Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Thể Loại Khác > Tâm Lý - Giáo Dục
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 22-04-2008, 02:34 PM
blackgun blackgun is offline
Nhập Môn Tu Luyện
 
Tham gia: Apr 2008
Đến từ: Vietnam
Bài gởi: 9
Thời gian online: 1 giờ 28 phút 38 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 0 Times in 0 Posts
Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhà thơ Lê Đạt

Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhà thơ Lê Đạt:
"Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi!"

Nguyễn Việt Chiến

Nhà thơ Lê Đạt, người được coi là nhà cách tân xuất sắc của thơ Việt đương đại đã qua đời lúc 3 giờ 15 phút rạng sáng 21.4 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 79 tuổi.

Cùng với Trần Dần, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt đã làm một cuộc cách - tân - thơ âm thầm trong suốt 30 năm qua và thế hệ các ông đã ghi dấu ấn khởi đầu cho chặng đường nhọc nhằn đổi mới của thi ca Việt Nam sau thơ Tiền chiến. Lê Đạt tâm sự: "Ngay từ nhỏ, tôi đã ôm ấp mộng cách tân thơ Việt - lẽ dĩ nhiên lúc đó tôi không ý thức được rõ rệt nên cách tân như thế nào. Sau Cách mạng Tháng 8, nhà thơ ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là nhà thơ Xô-viết Mayakovsky. Tôi thích những hình ảnh quả đấm hết sức táo bạo cũng như những bài thơ quảng trường mạnh mẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thay đổi xã hội của ông. Ảnh hưởng của Maya rất đậm nét trong những bài thơ đầu tiên có những hình ảnh sinh sự, khiến tôi ít nhiều được công nhận như một nhà thơ cách tân: "Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/Y như một dãy bình vôi/Càng sống càng tồi/Càng sống càng bé lại".

Cách ngày nhà thơ Lê Đạt mất vài tháng, phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc chuyện trò khá thú vị về thi ca hiện đại với ông tại nhà riêng ở phố Phó Đức Chính (Hà Nội). Và tôi cũng không ngờ rằng đấy là buổi cuối cùng được gặp ông. Buổi sáng hôm ấy, tâm sự về gia cảnh, nhà thơ vui vẻ cho biết: "Tôi vừa in cuốn U 75 từ tình tập hợp những bài thơ mình viết từ năm 70-80 tuổi".

"Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi nhạt nhẽo, sáo mòn thì không nên đến cửa hàng đặc sản gọi cho mình một món bi kịch và không nên tự bịa ra bi kịch để tập dượt vì bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi"

Nhà thơ Lê Đạt
* Thưa nhà thơ, tập U 75 từ tình có những thể nghiệm thơ khác với trước đây không?

- Khác nhiều chứ, nó khác với thể loại thơ hai-kâu (hai-ku) trước đây của mình. Một nhà thơ nước ngoài đã nói: "Khi ngôn ngữ thơ là hình ảnh, nó trói buộc ta trong một nhà tù rất ghê gớm và thoát ra khỏi nhà tù ấy là bước đầu tiên đã dám đổi mới, ta dám sống mới". Điều ấy quan trọng lắm và tôi cho rằng cách tân là quan trọng nhất. Vì những câu thơ hay bao giờ cũng xuất phát từ cách nhìn mới, bởi hiện tượng chính là tự nhiên cùng với cách quan sát về nó, nên thay đổi cách nhìn là điều quan trọng nhất đối với một nhà thơ. Trong tập thơ mới này của tôi, ngoài phần thơ hai-kâu còn thêm phần đoản ngôn rất mới và là một hình thức suy nghĩ ngắn gọn về nghệ thuật và cách ứng xử trong cuộc đời. Thể thơ đoản ngôn này thoải mái hơn thể thơ hai-kâu vì nó viết theo kiểu thơ văn xuôi.

* Vậy đời sống xã hội, đời sống nhân văn được thể hiện trong đó thế nào?

- Đây là những suy nghĩ của tôi trong rất nhiều năm trời vì các thể thơ trước đây không thể nói hết được nên tôi chuyển sang thể thơ đoản ngôn. Nó bổ sung cho phần thơ hai-kâu trước đây của mình với tiêu chí: chữ ngắn - tình dài - chở được nhiều. Như câu thơ "Khi thánh hiền dạy các tông đồ phải chống lại bản thân thì họ lại hiểu rằng phải chống lại kẻ khác".

Sinh ngày 10.9.1929, quê quán A Lữ, Bắc Giang, nhà thơ Lê Đạt (tên thật là Đào Công Đạt) tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động văn học từ đó đến nay. Các tác phẩm đã xuất bản: Bài thơ trên ghế đá (thơ 1955), Bóng chữ (thơ 1994), Ngó lời (thơ 1997), Hèn đại nhân (truyện ngắn 1994), U 75 từ tình (thơ 2007). Ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
* Ông đánh giá ra sao về những đóng góp của nhà thơ Trần Dần, Hoàng Cầm trong lĩnh vực cách tân thơ?

- Theo tôi, Trần Dần là trưởng môn phái của thơ cách tân thế hệ chúng tôi, nên anh ấy rất quyết liệt, bận tâm với việc đổi mới thơ. Nhưng cái nhược điểm của anh là hơi cứng nhắc, hơi ý chí chủ nghĩa. Tôi vẫn coi thơ Trần Dần là một bản giao hưởng của lý trí. Còn Hoàng Cầm thì anh ấy không bận tâm về đổi mới, cách tân thi ca nhưng giời cho anh ấy thơ và tập Kinh Bắc là một tập thơ rất hay và có nhiều cái mới.

* Còn các thế hệ thơ trẻ hôm nay?

- Thế hệ trẻ rất được nhưng chưa nên nói nhiều về nó, họ là tương lai của thi ca Việt Nam nhưng họ cần phải thấy được trách nhiệm lớn lao và phải lao động thật sự nghiêm túc hơn nữa, học nhiều hơn nữa. Cái quan trọng là họ khác Thơ mới tiền chiến. Phần sôi nổi của thơ trẻ cũng quan trọng, nhưng phần lắng sâu mới là điều cốt lõi và phần lắng sâu trong thơ trẻ hơi ít trong khi phần sôi nổi thì hơi nhiều. Với các nhà thơ trẻ, cái khẳng định mình là quan trọng, nhưng cái suy nghĩ về bản thân mình cũng rất quan trọng. Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi nhạt nhẽo, sáo mòn thì không nên đến cửa hàng đặc sản gọi cho mình một món bi kịch và không nên tự bịa ra bi kịch để tập dượt vì bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi.

* Điều quan trọng cốt lõi của nghề thơ là gì?

- Điều quan trọng nhất là phải lao động thơ một cách cần mẫn và không ngừng nâng cao văn hóa. Các nhà thơ cần phải cố gắng hơn nữa để cho độc giả thơ chấp nhận mình. Trong động tác chân, tôi ghét nhất là dậm chân tại chỗ vì nó đi mà vẫn đứng; trong mọi thứ phải vội thì không nên vội khi làm chữ và khi tự tử.

* * *

Cuối buổi chuyện trò nói trên, nhà thơ Lê Đạt còn dò dẫm từng bước cầu thang xuống nhà, tiễn tôi ra tận cửa. Tôi cũng không thể ngờ được rằng, mấy tháng sau, cũng trên những bậc cầu thang ấy, sau chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên, vừa về tới Hà Nội, vào khoảng 22 giờ tối 20.4, khi nhà thơ xuống gác, ông đã bị vấp ngã và chấn thương nặng, tới 3 giờ 15 phút ngày 21.4 thì qua đời. Giờ, nhà thơ đã ở rất xa nhưng tôi vẫn còn thấy văng vẳng bên tai câu nói đầy thi vị của ông: "Bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi".

Nguyễn Việt Chiến (thực hiện)



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của blackgun

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™