Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 19-12-2008, 04:45 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Những người bạn chung chiến hào

Kỷ niệm 64 năm ngày thành lập QDND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2008)

Trong ngôi nhà ở khu tập thể K40 – Khương Thượng (Hà Nội) có một ông lão trạc ngoài bảy mươi, vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Mọi người đều quý mến ông nhưng chẳng mấy ai biết, ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên ấn nút phóng tên lửa – thứ vũ khí hiện đại từng làm phi công Mỹ kinh sợ mỗi khi xâm nhập đánh phá vùng trời miền Bắc Việt Nam. Ông là Đại tá Lã Đình Chi, nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236 – Trung đoàn Tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những người bạn, người thầy

Sinh năm 1933 tại Nga Sơn, Thanh Hóa, ngay từ nhỏ Lã Đình Chi đã được gia đình rất quan tâm việc học hành. Người cha, vốn chỉ là nông dân nhưng trọng chữ nghĩa, dành dụm tiền mua cái chức “nhiêu học” cho Chi – tức là không phải tham gia lao dịch, phu phen cho chế độ thực dân; chỉ biết đi học mà thôi... Miệt mài vượt qua mọi khó khăn trong học tập và trải qua thực tiễn chiến đấu, đầu năm 1960, Lã Đình Chi được đưa sang Liên Xô và học chuyên ngành kỹ sư cao cấp phòng không.

Năm 1964, Lã Đình Chi về nước và được bổ sung vào biên chế Tiểu đoàn Tên lửa phòng không số 63, Trung đoàn 236; với vai trò sĩ quan điều khiển. Đây cũng là thời điểm các chuyên gia Liên Xô đầu tiên có mặt tại Việt Nam và trực tiếp huấn luyện kỹ thuật quản lý, sử dụng vũ khí tên lửa phòng không cho Trung đoàn 236. Nhờ vốn tiếng Nga khá tốt nên Lã Đình Chi và các chuyên gia Liên Xô nhanh chóng thân thiết với nhau. “Chúng tôi có tình cảm chân thành, hòa thuận của những người anh em và sự rung cảm, đồng điệu trong tâm hồn cũng như quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Các chuyên gia Liên Xô vừa là những người bạn thân thiết, vừa là những người thầy khả kính” - Đại tá Lã Đình Chi nhớ lại kỷ niệm về những người bạn Liên Xô như Trung tá chỉ huy Tiểu đoàn Magiaép; Thượng úy, sĩ quan điều khiển Constantinov; các trắc thủ Papusôp, Bônđarenco, Tinsencô...

Thời gian biểu hằng ngày của các chuyên gia và học viên kín mít, bình quân 10-12 tiếng/ngày. Với các chuyên gia Liên Xô, những khu rừng nhiệt đới khắc nghiệt, nóng bức nhưng độ ẩm cao và đầy muỗi vắt không làm họ giảm nhiệt tình giúp đỡ, huấn luyện bộ đội Việt Nam; các binh sĩ Việt Nam thì dồn hết tinh thần và sức lực quyết tâm sớm nắm bắt, làm chủ được kỹ thuật sử dụng và chiến đấu bằng vũ khí tên lửa...

Ngày cũng như đêm, trong những giờ học thường bị gián đoạn bởi tiếng còi báo động máy bay Mỹ bắn phá, thầy và trò miệt mài dạy và học dưới những mái nhà tranh dã chiến. Giờ thực hành trong những cabin điều khiển, sự bức xạ nhiệt khiến cabin nóng lên đến hơn 600C, có lúc cả chuyên gia và học viên chỉ mặc độc một chiếc quần cộc; mồ hôi ròng ròng trên mặt chẳng kịp lau. Loay hoay trong những cabin chật chội ấy, có những lúc bộ râu cằm rậm rì của Thượng úy, sĩ quan điều khiển Constantinov cọ vào vai Lã Đình Chi nhồn nhột, khiến mấy anh em phì cười; quay lại nhìn nhau, ai nấy đều râu ria lởm chởm, mặt mũi hốc hác vì ngày đêm dồn sức vào huấn luyện, học tập...

Trung tá Magiaép, Trưởng nhóm chuyên gia của tiểu đoàn 63 là người có chuyên môn cao và tính kỷ luật, với bộ ria mép đầy cá tính. Mỗi khi hài lòng về các học viên, ông thường có thói quen dùng ngón tay trỏ bên trái miết vào một bên ria mép và nháy mắt như một lời khen ngợi. Trung tá Magiaép là người đã tham gia bắn rơi chiếc máy bay trinh sát chiến lược U2 của Mỹ trên bầu trời Xverlốp, khi nó bay ở độ cao vài chục kilômét để do thám Liên Xô.

Chiến công của tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt

Trong quá trình học, Lã Đình Chi rất tâm đắc và ghi nhớ điều mà các chuyên gia Liên Xô đã truyền đạt: “Người sĩ quan điều khiển giống như một tiền đạo trong bóng đá, nếu nhận được đường chuyền tốt của đồng đội mà không ghi được bàn thắng vào lưới đối phương thì coi như công sức của một tập thể bị đổ xuống biển!”... Với tinh thần khẩn trương nắm bắt kỹ thuật và sử dụng thành thạo vũ khí mới, các chuyên gia và học viên đã làm việc cật lực: hằng ngày thức dậy từ 5h sáng; lên lớp từ 6h đến 12h; sau 16h thời tiết mùa hè đã bớt oi ả, lên lớp tiếp đến 19h; buổi tối tự huấn luyện từ 20h đến 22h.

Bằng quyết tâm như vậy, cùng với yêu cầu cấp bách của chiến trường, chương trình huấn luyện dự tính trong 4 tháng được rút xuống còn 2 tháng rưỡi thì kết thúc. Tất cả chuyên gia Liên Xô và học viên Việt Nam đều nóng lòng triển khai đội hình chiến đấu và chờ đợi thời cơ khai hỏa.

Những nỗ lực của các chuyên gia Liên Xô và học viên Việt Nam đã thu được kết quả đầu tiên có ý nghĩa rất lớn. Trận đánh đầu tiên của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam được thực hiện bởi Tiểu đoàn hỏa lực 63 và Tiểu đoàn 64 (Trung đoàn 236) tại trận địa thuộc huyện Bất Bạt (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội), vào ngày 24/7/1965. Trong trận đánh này, các chuyên gia Liên Xô trực tiếp tham gia chiến đấu cùng với bộ đội Việt Nam. Sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia chiến đấu đã bắn rơi chiếc máy bay F4 (là chiếc thứ 400 bị tiêu diệt trên bầu trời miền Bắc); chiếc máy bay này rơi xuống một cánh rừng thuộc xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), bộ đội và dân quân địa phương đã bắt sống giặc lái là Đại úy Ri-sớc Pôn-cơn. Trong trận đánh này, sĩ quan điều khiển ấn nút phóng tên lửa ở Tiểu đoàn 63 chính là Thượng úy Constantinov.
Sau đó đúng một tháng, Tiểu đoàn 63 tổ chức trận địa mai phục tại Nông trường Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình). Đây là trận đánh do Bộ đội Tên lửa Việt Nam hoàn toàn độc lập tiến hành với sự có mặt của chuyên gia Liên Xô. Đồng Giao là một trong những đầu mối tập kết và trung chuyển hàng hóa cho tiền tuyến lớn miền Nam, việc đưa lực lượng tên lửa phòng không bí mật triển khai phục kích đã gây bất ngờ cho máy bay Mỹ. Tầm 15h 51' ngày 24/8/1965, nhiều tốp máy bay F-4H, A-7 của Hải quân Mỹ điên cuồng vào đánh phá. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Chính ủy Nguyễn Ly Sơn, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân và Chính trị viên Nguyễn Thành Đạt, kíp chiến đấu của tiểu đoàn gồm sĩ quan điều khiển Lã Đình Chi và các trắc thủ Khởi, Nghĩa, Pháo đã phóng liền 5 quả đạn, bắn rơi 3 chiếc máy bay Mỹ, bắt sống 2 giặc lái (trong đó có 1 trung tá).

Trận đánh ngày 24/8/1965 của Tiểu đoàn 63 đã thu được kết quả xuất sắc với 3 máy bay Mỹ bị tiêu diệt. Đây là mốc đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Tiểu đoàn 63 nói riêng và Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam nói chung. “Là sĩ quan điều khiển, người ấn nút phóng tên lửa, cảm giác của tôi khi đó rất khó tả, thật hạnh phúc vì mình đã không để uổng phí công sức của một tập thể” - Đại tá Lã Đình Chi nhớ lại... Ngay sau trận đánh, các chuyên gia Liên Xô có mặt chứng kiến đã lao tới ôm hôn, công kênh chúc mừng các đồng nghiệp Việt Nam đã làm chủ được vũ khí tên lửa, thao tác chiến đấu rất thuần thục và hiệu quả.

Thủy chung mãi tình bạn

Từng bước, Bộ đội Tên lửa Việt Nam nắm bắt và làm chủ được vũ khí, thì các chuyên gia Liên Xô lần lượt trở về Tổ quốc. Họ mang theo những tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Các chuyên gia Liên Xô đều không thể quên được hình ảnh các chiến sĩ Việt Nam sẵn sàng lấy thân mình che chở cho họ mỗi khi máy bay Mỹ xuất hiện đánh phá các trận địa tên lửa. Sau những trận chiến đấu họ lại được đại diện chính quyền và nhân dân địa phương đến thăm và trao tặng những sản vật nhiệt đới như chuối, dứa, mít...

Thượng úy, sĩ quan điều khiển Constantinov, sau này trở thành giáo viên Học viện Sĩ quan Chỉ huy phòng không Giucốp ở Calinin. Khoảng đầu năm 1990, thông qua một sĩ quan Việt Nam là học trò của mình tại Học viện, Đại tá Constantinov đã gửi thư và quà lưu niệm cho Đại tá Lã Đình Chi, nhắc lại những kỷ niệm không thể phai mờ trong những ngày cùng chiến đấu bên nhau.
Ngày 20/4/1990, Đại tá Lã Đình Chi đã có thư hồi âm cho người bạn, người thầy của mình - bức thư này được đăng trong tập hồi ký “Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965 – 1973)”, do Nhà xuất bản Ekjamin ấn hành tại Moskva năm 2005. Trong thư, có đoạn: “Xin chào người bạn yêu quý và kính mến của tôi - đồng chí Đại tá Constantinov! Tôi nhận được thư anh qua đồng chí Xuân. Đã 25 năm trôi qua và chúng ta chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành những ông già, nhưng trí nhớ của tôi vẫn quay về những ngày xa xôi của thời chiến. Đặc biệt là cái ngày 24/7/1965 không thể nào quên ấy, khi chúng ta cùng nhau ăn mừng chiến thắng đầu tiên của chúng ta... Anh hãy gửi lời chào của tôi tới tất cả các đồng chí từng tham dự trận đánh ngày 24/7/1965! Tôi xin gửi tới họ lòng kính yêu sâu sắc cùng lời cảm ơn về tất cả. Với lòng kính trọng, tôi xin gửi tới anh và toàn thể gia đình anh lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất trong cuộc sống - chúc sức khỏe dồi dào và hạnh phúc cho toàn gia đình và người thân của anh!”.

Một buổi chiều nửa đầu tháng 12, tôi đến thăm Đại tá Lã Đình Chi, để nhận bản dịch “Nhớ về những người bạn chiến đấu” cùng “Lá thư của một người bạn” trong phần hồi ức của Đại tá Constantinov được in trong tập sách đã nói ở trên. Đại tá Lã Đình Chi đã cẩn thận dịch và trao cho tôi bản đánh máy rất trang trọng.

Bên ấm chè xanh, vợ chồng người cựu sĩ quan điều khiển tên lửa phòng không trân trọng nâng niu kỷ vật mà Đại tá Constantinov gửi tặng từ đầu những năm 90 thế kỷ trước: một chiếc máy cạo râu chạy bằng điện xoay chiều, vỏ nhựa màu đỏ. “Gần hai mươi năm đã qua, nó vẫn hoạt động rất tốt!” - Đại tá Chi xúc động khoe... Bất chợt, ông nói: “Tôi vẫn hy vọng sẽ có dịp gặp lại những người bạn chiến đấu thân thiết của mình, có thể là vào năm 2010”. Tôi không hỏi tại sao ông lại ấn định một mốc thời gian như vậy nhưng tôi tin vào những dự cảm và hy vọng của ông

Trần Duy Hiển



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™