Hercule Poirot chuẩn bị qua một buổi tối bình yên trong nhà mình ở London, bỗng xuất hiện cô bạn, nữ văn Ariadne Oliver, trong tình trạng cực kỳ bối rối.
Ở một làng nhỏ gần London, cô đã dự một buổi liên hoan dành cho thiếu nhi, do bà Drake tổ chức nhân ngày lễ hội quả bí. Giữa cuộc vui, một em bé gái lắm lời đã bị giết một cách dã man. Trước đó, em đã khoe trước mặt mọi người là đã chứng kiến một vụ án mạng xảy ra vài năm trước.
Oliver yêu cầu Poirot đến Woodleig Common để điều tra vụ án, truy tìm thủ phạm. Nhà thám tử tài ba nhận lời. Vừa đến cái thị trấn thanh bình ấy, ông đã nhận ra là vẻ yên vui chỉ là bề ngoài...
Trong thời gian mấy ngày ở chơi nhà bà bạn Judith Buther, Ariadne Oliver nhận lời cùng bạn chuẩn bị một buổi lễ cho thiếu niên sẽ tiến hành vào buổi tối.
Lúc này, căn phòng dành cho buổi liên hoan đang tíu tít những bà, những chị bận rộn, họ đi tới đi lui, người kê bàn ghế, người mang hoa và những quả bí vàng đặt vào những góc dễ thấy nhất. Đó là công việc chuẩn bị cho hôm trước ngày lễ Các Thánh dành cho những khách mời từ mười đến mười bảy tuổi.
Oliver tách khỏi nhóm người bận rộn, tựa lưng vào một bức vách trống, ngắm nhìn một quả bí to tướng mà cô không biết dùng để làm gì. Cô hất đầu cho mớ tóc đang xõa xuống trán lật ngược lên, nói :
- Lần cuối tôi nhìn thấy những quả này là năm ngoái, ở Mỹ. Chỗ nào cũng có. Thú thật tôi chịu không tài nào phân biệt sự khác nhau giữa bí và bầu. Ai chỉ cho tôi được không?
- Xin lỗi chị - Bà Buther đi vấp vào bạn, nói.
Oliver né mình tránh :
- Lỗi tại tôi. Chẳng giúp được gì, làm vướng chân mọi người.
Nhưng rồi cô vẫn nói tiếp :
- Đúng, tôi nhớ như in. Nhà nào, cửa hàng nào cũng treo những quả bí trên trần, mắc đèn sáng bên trong, trông rất ấn tượng. Tuy nhiên, ở bên đó, người ta trang hoàng nhà cửa, phố xá như thế không phải vào lễ Các Thánh, mà là vào ngày hành động từ thiện, cuối tháng mười một thì phải.
Các bà các chị đang mải miết làm việc, đi qua đi lại, chẳng chú ý đến lời nói của Oliver. Phần đến người đến giúp là những bà mẹ, ngoài ra có một, hai bà gái già mau mắn, ai có việc gì là xắn tay vào giúp. Các cậu con trai mười sáu, mười bảy tuổi xăng xái trèo lên thang hoặc ghế để trang trí, mắc những quả bí và những bóng thủy tinh nhiều mầu. Một số em gái đứng riêng một góc, cười khúc khích một cách vô duyên.
Bà Rowena Drake, đã đứng tuổi nhưng còn rất đẹp, và là người chủ trì lễ hội, tuyên bố :
- Cuộc liên hoan này, diễn ra hôm trước lễ Các Thánh, tôi quyết định gọi là liên hoan “Tuổi trên mười một”, vì chủ yếu dành cho các cháu tốt nghiệp năm nay ở trường “Elms” để rồi sang năm chuyển sang các trường trung học khác.
Cô Whittaker, giáo viên tại trường địa phương “Elms”, sửa lại chiếc kính kẹp mũi, đính chính :
- Bà Rowena, nói như vậy không hoàn toàn chính xác. Gần đây, chúng ta đã bỏ lớp “Trên tuổi mười một” rồi.
Lúc đó, Oliver chạy đến, nhìn xung quanh :
- Có việc gì để tôi làm giúp không? Ôi kìa, những quả táo đẹp quá! - Bà reo lên khi thấy có người mang một liễn đầy táo đỏ.
- Táo ấy ăn chưa ngon lắm đâu - Rowena Drake nói - nhưng nó giúp cho buổi liên hoan vui thêm. Tôi dùng nó vào trò chơi đớp táo: bỏ táo vào một xô đầy nước, rồi dùng răng đớp táo lên. Táo mềm, dễ cắn lắm. Béatrice, cháu mang táo vào trong phòng sách hộ nhé? Thảm trong ấy đã cũ, nước có sánh ra cũng không sao. Joyce, cháu phụ trách việc đó nhé? Cám ơn.
Joyce, một bé gái lên mười khỏe mạnh, đỡ lấy chiếc liễn, vô ý để rơi hai quả táo lăn xuống đất ngay dưới chân cô nữ văn sĩ. Joyce nói :
- Cô thích táo lắm, phải không? Cháu đọc điều ấy trên báo, lại nghe nói trên tivi nữa. Đúng cô là người viết tiểu thuyết trinh thám?
- Phải.
- Thế thì lẽ ra tối nay chúng cháu phải dựng nên một trò mà cô thích: ví dụ, nhờ cô dàn cảnh một vụ án rồi yêu cầu mọi người giải đáp.
- Không, cảm ơn, không bao giờ nữa!
- Cô nói thế là thế nào ạ?
- Bởi vì một lần cô đã làm trò ấy, nhưng không kết quả.
- Nhưng cô đã viết rất nhiều truyện, bán chạy lắm?
- Đành thế.
- Và cô đã tạo ra một nhân vật thám tử, người Phần Lan?
Oliver gật đầu. Một cậu bé đứng gần, hỏi :
- Tại sao lại Phần Lan?
- Chịu, cô cũng không biết.
Lúc này bà Hargeaves, vợ Ông nhạc sĩ chơi đàn ống, đi vào, hổn hển mang theo một xô nhựa màu xanh :
- Cái này dùng cho trò đớp táo, được chưa?
Cô Lee y tá, xen vào :
- Giá có xô bằng kẽm thì tốt hơn, bọn trẻ không dễ đánh đổ.
- Không sao. Đây, bà Rowena, tôi đem đến thêm một rổ táo nữa.
- Bà đem tất cả vào phòng sách hộ.
- Để tôi giúp bà - Oliver nói, rồi nhặt hai quả táo dưới chân, mặc nhiên đưa một quả lên miệng, cắn ngon lành. Bà Rowena giữ lấy quả thứ hai, đặt nó vào trong rổ táo.
Ở một góc phòng, có tiếng bàn luận sôi nổi.
- Còn trò Snapdragon, chơi ở đâu?
- Trong phòng sách là tốt nhất, ở đó tối nhất.
Bà Drake phản đối :
- Không, làm ở phòng ăn hơn. Ta sẽ lấy một tấm cao su và một khăn dạ phủ lên cho khỏi hỏng bàn.
- Còn trò soi gương thần? Có phải soi vào gương sẽ thấy hiện lên khuôn mặt của người chồng tương lai?
Vừa ăn nốt quả táo. Oliver vừa bỏ giầy, ngồi phịch xuống ghế. Cô nhìn mọi người bằng con mắt khách quan và tự hỏi nếu cần phải viết một cuốn sách về họ thì sẽ bắt đầu ra sao. Những con người đáng yêu, nhưng ai mà biết được... Một khía cạnh nào đó, cô thấy vui vì chưa biết gì về họ. Họ là dân làng Woodleig Common, và bà bạn Judth đã kể cho cô về một vài người: Ví dụ, cô Johnson là có họ với ông phó linh mục... không, là em gái ông nhạc sĩ chơi đàn ống. Bà Rowena Drake được coi là người quan trọng trong làng, mọi việc hình như đều phải theo ý bà. Về lũ trẻ, cô chưa biết gì, trừ vài cái tên. Có Nan, Béatrice, Cathie, Diana, và Joyce, con bé vừa nói chuyện lúc nãy. Con bé này có vẻ tự mãn, hay hỏi, Oliver không ưa lắm. Ann là một con bé lớn ngồng, làm bộ làm tịch, đứng riêng với hai chàng trai mới lớn đầu tóc bù xù.
Một cậu bé nhút nhát và ốm yếu, đưa mấy tấm gương cho bà Drake vừa thở vừa nói :
- Mẹ cháu gửi bà mấy cái này, xem có được không.
- Cảm ơn Eddy.
Ann không bằng lòng :
- Đó chỉ là mấy cái gương bỏ túi bình thường, làm sao nhìn thấy mặt chồng tương lai trong đó?
- Có người không nhìn thấy, có người nhìn thấy đấy - Judith Butler đáp.
Ann quay sang nói với Oliver :
- Cháu đã đọc một cuốn truyện của cô: Cái chết con cá vàng. Xem được.
Joyce lập tức chen vào :
- Cháu không thích! Không có nhiều máu me. Cháu thích những vụ án đẫm máu kia.
Oliver lựa lời :
- Cháu không thấy là hơi tầm thường sao?
- Dù sao, thế mới hấp dẫn!
- Không nhất thiết.
- Cô biết không, cháu đã có dịp chứng kiến một vụ án mạng thực sự?
Cô giáo Whittaker cắt ngang :
- Joyce, em không được nói bậy!
- Thực mà, em xin thề!
Cathie tròn mắt nhìn bạn :
- Thật ư, Joyce? Án mạng thật sự?
Bà Drake kêu :
- Đừng có nghe lời cái con bé ngố ấy!
- Cháu chứng kiến mà, cháu không nói dối!
Một cậu con trai, đứng vắt vẻo trên thang, ngừng tay hỏi :
- Loại án mạng nào thế, hở Joyce?
Béatrice phát biểu :
- Cháu chẳng tin tí nào.
Mẹ của Cathie đế thêm :
- Con bé bịa ra, cho ra vẻ quan trọng!
- Không đúng!
Cathie hỏi :
- Nếu vậy, sao bạn không đi báo cảnh sát?
- Bởi vì ngay lúc ấy, mình chưa biết đó là án mạng. Mãi sau này mình mới hiểu. Cách đây một, hai tháng, có người nói với mình một câu, mình mới chợt hiểu là đã chứng kiến một án mạng.
Ann bình luận :
- Rõ là bạn bịa chuyện. Thật vớ vẩn!
Béatrice gặng :
- Án mạng xảy ra khi nào?
- Ồ!... nhiều năm rồi. Hồi ấy mình còn nhỏ.
- Ai giết ai?
- Mình không nói nữa, có ai tin mình đâu!
Cô Lee làm câu chuyện đến đây là ngừng, vì cô mang đến một cái xô bằng kẽm, thế là mọi người ồn ào cho ý kiến nên dùng xô nhựa hay xô kẽm trong trò chơi đớp táo.
Mọi người kéo vào phòng sách để xác định nơi sẽ diễn ra trò chơi, một vài cậu nhỏ tranh nhau biểu diễn thử. Đầu tóc các cậu ướt lướt thướt, thảm rải sàn bị nước đổ tung tóe.
Cuối cùng, tất cả đều nhất trí dùng xô kẽm tốt hơn, xô nhựa không ổn định dễ bị xô đi đẩy lại.
Oliver mang tới một rổ táo nữa để thay thế những quả vừa được chơi thử nghiệm, và cô không đừng được, lại cầm một quả lên để ăn. Giọng Ann cười cợt reo lên sau lưng :
- Đúng là cô Oliver mê ăn táo.
- Đúng, cô có cái tật xấu ấy thật - Oliver đáp.
Dù sao cô cũng hơi ngượng, nên vội lui ra ngoài, định đi rửa tay rửa mặt. Cô đi vào cầu thang ở cuối lối ra vào, bậc thang lên nửa chừng thì có một thềm nghỉ, ở đó có cửa vào phòng tắm, trước khi ngoặt theo hình thước thợ để dẫn lên tầng hai. Ở cửa vào phòng tắm, một đôi trai gái đang quấn lấy nhau, có người đi qua cũng không rời. Đó là một cậu con trai mười bẩy tuổi và một cô gái còn rất trẻ nhưng thân hình đã rất nở nang.
Oliver khó chịu khi nhìn thấy cảnh đó. Cô nghĩ thầm: lớp trẻ ngày nay chẳng coi người lớn là gì. Song cô lại công nhận: hồi mình còn trẻ, mình cũng đã từng nghe nhiều lần nhận xét như thế!
- Xin lỗi, cho tôi đi qua.
Đôi trai gái miễn cưỡng tránh ra để nhường lối
Tổ chức một tối vui cho trẻ em thường đòi hỏi nhiều công phu chuẩn bị hơn tổ chức cho người lớn. Với bọn trẻ, phải nghĩ ra nhiều trò mới và vui, còn với người lớn, lo dọn bàn ăn cho ngon, quầy rượu cho phong phú. Ariadne Oliver và bà bạn Judith Butler đều nghĩ vậy.
Judith nói :
- Dù sao, chị chớ lo. Tối vui hôm nay sẽ thành công, ta có thể tin tưởng ở Rowena, bà ấy tổ chức cái gì cũng giỏi.
Oliver thở dài :
- Tôi chả muốn dự tí nào.
- Thì chị cứ về nghỉ độ một tiếng rồi lại tới, sẽ không phải hối tiếc đâu. Tiếc rằng cháu Miranda hơi sốt, nó rất buồn không được tham dự cuộc vui.
Tối vui bắt đầu từ bảy giờ rưỡi và tiến hành rất tốt như Judith đã dự đoán. Khách mời đến đúng giờ. Mọi việc đều được dự kiến, tổ chức rất tỉ mỉ, nên diễn ra suôn sẻ. Ngoài sảnh, đèn xanh đèn đỏ mắc dọc cầu thang lên tới tầng trên, và khắp nơi, quả bí vàng tượng trưng chỗ nào cũng có, hoặc mắc trên tường, hoặc đặt trên bàn. Phần lớn bọn trẻ đến đều mang theo những cái chổi cán dài trang trí đẹp mắt, những chổi này sẽ dự thi, chọn cái đẹp nhất.
Sau khi đón tiếp mọi người, bà Rowena Drake công bố chương trình tối liên hoan.
- Trước hết, thì chổi đẹp có trao giải nhất, nhì và ba, rồi cắt bánh ga tộ Tiếp đó là trò chơi đớp táo trong phòng sách. Ở đó đã ghi tên đầy đủ các đội tham dự. Rồi có hòa nhạc, khiêu vũ, khi tắt đèn các đội sẽ đổi bạn nhảy. Các cháu gái sẽ có mặt ở phòng khách nhỏ chơi trò soi gương thần. Rồi ăn tối, rồi chơi trò Snapdragon. Cuối cùng là lễ trao giải thưởng.
Lúc mở đầu cuộc chơi, bọn trẻ thường chưa hào hứng lắm. Nhiều chiếc chổi, trang trí sơ sài hoặc lộn xộn, vẫn được khen nghợi trầm trồ, tỏ vẻ khuyến khích. Bà Drake thì thầm với các bà bạn :
- Chúng mình chấm thi phiên phiến thôi, chú ý khích lệ những em không có khả năng đoạt giải ở các trò chơi sau.
- Thế thì không công bằng.
- Quan trọng là ít nhất đứa nào cũng được một giải cho vui.
- Trò chơi cắt bánh là thế nào? - Ariadne Oliver hỏi.
- Bột được lèn chặt vào cốc rồi đổ úp lên mâm. Đặt lên đó một đồng xụ Từng người một cầm dao cắt một miếng bột sao cho đồng xu không rơi. Ai không làm được sẽ bị loại. Nào, ta bắt đầu!
Mọi người vui vẻ tản vào theo từng nhóm. Trong phòng sách, nơi diễn ra trò đớp táo, những tiếng reo phấn khích vang lên, rồi lần lượt bọn trẻ chạy ra, đứa nào đầu tóc và quần áo cũng đẫm nước.
Trò lũ con gái thích nhất, là soi gương thần. Bà Goodbody, một bà đi ở trong vùng, đóng vai phù thủy; bà đã có sẵn cái mũi gồ nhòm mồm trời cho, nay thêm giọng nói gầm gào thảm thiết thốt lên những câu thần chú bí hiểm.
- Lại đây, cháu. Cháu là Béatrice, phải không? A!... tên cháu rất đẹp. Vậy người đẹp muốn biết người chồng tương lai của mình sẽ ra sao phải không? Hãy ngồi xuống đây, chính giữa ánh đèn và cầm lấy chiếc gương này. Lúc tắt đèn, cháu sẽ nhìn thấy người bạn đời tương lai. Người đó sẽ nhìn qua vai cháu. Hãy giữ chắc tấm gương.
Đột nhiên từ sau một bình phong, ánh sáng loé lên, chiếu thẳng vào một mảng tường định trước, phản chiếu vào tấm gương mà cô gái hồi hộp cầm trên tay.
- Nhìn thấy rồi! thấy rồi!
Đèn sáng trở lại, và một tấm ảnh mầu từ trên trần rơi lượn xuống chân Béatrice. Cô bé nhảy lên vì mừng :
- Đúng anh ấy rồi! Anh ấy có râu đỏ rất đẹp!
Cô lao vào Oliver đang đứng cạnh :
- Cô xem này! Anh ấy có tuyệt không? Rất giống Eddie Presweigh, ca sĩ nhạc “pốp”.
Oliver thấy bức ảnh giống các ảnh thường đăng trên trang nhất các báo. Bộ râu là một sáng kiến điểm thêm.
- Ảnh này từ đâu ra?
Một bà ngồi cạnh đáp :
- Rowena nhờ Nicky và Desmond, hai cậu này mê chụp ảnh. Chúng bảo lũ bạn hóa trang, đeo tóc giả, râu giả, rồi chụp. Kết quả, như bà thấy, làm lũ con gái rất thích.
- Tôi không ngờ thời buổi này, con gái lại ngốc nghếch thế!
- Thì con gái bao giờ chẳng ngốc nghếch? - Rowena nói.
Ngẫm nghĩ lại, Ariadne Oliver thấy có lẽ bà Rowena đúng. Lúc này, bà Rowena Drake đã hô hào :
- Nào, tất cả vào bàn!
Bữa tiệc rất thành công: bánh trái, hoa quả, bọn trẻ chiếu cố sạch. Bà Rowena lại tuyên bố :
- Và bây giờ, trò hấp dẫn cuối cùng, trò Snapdragon. Nhưng trước đó, xin mời tất cả ra ngoài kia nhận phần thưởng.
Người nào cũng nhận được một vật kỷ niệm, và thế là cả bọn hò reo lao về phòng ăn.
Bữa tiệc đã dọn sạch. Bây giờ giữa mặt bàn trải thảm, ngự một đĩa to tướng đầy nho ngâm rượu cô nhắc đỏ tươi được đốt bằng cồn. Ai nấy chen nhau thích cánh để nhón được nhiều quả nho nóng bỏng. Dần dà, ngọn lửa xanh lụi dần và đèn bật sáng. Cuộc vui kết thúc.
Bà Rowena Drake mặt mày tươi tỉnh, nói :
- Thành công rực rỡ.
- Bà đã có công lớn trong việc này.
- Thật là tuyệt. Bà Rowena, xin chúc mừng - Judith nói, rồi tiếp luôn - Nào, mỗi người một tay, ta dọn dẹp giúp bà chủ nhà, mai đỡ khổ những người phục vụ!
Trong một căn hộ ở London. Chuông điện thoại reo Hercule Poirot cựa mình trên ghế. Chưa biết ai gọi, nhưng ông đoán là ông bạn Solly đã hẹn đến chơi hôm nay, chắc lại xin lỗi bận không tới được.
- Ông ta lại nhức đầu sổ mũi gì đây - Poirots nghĩ bụng - Không đến thì thôi vậy. Tối nay ta chỉ có một mình.
Ngẫm nghĩ, Poirot nhận thấy từ khi ông về nghỉ hưu, phần lớn các buổi tối đều đơn điệu như nhau. Trí óc ông (mà ông tự cho thuộc loại kiệt xuất) đòi hỏi sự kích thích liên tục từ bên ngoài. Poirot không có tính cách một triết gia. Đôi khi ông tiếc là đáng lẽ lao vào tội phạm học, ông nên hướng về thần học, như vậy thì giờ đây có thể cùng đồng nghiệp ngồi một chỗ mà bàn luận liên miên các vấn đề không bao giờ giải quyết.
George, người hầu lặng lẽ bước vào :
- Thưa, ông Solomon Levy đã điện thoại.
- A! Thế ư?
- Ông rất tiếc không thể đến chơi tối nay. Ông bị cúm.
- George, không phải cảm cúm, chỉ là sổ mũi thôi. Ai ai cũng cho là mình bị cúm, như vậy có vẻ quan trọng, được mọi người thương cảm hơn.
- Dù sao thì ông ấy không tới càng tốt, thưa ông. Cái sổ mũi nhức đầu ấy cũng hay lây lắm.
Tiếng chuông điện thoại lại reo.
- Bây giờ lại ai báo tin cũng sổ mũi nữa đây? Tuy nhiên tôi không có hẹn với khách nào khác.
George quay ra, nhưng Poirot giữ lại.
- Để tôi nghe. Có vẻ là quan trọng đây... - Ông nhún vai - Cũng là để tiêu thời gian một thể. Biết đâu đấy?
George rút lui, và Poirot cầm máy.
- Tôi, Hercule Poirot nghe - Ông nói dằn từng tiếng.
Đầu dây kia, có tiếng phụ nữ hổn hển :
- May quá! Tôi cứ chắc mẩm là ông không có nhà.
- Vì sao vậy?
- Vì thời buổi này, mọi việc cứ luôn luôn muốn làm ta thất vọng. Cần một ai tới gấp, thì cứ phải đợi. Tôi cần nói chuyện với ông ngay, càng sớm càng tốt.
- Tôi có hân hạnh nói chuyện với ai đây ạ?
Giọng nói đầu kia có vẻ ngờ vực :
- Ồ, thế ông không biết là ai ư?
- À! Có!... xin lỗi! Cô là Ariadne Oliver.
- Và tôi đang sốt hết cả ruột đây!
- Tôi đoán vậy. Cô vừa chạy đấy à? Thấy cô thở gấp.
- Tôi xin đến ngay được chứ?
Poirot lưỡng lự. Oliver có vẻ đang xúc động, không biết vì việc gì, và cô ta sẽ kể lể đủ thứ chuyện trước khi đi vào mục đích thực. Một khi để cô ta thâm nhập vào thánh đường của Poirot, thì khó mời được ra mà không mang tiếng là bất lịch sự. Bàn luận với Ariadne Oliver phải hết sức tránh sa vào những đề tài mà cô có thể vớ lấy để kéo mình vào hàng tràng lời lẽ vô bổ.
- Cái gì đã làm cô xúc động đến thế, hở cô bạn?
- Dĩ nhiên rồi! Tôi hoang mang, không biết nên làm gì. Chỉ biết là phải kể hết với ông. Ông là người duy nhất có thể cho tôi một lời khuyên. Thế nào, tôi đến được chứ?
- Nhất định là được. Rất vui lòng được gặp cô.
Máy dập đột ngột ở đầu dây bên kia. Poirot gọi George, nghĩ một lát rồi bảo anh ta chuẩn bị chút đồ uống, riêng ông thì xin một ly cô-nhắc.
- Khoảng mười phút nữa, cô Oliver sẽ tới đây.
George đi ra, rồi lát sau trở lại mang theo ly cô-nhắc. Poirot nhấp một ngụm, lấy sức lực.
Chuông ngoài cửa vang lên. Khách không chỉ bấm nhẹ một lần, mà ấn mạnh kéo dài, cố tình làm vang động căn nhà.
- Đúng là cô ta rất sốt ruột - Poirot nghĩ.
Ông nghe tiếng George mở cửa, nhưng anh hầu chưa kịp vào báo tin, thì vị khách đã ùa vào. Hercule Poirot kêu :
- Cô ăn mặc gì mà lạ? Để George giúp cởi áo cho! Cô ướt sạch rồi!
- Không ướt mới là lạ, vì ngoài kia đang mưa!
- Cô dùng chút giải khát gì, hay một ly rượu mạnh nhé?
- Lúc này tôi ghét tất cả những gì dính dáng đến nước.
Giọng hậm hực của cô khiến Poirot ngạc nhiên.
George mang chiếc áo khoác ướt sũng ra ngoài. Poirot hỏi :
- Cô kiếm đâu ra chiếc áo ấy?
- Ở Cornouaile. Rất tiện, phải không? Áo thủy thủ chính cống.
- Rất tiện cho thủy thủ, nhưng với cô chắc hơi nặng. Nào ngồi xuống, có gì hãy nói hết.
Ngồi phịch xuống chiếc ghế bành lớn, Oliver thở dài :
- Tôi không biết nên nói thế nào?
- Thì cứ kể thế nào cũng được.
- Giờ đây ở trước mặt ông, tôi không biết kể ra sao nữa!
- Kể từ chỗ bắt đầu. Hay cô thích kể theo cách khác?
- Thực ra, có thể câu chuyện bắt nguồn từ xa trong quá khứ.
- Hãy bình tĩnh, cố gắng tập hợp trong trí óc mọi chi tiết cần thiết. Chẳng hạn, hãy nói xem, cái gì làm cô xúc động đến vậy?
- Tất cả bắt đầu từ một buổi tối liên hoan!
Poirot cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe một chuyện quá đơn giản, chỉ là một buổi liên hoan.
- Vậy cô đã đến dự buổi liên hoan. Có gì bất thường đã xảy ra?
- Ông có biết rằng ở đấy người ta tổ chức lễ hội vào đêm trước ngày lễ Các Thánh?
- Phải, ngày 31 tháng Mười. Đó là ngày các phù thủy cưỡi cán chổi bay lên trời.
- Phải, có nhiều chổi được trang trí chẳng đẹp mắt lắm, nhưng cũng được thưởng.
- ... Tôi không hiểu?...
Nhà thám tử nhỏ bé nhìn cô bạn, ngờ vực. Sự nhẹ nhõm lúc nãy nhường chỗ cho lòng phân vân. Nếu không biết chắc rằng Oliver không bao giờ nhấp một ly rượu, ông đã nghĩ rằng hôm nay cô này hơi say.
- Một buổi liên hoan thiếu niên - Oliver nói rõ hơn - Đúng hơn, là cho những học sinh loại “Tuổi trên mười một”.
- Nghĩa là thế nào?
- Nó chỉ cuộc sát hạch, qua đó người ta đánh giá khả năng của các học sinh ở tuổi mười một. Những em khá nhất sẽ tiếp tục học lên trung học, còn các em khác được hướng về học các trường kỹ thuật. Nhưng loại sát hạch này đã bãi bỏ, dù thỉnh thoảng vẫn được nói tới.
- Thú thật tôi vẫn chưa rõ cô định nói gì.
Ariadne Oliver thở một hơi thật dài :
- Sự thực, tất cả bắt đầu từ những quả táo.
- Ả... Tất nhiên, với cô, táo lúc nào cũng có tầm quan trọng hàng đầu. Vậy ta hãy nói chuyện táo!
- Ngày 31 tháng Mười, thường có trò đớp táo.
- Có, tôi biết.
- Rồi trò cắt bánh, với các em gái thì trò soi gương thần...
- Và trong đó họ nhìn thấy hình ảnh người chồng của ngày mai. Tất cả, là những trò chơi dân gian. Tối liên hoan của cô là thế chứ gì?
- Vâng, phải nói nó rất thành công. Trò cuối cùng, Snapdragon, đặc biệt hấp dẫn.
Giọng cô trở nên run rẩy :
- Và tôi nghĩ chính thời gian đó đã xảy ra...
- Cái gì?
- Vụ giết người! Hết trò chơi, mọi người chia tay, lúc đó mới thấy thiếu một...
- Một người nào?
- Một bé gái, tên là Joyce. Cứ tưởng em đã ra về cùng các bạn. Mãi đến lúc mẹ em đến tìm, mới biết em biến mất, không báo cho ai cả.
- Hay em đã về một mình mà không ai thấy?
- Em không về. Em vẫn ở trong phòng sách. Nơi diễn ra trò chơi đớp táo... Các xô vẫn ở giữa phòng, một xô lớn bằng kẽm, đầy nước...
- Nhưng cuối cùng thì chuyện gì đã xảy ra?
- Chúng tôi thấy Joyce đầu cắm vào trong nước, giữa đống táo. Em vẫn quỳ hai đầu gối trong tư thế người đang tìm cách dùng răng đớp táo. Có người đã nhấn đầu em xuống như thế cho đến khi chết ngạt. Ngạt trong một xô nước... - Cô rùng mình, hét lên - Bây giờ, tôi ghét táo! Không bao giờ tôi còn thích thú nhìn những quả táo nữa!
Nhà thám tử nhìn Oliver, rồi đưa tay với chiếc cốc nhỏ gần đó, rót đầy cô-nhắc, đưa cho cô, ra lệnh :
- Uống đi. Cô sẽ thấy dễ chịu hơn.
Oliver uống một mạch, mỉm cười với Poirot :
- Ông nói đúng. Rượu mạnh, và tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Đến phát điên lên mất!
- Cô đang bị sốc mạnh. Chuyện ấy xảy ra khi nào?
- Tối qua.
- Và cô đã đến tìm tôi... Tại sao?
- Tôi nghĩ ông có thể làm được điều gì. Vấn đề không đơn giản như ta tưởng.
- Có thể... Điều đó còn tùy. Tôi cần biết chi tiết hơn. Cảnh sát chắc đã được báo, thầy thuốc chắc đã đến khám nghiệm. Họ nói sao?
- Mai hoặc ngày kia, cuộc điều tra mới bắt đầu.
- Cái em Joyce ấy, bao nhiêu tuổi?
- Mười hai hay mười ba, tôi không biết chính xác.
- Em đó trông có yếu ớt?
- Không, khỏe mạnh là đằng khác.
- Theo cô, trông em có gợi tình không?
- Có thể, nhưng tôi cho là không nên tìm động cơ vụ án theo hướng đó, nếu không nạn nhân đã không chết trong tư thế ấy.
- Nhưng đó là loại án mạng báo chí phản ánh hằng ngày. Này cô, tôi có cảm giác cô chưa nói hết những điều cô biết. Cô có biết rõ em Joyce không?
- Không. À mà tôi chưa giải thích vì sao tôi có mặt ở Woodleig Common.
Poirot gật gù :
- Woodleig Common... Hình như thời gian gần đây...
Ông chưa nói hết, Oliver đã cướp lời :
- Nơi đó không xa London lắm, cách khoảng bốn mươi dặm, rất gần Medchester. Thị trấn gồm một số dinh thự đẹp, tiếc thay, cảnh quan bị làm xấu đi vì những công trình hiện đại. Tuy nhiên nó vẫn giữ được bản sắc êm đềm, có một trường học tốt, và dân chúng sống yên bình. Tóm lại, Common giống rất nhiều làng mà ta thấy khắp nơi trong nước Anh.
- Thật kỳ lạ, tôi có cảm tưởng đã nghe tên này ở đâu rồi.
- Tôi đến chơi nhà một người bạn trong làng, bà Judith Buther. Bà góa chồng, hai chúng tôi quen nhau nhân một chuyến đi du lịch Hy Lạp. Bà có một con gái, Miranda, mười hai hoặc mười ba tuổi. Chính trong thời gian tôi ở trong nhà bà mà hai chúng tôi được mời tham dự buổi liên hoan với bọn trẻ. Judith cho rằng tôi sẽ có nhiều sáng kiến hay đóng góp vào việc tổ chức.
- A!... Bà ta có yêu cầu cô đạo diễn một “trò chơi án mạng”?
- Thôi đi ông Poirot, chả lẽ ông nghĩ tôi sẵn sàng lại diễn cái trò ma quỷ ấy hay sao? Ấy vậy mà rút cục nó vẫn cứ xảy ra. Hay ông cho là vì tôi có mặt nên mới sinh chuyện?
- Ai biết đâu được. Trong số người dự, có ai biết cô không?
- Có một đứa trẻ đã biết là tôi viết truyện, và nó nói thích đọc tiểu thuyết trinh thám. Thế là nẩy ra tranh luận, mà tôi sẽ kể sau đây. Thực ra, lúc đầu, tôi chưa để ý lắm. Lớp trẻ đôi khi có những phản ứng kỳ quặc. Nếu có thêm nhiều chỗ nữa trong các trại tâm thần hoặc các nhà trừng giới, thì không đến nỗi nhiều tội phạm vị thành niên lại được thả lỏng ngoài tự do đến thế.
- Có những tên như thế trong cuộc liên hoan?
- Hai đứa, tuổi từ mười sáu đến mười bảy.
- Vậy một trong hai đứa đó là thủ phạm? Có phải đó là ý kiến của cảnh sát?
- Cảnh sát thận trọng chưa có ý kiến gì, nhưng xem ra cũng ngả theo hướng ấy.
- Cô bé Joyce ấy, nó thế nào?
- Cũng tầm thường. Có vẻ huênh hoang, làm bộ. Tuổi mới lớn mà.
- Có bao nhiêu khách tất cả?
- Năm hoặc sáu bà, là mẹ đưa con đến dự. Có cô giáo. Một người là em hay vợ ông thầy thuốc, một cặp vợ chồng đã đứng tuổi, hai cậu con trai mà tôi đã kể, và ba cậu nữa ít tuổi hơn. Tổng cộng khoảng ba chục người.
- Họ có biết nhau không?
- Ít nhiều đều biết nhau. Lũ con gái đều cùng học một trường. Hai bà phục vụ bên hàng xóm cũng đến giúp. Cuộc vui kết thúc, các bà mẹ cùng con cái ra về, tôi và Judith ở lại để giúp bà Rowena dọn dẹp. Khi phát hiện ra Joyce, tôi mới nhớ đến một câu em đó nói lúc chiều.
- À, đến đoạn hay rồi đấy!
- Tôi không nói gì chuyện này với ông bác sĩ cũng như với cảnh sát, nhưng với ông, tôi nghĩ là điều này quan trọng. Trong lúc mọi người trang trí, có ai nhắc đến những truyện tôi viết; đột nhiên Joyce tuyên bố rằng em đã từng chứng kiến một vụ án mạng. Chẳng ai tin, nhưng em khăng khăng khẳng định.
- Thế cô, cô có tin lời em đó nói?
- Tất nhiên không!
- Tôi hiểu... - Nhà thám tử nhỏ bé trầm ngâm gõ gõ lên bàn - Tôi hiểu... Em đó không nói tên ai, không thêm chi tiết?
- Không, em rất tức vì một mặt các bạn không tin, mặt khác thì người lớn bắt đầu ngán với những lời lải nhải. Hỏi: “Chuyện xảy ra khi nào?” Em đáp chung chung: “Cách đây nhiều năm”.
- Đáng chú ý...
- Lại hỏi sao em không báo cảnh sát, em đáp: “Vì hồi đó, em không ngờ đó là án mạng”.
- Một nhận xét lạ kỳ.
- Trước sự gặng hỏi của mọi người, em vẫn lặp đi lặp lại chuyện ấy và nói thêm: “Mãi về sau này em mới hiểu ra”. Giống như chúng tôi, chắc ông cũng sẽ không tin em đó, nhưng khi nhìn thấy em chết, tôi mới giật mình tự hỏi hay là em nói thật!
Poirot nghiêm nghị gật đầu, và sau một lát suy nghĩ, nói chậm rãi :
- Tôi sẽ hỏi cô một câu. Trước khi trả lời xin cứ thư thả suy nghĩ. Cô bé có đưa lại cho cô cảm tưởng rằng em đã thật sự có mặt nơi xảy ra vụ án, hoặc tin rằng mình đã chứng kiến một hành động tội ác?
- Ngay lúc đó, tôi đoán là em nhớ lại chuyện xô xát giữa hai tên lưu manh nào đó, rồi tô vẽ nó ra cho thành quan trọng để huênh hoang với mọi người.
- Nhưng...
- Nhưng, bây giờ em đã bị giết, buộc tôi phải rút ra kết luận rằng em đã thực sự mục kích một vụ giết người.
- Như vậy phải giả thiết một người nào đó có mặt ở tối liên hoan có dính líu đến vụ giết người ấy và nhận thức ra mối hiểm nguy mà những lời khoe khoang của cô bé gây ra cho hắn.
- Như vậy là ông không cho rằng tôi đã bịa ra những chuyện trên chứ, ông Poirot? Rằng tôi đã không lôi kéo ông vào một chuyện tưởng tượng không đâu?
Không trả lời thẳng câu hỏi, Poirot lập luận luôn :
- Một bé gái bị giết, kẻ giết người phải khỏe mạnh mới có thể giữ được đầu cô bé ấn vào xô đầy nước. Một tội ác kinh tởm, có vẻ chứng minh là thủ phạm phải hành động ngay. Vì hoảng sợ, hắn vớ lấy cơ hội đầu tiên để ra tay.
Sau một lát suy nghĩ, Ariadne Oliver nói :
- Hẳn là Joyce không biết lai lịch tên giết người, nếu không em đã không ăn nói hớ hênh, khi biết hắn cũng ở trong số người nghe.
- Cô nói rất đúng. Em đã chứng kiến vụ án nhưng không biết mặt thủ phạm. Ta còn phải lập luận xa hơn nữa.
- Xin lỗi, tôi không hiểu...
- Có thể một người nào đó trong cử tọa, nghe những lời Joyce nói, hắn không phải là thủ phạm nhưng có biết vụ án mà em ám chỉ; hắn là người thân hoặc đồng phạm chăng, nên thấy cần thiết phải loại trừ em bé. Ồ!...
- Gì cơ?
- Tôi vừa nhớ ra tại sao cái tên làng Woodleig Common có vẻ quen quen.