Hai phạm trù tưởng chừng không có sự liên quan nhưng thực chất đã là cuộc chiến thì “Binh pháp Tôn tử” hoàn toàn có thể áp dụng vào môn thể thao Vua.
Lời trích dẫn
"Binh pháp Tôn Tử” là pho lý luận quân sự vĩ đại nhất thời cổ đại Trung Quốc, cũng là một trong những pho sách cổ Trung Quốc có ảnh hưởng nhất và rộng nhất trên thế giới. Tư tưởng thao lược và tư tưởng triết học miêu tả trong pho sách này được vận dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế...
“Binh pháp Tôn Tử” được hình thành cách đây 2500 năm, là tác phẩm lý luận quân sự sớm nhất trên thế giới ,được viết bởi Tôn vũ, người được tôn xưng là “Thánh Võ” trong lịch sử Trung Quốc. Tôn Vũ đã tổng kết những kinh nghiệm chiến tranh trong thời Xuân thu và trước đó để viết thành “Binh pháp Tôn Tử”, nêu bật những qui luật quân sự mang tính phổ biến và đề xuất một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh. “Binh pháp Tôn Tử” gồm hơn 6000 từ, chia làm 13 chương, mỗi chương đều có một tư tưởng chủ đề. Trong đó chương “Kế” với 36 mưu được người đời biết đến nhiều nhất để vận dụng trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, chính trị, kinh tế… và cả môn “thể thao Vua” đã không ngừng áp dụng sự huyền diệu của pho sách này để có được những kết quả tốt nhất.
Dĩ dật đãi lao
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, ví dụ tiêu biểu nhất cho kế “Dĩ dật đãi lao” phải kể đến cuộc chiến giữa Tào Tháo và Viên Thiệu ở Quan Độ, một trong những trận chiến quan trọng nhất ảnh hưởng đến thế cục để rồi sau đó hình thành thế chân vạc. Khi đó, Viên Thiệu là thế lực quân sự mạnh hơn Tào Tháo rất nhiều với trăm vạn hùng binh cùng nghìn viên chiến tướng, còn Tào Tháo chỉ có khoảng 20 vạn quân, nhưng rốt cuộc Tào A Man mới là người giành chiến thắng nhờ áp dụng thuần thục kế “Dĩ dật đãi lao”.
Tất nhiên với lực lượng yếu hơn rất nhiều Tào Tháo không thể đánh đối kháng với quân của Viên Thiệu, chính vì thế ông đã “câu giờ”, chờ cho quân của Viên Thiệu hò hét khiêu chiến quá nửa ngày để mất hết sĩ khí và sức lực rồi mới dốc toàn lực ra đánh. Kết quả, quân Viên Thiệu thua to, tử thương quá nửa và không còn chiếm được thế thượng phong để rồi sau đó bị quân Tào tiêu diệt.
Hàng nghìn năm sau, kế “Dĩ dật đãi lao” đã không ít lần được áp dụng trong bóng đá và hiệu quả là cực kì khả quan. Còn nhớ ở trận đấu giữa Inter và Barca tại Giuseppe Meazza mùa giải 2009/2010 ở bán kết Champions League lượt đi, một chuyên gia phòng ngự như Mourinho lại dám chơi đôi công với Barca siêu tấn công của Guardiola. Nếu như đó là một trận đấu bình thường thì sẽ là tự sát nhưng Mourinho quả thực dụng binh như thần và ông đã thành công với kế “dĩ dật đãi lao”. Lý do là bởi Barca vừa phải di chuyển 3000km từ Tây Ban Nha sang Italia bằng xe bus (không thể đi bằng máy bay do khói bụi núi lửa) nên các cầu thủ đã không có được thể lực tốt nhất. Vậy nên dù cho bị dẫn trước nhưng Inter với những đường tấn công nhanh sắc như dao cạo đã khiến cho hàng thủ của Barca bị vỡ vụn, trong khi những đường tấn công sau đó của Barca thường bị bẻ gẫy một cách dễ dàng trước lối đá rắn của các cầu thủ Inter. 3-1 là kết quả cuối cùng của trận đấu để rồi sau đó Inter đã bảo toàn được lợi thế này để lọt vào chung kết và lên ngôi vô địch, qua đó giành cú ăn 3 lịch sử dưới sự dẫn của “người đặc biệt”.
Nhưng không chỉ có Mourinho biết áp dụng kế “Dĩ dật đãi lao” mà rất nhiều chiến lược gia khác cũng “tinh thông binh pháp” để đem lại những kết quả tốt nhất cho đội bóng của mình. Trong số này, phải kể đến những HLV của các đội bóng yếu của giải Ngoại hạng áp dụng cho các học trò vào kì nghỉ đông. Không giống như các giải VĐQG hàng đầu tại châu Âu khác, Premier League không có kì nghỉ đông (vào dịp Giáng sinh và đầu năm mới), thậm chí đây còn là giai đoạn khốc liệt nhất của bóng đá Anh với mật độ 3 ngày/trận. Chính vì thế, thể lực chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định thắng thua chứ không phải là tên tuổi của đội bóng. Trong nhiều năm qua, chẳng phải những đại gia như MU, Chelsea, Arsenal (bị vắt kiệt sức vì thi đấu trên nhiều mặt trận)… đã rất nhiều lần ngã ngựa trước các đội bóng đàn em thua kém về trình độ và đẳng cấp nhưng lại vượt trội về thể lực.
Chọc tức khiến đối phương khi ra trận mất đi sự tỉnh táo là một chiêu thường xuyên được sử dụng trong binh pháp xưa. Ngày nay nó còn được áp dụng trong bóng đá.
Khích tướng kế về cơ bản là kế chọc cho đối phương nổi giận. Một khi đã nổi giận cũng sẽ mất đi sự sáng suốt, thiếu suy nghĩ, không tự chủ được hành vi và không khống chế được cảm xúc. Đầu óc vì thế mà không còn minh mẫn khiến khả năng mắc sai lầm khi lâm trận rất cao. Tục ngữ nói “cây sợ bị bóc vỏ, người sợ bị khích khí” hay nhà Phật dạy “người mà chưa biết nhẫn, chưa phải là người hay” là vì thế. Nhưng mặt khác, khích tướng còn là khơi dậy cái hùng khí của người khác để người ấy làm được việc cho ta.
Trong lịch sử nhà binh, các quân sư trứ danh thời cổ thường xuyên dùng kế khích tướng. Lấy ví dụ thời Tam Quốc, ai cũng biết đến câu chuyện Gia Cát Lượng khích bác khiến Chu Du hay Vương Lãng thổ huyết mà chết. Nhưng thực ra, đó chưa phải đỉnh cao của nghệ thuật khích tướng mà Gia Cát Lượng áp dụng trong sự nghiệp của ông. Đối tượng vẫn là Chu Du nhưng thời điểm là trước khi diễn ra trận Xích Bích. Khi ấy, quân Tào Tháo đã đánh quân Lưu Bị tan nát và tiếp tục tiến về Giang Đông để thanh toán quân Ngô. Ở vào thế khó, Gia Cát Lượng không có cách nào khác ngoài việc cậy nhờ sức mạnh quân sự của Đông Ngô. Ở đó, chỉ một người duy nhất có binh quyền và đủ khả năng đưa ra quyết định “đánh hay hòa” chính là Chu Du.
Trong cuộc nói chuyện giữa hai vị quân sư xuất chúng, Gia Cát Lượng đã khích Chu Du bằng cách bịa ra một câu chuyện về việc Tào Tháo “mê mẩn” hai nàng Kiều mà trong đó Tiểu Kiều chính là vợ Chu Du. Nghe xong những gì Gia Cát Lượng nói, Chu Du đã vô cùng tức giận và sau đó nhanh chóng đưa ra quyết định đánh Tào. Cũng nhờ chiến thắng ở trận Xích Bích mang tính bước ngoặt này, Lưu Bị và Gia Cát Lượng mới tranh thủ chiếm thành và tạo ra thế chân vạc trong suốt những năm sau đó.
Bóng đá ngày nay cũng có nhiều HLV thích dùng chiêu bài “khích tướng kế”.Tiêu biểu nhất là hai nhân vật đặc biệt: Mourinho và Sir Alex Ferguson. Nhưng chiêu này được họ sử dụng vô cùng biến hóa với cả đối thủ lẫn “người nhà”. Còn nhớ, khi Inter chuẩn bị đấu với Barca ở trận bán kết lượt đi Champions League mùa 2009/10, Mourinho đã dùng Eto’o và Ibrahimovic để khích bác đội bóng xứ Catalan. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha bảo: “Chúng tôi không mua Samuel Eto’o. Chính Barca đã tặng cậu ấy cho chúng tôi và Inter chỉ còn biết lặng người trong vui sướng. Tôi từng muốn có tiền đạo này khi còn ở Chelsea nhưng khi đó họ đã từ chối. Eto’o là một cầu thủ xuất chúng mà đội bóng nào cũng muốn có. Inter không còn Ibra nhưng bù lại chúng tôi có nhiều tiền để mua thêm 4 hay 5 cầu thủ chất lượng”.
Phát biểu của “người đặc biệt” không chỉ khiến Barca ấm ức vì bỏ ra một đống tiền để rước về “cục nợ” Ibra mà còn gián tiếp gây sức ép lớn lên chính siêu tiền đạo người Thụy Điển. Mặt khác, nó cũng giúp Eto’o cảm thấy tự tin hơn nhiều. Kết quả thì ai cũng đã rõ. Barca thua ngược Inter 1-3 trong một trận đấu mà Ibrahimovic đã chơi như mất hồn, trong khi Eto’o hoạt động tích cực và chính là một trong những người đã phối hợp làm nên bàn gỡ hòa của Sneijder.
Ferguson cũng là một bậc thầy về khích tướng. Ngoài chuyện áp dụng để chọc tức các đối thủ kình địch như Wenger trước các trận chiến mang tính chất quyết định, chiến lược gia người Scotland còn rất giỏi trong việc lên tinh thần cho học trò. Mùa 2006/07, Sir Alex khích Ronaldo bằng việc cá 200 bảng rằng CR7 không thể ghi quá 15 bàn tại Premier League. Cuối cùng, Ronaldo tỏa sáng và ghi được 17 bàn khiến Sir Alex mất khoản tiền cược 200 bảng nhưng đổi lại, MU của ông thì vô địch Premiership. Một năm sau, vẫn chiêu này, Ferguson thách cậu học trò cưng ghi quá 25 bàn trên mọi mặt trận. Rốt cuộc, Ronaldo bùng nổ với 42 bàn thắng và MU vô địch cả Premier League lẫn Champions League.
Vậy mới nói, nhờ sự linh hoạt, “khích tướng kế” quả là một diệu kế trong binh pháp cũng như bóng đá.
Không để cho đối phương kịp thời chuẩn bị mà ra tay trước, cách đánh này thường xuyên được các nhà binh áp dụng, vậy còn bóng đá thì sao? Từ chuyện nhà binh
Nói về “tiên phát chế nhân” trong tam thập lục kế có thể hiểu nôm na là ra tay trước để chiếm ưu thế, để đoạt lợi, để giành lấy chiến thắng trước khi đối phương kịp hành động. Để thành công kế này không cần đến những điều quá xa vời, viển vông, mà phải nhìn vào thực tế gần nhất. Các vụ Lý Thế Dân tại Huyền Vũ Môn, Võ Tắc Thiên phế lập Lư Lăng Vương, Ung Chính cướp Bảo Tòa, Từ Hi độc sát Quang Tự, Gia Cát Lượng lấy đất Hán Trung... Tất cả đều là áp dụng thủ đoạn "chớp nhoáng" không cho địch kịp trở tay, không cho dư luận phản ứng kịp. Có câu “tiên hạ thủ vi cường” là vậy.
Một ví dụ tiêu biểu cho “tiên phát chế nhân” có thể kể đến chiến thắng vang dội của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt. Năm 1077, 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy tràn sang Việt Nam ta. Lý Thường Kiệt cho lập phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn giặc rồi cho thủy quân đánh bại giặc ở vùng biển Quảng Ninh. Quân bộ của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt bị chặn đứng. Nhiều trận chiến đấu quyết liệt xảy ra. Giặc Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh.
Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, sau này được coi như "Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên" của nước Việt. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giành lại giang sơn, giữ vững bờ cõi nước Việt.
Đến chuyện nhà bóng
Từ binh pháp tới bóng đá, chiêu ra tay để triệt hạ đối phương trước rất thường xuyên được các đội bóng áp. Nổi bật trong số đó phải kể đến Mourinho lắm mưu mẹo. Thời điểm còn dẫn dắt Chelsea, khi phải đối mặt với một Barca làm mưa làm gió với Ronaldinho trong đội hình, “Người đặc biệt” đã nghĩ ra đủ trò để hạn chế tối đa sức mạnh của đối thủ. Trong cuộc chạm trán giữa 2 đội tại vòng bảng Champions League mùa giải 06/07 ở Stamford Bridge, Mou đã khiến các cầu thủ Barca phải toát mồ hôi với một mặt sân trơn trượt. Trước khi trận đấu diễn ra HLV người Bồ đã cho người đổ hàng tấn cát vào sân nhằm khắc chế lối chơi ban bật bóng nhỏ và những pha đi bóng kĩ thuật của Barca.
Tuy nhiên, mưu kế này Mourinho cũng không thể phát huy hiệu quả bởi Barca quá mạnh đã ép sân trong phần lớn thời gian và mặc dù có bàn dẫn trước nhưng Chelsea vẫn để thua ngay trên sân nhà với tỉ số 1-2 với một chiếc thẻ đỏ của Del Horno. Trong bóng đá đỉnh cao, để giành chiến thắng tất cả đều có thể “bất chấp mọi thủ đoạn” còn ở những nền bóng đá kém phát triển hơn, kém chuyên nghiệp hơn, những trò “tiểu xảo” còn diễn ra với mức độ lộ liễu hơn. Tại giải vô địch châu Phi CAN 2010, 2 đội tuyển Malawi và Mali đã từng tố cáo BTC có những hành vi gây ức chế cho họ trước những trận đấu với đội chủ nhà Angola nhằm đưa đội tuyển này vào vòng sau.
Các cầu thủ Malawi đã 3 lần tới sân tập đúng thời gian mà BTC sắp xếp nhưng khi đó tuyển Angola vẫn đang tập luyện nên Malawi đã phải chờ đợi đến lượt. Tuy nhiên, sau khi Angola kết thúc buổi tập, ban quản lý sân đã tới thông báo rằng sân tập thuộc về CLB chủ quản và có lần còn gọi cả cảnh sát mời tuyển Malawi ra ngoài. Trong khi đó các cầu thủ Mali khi đến sân tập thì đã thấy cửa khóa kín vì ĐT Algeria đang tập ở trong. BTC đã thông báo đổi giờ tập mà không hề thông báo cho ĐT Mali, khiến cho họ chỉ biết trở về tay không. Kết quả cuối cùng, Mali và Malawi đã phải rời cuộc chơi ngay sau vòng bảng còn chủ nhà Angola cũng dừng chân ở tứ kết sau thất bại trước Ghana.
Không đâu xa, ngay ở Việt Nam có không ít CĐV vì muốn giúp đỡ đội nhà đã chọn cách “khủng bố tinh thần” các cầu thủ đội khách khi họ đến địa phương để chuẩn bị cho trận đấu. Bằng những tiếng chửi rủa đã đành, thậm chí có những tay hooligan còn sử dụng cả vũ lực khiến các cầu thủ phải “sứt đầu mẻ trán”, và chẳng còn tâm trí đâu mà thi đấu.
Tá Đao Sát Nhân Kẻ anh hùng đôi khi cũng phải mượn tay người khác để triệt hạ đối thủ.
Kế "tá đao sát nhân" là mượn mượn tay người khác để giết kẻ thù của mình. Khi bản thân không có cách gì khác, hoặc là do hoàn cảnh tự mình không thể ra tay, thì lợi dụng người khác thay mình thực hiện ý đồ giết người. Trên đời dĩ nhiên chưa có kẻ nào chỉ giết người mà thành anh hùng, nhưng cũng hiếm có tay anh hùng nào không giết người. Điểm khác nhau không ở có hay không, mà là ở cách hành động. Tào Tháo mượn Lưu Biểu giết Nễ Hành, mượn tội danh làm rối loạn quân tâm để giết Dương Tu, rất mau lẹ sạch sẽ, đường đường chính chính, nếu có giả thì giả rất hợp tình hợp lý. Vừa có sự thông minh, tài ba, mưu lược, vừa có cả chất gian hùng rất cần thiết của một kẻ lãnh đạo, Tào Tháo xuất chúng hơn người là ở chỗ đó.
Nhưng câu chuyện “Tá đao sát nhân” nổi tiếng nhất có lẽ là cái chết của Nhạc Phi. Vị tướng tài ba này đã giúp vua Tống Cao Tông đánh bại quân Kim với nhiều chiến công hiển hách. Ông đã được Tống Cao Tông phong làm nguyên soái. Nhưng sau khi đánh lui quân Kim ra khỏi biên giới đại Tống, Nhạc Phi lại muốn kéo toàn bộ quân sang Hoa Bắc, chiếm Kim Lăng và đón 2 vua là Thái thượng hoàng Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông trở lại. Trước đó, khi chiến tranh xảy ra, hai vị này đều đã bị quân Kim bắt giữ. Nhưng vấn đề là Tống Cao Tông lo sợ rằng nếu hai vị tiên đế (cũng là cha và anh) quay về, ông ta sẽ mất đi vị thế của mình.
Do đó, để ngăn chặn kế hoạch của Nhạc Phi, Tống Cao Tông đã hạ mật chỉ cho thuộc hạ thân tín là Tể tướng Tần Cối bày mưu tính kế giết Nhạc Phi. Cuối cùng, Tần Cối trong một ngày liên tiếp cho phát đi 12 lệnh kim bài triệu hồi Nhạc Phi. Trước đó, hắn ta đã bí mật lệnh cho các tướng lĩnh rút lui, để lại một mình Nhạc Phi cùng quân của ông thâm nhập trận địa. Nhạc Phi bị tước hết binh quyền và sau đó bị Tần Cối hãm hại bằng rượu độc. Giết Nhạc Phi, Tần Cối đã cam chịu bị người đời chửi là Hán gian để đạt mục đích củng cố ngai vàng cho Tống Cao Tông. Ngược lại, Tống Cao Tông làm như vô can trong cái chết của Nhạc Phi. Thậm chí, ông ta còn cho dựng một tấm bia có khắc bài giáo dụ khen ngợi hết lời những công lao của Nhạc Phi. Dĩ nhiên, đó chỉ là trò mèo khóc chuột mà thôi.
Những cuộc chiến khốc liệt trong bóng đá đôi khi cũng đẩy con người ta vào thế “tá đao sát nhân”. Ở trận bán kết lượt đi Champions League mùa vừa rồi, trận siêu kinh điển giữa Real và Barca đã diễn ra cực kỳ căng thẳng. Lối chơi “chém đinh chặt sắt” của Real khiến các ngôi sao của Barca bị đẩy vào thế khó và không thể phát huy sở trường tiqui-taca của mình. Nhưng đội bóng xứ Catalan đã ứng biến rất nhanh với hoàn cảnh. Từ một pha vào bóng có thái độ không đúng mực của Pepe, Dani Alves tranh thủ “diễn kịch” và mượn tay trọng tài để ông này truất quyền thi đấu của trung vệ Real. Chơi thiếu người, Real không còn đủ sức chống đỡ và nhanh chóng để thua 0-2.
Sau trận đấu, Mourinho nổi giận mất khôn, đem trọng tài chính Wolfgang Stark ra chỉ trích. “Người đặc biệt” thậm chí còn gián tiếp công kích UEFA về công tác trọng tài khi cho rằng Barca luôn được thiên vị ở Champions League nhiều năm trở lại đây. Và đó là cơ hội tuyệt vời để BLĐ Barca mượn tay UEFA “xử đẹp” Mourinho. Đội chủ sân Nou Camp sau đó đã chính thức kiện Mourinho lên UEFA với lý lẽ: Theo điều 5 trong luật UEFA, những phát ngôn của Mourinho khiến BLĐ Barca và các cule cảm thấy bị tổn thương. Ngoài ra theo khoản B và D của điều này, vì những lời nói của Mourinho danh tiếng của Barcelona cũng đã bị hủy hoại. Cuối cùng, UEFA ra phán quyết cấm chỉ đạo Mourinho 5 trận (2 trận là án treo để thử thách trong 3 năm) và phạt 50.000 euro. Thiệt đơn thiệt kép, Real chẳng những không thắng nổi Barca mà còn lĩnh hậu quả từ thói lộng ngôn của Mourinho. Bên kia chiến tuyến, rõ ràng Barca đã rất khôn ngoan khi mượn tay người khác để triệt hạ đối thủ không đội trời chung.
Video pha bóng Pepe bị truất quyền thi đấu trong trận gặp Barca:
Kế thứ 24 trong binh pháp Tôn Tử “Chỉ tang mạ hòe” là một kế sách khá phổ biến và hữu hiệu trong cuộc chiến tâm lý được áp dụng trên nhiều lĩnh vực…
“Chỉ tang mạ hòe”, dịch Hán Việt nghĩa là “chỉ cây dâu, mắng cây hòe”, hay còn có một cách gọi khác thuần Việt hơn đó là “chỉ chó mắng mèo”. Về nghĩa kế sách này dùng để tấn công kẻ địch thông qua một kẻ trung gian khác. Vì một lý do nào đó không muốn mắng thẳng mặt đối phương mà dùng một sự việc khác để bày tỏ thái độ (theo wikipedia). Kế sách này được sử dụng khá phổ biến từ xa xưa của Trung Quốc trong cả lĩnh vực văn thơ hay quân sự. Một trong những điển cố nổi tiếng nhất cho việc áp dụng kế sách “Chỉ tang mạ hòe” thành công và mang lại hiệu quả cao đó là trong Tam Quốc diễn nghĩa với nhân vật trứ danh Tào Tháo.
Trong trận đại chiến với đại quân của Viên Thuật, gặp lúc lương thảo thiếu thốn, Vương Hậu là quan coi việc quân lương của Tào Tháo vào bẩm báo rằng quân lương chỉ còn đúng 3 ngày. Tào Tháo bèn lệnh cho Vương Hậu chỉ cấp phát lương cho các trại một nửa ngày thường. Bị ăn đói, binh lính kêu than. Thấy vậy Tào Tháo mới lập kế đổ tội cho quan coi lương Vương Hậu là lừa dối trong việc cấp phát lương rồi chém lấy đầu Vương Hậu. Quân Tào từ đấy sợ không dám kêu ca nữa mà hết lòng đánh Viên Thuật. Đây luôn được xem là một trong những kế sách bá đạo nhất của Tào Tháo và nó nói lên được chất “gian hùng” trong nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử Trung Quốc này.
Trên lĩnh vực văn chương, người xưa kể lại rằng những truyện ngụ ngôn châm biếm trong sách Xuân Thu của Khổng Tử, rồi loại chuyện khôi hài của Tư Mã Thiên đều khiến cho người đọc cảm thấy đáng xem và đáng để cảm nhận. Nó không phải là cách chỉ trích châm biếm một cách thẳng thắn, thô lỗ và cay độc, mà thông qua những lời lẽ nhẹ nhàng ấy, có thể giải quyết được những mối chia rẽ phức tạp, đó là hiệu quả của “mắng mèo”, cũng có thể nói đó là thủ đoạn êm dịu nhất. Từ tác phẩm "Ly tao" của Khuất Nguyên đến "Hải Thụy nhiếc vua", có rất nhiều tác phầm đã vận dụng kế sách này để làm vũ khí có sức mạnh tựa ngàn mũi dao, lưỡi giáo. Các thế hệ đời sau được thừa hưởng rất nhiều những tư liệu giá trị như thế.
Các nhà bình luận về “Binh pháp Tôn Tử” cũng đã rút ra điều cốt lõi nhất của kế sách này là: “Hãy xuyên tạc tất cả những gì tốt của đối phương. Hãy châm biếm những thói xấu của đối phương.” Đấy chính là nguyên lý áp dụng kế “Chỉ tang mạ hòe”, một kế sách điển hình của chiến tranh tâm lý. Ở nước ta, trong lịch sử thời Tây Sơn, kế cũng đã được áp dụng nhiều lần, bởi nhiều phe khác nhau, một là bởi Nguyễn Ánh, một là bởi Nguyễn Huệ khi đã là Quang Trung Hoàng Đế.
Dông dài như vậy để thấy kế “Chỉ tang mạ hòe” thực sự là một kế sách hay và có tẩm ảnh hưởng rộng rãi. Và trong thời đại ngày nay kế sách đó còn được các chiến lược gia bóng đá vận dụng “linh hoạt” để phục vụ cho những mục đích của riêng mình. Trong thế giới túc cầu hiện tại, những “vị tướng” đa mưu túc kế nhất phải kể tới Alex Ferguson của MU hay Jose Mourinho của Real. Chính chiến lược gia người Bồ Đào Nha dù ở tận phương Tây xa xôi nhưng cũng đã nghe danh kế sách “Chi tang mạ hòe” của Tôn Tử và đã áp dụng nó. Còn nhớ trong trận đấu giữa Real gặp Sevilla trong khuôn khổ La Liga diễn ra vào tháng 12 năm 2010, “Người đặc biệt” đã mượn bóng đá…Việt Nam để chỉ trích trọng tài cũng như sự thiếu hấp dẫn của trận đấu.
Mặc dù Real đã giành chiến thắng chung cuộc 1-0 nhưng những quyết định sai lầm của trọng tài đã khiến cho Mourinho thất vọng và ông lập tức “Chỉ tang” - mượn một nền bóng đá còn kém phát triển như Việt Nam, để “mạ hòe” mắng trọng tài chính ông Carlos Gomez. Mourinho nói: “Tôi thà ở nhà bật tivi và xem một trận đấu tại Việt Nam còn hơn là chứng kiến một trận đấu như thế này. Chất lượng chuyên môn của trận đấu thật đáng thất vọng, bản thân trọng tài cũng vậy. Hình như ông ấy muốn phá hỏng trận đấu thì phải.” Mourinho ngán ngẩm cũng phải bởi trọng tài chính trận đấu đó thực sự đã có những quyết định sai lầm gây bất lợi cho Real. Những tình huống thổi việt vị vô duyên hay cắt còi thiếu chuẩn xác đã khiến trận đấu bị nát vụn.
Sau những phát ngôn có phần thiếu kiềm chế như thế, Mourinho đã phải nhận án phạt từ BTC La Liga. Tuy nhiên nó đang mang lại những hiệu quả nhất định cho đội bóng của ông khi mà các trọng tài từ đó về sau đã cẩn trọng hơn và hạn chế được tối đa những sai sót. Vị tướng dụng binh phải tinh thông binh pháp, và xem ra về khoản này, khó có ai bì được Mourinho vào thời điểm hiện tại.