Không phải lúc nào bạn cũng may mắn có được những đồng nghiệp hợp tính, hợp ý nhau. Vì vậy, phải biết chấp nhận, thích nghi nếu bạn gặp phải những đồng nghiệp “khó chơi”.
ảnh minh họa
Đó là những người có cái tôi quá lớn nên tự mãn, kiêu căng; những người chỉ biết mình, không biết người nên ích kỷ, tính toán chi li... Khi gặp những đồng nghiệp “trái tính, trái nết” như vậy, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau trong cách ứng xử của mình.
- Trước tiên phải hết sức bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại của đồng nghiệp để cảm thông, chia sẻ (nếu có thể). Không nên xa lánh mà cố gắng cư xử bình thường; nếu có điều kiện, hãy góp ý thẳng thắn nhưng chân tình.
- Đa phần những đồng nghiệp “trái tính, trái nết” ấy không thích làm việc đội nhóm mà muốn tự mình thực hiện công việc để chứng tỏ sự vượt trội của bản thân. Trong trường hợp đó, hãy tôn trọng quyết định của đồng nghiệp nhưng cho họ biết mình sẵn sàng hỗ trợ nếu họ cần. Nếu bắt buộc phải làm việc đội nhóm thì nên bàn bạc để phân công cho họ một công việc tương đối độc lập, tránh va chạm.
- Khi họ sai mà không thừa nhận, bạn không nên tranh luận gay gắt bởi sẽ làm cho tình hình xấu thêm. Chỉ cần chứng minh bằng việc làm và kết quả cụ thể.
- Bạn tuyệt đối không được sử dụng những “chiêu thức” mà người đó thường sử dụng như soi mói, tọc mạch, chỉ trích... bởi điều đó cho thấy bạn cũng không hơn gì người ấy.
- Những người “trái tính, trái nết” thường rất cô đơn và luôn mang mặc cảm người khác ghét mình. Vì vậy, khi họ gặp bất trắc, rủi ro trong đời sống, công việc, bạn hãy có mặt kịp thời và giúp đỡ tận tình. Điều đó sẽ giúp thay đổi nhận thức của họ về tình đồng nghiệp, tinh thần đồng đội và sự hòa đồng trong tập thể.