TTO - Yasser Arafat - một con người đặc biệt mà tên tuổi của ông gắn liền với số phận của người Palestine hiện đại. Không một nhà lãnh đạo Palestine nào đạt được tầm vóc nổi tiếng trên tòan thế giới như ông, mặc dù sự nổi tiếng không phải là tất cả những gì có thể nói về Arafat.
Từ một chỉ huy chiến trường bình thường, ông trở thành một chính khách tầm vóc thế giới, được chào đón tại Cremli và Nhà Trắng, người mà tất cả những nguyên thủ có liên quan tới cuộc xung đột Trung Đông đều phải tính tới. Vinh quang thuộc về ông còn có giải Nobel hòa bình, và trên tất cả - ông là biểu tượng của ước muốn cháy bỏng về một nhà nước độc lập Palestine.
Dải đất nhỏ bé trải dọc bờ Tây sông Jordan và nối với bờ đông của Địa Trung Hải nổi tiếng khắp thế giới, nơi gắn liền với nguồn gốc của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Mảnh đất này cũng nổi tiếng khắp thế giới với những cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine, bắt nguồn từ xa xưa trên nền cuộc tranh cãi ai là chủ vùng đất này, tiếp tục tới tận ngày nay. Nhưng thế kỷ 20 đã trao cho cuộc xung đột này thêm một tính chất đặc biệt: Trung Đông , như kho chứa dầu giàu có nhất thế giới rơi vào tầm ngắm của các cường quốc, và dải đất tranh cải ở bờ tây sông Jordan đã trở thành nơi dễ tổn thương nhất, nơi mà các đấu thủ chính trị thế giới tranh giành ảnh hưởng.
Israel
Ngày 29-11-1947, Đại hội đồng LHQ với đa số phiếu 33 chống 13, đã thông qua nghị quyết chấm dứt sự chiếm đóng của Anh trên lãnh thổ Palestine (khi đó gọi là Erez Israel với sự chung sống của các cộng đồng Ả rập và Do Thái); chia Erez Israe thành hai quốc gia Do Thái và Ả rập. Trong khi người Ả rập kịch liệt chống đối thì dân cư Do Thái hân hoan vì việc tái lập trên vùng Đất Thánh một quốc gia Do Thái bị hủy diệt gần 2000 năm trước, đã bắt đầu. Ngày 14-5-1948 một ngày trước khi sự cai trị của người Anh trên lãnh thổ này chấm dứt, ban lãnh đạo Israel thông qua Tuyên bố độc lập thành lập Quốc gia Israel. Ngày 15-5-1948, người Anh rời khỏi Errez Israel. Người Ả rập chống lại sự chia cắt đã không chịu thông qua nghị quyết. Lebanon, Sirya, Arabia Saudi. Jordan, Iraq và Ai Cập đã liên kết lại trong cuộc chiến tranh chống Israel.
Trong cuộc chiến mà Israel gọi là Chiến tranh giành độc lập kéo dài từ mùa xuân năm 1948 đến hè 1949, hai bên đã nhiều lần tạm ngưng chiến, nhưng những cuộc ngưng bắn lại không thể kéo dài. Cuối cùng thì Israel chiến thắng. Đa số lãnh thổ các nước Ả rập chiến tranh với Israel phải ký những quyết định ngưng bắn chính thức. Hiệp định ngưng bắn cuối cùng này Israel ký với Syria ngày 20-7-1949, ngày trở thành chấm dứt cuộc Chiến tranh giành độc lập của Israel.
Cuộc chiến thất bại này đã dẫn tới việc khỏang 700.000 người Ả rập phải rời khỏi các vùng đất Palestine.Họ đã chạy nạn với niềm tin sẽ có ngày trở lại và nhiều người vẫn còn mang theo chìa khóa nhà mà tới nay, họ truyền lại cho con cháu để nhắc về một Tổ quốc đã mất. Năm 1967, Israel chiếm hết tòan bộ lãnh thổ trước đây giao cho người Palestine cùng một số lãnh thổ các nuớc Ả rập khác, số người chạy nạn lên tới gần 2 triệu người.
Con đường của Arafat
Yasser Arafat tên thật là Mohammed Abdel-Raouf Arafat As Qudwa Al-Hussaeini, sinh ngày 24-8 1929 ở Cairo. Cha ông là một thương buôn hàng dệt gốc Ai Cập, còn mẹ là người Palestine, mất năm ông mới lên năm. Arafat được người cậu nuôi lớn lên tại Jerusalem, khi đó còn nằm dưới sự cai trị của Anh. Arafat không kể nhiều về tuổi thơ của ông, nhưng trong ký ức của ông không sao phai nhòa cảnh binh lính Anh phá cửa nhà cậu ông vào nửa đêm, đánh một số thành viên trong gia đình và xả súng. Sau bốn năm sống ở Jerusalem, Arafat được cha đưa về Ai Cập. Năm 19 tuổi, trong cuộc đấu tranh giữa người Ả rập và Do thái, Arafat bỏ dở việc học tại Đại học vua Faud để tham gia cuộc chiến chống Israel ở dải Gaza. Kết thúc chiến tranh, ông trở lại đại học nhưng phần lớn thời gian giành cho phong trào sinh viên mà ông là chủ tịch. Cuối cùng ông cũng kết thúc đại học năm 1956 với bằng kỹ sư nông nghiệp, làm việc tại Ai Cập, rồi Kuweit, nhưng giành nhiều thời gian cho chính trị mà tất cả lợi nhuận kinh doanh được ông hiến cho họat động này. Năm 1958, ông cùng các đồng chí thành lập Fatah, một tổ chức bí mật năm 1959 bắt đầu in tạp chí kêu gọi đấu tranh vũ trang chống Israel. Cuối năm 1964, Arafat rời Kuweit, từ bỏ họat động kinh doanh để trở thành một nhà cách mạng, tổ chức những cuộc tấn công vào Israel của Fatah từ Jordan.
Năm 1964 Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) được Liên đòan Ả rập (AL) thành lập, liên kết các nhóm đấu tranh ủng hộ Palestine. PLO của AL có tính hòa hõan hơn Fatah, nhưng sau thất bại của cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, Fatah ra khỏi họat động bí mật, trở thành chủ chốt trong PLO khi Arafat trở thành chủ tịch Ủy ban điều hành PLO. Dưới sự lãnh đạo của Arafat, PLO trở thành một tổ chức quốc gia đóng tại Jordan. Tại Jordan, Arafat phát triển PLO lớn mạnh cùng với lực lượng quân đội của nó trước khi xây dựng một đội ngũ tương tự ở Lebanon mà sau đó ông bị quân Israel đánh bật khỏi đây. Ông vẫn duy trì được PLO bằng cách chuyển căn cứ sang Tunise.
Năm 1988 đánh dấu một giai đọan mới cho Arafat và PLO, khi ông công nhậnquyền tồn tại của Israel. Tiến trình hòa bình bắt đầu năm 1991, dẫn tới Thỏa thuận Oslo mà Arafat ký với thủ tướng Israel Y. Rabin năm 1993 . Thỏa thuận này bao gồm việc tổ chức bầu cử tại Palestine năm 1996 và Arafat được bầu làm tổng thống Palestine. Thỏa thuận này cũng giúp Arafat được trao giải Nobel hòa bình 1994, năm ông trở về Gaza trong sự đón chào nồng nhiệt của người Palestine.
Cuộc đời Arafat từng là sự di chuyển liên tục, từ nước này sang nước khác cho cuộc đấu tranh thành lập Palestine. Phong trào của ông cũng như nhiều họat động của ông luôn trong bí mật, kể cả những chi tiết về đời tư ông. Ngay đám cưới với Suha Tawil, một phụ nữ Palestine trẻ hơn ông một nửa số tuổi, người ta chỉ được biết 15 tháng sau đám cưới. Bà Suha Tawil giành phần lớn thời gian họat động cho trẻ em Palestine tật nguyền, và chỉ được biết đến rộng rãi khi tham gia các họat động tại Oslo. Thời gian sau này, khi ông Arafat bị quản thúc tại Ramallah, bà sống ở Paris cùng con gái Zahwa, tên gọi theo tên mẹ ông Arafat.
Các chế độ thay đổi, các quốc gia biến mất và lập mới, các cuộc chiến tranh Ả rập - Israel làm rung chuyển thế giới, các nguyên thủ những siêu cường thay nhau ra đi, nhưng ông Arafat nhiều thập niên qua luôn ở trung tâm sự kiện, dù có lúc nổi bật, có lúc lui vào bóng tối. Ngày nay chưa lãnh đạo nào ở Palestine có được tầm vóc đó của Arafat. Thế cho nên hòai bảo lớn nhất cuộc đời của Yasser Arafat - thành lập nhà nước Palestine độc lập - sẽ là một trọng trách nặng nề cho những ai kế nhiệm ông.
DUY VĂN (Theo Lenta, Al Jazeera)