Tác phẩm được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn.
Giải thưởng năm 1939 (Khi trao giải thưởng, tiểu thuyết mang tên Cái nhà gạch, năm 1940 NXB Tân Việt xuất bản đổi thành Tiếng còi nhà máy).
Hiện chưa rõ tiểu sử tác giả.
Hôm nay là ngày lành tháng tốt, bà Nhâm bắt đầu cho thợ dỡ cái nhà lá của bà đi để làm nhà gạch. Bà sung sướng, hai mắt bà hấp háy, bà đứng thẳng người, hai tay chắp ra đằng sau, xem thợ dỡ. Chốc, bà lại cúi khom lưng với người con gái bà, đi nhặt những tàu lá gồi ở trên mái nhà hắt xuống; bà ngồi bó từng bó lớn một rồi đem ra để ở rìa đường trong xóm. Những đứa trẻ trong xóm ra xem nhà bà dỡ, chúng lại reo lên và nói:
- Nhà bà Nhâm làm nhà gạch:
Bà lại điểm một nụ cười tươi và gắt với lũ trẻ:
- Đi ra ngoài kia mà chơi, để cho người ta làm.
ánh nắng hanh của mùa thu, xám mờ nhạt heo hắt trước ngọn gió may. Thỉnh thoảng lại nổi lên một tia nắng rõ rệt chiếu thẳng vào tụi thợ đang ngồi trên nóc nhà dỡ lá. Họ làm nhanh như cái máy, rất chóng và nhanh. Trong chốc lát, họ đã dỡ xong một bên mái. Bà Nhâm xề xòa, từ tốn nhặt từng chiếc lá gồi. Những cấn bụi nhỏ ở các tàu lá gồi nát trên mái nhà rơi xuống người bà như mưa, và loáng những màu xám mau lẹ. Bà ngẩng lên tóc bà vô số những bụi lá. Bà quát người con gái:
- Thôi để đấy đi thổi cơm cho các ông ấy ăn đi.
Chị Thảo, con gái bà, gắt lại:
- Sau hãy thổi, làm gì mà rối lên thế?
- Rối! Rối cái mả bố mày ấy à? Mười giờ rồi còn gì! Súng ở tỉnh vừa mới nổ không nghe tiếng à?
- ờ! ờ! bà đến hay, để bó nốt đống này cho gọn hãy nào!
Tức mình, bà Nhâm lại quát:
- Để đấy!
Những người thợ làm trên mái nhà cúi xuống nói:
- Cụ cứ để cho cô ấy dọn, tý nữa chúng con ăn cũng được.
Bà há miệng nhìn lên cười:
- Ăn cho no rồi hãy làm!
ở đằng xa, Hiền đứng nhìn mẹ, mỉm cười...
Đã hơn một tháng nay, từ hôm chưa bắt đầu làm cái nhà gạch, Hiền thấy mẹ lúc nào cũng cuống cuồng. Cả ngày bà hết chạy ngược lại chạy xuôi, chạy ra, chạy vào, hấp tấp, loăng quăng, tơi tả, như người có việc vội phải đi đâu. Gặp ai quen biết hỏi, bà cũng để ngây cái mặt hiền lành méo mó ra nói chuyện với người ta. Ai cũng biết bà đang lo ngại.
Sở dĩ, bà Nhâm lo là vì về dạo này, giời làm hanh hao, các xóm nhà lá trong làng cháy luôn. ở xóm này, mấy hôm trước đây cũng đã cháy. Bà Nhâm thấy nhà bà hàng xóm cháy, bà sợ lắm. Ngọn lửa cứ bốc mãi, tiếng kêu cứu thất thanh. Người chạy đến cứu hỏa rầm rập. Những lúc ấy, hai người con giai bà Nhâm trèo lên nóc nhà đứng để đỡ tàn cho khỏi rơi xuống mái. Bà Nhâm và chị Thảo ở dưới sân chuyền nước và chiếu lên. Hiền đứng một bên đầu nóc nhà, Nhuận đứng một bên đầu nóc nhà, hai người nằm rạp xuống mái.
Mỗi một cơn gió mạnh đưa vài chiếc tàn hồng xuống nóc nhà, Hiền và Nhuận lại hốt hoảng lấy chiếu dúng vào nước, dập. Bà Nhâm ở dưới kêu hét lên:
- Tàn đấy! Tàn đấy! Giời ơi! Hi! Hi!
Ngọn lửa đằng kia vẫn sáng rực cả một góc làng. Tiếng nứa nổ kêu như súng trận. Trẻ con khóc hét lên, tiếng đàn bà kêu ríu lưỡi lấp trong tiếng trống ngũ liên thúc dục người vào chữa cháy. Đêm tối, bóng người ẩn hiện xung quanh ngọn đèn bằng lửa cháy nhà lúc như tụt bấc, lúc lại như khêu ngọn lên cao, sáng ngời. Trông thấy cả hoa đèn! như hoa cải, nổ lốp đốp rồi lại đùng! Bà Nhâm sợ hãi gọi Hiền:
- Hiền! Chiếu đây này....
Bà đưa chiếu đã dấp nước lên để Hiền giải lên mái. Bỗng bà Nhâm thấy một hai cái tàn là là sắp rơi xuống mái, bà lại kêu:
- Kia, tàn! Tàn! Giời ơi! Tàn!...
Nhuận lại chạy đến dập và gắt mẹ:
- Tàn gì mà cuống lên thế?
- Chết mất! Giời ơi!
Lửa cháy đằng kia đã dịu dần và sắp tắt hẳn. Bà Nhâm lúc này mới đỡ sợ. Tuy vậy bà vẫn hét chị Thảo:
- Đứng đấy mà trông lấy đồ đạc.
Bà ngồi phệt xuống gần đống đồ đạc, thở hổn hển. Sáng hôm sau bà Nhâm mới hoàn hồn. Một xóm nhà lá đằng kia ra tro. Nhà bà Nhâm, không việc gì, bà đỡ sợ.
Ba hôm nay, bà Nhâm cứ thờ thẫn cả người, mặt bà vẫn đầy vẻ lo lắng. Cứ đêm đến bà hét chị Thảo hay tự bà chạy xuống bếp xem củi lửa đã rập chưa, nếu chị Thảo vô ý còn để sót ít than củi hãy còn cháy trong bếp, bà lại hốt hoảng chạy ra chum nước múc một gáo, mang vào tưới. Tiếng xèo xèo ở bếp đun đưa bụi tro lên mặt bà. Tưới xong, bà xem lại một lần nữa, thấy tro nguội lạnh, lúc ấy bà mới quay vào nhà ngủ yên. Nhiều lúc bà lại thính mũi. Đang nằm, bà ngồi nhỏm dậy hỏi các con:
- Này chúng mày, giẻ cháy ở đâu mà khét thế?
- Không! có ngửi thấy mùi gì đâu?
- Có! mùi khét lắm.
Bà đứng dậy, cầm chiếc đèn hoa kỳ đi vào chỗ dây treo quần áo, soi. Khi bà lại lắng tai, nghe như có tiếng kêu cháy ở ngoài đường. Sau bà biết đấy là tiếng của một người ở gần nhà bà, hét con về đi ngủ. Bà lẩm bẩm rủa thầm người ta:
- Đồ phải gió, làm người ta giật cả mình!
Về buổi chiều, bà đang hí hoáy bán hàng, thấy những cậu nhỏ, cô sen chạy đuổi nhau huỳnh hu�ch ở ngoài đường, bà cũng hốt hoảng tưởng họ chạy đi chữa cháy.
Luôn mấy ngày bà Nhâm kém ăn kém ngủ. Hằng ngày bà ngồi bán hàng, bà thừ người đưa mắt lo sợ nhìn những đồ vật bà đã buôn: chum gạo nếp, chum đậu tương, đậu đen, và các thứ nữa: tủ đựng sách vở, tủ đựng sà-phòng, tủ đựng diêm thuốc, nước mắm, muối, tương cà, trăm thứ bà dằn... Bà Nhâm thở dài:
- Nhỡ động dụng ở đâu thì chạy kịp sao được?
Nhuận thấy mẹ lo ngại như thế, chàng bàn:
- Hay mẹ làm nhà ngói mà ở cho đỡ sợ vậy.
Hai mắt bà trừng trừng:
- Làm nhà ngói à? Làm gì có tiền!
- Làm nhỏ thôi, chỉ làm một gian để bán hàng.
Bà nghĩ ngợi:
- Làm thế hết bao nhiêu?
- Chỉ hết độ hai trăm thôi! Vốn liếng buôn bán, mẹ có bao nhiêu?
Bà tính nhẩm rồi nói:
- Kể ra thì tao có tới năm trăm, nhưng tiền tao gửi người cả. Tao chơi họ, tao cho vay, họ nắm hết. Bây giờ trong người tao chỉ giữ có ngót hai trăm để buôn bán, bỏ ra bỏ vào. Làm nhà thì hết vốn!
- Không, được mẹ cứ làm. Mẹ mua họ đi, đòi nợ đi, con vẽ kiểu nhà rồi xin phép làm. Chứ ở nhà lá... sợ lắm!
Bà Nhâm thấy Nhuận nói "sợ lắm", bà cũng sợ, tưởng như sắp cháy nhà. Bà bằng lòng làm nhà gạch ở, để buôn bán cho chắc chắn. Bà đi đòi nợ lung tung, bà mua họ ầm ỹ. Bà đã thu đủ số tiền làm nhà gạch. Nhuận vẽ xong kiểu nhà, dơ cho bà xem và giảng:
- Làm kiểu tây, đây là hai cái cửa chớp, có lắp kính. Đây là buồng ngủ, buồng khách nối liền với bàn thờ. Nhà làm có trần ở mát lắm!
- Mẹ xem cửa hàng có to không? Con để trừ ra mười sáu thước hình chữ nhật làm hiệu để buôn bán cho rộng rãi đấy. Làm xong thì không còn lo sợ gì cả!
- Sao mày làm to thế? làm hết cả à?
- Vâng, con đã đi hỏi người ta. Họ bảo làm tất cả cũng chả hết bao nhiêu. Chỉ độ ba bốn trăm là nhiều. Mà mẹ có những năm trăm.
Bà Nhâm dẫy nẩy lên:
- Còn để buôn bán? lấy vợ cho mày chứ!
Nhuận mỉm cười:
- Mẹ đừng lo lấy vợ cho con. Con không lấy vợ! Làm nhà xong, con đi làm giúp mẹ. Mẹ cứ làm tất cả mà ở.
Bà Nhâm sung sướng được con hứa đi làm. Bà ngồi phệt xuống, mắt đăm đăm tư lự. Bà rất bằng lòng con bà đi làm.
Từ ngày mất việc ở hãng Gô-Đa, đến bốn năm nay, Nhuận chả muốn đi làm đâu cả. Cả ngày chàng chỉ bần thần nằm ngủ bình tĩnh trên cái ghế vải đặt ở hiên nhà, mặc cho ngày tháng lặng lẽ qua. Nhiều lần bà Nhâm thường giục:
- Đi làm đi chứ! Cứ ở nhà ăn hại mãi à?
- Bao giờ mẹ hết tiền buôn bán, đong gạo ăn, con mới đi làm! Hai mắt Nhuận lại lim dim, Nhuận lại ngáy khò khò ở trên ghế gỗ. Bà Nhâm nhìn con lắc đầu. Rồi bà để tùy con. Nhưng một việc mới gần đây đã xẩy ra cho con giai bà, là Nhuận hỏi vợ.
Nhuận yêu con gái một nhà giầu có trong làng. Hai người yêu nhau lắm, vẫn trao đổi thư từ cho nhau luôn. Mùa thu này đến, Nhuận nhờ người làm mối đến nói với thầy mẹ Nguyệt xin Nguyệt về làm vợ. Bà mối về bảo cha mẹ Nguyệt không gả, vì Nhuận là con nhà nghèo và vô nghệ nghiệp. Nhuận tức giận nói:
- Đã thế thì thôi!
Cả ngày chàng lại cứ "thảnh thơi" trên ghế vải... nghĩ ngợi buồn rầu. Đêm nào chàng cũng trằn trọc khó ngủ. Hiền nằm cạnh anh thấy mặt anh đã khắc một nét khổ của tình duyên chẳng được toại ý. Bà Nhâm thấy người Nhuận tự nhiên gầy sọm hẳn đi. Biết chuyện, bà khuyên con:
- Nó chả lấy thì thôi, cần gì nó. Tao đã bảo mày là nhà nó kiêu kỳ lắm. Con mẹ nó là chúa thần làm bộ. Gặp nó tao có thèm chào đâu. Nhà nó giầu thì nó ăn nhiều chứ ai!
- Thôi ra ngoài kia!
Bà mất hứng nói đâm cáu:
- Mày chỉ hám của! Mà người ta có gả cho đâu! Nếu nó có gả con gái cho mày bà cũng chả thèm nhận nó làm dâu.
Nhuận không nói gì, lại để ngay cái mặt hiền lành nhìn lên trần nhà, suy nghĩ. Bà Nhâm giọng mát mẻ, nói to:
- Đấy đã bảo mà! Vô nghệ thì ai gả con gái cho. Cả ngày chỉ lì lì như cục thịt, chả chịu làm, chịu ăn. Đến như bà đây, bà có con gái, bà cũng chả gả cho những đồ vô nghệ nghiệp!
- Thôi! thôi! bà im đi, rức cả đầu!
Bây giờ bàn đến làm nhà gạch, bà Nhâm thấy con bảo đi làm, Bà nhìn con mỉm cười ngước mắt an ủi con:
- Làm nhà xong, mày đi làm đi ăn chán vạn đứa gọi gả. Cần gì nó: Tao đã bằng lòng vài chỗ rồi...
- Thôi mẹ đừng nhắc đến nữa, con không lấy vợ! nghĩ đến làm nhà để ở hãy. Chả mẹ sợ lắm!
Món tiền bà Nhâm vẫn để dành, để lấy vợ cho con giai cả của bà, bây giờ bà đã bỏ nó ra để mua gạch ngói. Bà sung sướng khi mỗi ngày bà thấy những ông cai thợ nề đến xin bà cho nhận khoán. Cái kiểu nhà ngói ba gian vẽ ở trong tờ giấy xanh bóng, ngày nào Nhuận cũng lấy ra vẽ lại rồi tính tính, toán toán với những người đến xin thầu. Chàng đặt giá là ba trăm rưởi. Ai cũng lắc đầu kêu lỗ vốn hay không đủ tiền chi công thợ. Sau, mãi đến người cai thầu cuối cùng, chàng mới tăng cái giá đắt cho người ta là bốn trăm. Bà Nhâm hét lên. Nhuận an ủi và bảo: "Không cần! Rồi con sẽ đi làm". Thế là đã có người nhận làm thầu, bà Nhâm và Nhuận đã yên trí, chờ ngày lành tháng tốt đến để dỡ cái nhà lá của bà vẫn ở đi để làm nhà gạch.
Ngày lành tháng tốt đã đến.
Sáng sớm hôm nay, một sáng sớm cuối thu lạnh, sương trắng xóa cả đường, làm những hình người đằng xa trông không rõ hẳn. Bà Nhâm đã dậy rồi. Bà vấn tóc, bà rửa mặt, bà súc miệng, nước súc miệng ở mồm bà nhổ ra, đo đỏ như nước cọ ống nhổ, cái ống nhổ vẫn đựng bã trầu. Rửa mặt xong, bà ra đường. Sương trắng lấp ngang mặt bà. Bà đi vụt lên; đến chỗ đình làng, bà mua một cái chân giò: bà về, làm cỗ lễ dỡ nhà. Làm lễ xong thì các thợ dỡ nhà đến. Bà cho người ta uống rượu, nhắm với thịt chân giò và xôi trắng. Họ ngồi ăn, bà vui vẻ người ta cảm kích bà, và thành thực khen bà là người phúc hậu tử tế. Hết rượu, bà lại cho mỗi người thêm nửa chai nữa Khà! khà! Một lúc thì mặt giời vừa lên cao, tan sương, hửng nắng. Bà Nhâm, các con bà với những người thợ cùng nhau khiêng những đồ đạc của nhà bà sang bên cái quán ngói ở đầu xóm. Dọn hết những đồ đạc của nhà bà và cái hàng tạp hóa, những người thợ trèo lên mái, bắt đầu dỡ. Bà Nhâm đứng dưới, trông lên, cảm động.
Tay bà quệt hai giọt nước mắt.
Cái nhà lá ấy, nó đã làm bạn với bà, từ khi bà về làm chủ nó. Bao nhiêu kỷ niệm! vui buồn, mừng lo! Đói rét, khổ sở, sung sướng, nó đã được chứng kiến rõ ràng, trong nhà bà từ xưa đến nay. Về quá khứ, nó đã làm đầy đủ bổn phận: che mưa nắng cho bà. Sang hiện tại, nó sắp nhường chỗ cho cái nhà khác.
Bà Nhâm vẫn từ tốn đi trong cấn bụi, nhặt những tầu lá gồi. Hiền đứng đằng này, nhìn mẹ mỉm cười và biết mẹ vui vẻ lắm, không lo ngại như mấy tháng trước nữa. Những tháng có gió mưa và nắng hanh, Hiền thấy mẹ rất buồn cười. Bà lo ngay ngáy. Bà chỉ sợ nhỡ cháy nhà thì cơ nghiệp ra tro.
Một cái ngõ con bẩn thỉu, lầy nhầy nước đọng ở hai bên; các đống rác ẩm thấp lẫn một hai đống phân xông lên những mùi khó chịu cho những người qua. Ngõ này nhiều nhà lá hơn nhà gạch. Theo dọc ngõ, về bên phải, có một giẫy nhà ngói làm kiểu toóc-xe chia ra từng gian một. Những gian nhà ngói này phần nhiều lính tráng thuê ở. Còn bên trái, cũng theo dọc ngõ, là những căn nhà lá bé nhỏ, thấp đều thoai thoải ở cách quãng nhau không có thứ tự. Các nhà lá này có nhiều thợ thuyền ở lắm. Mỗi buổi họ đi làm về, ngõ lại tấp nập. Vang lên những tiếng gắt nhau hoặc chửi nhau hay tiếng trẻ con khóc. ầm ỹ, hoạt động về những buổi trưa, sau lại yên lặng những lúc mỗi người đi làm, cái ngõ có nhiều thợ thuyền và lính tráng này là một cái xóm hẻo lánh trong làng Ngọc Hà. Ông Hai Cửu cũng thuê một căn nhà ngói ở tận cùng trong xóm. Trước mặt có một cái hồ thường đưa gió mát vào nhà. Lúc này ông Hai Cửu ngồi ở phản nhà ngoài, có cái vẻ mặt ngạc nhiên thực sự. Ông hút thuốc lào luôn luôn, thở khói, mơ màng rồi chép miệng. Ông có ngờ đâu bà Nhâm lại làm được nhà gạch! Ông vẫn tưởng bà ấy không sao mở mày, mở mặt được. Ông ngẫm nghĩ đến xưa kia: chồng bà đi làm cu ly. Còn ông là em ruột chồng bà thì làm nghề bồi bếp. Ngày trước ông giàu lắm. Hôm nay ông ngồi tẩn mẩn nghĩ đến quãng đời xưa mà tiếc nhớ trong lòng.
Từ ngày ông mất việc, ông mang vợ con ra phố, thuê nhà đường hàng Kèn ở. Vợ chồng ông sung sướng với cái số bạc nghìn trong tay. Hai ông bà chỉ ngồi "đánh sàng" nhau ăn, và nuôi hai con giai đi học. Cảnh sống của ông "đề huề" như thế. Bỗng ba năm sau, con ma bệnh đến cướp mất vợ ông đi. Ông buồn rầu thương người vợ đã kết ngãi đá vàng từ hồi ông làm phụ bếp tháng mười đồng, mà vợ ông ngày ấy làm cô hai. Vợ chết sinh chán đời, thành ra ông cứ chơi bời, bê tha. Ông mang tiền để dành ra phá. Hết của, ông lại đành phải làm tháng hai chục ở đường Cột cờ. Ông không thuê nhà ở dốc hàng Kèn nữa. Ông lên làng Ngọc Hà ở để đi làm cho gần. Hai đứa con giai của ông đã nhớn và đã kiếm được tiền cả rồi. "Thằng" nhớn đi làm ký, đã có vợ. Vợ nó bán thịt lợn lậu. "Thằng" bé hiện đi lính, đóng ở Sơn Tây. Ông đi làm, tối về lại nói chuyện với cô con gái út. Ông yêu và thương con gái út lắm, vì nó giống mẹ nó. Ngày qua rồi lại ngày qua. Ông quan tòa đổi đi Saigon, ông Cửu lại thất nghiệp. Kinh tế khủng hoảng rập đến, con giai nhớn ông cũng bị người ta thải về. Thế là hai bố con và người con gái đành ở nhà ăn bám vào người con dâu cả đi bán thịt. Nàng khổ sở và vất vả lắm. Sáng tinh sương đã phải dậy, lúc trời còn mờ mờ tối. Lấy được thịt rồi, nàng lại còn phải lẩn lút sao cho khỏi bị bắt. Thoát được một sáng, kiếm được lợi về nuôi bố, nuôi chồng, nuôi em, nàng thấy như đã làm đầy đủ bổn phận. Thế đã yên đâu? Đi bán hàng ở ngoài đường thì lo bắt vé, về nhà lại sợ bố chồng chửi rủa, sỉ vả vì nỗi nàng không có...con... Nàng bực mình uất người. Sao nàng không đẻ lấy một đứa con để làm vui lòng ông bố và để chồng đỡ buồn bực khỏi đi chơi bời.
Nàng lại âm thầm uất ức mà yên lặng. Thấy chồng chơi bời quá lắm, nàng lại phải khẩn khoản ông Cửu. Nàng nhăn nhó nói:
- Thưa thày, thày phải ngăn cấm nhà con đi, chả con buôn bán có mấy vốn, mà nay nhà con lấy, mai nhà con lấy của con, con còn vốn đâu mà buôn bán nữa. Lạy thày! Thày thương con...
Ông Hai Cửu, giọng hách dịch như...bố:
- ừ rồi tao bảo nó!
Một tuần lễ chồng không đi chơi, nàng hăm hở cám ơn thầm ông Cửu. Kém rượu, kém đồ ăn ngon, con giai ông Cửu lại đi chim gái. Nàng lại phải đòn về ghen. Ông Cửu lại nói:
- Giai năm bẩy vợ!..
Nàng vào buồng, âm thầm, khóc không ra tiếng. Tấn kịch ấy diễn hai ba lần trong một tháng ba mươi ngày. Nhiều bà hàng xóm tức chuyện nói mát:
- Gọi ông ấy là mẹ chồng thì phải hơn!
Ông nghe tiếng, giận, nói lại:
- Việc gì đến chúng mày mà chõ mồm vào. Đèn nhà ai người ấy rạng.
Ông sai cô con gái út chửi nhau với người ta, và bảo đóng cửa lại. Ông hách dịch gọi con:
- Cả! sao mày không dạy vợ mày để vợ mày hỗn láo thế.
Rồi ông tức giận, mặt hầm hầm gọi con giai lại, tát cho hắn đánh "bốp" một cái nói:
- Cút ra ngoài kia, sao ngu thế? - Cô-xoong!
Quay người lại con dâu:
- Thói phép mày đi làm dâu thế à?...
Từ xưa đến nay, mấy năm làm vợ con giai ông, nàng vẫn ngơ ngác không hiểu mình đi làm dâu phải làm thế nào. Nàng vẫn tự hỏi và phàn nàn với tất cả mọi người...
Hôm nay cả nhà đi vắng: Con dâu đi chợ, con giai đi chơi, con gái đi học đan. Ông Cửu ngồi nhà một mình, ông nghĩ ngợi... Ông không hiểu tại sao ông chóng hết của, mà bà Nhâm bây giờ lại giàu hơn ông. Ông biết: ngày xưa bà Nhâm nghèo khổ, thường vẫn xuống hàng Kèn vay tiền ông, nhưng những lúc ấy ông thường tránh mặt. Có một lần, ông không muốn "dây" với bà ấy, lặng lẽ dọn nhà đi phố khác ở. Ông thật thà dặn người hàng xóm:
- Xin bà đừng bảo cho con mẹ vẫn ăn mặc bẩn thỉu như con ăn mày ấy biết chỗ tôi ở. Nó là con mẹ mõ ở làng, thường cứ đi quấy rầy vào xin tiền tôi. Tôi đã cho nó nhiều. Bây giờ tôi đi chỗ khác, nó có đến hỏi xin các bác đừng bảo cho nó biết phố tôi ở.
Ông cẩn thận dặn các bà hàng xóm hai ba lượt. Một bà hỏi:
- Cụ dọn về phố nào?
Ông mỉm cười:
- Tôi lên phố Mới.
Sự thực, ông Hai Cửu dọn nhà về cửa Đông.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, ông Cửu hơi thấy thẹn lòng. Ông chép miệng:
- Đời người ta, có số thật! Ai hay!...
Ông thẹn thùng không nghĩ nữa. Hiền vào.
- Lạy chú ạ!
Ông Cửu tươi cười:
- Cháu sang chơi?
- Thưa chú mẹ con bảo sang nói với chú cho chú cả Mỹ sang trông nom hộ thợ làm nhà...
- Nó vừa chạy đi đâu rồi. Được anh cứ về, rồi chú bảo nó sang.
Hiền mỉm cười, nhìn ông Cửu. Chàng lạy chú ra về. Ba hôm sau cái nhà lá của bà Nhâm đã dỡ xong. Nền nhà để chõ ra ánh sáng, quang đãng, rộng hơn khi có nhà. Bà Nhâm và chị Thảo đi thu dọn những rui mè ở nền nhà mang sang bên kia đường xóm chất thành đống. Những người thợ sẻ mộng không mặc áo, đang hì hục bào. Bên kia thợ xẻ cưa đang kéo gỗ. Tiếng tràng thợ mộc đục làm cửa sổ, tiếng cưa gỗ, tiếng đóng tre dưới chân móng... Hiền thấy tiếng động hòa vào nhau, nghe vui và nhanh như chiếc máy chạy. Nắng hanh gắt, trời thu cao rộng và trong sáng. Gió rì rào, cành cây rung động, lá bàng ở rìa đường. Bà Nhâm, mặt tươi như cô gái sắp lấy chồng, mang đĩa trầu đi mời các ông thợ. Họ đang làm, bà cũng bắt ngừng tay ăn trầu. Hiền thấy nhiều người cảm động về cái cử chỉ hiền hậu của mẹ chàng.
Ngày hôm nay, sau khi bà Nhâm đã làm lễ hoàn thổ và khơi thổ rồi, ông cai Thầu cho thợ nề sang làm. Trước khi làm cũng như các thợ dỡ nhà lá - bà Nhâm cũng cho họ ăn bữa rượu cúng hoàn thổ. Ông cai Thầu thấy bà chủ tử tế quá, can:
- Thôi cụ ạ! cho họ ăn bao nhiêu cho vừa.
- Một đời người mới có một lần... là mấy!
Bà rất vui vẻ, cho thêm hai chai rượu nữa. Nhuận, Mỹ thấy bà tốt quá, lắc đầu. Mỹ nói:
- Việc gì bác cứ phải cho họ ăn thế?
- Cho họ ăn để họ làm cẩn thận cho mình.
Mỹ tủm tỉm cười nói nhỏ với Hiền:
- Tôi sang trông nom cho bác, đứa nào không làm cẩn thận tôi thì bạt tai cho.
Mỹ nhìn những người thợ:
- Các anh làm đi thôi!
Luôn mấy ngày đầu cho tới một tháng những người thợ sắp làm xong cái nhà gạch. Bà Nhâm đã bỏ tiền ra mua gạch, ngói, vôi, gỗ, si-moong, hết ba trăm. Bà than thở với con:
- Không khéo ra thì khốn! Tiêu mất ba trăm rồi, mà cái gì cũng hãy còn thiếu. Mày làm to quá. Bây giờ tao mới biết!
Nhuận cười:
- Có nhiều lắm đến năm trăm là cùng!
Bà há mồm:
- Còn tiền đâu mà buôn bán nữa?...
Nhuận lại nói:
- Rồi con đi làm!
Mặt bà tươi ngay. Tối đến bà vẫn giữ ông Cai Thầu lại cho uống rượu. Ông Cai Thầu? Có khi không phải nữa. Ông chỉ là một người thợ cả, am hiểu cách thức làm nhà về sự chi tiêu mua bán, biết cách bảo thợ làm khéo, và cẩn thận. Ông không có vốn, nếu muốn mua cái gì - không ngoài các đồ vật làm nhà - ông lại phải nói với bà Nhâm và Nhuận đưa tiền cho ông đi mua. Nhuận cũng đi kèm, vì sợ ông "cai thầu" không có vốn hay lừa đảo. Nhưng bà Nhâm cũng biết ông là người làm ăn cẩn thận. Bà không nghi, nên tối nào bà cũng cho ông "cai thầu" uống rượu. Ngồi bên mâm, ông "cai thầu" tợp một hụm, khà một tiếng. Cái mặt ông ngây ngây nói nghẹn ngào hình như sắp nấc:
- Thưa cụ với ba ông: Thật từ khi cha sinh mẹ đẻ, con đi làm từ ngày còn để chỏm, không bao giờ thấy một nhà nào lại tử tế với thợ thuyền như thế! Ông thợ mộc vẻ mặt hiền lành cũng ngồi uống rượu cất tiếng chêm vào:
- Con làm khoán cho cụ, cụ cũng cho con... uống rượu!
Hai người cảm động cùng xắn miếng đậu phụ chấm vào đĩa mắm tôm mà họ thích nhất. Bà Nhâm vui vẻ:
- Có là mấy!
Nhuận, Mỹ cười. Hiền ngồi xem họ ăn. Ông cai Thầu nhìn Hiền:
- Cả ngày cậu Hiền chỉ đến làm cho thợ buồn cười!...Cậu vui tính quá!
Ông thợ mộc:
- Cậu đừng làm thế họ sinh nhờn. Họ là người làm công cả...
Bà Nhâm lườm Hiền:
- Chỉ được điệu bộ công tử hão, chả làm đỡ được gì! Cả ngày chỉ thườn thượt cái áo dài, trông mà ngứa mắt...
Nhuận gắt em:
- Thôi vào trong kia mà ngủ.
Hiền sợ anh, vào phản nằm. ánh đèn vẫn chiếu từng bộ mặt một. Chén rượu này cạn, rồi lại đầy. Hết chai, lại "xin cụ". Họ đã say khướt, tiếng nói đã thấy ríu lại, giọng ngang tàng. Bà Nhâm phải thôi, không dám cho họ uống nữa, để sáng hôm sau họ còn sang làm việc.
- Lạy cụ! Con có say đâu... Con uống rượu không bao giờ say cả!
- Thôi ông về đi,sang mai sang làm.
- Vâng! Thôi con lạy cụ. Cụ "tử tế" quá!
- Không dám! Ông về nhà...
- Vâng, lạy cụ ạ!
Ông "cai Thầu" ngất ngưởng về nhà, ở cái ngõ hẻo lánh bên làng Ngọc - Hà.
Lúc này, trong cái quán gạch đầu xóm Ga; Hiền nằm ruỗi thẳng người trong màn. Chàng thấy một cảm giác, không hiểu là thứ cảm giác gì xâm chiếm lòng chàng, một cách bực tức khó chịu. Hiền thấy hơi nóng đầu. Bên ngoài, gió đông thu thổi mạnh. Những cây sấu ở cái bãi trước cửa nhà ga xe điện, theo với chiều gió rạt rào, ngả nghiêng. Và có rất nhiều sấu chín rụng. Hiền mỉm cười nhớ đến ngày bé thường theo các trẻ trong xóm ra bãi nhặt sấu. Cả một thời nhỏ dậy lên trong trí chàng. Hai mắt Hiền mở to đăm đăm, chàng đang tìm kiếm những kỷ niệm của tuổi thơ ấu. Hiền yêu nhất cái ngày đi nhặt sấu rụng. Muốn sống lại cái cảnh ngày ấy, chàng ngồi nhỏm dậy, cầm chiếc đèn "bin", đi khuất ra sau quán, bấm đèn lên, chàng ngạc nhiên thấy hai ba cái bóng chạy vụt trước mặt. Tinh ý, Hiền hiểu đây là những bóng người đến lấy trộm gạch và tre bắc dáo của nhà chàng để ở đằng sau quán. Muốn trêu họ, Hiền cứ bấm đèn chiếu thẳng vào con đường họ chạy. Hiền mỉm cười thấy một hai cái bóng đen hốt hoảng rẽ vào một cái xóm nghèo nàn nhất. Mà cái xóm ấy, Hiền biết có nhiều người vẫn hay làm cái nghề: "Lấy của người làm của mình". Mải bấm đèn trêu họ Hiền quên cả xem lũ trẻ nhặt sấu trong đêm tối đầy gió lạnh. ở quanh bãi ga, dưới rặng sấu, có những bầy trẻ con các nhà nghèo đang lần mò nhặt từng quả một để mai đem bán lấy ít tiền ăn quà hay đỡ mẹ mua cái ăn.
Bà Nhâm mới về nhà mới được năm hôm nay. Bà sung sướng, bình tĩnh ngồi bán hàng. Bà không lo sợ và " thính mũi" nữa. Nghĩ lại những tháng trước, bà Nhâm cũng phải mỉm cười. Bà nhìn Hiền và cười để lụn hai má đồng tiền. Hiền ngạc nhiên thấy từ hôm về nhà mới, mẹ chàng lại đẹp và trẻ ra. Những vết nhăn ở trên mặt không thấy nữa. Hiền nhìn mẹ mỉm cười, nói:
- Sao hôm nay trông mẹ đẹp thế?
Bà cười, nhìn con. Ngồi tư lự bán hàng, bà nhớ đến thời còn con gái của bà. Ngày ấy, bà đã nổi tiếng là cô gái đẹp nhất xóm Quản Tượng. Xóm Quản Tượng là một cái xóm bẩn thỉu toàn nhà lá. Ai vào xóm cũng khó chịu. Vì cái xóm này, nhà nào cũng làm nghề nấu rượu lậu cả. Bã rượu thì để cho lợn ăn, nên con đường dài của xóm không được sạch lắm. Nhà bà ở cuối cùng xóm, cạnh nhà có một cái trường dạy chữ nho của ông tú người làng. Mỗi buổi đi bán rượu về qua trường học, bà lại hồi hộp ngó vào để gặp đôi mắt thông minh của người học trò nghèo ngồi học trong đó nhìn ra. Bà lại thẹn thùng, đôi má ửng hồng, hai con mắt nhìn xuống đất, rồi bà vội vã vào nhà. Đấy là tình yêu của bà với người học trò ấy, nhưng bà không hiểu. Bà chỉ biết, nếu bà không gặp mặt người ấy và nếu người ấy không nhìn bà, thì bà thấy trong lòng khó chịu mà thôi. Có nhiều người cùng học trường ấy hay nói bông đùa với bà nhưng bà lại thấy ghét người ta. Bà thích người học trò nghèo kia nhìn bà và nói chuyện với bà. Rồi bà thầm phục người ấy đứng đắn thực đáng là môn sinh của cụ Tú, người dậy học chữ nho rất nghiêm khắc. Thế rồi bà và người học trò nghèo ấy không lấy được nhau. Bà chỉ thấy buồn chứ không hiểu thất vọng là gì. Bà lấy người khác. Bà không bằng lòng người này, nhưng anh bà cứ bắt phải lấy. Sớm mồ côi cha, ở với anh, bà rất khổ sở. Anh bà là con một hay chơi bời, chỉ ăn cắp tiền của mẹ đi đánh bạc. Nếu mẹ có mắng, anh bà lại lôi bà ra đánh, để cho mẹ thương con gái đỡ chửi mình nữa, Bà nghĩ mình chỉ là cái thân tội mà thôi. Bà rất hiền lành, sợ anh như sợ bố đẻ, không dám cãi anh bao giờ. Có khi bà lại thấy cả mẹ bà cũng sợ con giai nữa. Nên bà đã buồn rầu sợ hãi nghe anh mà lấy chồng. Lấy người này, bà đã đẻ được bốn đứa con. Cảnh gia đình bà rất nghèo khổ. Chồng bà trước cũng là môn sinh cụ Tú, vì học dốt nên phải bỏ rồi đi làm cu ly trong sở nhà máy điện. Anh giai và chồng bà chơi thân với nhau lắm. Hai người làm bạn nối khố để đi đánh bạc. Một hôm bà đương ngồi mớm cơm cho đứa con giai út ở đầu hè nhà thì thình lình có người làm trong sở đến bảo cho bà biết tin chồng bà bị nạn lao động. Bà hốt hoảng đặt con xuống phản rồi chạy vào sở. Người ta bảo chồng bà ngồi làm ở trên cao ngã xuống. Bà xin thi thể chồng về mai táng. Ông chủ thương chồng bà chết trong khi làm việc, có cho bà năm chục bạc và trả thêm cho hai tháng lương nữa. Làm ma chồng xong bà thắt lưng buộc bụng ở lại nuôi con vì cũng có nhiều người muốn lấy bà. Đôi khi, những lúc ngồi nhàn rỗi, bà cũng có nghĩ đến đoạn tình kín đáo của bà với người học trò nghèo. Bây giờ người học trò ấy cũng đã có hai con rồi. Bà mỉm cười mỗi khi trông thấy người ta. Đời sống của bà, sau khi chồng chết rất eo hẹp thiếu thốn. Nhưng không vì thế mà bà xao nhãng cho hai con giai của bà đi học chữ tây ở trường làng. Bà rất quý mến những người có chữ. Sự kinh nghiệm trong khi bà ăn ở với chồng, bà thấy chồng bà là người ngu si và dốt nát lắm. Bà thường cãi cọ với chồng luôn cũng chỉ vì chồng bà không muốn theo cái ý ăn ở cho ra người. Bà ghét nhất cái tính hay đánh bạc của chồng. Nên hai đứa con của bà sau này, bà muốn chúng đừng giống cái tính nết của cha chúng. Bà mong hai đứa con giai của bà được như cái tính nết của người học trò nghèo mà xưa kia bà đã kính phục và yêu mến. Nếu anh bà không ép gả, có lẽ bà đã lấy người học trò ấy.
Bà buồn rầu nghĩ đến ông anh giai. Sau khi bà đi lấy chồng, mẹ đẻ góa bà chết. Bà cụ chết, người con giai lại phá phách, chuyên của đi đánh bạc thêm. Bà Nhâm còn nhớ rõ cái hôm ấy, mẹ bà đang cơn dở bệnh, biết là sắp chết cố gọi bà vào. Rồi bà mẹ góa rúi cho con gái cái bọc giấy con. Bà Nhâm về giở ra thì ở trong bọc đó có tám chục. Bà biết đó là mẹ đã giấu cho. Bà mừng thầm, được số tiền ấy về dọn hàng buôn bán nuôi con. Xóm ga của bà ở là một xóm nhiều thợ thuyền. Nhà bà ở đầu xóm cạnh đường cái làng. Được tiền của mẹ cho, bà thuê thợ mộc đi rong vào chữa phá một bên trái buồng, làm cái cửa hàng bán tạp hóa xoàng. Hàng của bà được nhiều người vào mua nên đắt lắm. Bà thường bán chịu cho những bà mẹ lao động ở xóm. Ai cũng quý mến và thích mua hàng của bà. Chẳng bao lâu bà đã có một cái vốn kha khá có thể buôn to được. Thỉnh thoảng ông hai Cửu em ruột chồng bà sang chơi, lại có ý thẹn với bà vì bây giờ bà lại sẵn tiền cho ông ta vay. Chứ không như xưa nữa!...
Hiền vẫn đứng cười nhìn mẹ. Nghĩ đến cái hôm Bà Nhâm khuyên con, sau khi Nhuận thất vọng về tình, Hiền mỉm cười nói khôi hài với mẹ, chàng bông:
- Mẹ còn nhớ cái ông học trò nghèo có cái tên đẹp đẽ là Kha không?
Bà cười:
- Bây giờ ông ấy đã có hai con rồi, vẫn lại đây mua hàng của tao!...
- Ông ấy bây giờ làm gì hử mẹ?
- Làm thợ sắt ở ngoài ga hàng Cỏ!
- Ông Kha lại mua hàng của mẹ, có nhắc đến chuyện cũ không?
- Không! Tao mấy ông ấy trông thấy nhau chỉ cười.
Một người vào mua hàng, bà Nhâm đứng dậy bán. Trời đông xám và lạnh. Mưa phùn thêm to hạt, theo với gió heo rạt rào. Hiền đi, lại, trong nhà. Chốc lại cười tủm. Đằng kia, mé góc buồng khách, trên chiếc ghế vải, Nhuận cuộn tròn người trong chiếc chăn len đỏ, nằm ngửa mặt nhìn lên trần. Từ hôm về nhà mới, nét mặt Nhuận tươi hơn, không sầu như những ngày còn ở nhà lá. Là vì Nhuận biết làm nhà xong sẽ lấy được Nguyệt. Sở dĩ, ông bà không muốn gả Nguyệt cho Nhuận chỉ vì Nhuận không ở cái nhà gạch như nhà cha mẹ Nguyệt để được môn đăng hộ đối mà thôi. Nhuận buồn rầu nhớ hôm bà mối về báo cho biết cái tin đau đớn về cuộc tình duyên của chàng và Nguyệt. Lúc bà mối ra đi, chàng đặt bao nhiêu hy vọng. Chàng tin về tấm lòng yêu khăng khít của Nguyệt và chàng lầm. Nghĩ đến mẹ Nguyệt người béo nịch hay ngồi xe nhà, thường cau có mặt, mỗi khi trông thấy Nhuận. Tự nhiên lòng chàng buồn, chân tay run run, lo sợ. Nhuận hốt hoảng gọi bà mối lại. Chàng dặn thêm:
- Bà phải nói cho thật khéo với bà cụ vào!...
Bà mối cười, đi, nghĩ đến cái áo mặc mát của Nhuận đã hứa biếu, nếu bà nói khéo cho hai người được thành gia thất! Nhuận hồi hộp đợi chờ. Chàng thấy những giờ phút ngóng đợi bà mối về, nó lâu và nóng ruột quá. Hai tay xoa ngực, Nhuận đi bách bộ xung quanh hè nhà, một cái nhà năm gian, thâm thấp và lâu ngày, những tầu lá gối đã mòn và mủn. Những tấm bức vách ngăn từng buồng loang lổ hở nhiều lỗ thủng như những kiểu mắt cáo đan dậu trông thông sang nhau. Đồ đạc kê trong nhà phần nhiều là đồ cũ và đã mọt, Nhuận chép miệng cho cái cảnh "nghèo" của nhà chàng. Sự thực về mặt tiền tài, trong gia đình Nhuận không đến nỗi túng thiếu. Mẹ chàng cũng thừa tiền buôn bán. Bà lại còn cho những người nghèo khổ vay tiền không ăn lãi nữa là đằng khác. Nhà bà Nhâm chỉ nghèo vì ở nhà lá và trong nhà không có các đồ mới bày biện mà thôi. Bà Nhâm và Nhuận cũng muốn sắm nhiều đồ mới để thay những đồ cũ mọt, nhưng bà sợ nhỡ "động dụng" ở đâu thì chạy sao kịp được những thứ bàn ghế sang trọng lủng củng ấy ra đường. ở nhà lá không nên sắm những đồ đạc đắt tiền. Bởi vậy nên nhà bà, nhiều người vẫn tưởng là nghèo. Bà Nhâm và Nhuận chỉ mỉm cười và công nhận nhà mình hãy còn "nghèo lắm". Nghèo lắm, có lẽ chỉ mang so sánh nhà bà và nhà ông Hàn Kiệm có cô con gái tên là Nguyệt mà Nhuận yêu. Nhà ông giầu nhất xóm Quản Tượng. Ông làm thư ký ở tòa án được phẩm hàn lâm. Nay ông đã về hưu. Ông mến Nhuận lắm vì ngày trước Nhuận học ông và hiện Nhuận vẫn chơi thân với cả Xung con giai ông. Ông bằng lòng gả Nguyệt cho Nhuận. Vợ ông không bằng lòng, ông bảo:
- Nó vô nghề nghiệp tôi sẽ tìm việc cho nó làm. Cốt người tử tế ngoan ngoãn là được rồi!...
Bà mối đã về, trông thấy Nhuận bà lắc đầu. Nhuận tái mặt. Chàng nghẹn ngào hỏi:
- Thế nào bà cụ có bằng lòng không hử bà?
Bà mối mỉm cười:
- Không! Chả ai bằng lòng cả. Bà cụ bảo! "Đũa mốc không xứng với mâm son"!
Nhuận cáu kỉnh hai tay xoa ngực:
- Đã thế thì thôi vậy!
Dăm ngày hôm sau. Bà mối nói xa xôi với Nhuận:
- Bà cụ muốn cái tiền lấy vợ thì để làm nhà gạch mà ở chả dạo này giời làm hanh hao! Nhỡ ra thì khốn đấy!... Bây giờ Nhuận nằm mở to mắt, nhìn lại nhà mới làm. Một cái nhà ngói kiểu tây ba gian có đủ cả trần rơm, buồng khách, cột sa-lông, cửa kính, cửa sổ, cửa chớp, sân gác. Nó đã đứng sừng sững ở đầu xóm ga được mười lăm hôm nay rồi. Và bà Nhâm đã nổi tiếng là người giầu có. Mất năm trăm đồng bạc làm nên cái nhà Nhuận chỉ còn chờ cưới vợ nữa là xong. Vì Nhuận hiểu câu nói xa xôi của bà mụ mối. Chàng thấy trong lòng sung sướng và rất bằng lòng cái kiểu nhà này.
Tu... tu... u!... những tiếng còi chiều ở các công sở vùng này đã tan về. Cái âm thanh của các tiếng còi, về mùa đông Hiền nghe nó lan rộng, và đi sâu, tản mạn nhẹ nhàng như trông thấy nó đang víu lấy làn khói xanh nhẹ ở các bếp gianh trong xóm lao động, hay vẳng lên giữa trời lạnh sớm. Tự nhiên lòng chàng thấy dìu dịu, và có một cái thú như bà mẹ lao động rúm lò chờ chồng về sưởi ấm. Hiền mở cửa sổ nhìn ra đường.
Lúc này, trên đường cái lầy lội chạy ra tỉnh, những phu ở các sở hoặc ngoài phố hay trong làng, đổ về đông đúc. Họ đổ về đông đúc. Họ đi thành giẫy dài. Ai cũng co ro dưới mưa bay lạnh. Rồi tơi tả, họ rẽ cả vào các xóm làng Thụy Khuê.
Làng Thụy Khuê gần thành phố Hà Nội, làng này ăn dài và có một con đường cái chạy ra tỉnh. Hai bên đường là hai giẫy nhà lá của dân ở. Làng Thụy Khuê chia ra nhiều thôn nhiều xóm; Những xóm được nhiều người quen gọi là xóm Đông Bảng, xóm Ga, xóm Quản Tượng và xóm Hàn Lâm. Làng Thụy Khuê không có ruộng nương để cầy cấy. Dân làng này sống bằng nghề đi làm. Xưa kia, lúc chưa có các nhà máy, thì cách sống của làng này đều trông vào nghề nấu rượu lậu cả. Sau các công sở mọc lên rải rác ở làng, họp thành nhân công của các lò máy. Từ khi có các nhà máy Điện, máy Da, máy Ruộm, làng Thụy Khuê trở nên vui vẻ và sầm uất. Các xóm nhà gianh đã lác đác có nhiều nhà gạch, Hai bên dẫy nhà, có nhiều người mở hàng tạp hóa bán. Xe điện chạy luôn luôn qua làng. Những buổi sáng, trưa, tối, chiều lại tấp nập những người làm công sở đổ về và đi. Ai cũng hốt hoảng chăm chỉ chú ý đến những tiếng còi sở thổi, rồi vào làm. Buổi về, đường cái lại nhộn nhịp tưng bừng những phu phen.
Buổi trưa hôm nay, Sơn làm ở sở bia Ô-men về. Hai má nàng đỏ bừng lên như say rượu. Nàng lảo đảo đi trên đường làng Thụy rồi rẽ vào xóm Đông Bảng là chỗ ngụ của cha nàng. Trời hạ, nắng chang chang, cây cối im phăng phắc. Không một cái gió mát, không tiếng ve kêu. Tiết giời oi ả, nồng nực im im. Không có một tiếng động nào khác tiếng trẻ con khóc. Xóm Đông Bảng đẫm mồ hôi. Những người đi làm về ai cũng uể oải khó chịu. Sơn ăn bữa cơm trưa thấy nhạt nhẽo vô vị, chán ngắc, chán ngơ và nó cứ khô khan ở cổ không buồn nuốt nữa. Ông Toản, cha nàng làm cu ly trong nhà máy Điện, ngồi bên bàn gần chỗ mâm của cô con gái, đang hút thuốc lào sòng sọc. Chốc, ông lại uống tợp nước vối hãm khói rồi thở ra đằng hai lỗ mũi một cách mạnh mẽ như hai cái ống chì vẫn nhả khói ở chiếc máy hơi chạy. Bất giác, tự nhiên Sơn mỉm cười. Nàng thấy lạ, trong lòng lại quận lên một cảm giác mà Sơn khó phân tích được. Sơn chỉ biết là mình yêu Hiền mà thôi. Đã tới năm sáu tháng nay, từ dạo mùa đông năm ngoái, cứ ngày hai buổi, nàng đi làm về là thấy Hiền đứng trong nhà nhìn ra. Hai mắt sáng lên và nét mặt Hiền ngây ngây, lúc ấy nàng lại đỏ mặt đi lẫn vào trong đám đông người tay chao nón và hơi nhếch mép cười. Có một hôm, Sơn nghĩ thẹn và tức với Hiền, lúc ấy còi sở tan ra, Tây Đen gác ở cổng đang khám những người làm, đến lượt nàng, nàng nhìn ra thấy Hiền đứng ngoài cổng sở nhìn vào khiến nàng thẹn quá. Thẹn đổi ra tức, rồi thành ra ghét.
Hôm sau lúc sở tan về, Sơn không thấy Hiền đứng lảng vảng ở cổng có ý đón ngầm mình nữa. Nàng về qua xóm ga, thấy Hiền đứng trong khung cửa sổ nhìn mình. Sơn mỉm cười nghĩ thầm:
- Anh chàng có ý tứ thật!
Nhưng Sơn cũng chưa biết là Hiền đã yêu nàng chưa, rồi buồn rầu, Sơn chép miệng:
- Người ta là con nhà giầu có, ai người ta thèm yêu thương lấy đến mình!...
Nghĩ ngợi Sơn lại mỉm cười lấy chiếc gương con ở trong túi ra soi. Mặt nàng hồng hồng, hai con mắt đen lay láy, nước da trắng ngần. Sơn nghĩ thầm:
- Không trách, hai mắt anh chàng híp lại là phải!
Tiếng tích-tắc của chiếc đồng hồ báo thức để trên bàn vẫn đều đều rõ ràng trong làn không khí yên lặng buổi trưa hè. Hai tay ông Toản trống nẹ, vẻ mặt suy nghĩ. Ông lo kỳ tiền tới không biết bà Xoan có cho ông chịu lại mấy đồng bạc gạo để ông gửi số tiền ấy về quê đóng sưu không? Ông nghĩ khéo lạy van, may ra cũng được. Nhưng rồi ông biết thế nào cũng phải chịu lại mặc dầu là tiền ông ăn gạo ngữ. Bà Xoan, một người chuyên môn bán gạo cho thợ làm ở các nhà máy vùng này. Nhà bà ở xóm Đông Bảng và giầu nhất xóm. Một cái nhà ngói bát vạn kiểu cổ Annam. Xung quanh tường và cái cổng gạch to tướng có nhiều mảnh chai cắm sáng quắc. Người bà Xoan béo nục nịch hay đi xe nhà. Nhiều người có nợ trông thấy bà hay trốn. Vì bà ác tướng và hay chửi lắm. Kỳ tiền nào, bà cũng bệ vệ, khoan thai ra ngồi ở cổng sở xe điện nhặt tiền nợ. Cứ mỗi người thợ ở trong sở ra, bà lại nặng nề đứng túm xoắn lấy họ, đòi nợ. Lắm người phải nhăn nhó lạy van bà như tế sao.
- Con lạy bà, bà cho con khất đến kỳ sau. Tháng này con ốm, nghỉ mất dăm ngày nên túng quá!...
- ốm! Sao không chết đi, có vài đồng bạc gạo cứ để người ta mỏi mồm. Tháng nào cũng xoen xoét, lạy với chả van. Ai lấy lạy của nhà anh!.. Nếu anh không bớt mà giả tôi ít nhiều, thì tháng này anh đừng có mang thúng lại mà lấy gạo nữa. Không ai có thừa của mà bán cho cái ngữ anh, dai như đỉa đói. Bà quay mặt, hai tay vuốt mép giầu. Người cu ly cứ đứng nhăn nhó:
- Lạy bà, bà thương nhà con. Thật quả tháng này con chỉ lĩnh được có sáu đồng; chả tin bà hỏi ông ký phát lương mà xem.
- Thế tháng này anh lại không giả bớt được đồng nào phải không?
- Lạy bà! bà lại cho nhà con giả tiền lãi vậy.
Bà Xoan lấy làm bộ không bằng lòng:
- Lãi lờ con khỉ! tháng nào cũng giả lãi... Thế là người cu ly ấy đã giả bà Xoan đồng hai bạc lãi trong số sáu đồng bạc gạo mà bác đã đọng lại của bà ta hai tháng nay. Bà Xoan lấy tiền lãi của người ta, mà bà cứ thản nhiên như bà lấy tiền lãi cho vay. Không trách nhà bà giầu to là phải!
Ông Toản nhìn đồng hồ thấy kim chỉ gần một giờ, ông thở dài cầm mũ đi làm. Ông dặn Sơn:
- Tháng này, Sơn cho thầy giật một đồng nhớ?
- Con có đâu! thầy vay làm gì?
- Tao gửi về quê đóng sưu!
Sơn nhăn mặt:
- Con không có.
Ông Toản quắc mắt lườm. Sơn nói:
- Tháng này con phải mua cái thắt lưng!...
- Mua thắt lưng để đi đánh ** à? Mày dờ hồn đấy!
Nàng sa sầm mặt, không nói gì. Ông Toản bước qua ngưỡng cửa đi làm. Sơn ngồi ngẩn rồi bỗng dưng nước mắt ở khóe chảy ra. Nàng khóc cái cảnh sống nghèo của nhà nàng chẳng được sung sướng, giầu có bằng ai. Mẹ nàng chết đi rồi, nếu không cũng chẳng đến nỗi phải sống khổ sở như thế này. Sơn còn nhớ ngày còn mẹ nàng dọn hàng cơm ở phố Mới. Ông bà Toản được có một mình Sơn cho đi học ở trường Thăng-Long. Rồi bà Toản phải cảm chết. Sơn phải thôi học. Vợ chết. Ông Toản lấy thêm nhiều vợ. Buôn bán thua lỗ và thường hay bị các bà vợ lẽ lừa. Ông Toản thành vỡ nợ, khánh kiệt gia sản. Ông mang Sơn lên làng Thụy Khuê, nhà ở xóm Đông Bảng. Ông xin làm cu ly nhà máy điện. Sơn ở nhà thổi cơm cho ông ăn. Sau vì cảnh sống túng bấn quá, nàng phải xin làm một chân rửa chai trong sở nhà máy rượu, lương tháng sáu đồng. Hai bố con đi làm, ai về trước phải thổi cơm, rồi chờ cùng ăn với nhau. Về buổi trưa, sở xe điện tan mười một giờ. Sở nhà bia tan mười hai giờ. Về buổi chiều, sở ô-men tan bốn rưỡi. Nhà ga xe điện tan sáu giờ; Sơn buồn rầu nghĩ giá cha nàng không say mê vợ lẽ thì cảnh đời của cha và nàng đâu phải sống lầm than như thế này. Tháng này, nàng cố nhịn quà lấy tiền mua thắt lưng mới, thay cái thắt lưng cũ để diện với Hiền. Mà cũng không được. Nàng biết số tiền để dành ấy thế nào cũng phải đưa cho cha nàng. Không nàng lại phải đòn.
Tu...tu... Tiếng còi một lượt của nhà Bia đã rục. Sơn uể oải vấn lại cái khăn rồi khoác chiếc áo dài đi làm. Qua xóm Ga, nhà Hiền, Sơn không nhìn vào để gặp cặp mắt của Hiền nữa. Sơn không hiểu sao buổi đi hôm nay, nàng thấy ghét Hiền thế. Nàng không hiểu nàng ghét về gì. Đến sở, Sơn ngạc nhiên thấy Hiền đương đứng nói chuyện với Thanh làm thợ sắt trong sở. Nàng còn bẽn lẽn đứng lẫn vào chỗ đông người. Sơn nghĩ thầm:
- Nếu lúc này mình có nhìn vào cũng chẳng thấy!
Sở nhà bia Ô-men ở về bên trái bên đường Parreau lối lên vòng đua ngựa. Sở này to, kiểu kiến trúc đẹp và sạch sẽ hơn các sở khác quanh vùng này. Nhân công là những người ở các làng gần sở. Như làng Lữ Giai, làng Đống Nước, làng Đại Yên và làng Thụy Khuê. Tiếng còi một lượt vừa rúc họ đã kéo nhau đến túc trực sẵn ở sở để chờ tiếng còi thứ hai là vào làm. Trước cổng sở dưới bóng cây me chua che nắng, những người làm công đứng túm tụm từng tốp chỗ hai ba người, chỗ năm sáu người, đàn ông lẫn đàn bà, họ nói chuyện pha trò rất vui vẻ. Và cô hàng quà trẻ tuổi bán luôn tay và cười luôn miệng.
- Thế nào, bánh này của cô có ngon không?
- Cô có bán bánh sữa không?
Cô hàng lại nhanh nhẩu mỉm cười:
- Không có ạ!
- Không à!
- Khỉ! cái nhà bác này!
- Ô hay, nỡm! trẻ con lắm.
- Mai em bán!
- Hì! Hì! Hì!
Mấy người thợ ngồi trong hàng ăn quà. Người hút thuốc lào, người nhăn nhở cười vì câu pha trò của bạn. Rồi ai nấy lại cười vang gọi tên nhau ầm ỹ. Chốc chốc, hai cặp mắt Hiền Sơn lại mạnh mẽ bắt lấy nhau sáng ngời. Thanh mỉm cười:
- Nhà "Mạnh thường quân" dạo này đã gầy đi rồi!...
Hiền cười:
- Thế mà sút bóng vẫn khỏe như thường!...
Một người hỏi bông Sơn:
- Bao giờ em Sơn lấy chồng cho anh ăn cỗ?
Nàng chép miệng nói to, cho Hiền nghe tiếng:
- Nhà em nghèo thì ai lấy!...
Nói xong, Sơn thấy mặt Hiền sầu, nàng sung sướng. Tu... tiếng còi ngắn lần thứ hai đã thổi. Người tràn ngầm ngập vào làm. Vừa đi, họ vừa pha trò, cười khanh khách. Hiền nhìn vào, Sơn nhìn ra; Bốn con mắt gặp nhau, hai miệng cười.