Bích Huyết Can Vân - Độc Cô Hồng - Nhạn Môn Quan(Trọn Bộ)
BÍCH HUYẾT CAN VÂN
Tác giả: Độc Cô Hồng
Dịch Thuật: Vô Danh
Mạnh Thường Quân: Lãng Xẹt Công Tử
Nguồn: Nhạn Môn Quan
---oOo---
Hồi 1: Thư sinh điên
Đả tự: Thái Kỳ Thư
Cây ngọc nở hoa, ánh trăng sáng trời, đó là cảnh ở Dương Châu. Dương Châu và Tô Châu cùng nổi tiếng về cảnh đẹp người đông như nhau, cả hai danh thắng ấy đều hơn hẳn các danh thắng ở đất Tần Hoài.
Dương Châu phồn hoa đông đảo đủ mọi hạng người từ quan quyền, thương buôn đến các nho sinh thanh nhã, vì là nơi phồn hoa phú quý nên Dương Châu cũng hấp dẫn nhiều gái đẹp danh kỹ tìm tới. Người ta có câu nói: “Bên lưng đem hàng vạn quan tiền hãy tìm tới Dương Châu.” Khắp nơi trong thành Dương Châu, nơi nào cũng là trà đình tửu quán, nơi nào cũng thơm nức mùi chi phấn và tiếng hát, tiếng ca múa.
Khi xưa vào đời Đường khi thi hào Đỗ Mục làm Hoài Nam Tiết độ sứ có làm một bài tứ tuyệt ca ngợi vẻ ăn chơi xa xỉ của Dương Châu: “Lạc phách giang hồ tải tửu hành Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh Thập niên nhất giác Dương Châu mộng Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.” (Giang hồ lạc phách say mèm Trên tay gái Sở lưng mềm cuộc vui Dương Châu mê mệt một đời Tỉnh ra chỉ được tiếng người chơi hoang) Bốn câu ấy thật là phong lưu đẹp đẽ, khoái trá nhân khẩu.
Sau này thi nhân Trịnh Bản Kiều cũng có làm một bài Dương Châu Trúc Chi Từ: “Thiên gia dưỡng nữ gia giáo khúc Thập mẫu tài hoa đương tác điền.” (Nhà nào cũng dạy con ca hát, Bỏ hết ruộng đồng trồng lấy hoa). Để xưng tụng cho thói quen ăn chơi xa xỉ ở đây.
Trong thành Dương Châu có một con sông và trên sông có một cây cầu nổi tiếng trong thiên hạ là Nhị Thập Tứ Kiều. Hai bên bờ sông, trà đình tửu quán, áo xanh quần đỏ, hương phấn dập dìu. Mỗi lúc chiều xuống đèn lồng thắp lên, suốt một vùng Nhị Thập Tứ Kiều trăng nước mê ly muôn ngàn ánh đèn lấp lánh chính là nơi náo nhiệt nhất ở Dương Châu, tiếng ca tiếng nhạc suốt đêm không nghỉ. Đó là nơi náo nhiệt nhất, phồn hoa nhất, nhưng... nơi đây cũng là nơi hỗn tạp nhất trong thành Dương Châu, cũng là nơi hỗn loạn, ô uế, dâm đãng, hạ lưu hạng nhất. Tóm lại tất cả những cái phồn hoa diễm lệ và tất cả mọi ô uế kinh tởm nhất trên đời đều có đủ.
Bây giờ chính đang lúc thành Dương Châu sắp hoàng hôn. Tuy chưa đến giờ lên đèn nhưng cảnh vật đã đẹp một cách dễ say người. Nhị Thập Tứ Kiều người qua lại vãng lai đông đúc ồn ào, ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Thế nhưng ngay đầu cầu lại có một thiếu niên ngồi bệt duỗi chân dưới đất, y dựa nghiêng người vào một bên thành cầu, bất cứ ai đi qua cầu cũng đều bị y giơ tay ra như có ý xin tiền.
Nếu y là một tên khất cái thì cũng chẳng có gì kỳ dị, nhưng đây lại không phải, y chỉ là một người điên! Da dẻ y vốn rất hồng hào trắng trẻo lại thêm phần siêu dật tuấn tú như y cố ý xé tơi tả quần áo đang mặc và bôi bùn lem luốc trên người nhưng vẫn không che đậy được cái áo nho sinh màu xanh và dáng điệu thoát tục của y. Khuôn mặt y rất đẹp với cặp mắt phụng, lông mày dài thanh thoát, sống mũi dọc dừa như một thỏi ngọc hết sức anh tuấn. Chỉ tiếc hai con mắt y ảm đạm thất thần và có phần hơi mê loạn.
Tuổi y xem ra cũng còn khá trẻ, chắc chắn không quá hai mươi là mấy, xem tướng mạo y siêu phàm, đúng là một công tử giữa cuộc đời ô trọc. Thế mà y lại là một người điên, đúng là tạo hóa hay đùa cợt nỡ đẩy đến thảm cảnh này. Xưa kia có lẽ y phải là một công tử mà đi đến đâu các vị cô nương cũng phải liếc mắt nhìn theo, nay mọi người đi qua trước mặt y ai nấy cũng phải chau mày nhún vai cố quanh qua chỗ y ngồi và trong ánh mắt nhìn y có gì ghê sợ chán ghét. Có nhiều chiếc kiệu của các cô nương đi qua vội vã rủ rèm xuống, cũng có vài cô nương nhìn thấy y nhẹ buông tiếng thở dài như có ý thương tiếc. Đột nhiên y rú lên một tiếng hét:
- Ôi! Xe ngựa đâu đừng đi! Lại đây cán chết ta đi... Y duỗi dài chân cơ hồ chận hết nửa cái cầu như muốn xe ngựa đi qua đấy phải cán gãy chân y.
- Đừng sợ gì cả, cứ cán gãy đi, cán chết ta đi, ta chỉ có một thân cô độc không có ai thân thuộc bắt đền mạng, cũng chẳng ai thèm báo quan đâu mà sợ. Đến đây, cán chết ta đi, đừng bỏ chạy...
Tiếp theo đó y cười điên cuồng, hai tay múa may loạn bậy trên không, y cười đến độ cong cả người. Đột nhiên y im bặt tiếng cười, long đôi mắt gầm rú:
- Ngươi tưởng ngươi có thể cán gãy chân ta được ư? Đừng hòng, dù ngươi có cầm dao tới cũng chưa chắc chặt gãy được chân ta, không tin các ngươi cứ thử xem!
Tuy y thách thức vậy nhưng nào có ai dám chém gãy chân y? Nào ai muốn thử làm gì? Chẳng ai thèm để ý đến y cả. Thế nhưng người ta không chú ý, y càng kêu gào.
Đột nhiên trong khu rừng gần Nhị Thập Tứ Kiều bước ra một hán tử thân hình cao lớn, sắc mặt trắng dã, nhãn thần hán tử rất sắc sảo, vừa nhìn đã nhận ra đó là một cao thủ võ lâm. Hắn mặc một bộ y phục quý phái càng biểu lộ hắn xuất thân từ một gia đình quý tộc. Hắn phi thân thẳng đến đầu cầu, cực kỳ cung kính cúi gập thân, nhẹ nói:
- Nhị gia, trời không còn sớm nên trở về thôi, đại gia chính đang đợi nhị gia về đấy. Người điên ngẩng đầu lên ngơ ngẩn nhìn hán tử nọ, y mơ hồ:
- Về ư? Về nơi đâu chứ? Nhà ta nào có? Hán tử cao lớn vẫn cung kính đứng hầu không đáp. Người điên mỉm cười đứng bật dậy:
- Muốn về ngươi cứ về đi. Ta đâu có nhà mà về? Y dừng lại một chút, lắc mạnh đầu nói tiếp:
- Không, ta có nhà, nhưng nhà ta ở xa lắm trên một đỉnh núi... Y bật cười ha hả tiếp luôn:
- Không, đó cũng chẳng phải là nhà ta, đó chỉ là nơi hung hiểm, là nơi giết người, nhà ta chính là ở nơi này, nơi này tốt lắm, tốt lắm... Vừa nói lảm nhảm y vừa động thân định bước đi. Hán tử cao lớn vội hoành thân chận ngang đường khổ sở van nài:
- Nhị gia, nỡ nào... Người điên trừng mắt:
- Sao? Ngươi định đánh nhau với ta ư? Hán tử cao lớn hoảng hốt:
- Nhị gia, không dám, tiểu nhân không dám... Người điên mỉm cười:
- Chủ nhân ngươi còn không dám huống gì ngươi!
Tay áo y phất mạnh bước xuống cầu bỏ đi. Hán tử cao lớn không dám ngăn cản nữa. Hắn thở dài lắc đầu vội vàng bước theo.
Chung quanh Nhị Thập Tứ Kiều chẳng những đầy trà đình tửu quán mà còn là nơi người ta tụ tập đến thi tài đánh cờ cao thấp. Kẻ có nhiều tiền sau những cuộc truy hoan mỏi mệt có thể tìm đến một quán trà vừa nhấm nháp vị trà quý Long Tỉnh vừa đánh vài ván cờ hoặc tụ năm tụ bảy đàm luận những chuyện văn chương cao nhã.
Người điên, hình như bản chất cũng vốn cao nhã, y lảo đảo bước vào một trà quán có tên là Thanh Phong Hiên. Vào trong ấy nhưng y lại không uống trà mà chỉ chăm chú nhìn mấy bàn cờ đang sát phạt nhau.
Lúc ấy ở một cái bàn ngay song cửa sổ có bốn lão nhân đang chăm chú vây quanh một bàn cờ, tuy là bàn nhưng chỉ có hai lão nhân thực sự hạ cờ còn hai lão nhân kia ngồi xem. Lão nhân cầm con cờ cứ lắc đầu vuốt râu, nét mặt nhăn nhó vì một nước cờ bí. Đó là lão ngồi bên hữu. Nhìn thế cờ, lão đang lâm vào thế nguy; hai lão ngồi xem người bảo nên đi con “Xa”, người bảo nên đi con “Tượng” nhưng lão nhân vẫn chưa quyết vì chưa tìm ra được nước cứu nguy.
Bấy giờ chủ nhân quán trà và tiểu nhị nhìn thấy thư sinh điên bước vào, theo sau là một hán tử cao lớn, chủ quán biến sắc khi nhìn thấy hán tử ấy, lão vội vàng bước tới đón:
- Đồng gia, xin người giúp đỡ, năm nay sự buôn bán khó khăn... Hán tử cao lớn được gọi là họ Đồng chau mày:
- Có tổn thất gì cứ ghi lại đó, ngày mai trong phủ sẽ cho người đến thanh toán. Lão chủ nhân không dám nói gì nữa, lão gượng nở nụ cười nhưng rồi lại ủ dột lắc đầu than thở:
- Thực ra cũng tại ông trời già không có mắt bắt Văn Nhân đại hiệp gặp đủ mọi bất hạnh chứ như năm xưa Cầm Kiếm Thư Sinh là đệ nhất cao thủ thiên hạ, uy danh chấn động khắp nơi, nào ngờ ngày cưới được mỹ nhân cũng là ngày thảm họa, vừa mới ghé môi vào chén rượu hợp cẩn thì đã...
Lão nói tới đó bỗng nhận ra sắc diện hán tử cao lớn họ Đồng khác lạ, lão vội im bặt câu nói. Cùng lúc ấy thư sinh điên đã bước tới bàn cờ bên cửa sổ, y cúi xuống nhìn, bốn lão nhân vẫn tập trung hết tinh thần vào bàn cờ không ai để ý sau lưng có người bước đến. Thư sinh điên nghiêng đầu nhìn lướt một cái đột nhiên nói:
- Lão nhân, cần gì phải nghĩ ngợi cho phí sức, sao không đi thế Liên Hoàn Mã? Y vươn tay chụp liền con cờ đặt xuống một nước mới. Hai lão nhân xem cờ giật mình im bặt miệng, đờ mắt. Lão nhân đang phân vân vì cuộc cờ tỉnh ngộ, vỗ bàn kêu lên:
- Cờ hay tuyệt, hay tuyệt! Cao, cao lắm, sao lão ta nhìn không ra nhỉ? Lão vui vẻ mừng rỡ cười to vuốt râu lia lịa. Đâu phải lão nhìn không ra, chỉ vì tay cờ lão còn quá thấp không bằng người đó thôi. Lão bật kêu:
- Ngô lão ca, đến lượt lão ca đấy. “Ngô lão ca” ngồi đối diện vốn đã nắm chắc phần thắng bỗng cục diện biến đổi, ưu thế biến thành liệt thế, bất giác lão thẹn quá hóa giận, hậm hực nói:
- Xem cờ không được chỉ điểm, đứa nào chõ miệng vào... Vừa chửi lão vừa ngẩng đầu, nhìn thấy thư sinh điên, lão biến sắc mặt vỗ bàn quát:
- Thì ra là tên điên ngươi... Lão chủ nhân quán trà vội vàng can thiệp:
- Ngô lão, có Đồng tổng quản Trác phủ ở đây, lão nên rộng lượng! Vị Ngô lão kia xoay đầu nhìn lại, quả nhiên thấy hán tử họ Đồng đứng đằng sau lưng, nét mặt đang giận dữ của lão đổi hẳn thành nụ cười lúng túng nghiêng thân thi lễ:
- Đồng gia, lão không nhìn thấy, xin... Hán tử họ Đồng cười mỉm:
- Ngô lão đừng nói vậy, chỉ vì nhị gia chúng ta xen vào bàn cờ; bất quá nhị gia đã gặp đau khổ nhiều rồi, xin được chiếu cố. Câu nói hết sức khôn khéo khiến Ngô lão vội đáp:
- Vâng, đúng vậy, đúng vậy... Họ đối đáp với nhau trong lúc thư sinh điên khoanh tay sau lưng đi tới. Lão chủ nhân thở dài than:
- Văn Nhân đại hiệp thật không hổ là bậc kỳ tài có khả năng xoay đổi càn khôn... Hán tử họ Đồng chặn ngang:
- Đâu chỉ là về thuật chơi cờ thế đâu, danh xưng nhị gia là Cầm Kiếm Thư Sinh, kỳ thực võ học của nhị gia đệ nhất, văn tài cũng cái thế, không gì không am hiểu, đáng tiếc là... Hắn cũng thở dài não nuột im bặt! Lão chủ nhân tiếc rẻ:
- Đồng gia, chẳng lẽ bệnh điên của Văn Nhân đại hiệp không có thuốc nào trị được sao? Hán tử họ Đồng buồn bã lắc đầu:
- Tiền lão ca, đại gia chúng ta xưng hiệu là Thất Tuyệt Thần Quân, về sở học trừ nhị gia không kể, có lẽ cao hơn mọi người trong thiên hạ. Đại gia coi nhị gia như huynh đệ ruột thịt, rất tha thiết thành tâm lo liệu cho nhị gia chứ nỡ nào nhìn nhị gia ra nông nổi này?
- Phải lắm Đồng gia... Lão chủ họ Tiền gật đầu tiếp:
- Trác đại hiệp là người hiệp nghĩa nhân từ, tận tâm vì bằng hữu Văn Nhân đại hiệp mà tận tâm tận lực, có thể nói về y thuật Trác đại hiệp siêu tuyệt hơn người, đã nhiều lần chữa trị cho Văn Nhân đại hiệp không tiếc gì tiền của... Hán tử họ Đồng gật đầu cười khẽ:
- Không dấu Tiền lão ca, gia sản của đại gia chúng ta đã tốn phí không ít vì chứng bệnh của nhị gia. Người ta vẫn tưởng Trác phủ giàu có lắm, kỳ thực chỉ còn cái vỏ rỗng thế mà đại gia chúng ta không hề chau mày. Tiền lão chủ tán thán:
- Trác đại hiệp thực là một nhân vật đáng cho người ta khâm phục. Lúc ấy bỗng họ Đồng khẽ nhướng lông mày.
Tác giả: Độc Cô Hồng
Dịch Thuật: Vô Danh
Đả tự: Thái Kỳ Thư
Nguồn: Nhạn Môn Quan
Tiền lão chủ nhìn theo cũng chau mày. Thì ra thư sinh điên đã bước đến một bàn khác. Bàn này có năm đại hán mặt mũi hung tợn đang ngồi chơi bài cửu. Trà quán này vốn là nơi thanh nhã, ngồi ở đây đánh bài thực sự rất chướng mắt, nhưng vì mặt mày hung tợn của năm đại hán ấy, không một ai dám ngăn cản, vả chăng cũng chẳng có quy định nào cấm đánh bài trong trà quán. Tên ngồi giữa đang vừa xào bài vừa chửi mắng luôn miệng:
- Con mẹ nói, hôm nay là ngày gì mà chia liên tiếp bốn lần chưa được tới ba điểm. Con mẹ nó, chẳng lẽ là... Tuy chửi mắng huyên thuyên như vậy, nhưng hắn vẫn chia bài. Những con bài đồng bạn thu bài lên nhìn, hai tên ngồi trước và sau sắc mặt hớn hở vì có lẽ bắt trúng bài điểm lớn, còn tên đại hán ngồi giữa tái nhợt mặt, run tay như không dám đặt bài xuống. Đột nhiên thư sinh điên đứng bên cạnh xen lời vào:
- Đại huynh, ván này không xấu lắm đâu. Để ta giúp đại huynh một tay. Đưa con bài ở dưới lên chắc chắn không thua được! Kẻ đánh bài đang thua tâm lý rất hoảng loạn, vừa nghe câu ấy không cần biết người nói là ai, hắn lập tức vật hai con xuống. Hai con đó là hai con ở dưới cùng được đánh ra trước đã thay đổi cục diện. Tên đại hán ngồi giữa nhảy cẫng lên vì vui mừng:
- Mẹ nó, vận đỏ ta tới rồi, nhờ cú bài này ta đỡ thua... Hắn vui mừng lắm nhưng bốn tên đại hán khác lại nổi giận, tám con mắt lập tức xoay lại, một tên chửi:
- Đồ khốn, người định chết sao? ... Cút mẹ ngươi đi! Chắc hẳn hắn không biết trước mắt hắn chỉ là một người điên, có lẽ hắn không phải là người ở bản địa vì chung quanh vùng Dương Châu này ai mà không quen mặt thư sinh điên. Kẻ điên vẫn là kẻ điên, thư sinh ngoác miệng ra cười:
- Các người giấu bài trong tay áo mà còn dám chửi người nữa à? Câu ấy vừa thốt, đại hán ngồi giữa biến sắc, vỗ bàn đứng bật dậy. Tên đại hán vừa chửi cũng đứng dậy, hắn tung quyền đấm tới giữa ngực thư sinh điên đồng thời miệng tiếp tục chửi:
- Đồ khốn, hãy đi mà gặp Diêm Vương! Thư sinh điên vẫn sững nhìn hắn không hề né tránh. Nhưng quyền tên đại hán chưa kịp đánh trúng ngực thư sinh điên bỗng năm ngón tay chỉ phong chớp nhoáng từ bên chụp tới uyển mạch hắn, tiếp theo là một giọng lạnh như băng:
- Bằng hữu, hạ thủ lưu tình! Nửa thân đại hán đau nhói, hắn sợ hãi nghiêng đầu liếc nhìn. Cạnh hắn không biết từ bao giờ đã có thêm một hán tử cao lớn, sắc mặt trắng dã, đưa hai con mắt uy hiếp nhìn hắn.
- Tôn giá là... Hán tử cao lớn lạnh lẽo cắt ngang:
- Ta họ Đồng, là môn hạ của Trác phủ ở Dương Châu, đây là nhị gia của chúng ta, xin bằng hữu hãy nhẹ tay, đừng đánh người có bệnh làm gì. Đại hán nọ chỉ kịp chớp mắt một cái, bốn đại hán đồng bạn cùng chơi bài đã cùng lượt ngã sấp xuống mặt bàn, rượu thịt chén bát bay lên tung tóe, bộ bài cửu cũng văng đầy xuống đất. Một tên đại hán phẫn nộ gào thét:
- Mặc kệ hắn là môn hạ của ai, cứ giết chết đi! Lời dứt, tất cả đều cho tay vào lưng xoẹt, xoẹt mấy tiếng, bốn thanh nhuyễn kiếm đã vọt vào tay, thân hình mau lẹ chuyển động vây hán tử họ Đồng vào giữa. Tình trạng trong trà quán đại loạn, các trà khách hò hét vang lừng trong chốc lát đã chạy trốn hết sạch, chỉ còn lại lão chủ nhân họ Tiền đang lúng túng chưa biết can thiệp ra sao. Hán tử cao lớn họ Đồng lạnh nhạt buông lời:
- Tiền lão ca, đừng tham dự vào việc này. Toàn là bằng hữu giang hồ, lão ca khỏi cần lo lắng, cứ đứng ngoài mà nhìn cho kỹ, có tổn thất bao nhiêu, chút nữa ta sẽ mời năm vị đây dốc túi tiền! Khẩu khí hắn thật ngạo mạn. Bốn tên đại hán chuẩn bị động thủ đột nhiên biến sắc. Chỉ nghe hự một tiếng, tên đứng bên tả đâm tới một kiếm, chiêu thế xem ra cũng có lợi hại. Hán tử họ Đồng mỉm cười nhạt nói:
- Bằng hữu, kiếm pháp khá lắm. Hắn vừa nghiêng thân tránh kiếm cực mau, vừa vươn chỉ pháp ấn mạnh vào đại hán đứng giữa vốn vẫn bị nắm cứng mạch môn. Tên đại hán ấy đau choáng người lại bị họ Đồng đẩy tới đỡ chiêu kiếm thứ hai. Tên đại hán cầm kiếm hoảng hốt trầm tay xuống thu chiêu, nhưng cuối cùng hắn vẫn gặp vận không may. Hán tử cao lớn họ Đồng chuyển thân chớp nhoáng đến gần hắn, tả chưởng đập mạnh gãy đôi thanh kiếm của đại hán. Hắn rú lớn lên, thu kiếm lại. Hán tử họ Đồng ngoặt tay trái đón lấy đoạn kiếm gãy xoay thân kéo đại hán bị kiềm chế trở về vị trí cũ, hán tử họ Đồng đưa mắt nhìn ba đại hán khác cười gằn:
- Còn vị nào muốn thử nữa không? Ba động tác lướt thân, đả thương người đoạt kiếm rồi xoay về chỗ cũ của hắn như hợp thành một bát quái chỉ xảy ra trong một nháy mắt. Ba đại hán kia cả kinh, tên đại hán đang bị kềm giữ buột miệng:
- Thì ra tôn giá là cao nhân không lộ bản tướng... Hán tử họ Đồng lạnh nhạt đáp:
- Vừa rồi ta đã biểu lộ chân tướng thân phận. Rất tiếc chư vị bằng hữu có mắt như mù, có tai như điếc, cứ hoành hành không nói tới lý lẽ, cậy đông khinh người... Sắc mặt hắn trầm xuống, nói tiếp:
- Như nay có thể ngưng chuyện đôi co được rồi. Hãy bồi thường tổn thất cho trà quán rồi lên đường, nếu không chúng ta tiếp tục tỷ thí, tại hạ xin thù tiếp. Tình thế trước mắt quả bất lợi vì đối diện với cao thủ còn đồng bạn một tên đang lọt vào tay người, một tên táng đởm vì thất thủ còn đâu hung khí nữa? Ba tên đại hán đưa mắt nhìn nhau, đột nhiên cùng cất kiếm vào vỏ, ném xuống bàn một đĩnh bạc, không tên nào dám thốt ra một lời, cúi đầu bước ra khỏi quán. Bấy giờ hán tử họ Đồng mới nới lỏng tay ra, tên đại hán đang bị kềm giữ lảo đảo lui lại phía đồng bạn. Họ Đồng buột lời:
- Khoan đã, các bằng hữu hãy để lại danh hiệu. Đại hán đứng giữa hơi ngần ngừ một lát rồi cũng miễn cưỡng đáp:
- Chúng huynh đệ Lỗ Trung Ngũ Hổ. Hán tử họ Đồng nở nụ cười an nhàn:
- Ta cũng xin lặp lại, ta họ Đồng, tên Thiên Giáp, có thêm một tên tục là Chấn Thiên Thủ. Nếu như các bằng hữu chưa phục, ngày khác cứ đến mà tìm ta! Hắn thuận tay ném đoạn kiếm gãy trong tay ra phập một tiếng lớn, đoạn kiếm ấy cắm trước mặt đại hán sâu vào đất, hơn nửa phần còn lại liên tục lay động. Bọn Lỗ Trung Ngũ Hổ vừa nghe tên hiệu đối phương liền chấn động biến sắc, vội vàng vọt thân ra khỏi trà quán, không màng gì tới đoạn kiếm gãy. Chấn Thiên Thủ Đồng Thiên Giáp bất giác bật cười chầm chậm chuyển thân nhìn lão chủ nhân họ Tiền:
- Tiền lão ca, đĩnh bạc này có đủ... Đột nhiên hắn biến sắc hấp tấp nói:
- Tiền lão ca, có thấy nhị gia chúng ta đâu không? Đúng vậy, trong lúc hắn bận rộn với bọn Lỗ Trung Ngũ Hổ kia, thư sinh điên nọ dĩ nhiên không biết biến mất đằng nào. Lão chủ họ Tiền giật mình đưa mắt đảo chung quanh kinh ngạc kêu:
- Không có, ta đâu có nhìn thấy Văn Nhân đại hiệp đi từ lúc nào... Đồng Thiên Giáp vừa cấp tốc vọt ra cửa vừa sợ hãi than:
- Giả như xảy ra chuyện gì cho nhị gia, e rằng đại gia giết ta mất...
Lời chưa dứt thân hắn đã ra ngoài trà quán. Trà quán chỉ còn trơ lại một mình lão chủ họ Tiền đưa mắt nhìn đoạn kiếm gãy cắm nửa thân trong đất, lão phát run...
-oOo-
“Xuân phong lăng hoa tam thiên khách, Minh Nguyệt Dương Châu Đệ Nhất Lâu”.
(Gió xuân đưa tới ba ngàn khách, Trăng sáng Dương Châu đệ nhất lầu).
Đó là hai câu đối treo hai bên cánh cửa đại môn một tửu lầu ở Dương Châu được dát bằng những chữ vàng, cái tấm biển tên tửu lầu treo trên cao viết năm chữ lớn: “Dương Châu Đệ Nhất Lâu”. Mới thoạt nhìn tưởng như khẩu khí có phần khoa trương, nhưng sự thực hết sức đúng chứ không nói quá một chút nào, vì cái Dương Châu Đệ Nhất Lâu này kiến trúc hết sức to lớn đường bệ tuyệt mỹ vừa hào hoa xứng đáng với tên gọi Dương Châu Đệ Nhất Lâu.
Chẳng những như thế, vị chủ nhân của Dương Châu Đệ Nhất Lâu còn không tiếc tiền của mời toàn những mỹ nữ giai nhân thiện nghệ ca vũ đắt giá nhất của hai miền Nam Bắc về để giúp trợ thêm tửu hứng của các giai khách.
Mỗi tối khi đèn vừa thắp lên Dương Châu Đệ Nhất Lâu sáng rực chẳng kém gì cung điện của bậc vương giả, tiếng ca hát múa may náo động suốt đêm một góc Dương Châu Thành. Thêm vào đó Dương Châu Đệ Nhất Lâu còn đủ cả rượu ngon, gái đẹp, cách chiêu đãi thân thiết nên suốt đêm ngày hào khách lúc nào cũng đông đảo.
Thế nhưng Dương Châu Đệ Nhất Lâu lại có một điểm không được hay cho lắm là bàn ghế được phân chia ra nhiều bậc, khách được mời lên lầu có nghe hát xem múa phải là khách trước tiên có nhiều tiền và hình dung phải tuấn nhã hào hoa. Còn nếu ít tiền xin mời ngồi dưới lầu và chỉ được nghe trộm tiếng ca múa từ trên lầu vọng xuống và những bóng mỹ nhân lay động trên vách dọi từ chân cầu thang xuống. Thực ra nói đi cũng phải nói lại, tiền phải bỏ ra để lên được trên lầu không phải là ít, cao gấp nhiều lần giá tiền cùng một bàn rượu ở dưới lầu.
Lúc bấy giờ Dương Châu Đệ Nhất Lâu đang vào giờ đông đúc nhất, người ra kẻ vào vui đùa nhộn nhịp. Tự nhiên một thư sinh điên lảo đảo nghiêng ngửa bước thẳng vào tửu lầu. Mọi người đều vội vã tránh đường cho y vì không những y điên mà cách ăn mặc hết sức rách rưới hôi hám làm ai nấy cũng phải sợ. Thư sinh điên ngang nhiên tiến vào tửu lâu. Theo lẽ với thân tàn ma dại như y nên kiếm một góc khuất nào dưới lầu mà ngồi là đủ rồi, thế nhưng y không thèm nhìn một ai bước thẳng lên lầu! Bọn tiểu nhị hoảng hốt nhìn thấy y xăm xăm bước lên lầu nhưng không ai dám ngăn cản, mấy tên chỉ đưa mắt nhìn nhau và cuối cùng một tên đành quay vào phi báo cho lão nhân chưởng quỹ. Dù đã cấp tốc phi báo nhưng vẫn chậm mất một bước, thư sinh điên kia đã lên tới lầu trên, y vừa bước hết cầu thang khéo sao lại chạm mặt ngay với một ca kỹ tuyệt đẹp. Thư sinh điên trố mắt bước tới như muốn ôm lấy nàng ca kỹ ấy cười cợt:
- Tiểu nương tử, đừng đi nữa nhé có ta đây mà... Vừa nói y vừa chụp lấy cánh tay ngọc ngà của nàng. Mỹ nhân hoảng sợ lùi lại thu tay về, mặt hoa biến sắc. Thư sinh điên xông tới cười nham nhở:
- Tiểu nương tử, chớ sợ, sở dĩ ta tiều tụy thế này là vì bị người ta hãm hại, chứ xưa kia ta tuấn tú như tiên đồng ấy. Y giơ tay chỉ một vòng quanh các thực khách đang ngồi ăn uống cất giọng thật to:
- Tiểu nương tử thèm gì cái bọn túi nặng vàng bạc kia. Trông chúng quý phái nhưng chẳng biết tiền ở đâu lắm thế và cũng chẳng biết trong bụng chúng âm mưu quỷ quái gì đâu...
Câu nói ấy khiến tất cả thực khách đều biến sắc, không ai thèm nhìn y và cũng chẳng ai dám phản ứng với câu nói hỗn láo khiêu khích ấy. Thư sinh điên chưa chịu buông tha, y bước luôn đến cái bàn gần nhất. Bàn ấy có hai trung niên ra dáng thương gia đang ngồi uống rượu, trên bàn rượu thịt khá phong phú nhưng chưa ai động tới đũa. Thư sinh điên tiến đến sát bàn vươn tay chụp liền một đùi gà luộc, y há mồm ngoạm một miếng lớn nhai chóp chép như chung quanh không có người.
Hai trung niên biến sắc đứng dậy, họ cố nén giận gọi to bọn tiểu nhị. Tiểu nhị hấp tấp chạy đến cúi mình xin lỗi lia lịa rồi vội vàng mời hai vị khách sang một bàn khác. Hai vị khách vừa đi, thư sinh điên đắc ý ngồi luôn xuống bàn ấy, bao nhiêu rượu thịt để sẵn y chén tì tì, đĩa này bốc một miếng, đĩa nọ bốc một miếng, ăn ngồm ngoàm rất khó coi. Thư sinh điên tuy ngồm ngoàm ăn mà vẫn cố nói:
- Sơn hào hải vị, rượu ngon thịt ngọt, bỏ đi không tiếc sao? Lại đây nào, lại đây ba chúng ta cùng say với nhau! Vừa nói y vừa dốc ngược hũ rượu vào miệng, mặc cho rượu tràn ra cả hai bên mép. Chớp mắt hũ rượu sạch không còn một giọt, y vất hũ rượu xuống đất một cái “bình”, chùi mép định đứng dậy, bỗng cầu thang rung lên, một lão nhân tóc bạc gầy yếu mặc trường bào bước lên, theo sau lưng là hai tên tiểu nhị. Đó là chưởng quỹ Đệ Nhất Lâu, lão nhìn thư sinh điên, miễn cưỡng nở một nụ cười thận trọng thăm dò:
- Văn Nhân nhị gia... Thư sinh điên đảo lộn hai mắt:
- Lão gọi ai là Nhị gia? Lão chưởng quỹ vội đáp:
- Tự nhiên là gọi ngài... Thư sinh điên bật cười:
- Hừ! Chẳng hiểu lão có ý gì. Ta không quen biết lão, sao lão lại gọi ta là Nhị gia?
- Nhị gia quên rồi đấy. Lão chính là chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương... Thư sinh điên ồ một tiếng:
- Phải, phải, phải, té ra lão có hai mắt mà lại ngu si nhận ra “mắt vuông” thôi ư? (chữ Khổng Phương nghĩa đen là “mắt vuông”). Câu nói ấy khiến toàn bộ thực khách trên lầu bật tiếng cười. Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương đỏ gay mặt, lão đã giận lắm nhưng cố miễn cưỡng nhịn nhục cười gượng:
- Văn Nhân nhị gia!
- Thôi được... Thư sinh điên tiếp lời:
- Không cần gọi tên ta nữa, để ta đi cho rồi... Y đứng dậy ngay sau câu ấy.
Tác giả: Độc Cô Hồng
Dịch Thuật: Vô Danh
Đả tự: Thái Kỳ Thư
Nguồn: Nhạn Môn Quan
Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương thở phào nhẹ nhõm. Nhưng thư sinh điên chỉ bước có hai bước đột nhiên dừng lại nói:
- Khoan đã, nơi đây toàn là bọn đại lão gia, đại công tử nhiều tiền, còn ta chẳng có đồng nào trong người. Tại sao ta không bảo chúng cho ta chút ít... Lão chưởng quỹ nghe rất chói tai, đang định mở miệng, thư sinh điên đã chuyển thân chớp nhoáng đến bên một bàn. Quả thực y chìa tay ra nhìn hai tửu khách mỉm cười xin:
- Nhị vị, xin cho vài đồng cho ta trả tiền rượu! Hai tửu khách ấy là hai hán tử trung niên ăn mặc như các nhân vật giang hồ, cả hai biến sắc, tên ngồi bên tả khẽ hừ một tiếng lạnh lùng giơ tay lên đánh liền một chưởng ngược lại, thư sinh điên bị đẩy ngã xuống mặt ván lầu. Cái ngã ấy càng làm y thêm điên, y bật thân dậy chỉ vào mặt hai hán tử trung niên chửi:
- Bọn lớn gan, hai thằng bay dám đánh ta, hai thằng bay không biết ta là ai hay sao? Năm xưa ta tung hoành nam bắc, ngạo nghễ võ lâm, xưng tôn thiên hạ, đi tới đâu là được hào kiệt bốn phương tiếp đón, còn bọn hắc đạo nghe tên ta vội vàng đào tẩu. Hôm nay chúng bay dám đánh ta, nếu như xưa, đời nào chúng bay hòng... Hai hán tử trung niên thình lình đứng cả dậy, cả hai cười gằn:
- Chuyện xưa là chuyện xưa, chuyện nay là chuyện nay... Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương xạm mặt, chạy đến hai tay xua lia lịa:
- Nhị vị, nhị vị, xin nể mặt tiểu lão đây mà tha thứ cho, xin muôn ngàn tha thứ cho, nhị vị đều là cao nhân, hà tất... Tên trung niên hán tử bên tả lạnh lẽo nói:
- Hãy bảo y tránh xa các đại gia chúng ta. Lão chưởng quỹ vâng dạ liên hồi, xoay lại thư sinh điên vẫn đang chửi rủa, lão khó khăn lắm mới kéo được y về chỗ cũ, nhưng y vẫn chưa hoàn toàn bình tĩnh. Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương thở phào đưa ống tay áo chùi mồ hôi lấm tấm trên trán. Bấy giờ từ phía đông các dãy bàn bỗng có một âm thanh nhẹ nhàng trong trẻo:
- Dì Sương ơi, ngươi kia giả vờ điên đấy phải không?
Âm thanh trong trẻo nhỏ nhẹ ấy phát từ miệng một thiếu niên áo đen, thiếu niên hắc y ấy có hai mắt sáng, lông mày đẹp như hai mũi kiếm, môi đỏ răng trắng, anh tuấn hơn người, đúng là một thiếu niên đẹp đẽ, chỉ tiếc là nét mặt thiếu niên quá nặng sát khí, trông rất dễ sợ.
Bên cạnh thiếu niên là một thiếu nữ cũng toàn thân áo đen có da thịt trắng như tuyết, búi tóc cao, nhan sắc thanh nhã, nàng hơi cau đôi lông mày đẹp như không thể nào đẹp hơn. Nếu đem so sánh nàng với các kỹ nữ xinh đẹp có mặt trong tửu lầu này chẳng khác nào so sánh ánh trăng với đèn dầu, nhưng nét mặt nàng lạ thay lại hết sức buồn bã ảm đạm. Đồng thời ở nàng còn toát ra một khí chất hết sức cao quý. Điểm duy nhất khiếm khuyết ở nàng là thần thái nàng lạnh lẽo như băng giá, khuôn mặt mỹ lệ ấy như bao phủ bởi một lớp sương lạnh khiến người đối diện phải sinh sợ hãi. Nàng được thiếu niên áo đen gọi là Sương di (dì Sương) nghe hỏi vội đáp lập tức:
- Không đâu, Mai Lãnh, y điên thực chứ chẳng có chút nào giả vờ đâu! Thiếu niên áo đen ngẩn mặt ra, hai lông mày khẽ nhướng lên:
- Sương di, sao vậy, y điên thật à? Xem tướng mạo y là nhân vật xuất chúng thế kia, nếu là điên thật chẳng đáng tiếc làm sao? Thiếu nữ hắc y đáp:
- Cháu biết gì chuyện của y mà cháu cho là đáng tiếc?
- Chuyện y như thế nào? Sương di biết chứ?
- Đối với người ấy dì biết khá nhiều. Kỳ thực, biết chuyện của y cũng chẳng phải có một mình dì, có thể nói khắp võ lâm giang hồ không ai không biết chuyện y... Thiếu niên áo đen ngạc nhiên:
- Thế... tại sao cháu lại không biết?
- Không phải cháu không biết mà chỉ vì cháu không biết đoạn cuối thương tâm bi thảm của y đó thôi, vì cháu suốt đời ở trong thâm sơn cùng cốc không can dự thế sự, mẹ cháu không dám rời xa cháu một bước và cũng chẳng chấp nhận cho môn nhân đệ tử kể chuyện võ lâm cho cháu nghe.
- Thế dì Sương có bằng lòng nói cháu nghe chăng? Nữ nhân áo đen gật đầu:
- Được, dì bằng lòng chứ. Thiếu niên áo đen mỉm cười vội gắp cho nữ nhân áo đen một cái đùi gà bỏ vào bát nàng:
- Dì Sương, hãy ăn một miếng trước đi! Nữ nhân áo đen không động đũa, đôi mắt đẹp của nàng chuyển động nhìn thiếu niên hết sức ưu ái:
- Cháu cứ để dì tự nhiên... Mai Lãnh, có bao giờ cháu nghe tiếng thiên hạ đệ nhất kỳ tài Cầm Kiếm Thư Sinh Văn Nhân Mỹ chưa?
- Nào chỉ nghe mà thôi? Thực ra tên tuổi người ấy nổi như sấm động. Dì Sương, từ khi cháu có trí khôn, đó là người mà cháu sùng bái nhất, chỉ tiếc rằng...
- Đâu chỉ có một mình cháu sùng bái? ... Câu chuyện kể ra cũng dài, cháu có biết Cầm Kiếm Thư Sinh quật khởi võ lâm từ lúc nào không? Thiếu niên gật đầu:
- Điều đó cháu có biết, trước đây ba năm.
- Đúng vậy, y quật khởi nổi tiếng ba năm trước, nhưng chẳng ai biết sư phụ xuất thân của y. Chỉ trong vòng ba năm ngắn ngủi với công phu bản lãnh sở học của y, y dễ dàng đoạt được tiếng khen là thiên hạ đệ nhất kỳ tài, và cùng với sở học ấy chiếm được tình yêu của một cô nương cân quắc tuyệt đẹp, từ đó hai người rong ruổi giang hồ bên nhau chẳng lúc nào rời, cuối cùng họ thành hôn... Thiếu niên áo đen luôn gật đầu:
- Đúng là như thế, đúng là như thế... Nữ nhân áo đen lắc đầu:
- Về lý thì đúng nên như thế, nhưng sự thực lại khác, đó cũng là do tạo vật hí lộng, trời đất ghen ghét với những mối lương duyên. Trong đêm y thành hôn với cô nương anh tài tuyệt mỹ nọ, y vừa mới ghé môi nhấp vào chén rượu hợp cẩn bèn rơi vào cảnh huống bi thảm... Thiếu niên áo đen biến sắc vội hỏi:
- Dì Sương, điều ấy tại vì... Nữ nhân lắc đầu:
- Chẳng ai biết vì đâu. Tóm lại, chỉ vì y mới uống một hớp rượu hợp cẩn liền phát điên cuồng, đó là sự thực.
- Dì Sương, chắc chắn phải có người hạ độc trong chén rượu ấy.
- Từ đó tình đã biến thành thù, toàn bộ khách dự lễ cưới bi thương ra về, y đau khổ suốt đêm hôm động phòng ấy... Thiếu niên áo đen chau mày như lây sự đau khổ của người trong câu chuyện:
- Dì Sương, thế hiện tại vị Văn Nhân phu nhân ấy ở đâu? Nữ nhân lắc đầu:
- Nửa chén rượu hợp cẩn đã thành số phận bi thảm của nàng, ba năm nay vị Văn Nhân phu nhân tội nghiệp ấy tạm ngụ trong nhà người bằng hữu chí thân của Cầm Kiếm Thư Sinh, suốt ngày nàng ăn chay niệm Phật cầu nguyện trời xanh cho phu quân của nàng có ngày thuyên giảm. Thiếu niên thở dài:
- Đáng thương thật! ... Dì Sương, chẳng lẽ chứng bệnh của Văn Nhân đại hiệp không có thuốc gì chữa khỏi được ư?
- Dì cũng không biết nữa, vị bằng hữu thân thiết ấy trong ba năm nay tận tâm tận lực chẳng tiếc gì vàng bạc châu báu cầu tìm danh y, chính bản thân vị bằng hữu ấy cũng là một cao thủ về y học, thế mà đã ba năm Cầm Kiếm Thư Sinh chẳng có dấu hiệu gì thuyên giảm bệnh tình.
- Xem ra, chỉ có thuốc giải của người hạ độc may ra mới cứu được Văn Nhân đại hiệp! Nữ nhân áo đen không đáp. Thiếu niên hơi nhíu mày:
- Dì Sương, vị bằng hữu chí thân của Văn Nhân đại hiệp phải chăng là...
- Thất Tuyệt Thần Quân Trác Không Quần! Thiếu niên A lên một tiếng:
- Thì ra là người ấy... Nữ nhân gật đầu:
- Phải. Đó chính là nhân vật thứ hai mà cháu bội phục, nói cho đúng, tên tuổi của Thất Tuyệt Thần Quân chỉ đứng dưới một mình Cầm Kiếm Thư Sinh trong giới võ lâm, khó có ai hào khí nghĩa hiệp như người ấy... Thiếu niên gật đầu:
- Trừ Cầm Kiếm Thư Sinh ra, chẳng một ai khác ngoài Thất Tuyệt Thần Quân... Thiếu niên hơi lắc đầu, đỡ lời:
- Đương nhiên, dì Sương, còn có cả dì nữa chứ. Nữ nhân áo đen bấy giờ mới hơi nhếch miệng cười:
- Thế ư?
- Trước mặt dì, Mai Lãnh cháu đâu dám xảo ngôn, vả chăng từ khi khôn lớn cháu đâu có thói quen nịnh bợ. Nữ nhân im lời. Thiếu niên liếc nhìn nàng:
- Sao, dì Sương, lẽ nào chúng ta không có cách nào hỏi Văn Nhân đại hiệp cho rõ trắng đen ư? Nữ nhân chau mày:
- Văn Nhân đại hiệp đang trong cơn bệnh trầm kha, chúng ta có thể tìm hiểu từ Thất Tuyệt Thần Quân và Văn Nhân phu nhân.
- Dì Sương, có dễ dàng lắm không?
- Mai Lãnh, dễ hay không là tùy vào ta. Thiếu niên vẫn còn có phần chưa thỏa mãn:
- Dì Sương, theo cháu, với bản lãnh tuyệt thế của Văn Nhân đại hiệp, cháu không tin người khác dễ dàng hạ độc y.
- Ai bảo với cháu y bị người khác hạ độc?
- Chẳng lẽ không đúng thế ư?
- Dì không nói là không đúng, chỉ vì việc ấy ba năm nay không ai dám võ đoán. Thiếu niên nhướng mày:
- Có gì mà không dám? Rõ ràng là... Nữ nhân cắt lời:
- Mai Lãnh, sự thực ba năm nay Thất Tuyệt Thần Quân đã sai phái môn nhân thuộc hạ tra xét tìm kiếm khắp gầm trời, chưa hề kiếm ra một dấu vết nào.
- Thế chẳng lẽ vô duyên vô cớ chỉ uống một ngụm rượu hợp cẩn mà phát điên liền được sao? Chắc chắn đã rõ có người hãm hại y.
- Cũng có thể miễn cưỡng nói là như thế.
- Hoặc là y có giả điên chăng? Nữ nhân áo đen đột nhiên bật cười:
- Đường đường là một vị thiên hạ đệ nhất kỳ tài, việc gì y phải giả điên? Tất cả việc vừa rồi cháu đã nhìn thấy tận mắt rồi đó!
- Hoặc là y có ẩn tình bất đắc dĩ gì đó? Nữ nhân lắc đầu:
- Điều ấy khó có khả năng. Nếu có ẩn tình bất đắc dĩ ắt có cách giải quyết khác tốt hơn chứ tội gì phải xé áo bôi bẩn mặt mày, cam làm... Thiếu niên chận lời:
- Nếu là y điên thật thì chắc chắn đã có người hãm hại. Nữ nhân lại lắc đầu:
- Thôi được, Mai Lãnh, sự việc không liên quan gì đến cháu, bất tất phải mất công, chúng ta mau mau ăn cho xong, việc chính của chúng ta quan trọng hơn. Thiếu niên vâng một tiếng, nhưng vẫn nghi hoặc chăm chú nhìn nữ nhân:
- Dì Sương, hình như dì không thích nói về chuyện này?
- Ai nói vậy? Nữ nhân hắc y dường như rung động nói ra câu ấy. Thiếu niên buông một câu:
Tác giả: Độc Cô Hồng
Dịch Thuật: Vô Danh
Đả tự: Thái Kỳ Thư
Nguồn: Nhạn Môn Quan
Nữ nhân áo đen cắt lời liền:
- Đừng nói nữa, vì chẳng có ích gì. Chúng ta chưa biết rõ nội tình ra sao, chúng ta còn có chuyện cần của chúng ta, hà tất phải hao tổn thần trí vì việc người khác?
- Cháu không muốn làm Sương di xúc động, cháu chỉ nhận ra trong câu chuyện này ắt phải có ẩn tình gì rất lớn.
- Mai Lãnh, hãy nói về việc quan trọng của chúng ta đi! Thiếu niên sợ hãi vội thưa:
- Vâng, dì Sương, cháu không nói nữa.
- Thế thì cháu hãy ăn mau mau cho nóng. Thiếu niên áo đen im lặng nhấc chén rượu lên... Bấy giờ cách bàn hai dì cháu áo đen ấy mấy bàn cũng có một lão nhân gầy gò đang nhấc chén rượu. Ngay lúc ấy cầu thang có tiếng động, một người phi thân như bay lên. Đó là Chấn Thiên Thủ Đồng Thiên Giáp. Hắn vừa nhìn thấy thư sinh điên vội vàng bước tới bên cạnh. Chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương lập tức nghênh tiếp:
- Đồng gia, sao bây giờ ngài mới tới... Đồng Thiên Giáp lạnh lùng nhìn nghiêng:
- Sao? Nhị gia quấy nhiễu tửu lâu, đắc tội với khách nhân các người ư? Nhiệm Khổng Phương vội đáp:
- Đồng gia nói gì vậy, lão nào dám có ý to gan như thế, chỉ vì, Đồng gia, người đã biết đấy, Văn Nhân đại hiệp quang lâm tệ quán, tệ quán có trách nhiệm... Đồng Thiên Giáp lạnh lùng ngắt lời:
- Ta hiểu rõ, cứ ghi vào sổ nợ, sáng mai Trác phủ sẽ thanh toán. Dứt lời hắn bước đến gần thư sinh điên Văn Nhân Mỹ. Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương vẫn bám sát theo, liên hồi nói:
- Đa tạ Đồng gia, đa tạ Đồng gia... Đồng Thiên Giáp như không hề nghe, hắn bước tới trước mặt thư sinh điên Văn Nhân Mỹ cung kính cúi lưng:
- Nhị gia, tiểu nhân cơ hồ tìm khắp Dương Châu thành. Chúng ta nên quay về đi thôi. Thư sinh điên Văn Nhân Mỹ không thèm đáp từ từ đứng dậy. Lão chưởng quỹ chưa kịp mừng, đột nhiên thư sinh điên chỉ vào hai hán tử trung niên nói:
- Hai tên kia vừa đánh ta! Lão chưởng quỹ hoảng hốt chưa kịp nói câu nào, Đồng Thiên Giáp lạnh lùng đưa mắt nhìn hai hán tử gằn giọng:
- Đồng gia, xin ngài chớ hiểu lầm, Văn Nhân đại hiệp là... Đồng Thiên Giáp lạnh lùng nhìn xoay lại hỏi:
- Là cái gì? Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương hoảng sợ, vội đáp:
- Đồng gia, xin ngài minh giám, lão hủ gan trời cũng không dám nói bậy, không tin ngài cứ hỏi các vị tửu khách ở đây xem ai có thấy hai vị đây đánh Văn Nhân đại hiệp không?
Đồng Thiên Giáp quét mắt nhìn toàn tửu lâu, mọi người đều im bặt cúi đầu im tiếng, không ai dám nói sự thật đứng dậy. Sự thực, Văn Nhân Mỹ là một thư sinh điên, vừa bước lên lầu đã quấy nhiễu tửu hứng người khác, thế mà không ai dám nói thật, kể cả các ca kỹ diễm tuyệt kia cũng không ai dám lên tiếng. Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương cất lời:
- Đồng gia, ngài thấy đó, lão hủ đâu dám dối ngài... Nào ngờ, câu ấy chưa nói xong thì cả tửu lầu đang im bặt đột nhiên có giọng nói lớn cất lên:
- Ta nhìn thấy rõ, hai tên kia đánh người! Câu nói ấy khiến bốn người biến sắc, một người chau mày. Bốn người biến sắc là Đồng Thiên Giáp, hai hán tử trung niên, lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương, còn một người chau mày là nữ nhân áo đen có khuôn mặt lạnh như băng giá. Chợt nghe Đồng Thiên Giáp cất lớn tiếng:
- Là vị cao nghĩa nào báo cho biết, Đồng mỗ xin đa tạ! Vừa nói, hắn vừa nắm chặt song quyền. Góc tửu lâu, vị thiếu niên áo đen đứng bật dậy, thiếu niên thi lễ một cái nói:
- Không dám, ta thấy cái gì nói cái đó vì không muốn co đầu rút cổ. Câu nói ấy như có ý chửi toàn bộ tửu khách trên lầu, nhưng không có ai dám cự lại. Đồng Thiên Giáp hỏi:
- Tiểu ca tên tuổi là gì xin cho biết? Thiếu niên áo đen:
- Ta họ Lê, ta xin lặp lại, ta thấy cái gì nói cái đó vì không muốn co đầu rút cổ, xin các hạ chớ để tâm. Đồng Thiên Giáp:
- Tiểu ca nói phải lắm, ta xin thay mặt chủ nhân ta đa tạ. Khi hai người đối đáp, thư sinh điên Văn Nhân Mỹ đưa hai con mắt thất thần nhìn người nữ nhân áo đen ngồi bên cạnh thiếu niên áo đen. Nét mặt nữ nhân không biến đổi gì, chỉ có cặp môi hoa đào hơi rung động, hai ánh mắt long lanh của nàng có thoáng nét buồn, nàng hơi cúi đầu xuống.
- Vị tiểu huynh đệ, ta cũng xin cảm tạ. Thái độ ấy của y đâu có gì là điên? Hình như thiếu niên áo đen lấy làm quá vinh dự, vội ôm quyền trả lễ:
- Không dám nhận hai tiếng “cảm tạ” của Văn Nhân đại hiệp, lúc nãy tiểu đệ chưa biết là Văn Nhân đại hiệp nên không xuất thủ bảo vệ, xin Văn Nhân đại hiệp bao dung. Văn Nhân Mỹ sáng hai mắt cười nói:
- Tiểu huynh đệ, ta rất vui nếu được làm bằng hữu với tiểu huynh đệ... Vừa nói, y đã bước gần tới. Đồng Thiên Giáp vội vàng níu y lại:
- Nhị gia, xin mời ngài ngồi đây... Văn Nhân Mỹ kinh ngạc:
- Sao? Đến kết bạn mà cũng bị ngươi ngăn cản? Đồng Thiên Giáp vội cười:
- Nhị gia, tiểu nhân nào dám, ngài không nghĩ ngài sắp phải về sao? Văn Nhân Mỹ mỉm cười:
- Thôi được, ta ngồi đây vậy. Y chuyển thân ngồi xuống. Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương rối loạn chân tay vội vàng nói:
- Đồng gia, xin ngài ngàn lần... Đồng Thiên Giáp trầm sắc mặt:
- Nói sao Nhiệm chưởng quỹ, lão còn muốn gì nữa?
- Đồng gia, ngài đã biết lão hủ chỉ giữ chức chưởng quỹ, lỡ bị Đồng gia trách cứ... Đồng Thiên Giáp lạnh lùng cất lời:
- Cứ bảo chủ nhân tìm ta mà nói chuyện. Oan có đầu, trách có chủ, ta không làm phiền gì tới khách nhân nào của ai, lão lo làm gì, hãy lui về sau, coi chừng đổ máu đấy! Vừa nghe đến chữ “máu”, trong đám tửu khách có người đã đứng lên có ý muốn bỏ đi, nhưng chỗ đứng của Đồng Thiên Giáp lại là ngay cửa cầu thang, mấy người khách đã đứng dậy hơi ngần ngừ một chút, lại đành ngồi xuống. Đồng Thiên Giáp lạnh lẽo bật một tiếng cười khô khốc xoay người nhìn hai hán tử trung niên:
- Nhị vị, hãy trả lời ta, vị nào đã đánh nhị gia chúng ta? Hán tử bên tả đáp:
- Ta đánh đấy, có làm sao? Đồng Thiên Giáp lạnh lẽo:
- Chẳng sao cả. Dương Châu thành là nơi có vương pháp, chúng ta hãy nói về lý lẽ, bằng hữu lấy gì mà dám đánh người? Nói! Hán tử ấy đáp:
- Chẳng lấy gì cả, muốn đánh là đánh! Đồng Thiên Giáp hơi biến sắc cười nói:
- Đã đánh người còn ngang ngược, đủ thấy bằng hữu không muốn nói tới lý lẽ, thiết tưởng chắc bằng hữu cũng là nhân vật có tên tuổi nên mới lớn gan, phải chăng... Hắn mỉm cười, nói tiếp:
- Lý lẽ chúng ta đã nói qua rồi, xin mời bằng hữu đứng lên! Hán tử nọ vẫn ngang ngược:
- Vì sao ta phải đứng lên?
- Vì ta không muốn động thủ áp chế người đang ngồi! Hán tử nọ cười lạnh:
- Ngươi cứ động thủ, sợ gì ta không đứng dậy?
- Hay lắm! Hai mắt Đồng Thiên Giáp lóe lên ánh hào quang:
- Hãy đáp một câu nữa, bằng hữu dùng cánh tay nào đánh nhị gia chúng ta? Hán tử giơ cánh tay phải lên:
- Dùng cánh tay này, có bản lãnh, ngươi cứ động thủ! Đột nhiên Đồng Thiên Giáp chớp nhoáng tiến lên ba bước, không khí tửu lầu hết sức căng thẳng, tên hán tử bên hữu đặt tay vào lưng. Đồng Thiên Giáp không thèm nhìn chúng, hắn vẫn lạnh lẽo:
- Bằng hữu, ta chẳng có thù oán gì với ngươi, bất quá ngươi cứ để một cánh tay lại đây, ta không hề phản đối! Hán tử bên hữu động thân nhưng cánh tay đặt vào lưng hắn chưa kịp buông ra, Đồng Thiên Giáp đã lướt thân tới bàn. Tiếp đó, hắn dừng chân cạnh bàn, không động thủ ngay lập tức mà chỉ đưa hai mắt nhìn trừng trừng hán tử bên tả. Hán tử ấy mặt nhợt nhạt, không biết là vì sợ hay giận, cũng đưa hai mắt nhìn thẳng Đồng Thiên Giáp. Dù Đồng Thiên Giáp chưa động thủ nhưng ánh mắt càng lúc càng dữ dội. Lúc bấy giờ tửu khách ai nấy đều nín thở, cơ hồ nghe cả tiếng tim đập, có nhiều người mồ hôi đã thấm ướt tay. Đột nhiên, Đồng Thiên Giáp bật cười:
- Với một chút đảm lượng của bằng hữu mà cũng dám đánh nhị... Tiếng “gia” chưa ra khỏi miệng, bỗng nhiên có một tiếng gầm lớn, tên hán tử bên hữu dựng tay lên, thân hình xoay nửa vòng, thanh tiểu đao sáng rợn người trong tay hắn chém chớp nhoáng tới. Các tửu khách kinh hoảng bật kêu lên. Đồng Thiên Giáp trầm mặt cười gằn, cước hữu quét mạnh, cái ghế ngồi và hắn tử bên hữu ngã vật xuống, thế đao hơi dừng lại, và Đồng Thiên Giáp cực mau đã xuất thủ, chỉ lắc thân một cái, thanh đao đã lọt ngược vào tay hắn, thủ pháp hắn cực mau. Nữ nhân áo đen thấy thế cũng phải động dung, thiếu niên áo đen buột miệng tán thán:
- Cao minh, thân thủ tuyệt diệu! Đồng Thiên Giáp mỉm cười:
- Tiểu ca quá khen! Hắn lật nhanh cổ tay, phập một tiếng, mũi tiểu đao cắm sâu xuống mặt bàn. Bấy giờ, tên hán tử bên tả thừa cơ xuất quyền đấm thẳng vào giữa ngực Đồng Thiên Giáp. Thân hình họ Đồng nghiêng nhanh về bên tả, quyền ấy vụt vào khoảng không. Hán tử cả kinh định thu quyền về thì chưởng tả của Đồng Thiên Giáp đã tới đập xuống xương cổ tay phải đối phương. Rắc một tiếng dữ dội, xương tay hán tử vỡ vụn, hán tử rống lên một tiếng lớn, đau đến nỗi sắc mặt thảm biến, ôm cánh tay ngồi quỵ xuống. Hốt nhiên nghe tiếng kêu của thiếu niên áo đen:
- Các hạ hãy lưu ý sau lưng! Đồng Thiên Giáp mỉm cười đáp:
- Đa tạ tiểu ca. Đồng mỗ đã biết! Sau lưng, tên hán tử thứ hai đã tung thân lên rút thanh tiểu đao trên bàn lên. Hắn vốn tấn công lén, nhưng khi nghe tiếng kêu của thiếu niên áo đen, bất giác hắn cả kinh chậm tay lại một chút. Chính lúc chậm một chút ấy, Đồng Thiên Giáp đã kịp chuyển thân. Hán tử kia kinh hoảng lùi lại một bước, đao hoành ngang lưng sắp chém tới. Đồng Thiên Giáp cười nhạt:
- Ta đã nói từ đầu, bằng hữu nếu còn động đao, sẽ bị ta đoạt mất và cho bằng hữu thấy máu nhuộm tửu lâu này! Hán tử ấy nghe như không nghe, thần sắc gian ác, hắn di động thân hình về bên tả. Đồng Thiên Giáp không hề động thân:
- Bằng hữu không nghe lời ta, ta sẽ lấy một tai của bằng hữu trước, lúc ấy chớ trách ta ác độc không lưu tình. Hán tử ấy không thèm lý gì tới, chớp mắt, hắn đã chuyển thân đến sau lưng Đồng Thiên Giáp. Họ Đồng vẫn xuôi tay đứng yên, chẳng những không chuyển thân mà đến đầu cũng không thèm quay lại. Đột nhiên đao rít lên trực chỉ sau lưng Đồng Thiên Giáp. Chớp nhoáng Đồng Thiên Giáp chuyển thân, hữu chưởng mau chóng phát ra kéo giật về, thanh tiểu đao lại lọt vào tay hắn! Hắn lạnh lẽo mỉm cười:
- Ta đã nói trước rồi, người hãy để lại một chân cho ta! Hán tử nọ rung mình muốn lùi lại nhưng thanh đao trong tay Đồng Thiên Giáp đã tới nơi, trước mắt rõ ràng máu sắp đổ ở Đệ Nhất Lâu. Vừa lúc ấy ở cầu thang có tiếng quát nhỏ:
- Hứa gia. Ngài đã đến! Đầu cầu thang đã có một trung niên tròn trịa mặc áo trắng đứng khoanh tay. Mặt gã tròn như một trái dưa, hai con ngươi chuyển động đưa ánh mắt sáng như uy hiếp mọi người, khóe miệng gã hơi nhếch cười biểu lộ tính tình thâm hiểm kín đáo và cực kỳ mưu trí. Gã nhìn Đồng Thiên Giáp xua tay, sau đó mới bước đến gần Văn Nhân Mỹ, thân hình lùn mập của gã cúi gập xuống gọi một tiếng “Bẩm nhị gia” rồi gã chuyển sang Đồng Thiên Giáp:
- Đại gia đang bận rộn, phu nhân không yên lòng nên sai ta đến xem xét, xem xảy ra chuyện gì? Đồng Thiên Giáp vội thuật lại mọi việc vừa xảy ra. Đồng Thiên Giáp vốn giữ chức tổng quản trong Trác phủ, chức vụ ấy dĩ nhiên không phải thấp, thế mà vẫn cung kính trước mặt trung niên mập tròn họ Hứa này, đủ biết thân phận gã ở Trác phủ cao hơn Đồng Thiên Giáp một bậc. Thế gã là ai? Thiếu niên áo đen đưa mắt nhìn nữ nhân áo đen một cái có ý dò hỏi thầm. Nữ nhân áo đen nhẹ lắc đầu. Đồng Thiên Giáp kể xong, nét mặt trung niên áo trắng hoàn toàn không có sắc giận, trái lại gã lại hơi cười gật đầu chuyển đầu nhìn hán tử hai lần mất đao đang hoảng sợ đứng một bên, gã hỏi:
- Nhị vị là bằng hữu môn phái nào? Hán tử nọ ỉu xìu đáp:
- Hai chúng ta là người của Đằng Giao Trại! Gã áo trắng a một tiếng:
- Đông Tây Nhị Bảo và Nam Bắc Tứ Trại uy chấn võ lâm, thì ra nhị vị là đệ huynh môn hạ của Hách trại chủ ở Phiên Dương, cam đắc tội... Gã hơi thu tiếng cười nói tiếp:
- Xin tha tại hạ ngông cuồng nói một câu, nếu là Hách trại chủ giá lâm Dương Châu, hắn cũng không dám ra tay đánh nhị gia của chúng ta, nhị vị hãy quay về báo một lời rằng cố nhân áo trắng năm xưa hiện giữ chức vụ trong Trác phủ ở Dương Châu, nếu như hắn lo cho nhị vị, chỉ cần gọi một tiếng, ta sẽ dẫn Đồng tổng quản đây đến ngay Phiên Dương chịu hình phạt, hết lời như thế, nhị vị hãy mau rời bỏ Dương Châu này đi!
Hai hán tử kia nào dám nói gì nữa vì gã áo trắng này hình như cũng chẳng coi Đằng Giao Trại ở Phiên Dương vào đâu, hán tử vội đỡ đồng bạn lên bước xuống thang lầu. Trước khi đi, hán tử định móc túi trả tiền rượu thịt, gã áo trắng liền đưa tay chận lại:
- Không cần, được huynh đệ Đằng Giao Trại quang lâm, Hứa mỗ phải làm nhiệm vụ chủ nhân, bữa rượu thịt vừa rồi cứ coi như do Hứa mỗ đãi khách, xin nhị vị cứ lên đường tự nhiên! Hán tử nọ đành thu lấy tiền về. Trung niên áo trắng mập mạp quét mắt nhìn tửu khách nở nụ cười hỏi:
- Vị nào là Lê tiểu ca? Thiếu niên áo đen đứng dậy thưa:
- Có tiểu đệ đây, các hạ có gì chỉ giáo? Gã cung tay cười:
- Không dám, chỉ vì muốn đa tạ tiểu ca, tên tiểu ca gọi là gì? Thiếu niên áo đen đáp:
- Không dám nhận hai chữ “đa tạ” và cũng không dám nói tên sợ bị cười. Gã áo trắng mập mạp mỉm cười:
- Đã thế Hứa mỗ không dám thỉnh giáo nữa, nếu tiểu ca không chán ghét, xin mời bất cứ lúc nào đến thăm tệ gia. Hứa mỗ thay mặt gia chủ xin hoan nghênh hết sức. Thiếu niên vội đáp:
- Đa tạ, ngày sau rỗi rảnh, nhất định sẽ xin tới bái kiến Thần quân.
Tác giả: Độc Cô Hồng
Dịch Thuật: Vô Danh
Đả tự: Thái Kỳ Thư
Nguồn: Nhạn Môn Quan
Gã áo trắng cười đáp:
- Hay lắm, mời tiểu ca ngồi vui, bọn Hứa mỗ xin cáo từ. Thiếu niên áo đen đáp một câu khiêm tốn rồi ngồi xuống. Gã áo trắng quay lại Đồng Thiên Giáp:
- Thiên Giáp, hãy mời nhị gia, chúng ta trở về! Đồng Thiên Giáp cung kính vâng lời, bước tới khuyên thư sinh điên Văn Nhân Mỹ quay về. Thật lạ lùng, bây giờ Văn Nhân Mỹ như chẳng còn điên cuồng gì nữa, y rất vui vẻ ôn thuận đứng dậy. Trước khi đi, gã áo trắng ghé vào tai lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương nói nhỏ vài câu rồi cùng Đồng Thiên Giáp hộ vệ Văn Nhân Mỹ xuống thang lầu. Bấy giờ lão chưởng quỹ mới thực sự thở phào một tiếng đúng lúc thiếu niên áo đen vẫy tay:
- Tiểu nhị, tính tiền! Tiếng gọi của thiếu niên khiến lão chưởng quỹ đang lúc vui vẻ, thân tự bước tới, đến gần, lão cười tươi cúi mình đang định nói, thiếu niên bỗng chú mục nhìn lão:
- Làm gì phiền đến lão chưởng quỹ thân tự đến đây? Tổng cộng hết bao nhiêu? Nhiệm Khổng Phương vội đáp:
- Không sao, không sao, tất cả tiền bạc đã được vị Hứa gia ở Trác phủ thanh toán hết cả rồi... Thiếu niên hơi ngạc nhiên:
- Sao, vị Hứa gia ấy đã trả xong rồi sao?
- Vâng, Hứa gia có dặn, chút rượu thịt này coi như món quà mọn của Trác phủ. Thiếu niên chau mày, nữ nhân áo đen xen vào:
- Đều tại vì cháu lắm lời, thôi được trả rồi chúng ta cứ ăn cho xong, coi như còn nợ người ta chút tình... Nhiệm Khổng Phương vội gạt đi:
- Cô nương ơi, Hứa gia có nói đây chỉ là chút quà mọn, đâu có đáng giá trị bao nhiêu. Thiếu niên áo đen cười gượng lắc đầu, đột nhiên hỏi:
- Lão nhân gia, vị Hứa gia ấy giữ chức vụ gì trong Trác phủ? Nhiệm Khổng Phương hơi ngần ngại một chút rồi lắc đầu:
- Cái ấy lão hủ cũng không biết rõ, chỉ biết đến Đồng tổng quản cũng phải nghe lệnh của Hứa gia. Thiếu niên nhíu mày:
- Hứa gia có xưng hiệu gì không? Lão chưởng quỹ lại lắc đầu:
- Người trong thành Dương Châu đều gọi gã là Hứa gia, chẳng có ai biết hiệu xưng gã là gì.
- Vị Đổng tổng quản thân thủ tuyệt cao, hắn là...
- Hắn là Tổng quản trong Trác phủ, mọi người đều gọi hắn là Đồng gia. Thiếu niên hỏi liền mấy câu, vẫn chưa hiểu thêm được bao nhiêu, chàng ta lắc đầu:
- Lão nhân gia, xin thụ lãnh thịnh tình, ngày sau vị Hứa gia ấy có đến đây xin thay mặt đa tạ một lời.
Dứt lời vừa lúc nữ nhân áo đen ăn xong đứng dậy. Nhiệm Khổng Phương vội vàng tránh thân nhường đường. Thiếu niên áo đen lại buông hai tiếng “Đa tạ!” rồi cùng nữ nhân xuống lầu. Khi hai dì cháu họ vừa xuống cầu thang, trong góc một vị lão nhân gầy ốm mặc áo xanh không ai chú ý tới cũng vội thanh toán tiền rượu xuống lầu đi theo.
Ba người họ vừa đi, tiếng đàn sáo trong Dương Châu Đệ Nhất Lâu lập tức cất lên, bóng các ca kỹ múa hát chuyển động phản chiếu xuống tận tầng dưới đất. Nữ nhân áo đen và thiếu niên áo đen sau khi rời Dương Châu Đệ Nhất Lâu, thuận theo con đường lớn sánh vai đi về hướng Nam, vừa đi nữ nhân áo đen vừa cất tiếng ai oán:
- Mai Lãnh, đúng là vì cháu chưa trải qua giang hồ, không đủ kinh nghiệm... Thiếu niên áo đen cười khổ:
- Dì Sương, cháu đâu có biết lại chuốc vào thân phiền phức dường ấy. Nữ nhân mỉm cười:
- Chưa từng trải chưa lớn khôn được, cháu có nhận ra không? Lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương kia chính là người lão luyện thế sự, rất ư giảo hoạt... Thiếu niên thác dị:
- Dì Sương, cháu thấy lão là người thẳng thắn lắm mà. Nữ nhân hừ một tiếng:
- Dì bảo cháu không đủ kinh nghiệm, cháu không chịu, cháu tưởng lão thực không biết họ Hứa tên hiệu là gì ư?
- Sao? Dì Sương, lẽ nào lão lừa gạt chúng ta?
- Dì dám nói, lão chẳng những chỉ biết một mà còn biết mười nữa đấy!
- Thế lão không nói là vì sao? Chúng ta đâu có ác ý gì?
- Đó mới là cuộc đời kinh nghiệm, dù cho biết chỉ nên nói với người một phần điều mình biết thôi, không nên nói hết. Giang hồ hiểm trá, lòng người thay đổi. Lão nào biết ý chúng ta tốt hay xấu. Thiếu niên thở dài:
- Đáng trách nhất chỉ do mẹ cháu không dám cho cháu rời khỏi Mai Cốc, nếu không thì... Nữ nhân cắt lời:
- Bây giờ bắt đầu lịch duyệt giang hồ, mọi việc đều nên thận trọng kẻo ăn năn không kịp đấy.
- Dì Sương, xin dì hãy nói với mẹ cháu giúp cháu nhé.
- Cháu là người tuyệt đỉnh thông minh, đã biết lúc nào dì chẳng vì cháu? Thiếu niên im lặng không đáp. Nữ nhân lại nói tiếp:
- Mai Lãnh, cháu có nhận ra lão chưởng quỹ Nhiệm Khổng Phương có khác với người thường không? Thiếu niên lắc đầu:
- Không, dì Sương nhận ra chỗ khác thường?
- Dì nhận ra lão là một cao nhân ẩn mặt không chịu lộ bản lãnh, công lực của lão e rằng chẳng kém gì các cao thủ của Mai Cốc chúng ta đâu, thậm chí còn có thể... Thiếu niên giật mình thác dị:
- Thực không, dì Sương, không thể thế được!
- Không tin cháu cứ đợi mà xem, dì tự tin dì không thể nhận xét sai được! Thiếu niên chau mày trầm ngâm:
- Chỉ là một chưởng quỹ ở tửu lâu, lẽ nào... Nữ nhân cắt lời:
- Điều ấy có gì là lạ, nên biết có rất nhiều cao nhân dị sĩ ẩn cư thâm sơn cùng cốc thì cũng có không ít võ lâm cao thủ ẩn khuất nơi thị thành.
- Dì Sương, nếu nói Nhiệm Khổng Phương là cao thủ võ lâm ẩn mặt không lộ, thế sao họ Hứa và họ Đồng ở Trác phủ không nhận ra?
- Có thể họ chưa nhận ra thực đó! Thiếu niên lắc đầu:
- Không thể, công lực họ Đồng cực cao và họ Hứa có lẽ công lực còn cao hơn họ Đồng nữa, lại thêm tính cách thâm trầm tâm trí hơn người, cháu không tin họ nhìn không ra. Nữ nhân chau mày trầm ngâm chốc lát:
- Cháu nói không phải hoàn toàn vô lý, nhưng Trác gia và Dương Châu Đệ Nhất Lâu không có liên hệ gì với nhau nên họ Hứa nếu như có biết chăng nữa hắn cũng cứ giả như không biết.
- Nếu như cháu suy luận không sai, có lẽ hắn còn có thâm ý gì khác.
Nữ nhân áo đen khẽ gật đầu không nói. Trong lúc nói chuyện, hai người đã đi đến bên bờ sông Vận Hà. Trên con sông Vận Hà này thuyền bè qua lại đông đúc dị thường, sự phồn hoa của thành Dương Châu hơn phân nửa là do con sông Vận Hà này đem lại.
Bấy giờ, trời đã vào đêm, mọi thuyền bè qua lại trên Vận Hà đều treo đèn lồng, nhìn qua một lượt, mặt nước lấp lánh phản chiếu ánh đèn thành một dãy dài có cái đứng im, có cái di động, thành một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt.
Hai dì cháu đến bên bờ sông Vận Hà lại không ghé vào bến mà đi thẳng tới một chỗ vắng vẻ xa hẳn bến thuyền. Bên bờ nước cách bến thuyền độ hơn mười trượng có một cái thuyền to lớn vĩ đại với hai cột buồm sừng sững cao neo ở đây, trên tót vời hai cái cột buồm treo hai cái đèn lồng thật lớn. Ngoài ra tất cả cửa khoang đều đóng kín nhưng từ các kẽ cửa ánh đèn vẫn lọt ra. Trên đầu thuyền và đuôi thuyền đều có hai hán tử áo xám ngồi như canh giữ một tấm ván bắc từ thuyền lên trên bờ ước dài hơn trượng, trừ bọn hán tử ấy, trên thuyền không còn nhân ảnh nào nữa.
Khắp thuyền đang im lặng tịch mịch, đột nhiên có động tĩnh. Khi nữ nhân áo đen và thiếu niên áo đen đến chỉ còn cách hai mươi trượng, hai hán tử áo xám ngồi ở đầu thuyền đứng bật dậy xuôi tay kính cẩn. Tiếp theo cửa khoang trước mở rộng bước ra ba người một đi trước, hai đi sau, cả bọn đều còn đang tuổi trung niên, người đi đầu thân hình rất cao lớn mặc một trường bào trắng toát có phần cũng tuấn nhã, chỉ tiếc ánh mắt thoáng âm trầm sát khí. Theo sau hắn là hai đại hán cũng cao lớn không kém mặc áo màu tía, một người mắt to mày rậm, một người mắt nhỏ mày thưa đều có uy lực hơn người.
Ba người vừa bước ra khỏi khoang liền bước tới tấm ván dẫn lên bờ, vừa lúc nữ nhân áo đen và thiếu niên áo đen đi tới gần cũng song song bước lên tấm ván dẫn lên thuyền. Người áo trắng và hai đại hán áo tía hơi cong thân như cung kính đón nữ nhân áo đen và thiếu niên áo đen lên thuyền. Ngưới áo trắng mở lời trước:
- Mừng thiếu chủ và đại cô nương đã về đến. Nữ nhân áo đen nhẹ đưa cánh tay trắng muốt, ba đại hán đứng thẳng lưng lên, nữ nhân quét mắt nhìn toàn thuyền rồi từ từ thu hồi nhãn quang, nói:
- Thường tổng tuần sát, có động tĩnh gì không? Đại hán áo trắng nghiêng thân đáp:
- Hồi bẩm đại cô nương, thuộc hạ không hề phát hiện có động tĩnh gì. Nữ nhân cúi đầu:
- Sự việc đã chuẩn bị sẵn sàng cả rồi chứ?
- Hồi bẩm đại cô nương, thuộc hạ đã chuẩn bị sẵn sàng xong chỉ còn đợi đại cô nương hạ lệnh! Nữ nhân áo đen gật đầu:
- Được, trưa ngày mai sẽ bắt đầu! Đại hán áo trắng ứng tiếng “Dạ!” rồi chuyển mình sang thiếu niên áo đen:
- Thiếu chủ, sự phồn hoa của Dương Châu vui thú chứ? Thiếu niên mỉm cười:
- Vui hơn ở núi rừng rất nhiều! Đột nhiên, nữ nhân áo đen quát nhỏ một tiếng:
- Viên tuần sát! Đại hán mắt to mày rậm mặc áo tía vội vâng lệnh vọt thân lên trên không, khi còn lơ lửng trên không trung, hắn vặn thân, người hắn như con ngựa phi vọt trên không trung vọt lên trên bờ tới khu rừng cách bờ độ hơn mười trượng. Vừa lúc trong bụi rậm phát ra những tiếng sột soạt, một bóng người kinh hoàng mau như con chim ưng vọt thân mất dạng trong bóng đêm mờ tối. Đại hán áo tía khẽ hừ một tiếng nói lớn:
- Bằng hữu, còn định chạy nữa ư? Đang định biến đổi thân pháp bỗng nghe tiếng nữ nhân áo đen gọi từ trên thuyền vọng tới:
- Viên tuần sát, được rồi, để cho hắn đi đi! Đại hán áo tía vội tuân lệnh, hai tay áo phất mạnh thân hình xoay hẳn lại bắn vọt nhẹ nhàng như chiếc lá rụng rơi thân xuống sàn thuyền. Đại hán áo trắng nhăn tít cặp lông mày cúi sát thân trước mặt nữ nhân áo đen:
- Tai mắt thuộc hạ quá trì độn để cho đối phương đến gần... Thần sắc nữ nhân ngưng trọng:
- Điều ấy ngươi không đáng trách. Tên kia có lẽ theo dõi chúng ta từ lâu rồi! Đại hán áo trắng vội nói:
- Đa tạ đại cô nương tha thứ. Thiếu niên áo đen chau đôi mày kiếm:
- Dì Sương, dì nhận ra tên kia thuộc môn phái nào? Nữ nhân lạnh nhạt:
- Khó nói lắm, có khả năng là người của Trác phủ, cũng có khả năng là người môn phái khác! Thiếu niên:
- Nếu là người của Trác phủ, chúng ta... Nữ nhân chận lời:
- Chúng ta hãy vào khoang nói chuyện... Tiếp đó nàng xoay qua đại hán áo trắng:
- Thường tổng tuần sát, hãy truyền lệnh cho thuyền ra giữa dòng bỏ neo!
Sau đó nàng và thiếu niên bước vào trong khoang thuyền. Đại hán áo trắng khoát tay ra hiệu, bốn hán tử áo xám ở đầu và đuôi thuyền vội vàng đứng dậy. Chiếc thuyền hai cột buồm vĩ đại từ từ xoay thân chạy ra giữa dòng sông, khi ấy trong cánh rừng rậm rạp mới chậm bước ra một bóng người áo xanh. Hắn đứng sau một thân cây liễu nhìn theo dáng con thuyền vĩ đại, lập tức thân hình hắn động liền xẻ không gian đi mất.
Hai cái đèn lồng treo trên hai cột buồm cái thuyền vĩ đại khác hẳn các đèn lồng khác vì nó rất lớn.
Bóng trăng cuối tháng mờ mờ chiếu trên mặt sông.
-oOo-
Bóng trăng cuối tháng mờ mờ cũng chiếu xuống ngọn Mai Hoa Lãnh.
Mai Hoa Lãnh là nơi có từ đường thờ một vị quan lớn triều Minh và mộ ngài cũng ở đấy. Tòa từ đường ấy ngoài cửa có một khe nước nhỏ, bước qua nó là vào cửa từ đường, chính diện là đại sảnh, sau đại sảnh là ngôi mộ của vị quan ấy.
Bấy giờ trước mộ địa ấy, dưới ánh trăng mờ tối lạnh lẽo có một lão nhân áo trắng đang khoanh tay đứng yên. Thân người ấy cao lớn mặc một áo bào trắng tinh, bỗng nhiên một tiếng động phá tan bầu không khí yên tĩnh của từ đường, nhân ảnh chuyển động đến cùng với tiếng ngâm: “Vạn điểm mai hoa, tận thị cô thần huyết lệ. Nhất phôi cố thổ, hoàn lưu thắng quốc y quan...” Tiếng ngâm ngừng lại rất đột ngột, vị lão nhân áo trắng có dáng văn sĩ từ từ xoay thân lại, nét mặt lão vàng bệch và cứng đơ, bất cứ ai chỉ nhìn qua cũng nhận ra lão đeo mặt nạ da người. Hai mắt lão ánh lên như điện nhìn thẳng vào góc đại sảnh từ đường. Bên góc tả đại sảnh lập tức hiện ra một lão nhân áo xanh, chính là người đã theo dõi nữ nhân và thiếu niên áo đen khi còn ở Dương Châu Đệ Nhất Lâu. Lão nhân áo xanh nhìn lão nhân vận áo trắng, lão mỉm cười:
- Huynh đệ, xem ra ta vĩnh viễn không giấu được huynh đệ bất cứ chuyện gì. Người áo trắng cũng cười xòa:
- Đó là vì lão ca ca quá khiêm nhượng đó thôi! Người áo xanh vừa bước tới gần vừa đáp:
- Thôi được, huynh đệ, chúng ta mỗi người tự biết mình là đủ, dù ta có học thêm mười năm nữa cũng không bằng huynh đệ được đâu. Trong khi nói hắn đã đến trước mặt người áo trắng. Người áo trắng cười nói:
- Lão ca ca, vừa gặp ở Đệ Nhất Lâu ta đã biết lão ca ca có điều cần dạy bảo nên đến Mai Hoa Lãnh này chờ đợi, ta không đoán sai chứ?