Cuối năm 1961 đầu năm 1962, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa lần lượt tổ chức đưa thuyền vượt biển ra Bắc xin vũ khí về đánh giặc giải phóng quê hương. Do trang bị, phương tiện thô sơ, thuyền chạy bằng buồm kết hợp với máy mã lực nhỏ, lại gặp sóng to, gió lớn nên hầu hết các thuyền đều không đến đích. Đội thuyền Trà Vinh lạc đến Ma Cao. Thuyền Bà Rịa xuyên vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), phải nhờ sự can thiệp của Sứ quán ta mới được trao trả về nước. Chỉ có hai đội thuyền Bến Tre và Cà Mau may mắn đến được các tỉnh miền Trung. Sau đó chúng tôi được đưa ra miền Bắc, về ở tại số nhà 103, đường Quán Thánh (Hà Nội)-một cơ sở của Ban Thống nhất Trung ương.
Sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở, một hôm, đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Ban Thống nhất Trung ương đến báo tin vui: Bác Hồ sẽ đến thăm anh em, thời gian và địa điểm gặp mặt sẽ thông báo sau. Tin của anh Vịnh làm chúng tôi vô cùng phấn khởi. Ai cũng nóng lòng, mong ngóng thời gian trôi thật nhanh để được gặp Bác kính yêu.
Hôm xe đưa chúng tôi đến Phủ Chủ tịch, ngồi ở phòng đợi, ai cũng thấp thỏm và hồi hộp. Chờ khoảng 15 phút thì Bác Hồ xuất hiện cùng với các đồng chí : Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm. Bác vào trước, các đồng chí Trung ương thứ tự theo sau. Bác mặc bộ quần áo kaki giản dị, bước đi nhanh nhẹn. Vừa nhìn thấy chúng tôi, Bác tươi cười, thân mật bắt tay anh em. Mọi người đồng loạt đứng nghiêm chào Bác. Bác vui vẻ trở về vị trí của mình, ngồi giữa đồng chí Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng, cất giọng trìu mến:
- Các chú có khỏe không? Các chú ra đây để gặp Trung ương và Bác, Bác rất vui mừng!
Bác ngừng lời, âu yếm nhìn chúng tôi rồi hỏi tiếp: Chuyến đi vất vả, nguy hiểm lắm phải không các chú?
- Dạ, thưa Bác, chúng cháu ở miền Nam ra, được gặp Bác, được ngắm nhìn Thủ đô Hà Nội, chúng cháu rất vui ạ! - Anh Bông Văn Dĩa, người phụ trách đội thuyền Cà Mau thay mặt anh em trả lời Bác rồi sau đó báo cáo với Bác sơ bộ về chuyến đi.
Nghe xong, Bác gật đầu và tiếp tục hỏi về phong trào đấu tranh của các tỉnh ở miền Nam. Người đặc biệt quan tâm đến phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ:
- Chị em đi đấu tranh bị địch bắt bớ, đánh đập, tra khảo nhiều lắm phải không?
- Dạ, thưa Bác, chị em phụ nữ miền Nam rất dũng cảm, kiên cường.
Bác lắng nghe rồi ân cần hỏi tiếp:
- Các chú ra đến đây có đề nghị gì với Bác và Trung ương không?
Anh Hai Tranh, đội thuyền Trà Vinh mạnh dạn thưa:
- Dạ, chúng cháu ra đây có nguyện vọng xin cho mỗi tỉnh một thuyền vũ khí. Bác và Trung ương cho chúng cháu loại vũ khí gì mà đem về phá được đồn bốt kiên cố bằng bê tông cốt thép của địch, đánh địch giải phóng miền Nam để ngày thống nhất đất nước được đón Bác vô thăm.
Câu nói của Hai Tranh làm không khí trong phòng bỗng trở nên tĩnh lặng. Chúng tôi thấy Bác chợt buồn. Bác thương đồng bào miền Nam còn đang sống trong khói bom lửa đạn, chịu cảnh giày xéo của gót giày giặc ngoại xâm.
- Sao các cháu xin Bác nhiều vậy!-Người nghẹn ngào nói rồi lấy khăn mùi xoa lau nước mắt. Tất cả mọi người trong phòng ai nấy đều xúc động. Thấy vậy, Bác nói như để xua tan không khí im lặng:
- Bác nói vậy thôi chứ các chú từ miền Nam xa xôi cưỡi sóng, vượt gió ra đến đây là Bác vui rồi. Nhưng các chú chỉ xin mỗi tỉnh có một thuyền vũ khí để trở về đánh giặc thì đánh sao đây? Thôi, các chú đã ra được đến đây cứ an tâm nghỉ ngơi, tham quan, học tập, còn việc các chú đề nghị, Trung ương và Bác sẽ lo. Khi nào cần, Bác gọi, thì các chú phải sẵn sàng nghe không!
- Dạ, thưa Bác vâng ạ! - Chúng tôi sung sướng trả lời.
Từ Phủ Chủ tịch trở về nhà khách, đêm đó anh em chúng tôi không sao ngủ được. Mọi người cứ bàn luận mãi chuyện được gặp Bác. Hình ảnh thân thương, giọng nói ấm áp của Người và nhất là hình ảnh Bác cảm động lấy khăn lau nước mắt cứ chập chờn trong tâm trí chúng tôi. Anh em ai cũng thương Bác vô cùng, như người con lâu ngày được gặp Người cha già vậy.
Sau lần gặp Bác, chúng tôi ra sức học tập, ôn luyện hàng hải, chuẩn bị vượt biển trở về miền Nam trên những con tàu gỗ mang tên Phương Đông 1, Phương Đông 2, Phương Đông 3 và Phương Đông 4. Hầu hết anh em sau này đều trở thành những cán bộ, thủy thủ giỏi của “Đoàn tàu Không số”, tiêu biểu là Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa, Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng... Chúng tôi không chỉ đưa về quê hương một thuyền vũ khí như ước nguyện ban đầu mà là hàng trăm chuyến với hàng nghìn tấn vũ khí, giội bão lửa lên đầu quân xâm lược, thực hiện lời nguyện ước với Bác Hồ là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
HUỲNH VĂN TIẾN