù tịt, bọn Tường vẫn biết. Dấu làm cái quái gì. Có ba thằng chứ mấy. Bao nhiêu năm rồi không chết, gặp lại nơi xứ người thì còn gì hơn. Vậy, nói toạc cho nhau nghe là tốt nhất. Trong ý nghĩ đó, Tường biến thành thằng bỏ đi của Vĩnh và Hoàng.
Bằng cái nhìn của Vĩnh, thằng bạn vẫn được gọi là có số đẻ bọc điều thì Tường là kẻ đang đi trên mây. Thiên hạ ào ào chạy xe dưới đất từng giờ, từng phút với những account chi chít các con số để đuổi theo cuộc sống trong khi Tường vẫn trần xì một cái ví lép kẹp. Chẳng biết lo liệu tương lai gì cả. Như chiều nay, sau một tiếng chửi thề, Vĩnh nói với Tường điều đó tại quán cà phê Cheo Leo.
– Làm chó gì có tương lai mà lo liệu?
Vĩnh nhún vai sau câu hỏi ngược của Tường.
– Theo tao nghĩ mày nên đi học lại, vài năm chứ mấy. Ngày xưa mày là một trong những thằng thông minh và học giỏi mà.
– Tao không khoái.
– Khoái hay không kệ xác mày, nhưng dù không khoái mày cũng phải ráng. Ðâu lông bông hoài được? Còn bà cụ ở nhà, còn tương lai của mày.
– Ê! Lên lớp nữa sao bạn?
– Lên lớp cái gì? Tao nói không phải sao?
Tường tỉnh bơ trước các câu hỏi dồn dập của Vĩnh. Anh quá quen với những lời sửa lưng của bạn bè. Dù sao mình cũng là thằng bỏ đi theo kiểu nó nghĩ.
Vĩnh đẩy ly cà phê đá đến trước mặt Tường. Bàn tay còn lại mở hũ đường. Hai động tác cùng làm một lúc thật dễ dàng. Tự nhiên Tường liên tưởng đến Hoàng, thằng bạn cũng kém may mắn như anh – lời của Vĩnh – nhưng còn có điều khá hơn – vẫn lời Vĩnh, và nghĩ về anh hệt như Vĩnh đã nghĩ.
– Mấy hôm nay mày có gặp thằng Hoàng chứ?
– Không.
– Phone?
– Cũng không. Tao có gọi một lần ở chỗ nó làm nhưng điện thoại bận. Có chuyện gì không?
– Chả có gì cả. Ðột nhiên tao nhớ đến nó.
Vĩnh thả chiếc muỗng xuống bàn, bưng ly nước lên uống. Cục adam nhảy lên, nhảy xuống và lớp da dưới thực quản phập phồng. Ngụm nước được nuốt một cách ngon lành như những ly rượu của Tường đã uống. Ðiều so sánh kỳ cục chợt đến, khiến anh thấy thằng bạn thân của những năm còn đi học có khoảng cách. Tường quay sang hướng khác để tránh ý nghĩ đó.
Quán bắt đầu đông khách. Ðã có tiếng nói cười lẫn vào tiếng nhạc. Không khí Việt Nam của một quán cà phê sống lại khi chiều vừa xuống. Các cô tiếp viên như linh hoạt hơn, không còn những kiểu ngồi mệt mỏi, lơ đãng. Và đẹp hơn khi đèn trong quán được bật. Những vệt sáng mờ từ các cánh sao giấy trang trí trên trần nhà làm không khí ấm lại. Cả một không gian tan loãng được gom lại trong vùng ánh sáng đó. Tất cả như được khoác lên một thứ son phấn huyền hoặc, giả tạo. Ðẹp hơn, gần gũi hơn, tự nhiên hơn. Người và vật trong quán được ngăn với cuộc sống của nước Mỹ bên ngoài. Tường nói ý nghĩ này với bạn. Vĩnh gật đầu.
– Thì vậy chứ! Cộng đồng này đang phát triển để làm một xã hội trong một xã hội.
– Một nước Việt Nam trong nước Mỹ?
– Không hẳn vậy, nhưng ít nhất cũng phải được như khu Little Saigon ở Santa Ana. Một tiểu Saigon nằm giữa quận Cam.
– Mày nghĩ sao về việc này?
– Mừng chứ bộ.
– Mừng?
– Phải!
Vĩnh ngạc nhiên nhấn mạnh tiếng “phải” trong khi Tường cũng ngạc nhiên nhìn bạn. Một thằng như Vĩnh cũng quan tâm đến cộng đồng hay sao? Làm sao mà tin nổi, khi cách đây chưa đầy nửa tiếng, nó còn khuyên Tường “lo toan cuộc sống” theo lối Mỹ và ráng hội nhập để lo tương lai theo kiểu nó. Tường buột miệng chửi thề một tiếng, với tay cầm gói thuốc. Vĩnh ngước lên.
– Mày sao vậy?
– Chả sao cả! Chỉ thấy mày nói chuyện thối như ***!
– Cái gì thối?
– Thì thối chứ sao. Lúc thế này, lúc thế khác. Bố thằng nào biết mày đang nghĩ gì trong đầu.
– Thì ngoài cuộc sống Mỹ, tao cũng có phải có những suy nghĩ riêng tư chứ...
Giọng Vĩnh nhỏ lại rồi đứt ngang. Trong mắt bạn, Tường tìm thấy một tia lạ lùng lắm. Nhưng như thế là sao? Một người như Vĩnh, chuyện của cộng đồng, đất nước đâu đáng để tâm bằng cái job và cái nhà mới mua. Lại một trò giễu dở của thằng bạn cũ chăng? Tường bật lửa, châm điếu thuốc. Ánh sáng từ đầu que diêm hắt lên mặt Vĩnh một vầng sáng. Cặp má bầu bĩnh với nước da trắng hồng. Hai cánh mũi phập phồng theo nhịp thở. Nọng cằm xệ xuống một khoảnh mỡ. Tia long lanh trong mắt biến mất tiêu. Tường bực bội thổi que diêm bằng hơi thở gọn và mạnh.
– Mẹ kiếp! Có gì thì nói thật ra, đừng vòng vo tam quốc, ông đếch chịu nổi.
Vĩnh hơi ngượng, Tường định nói thêm vài câu nhưng nén xuống. Tình bạn hơn hai mươi năm đã ngăn anh lại. Dù sao cũng chỉ còn có ba đứa lạc lõng giữa xứ sở này. Tuy cuộc sống của mỗi đứa đã một khác nhưng sợi dây liên hệ vẫn còn. Sự quan tâm về nhau chẳng phải là cần thiết hay sao? Tường dụi điếu thuốc vào chiếc gạt bàn, giọng dịu đi.
– Có gì thế mày?
Vĩnh ngập ngừng.
– ... Quán...
– Quán?
Tường ngạc nhiên hỏi lại khi Vĩnh gật đầu một cách khó khăn. Quán thì sao chứ? Ðâu có chuyện gì quan trọng đến độ Vĩnh phải ngại ngùng khi nói? Vĩnh đã có gia đình. Và Loan, vợ của Vĩnh, là một trong những người bạn thân của bọn Tường.
Loan không đẹp, nhan sắc bình thường nhưng hiền lành và dễ mến. Rụt rè sống bên Vĩnh như chiếc bóng. Gần mười năm lấy nhau mà tính tình không thay đổi. Luôn luôn Loan nghe lời Vĩnh, chẳng bao giờ cãi lại. Với Loan, ranh giới của người đàn bà nói chung và người vợ nói riêng, là khung cửa nhà. Bên ngoài cánh cửa dành cho những người đàn ông, những người chồng. Loan sống bình thản trong hạnh phúc giản dị bên chồng, bên hai đứa con. Chẳng se sua, chẳng điệu bộ như đa số phụ nữ có tiền trên đất Mỹ. Người đàn bà trong Loan khép nép hơn cả người đàn bà Á Ðông thường thấy. Cả Tường lẫn Hoàng đều mừng cho Vĩnh đã lấy được người vợ như Loan. Còn Quán, tại sao Vĩnh lại nhắc ở đây? Quán chỉ là một người bạn gái học Văn Khoa cùng thời với ba đứa. Sự quan hệ giữa Quán và bọn Tường, nếu cần nhắc đến, thì anh phải là người nhắc. Sao lại có thể là Vĩnh? Ðằng nào Tường và Quán cũng đã có thời yêu nhau, tất nhiên là trước khi Quán lấy chồng. Hơn nữa, Hoàng và Vĩnh gặp Quán đều do anh.
– Quán thì sao?
Tường hỏi thêm lần nữa, Vĩnh nhìn sang hướng khác. Dưới ánh đèn xanh mờ, mặt Vĩnh hiện lên nét lơ ngơ. Ðôi mắt ẩn hiện sau cặp kính cận như có, như không, lẫn vào vùng tối của hốc mắt. Bây giờ thì anh thật sự ngạc nhiên về thái độ của người bạn cũ. Có một cái gì đó không thật hiện lên trong Vĩnh.
Chiều đã hết. Nắng nhạt và con đường loáng thoáng có ánh đèn xe qua lại. Khu thương xá nằm cạnh đó dần dần thưa khách. Vài cửa hàng đóng vội cửa. Cảnh đêm xuống của thành phố trái ngược với bên trong quán cà phê Cheo Leo. Những dẫy bàn chung quanh bàn hai người đông nghẹt khách và đa số là đàn ông. Lẫn vào đó là một vài cặp trai gái. Không khí của quán cà phê tại Mỹ vẫn còn phảng phất dáng vẻ Việt Nam. Ðó là nơi dành cho những người con trai.
Người nhạc sĩ đã dạo những nốt đầu tiên trên chiếc dương cầm. Lẫn trong tiếng ồn ào của đám khách, tiếng đàn nghe lạc lõng. Cô đơn như người nhạc sĩ đang ngồi giữa bầu không khí ngập khói thuốc. Nhưng vẫn thản nhiên bấm từng nốt, thả từng cung. Người nhạc sĩ này có còn xúc động hay không? Hẳn cuộc sống đã đè nặng lên anh, nên mới có những nốt nhạc vung vãi tại đây. Có bao giờ anh nghĩ lại phút đầu tiên dạo tay trên phím ngà. Tường ngậm ngùi quay về phía đó.
Ngọn đèn tròn màu đỏ từ trần nhà chiếu vừng sáng hồng nhạt lên khung cảnh. Người nhạc sĩ hai vai nhấp nhô từng nhịp nhẹ. Theo nhạc, theo đàn. Toàn thân bất động trừ hai cánh tay, hai bàn chân và đôi vai gầy guộc. Ðầu ngẩng lên, nhìn thẳng vào khoảng tối của bức tường trước mặt, khi những ngón tay vẫn bấm đều đặn. Ðã quen thuộc như những hành động bình thường được làm để hoàn thành cuộc sống. Mười ngón tay thả rơi trên 52 phím trắng hoặc 36 phím đen như những tháng ngày thả rơi trên từng đoạn đời bao quanh. Nhịp rung truyền lên vai, nhịp rung tỏa xuống chân những lần nhấn nhẹ. Người nghệ sĩ chết trong bản đàn quen thuộc một cách phũ phàng. Còn nhịp rung nào truyền đến con tim khi đôi mắt mở to, trân trối nhìn vào khoảng tối bị bức tường ngăn lại. Tất cả bị vây kín trong không khí ngột ngạt. Ngay cả ý tưởng đang dõi theo đôi mắt. Trơ tráo và không hồn. Ðôi mắt như phần uất nghẹn còn lại, chìm đắm vào bóng tối, như nghĩa tự do của người nghệ sĩ chưa từng có giữa cuộc sống này.
Tường nuốt nước bọt khi tiếng đàn cuối cùng được nghe xong. Một vài tiếng vỗ tay rời rạc vang lên từ những bàn bên cạnh. Có cái nhìn ngạc nhiên của đám người từ dãy bàn xa hơn ném về. Họ, như chưa từng biết đã có những tiếng đàn vừa rơi xuống. Tường không nhấc nổi tay để làm những động tác vỗ tay chiếu lệ khi nhịp tay của Vĩnh thật mạnh và dòn dã.
– Hay thật!
– Cái gì hay?
Tường hỏi lại.
– Bản nhạc vừa chơi xong.
– Bản nhạc?
– Phải. “Yesterday”. Nghe nhớ lại cả một thời còn đi học. Mày quên bản nhạc này rồi sao?
– Không...
Tường bỏ lửng câu nói khi người nhạc sĩ bắt đầu bản nhạc thứ nhì. Lần này nét nhạc dồn dập hơn với điệu tango. Lại một bản nhạc cũ quen thuộc. “L'amour C'est Pour Rien”. Tiếng nhạc không còn rời rã nữa. Ðã vang động, đã chiếm được một góc quán. Mười ngón tay chạy nhanh hơn trên phím đàn. Ðôi vai và hai bàn chân cũng theo nhịp độ đó. Như sống hơn một chut. Người nhạc sĩ dưới ánh đèn màu hồng thôi không còn nhìn vào khoảng tối của bức tường trước mặt. Ðầu cúi xuống giữa lũng vai. Hẳn mắt đang nhìn vào hai màu đen trắng của phím đàn. Ðiệu tango thả không khí rộn rã xuống quán, tỏa dần và tiếng ồn ào như bớt đi. Trong Tường, cảm giác dễ chịu chợt có. Có điều gì đó kỳ cục lắm, gần như an ủi dấy lên trong lòng anh. Nhưng chỉ thoáng qua rồi tắt ngấm khi bản nhạc dứt giữa tiếng vỗ tay lớn hơn của những người khách.
– Chơi khá thật.
Tường gật đầu sau câu nói của bạn. Vĩnh trở lại vẻ bình thường sau hai bản nhạc vừa nghe.
– Mai mày có làm chứ?
– Làm cũng được mà không làm cũng được. Báo đã in chiều hôm qua. Ngày kia, thứ sáu mới in nữa. Tao có thể làm xong tối thứ năm và sáng thứ sáu. Mà... mà có chuyện gì không?
– Không. Tao chỉ hỏi vậy.
Vĩnh dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn.
– Sao mày không tìm một công việc nào ổn định hơn?
– Ổn định?
– Phải. Làm báo như mày bấp bênh thấy mẹ. Báo sống thì sống, báo chết thì chết theo. Chả có tí gì là bảo đảm cho tương lai.
– Tao thích vậy.
– Thích thế chó nào được. Không hiểu sao Nhu...
– Im đi mày.
Tường nạt lớn khi Vĩnh nhắc đến Nhu. Một vài người khách ở các bàn bên cạnh nhìn sang. Anh làm một cái nhún vai bất cần.
– Tao thích. Rõ hơn là tao thấy cần.
– Nhưng...
– Chả nhưng quái gì cả. Mỗi thằng có một cái nhìn khác nhau về cuộc sống. Tao không thể sống như mày hay thằng Hoàng được, mặc dù trong mắt của hai thằng mày tao là một thằng bỏ đi.
– Làm gì mà phẫn thế!
– Phẫn chó gì! Mày là bạn thân từ ngày còn bé mà. Muốn nói sao cũng được, tao O.K. hết. Nhưng có một điều tao yêu cầu tụi mày: đừng bao giờ lôi Nhu vào.
Vĩnh đăm đăm nhìn Tường một lúc, rồi gật đầu.
– O.K.! Thì không lôi Nhu vào! Nhưng mày phải nghĩ đến tương lai chứ.
– Mẹ kiếp!
– Tự ái làm cái quái gì? Mày ba mươi mấy rồi còn gì? Lang thang, lếch thếch mãi... Nhắm mắt, mở mắt là bốn mươi đến nơi con ạ! Yêu thì tiến tới, chần chừ mãi rồi có ngày ôm hận thiên thu đó con. Gặp tao là...
– Là thế nào?
Vĩnh bỉu môi.
– Mày đúng là thằng bỏ đi. Chỉ tội cho Nhu...
Vĩnh ngắt ngang, chờ một câu nạt của Tường. Ðôi mắt nhỏ sau cặp kính cận nheo lại như mắt một con thú sắp chụp mồi. Môi bặm cong và nọng thịt hai bên má u lên. Tường bật cười trước khuôn mặt bạn.
– Mày làm cái gì vậy?
Vĩnh phá ra cười theo. Lại một vài cái nhìn từ đám khách chung quanh ném về. Vĩnh có vẻ hơi ngượng vì tiếng cười lớn của mình.
– Tao bảo thật đấy.
– Thật cái gì?
– Chuyện mày với Nhu.
– Thì bọn tao vẫn yêu nhau. Vài năm nữa Nhu ra trường bọn tao sẽ tính.
– Vài năm nữa mày sẽ thế nào?
Vĩnh đặt ngược câu hỏi thật bất ngờ. Sẽ thế nào? Làm gì đây? Những điều này quả tình Tường chưa lần nào nghĩ đến. Chỉ biết yêu Nhu và Nhu yêu... Có một cái gì đó xốn xang trong lòng khi anh nghĩ đến Nhu trong lúc này. Không phải là thứ cảm giác man mát lan rộng trong vùng ngực trái như mọi khi. Lần này là sự buốt nhói từ tim. Cơn đau lan rộng, lan rộng làm Tường ngộp thở. Há miệng thật lớn, anh nuốt nhanh một ngụm không khí. Cơn đau dịu lại, anh ngượng ngập tránh cái nhìn của Vĩnh. Lại đổi thế ngồi và quay sang người nhạc sĩ.
Vẫn ánh đèn hồng nhạt chụp lên, vẫn trong thế ngồi như lúc đầu tiên, người nhạc sĩ đã trở lại dáng mệt mỏi. Từng nốt nhạc rã rời được buông khi đôi mắt lại chăm chăm nhìn vào khoảng tối trũng của bức tường trước mặt. Anh ta tiếp tục tách khỏi không gian đang sống bằng những hành động rập khuôn. Mười ngón tay chạy trên phím đàn một cách máy móc. Qua nốt này thì sẽ gặp nốt khác. Tuần tự, đều đặn như trăm ngàn lần trước với bản nhạc cũ kỹ. Bắt đầu bằng một hơi thở và kết thúc cũng bằng một hơi thở. Người nhạc sĩ chơi đàn không hề nghĩ mình đang chơi đàn. Tường đưa tay bóp trán cố tách ý nghĩ ra khỏi người nhạc sĩ. Nhưng hình ảnh của anh ta vẫn đập vào mắt anh. Tránh đi, tránh đi, tránh đi. Tường lẩm bẩm khi sự khó chịu chợt đến. Cuối cùng anh xô ghế đứng dậy.
– Ði về. Mày ra quầy trả tiền đi. Tao ra trước.
Bỏ lại Vĩnh với cái nhìn ngạc nhiên, Tường bước vội ra cửa. Ðêm bên ngoài thoáng và mát. Có những cơn gió nhẹ của trời tháng ba đưa về làm không gian dịu hẳn. Tường thong thả bước về phía bãi đậu xe.
Cho đến lúc nằm trên mặt chiếc nệm quen thuộc trong phòng, Tường mới nhớ đến câu chuyện về Quán mà Vĩnh vừa nói tại quán cà phê Cheo Leo. Có chuyện gì xảy ra giữa bọn nó chăng? Quán và Vĩnh? Hay Quán và Loan? Hay cả ba người: Quán, Vĩnh và Loan? Chuyện gì là chuyện gì đây? Chuyện gì xảy ra để Vĩnh phải ngượng ngập khi nhắc về Quán. Tường đặt ra vài lý do rồi kết luận. Vẫn chẳng có gì hợp lý cả. Cả bọn là bạn. Lại là bạn thân trong vòng gia đình nên khó thể xảy ra chuyện gì đến độ Vĩnh phải có thái độ đó. Tình cảm? Làm sao có được. Mọi việc rành rành ra đó mà. Làm ăn? Có đứa nào giống đứa nào trong cuộc sống đâu, chơi với nhau thì chơi, giúp đỡ nhau thì giúp đỡ, nhưng có bao giờ bàn với nhau về cú “áp phe” nào đâu... Vậy là cái gì? Tường bỏ rơi ý nghĩ khi hình ảnh Quán và kỷ niệm hiện về.
Hai người yêu nhau thời học chung ở Văn Khoa. Chỉ yêu thôi chứ không có gì hơn. Cả hai đều muốn thế, và hiểu một cách lãng mạn là có những con người chỉ sinh ra để yêu nhau chứ không thể lấy nhau được. Hôn nhân, hai tiếng đó có vẻ xa lạ với những người này. Và họ như bị “dị ứng” với hôn nhân. Nhưng chỉ với nhau thôi, còn với người khác thì được. Nghĩa là yêu một người và sẽ lấy một người. Quán và Tường nằm trong số đó. Hai người yêu và thỏa thuận không nhắc đến hôn nhân, dù chả có gì khó khăn trong việc muốn bước tới. Gia đình, cuộc sống, tôn giáo... mọi điều đều dễ dãi và thoải mái cho cả hai đứa. Nhưng chỉ yêu thôi, chưa đứa nào nhúc nhích hay có ý định nhúc nhích để tiến thêm. Một mối tình kỳ cục đối với mọi người.
Quán đẹp, thông minh và Tường cũng đường được, không đến nỗi nào trong cái nhìn bình thường của mọi người lúc bấy giờ. Lấy nhau hẳn sẽ hạnh phúc. Nhưng vẫn chẳng lấy, bởi theo cả hai, đó là cái nhìn của mọi người đâu phải cái nhìn của mình. Họ nghĩ khác mà. Làm sao mà lấy được khi cả hai đứa đều thấy lẫn nhau một số điểm mà người khác không thể thấy. Cho dù điều không thể thấy là chẳng quan trọng đối với những người lớn tuổi. Cái hố ngăn cách giữa những người khác thế hệ luôn luôn bắt nguồn từ cái nhìn và sự suy nghĩ mà! Nên chẳng nói đến hôn nhân cho đến ngày Tường vào lính.
Tình yêu vẫn còn qua những lá thư và những lần về phép của Tường. Kéo dài, đeo đẳng như chẳng bao giờ chấm dứt được. Tưởng thế, nhưng đùng một cái, Quán báo tin lấy chồng. Một anh chàng đại úy quận trưởng của một quận ven thành phố. Xa lạ với Tường và xa lạ với cả Quán nữa không chừng. Ngày nhận được thư và tấm thiệp báo tin anh hơi ngỡ ngàng. Bất ngờ quá trời! Cái mất mát đến thật nhanh, nhưng cũng đi thật nhanh. Anh hụt hẫng trong tâm trạng mất mát và buồn rầu. Dĩ nhiên phải thế! Sau những lần suy nghĩ Tường đưa đến kết luận đó. Rồi an tâm, rồi hết buồn, rồi quên cũng thật nhanh. Anh trở lại bình thường và ngạc nhiên với chính mình.
Sang đến đây, tình cờ gặp lại Quán trong bữa ăn sinh nhật người bạn. Bọn Tường nói chuyện bình thường như những người chưa từng yêu nhau. Nhưng thân và cao hơn tình bạn. Nghĩa là nếu thích, cả hai vẫn có thể trở lại tình trạng yêu nhau. Ðâu có gì cản ngăn. Tường còn độc thân và chồng Quán đã chết. Cả hai đứa mới ngoài ba mươi và đã yêu nhau. Lấy nhau hay làm chung một cuộc sống tại xứ lạ cũng được thôi. Nhưng vẫn không, vẫn chỉ nằm trong vòng giao thiệp thân tình. Như hai người bạn rất thân. Thật thân. Ðã có nhiều cái nhìn đầy sự hiểu lầm, của mọi người chung quanh, về quan hệ của hai đứa. Như lần Tường và Quán đi Réno cuối tuần. Chỉ hai đứa hiểu mình đã làm gì với nhau. Chỉ hai đứa thôi, vì sau chuyến đi đó, một trong đám bạn đã hỏi Tường bằng thứ giọng mất dạy.
– Xong rồi hả?
– Cái gì xong?
– Dấu hoài vậy cha nội.
– Cái gì mà dấu?
Tường thật tình ngạc nhiên, thằng bạn cười đểu.
– Tụi mày đi mấy ngày?
– Ba ngày.
– Ngủ mấy đêm?
– Hai đêm.
– Ở mấy phòng?
– Một phòng chứ mấy.
– Vẫn không có gì?
– Có gì là có gì? Giường đứa nào đứa ấy ngủ.
– Phét! Cứ như là thánh...
Tường đâu phải là thánh, và Quán cũng thế. Họ cũng có phút thèm muốn chứ. Ðâu có gì khác mọi người chung quanh. Nhưng có, không có nghĩa là có với nhau. Cả hai đều hiểu thế. Ngay cả những phút gần gụi nhất, chỉ còn hai người trong phòng, đủ – nếu không nói là dư – điều kiện để làm những việc mà mọi người đã nghĩ, đã làm. Giữa họ, dù không có sự thỏa thuận, nhưng cả hai đều hiểu cái mức của mình cần đến. Giữ lại, giữ nhau lại như những năm còn học ở Văn Khoa tại mức đến cần thiết để tình bạn giữa người đàn ông và người đàn bà có thể còn suốt đời. Ðó là thứ tình cảm cao hơn tình bạn và thấp hơn tình yêu.
Vậy đó, bọn Tường cứ tỉnh bơ có những cử chỉ săn sóc – gần như âu yếm – trước mũi mọi người. Mặc mọi cái nhìn nghi ngờ ném về ngày một nhiều. Riết thành một trò nghịch ngợm của hai đứa. Nghịch ngợm quá thái đến độ người khác khó chịu. Như một lần đi biển chung, Quán ôm choàng lấy Tường, hôn lên môi anh trước đám đông. Trên mình Quán chỉ có hai mảnh vải nhỏ xíu của cái gọi là bikini. Xong, Quán quay sang Nhu, trước cái ngây người của Tường vì không kịp phản ứng.
– Cô Nhu không ghen chứ?
Môi Nhu mím lại, mặt đỏ bừng, chiếc đồng tiền bên má phải lúm xuống. Nhu vẫn không quen với lối đùa giỡn của Quán, của đám bạn Tường... Tường mỉm cười, xoay người nằm xấp lại. Mặt anh úp xuống gối khi ngực trái cấn vào trong. Bức tượng nhỏ, tạc hình một cô gái đang cầu nguyện, bằng đồng thau của Nhu cho, nằm trong túi áo đã cho cảm giác lạ lùng. Lấn cấn giữa cái đau và cái man mát. Trộn lẫn thành thứ cảm giác nửa khó chịu, nửa thích thú mỗi đêm trước khi ngủ. Chỉ cần một động tác thò tay vào túi áo, lấy bức tượng ra, để lên mặt thảm là sẽ được hưởng thứ cảm giác bình thường của thế nằm xấp, úp mặt xuống nệm như trăm ngàn người khác. Nhưng vẫn không làm. Tường muốn thế, như Nhu đã muốn, khi đưa anh bức tượng.
– Em muốn anh luôn luôn cất bên mình.
Tường ngắm nghía bức tượng, chả có gì lạ cả, hệt như tất cả mọi bức tượng khác được bán tại nhà thờ để làm kỷ niệm. Ngạc nhiên, anh hỏi Nhu.
– Sao thế?
Nhu hơi ngượng, có sắc đỏ từ mép dưới tai trái lan xuống vùng má. Mãi lúc sau Nhu mới nói, thật nhỏ.
– Em... em... đã “làm phép”...
Sự xúc động trong Tường đến thật nhanh, dù hai chữ “làm phép” anh hoàn toàn không hiểu thế nào. Tường đâu có đạo. Anh chỉ mới mến Chúa từ ngày biết Nhu.
– Làm phép là thế nào?
– Là... Mà nói ra anh cũng đâu hiểu...
– Nói đi.
– Em không nói đâu... Kỳ lắm. Anh cứ để trên mặt bàn viết là được.
– Anh sẽ để bên cạnh tấm ảnh của mẹ anh.
Có nét cảm động hiện trên mặt Nhu. Màu đỏ từ mép tai lại lan nhanh. Vậy đó, lúc nào cũng đỏ mặt được. Giận cũng thế và cảm động cũng vậy. Người con gái dịu dàng trong Nhu luôn luôn sống với nàng. Tường mỉm cười bỏ bức tượng vào túi áo.
– Mà thôi! Anh sẽ không để lên mặt bàn viết đâu, nơi đó chỉ có ảnh mẹ anh thôi.
Nhu ngỡ ngàng ngước lên, mặt đỏ hơn.
– Vâng, anh để trên kệ sách cũng được.
– Trên mặt bàn chỉ có mẹ anh, để anh lấy thêm ý chí lúc làm việc, còn bức tượng của em, anh sẽ bỏ vào túi áo, nơi gần tim anh nhất!
Xong, Tường mới giật mình vì câu nói đầy tính cải lương của mình. Mẹ kiếp! Ðám bạn mà biết chuyện này bọn nó sẽ cười thối mũi. Anh bối rối tránh ánh mắt có vẻ giễu cợt của Nhu, nhưng cố làm mặt tỉnh lái câu chuyện sang hướng khác...
Tường nằm ngửa trở lại, lôi bức tượng cô bé đồng thau ra. Dưới ánh sáng trắng bệch của ngọn đèn néon treo trên tường, màu vàng sơn nhũ nổi bật trên nền nỉ xanh. Anh đưa ngón tay cái của bàn tay trái xoa nhẹ lên cô bé đồng thau. Cái lành lạnh của chất kim khí truyền vào tay rồi tan loãng, như chưa hề có trong thân thể. Trong anh có ý tưởng dịu dàng, yên ổn hơn mỗi khi làm hành động này.
*
Có tiếng đập cửa phía trước, Tường nhỏm dậy, nhét bức tượng cô bé đồng thau vào túi áo, nghĩ đến người mình sẽ gặp. Giờ này chỉ có hai người: một là Quán hai là thằng Mễ bụi đời. Cả hai đều đến bất tử, không báo trước và có lối đập cửa như ăn cướp giống hệt nhau. Thằng Mễ là dân bụi đời chuyên nghiệp thì chả nói làm gì. Còn Quán, một người đàn bà mà vẫn thế. Ðã có lần Tường nói với Quán về việc này, Quán cười.
– Em thích thế.
– Bất lịch sự.
– Em chỉ lịch sự với người khác. Còn anh và cô Nhu, em chẳng khoái biểu diễn trò lịch sự tí nào cả.
– Lập dị.
– Ai bảo thế?
– Anh.
– Em đâu “care” lời anh nói.
Tường nhận được ở Quán luôn luôn là nét tự nhiên và các trò nghịch ngợm. Giữa hai đứa đã là những người yêu nhau, những người bạn thân hơn bạn thì còn điều gì phải nói nữa. Cười xòa lên một tiếng cho xong chuyện. Tường mỉm cười, mở khóa cửa với hình ảnh Quán trong đầu.
Không phải Quán, đó là thằng Mễ bụi đời.
– Chào.
– Rượu.
– Vào đây.
Thằng Mễ theo Tường vào phòng. Ở thân thể nó bốc ra mùi nằng nặng của hành và mồ hôi.
– Tao khoái uống rượu với mày.
– Tao biết.
– Hôm nay tao hết tiền.
– Không sao. Mai mày lại có.
– Chắc gì.
Tường rót rượu vào ly rồi đưa chai rượu cho nó. Bàn tay thằng Mễ với những ngón to, bẩn thỉu như những con đỉa trắng chạm vào tay Tường. Cảm giác đến thật quen thuộc và gần gũi như những ngón tay thon, nhỏ của Quán, của Nhu. Anh không – phải nói là chưa – bao giờ phân biệt được sự khác biệt giữa ngón tay của người này và những ngón tay của người khác. Tất cả đều là những ngón tay người. Sự chết lịm cảm xúc có từ bao giờ Tường không rõ. Từ những ngày đi lính? Từ những ngày đi tù cải tạo? Từ những ngày trốn chui trốn nhủi ở Saigon sau lần vượt trại? Từ lúc ngồi trên thuyền vượt biên? Từ đảo hay tại đây? Làm sao định được. Chỉ biết hình ảnh của những bàn tay người vẫn còn lẩn quẩn trong trí Tường. Có những bàn tay xiết cò súng một cách thản nhiên hay hối hả đến độ ngón tay tê cứng. Có những bàn tay nhám nhúa nắm lấy dụng cụ đi làm, rời rã trong cố gắng và gượng gạo. Có những bàn tay chới với, khuấy tung bọt nước trắng xóa lên mặt biển. Có những bàn tay tròn lẳng mỡ thịt, hờ hững đặt trên từng xấp đô la xanh ngoét. Có những bàn tay khô queo, đưa ra chờ đợi những gói mì Cao Ủy... Lẫn lộn và sống trong trí. Tưởng mất những mãi còn. Những bàn tay của người khác và những bàn tay của Tường là thế.
– Mày đang nghĩ gì vậy?
– Không!
– Sao không nói chuyện.
– Có chuyện gì mà nói?
Thằng Mễ cười ngu ngơ, tợp một hớp rượu. Ðôi mắt nó mở lớn nhưng không ánh sáng. Gương mặt lì lì những xúc cảm nhục dục. Chút rượu bám trên bộ râu bẩn thỉu lóng lánh ánh điện.
– Tao thích mày. Thằng Mễ mở lời. Tường gật đầu.
– Tao biết.
– Còn mày?
– Tao cũng thích mày.
– Tại sao? Tao là thằng không nhà cửa, lang thang và lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt và trả về.
– Nhưng mày tốt.
– Tốt? Tại sao?
Biết nói thế nào với thằng Mễ này bây giờ? Chẳng lẽ lại bảo mày tốt vì mày không phải là thằng ăn cắp hay ba xạo. Ðã nhiều lần nó ngủ lại tại đây, sáng sớm bỏ đi lúc Tường còn ngủ mà chẳng bao giờ mất một cái gì cả. Ào ào đến rồi lặng lẽ bỏ đi. Khóa cửa cẩn thận. Nhưng dù không tin nó, anh cũng chẳng còn gì để mất.
– Bọn mình quen nhau mấy tháng rồi?
– Tao không nhớ.
Thằng Mễ gục gặt cái đầu.
– Chắc hơn nửa năm.
– Chắc vậy.
– Tao vẫn chưa biết tên mày, và ngược lại.
Tường ngỡ ngàng vì điều thằng Mễ vừa nói. Lâu lắm rồi, dễ chừng đến hơn nửa năm kể từ hôm nó đến xin Tường điếu thuốc. Anh cho và hỏi vài câu bâng quơ. Nó trả lời nhát gừng với cái nhìn ngạc nhiên ném vào Tường. Rồi lần thứ nhì cách đó vài ngày, nó quay lại và thản nhiên xin tiền mua bia uống. Tường đưa tiền. Lát sau nó quay lại với xâu bia rẻ tiền và mời lại anh. Uống rồi tỉnh bơ ngủ lại. Nói chuyện trên trời dưới đất với thứ ngôn ngữ không phải của hai đứa. Nói, nghe và ráng hiểu nhau. Nó đã kể đủ thứ chuyện về nơi đã bỏ đi. Một ngôi làng nhỏ, nghèo nàn sát biên giới Mỹ và Mễ. Tường kể về quê hương với những trại giam, với những con người đang lui lại cuộc sống của thời kỳ đồ đá. Nói như một nhu cầu cần thiết và chẳng cần người trước mặt có hiểu hay không. Cũng có nhiều đêm nó nói toàn bằng tiếng Mễ với giọt nước mắt đọng ở đuôi mắt. Dĩ nhiên Tường không hiểu gì hết. Cũng có đêm Tường đọc những bài thơ tiếng Việt, nó nghe và cũng chẳng hiểu gì hết. Nhưng vẫn im lặng nghe. Giữa Tường với nó như đã có sự thỏa thuận ngầm về các lần đối thoại. Muốn nói gì thì nói. Bằng ngôn ngữ nào cũng được. Mỹ, Mễ, Việt. Ðâu có gì là quan trọng trong phút cô đơn tại xứ lạ, không một người thân bên cạnh để tâm sự. Ðêm không còn nghĩa là đêm bình thường. Ðêm đã thành nỗi cô đơn đầy đe dọa.
– Mày muốn biết tên tao chứ?
Tường lắc đầu sau câu hỏi của nó.
– Biết chi vậy?
– Tốt.
Nó lại gục gặt cái đầu và rót thêm rượu vào ly của cả hai. Màu vàng óng của chất rượu Rémy Martin quyện tan trong nước suối thật đẹp mắt. Như những sợi khói vàng óng tỏa nhạt bầu trời trong ly.
– Mày sang đây mấy năm rồi?
– Sáu, bảy năm gì đó.
– Sao mày không làm thẻ xanh, vô quốc tịch.
– Tao không thích.
Thằng Mễ có vẻ ngạc nhiên. Ngạc nhiên là phải. Ðã có lần Tường gặp nó mân mê tấm thẻ xanh của Nhu bỏ quên trên mặt bàn. Những ngón tay thô kệch bò trên lớp plastic bọc chiếc thẻ. Sự thèm thuồng hiện trong thái độ. Tấm thẻ xanh trên đất nước giàu có và văn minh nhất thế giới này đã có một giá trị riêng biệt cho một số người nào đó. Tường hiểu thằng Mễ lúc đó. Cái ngạc nhiên của nó về anh hệt như cái ngạc nhiên của đám bạn và mọi người chung quanh.
Thằng Mễ tợp một hớp rượu, lắc lắc chiếc ly chỉ còn đá. Dưới ánh điện bàn tay bẩn thỉu của nó bám lên thành ly trong suốt trông thật tương phản.
– Uống đi. Tao đã hết.
Tường đưa ly rượu lên, uống một hơi cạn sạch và cũng làm động tác y hệt như nó vừa làm. Anh thấy bàn tay mình khô khốc, nổi gân xanh trên thành ly trong suốt. Cũng tương phản như tay nó.
– Ngon lắm. Nó đưa bàn tay phải với ngón trỏ và ngón cái cong vào nhau thành một vòng tròn lên tán thưởng. Tường cười méo mó khi rượu lại được rót vào hai chiếc ly.
– Tao được như mày, tao sẽ làm khác.
– Ðược?
– Ờ, tao sẽ làm thẻ xanh, rồi vô quốc tịch sau năm năm.
Tường bắt đầu bất thường dưới mắt thằng bạn Mễ này.
– Tao sẽ đi học hoặc chọn nghề khác?
– !!!
– Như một lần mày nói, tao thấy nghề làm báo của tụi mày thật bấp bênh. Bọn làm báo Mỹ “bảnh” hơn nhiều. Ngay tại nước tao cũng thế, dù nghèo nhưng những thằng viết văn, làm báo vẫn khá hơn.
Khá hơn hay không khá hơn? Thằng Mễ này làm sao hiểu được những người cầm viết mà bị bứng ra khỏi quê hương thì xem như đã chết. Chỉ còn sự cố gắng để vượt ra khỏi những vòng gai đang cuốn mình vào. Nhưng khi vượt được, sẽ vượt khỏi cái mà nó vừa nhắc: khá hơn hay không khá hơn. Nó không hiểu. Nó không làm những công việc mà anh đang làm. Hệt như Hoàng và Vĩnh. Tường đã thành một thằng bỏ đi dưới mắt thằng Mễ.
– Tao thấy “uổng” giùm mày.
Tường vẫn im lặng.
– Mày có thể làm được những việc khác hơn, nhưng không hiểu tại sao không làm?
– Tao không thích.
– Mày không thích, nhưng mày phải nghĩ đến việc lập gia đình chứ. Vợ mày sẽ quyết định chứ không phải là mày.
– Bữa nay mày nói hơi nhiều.
Thằng Mễ cười cười uống cạn ly rượu lên và làm những động tác như cũ. Tường cũng uống cạn, và làm y hệt như trước.
– Mày bực mình?
– Không.
– Ờ! Mày là thằng bạn tốt nhưng là thằng....
– Thằng bỏ đi.
Tường cắt lời nó bằng ba tiếng “Thằng bỏ đi”, tiếng Việt Nam, khi liên tưởng đến Vĩnh và Hoàng. Thằng Mễ trố mắt lên nhìn Tường, ngọng nghịu lập lại ba tiếng đó. Rồi hỏi bằng tiếng Anh.
– Là thế nào?
Tường giải thích bằng thứ tiếng Anh hỗn độn, cố gắng làm cho nó hiểu bằng cách lôi Hoàng và Vĩnh vào câu chuyện. Thằng Mễ có vẻ hiểu.
– Hai thằng bạn mày nói đúng.
Thằng Mễ ngập ngừng một lúc rồi hỏi.
– Người con gái để quên tấm thẻ xanh tại đây là bạn gái của mày?
Tường im lặng khi nghe nó nhắc đến Nhu. Bây giờ ngoài những thằng bạn Việt Nam lại thêm một thằng bạn Mễ xen vào đời sống của anh. Cái vòng tròn của Tường vẽ cho mình vừa bị phá thêm một mảnh để thằng Mễ bụi đời chui vào. Bất giác Tường đưa tay vào túi áo. Ngón tay trỏ chạm vào bức tượng cô bé bằng đồng thau.
– Cái gì vậy?
– Không có gì cả.
– Ðêm nay mày có vẻ kỳ cục.
Phải! Ðêm nay Tường có vẻ kỳ cục vì Tường bắt đầu biến thành thằng bỏ đi dưới mắt thằng bạn Mễ bụi đời. Như đã kỳ cục vì là thằng bỏ đi dưới mắt mọi người chung quanh. Trừ Nhu và cô bé bằng đồng thau vẫn nằm trong túi áo của lồng ngực trái.
*
Nhật ký tháng ba.
Thứ tư của tuần lễ thứ nhất.
Thẳng thừng mà nói, đêm nay không có gì cần thiết để ghi vào nhật ký. Những chi tiết của một ngày tưởng nhiều và mới lạ, nhưng thật ra chỉ là những điều lập lại. Cuộc sống của tôi bình lặng không ngờ. Sự thay đổi của một con người bị ném từ nơi chốn này sang chỗ khác đã làm tôi thành tôi hôm nay. Nghĩa là thành một thằng bỏ đi như lời bạn bè thường gọi. Và gần đây nhất, cả thằng Mễ bụi đời cũng công nhận thế.
Nếu vậy, bắt đầu một cuốn truyện dài lại là sự trống không của đầu óc, khi nhìn về cuộc đời hay sao? Hơn thế nữa, điều mong nuốn của tôi là viết về cuộc sống này, với những con người đang sống tại đây. Như tôi, như bạn bè tôi, như mọi người chung quanh tôi. Nghĩa là viết về cuộc sống thật. Mà, với cái nhìn của một thằng bỏ đi, tôi làm sao ghi nhận được?
Ðành hoãn lại đến tuần sau. Ngày mai, sẽ đăng lời cáo lỗi.
Viết báo bao giờ cũng dễ hơn viết văn. Tôi chợt nhớ lời một người bạn lớn tuổi đã nói. Nhưng trong trường hợp này, quả là kỳ và khó hơn, dù chỉ là một lời cáo lỗi láo khoét. Bởi cho đến giờ này, tôi cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Và liệu tuần tới, tôi có tìm được chưa?
*
Thứ năm của tuần lễ thứ nhất.
Ðêm qua tôi bỏ quên một chi tiết lạ. Ðó là hình ảnh người nhạc sĩ trong quán Cheo Leo. Tại sao tôi không bắt đầu từ đó? Cheo Leo không phải là một quán cà phê tại San Jose hay sao? Và người nhạc sĩ, và Vĩnh, và Hoàng... ngay cả tôi nữa. Tất cả, không phải là những con người đang sống tại đây sao?
Ðêm nay, tôi sẽ bắt đầu.
*
Thứ bảy của tuần lễ thứ nhất.
Niềm vui vẫn còn trong tôi. Việc mở đầu cuốn truyện theo, cách này, thật dễ dàng. Ðời sống hiện ra trước mắt, chỉ cần nhìn, gạn lọc, suy nghĩ và ghi nhận là đủ để diễn đạt trên giấy. Cuốn truyện sẽ được hình thành không cần theo tiến trình định sẵn bởi người viết. Mọi việc đều nằm trong đời sống hôm nay. Cái gì ngươi tìm kiếm, đã được viết trong kinh thánh. Tôi chợt nhớ câu nói của thánh John, được viết trong kinh Patmos. Những sự kiện được sắp sẵn bởi nhà văn, tuy là hư cấu, nhưng vẫn nằm trong các dữ kiện thật. Tôi hiểu điều này từ lúc bắt đầu cầm viết. Vậy, tạo dựng một câu truyện đã xẩy ra hay viết một câu truyện sẽ xảy ra đâu có gì khác biệt. Tất cả đều là cuộc sống.
Ðiều quan trọng là nhân vật và những điều ghi nhận, sau khi gạn lọc.
Ðêm nay, Nhu vui hơn khi nói chuyện qua phone.
*
Thứ hai của tuần lễ thứ hai.
Như vậy là xong phần mở của cuốn truyện. Cảm ơn Vĩnh, cảm ơn Hoàng, cảm ơn Nhu, cảm ơn Quán, cảm ơn thằng bạn người Mễ đến giờ này vẫn chưa biết tên... Cảm ơn tất cả mọi người đang sống chung quanh, đã cho tôi trở thành một người cầm viết.
Vết thương cũ tại gò xương má trái đêm nay hơi buốt. Chắc tại thời gian này tôi uống rượu nhiều.
*
Thứ ba của tuần lễ thứ hai.
Ngày mai tôi muốn lên thăm Nhu nhưng không đủ tiền đi xe bus. Mười ba đồng chỉ đủ uống một chầu rượu hạng bét với thằng Mễ.
Hạnh phúc cuối tuần này sẽ chia cho thằng Mễ vậy. Ðành thế! Dù sao, Nhu cũng hiểu tôi yêu nàng.
*
Thứ hai của tuần lễ thứ ba.
Vết thương cũ càng đau hơn. Mẹ kiếp! Mấy thằng Việt Cộng ở trại giam Ðồng Bò đánh mạnh tay thật, hơn chục năm mà vẫn còn đau. Phải chi có tiền tôi sẽ đi khám bác sĩ để biết thế nào. Ðám bác sĩ ở Mỹ này chặt còn đau hơn cả Việt Cộng đánh. Ðành quên chuyện này.
*
Thứ tư của tuần lễ thứ ba.
Ðã xong chương một của truyện, các nhân vật đã được thành hình và quen thuộc với tôi. Họ bắt đầu cùng tôi bước vào đời sống San Jose, tháng ba năm 1989. Tôi không cần phải dựng bố cục cho cuốn truyện. Tất cả mọi diễn biến xảy ra chung quanh tôi sẽ được nhân vật chính tham dự. Ý nghĩ, cách thế sống, hành động sống của một con người trong một đoạn đời không phải là truyện hay sao?
Tôi sẽ tiếp tục theo cách này.
Hình ảnh đầu tiên nhận được là chiếc đồng hồ treo trên tường. Mặt kính bóng láng, làm nhòe hơn nửa vòng chữ số. Từ số 7 đến 11 là rõ nét. Còn lại các chữ số khác biến mất. Tường nhíu mày cố tìm thêm, nhưng vô ích, chiếc đồng hồ mặt tròn vẫn trơ trơ mặt kính thả những tiếng “tích tắc” theo nhịp kim gió. Mấy giờ rồi và tại sao lại nằm đây, trong một căn phòng xa lạ. Anh cố nhớ lại bằng tất cả cố gắng. Từng hình ảnh chắp nối hiện về rời rạc. Bắt đầu bằng một cơn đau xé óc từ xương gò má trái. Cơn đau lan nhanh khi ngực nén lại, mắt tối sầm và thân thể như có một sức nặng khủng khiếp đè lên. Tường chơi vơi giữa cảm giác đau đớn và trí nhớ dật dờ. Chung quanh anh có tiếng lao xao, la hét của đám Mỹ đen bụi đời. Rồi những chớp xanh đỏ hiện trong trí. Rồi tiếng còi hụ của xe cứu thương. Rầm rĩ nhưng sắc bén, chui vào tai như sợi chỉ xuyên qua đầu, nhức buốt. Hình như Tường có gọi mẹ anh và tên Nhu lúc đó.
Bây giờ Tường nằm đây. Căn phòng rộng thênh thang. Một cái giường. Một bộ bàn ghế. Cái truyền hình treo lủng lẳng trên tường với hàng nút bấm đặt sát tay. Ðâu thế này? Sao lại ở đây, một nơi Tường chưa từng đến. Anh cố hình dung căn phòng quen thuộc với những bề bộn sẵn có. Tàn thuốc, phin lọc cà phê, sách vở, băng nhạc... Tất cả đều không còn, để thay vào là khung cảnh xa lạ này. Có cái gì thiếu thốn và mất mát vừa dấy lên trong Tường. Bàn tay phải đặt lên túi áo trái. Bức tượng cô bé bằng đồng thau biến đâu mất. Anh hốt hoảng cúi xuống. Màu xanh của bộ quần áo bệnh viện mặc trên người đập vào mắt, kéo Tường về thực tại để hiểu, để thấy rõ nơi chốn mình đang hiện diện.
Có tiếng động phía cửa. Một cô gái tóc vàng trong bộ quần áo điều dưỡng màu trắng bước vào. Sau cái cười khi gặp ánh mắt Tường, cô gái tóc vàng lặng lẽ đến cạnh giường. Trên tay bưng một ly sữa.
– Ông khỏe rồi chứ?
Tường định trả lời nhưng tiếng nói bị bít trong mồm. Hai cánh môi không mở được vì vết khâu bên trên hàm trái. Anh gật đầu. Cô gái tóc vàng cúi xuống, sửa lại chiếc gối sau ót Tường. Mùi thơm của nước hoa và da thịt cô ta xông vào mũi. Anh nhìn vào khoảng da thịt hở nơi cổ áo cô gái. Màu trắng của vùng ức và phần trên ngực phập phồng. Những lỗ chân lông lấm tấm, mờ nhạt, như không có. Tường nén thở, lồng ngực bị tức hơn. Cảm giác thích thú nổi lên, anh thôi nén thở, hít mạnh một hơi dài. Mùi thơm của nước hoa và da thịt cô gái như truyền nhanh trong thân thể. Cô gái tóc vàng nheo mắt, cười giễu cợt.
– Ông có thể uống sữa một mình được chứ?
Tường gật đầu. Má anh chạm vào cánh tay tròn lẳng của cô gái. Sự đụng chạm da thịt làm cơn đau của vết thương vừa mổ dịu đi. Lại thêm một ánh mắt giễu cợt nữa nhìn xuống. Tường muốn làm một hành động nào đó, một cử chỉ nào đó hoặc nói một câu gì đó mà chẳng được. Trời đất, đã như đống thịt chết mà vẫn còn vớ vẩn. Tường mỉm cười chế giễu mình trong đầu.
Cô gái tóc vàng đứng thẳng lên sau khi đặt ly sữa trên bàn. Bộ quần áo của Tường được đặt sát gối. Anh với tay mò vào túi áo. Những ngón tay chạm vào cô bé đồng thau làm anh mừng rỡ. Tường lôi mạnh, bộ quần áo rơi xuống đất. Cô gái tóc vàng có vẻ ngạc nhiên vì hành động này nhưng không nói thêm câu nào, chỉ lặng lẽ nhặt bộ quần áo lên, xếp lại và đặt vào chỗ cũ.
– Cần gì ông cứ bấm chuông.
Tường lại gật đầu, nhìn lên. Trong thế đứng sát giường, từ cái nhìn của anh, bộ ngực cô gái tóc vàng được nâng cao vút, đội lần vải trắng lên. Một lần nữa Tường lại mỉm cười trong đầu.
Cô gái tóc vàng nói thêm một câu chào rồi bỏ đi. Tường không nhìn theo cô ta. Bàn tay phải nắm chặt bức tượng cô bé đồng thau. Những ý tưởng cớt nhả vừa có đã biến mất. Bây giờ chỉ còn anh đối diện với chính mình, giữa khung cảnh xa lạ của một căn phòng bịnh viện.
Tường rướn mình, áp chặt lưng vào dãy song giường. Cảm giác ngột ngạt từ ngực và cơn đau từ vết thương trên mặt lại đến. Có chất nước mặn, nhờn nhờn ứa đầy trong mồm. Anh nuốt vội ngụm máu, đè cục nghẹn xuống lồng ngực. Ðã bớt ngộp thở nhưng cơn đau vẫn còn đeo đuổi. Hai bàn tay Tường nắm chặt. Bàn tay trái với những ngón tay bấm vào lòng tay gây cảm giác tê tê. Bàn tay phải bóp chặt bức tượng cô bé đồng thau. Dằn cơn đau xuống và đừng nghĩ đến. Anh tự nhủ, nhưng vô ích cơn đau vẫn hiện diện và bẻ gẫy ý nghĩ trốn lánh thực tại, lần vào trí Tường như lưỡi dao bén xuyên qua trái táo bở. Cơn đau đã len vào ý nghĩ.
Cái ngúc ngắc từ vết thương lan từng tia một theo nhịp đập của máu. Giật, thoáng đau như mũi kim châm vào da thịt rồi tỏa ra chung quanh cơn nhức buốt. Vùng thịt bên má trái co giật làm Tường khó chịu. Chống hai tay lên mặt nệm anh rướn người cao hơn. Chất nhờn mằn mặn pha giữa máu và nước bọt lại ứa ra đầy miệng. Tường nuốt chất nước đó khó khăn với cảm giác lờm lợm dâng lên từ cuống họng. Mũi Tường xông lên mùi tanh của máu. Tường làm lại động tác nén thở, rồi thở mạnh như đã làm lúc mùi thơm của cô gái tóc vàng xông vào mũi. Sự dễ chịu tưởng có không đến như anh tưởng, mà ngược lại, sự khó chịu lại tăng thêm. Từ cuống dạ trên có cuộn hơi dâng lên làm Tường muốn mửa một thứ gì đó ra khỏi thân thể. Cục nước nhờn pha giữa máu và nước bọt. Ngụm hơi tanh mùi máu... Tường không thể phân biệt được cái mình muốn nôn. Chỉ biết muốn thải ra ngoài một thứ gì cho thân thể nhẹ bớt.
Tường quặn người lại, phần bụng dưới uốn theo thân hình. Cái bụng trống rỗng không có gì để đưa lên khi lồng ngực vẫn thẳng băng và bị nén lại. Phải nôn ra bằng mọi giá. Anh đưa bàn tay phải đập vào lồng ngực bằng tất cả sức mạnh còn lại. Cú đấm như một sự đụng chạm nhỏ, không gây phản ứng gì khác lạ. Anh bất lực với chính anh. Thân thể buông xuôi như một xác chết.
Tường nhìn quanh và xót xa tìm thấy mình trong nỗi cô đơn. Hoàng, Vĩnh, Quán, thằng Mễ và cả Nhu nữa. Mỗi người đã và đang ở trong một thế sống. Nhưng đều sống với họ. Ba mươi sáu năm vừa qua anh đã sống với anh như họ đã sống với họ chưa? Hay chỉ bằng ý nghĩ trong đầu? Và còn lại đều là thứ bỏ đi... Bỏ đi! Tường chua chát nhẩm lại hai chữ đó khi hình dung đến những khuôn mặt thân quen.
Cặp kính trắng gọng vàng của Vĩnh. Nếp nhăn trên trán của Hoàng. Nét hiền lành của Loan. Ánh mắt tinh nghịch của Quán. Bàn tay bẩn thỉu với những ngón to, thô kệch của thằng Mễ. Dáng gầy gò của cô bé bằng đồng thau. Và Nhu... Nhu thế nào? Tường hốt hoảng vì sự trống rỗng trong đầu. Nhu. Nhu. Nhu... Tường lẩm nhẩm tên Nhu cả chục lần, đến độ tiếng “nhu” bình thường trở thành vô nghĩa, vẫn không thể hình dung được khuôn mặt và hình dáng của một người con gái mang tên Nhu. Ðôi mắt. Ðôi mắt thế nào? Anh nhớ lại cả trăm đôi mắt đã gặp trong đời, vẫn không có đôi mắt nào của Nhu, đôi mắt nào Tường gọi là mắt Nhu. Những đôi mắt đeo kính trắng gọng vàng như mắt Vĩnh. Những đôi mắt đuôi lá răm, nheo nheo nghịch ngợm như mắt Quán. Những đôi mắt có lông mày rậm xịt, dữ dằn như mắt Hoàng. Những đôi mắt hiền lành, thành thật như mắt Loan. Những đôi mắt lờ đờ, đục ngầu tia thèm muốn như mắt thằng Mễ. Những đôi mắt ấy ẩn hiện, xay tròn trong đầu và chụp giữ thật dễ dàng để nhìn ngắm, để... Nhưng mắt Nhu thế nào... Ðôi mắt ấy đã chìm vào vùng nào của bộ não này? Tường xoa nhẹ lên thái dương, bỏ ý tưởng đi tìm mắt Nhu trong trí. Anh quay sang một phần khác của thân thể Nhu để thử.
Nhưng vẫn không được. Mũi, miệng, hình dáng, bàn tay... Chẳng thể nào hình dung được từng nét riêng lẻ của Nhu. Hiển hiện chỉ toàn những mũi, những miệng, những hình dáng, những bàn tay của người khác. Nhu mất tăm trong anh rồi sao? Tường cố gắng sục tìm một hình ảnh nào đó còn sót lại trong đầu để gán cho người con gái tên Nhu. Những màu áo, những kiểu váy, những vệt kẻ chì vụng về. Ðủ thứ, đủ loại trôi về, nhưng bây giờ Tường không còn khẳng định được cái nào là của Nhu. Ðã mất tăm từ đầu và gây cho Tường ý niệm không có Nhu trong lần hình tưởng này. Ðiều này lớn dần trong các hình ảnh lẫn lộn. Và bây giờ Tường hiểu anh không thể gán cái của Nhu cho một hình ảnh nào được, dù đó chính là một mảnh hình ảnh của Nhu trở về.
Lại có tiếng động ở cửa. Tường ngước lên. Cô gái tóc vàng lúc nãy trở vào, trên tay là một ly nước và một gói giấy nhỏ. Hẳn là thuốc uống.
– Ông vẫn chưa uống sữa?
Tường lắc đầu.
– Ông thấy khỏe hơn chứ?
Tường gật đầu.
– Ông uống thuốc được chứ?
Tường lại gật đầu.
– Ông cần gì thêm? Tôi có thể giúp ông?
Tường đưa tay chỉ vào restroom. Cô gái tóc vàng đến cạnh anh, trong thái độ tự nhiên nâng Tường dậy bằng bàn tay có những móng tay sơn màu hồng nhạt. Và dìu Tường đi trong thế quàng qua lưng bằng cánh tay thon có những sợi lông măng xoăn tít, vàng chóe. Mùi hương của da thịt và nước hoa của cô ta vẫn xông vào mũi. Sự đụng chạm da thịt gần gũi hơn lần trước. Lưng Tường chạm vào đầu ngực nhọn của cô gái. Chẳng có cảm xúc gì là khoái cảm. Tường đang buồn tiểu. Cái cần bây giờ là thải được ra ngoài chất nước đang làm nặng bụng dưới. Còn sự đụng chạm! Mẹ kiếp! Có nghĩa lý gì một cảm xúc êm đềm trong lúc này.
Mở cánh cửa restroom, cô gái tóc vàng đưa Tường vào trong. Ngang qua tấm gương treo phía trên bồn rửa mặt, anh ngoái cổ ráng làm một cú soi gương.Trời đất! Tường khựng lại, lưng tựa mạnh vào ngực cô gái khi thấy thằng người trong gương hiện lên. Mặt xanh lét, tóc rối bù, hai con mắt lạc thần và một vệt máu khô bám ở mép môi trái. Tường đó sao? Kỳ cục quá vậy? Sao mà “ngộ” quá vậy cà! Tươi tỉnh lên một tí cha nội. Tường tự đùa với mình bằng một cái cười mỉm. Nhưng cái cười cũng méo xệch vì chỉ nhếch được nửa miệng bên phải. Nửa miệng bên trái lại nhói đau. Chắc khoảng da thịt của má trái bị kéo lên, chạm vào vết mổ vừa khâu, từ cái cười ráng.
– Ông có thể “làm” một mình chứ?
Cô gái tóc vàng hỏi khi đưa Tường đến trước bồn cầu. Anh gật đầu xoay sang cô ta tỏ ý cảm ơn vì câu hỏi cần thiết này. Ðến bây giờ Tường mới nhìn kỹ khuôn mặt của cô gái tóc vàng. Nếu cắt rời các phần của khuôn mặt ra thành từng mảnh thì chả có gì đáng nói. Mắt thường, miệng thường, mũi thường, cằm thường... Nghĩa là tất cả đều bình thường. Nhưng trời, phải cám ơn trời đất về việc này, đã sắp đặt cho khuôn mặt cô gái một vẻ dễ nhìn. Một khuôn mặt làm thích mắt người đối diện bằng nét hài hòa và duyên dáng. Tường nhìn đăm đăm vào khuôn mặt cô gái tóc vàng. Có một cái gì lạ lắm, thân lắm mà anh chưa nhận ra được.
Cô gái mỉm cười trước thái độ của Tường. Nụ cười làm vùng má bên phải hũm xuống. Một cái đồng tiền hiện lên, giống hệt... giống hệt. Phải rồi! Giống hệt Nhu. Trí nhớ anh ào về với khuôn mặt Nhu. Rõ ràng, đậm nét như đang trước mắt. Từng cử chỉ, từng thái độ đều hiển hiện trong trí. Không sót một điểm nào. Tường mừng rỡ vì đã tìm lại được Nhu.
– Ông không cần tôi giúp chứ?
Tường gật đầu chống tay trái vào tường. Cô gái buông anh ra, lùi lại mấy bước nhưng vẫn không ra khỏi phòng. Tường lúng túng vì sự có mặt của cô ta. Muốn nói nhưng không nói được. Anh ngần ngừ, kéo dài động tác vén chiếc áo bệnh nhân màu xanh, được may như một kiểu váy đàn bà, để cô gái tóc vàng hiểu ý và bước ra khỏi phòng. Nhưng cô ta vẫn đứng yên. Khuôn mặt của cô ta giống Nhu, nhưng không thể là Nhu, bởi thiếu sắc đỏ lan từ mép tai trái xuống má mỗi khi thẹn thùng.
*
Tường tỉnh dậy sau một giấc ngủ mệt nhọc. Hẳn viên thuốc hình hạt dưa bé tí, màu xanh nhạt của cô gái tóc vàng đưa là thuốc an thần. Ðầu Tường nặng trĩu nhưng cơn đau đã dịu đi nhiều. Bây giờ trong mồm chỉ còn vài tia hơi nhức như kim đâm từ những vết khâu. Anh nheo mắt nhìn đồng hồ, ánh điện lấp nửa mặt kính không đáng ngại nữa vì hai cây kim chỉ giờ và phút đã quay về phía dãy chữ số trông thấy được. 11 giờ 35 phút. Kim ngắn chỉ phần trên của số 11. Kim dài chỉ phần dưới của số 7. Có lẽ chưa đến 11 giờ 35 phút. Có lẽ mới 11 giờ 34 phút hay 11 giờ 33 phút gì đó... Tường bật cười khi thấy mình vừa lẩn thẩn với những con số của thời gian trong sự thích thú của đứa trẻ mới tìm thấy một điều gì tưởng mất. Và tiếp tục trò chơi đó.
Mỗi nhịp là một nấc nhảy chứ không phải mỗi nhịp là một nấc quay như anh hằng tưởng. Chiếc kim giây nhảy từ giây này sang giây khác. Tách rời rõ rệt từng nấc thời gian, chứ không xâu liền một chuỗi. Ðiều đó hiển hiện trên mặt đồng hồ, trên mặt đời sống mà đâu ai ngờ! Ðiều khám phá trẻ con làm anh thích thú. Có những điều mình chợt nhớ là mình đã quên trong cuộc sống. Lụn vụn, tưởng không quan trọng nhưng biến thành hạnh phúc trong lần tình cờ tìm lại. Như Tường lúc này, hạnh phúc trong cơn đau và ý nghĩ trẻ thơ.
Tường nhìn quanh phòng trong tâm trạng bớt xa lạ. Màu sơn xanh nhạt đã dìu dịu không còn sắc xám bệnh hoạn như Tường đã tưởng. Các vật kê trong phòng cũng trở nên gần gũi hơn. Mặt bàn nổi vân màu nâu, ấm lại hơi người chứ không lạnh lẽo như lúc cô gái tóc vàng để bộ quần áo của Tường vào. Bốn chiếc ghế bọc nệm xanh nhìn mát mắt và ngay cả cái ti vi treo lủng lẳng trên tường cũng không chướng mắt nữa. Bệnh nhân nằm trên giường thì phải treo trước mặt chứ sao? Hợp lý quá đi chứ! Lại càng hợp lý hơn với hàng nút điều khiển nằm sát tay, cạnh song giường. Tường an tâm quan sát từng thứ một. Kéo chiếc mền ngang ngực, anh nhìn về phía cửa sổ. Khung cửa kín mít bởi lớp màn ngăn, từ chỗ Tường nằm không thể nào biết bên ngoài ra sao. Kín bưng như một bức tường. Anh nheo mắt cố tìm một khe hở. Nhưng vô ích. Cánh cửa sổ đã ngăn anh lại. Ngăn cả thời gian.
Tường quay về phía chiếc đồng hồ. 11 giờ 55 phút. Ðúng 11 giờ 55 phút nhưng là 11 giờ 55 phút của buổi tối hay 11 giờ 55 phút của buổi sáng? Làm sao phân biệt được đây? Bây giờ ngoài kia là buổi sáng với nắng, với cuộc sống náo nhiệt hay là đêm với khoảng tối và sự yên ắng. Tường muốn biết. Nhưng không được. Căn phòng bị tách ra thành một không gian, một thời gian riêng rẽ từ không gian chung và thời gian chung. Bốn bức tường và 11 giờ 55 phút. Chỉ thế cho Tường lúc này.
Anh đã nằm đây bao nhiêu lâu? Chỉ nhớ buổi tối thứ bảy, đã khuya, Tường lang thang giữa đám Mỹ đen bụi đời với chai rượu đầy ắp. Có tiếng cười giỡn của bọn điếm tụ tập gần ngã tư William và Fifth, ngay trước cửa một tiệm bán rượu vang đến chỗ bọn anh ngồi. Anh đã chia từng hớp rượu với những thằng đen bụi đời. Ngược lại bọn nó cũng cho Tường uống bia. Thứ bia rẻ tiền với các loại nhãn hiệu không thể nhớ. Bốn, năm hay sáu đứa gì đó. Ngồi vắt vẻo ở lan can của một căn nhà đã xụp hết phân nửa. Cười giỡn, hồn nhiên như những người bạn thân. Không có khoảng cách giữa đen và trắng chỗ này. Không còn sự phân chia Mẽo hay Mít ở đây. Chỉ uống và thỉnh thoảng hút vài điếu cần sa. Tường vẫn tìm đến bọn đen này những lúc rảnh và ngược lại, bọn nó cũng tìm anh lúc cần hoặc thích. Hệt như thằng Mễ đã tìm đến Tường mỗi khi hết tiền hay bị cảnh sát rượt. Anh thích và thích được vậy. Bọn đen cũng thích và thích được vậy. Thằng Mễ cũng thích và thích được vậy. Ðã có lần bọn Tường cùng đồng ý về điểm này.
Tường đã nằm đây bao nhiêu lâu? Chỉ nhớ bấy giờ đã có vài thằng đen say ngất, nằm vật xuống hè xi măng bẩn thỉu của căn nhà để ngủ. Còn lại anh và hai thằng nữa với chai rượu thứ hai vơi quá nửa. Tường không nhớ tên một thằng nào trong bọn này. Khi gặp, chỉ một tiếng “Eh! Men” là vui vẻ cặp tay nhau uống. Thoải mái như đang trần truồng ngâm vào bồn nước... Và bấy giờ, trong sự thoải mái đó, hai thằng đen và Tường nốc tiếp số rượu còn lại với đống “chip” mằn mặn. Một thằng cao, một thằng lùn. Ba đứa ngồi ba góc như ba cái đỉnh của một hình tam giác có cái tâm là chai rượu với gói “chip ”. Thằng lùn kể về mối tình với một con điếm đen đang hành nghề ở khúc đường Fourth. Chuyện hấp dẫn và gay cấn. Bắt đầu từ một lớp học của high school và kết thúc ở con đường William này. Thằng đen lùn bụi đời ở góc số 5 và con điếm hành nghề ở góc số 4. Tường có cười và nói. “Chuyện buồn quá là buồn.” Thằng đen lùn có vẻ mủi lòng, còn thằng đen cao tỉnh bơ, gục gặt cái đầu. “Không bằng chuyện của tao đâu.” Rồi nó bắt đầu kể. “Chuyện cũng bắt đầu từ high school nhưng con nhỏ đó da trắng hẳn hòi. Tất nhiên là có những màn bình thường như các chuyện tình Mỹ, và trắc trở như các mối tình đen, trắng thường gặp phải. Nhưng kết thúc khác hơn. Tao xiết cổ nó chết ngắt rồi vào tù. Vượt ngục và ở đây uống rượu với bọn mày.” Thằng đen cao cười khằng khặc đứng lên, tiến về gốc cây bên cạnh bảng “stop” đứng đái. Thằng đen lùn hỏi về chuyện tình của Tường. Anh lắc đầu. “Chuyện của tao dở lắm, không có gì để kể. Tao về.” Tường đứng dậy bỏ đi với hình ảnh của Nhu trong đầu. Rồi cơn đau vụt đến từ vết thương cũ. Tường nhận được cái đau như xé óc trước khi ngã xuống. Có tiếng la của bọn đen. Có tiếng còi của xe cứu thương.
Tường đã nằm đây bao nhiêu lâu? Chỉ biết mở mắt ra đã gặp hình ảnh cái đồng hồ giống hệt như đang thấy. Vậy là bao nhiêu lâu? Từ lúc ngã xuống đến lúc mở mắt là bao lâu? Từ lúc mở mắt đến bây giờ là bao lâu? Anh muốn biết và không muốn rơi vào sự quên lãng của chính mình.
Tường chống tay, lồm cồm bò ra khỏi giường. Bàn chân vừa chạm nền đá hoa đã run lẩy bẩy. Hơi lạnh thấm vào gan bàn chân, tỏa trong thân thể, dâng ngang đầu gối làm thành những cái giật nhẹ. Mẹ kiếp, run là ở chỗ này. Tường hít một hơi không khí, có ngụm máu pha nước bọt lại trôi xuống cổ. Anh nuốt vội, lần này không có cảm giác khó chịu. Anh thấy cơn run nhẹ đi và cúi xuống lôi bộ quần áo từ ngăn tủ dưới ra. Chiếc quần lót rơi xuống mặt xi măng. Tường đưa bàn chân trái cố làm một động tác quen thuộc của lúc khỏe mạnh là dùng hai ngón chân kẹp cái quần, hất lên rồi đưa tay bắt. Lần thứ nhất chiếc quần rơi xuống trước khi được hất lên. Lần thứ hai, chiếc quần vẫn rớt xuống, cái hất chân chưa đủ mạnh để đến tầm tay. Lần thứ ba chiếc quần máng vào ngón út. Bàn tay Tường nắm chặt. Vậy là xong, anh vẫn còn sức.
Tường tựa vào mép giường thay quần áo. Xong, vất chiếc váy màu xanh dành cho bệnh nhân lên giường, định bước ra chợt nhìn thấy ly sữa còn đặt trên bàn. Mẹ kiếp! Hơi đâu mà bỏ, phí của trời! Anh tự nhủ rồi với tay bưng ly sữa lên, uống từng ngụm nhỏ. Chất nước béo, nhạt và lờ lợ chui vào bao tử thật dễ chịu. Ðến bây giờ Tường mới biết là mình đang đói. Phía bụng dưới sôi lên những tiếng “ọc ọc” đầy khoái cảm theo từng ngụm sữa được nuốt vào. Anh nhâm nhi ly sữa một cách ngon lành như uống rượu. Cứ mỗi ngụm Tường thấy vị beo béo của sữa tươi lại một khác. Vị giác như được đổi mới. Tường chép miệng. Tường nuốt. Như lần đầu tiên biết được vị ngon của thứ nước uống bình thường tại Mỹ.
Ly sữa cạn dần, rồi đến ngụm cuối cùng. Tường ngậm thật lâu trong miệng, bên vùng má phải. Và nuốt từ từ bằng cách đẩy từng hớp sữa xuống. Mỗi hớp sữa trôi qua thực quản như một lớp gió mát tỏa trong thân thể. Hết lớp này đến lớp khác. Anh thấy mình khỏe hơn trong hớp cuối cùng.
Ðặt ly không trên bàn, Tường bước ra thong thả. Trước khi khép cửa, anh vặn khóa cẩn thận. Ngày mai hay lát nữa, cô gái tóc vàng sẽ hốt hoảng bấm chuông gọi bác sĩ trực vì cửa đóng. Rồi tất cả sẽ ngạc nhiên, dĩ nhiên có phần nào giận dữ và lo sợ vì thằng bịnh nhân họ lượm được giữa đám bụi đời đã biến mất, sau một lần mổ. Tường khoái chí giật mạnh cửa, một tiếng “cách” vang lên. Cánh cửa phòng đã được khóa như ý muốn, anh xoay mình bỏ đi bằng bước chân của một người không bịnh. Anh tin thế.
*
Nhật ký tháng ba.
Thứ ba của tuần lễ thứ tư.
Vậy là xong, chẳng ai biết tôi vừa nằm bệnh viện ra trừ Nhu. Ðêm ở bệnh viện về, tình cờ Nhu gọi phone và tôi khai thật. Ðúng ra chẳng cần ai biết bởi có quan trọng gì đâu? Vẫn còn sống là đủ rồi. Biết làm gì cho thêm phần phiền toái. Nhất là Nhu, tôi không muốn nàng lo lắng. Khoảng cách từ San Jose đến Sacramento, trong tình yêu, là quá đủ để nói chữ buồn cho người con gái. Ðàn ông, con trai như tôi nhiều lúc còn muốn đứt ruột huống chi là nàng. Biết thế, nhưng vừa nhận phone Nhu, tôi lại phun ra hết. Gần như là tả oán nữa chứ. Sau những câu nói, Nhu lo lắng thật sự. Lúc đó tôi không thể thấy mình trẻ con đến mức nào. Chỉ có tâm trạng nao nao, pha trộn giữa hạnh phúc và an ủi. Ðời sống quả là kỳ cục. Con người thường kiếm chỗ để núp, để níu mỗi khi ngã xuống. Dù việc đó có cần hay không cần cũng vậy. Cứ núp, cứ níu cái đã. Mọi việc tính sau, dù có phiền đến người khác cũng mặc. Tôi đã làm như vậy với Nhu. Và lạ lùng hơn nữa, tôi lại cảm thấy sung sướng khi nghe được giọng nói đầy lo lắng của Nhu.
Hạnh phúc có phải là việc mình làm khổ người mình yêu thương không?
*
Thứ năm của tuần lễ thứ tư.
Tôi đã đi vào chương hai của cuốn sách. Những ý nghĩ của bệnh viện đã được ghi lại, qua cuộc đời nhân vật chính. Ngay từ đầu, hắn đã mang hình tượng của tôi. Sự việc thật tình cờ, nhưng đã được làm. Hắn mang bản lý lịch giống hệt tôi. Nhưng một cuốn sách không phải viết ra để kể lại cuộc đời của người viết. Hắn chỉ có thể giống tôi về quá khứ. Chỉ thế, còn cuộc sống, tự hắn phải có cuộc sống riêng tư. Tôi muốn thế. Tôi muốn tạo một con người hệt như tôi, nhưng không phải là tôi, nghĩa là không phải một thằng bỏ đi hay một người cầm viết. Từ nay, tôi sẽ bắt đầu cuộc sống thứ hai. Cuộc sống của nhân vật tôi.
Sau lần nằm bệnh viện, hắn bước vào cuộc đời. Tại San Jose, cuối tháng ba năm 1988. Với con mắt của tôi.
*
Thứ sáu của tuần lễ thứ tư.
Tôi đã lầm. Những giòng chữ viết cho nhân vật chính, trong thời gian nằm bịnh viện, không phải của hắn. Ðó là ý nghĩ của tôi. Ðó là tâm trạng của tôi. Tất cả đã được tôi gán cho hắn. Tôi đang núp dưới bóng nhân vật của tôi. Ðiều này tôi hoàn toàn không muốn. Hắn chỉ là một con người có quá khứ giống hệt tôi. Chỉ thế! tôi không thể diễn tả cái tôi kiểu đó. Phải nhớ, hắn là một con người khác, đang sống tại thời điểm này. Tôi phải nhìn và ghi lại những gì đã thấy từ hắn để một cuộc đời được hình thành trên giấy. Một cuộc đời thật của một con người giống tôi nhưng không phải là tôi. Hãy nhớ kỹ điều này để tiếp tục. Tôi sẽ nhắc lại câu này trước khi ngồi vào bàn viết.
*
Thứ hai của tuần lễ thứ năm.
Hoàng đến, vẫn trong lối ăn mặc quen thuộc và thái độ bốc lửa, nó nói về buổi lễ tháng tư sắp được tổ chức. Tôi ậm ừ. Tôi nghe. Tôi lay out tờ báo. Tôi buồn ngủ.
Có nên cho nhân vật chính đi theo Hoàng vào buổi lễ tháng tư này không?
Vũ trường nằm tại phía bắc thành phố. Từ cái tên, nghe cũng đủ thích. Lido. Vừa dài, mỏng lại vừa tròn trịa khi phát âm. Ðang từ chữ “li” kéo đầu lưỡi chạm vào mép ngoài hàm trên, nghe dài ngoẵng và bén lẻm, lại hạ thấp lưỡi xuống gần chạm răng hàm dưới lúc đôi môi tru lại, tròn quay, để phát âm thêm tiếng “do” vừa đủ, thật thoải mái bởi có hai thứ giai điệu trộn lẫn một cách hài hòa như cách thiết trí của vũ trường dành phục vụ chu toàn hai lớp người khác biệt: già và trẻ. Trên lầu dành riêng cho những cô cậu vừa lớn và trung niên vẫn còn máu trẻ. Tuổi nào cũng vào được, khỏi xuất trình I.D. hay bằng lái xe. Lối bài trí thích hợp với tuổi trẻ bằng những màu sắc trẻ và mạnh. Nhạc ồn ào, dập dợn như nhịp máu của thanh niên. Ngược lại, phía dưới lầu dành riêng cho người lớn tuổi, nhạc chơi theo “tour” và không khí nhẹ hơn trên lầu. Ngay cả những cô tiếp viên dưới lầu cũng có vẻ chững chạc và người lớn hơn. Ðiểm đặc biệt của lầu dưới là màn trình I.D. của những cô cậu nào khả nghi – trong cái nhìn của người gác cửa – là dưới 21 tuổi. Chận lại và xét giấy tờ thẳng thừng, không kiêng dè gì cả. Người gác cửa đã làm điều đó tự nhiên. Và đêm nay hắn làm việc đó với Nhu, khi bọn Tường đưa vé ra.
– Em nhỏ này vô không được.
Nhu ngỡ ngàng nhìn người gác cửa, đây là lần đầu nàng đến vũ trường. Tường mỉm cười trước cảnh này vì người nhỏ tuổi nhất trong bọn là Ðoan, em của của Nhu. Cô gái vừa tròn 21 tuổi và là người duy nhất có thể bị mời ra.
– Sao thế ạ!
Vẫn trong thái độ dịu dàng, Nhu hỏi lại người gác cửa. Nơi chốn này quả là xa lạ và không thích hợp với nàng. Nếu là Tường hoặc người nào khác thì sẽ là câu “Sao kỳ dzậy cha nội” hoặc một hai tiếng “Ð.M.” hoặc “Shit”. Cần quái gì phải nhỏ nhẹ với tiếng “ạ” đàng sau câu nói. Tường cảm thấy buồn cười.
– Dưới 21 tuổi không được vô lầu dưới.
Tường thấy Ðoan lui lại một bước, đứng sát Hải, một người bạn trai – mà theo Nhu – là bạn của gia đình nàng. Và Nhu, sắc đỏ quen thuộc lại bắt đầu lan từ mép dưới tai trái khi người gác cổng tiếp.
– Em có I.D. không? Nếu không, chịu khó lên lầu chơi. Ở trên đó dành cho mấy người vừa lớn.
Lần này không nhịn được, Tường bật cười chen vào.
– Cô này 25 rồi ông ơi!
Người gác cửa ngạc nhiên, nhưng vẫn chưa tin.
– Có bằng lái xe không... cô?
Nhu đã từ “em nhỏ” lên đến “cô”. Tường thích thú nhìn Nhu mở ví lấy bằng lái xe. Ðoan chen vào.
– Hay mình lên trên...
Nhu xoay lại phía Tường và Hải. Có những cái gật đầu được làm. Họ cùng lên thang gác.
Qua khỏi lớp màn ngăn bằng nỉ, tiếng nhạc và bóng tối của vũ trường ôm choàng lấy Tường. Sự thay đổi này luôn luôn gây thích thú cho anh mỗi khi đến vũ trường. Dưới ánh đèn mờ nhạt, thái độ, hành động của con người được tự nhiên hơn. Nhu hình như cũng hòa nhập vào không gian này và đã trở lại bình thường trong khi nói chuyện với người tiếp viên chịu trách nhiệm xếp bàn.
Họ đến một bàn gần cửa ra vào. Từ chỗ ngồi hướng về sân khấu, cái nhìn bị khuất mất một phần bởi những thân cột được trang trí lập thể, đủ màu. Ban nhạc và người ca sĩ lấp ló theo từng động tác. Nhịp tay chân và thân thể chắp nối như một khúc phim bị quay không đều ẩn hiện sau hàng cột, lúc có, lúc không. Tường nói ý nghĩ này với Nhu. Nàng gật đầu.
– Em cũng thấy thế, như những con rối.
– Vậy mà cũng có người bỏ tiền ra để dắt anh đến xem những con rối này.
– Em... tội nghiệp anh.
Nhu mỉm cười khi Tường gọi người tiếp viên lấy nước. Ánh sáng từ quả cầu treo phía trên sàn nhẩy hắt những đốm màu trên mặt nàng. Một vệt hồng bám ở môi Nhu lúc nụ cười tròn nhất. Ðồng tiền bên má phải hũm xuống một chấm đen. Hai cánh mũi lấp trong khoảng tối khi đôi mắt vẫn long lanh đốm sáng. Nét dịu dàng như hiện lên toàn diện. Nhan sắc – hãy tạm dùng tiếng này cho Nhu – bởi nơi nàng không có những biểu tượng gọi là đẹp dành cho một người phụ nữ. Nhưng tất cả đều được sắp xếp hài hòa thành nét duyên dáng riêng biệt, không thể lẫn lộn vào những người có nhan sắc bình thường hay tìm thấy ở các khuôn mặt khác. Như hình ảnh cô y tá Tường đã gặp tại bệnh viện. “Thương em mong manh như một cành lan”. Giữa cái ồn ào của một bản cha cha cha đang chơi, trong trí Tường hiện lên câu hát đó. Chỉ thế mới hình dung được Nhu.
Và ngược lại, như một đóa quỳnh đương độ, Ðoan có vẻ đẹp rực rỡ, mạnh khỏe. Thứ nhan sắc đầy quyến rũ của một cô gái vừa lớn và lớn trong an bình, hạnh phúc. Mắt to đầy ánh lạc quan, môi hồng như mời gọi và dáng vẻ tự tin. Ðoan đã và đang được hưởng những điều mơ ước của một người con gái. Một cánh lan và một đóa quỳnh. Ðúng quá xá là đúng! Tường tự hài lòng, đón lấy chai bia từ khay người tiếp viên vừa đem đến. Vất tờ giấy bạc lên khay, anh khoác tay.
– Cảm ơn cô, chỗ còn lại cô giữ lấy.
– Cám ơn.
Người nữ tiếp viên quay đi. Tường mỉm cười. Nhu hỏi.
– Gì thế anh?
– Ðúng lắm!
– Em không hiểu, cái gì mà đúng?
Tường nói điều ví von dành cho hai chị em với Nhu. Ánh mắt nàng hiện lên nét tinh nghịch. Tường nhìn thấy Tường trong đó. Và đột nhiên xấu hổ. Trời đất! Sao anh lại có ý nghĩ cải lương đến thế trong đầu? Cái gì là một cành lan với một đóa quỳnh? Tụi bạn mà biết việc này hẳn sẽ cười thối óc. Cứ làm như ngày vừa lớn, mơ mộng và lãng mạn với cảm xúc bồng bột. Nhu cười cười.
– Cải lương quá!
– Anh cũng vừa thấy thế.
Tường cười theo khi Hải và Ðoan ra sàn nhẩy với một bản tango. Vẫn trong dáng mạnh và tin tưởng, Ðoan đi trước Hải. Người con trai bạn của gia đình Nhu nhìn Nhu trước khi xoay đi. Có một cái gì bất ổn trong tia mắt anh ta. Hơi ngạc nhiên nhưng Tường bỏ qua lập tức. Cái gì mà bất ổn? Chỉ được cái trông gà hóa cuốc. Hải đang theo Ðoan. Buổi tối hôm nay Hải mời hai chị em Nhu và dắt Tường đi theo cho vui. Theo một người con gái và mời cô ta đi chơi, hiểu theo một nghĩa nào đó là đạt yêu cầu bước đầu, có gì mà bất an với bất ổn, nếu không muốn gọi là hạnh phúc. Vậy, mình nhìn lầm giữa tia nhìn bất an và ánh mắt hạnh phúc. Tường gật gật cái đầu, bưng ly bia lên, làm một hơi cạn sạch. Xong, gọi người tiếp viên đến cạnh. Nhu nhíu mày.
– Anh uống nhiều rồi đó.
– Chưa đâu...
Ðôi lông mày của Nhu nhíu xuống. Tường thấy quen lắm. Lối nhíu mày khi cảm thấy khó chịu này, anh đã thấy ở đâu nhiều lần rồi. Ráng nhớ xem sao. Anh cũng làm một cái nhíu mày và trí nhớ ào về. Cái nhíu mày của Nhu giống hệt cái nhíu mày của Tường những lúc đứng trước tấm gương cạo râu gặp con dao cạo cũ hay cùn, nhưng vẫn cạo dù biết trước sẽ phải gặp những cảm giác gấp khúc, sường sượng đau từ các lỗ chân râu.
– Anh đừng uống nữa.
– Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.
– Sao lại lẻ tẻ được, anh mới mổ.
Nửa cảm động, nửa buồn cười sau những câu nói của Nhu, Tường tránh né bằng cách xoay sang sàn nhẩy. Ban nhạc đang chơi một bản “new wave”. Trái cầu thủy tinh treo phía trên sàn nhảy xoay nhanh hơn làm những đốm sáng tỏa xuống nhấp nháy, dồn dập như lẫn vào nhau trông rối mắt. Càng rối mắt hơn nữa khi những cánh tay, những bắp chân co giật một cách tự phát theo giòng nhạc. Anh mỉm cười nhớ đến những điệu “Twist, Agogo, Chicken Died...” của Nha Trang và Sài Gòn năm nào với những cái co giật tự phát đi cùng khuôn mặt ngơ ngơ đầy vẻ mãn nguyện giữa không khí chiến tranh của đất nước.
Hai mươi năm sau tại đây cũng thế. Cũng vẫn cái co giật tự phát với khuôn mặt ngơ ngơ vẻ mãn nguyện tại xứ người. Thế hệ của những người trẻ này lạc lõng giữa giòng sống. Họ bị vất vào đất lạ cùng với dân tộc. Sinh lực và bản năng vươn lên trong từng kiếp người được bộc lộ qua cách sống, nhưng bị ngăn chận từ hai phía: nguồn gốc và nơi tìm đến. Họ muốn hội nhập một cách trọn vẹn lắm chứ. Nhưng sao được? Sau phút thả lỏng họ trở về đối diện với chính mình. Màu da, ngôn ngữ, chủng tộc là khoảng trống không thể lấp bỏ. Một thứ dân nhỏ bé, một thứ “sắc tộc” trong hàng trăm “sắc tộc” lẫn lộn. Nhưng để trở về với cộng đồng, với những người cùng phong tục, tập quán thì khó quá. Tuổi trẻ và bản năng tìm sống mãnh liệt đã ngăn họ lại sau khi tiếp giáp với cuộc sống xứ người. Không thể tìm lại một cái cũ – mà theo họ – là không cần thiết và lạc hậu tại đây. Với họ là sống, là hưởng thụ chứ không thể co mình trong cái vòng xưa cũ. Ði cũng không được và về cũng không xong. Họ ngơ ngác, không tìm thấy chỗ đứng của mình. Và tại đây, một vũ trường Việt Nam những điều đáng thương của tuổi trẻ hôm nay được lộ ra rõ ràng.
Họ quay cuồng, la hét theo giòng nhạc Mỹ y hệt những người trẻ tuổi Mỹ tại một vũ trường Việt Nam. Ðể đốt cháy, để phá vỡ thứ mặc cảm chỉ giống những người trẻ Mỹ chứ không phải là những người trẻ Mỹ. Hẳn giữa không khí một “club” Mỹ, giữa những người khác chủng tộc, màu da, họ đã thấy điều lạc lõng và gượng ép của mình nên tìm cách giải tỏa. Ðến đây, dù sao họ cũng biểu lộ được sức sống, được cái mới – theo họ – với những người chung quanh. Biểu lộ để khỏi thấy mình đang soi gương mặc cảm.
– Anh nghĩ gì thế?
– Chả có gì.
– Sao lại im lặng?
Nhu gợi chuyện lúc bản nhạc vừa dứt. Tường nhìn chăm chăm vào đám người trẻ tuổi ngồi tại một bàn gần đó. Bốn cô gái và năm cậu con trai. Tất cả đều phục sức na ná như nhau bằng một màu đen dữ dằn với các màu tóc được nhuộm. Có những vòng xích, sợi giây màu vàng chóe được đeo lên người làm tất cả đều mang nét hoang loạn và ngổ ngáo. Tường chợt nhớ đến những vòng giây điện đủ màu được kết lại, bọn anh đã đeo với 2 chữ “Peace and Love” như chiếc huy hiệu, vào những năm vừa lớn.
Một trong bốn cô gái đã để ý đến hướng mắt của Tường. Ðó là cô gái mặc chiếc áo trắng với áo khoác đen ngồi ngoài cùng. Khuôn mặt trẻ và lạc quan với đôi mắt mở lớn, cặp môi bôi đầy son đỏ đang hé ra nụ cười. Ánh sáng từ quả cầu vô tình hắt xuống đúng đôi môi làm màu đỏ ướt nhẫy ra. Cũng hấp dẫn đó chứ? Tường mỉm cười và nhìn cô gái kỹ hơn. Phía bên kia, hình như cô gái cũng thích thú khi nhìn thẳng vào mắt anh, và cũng mỉm cười. Tường nheo mắt trái, cô gái làm theo nhưng bằng mắt phải. Dù không nhìn kỹ được đuôi mắt của cô gái, Tường vẫn thấy được đuôi mắt của cô ta. Hẳn sẽ không có một nếp nhăn nào sau đuôi mắt của khuôn mặt đó. Cô gái còn quá trẻ, trạc Ðoan hoặc bé hơn nữa không chừng. Anh làm thử một con tính trong đầu. Trời đất! Nếu mình lấy vợ năm 16 tuổi, có con năm 17 tuổi và nếu là con trai, biết đâu thằng nhóc đó sẽ là bạn trai của cô ta. Không chừng lại cùng ngồi bàn đó và khó chịu khi thấy hai cái nheo mắt vừa rồi. Bất giác anh sực nhớ Nhu đang ngồi trước mặt. Tường đưa tay lấy một điếu thuốc rồi gọi người tiếp viên. Ðôi lông mày Nhu cong xuống khi tiếng nói rõ ràng và mạnh hơn.
– Biết vầy em không “dắt” anh đến đây.
– Em sùng vì anh uống nhiều hả?
Nhu im lặng.
– Em phải mừng chứ?
Nhu vẫn im lặng.
– Ðêm nay, tình cờ anh hiểu được một phần nào những người trẻ mà anh hằng không thích vì chưa hiểu họ.
Ánh mắt Nhu dịu xuống.
– Nhưng dù sao em vẫn... thích thảm cỏ ở park hơn.
Trong Tường dâng lên cảm xúc nao nao khi Nhu nhắc đến thảm cỏ tại một công viên nằm ven sông, cạnh trường học của cô em út Nhu, nơi họ đã đến. Anh thấy cần phải nói một câu gì đó, nhưng không nói được. Chỉ vỏn vẹn một tiếng “cảm ơn em” bị lấp vào tiếng nhạc.
Người nữ tiếp viên đặt chai bia lên bàn. Tường ngước lên định trả tiền thì Hải đã dành làm việc đó. Anh nhún vai đồng ý. Ðầu vai Tường chạm vào lớp vải áo nơi hông của người tiếp viên. Mùi nước hoa và da thịt của cô gái thoảng vào hơi thở trong thế đứng thật gần. Tường thấy rõ từng ánh đèn bé li ti, chớp tắt trên con bướm đeo ở ngực trái người nữ tiếp viên. Cô ta khá xinh với nước da trắng, sóng mũi dọc dừa và đôi mắt nâu. Có vẻ đa tình và lãng mạn.
– Cảm ơn cô.
– Vâng.
Người nữ tiếp viên mỉm cười, nấn ná đứng lại. Ðúng ra Tường phải nói thêm một câu nào đó, rồi cười và nếu cần kéo ghế mời cô ta ngồi lại vài phút. Dễ dàng và bình thường như đã làm tại các vũ trường. Nhưng anh ngồi im, gật đầu một cách máy móc. Ðiều này không dính đến một lý do nào cả, ngay cả việc sợ Nhu buồn hay Ðoan phật ý. Tường chỉ không thích làm như vậy, trong lúc này. Cũng giống anh đã thích làm như thế, những lúc trước. Người nữ tiếp viên bỏ đi. Tường lại tìm thấy một nét đẹp nữa của cô ta. Vòng eo thật tuyệt vời. Nhỏ xíu và cân xứng với tấm thân thanh thoát. Cô ta có dáng vẻ của một người sinh viên đầy mơ mộng hơn là một nữ tiếp viên trong bộ đồng phục.
Ðoan xoay sang Tường.
– Anh uống có vẻ nhiều.
– Chả nhiều đâu.
– Bao nhiêu mới là nhiều?
– Anh cũng chẳng biết nữa.
Ðoan cười nhẹ. Cái cười quyến rũ và làm rực rỡ khuôn mặt. Hẳn Hải cũng phải nghĩ thế và đang say đắm nhìn Ðoan. Khuôn mặt anh ta có nét xúc động nhưng ánh mắt lại hướng về Nhu.
Hải và Ðoan lại ra sàn nhảy. Cô ca sĩ quá thì của một thời Sài Gòn đang vặn vẹo trong bản boléro cũ. Nhu nhổm người qua phía Tường, cố gắng nói trong tiếng nhạc ồn ào.
– Em không thích anh uống nữa.
– Nhưng anh thích.
Nhu mím môi lùi lại. Khoảng cách giữa hai người như cũ. Ðến lượt Tường chồm sang phía Nhu. Khoảng cách gần lại. Anh thấy vết thẹo nhỏ trên má Nhu.
– Anh yêu em.
Nhu quay lại, hơi thở của họ rất gần. Tường đột nhiên thèm một nụ hôn.
– Anh muốn hôn em.
– Bậy.
– Sao lại bậy, hôn người mình yêu đâu vi phạm luật pháp Mỹ...
Nhu mấp máy định nói thì Ðoan và Hải quay về bàn. Vẫn nụ cười tươi tắn, Ðoan vừa kéo ghế ngồi vừa đưa tay bưng ly nước.
– Vui quá!
Có hai nụ cười rưỡi sau câu nói của Ðoan được làm. Một của Tường, một của Hải và phân nửa của Nhu. Môi nàng nhếch lên phía bên trái, lúm đồng tiền má phải không hũm xuống. Tường thấy khóe mép nàng hơi co giật. Hẳn câu chuyện đang nói lưng chừng làm Nhu khó chịu. Ðoan không thấy điều đó, đặt ly nước xuống mặt bàn.
– Anh không ra nhảy?
– Anh già rồi.
– Chị Nhu còn trẻ.
Tường bật cười sau câu nói đùa của Ðoan.
– Sao em không hỏi chị Nhu?
– Anh hỏi mới đúng...
Bây giờ là niềm vui với cô gái 21 tuổi. Ở Ðoan, Tường tìm thấy anh của những ngày vừa lớn. Tự tin, lạc quan và khỏe mạnh. Bước vào đời bằng nụ cười rạng rỡ trên môi, bỏ quên những vòng gai – theo Tường năm ấy – là nhỏ nhặt và không đáng quan tâm. Chỉ sống và sống với nếp suy nghĩ riêng tư. Những rối rắm, hệ lụy của đời sống chỉ là các thứ lẻ tẻ. Người trẻ tuổi của những năm 70 lạc lõng không ngờ. Lạc lõng với chung quanh và lạc lõng với chính mình. Ðến lúc nhìn lại thì chợt hiểu đã trễ tràng. Ðoan hôm nay thế nào? Giữa những thứ gọi là tiện nghi và văn minh nhất thế giới này, liệu Ðoan có tìm thấy phút nào của riêng mình? Hay lấp lẫn và đã bỏ quên mình? Tường dụi mạnh điếu thuốc vào chiếc gạt tàn, gạt phăng ý nghĩ đang có. Tại sao lại lấn cấn những điều này trong đầu. Hãy để Ðoan sống như mình đã sống.
Hải đã nghiêng qua phía Ðoan. Họ nói gì vậy? Tán tỉnh nhau? Nhắc đến anh? Nhắc đến Nhu? Sao cũng được, Tường cảm thấy vui vui khi hai cái đầu châu vào nhau, được nối liền bằng ly cam vắt và một vỏ chai bia. Có những nụ cười trên môi hai người, có những tiếng thầm thì lẫn vào tiếng nhạc, có những tia mắt cởi mở tự nhiên. Tuổi trẻ đang sống với hạnh phúc là đây. Những phút tìm được nét hạnh phúc từ người khác luôn luôn làm lòng anh dịu lại. Một dấu hiệu tự nhiên của một người bất thường và không hạnh phúc. Hoàng đã nói với Tường một lần như vậy, nhưng cần gì? Quán, Vĩnh, Hoàng, Nhu, Ðoan, Hải và cả thằng Mễ nữa... Thằng Mễ, anh giật mình khi nghĩ đến thằng bạn bụi đời này. Nhu thấy rõ cái giật mình của Tường.
– Sao vậy anh?
– Anh vội quá nên quên...
– !!!
– Lúc đi, vội quá nên quên không dán giấy dặn thằng Mễ mấy giờ anh về. Sợ nó chờ.
Hải và Ðoan đã rời câu chuyện riêng tư và tình cờ theo dõi câu chuyện giữa hai người. Ðoan ngạc nhiên.
– Anh ở một mình mà.
– Phải, nhưng có một thằng Mễ bụi đời hay đến nhậu và ngủ lại với anh. Bữa nay thứ bảy, thế nào nó cũng ghé, không có anh, nó lại thắc mắc.
– Thứ bảy nào anh cũng gặp nó.
– Ừ! Lúc nãy đi vội quá nên không báo cho nó biết.
Trên môi Hải và Ðoan nở nụ cười gần như chế giễu khi thấy Nhu có vẻ quan tâm.
– Rồi ông Mễ làm sao.
– Vậy mới nói, phiền thật.
Hai nụ cười trên môi Hải và Ðoan như nở lớn hơn. Làm sao hai người trẻ này hiểu được cái “phiền” Tường vừa nói. Ðời sống họ phẳng lặng và ấm yên quá. Không một biến cố nào to lớn xảy ra trong đời họ đến độ đáng phải suy nghĩ ngoài biến cố tình cảm riêng tư. Họ đâu có những tháng ngày lang thang, không nhà, sống lây lất trên từng vỉa hè. Bị ruồng bắt, xua đuổi từ những người chung quanh. Họ đâu có những phút tìm thấy một con người san xẻ với mình phút cô đơn tận cùng. Phút cô đơn đúng nghĩa của những con người đã từ bỏ nơi chốn thân yêu để tìm đến nơi chốn không chờ đón, phủ nhận sự có mặt của mình. Từ một ngôi làng nghèo khổ tại xứ Mễ với những con người cùng chủng tộc, với gia đình của mình, với tình thương thằng Mễ đã đến đây để gặp vỉa hè, gặp những chớp đèn xanh đỏ của xe cảnh sát, gặp những cơn gió lạnh cắt của San Jose lúc bụng đói... Muốn quay về lắm chứ, nhưng không dám. Ðã có lần nó nói với Tường trong một cơn say. Trở lại một nơi chốn đã từ bỏ bằng sự rách nát sao đành?
Và Tường, anh đã có tháng ngày trốn trại tù cải tạo về. Những hè đường Sài Gòn, những góc vườn Củ Chi, Hậu Nghĩa, những bờ sông hôi thối với giòng nước đen kịt, bẩn thỉu và ngập rác rưởi đã được gọi là cuộc sống. Chung quanh vẫn là người, vẫn là thành phố cũ nhưng sao xa lạ. Không một nơi để anh tìm về. Ngơ ngác và cơ đơn. Ðể cuối cùng tìm gặp sự an ủi nơi một cô gái buôn hương tên Hoa. Sự thông cảm giữa hai con người bị vất vào đáy cuộc sống thật tuyệt vời. Không còn những điều kinh tởm, độc địa của những người bình thường trong cách thế đối xử. Chỉ còn là tình thương đúng nghĩa. Tường đã sống nhiều đêm ở đường Hồng Thập Tự bên Hoa. Cho đến lúc đợt ruồng bố của tháng chín năm 1981. Hoa bị bắt chung với hàng trăm cô gái khác. Lần đó Tường vượt biên nhưng không thành. Sau mấy ngày vắng mặt, anh trở lại căn nhà gỗ nhỏ bé, bẩn thỉu bên cạnh đường xe lửa. Cửa đóng và Tường vẫn không ngờ việc xảy ra cho Hoa. Anh đã ngơ ngác đứng trước cánh cửa bằng tôn khép kín với tâm trạng hụt hẫng. Nơi chốn ẩn náu cuối cùng cũng mất từ đây... Tường hiểu Tường phút đó hơn bao giờ hết, và không muốn điều đó xảy ra tại đây.
– Bây giờ sao anh?
– Lỡ rồi, còn biết sao?
– Hay mình về.
Tường nhìn đồng hồ, đã trễ giờ thằng Mễ thường đến.
– Trễ rồi em ạ.
Nhu gật đầu.
– Em xin lỗi đã giục anh.
– Cảm ơn em.
Ban nhạc đã hết giờ nghỉ và quay lại sân khấu. Một bản quân hành trong điệu Passo Doble nổi lên. Hải và Ðoan đứng dậy. Lần này Tường không nhìn thấy tia mắt bất ổn của Hải ném về Nhu.
– Họ hạnh phúc thật.
– Không phải vậy đâu.
Nhu đính chính với cái cười rất lạ và tiếp.
– Anh không hiểu em muốn nói gì?
Tường gật đầu nhưng không tiếp tục câu chuyện. Từ lúc bắt đầu đi cho đến bây giờ Tường đã bỏ rơi nhiều câu chuyện. Như những mẩu ý nghĩ mà anh hằng bỏ rơi mỗi khi cảm thấy bị lấn cấn. Và vẫn cho chuyện đó là bình thường. Nhưng sao mọi người không nghĩ thế khi nhìn về anh. Hành động này đã bị Hoàng gọi là bất thường và biểu hiện của kẻ thiếu hạnh phúc. Có khoảng cách nào đó trong những cái nhìn này không? Nếu có thì nguyên nhân từ đâu? Và tại sao thế? Giữa bạn bè, giữa những người chung quanh anh vẫn sống bình thường như trăm ngàn người. Vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn làm việc... Ðâu có gì khác biệt để những ý nghĩ gấp khúc lại có từ mọi phía? Thằng bỏ đi. Tường mỉm cười khi nhớ đến tên gọi đã có từ hai thằng bạn thân.
– Em còn nhớ Vĩnh và Hoàng gọi anh là gì không?
– Thằng...” ông” bỏ đi!
– Thằng bỏ đi!
Tường chữa lại câu nói trớ của Nhu. Cả hai bật cười lúc Ðoan và Hải về đến bàn.
– Gì thế chị Nhu?
– Chẳng có gì. Mình về chứ?
Ðoan đưa mắt nhìn Tường, trước khi nhìn Hải. Rõ ràng cô bé này chưa muốn về. Người trẻ luôn luôn ham chơi hơn người già. Tường nói.
– Mình ở lại thêm một tí.
Có tia mừng rỡ trong mắt Ðoan. Nhu bình thản hỏi thêm.
– Một tí là bao nhiêu?
– Nửa tiếng nữa.
Tường làm một con tính trong đầu khi trả lời. ba mươi phút đủ để Ðoan và Hải nhảy thêm năm bản nữa. Ðoan đứng dậy, cô bé cảm ơn anh bằng mắt. Tường thấy mình buồn cười vì những ý nghĩ loại đó. Nhu trở lại câu chuyện đang nói.
– Tại sao mấy anh gọi anh như thế?
– Em thừa biết mà còn hỏi làm gì.
– Em muốn chính anh... phát biểu.
Tường nhún vai.
– Thì như em và mọi người thấy, anh lơ ngơ, lạc lõng và chẳng chịu làm ăn đàng hoàng, không lý tưởng, không lo tương lai...
– Em không nghĩ vậy.
– !!!
– Anh có nếp suy nghĩ và thái độ sống riêng tư. Em nhìn thấy điều đó từ lúc mình vừa gặp nhau lần đầu. Không thể lẫn lộn và hòa nhập với mọi người chung quanh được. Ở anh, có lúc sự cô đơn sừng sững, hiển hiện giữa dòng sống như một thân cây trơ trọi giữa sa mạc nhưng cũng có lúc hòa nhập, đổ ào ạt thương yêu vào cuộc đời, như cánh sông đổ ra biển những hạt nước mát. Em theo anh mệt muốn đứt hơi vì cách sống kỳ cục.
– Em đang viết văn bằng mồm đó hả?
– Em đâu dám múa rìu qua mắt thợ. Nhưng đó là những điều em nghĩ và thấy. Anh đừng lẩn tránh em như đã lẩn tránh mọi người.
– Em mà viết văn chắc hay lắm.
– Anh đừng giỡn. Em không nhìn anh bằng cái nhìn của mọi người chung quanh. Anh không phải là một... ông bỏ đi.
– Thằng bỏ đi.
– Thì thằng bỏ đi cũng được. Ðó là anh bắt em nói, chứ em chẳng bao giờ để tâm đến vấn đề đó vơí chữ “thằng” kỳ cục như vậy. Anh lúc nào cũng đùa giỡn và khôi hài hóa cuộc sống, hình như chả có gì anh cho là quan trọng cả. Anh đừng giỡn nữa.
– Anh không giỡn nữa, em nói đi.
– Nói cái gì? Mặt anh trông giễu như vậy ai mà nói được...
Nhu cầm lấy chai bia đặt trước mặt Tường, rót vào ly của nàng. Những ngón tay nhỏ bám trên cổ chai thật chặt. Tường suýt bật cười vì cử chỉ giận dỗi đó. Chai bia còn ít, chỉ chừng một góc ly. Nhu bưng lên uống một ngụm. Cổ họng nàng giật giật thật ngon lành. Nhu có vẻ biết uống bia. Tường đổi ly bia còn đầy cho nàng.
– Uống đi em, hết anh sẽ gọi nữa... Bọn mình còn khối tiền, đừng lo gì cả.
Nhu mím môi, làm thêm một ngụm. Lần nầy có nếp nhăn trên mép sau khi uống. Chắc bắt đầu thấy đắng miệng. Tường nén tiếng cười, đưa tay gãi mũi khi Nhu đặt ly bia xuống bàn.
– Ngon không?
– Kệ em.
– Thì kệ em, nhưng uống không nổi thì trả anh, đừng màu mè.
– Em không giỡn.
– Anh cũng đâu dám giỡn.
Tường với tay lấy lại ly bia và uống cạn khi Ðoan và Hải về chỗ. Nhu đứng dậy, không chờ Ðoan ngồi xuống.
– Mình về.
Tường đứng dậy, theo ba người len qua những dãy bàn để đi ra. Qua khỏi lớp màn che, tự nhiên bốn người tách thành hai cặp. Ðoan và Hải đi phía trước, còn Tường và Nhu theo sau. Hè phố rộng thênh thang, đủ chỗ cho họ cùng đi ngang nhau, nhưng những bước chân của từng người như đã bị buộc vào nhịp định sẵn để đi thành hai cặp. Những nhịp chân chậm, vang trên hè phố nghe rời rạc và buồn tênh. Suốt đoạn đường chỉ có bốn người. Nhu đi sát Tường hơn.
Thỉnh thoảng vai nàng chạm vào ngực anh. Những cử chỉ đụng chạm tình cờ, không gây cảm xúc da thịt, nhưng cần thiết cho một lần đi bộ của trai gái trong khung cảnh vắng tênh của thành phố về khuya.
– Nhớ Sài Gòn ghê em ạ!
– Em chưa bao giờ đi giữa khuya của Sài Gòn nên không biết. Giống Sài Gòn lắm hả anh.
– Chẳng giống tí nào cả. Nhưng anh chợt nhớ...
– Em không hiểu.
– Chả có gì cả, giữa anh và thành phố này như có một khoảng cách không thể giải thích được. Những con đường, những tòa nhà, những gốc cây, những góc phố... Tất cả luôn luôn mang một vẻ xa lạ nào đó mà anh không cảm được. Ðã có những buổi chiều, đã có từng buổi tối anh lang thang trong nắng, trong cái im ắng để cố tìm một nét thân quen và gắng hòa nhập vào ý nghĩ là mình đang lang thang tại Sài Gòn. Nhưng vô ích em ạ! Luôn luôn trong anh dấy lên thứ tình cảm lạnh lùng... đôi lúc như khinh bạc trong cái nhìn... Chưa hết! Ðã có lần anh tưởng mình đang ở một thế giới khác nhìn xuống thành phố này. Nhìn xuống! Em hiểu chứ?
Nhu mỉm cười, bước chân chậm lại. Khoảng cách giữa hai người và Ðoan, Hải xa hơn.
– Anh... kỳ thị thấy rõ.
Tường đi chậm lại theo nhịp chân Nhu.
– Kỳ thị? Chữ hay quá! Em mà viết văn chắc hay lắm. Chưa bao giờ anh nghĩ đến hai chữ ấy cả. Có lẽ em nói đúng anh kỳ thị thành phố này một cách bạc bẽo và vô tình.
Nhu ngước lên, ánh mắt trong veo. Họ dừng lại khi đèn đỏ dù con đường vắng tanh, không một bóng xe cộ. Bên kia đường Hải và Ðoan vẫn đi.
– Chắc anh phải viết một truyện ngắn để xin lỗi thành phố này. Quả là em nói đúng, anh kỳ thị thành phố này đến độ không có một chút cảm tình nào cả. Dù thành phố này, những người của thành phố này đã đón tiếp anh, nuôi dưỡng anh...
– Anh vẫn viết đều chứ?
Nhu hỏi khi họ băng qua đường dưới ngọn đèn xanh. Tường gật đầu.
– Vẫn phải viết đều. Thuốc lá dạo này tăng giá vì thuế và rượu cũng mắc hơn...
Nhu bật cười, nét mặt hồng và rạng rỡ dưới ngọn đèn đường chuyển sang màu đỏ. Con đường đi vào một khúc tối của dãy thương xá đã tắt đèn và sâu hun hút. Cuối mắt nhìn là các cột đèn báo hiệu nhấp nháy đổi màu. Thành phố vào khuya buồn và hoang lặng. Những cơn gió nhẹ, thoáng qua hai hàng cây ven đường gây nên những tiếng động xào xạc. Tường cố tìm một nét thân quen qua sự liên tưởng giữa Sài Gòn và thành phố này thêm lần nữa. Nhưng đành chịu. Khoảng cách đã ăn sâu trong đầu mỗi khi đi lang thang, không thể xóa bỏ, dù đêm nay có thêm Nhu bên cạnh.
– Chả có gì cả.
Tường lẩm bẩm trong miệng. Nhu ngạc nhiên.
– Gì thế anh!
– Chả có gì là giống cả. Có lẽ anh chợt nhớ Sài Gòn vì đêm nay có em bên cạnh.
– Lại liên tưởng đến một cô bạn nào đã cùng đi trong khuya Sài Gòn?
– Em rất thông minh.
– Cảm ơn anh.
Câu cảm ơn của Nhu như có giọng reo vui của sự tinh nghịch. Tường châm một điếu thuốc nhìn về phía bãi đậu xe bên kia đường. Trong khoảng tối, hình ảnh của Ðoan và Hải mập mờ không rõ nét.
– Những người trẻ tuổi luôn luôn hạnh phúc.
– Anh bảo ai?
– Hải và Ðoan. Ðêm nay hẳn có một người rưỡi hạnh phúc.
– Là thế nào hả anh?
– Một người hạnh phúc trọn vẹn là Hải và nửa người là Ðoan.
– Anh sai rồi!
– Sao lại sai?
Tường ngạc nhiên hỏi lại. Nhu mỉm cười.
– Hải không phải là bạn trai của Ðoan.
– Vô lý.
– Sao lại vô lý. Hải có cảm tình với em từ bốn năm nay.
Tường khựng lại dù đèn báo hiệu bật sang màu xanh. Thành phố này quả tình là xa lạ, ngay cả đêm nay.
Tường không thích thái độ của Hoàng trong buổi họp cựu quân nhân. Dù là bạn thân nhưng trước khuôn mặt hầm hầm, ánh mắt đỏ rực và từng câu nói gằn giọng của bạn, Tường khó chịu không ít. Ở Hoàng có một sự phẫn nộ – không, phải gọi là nét quá khích, cực đoan – được lộ ra. Ào ào nói, không dành cho người khác cơ hội phát biểu. Như một con thú dữ bị chọc giận, Hoàng vung tay, vung chân hò hét tại hội trường. Mọi người nhìn nó bằng đủ loại cái nhìn. Ngán ngẩm có, bực dọc có... Nhưng lúc đó Hoàng đâu cần. Nó chỉ biết một điều: cần phải lộ lập trường và thái độ rõ nét. Tường lắc đầu tự trách sao lại để thằng bạn này lôi vào đây.
Ðã từ lâu Tường đứng ngoài mọi sinh hoạt của anh em cựu quân nhân. Ngay cả chi hội Biệt Ðộng Quân được thành lập, Tường vẫn không quan tâm, dù đó là binh chủng đã sống trong cuộc chiến. Với anh, chỉ là sự ủng hộ hoặc phụ giúp anh em trong khả năng của mình. Còn bảo tham gia những hoạt động trực tiếp của anh em thì đành chịu. Anh hiểu anh hơn ai hết, và không muốn mình là một mối phiền cho những người còn có lòng. Chỉ lặng lẽ theo đuổi việc đang làm. Nhưng hôm nay không biết tại sao Tường lại yếu lòng theo Hoàng đến tham dự buổi họp này. Lấy tư cách một người làm báo ư? Tường không nghĩ vậy. Bằng cương vị một cựu quân nhân ư? Tường ngờ lắm. Với tình bạn với Hoàng ư? Ðâu gì là cần thiết sau hơn hai mươi năm. Thế mà vẫn đến để dành lấy sự bực bội. Hay bởi sự trống rỗng của một buổi chiều tháng tư?
Tháng tư! Mẹ kiếp! Mười lăm lần tháng tư đã qua đời Tường với đủ kiểu suy nghĩ. Có tháng tư ngơ ngác, cởi áo, vất súng dắt thằng lính thân tín tìm đường về nhà. Có tháng tư nuốt không nổi hai miếng thịt heo bằng đầu ngón tay để “mừng ngày ba mươi tháng tư” trong trại tù cải tạo. Có tháng tư xếp hàng lãnh mì gói tại đảo Galang trước khi làm lễ. Có tháng tư lang thang trên đường Hồng Thập Tự với con điếm để nhìn kỹ khuôn mặt mọi người chung quanh. Có tháng tư say khướt, khóc như cha chết ở một thị trấn chỉ có một mình là người Việt Nam. Có tháng tư nóng mặt, đứng giữa đám đông biểu tình tại Santa Ana, Wichita, Washington... rồi mát mặt trong cuộc vui được gọi là gì gì đó. Có tháng tư rỗng tuếch, không biết sẽ làm gì rồi để rơi theo hành động của những người chung quanh một cách vô tình. Những tháng tư chất vào hồn Tường, nằm ỳ nơi đó, khơi dậy bất cứ lúc nào trong năm. Chẳng cần đợi một thời gian chính xác. Anh hiểu rõ ràng nhưng sao lại theo Hoàng đến đây? Trong buổi chiều tháng tư này.
Hoàng đóng mạnh cửa xe, mở khóa máy. Bàn chân ấn mạnh vào chân ga. Ðộng cơ rú lên ầm ĩ. Người chung quanh nhìn về phía bọn Tường. Thêm vài cái lắc đầu của đám người vừa có mặt trong buổi họp. Những cái lắc đầu y hệt những cái lắc đầu đã làm mà Tường nhận được khi Hoàng phát biểu.
– Bớt nóng anh bạn.
– Sùng thật! Ngơ ngơ cả đám.
– Sùng cái chó gì, cũng phải có người này người khác chứ? Mày đòi hỏi ai cũng hừng hực như mày đâu được.
– Cái gì mà hừng hực? Vậy thì vào đây làm gì?
– Thì cũng phải có nơi cho họ đến, cho họ tìm lại con người của họ chứ. Giữa lúc này, còn những người có lòng là quí rồi. Còn làm được gì? Ðóng góp bao nhiêu là tùy theo khả năng? Ai cũng có một đời sống riêng để lo toan.
– Tao không có chắc? Sao tao vẫn làm được?
– Ði đi, đậu hoài một chỗ sao cha nội!
Hoàng sang số. Chiếc xe rời khỏi bãi. Chiều đã xuống với ánh nắng vàng chói mắt. Thành phố đã bắt đầu vào sinh hoạt của đêm thường lệ. Và Tường cũng sẽ bắt đầu một buổi tối tại nơi chốn xa lạ. Giữa anh và những thành phố Mỹ chẳng có gì ăn nhậu với nhau. Hờ hững trong từng tia nhìn. Dù những thành phố đó đã bao dung và cho Tường cuộc sống hệt như những cuộc sống khác. Nghĩa là cũng ăn, cũng ngủ, cũng hít thở, rong chơi... Anh vẫn có một chỗ đứng tại đây. Nhưng sao chẳng quyến luyến, xúc động mỗi khi rời bỏ một nơi chốn để đến một nơi chốn khác. Quả tình là mình kỳ thị thành phố này. Tường bật cười khi nghĩ đến hai chữ “kỳ thị”, Nhu đã dùng trong buổi tối hôm nào. Hoàng quay sang Tường, lúc xe ngưng tại một ngã tư có bảng stop.
– Cười cái gì?
– Cười cũng không được sao? Con ông cụ hôm nay có vẻ khó tính hẳn ra. Cà khịa trong buổi họp không đủ hay sao? Lại còn tính cà khịa cậu nữa.
– Vậy mà là cà khịa hay sao?
– Còn thế nào mới được gọi là cà khịa? Mặt mày trong buổi họp trông kỳ bỏ mẹ. Tao là bạn của mày còn không chịu nổi huống chi người khác?
– !!!
– May mà hiểu mày từ ngày còn đi học bằng không tao cũng phải nghĩ không đẹp cho mày. Y hệt một thằng đang đóng trò trên sân khấu. Thế nào cũng có vài ý nghĩ loại đó từ những người họp hôm nay dành cho mày.
– Mày nghĩ vậy?
– Cần gì nghĩ với ngợi? Dù lờ ngờ với cuộc sống như tụi mày hằng nghĩ, nhưng tao đâu phải thằng mù. Tao thấy vậy.
Hoàng ngẫm nghĩ trong lúc chờ xe vắng để băng qua khúc quẹo trái. Khuôn mặt trầm tĩnh hơn, nét hung dữ trong buổi họp không còn. Ngón tay trỏ đập đập trên tay lái, nó có vẻ để tâm đến điều Tường nhận xét. Chừng vài phút sau, Hoàng gật gù khi xe bắt đầu chạy.
– Mấy thằng viết lách thật nguy hiểm. Nhận xét và thấy những điều người khác không thấy. Cái vỏ lờ ngờ chỉ là bề mặt, bên trong là con mắt mở to, chăm chú.
Tường nhún vai.
– Ðiều đó đâu quan trọng. Ai cũng có thể làm được nếu chịu để tâm nhận xét vấn đề. Ðiều quan trọng là thấy mà có dám nói thật hay không. Khối thằng hiểu rõ ràng những sự việc xảy ra mà vẫn câm như hến, không dám nói những điều cần nói.
– Cái gì là cần và cái gì là không cần?
– Tự mỗi vấn đề, mỗi sự việc đã lộ ra cái cần và cái không cần rồi. Cần quái gì phải phân tích, cân nhắc làm chi cho mệt. Chỉ... ngửi là đủ.
– Thối!
– Sao lại thối? Tao nói không đúng hay sao? Như hôm nay khối thằng bực mình vì mày mà có đứa chó nào nói với mày đâu? Nếu không là bạn cũ của mày, và cùng về bữa nay, chưa chắc tao có dịp để nói và mày đâu biết mẹ gì.
– Nếu không phải là bạn cũ liệu mày có nói với tao không?
Tường khựng lại trước câu hỏi của Hoàng. Phải rồi, nếu chẳng có tình bạn từ bao lâu nay, liệu anh có nói với Hoàng những điều mình thấy không? Hay cũng chỉ im lặng rồi bỏ qua như mọi người đã làm?
– Có lẽ không, việc này quá nhỏ nhặt, không đáng nhắc nếu không thù oán mày.
Hoàng cười giễu cợt.
– Như vậy mọi người đều... thương tao!
– Chưa chắc! Biết đâu mai mốt mày lại nhận được vài cái nhìn đố kỵ, xa cách.
– Tao đếch cần điều này, cái chính là nói và làm được việc.
– Nhưng dù sao cũng nên tế nhị.
Hoàng buông một tiếng chửi cho xe vào một exit dẫn đến down town. Con đường uốn quanh với hai hàng cột xi măng hai bên. Từ free way rộng thênh thang, thẳng băng có những vạch trắng phóng túng bất thần lọt thõm vào một exit chật hẹp, uốn éo với độ dốc thoai thoải tưởng như đang sống trong khung cảnh tự do bị ném vào vùng trời tù túng, trói buộc. Chiếc xe giảm dần tốc độ ngược với nhịp sống đang nhanh dần. Bây giờ dãy cao ốc hai bên đường hiện lên rõ ràng. Từng khung cửa sổ, từng bảng hiệu, từng vệt sơn... Bọn Tường đi vào lòng thành phố như đi vào lòng cuộc sống Mỹ.
*
Xe vòng qua đường Second. Hoàng lên tiếng.
– Ăn ở đâu?
– Ðâu cũng được. Cơm, phở, cháo, bún... thứ nào cũng như nhau. Mà thôi, vào Mini Club đi.
– Mini Club?
– Ờ... Cái vũ trường nằm ở bên trái kia kìa. Ngay cái bảng dựng trước cột đèn đó.
Hoàng ghé xe sát lề, móc túi lấy vài đồng cắc bỏ vào đồng hồ đậu xe. Chiếc kim đỏ, sau cái bật tay của Hoàng, xoay lưng chừng. Hoàng nhìn chăm chú vào mức số của kim đang chỉ. Xong, cẩn thận bỏ thêm một đồng cắc vào. Lại bật tay thêm lần nữa. Chiếc kim nằm sát đáy, Hoàng xoa tay.
– Vậy là đủ.
– Chiều rồi còn lo gì nữa.
– Cẩn tắc vô áy náy mà...
Tường không nói, cùng Hoàng vào quán, chọn một bàn sát cửa sổ. Bên ngoài khung kính là cảnh chiều đang hết. Nắng cuối ngày tỏa sau dãy cao ốc bên kia đường, hắt xuống bãi đậu xe trước mặt quán một vùng đen. Khung cảnh vắng tanh, không một người qua lại và những chiếc xe trong bãi như đang say ngủ. Cảnh buồn và không có một ý sống nào dấy lên. Ngay cả chớp đèn màu hồng của hàng chữ “Hilton Hotel” đang nhấp nháy trên sân thượng một tòa nhà cũng mang vẻ ảm đạm.
Hoàng vất gói thuốc lên bàn.
– Ðây có gì ăn?
– Thiếu giống gì. Bún chả, cơm, bún riêu...
– Gì ngon nhất chứ?
– Tao làm sao biết được mồm mày thế nào? Nhưng theo tao thì xôi vò chè đường ở đây là nhất!
– Tao thấy không giống quán ăn.
– Ðã bảo là một vũ trường mà. Tao thích ngồi ở đây. Khung cảnh dễ chịu cho cái nhìn. Từ chỗ này, tầm mắt của mình được phóng ra rộng rãi, không bị ngăn chận. Hơn nữa, quán này ít ồn ào.
– Mày đi ăn hay đi ngồi?
– Ăn thì ở đâu chả thế, món gì cũng vậy. Cũng thừa mứa và ngán tới cổ. Tao cần chỗ ngồi nhiều hơn.
Hoàng gõ điếu thuốc xuống mặt bàn. Ðảo mắt nhìn chung quanh. Lối bài trí có vẻ xa lạ đối với nó. Tường thích thú trước nét lơ ngơ của thằng bạn vừa có thái độ hung hăng trong buổi họp. Ngơ ngáo như một học sinh của những năm 60 vừa đến vũ trường lần đầu. Cũng may cho nó hôm nay không phải cuối tuần. Chỉ là buổi chiều với sự im ắng của một quán ăn vắng khách.
Tất cả chỉ ba bàn có khách ngồi. Vỏn vẹn sáu người khách. Một cặp trai gái ngồi tại chiếc bàn sát quầy thu tiền, hai người đàn bà ngồi phía bàn bên trái và bọn Tường. Câu chuyện từ họ và từ hai người đàn bà được cả bốn người nghe chung. Còn đôi trai gái chỉ thấy những cái gật đầu và những nụ cười trên môi. Hai người đàn bà đang nói chuyện về một kiểu xe mới của năm 1989. Câu chuyện theo Tường thì bình thường, theo Hoàng có lẽ là nhạt nhẽo, nhưng hai người đàn bà có vẻ thích thú ra mặt. Màu sơn, cửa tự động, mở mui... sau cùng là giá tiền. Con số được nói làm Tường giật mình. Mẹ kiếp! Một cái xế với giá như vậy, tàn đời anh cũng chưa rớ được. Tường bắt đầu chú ý đến hai người đàn bà nhiều hơn.
Người đàn bà ngồi phía trong có khuôn mặt bầu bĩnh, mắt to, cánh môi ướt nhẫy son. Nhan sắc thuộc loại trung bình nhưng thân hình quả là hấp dẫn. Ngực căng cứng và da tươi mát. Sinh lực tràn đầy và gợi sự ham muốn của giống đực. Bà ta (hay cô ta?) trạc ngoài ba mươi. Ngược lại, người đàn bà ngồi bên ngoài thân thể ốm o, không có nét gì hấp dẫn. Khuôn mặt cũng không nhận được bởi xoay lưng lại. Chỉ có mái tóc được nhuộm màu nâu thẫm và bàn tay đeo nhẫn là rõ. Một chiếc nhẫn kim cương to tướng, đè lên ngón tay trỏ ốm yếu và khẳng khiu. Cả hai đều là những người lạ mặt với Tường. Tại sao Tường lại để ý đến họ? Từ con số của giá tiền chiếc xe vừa nhắc đến hay sao? Kỳ cục quá vậy, giữa anh và chiếc xe cùng hai chị đàn bà này có gì dính đến nhau đâu. Lại ấm ớ với loại suy nghĩ này rồi! Tường quay lại với Hoàng, thằng bạn cù lần hẳn cũng vừa làm xong một màn quan sát.
– Lối bài trí lạ thật.
– Mày không thấy cái “piste” nằm chình ình ở giữa quán hay sao? Ðây chỉ đông vào những ngày cuối tuần, vũ trường được mở cửa, còn ngày thường thì như mày thấy, vắng teo.
Người hầu bàn đến, đó là một thanh niên khoảng hai mươi, mặt mày sáng sủa và thông minh. Bọn Tường gọi thức ăn. Người thanh niên quay đi. Hai người im lặng cho đến lúc người thanh niên trở lại với khay thức ăn.
Phía bên trái hai người đàn bà đã ăn xong. Chuyện của họ đã chuyển từ cái xe qua một mốt áo mới vừa được phổ biến. Người đàn bà phía trong ngả vào thành ghế, khuôn mặt hiện lên nét thỏa mãn. Tường liên tưởng đến một con heo vừa ăn xong, đang nằm phưỡn bụng bên máng cám đã cạn. Mắt chị ta lờ lờ như đôi mắt cá ươn, cặp môi vẫn ướt nhẫy son nhưng thiếu hẳn vẻ linh hoạt ban đầu, lúc nói về chiếc xe năm 1989. Hai cánh môi rời rạc, buông từng lời phẩm bình về kiểu áo. Hình như tiếng nói của chị ta cũng bị ướp một lớp màng no đủ, thừa mứa. Bây giờ thì nọng thịt hai bên má nổi bật trên khuôn mặt. Nét hấp dẫn, gợi dục biến đâu mất. Chỉ trần truồng một vẻ ê chề, rã rượi như khuôn mặt được thỏa mãn quá mức sau một đêm truy hoan. Bất giác Tường cảm thấy lợm giọng.
Hoàng cắm cúi ăn. Món xôi vò chè đường có vẻ làm nó khoái khẩu. Chiếc muỗng trong tay Hoàng được làm việc liên tục và nhịp nhàng. Khoắng một ít xôi bỏ trong chén chè, múc đầy, đưa lên môi, húp, nhai. Xong tắc tắc vài cái trong mồm. Thằng bạn này tự nhiên giông giống chị đàn bà bàn bên kia. Cũng có vẻ mãn nguyện và thỏa thuê. Tường hất hàm, buông đũa xuống.
– Ngon không?
– Ngon.
– Thấy mày ăn đã thật. Cứ làm như chưa bao giờ biết xôi vò chè đường là gì.
Hoàng thản nhiên trước câu giễu cợt của Tường, vét nốt muỗng chè còn sót lại trong chén. Lập lại những động tác: húp, nhai, nuốt một cách ngon lành hơn. Rồi cũng tắc tắc vài tiếng trong mồm y hệt anh vừa thấy. Và rất tình cờ, nó cũng ngã ngửa, dựa lưng vào thành ghế y hệt chị đàn bà vừa làm. Tường chăm chăm nhìn nó y hệt cái nhìn dành cho chị đàn bà. Không có hai nọng thịt dưới cằm. Ít nhất thằng bạn này cũng còn nét khác biệt với một con heo vừa ăn xong.
– Mày dạo này ra sao?
– Sao là sao? Vẫn vậy, ngày hai buổi, làm báo, viết lách.
– Còn Nhu?
Gì nữa đây? Lại đến phiên thằng bạn này hỏi tội nữa sao? Chuyện của Tường và Nhu có ăn nhậu gì đến tụi nó mà bị nhắc hoài? Hết Vĩnh đến Hoàng.
– Thì cũng vậy. Nhu vẫn ở với gia đình, đi học đều và thỉnh thoảng bọn tao gặp nhau, gọi phone, thư từ.
– Tao thấy tội cô nhỏ đó...
– Im mẹ miệng mày lại.
– Im cái gì? Mày lơ ngơ, chả lo gì hết.
– T.. ao...
Tường buông lửng tiếng “Tao...” được kéo dài, nhỏ dần, rồi tắt hẳn tại âm ”... ao”. Quả tình là “tao” thế nào đây? Anh chỉ biết bực bội, tìm cách khỏa lấp trước bạn bè bằng một tiếng chửi thề. Nhưng đó là với người ngoài, còn với chính mình làm sao lẩn tránh được? Anh đừng lẩn tránh em như đã lẩn tránh mọi người. Ngay cả Nhu cũng nói thế. Tường lẩn tránh mọi người? Phải thế không? Khi anh đang sống trong cuộc sống này. Mà lẩn tránh cái gì khi những điều thật đang được phơi lộ ra.” Nhu, Nhu, Nhu...” Tường lẩm bẩm gọi thầm khi bàn tay phải theo thói quen đặt lên ngực trái. Những ngón tay lần mò trong túi áo, chạm vào bức tượng cô bé bằng đồng thau. Lòng dịu lại, anh nói nhỏ.
– Bỏ chuyện đó đi.
– Có gì đâu mà phải bỏ với không bỏ, đó là chuyện bình thường như trăm ngàn chuyện khác. Ðâu quan trọng đến nỗi mày phải né tránh.
– Ðã đành là chuyện bình thường, không quan trọng như mày nói nhưng tao không muốn nhắc đến. Vả lại có những điều người ngoài không hiểu đâu, chỉ riêng hai đứa tao biết thôi.
– Gì mà không hiểu? Tao thấy bọn mày lấy nhau thì vừa đẹp.
– Ờ...
– Sao không tiến tới?
– Ờ... ờ... thì vài năm nữa...
– Rồi lại “ân hận cả đời” con ạ!
Tường ngờ ngợ khi Hoàng nói. Câu này hình như anh đã nghe ở đâu rồi, cũng trong trường hợp nhắc đến Nhu. Trí nhớ bỗng trống rỗng. Tường bực bội đập tay vào trán mấy cái.
– Gì vậy?
– Chẳng có gì.
– Mày đúng là thằng lơ ngơ. Thôi bỏ chuyện đó cũng được, có dịp mình sẽ bàn lại. Bây giờ tao hỏi mày: tại sao mày lại đứng ngoài, không nhảy vào với tụi tao? Dù sao mày cũng là thằng lính, thằng tù, và gia đình mày...
– Ðừng nhắc đến gia đình tao theo luận điệu lý lịch cộng sản. Tao đủ rồi. Gia đình tao chả ăn nhậu, dính dấp gì đến những việc tao làm cả. Ðâu phải tao sinh ra trong một gia đình bị nát bét bởi Cộng Sản là bắt buộc phải thế này hay thế khác, theo kiểu mọi người. Tao có kiểu sống của tao chứ. Nói đi, mày muốn nói gì?
– Mày nên tham gia vào sinh hoạt của các hội đoàn. Ðứng ngoài làm gì?
– Tao không thích.
– Tại sao thế?
– Tao muốn độc lập. Một thằng như tao không thể bị buộc vào một cái gì hết. Tao, như mày biết, từ năm mười bốn tuổi đã sống xa gia đình. Lớn lên như loài cây, loài cỏ hoang. Không một ai uốn nắn được. Tự tao tao lớn dậy và lớn theo cách thế suy nghĩ của tao. Không có thứ luật lệ nào áp đặt, trói buộc tao được.
Hoàng có vẻ suy nghĩ. Nó rít từng hơi thuốc dài. Ðiếu thuốc trên môi rực lên đốm sáng đỏ. Quán đã bật đèn và hai người đàn bà đã bỏ đi. Cặp tình nhân đã đổi thế ngồi. Người con trai qua ngồi cạnh cô gái. Trong ánh sáng mờ, bóng cặp tình nhân lẫn vào nhau thành một khối đen xì.
– Ðâu có ai áp đặt lên mày điều gì? Chỉ là vấn đề tự nguyện tham gia và cùng làm việc. Rõ hơn nữa là ý thức trách nhiệm về sự có mặt của mình tại đây. Dù sao mày cũng không quên tại sao mình ở đây chứ?
– Tao hiểu điều mày muốn nói và chẳng bao giờ tao quên được lý do tại sao đang có mặt tại đây. Nhưng tham gia vào một hội đoàn nào đó, với mục đích gì, có cần thiết hay không, đó là điều tao muốn nói. Tao không phủ nhận những việc tốt đẹp mà cộng đồng đã làm được và cũng không xoi mói những lỗi lầm của cộng đồng. Nhưng trở lại căn nguyên của vấn đề là lý do tại sao mình ở đây không có nghĩa là xây dựng một cộng đồng tốt đẹp vững chãi tại đây. Ðâu phải xứ sở của mình mà cần làm việc đó? Không lý chúng ta bám rễ ở đây suốt đời? Vậy thì đi để làm gì? Và quả là chúng ta bám vào ngọn mà quên mất gốc. Phải có hướng về rõ ràng chứ. Mẹ kiếp, tao tưởng những câu nói này mày mới là thằng phải nói ra chứ. Ðâu đợi đến lượt tao phải nói hộ mày.
– Mày có vẻ khá hơn rồi đó.
Tường bật cười sau câu giễu cợt của bạn. Hoàng tiếp.
– Lâu lắm rồi tao mới nghe mày nói một câu nghe được. Nhưng chỉ mới nói thôi. Còn làm thì chưa thấy. Bao giờ mày bắt đầu với tụi tao.
Tường nhún vai.
– Tao đã bắt đầu, nhưng không phải với tụi mày.
– Là thế nào?
– Chả thế nào cả. Mỗi thằng có một hướng đi để mình đi. Dù cùng chung một cái gốc, nhưng sự chọn lựa phải khác biệt. Tao xin lỗi, tao không muốn thành một mối phiền cho bọn mày, cho anh em. Hãy để tao tiếp tục con đường của tao.
– Con đường của mày? Sống bấp bênh, lang thang với đám Mễ, đám Mỹ đen bụi đời, yêu không ra yêu, bỏ quên tương lai... Có gì chứng tỏ những lời mày nói và hành động mày đang làm là giống nhau đâu?
Hoàng bắt đầu lớn tiếng. Nó châm thêm điếu thuốc. Ðốm lửa đỏ rực sáng liên tục trên đầu điếu thuốc tỏa ánh hồng trên mặt. Chập chờn, chập chờn một cách ma quái với tia mắt long lanh. Giữa hai người như có một khoảng cách không thể lấp bỏ được. Hẳn cũng từ những ánh sáng hồng lập lòe từ đầu điếu thuốc, Hoàng cũng cảm thấy điều đó khi nhìn vào mặt Tường.
– Nói đi.
– Nói cái gì?
– Nói về “con đường” của mày xem sao?
Thái độ của Hoàng hiện đầy sự mai mỉa. Tường làm sao giải thích cho bạn hiểu được những điều, theo tụi nó là đầy bê bối, mất tư cách mà anh đã làm. Những điều Tường đã gặp, đã không muốn gặp mà vẫn gặp, và những điều đó Tường đang tránh, đang không muốn những người khác gặp. Như thằng Mễ, như thằng Mỹ đen lùn, như thằng Mỹ đen cao, như những con điếm ế khách ngủ la liệt trong tòa soạn... Hoặc tình bạn với Vĩnh, với Loan và ngay cả Hoàng nữa, Tường chỉ muốn tròn vo trong vòng tình cảm yêu thương.... Hoặc Nhu... Anh dịu giọng, nói với Hoàng, khi bàn tay tình cờ đặt vào túi áo trái.
– Có bao giờ mày đem điều gì khó chịu, theo mày là khó chịu, đến cho người khác không?
– Tao không hiểu.
– Bỏ qua chuyện đó đi. Mình về nhà mày hay ghé tòa soạn tao chơi. Kiếm ít bia về uống được chứ.
Hoàng ngần ngừ như chưa muốn dứt câu chuyện nhưng Tường đứng dậy, ra quầy trả tiền. Hoàng đi theo với cái níu tay.
– Ðể tao trả cho.
– Ờ, tao ra trước.
Tường bước ra ngoài. Không khí mát lạnh hắt vào mặt. Bất giác anh nhớ có một đêm cũng mang tâm trạng giống hệt như vầy, khi bước ra khỏi một quán nào đó, sau khi ngồi với một thằng bạn. Ngồi với ai? Quán nào? Nói chuyện gì? Tường lắc đầu cố nhớ nhưng đành chịu. Chỉ biết mang tâm trạng giống hệt đêm đó. Ngán ngẩm và mệt mỏi.
Hoàng mở cửa xe cho Tường.
– Bây giờ đi đâu?
– Mày muốn đâu?
– Ðâu cũng được.
Tường chợt nhớ đến Quán. Phải rồi, tại sao giờ này không đến nhà Quán để uống bia, tán dóc. Tình bạn giữa anh với Quán đã rõ ràng hơn cả những quan hệ bình thường, đến độ không có gì là e ngại. Vả lại bây giờ cũng còn sớm chán. Tường chui vào xe.
– Mình ghé tiệm rượu, mua một chai gì đó rồi xuống nhà Quán uống.
– Quán?
Tiếng Hoàng hơi thảng thốt khi hỏi lại. Tường gật đầu.
– Ờ! Giờ này cô ấy có nhà, lại là dân thức khuya quen rồi. Ðến thoải mái.
Hoàng ngập ngừng, chưa chịu mở máy xe.
– Liệu... liệu có gì phiền không?
– Phiền chó gì? Quán thì cũng như bọn mình. Tự nhiên, thoải mái như đàn ông. Nhiều khi tao thấy Quán còn bạo hơn cả mày nữa.
Suốt quãng đường từ Mini Club đến một tiệm rượu nằm trên đường Santa Clara, Hoàng không nói tiếng nào. Cho đến lúc Tường mua xong rượu, mang ra xe nó mới nói bằng thứ giọng khàn khàn, rất ít khi Tường được nghe.
– Sống như mày đôi lúc cũng thích thật. Thản nhiên và bất cần mọi thứ ràng buộc. Tao không thể như vậy được.
Tường đặt túi giấy đựng rượu vào băng sau.
– Có gì đâu mà không được. Sống như tụi mày hay lè phè, lang thang như tao đều như nhau. Cái quan trọng là có dám sống theo mình hay không.
– Mày nói đúng, điều quan trọng là có dám sống theo mình hay không. Hà! Muốn làm một thằng bỏ đi cũng đâu dễ gì phải không?
– Vậy ra tao vẫn còn chút giá trị của riêng tao. Mày nhớ đường đến nhà Quán chứ?
– Nhớ.