Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 25-04-2008, 10:34 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Rihard Sorge, điệp viên chỉ có một gương mặt

Nhà tình báo vĩ đại Rihard Sorge từ nhiều thập niên nay đã được công nhận như một trong những điệp viên hàng đầu của chiến tranh thế giới thứ hai, thậm chí của cả thế kỷ XX nữa. Tuy nhiên, trong lịch sử tình báo của nhân loại, cũng ít có ai mà tên họ bị vây bủa bởi nhiều huyền thoại và những sự bịa đặt nhiều ác ý như anh.

Các thế lực khác nhau đã miêu tả anh bằng những hình ảnh khác nhau tới trái ngược nhau dẫu các chi tiết về đời anh từ khác phía không hoàn toàn là bịa đặt. Cũng như bất cứ một nhân cách lớn nào, Sorge là một người chứa đầy mâu thuẫn. Nhưng anh không bao giờ phản bội lại lý tưởng đã chọn của mình, trong bất luận tình huống nào.

Con đường chông gai

Năm 1964, sau trên dưới hai thập niên phải ẩn mình trong vòng quên lãng mang tên tuyệt mật, điệp viên Rihard Sorge mới được Moskva truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Và chỉ khi ấy dư luận rộng rãi mới được biết về anh một cách đầy đủ và tích cực (trước đó, ngay từ năm 1951, tạp chí Tây Đức Spigel đã có một loạt bài viết về Sorge một cách đầy tức tối, miêu tả anh như một kẻ nát rượu ba hoa, mê gái, luôn cố gắng tỏ ra mình là một nhà báo nghiêm túc dẫu rằng không nhiều chất xám lắm).

Trong con mắt của người Xôviết, anh hùng Sorge là một chiến sĩ luôn luôn quên mình vì sự nghiệp chính nghĩa, một nhà báo kiệt xuất và một nhà tư tưởng lớn. Sorge sinh ngày 4/10/1898 ở Bacu (Thủ đô nước Cộng hòa Azerbajan), cha là người Đức, mẹ là người Nga.

Ngay sau khi sinh Sorge, cha mẹ anh đã chuyển ngay về Đức sinh sống, ở vùng ngoại ô Berlin. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Sorge phục vụ trong quân đội Đức. Anh từng bị thương ở chân ngoài chiến trường và vì thế, phải đi khập khiễng cả quãng đời còn lại.

Chính trong quân y viện, Sorge đã tìm đọc những tác phẩm của Karl Marx và việc này đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới quan của anh. Phục viên, anh vào học ở Trường Đại học Hamburg, Khoa Chính trị học. Cũng tại đó, anh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Năm 1919, Sorge xích lại gần với những người cộng sản và gia nhập Đảng Cộng sản Đức.

Năm 1924, Sorge sang Liên Xô và trở thành cán bộ cơ quan tình báo đối ngoại Xôviết. Khoảng 5 năm sau đó, anh được phái sang công tác ở Trung Quốc. Đầu những năm 30, Sorge với mật danh Ramsai đã công tác ở Thượng Hải dưới lốt một nhà báo Đức và một người nhiệt thành với lý tưởng chủng tộc thượng đẳng Aria. Năm 1933, Sorge gia nhập đảng Quốc xã để có thêm cơ hội hoạt động tình báo. Rồi anh chuyển sang Tokyo một thời gian với vai trò trợ lý của viên đại sứ Đức tại Nhật Bản, tướng Ugen Otto.

Năm 1931, quân đội Nhật đã tấn công vào Mãn Châu Lý và cán cân lực lượng ở châu Á đã thay đổi một cách căn bản. Tokyo thực sự có tham vọng làm một cường quốc trong khu vực và Nhật Bản trở thành trọng tâm chú ý của tình báo Xôviết. Năm 1933, Sorge được giao nhiệm vụ thiết lập một mạng lưới điệp viên thực sự ở "đất nước mặt trời mọc" (trước anh, chưa từng có điệp viên Xôviết nào "cắm rễ" được ở đây).

Và Sorge đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Với tư cách phóng viên thường trú của một số tờ báo Đức tại Nhật Bản, Sorge trước khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ lại còn được kiêm thêm cả chức Tùy viên báo chí của Đại sứ quán Đức ở Tokyo.

Mạng lưới tình báo của anh ở Nhật hoạt động rất có hiệu quả và thu thập được những thông tin cực kỳ quan trọng từ những nguồn cao cấp nhất trong bộ máy chính trị sở tại và cả từ đại sứ quán Đức ở Tokyo. Các điệp viên của Sorge sinh sống chủ yếu bằng thu nhập từ công việc công khai của họ và hoạt động cho Moskva phần lớn là vì lý tưởng.

Đánh giá của nhóm điệp viên này về việc Nhật Bản sẽ không tấn công Liên Xô được coi như có giá trị bằng nhiều quân đoàn. Sorge cũng là người gửi về Moskva tín hiệu rằng nước Đức phát xít có thể sẽ tấn công Liên Xô vào nửa sau tháng 6/1941. Tuy nhiên, thông tin đó đã không được xử lý kịp thời do nhiều lý do…

Do một số sơ suất tình cờ nên mùa thu năm 1941, mạng lưới điệp viên của Sorge ở Tokyo bị bại lộ. Và Sorge cũng bị bắt ngày 17/10/1941. Và anh đã bị tử hình ngày 7/11/1944. Những lời cuối cùng mà Sorge đã hô trước khi chết là: "Hồng quân muôn năm! Liên Xô muôn năm!".

Giải mã huyền thoại

Khi Sorge được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1964, một số nhà nghiên cứu Xôviết có cảm giác ngỡ như những chiến công thực của anh còn ít ỏi nên họ tự nghĩ ra thêm một số chiến công khác nữa, không được củng cố bằng những "vật chứng". Thí dụ, họ cho rằng Sorge không chỉ thông báo trước cho Moskva biết về khả năng nước Đức phát xít sẽ tấn công Liên Xô mà còn đoán được cả ngày đích xác là 22/6/1941 (?!).

Tuy nhiên, trong tất cả các bức điện mật mã mà Sorge gửi về Trung tâm khi đó, không hề có câu nào như thế. Và trong biên bản thẩm vấn nhóm điệp viên của Sorge, lưu trữ tại cơ quan an ninh Nhật Bản, cũng không thấy ai nói về việc họ biết trước việc ngày 22/6/1941 quân đội phát xít Đức sẽ tấn công Liên Xô…

Thực ra ngay cả trong những bức điện mật mã gửi về Trung tâm ngày 30/5 và 1/6/1941, Sorge cũng mới chỉ cung cấp được thông tin rằng nước Đức phát xít có thể sẽ tấn công Liên Xô "vào nửa sau tháng 6/1941" và "đòn tấn công chủ yếu sẽ do cánh quân bên trái của quân đội Đức thực hiện" (nói cách khác, mục tiêu tấn công là Leningrad, trong khi, như thực tế cho thấy, quân đội phát xít Đức đã tấn công vào Brest ở trên biên giới nước Cộng hòa Belorussia với Ba Lan).

Đáng tiếc là lúc đó những thông tin mà Sorge gửi về Trung tâm đã bị đánh giá như những thông tin đánh lạc hướng của nước Đức phát xít và đã không được trình lên lãnh đạo tối cao của Liên Xô.

Cũng có ý kiến cho rằng, chính Sorge gần như đã là người cứu tinh duy nhất cho Thủ đô Moskva mùa thu năm 1941 vì thông tin về việc đội quân Quan Đông của phát xít Nhật sẽ không tấn công vùng Viễn Đông của Liên Xô đã giúp cho Moskva dồn lực lượng về bảo vệ Thủ đô thiêng liêng của mình trước lực lượng hùng hậu của nước Đức phát xít, tạo nên một bước ngoặt quan trọng ngay trong giai đoạn đầu chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Tuy nhiên, theo phân tích của tờ báo Nga "Tuyệt mật" (số tháng 2/2008), việc quyết định dồn lực lượng từ Viễn Đông về góp phần bảo vệ Moskva được Điện Kremli đưa ra không chỉ dựa trên thông tin của Sorge mà còn dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng nhiều yếu tố khác nữa.

Một trong những yếu tố khác đó là khả năng thay thế nhanh chóng những đơn vị đã được chuyển đi bằng những đơn vị mới được thành lập ngay tại chỗ. Cuộc chuyển quân lớn nhất từ Viễn Đông sang phía Tây Liên Xô được thực hiện trên cơ sở sắc lệnh do lãnh tụ Stalin, Tổng chỉ huy Tối cao, ký ngày 12/10/1941.

Trong ngày ký sắc lệnh này, lãnh tụ Stalin đã triệu tập tới Điện Kremli Tư lệnh lực lượng Mặt trận Viễn Đông, Đại tướng I. Apanasenko; Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Yu. Yumashev và nhiều nhân vật quan trọng khác. Trong cuộc họp đó có thể trên bàn lãnh tụ Stalin có bức điện mật mã của Sorge gửi về ngày 14/9/1941 (về việc đội quân Quan Đông sẽ không tấn công Liên Xô).

Không ngẫu nhiên mà theo chứng nhận của Thiếu tướng M. Ivanov, một cán bộ an ninh kỳ cựu, ngay trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, lãnh tụ Stalin trước mặt Nguyên soái A. Vasilievsky đã buột miệng nói: "Tại Nhật Bản tình báo quân sự của ta có một điệp viên mà giá trị bằng cả một phương diện quân, thậm chí cả một quân đội!". Lời nhận định này cho thấy, khi chiến tranh đã bùng nổ rồi, lãnh tụ Stalin đã tin tưởng và đánh giá cao nhà tình báo Sorge hơn hẳn trước đó…

Sau khi Liên Xô tan rã, cũng đã xuất hiện những thông tin giật gân xung quanh vai trò của Sorge trên mặt trận tính báo chiến tranh thế giới thứ hai. Một số nhà nghiên cứu lịch sử tình báo cho rằng, Sorge không chỉ đã làm việc cho tình báo quân sự Xôviết mà còn cộng tác với cả tình báo Đức và cung cấp cho Berlin "một số tư liệu".

Họ cứ làm như không biết rằng, một điệp viên hoạt động trong lòng địch ở tầm cỡ như Sorge lại có thể lúc nào cũng chỉ có nhận chứ không có trả. Trong tình huống của mình, để nhận được những thông tin tối mật cần thiết, đôi khi Sorge đã phải giả bộ "nhả" ra một số thông tin khác mà đối tác cần. Đó âu cũng là một lẽ thường tình!

Một cựu cán bộ phản gián Xôviết, khá nổi tiếng là ông P. Sudoplatov trong cuốn sách "Ngành tình báo và Điện Kremli" còn buộc tội Sorge như sau: "Anh ta đã vi phạm nguyên tắc chính của ngành tình báo Xôviết: không bao giờ được công nhận một hoạt động gián điệp ở bất cứ hình thức nào phục vụ cho Liên Xô".

Quả thực, khi bị bắt ở Nhật Bản, Sorge đã không giấu giếm mình hoạt động phục vụ cho lợi ích của Moskva. Tuy nhiên, theo nhận thức của anh, ở trong tù, một người chiến sĩ cộng sản cần có phong độ của người cộng sản đích thực. Và Sorge đã hành xử không phải như một điệp viên bị bại lộ và bị bắt quả tang mà như một nhà hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế, đang bị kẻ thù giai cấp cầm tù.

Những người cộng sản ở thế hệ của Sorge có nguyên tắc hành xử như sau: không phản bội lý tưởng; không bán rẻ đồng chí, đồng đội; hễ có cơ hội là phải tận dụng diễn đàn ở phiên tòa để tuyên truyền cho tư tưởng cộng sản chủ nghĩa. Sorge đã nhất nhất tuân theo nguyên tắc này cho tới khi bị hành hình…

Trong kho lưu trữ của KGB tới nay vẫn còn bộ hồ sơ về nhà tình báo Sorge với rất nhiều nguồn tài liệu phong phú và một bản phân tích kỹ lưỡng những tài liệu đó. Và kết luận chung là: "Các tài liệu lưu trữ của KGB không chứng minh bất cứ một nghi ngờ nào về sự chân thành hay việc phản bội của Sorge". Anh là một nhà tình báo ở đâu, làm gì cũng chỉ có một gương mặt duy nhất của một người yêu lý tưởng chân chính
Hoàng Trung Nguyên



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™