Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 09-03-2008, 09:45 AM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 35 phút 40 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
Unhappy Gia Phả - Quê Hương và nỗi đau

Tôi phụ vợ làm một quán nhậu nhỏ, chuyên về thịt chó. Vợ là vợ sau (vợ trước mất đã lâu), dân Nam Định, nấu món rựa mận ngon cực kỳ, nhờ thế quán rất đắt khách. Nhưng vì địa điểm quán, cũng là nhà tôi, nằm lọt trong khu nhà trọ công nhân, phải bán giá bèo, nên thu nhập không thể gọi là cao. Con cái thì ba thằng con riêng, hai thằng đã lấy vợ, toàn đi ở rể, thằng thứ ba mới vừa thi rớt đại học. Con chung rặt con gái, cũng ba đứa, được mẹ cưng như trứng mỏng, suốt ngày chỉ rong chơi.


Năm nay giỗ cha tôi nhằm ngày thứ bảy, vợ tôi bàn: Thứ bảy đắt hàng, không thể nào đóng cửa quán để làm giỗ được, anh liệu làm sao tiềm tiệm cho xong. Ngày giỗ, tôi và mấy đứa con trai làm món vịt nấu măng là món lúc sinh thời cha tôi rất thích, cùng vài món căn bản khác rồi dọn lên bàn thờ. Bàn thờ là một chiếc bàn cao, che một tấm vải in hoa, đứng nép ở góc quán. Dọn xong thấy bàn thờ còn trống, vợ tôi thêm vào hai tô rựa mận và một đĩa dồi nướng. Tôi nói: Cha tôi khi trước đâu có ăn thịt chó. Vợ tôi nói: Cúng gì mà chả được, miễn chốc nữa bạn bè anh đến có thêm thức mà nhậu thì thôi.

Nghe toàn bộ tác phẩm:

Đang cúng thì khách quán kéo đến, nói cười ồn ã. Tôi chưa đọc xong lời khấn vái của mình đã phải vội vàng chạy vào bếp chặt chặt bưng bưng, không còn chút thì giờ nào thầm thì đủ chuyện với cha tôi như những lần giỗ trước, khi tôi chưa mở quán. Quá trưa thì bạn bè chòm xóm kéo đến, người mang theo trái cây, người mang theo bia rượu, đa phần là bia rượu. Thức ăn trên bàn thờ, thêm thắt cơm xôi rau thịt bày được ba mâm, dọn ăn ngay trên ba chiếc bàn thấp thường để dọn thịt chó cho khách.

Bữa ăn giỗ kéo dài đến gần chiều, tôi uống rất nhiều rượu, say lắm. Đưa xong đống chén đĩa dơ xuống sàn nước, tôi ngồi ịch lên chiếc bàn pha thịt trong bếp, bật khóc tồ tồ như một đứa con nít. Vợ tôi đi xuống trông thấy, nói: Anh này dở hơi! Đang không mà nhớ bố à? Ông ấy chết dễ gần bốn mươi năm nay rồi mà còn nhớ ư? Lúc ấy tôi chỉ ước làm sao tát được vào mặt con mụ lắm lời ấy.

Sáng hôm sau thằng em tôi từ Mỹ gọi điện về. Nó với tôi tuổi tác liền kề, vẫn quen gọi nhau mày mày tao tao. Nó nói: Tao mới cúng giỗ ông già xong. Tôi nói: Giỗ hôm qua sao hôm nay mới làm? Nó nói: Cách nhau 12 múi giờ, bây giờ là đúng ngày đấy, không sai đâu. Rồi nó kể tiếp: Mày biết không, thằng Micheal con tao đó, nó thấy tao quỳ gối lạy lên lạy xuống, nó hỏi What do you do? Tao nói tao đập chết cha mày bây giờ chớ đu đu cái gì, mà nó đâu có hiểu, nó có biết một câu tiếng Việt nào đâu. Kể xong thằng em tôi cười lên khặc khặc một hồi dài.

Từ đó cho đến lúc đặt điện thoại xuống, tôi vẫn cảm thấy lạnh lạnh ở sống lưng vì giọng cười ấy. Nghe bên trong có một tràng tiếng khóc. Tôi nghĩ: Hai thằng con trai của cha tôi, mỗi thằng thắp cho ông một nén hương ở cách nhau nửa vòng trái đất, rồi ông có nhận ra làn hương khói nào dành cho ông không, trong điệp điệp trùng trùng hơn sáu tỉ con người sống trên cái cõi đời ô trọc này?

***

Ông nội tôi mất sau cha tôi, để lại cho nhân gian bốn rương sách lớn. Số sách ấy toàn viết bằng chữ Nho, nhân gian không còn ai đọc được. Sách có quyển là bản in, có quyển viết tay, nhiều người đồ rằng có bản gia phả trong ấy nhưng nào ai biết được là bản nào. Rồi trải qua bao nhiêu năm lớp chiến tranh, lớp mưa bão, lớp mối gián, bây giờ không ai còn biết về đâu bốn rương sách của ông nữa.

Ông cố tôi gốc người làng Kim Bồng, tỉnh Quảng Nam, nhờ học hành giỏi giang mà thi đỗ làm quan dưới triều vua Tự Đức. Quá bốn mươi tuổi đã đạt tới đỉnh điểm thành đạt, làm một chức quan chỉ dưới quan thượng thư bộ Lại có vài bậc, tại kinh thành Huế. Lại xây dựng được cơ ngơi nhà ngang dãy dọc bên Kim Long, là nơi quy tụ toàn nhà cửa của các quan lớn, các ông hoàng bà chúa. Ông giao thiệp rộng, đi lại chơi bời với nhiều bạn đồng liêu, bất kể chính kiến bài Pháp hay thân Pháp của họ. Ông cũng nhiều lần đến chơi nhà cấp trên của mình là thượng thư Nguyễn Văn Tường, lúc ấy kiêm nhiệm cả chức Phụ chính Đại thần, là một chức quan rất lớn.

Việc làm quan đang suôn sẻ, ai ngờ năm 1883 vua Tự Đức băng hà, năm 1884 vua Kiến Phúc ký với Pháp một bản hòa ước công nhận quyền bảo hộ của chính phủ Pháp lên triều đình An Nam, thì vận mệnh của ông cố tôi rẽ sang một con đường gập ghềnh khác, cũng giống như vận mệnh của nước nhà vậy. Cuối mùa hạ năm 1885, Tôn Thất Thuyết mưu sự một cuộc chính biến tại kinh thành, nhằm đánh đuổi bọn Pháp lúc ấy đang quá lộng quyền, ai đành để đám mũi lõ ấy lại to quyền hơn cả vua.

Ông Thuyết có mười hai ngàn quân sĩ, chia làm ba mũi tiến quân, nửa đêm ngậm thẻ lặng lẽ tiến vào thành nội để bảo vệ vua, vào đồn Mang Cá ở phía bắc và dinh Khâm sai ở hữu ngạn sông Hương để đánh úp quân Pháp. Không ngờ thông tin rò rỉ, đến tai ông Tường. Kể ra cũng nhục cho ông Tường làm kẻ tay sai, ông báo tin ấy ngay cho Caspar là giám mục nhà thờ Kim Long, Caspar lại báo tiếp cho đại tướng De Courcy. Ba mũi tiến quân của ông Thuyết thế là nửa đêm tiến cả vào rọ. Khi biết việc thất bại, ông Thuyết cùng bộ tướng là Trần Xuân Soạn phò giá, đưa vua Hàm Nghi chạy ra căn cứ Tân Sở thuộc tỉnh Quảng Trị. Từ đấy phát động và cầm đầu phong trào Cần Vương kháng chiến chống Pháp, về sau nở rộ khắp ba miền Bắc Trung Nam.

Ông cố tôi có tham dự vào cuộc chính biến của ông Thuyết nhưng không bị lộ, ở lại Huế tiếp tục làm quan, thậm chí còn được thăng chức. Sau đó ông làm mấy việc, ở đời ai biết được sao là khôn sao là dại. Việc thứ nhất, ông cải tên cho hai con trai lớn - đều là con của bà chánh thất - thuê một chiếc ghe bầu và vài ba đầy tớ, phao tin là con ông vào khai hoang lập ấp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, thực chất lại dong buồm ra Tân Sở, theo phò một ông vua đã hết thời. Việc thứ hai là việc nguy hiểm: ông làm môi giới lo việc cung cấp lương thảo cho quân lính của ông Nguyễn Duy Hiệu, xưa kia là bạn đồng liêu với ông, nay là thủ lĩnh Cần Vương vùng Quảng Nam Quảng Ngãi. Đồng thời, ông rải người theo dõi mọi động tĩnh của các đồn binh Pháp kéo dài từ đồn Mang Cá vào tới chân đèo Hải Vân, rồi báo tin cho ông Hiệu biết.

Một hôm ông cố tôi gọi bà chánh thất vào phòng ông, và nói với bà: Nhà ta ké đức, không có nhiều con trai, có được hai đứa thì đi Tân Sở cả rồi, không thể nói trước được việc sống chết thế nào, nay tôi muốn kiếm thêm vài đứa con trai, vì trăm tội bất hiếu không tội nào nặng bằng tội không có con trai nối dõi tông đường. Bà chánh thất nói: Ông nói phải, tôi cũng nghĩ đến chuyện ấy từ lâu, bọn chúng tôi đều đã già, đâu còn sinh đẻ được nữa. Ông cố tôi lúc ấy đã có ba bà vợ. Bà chánh thất sinh được hai con trai và bốn con gái. Bà Hai bị sẩy thai do ngâm nước bạc trong một trận lụt lớn ở Quảng Nam vào thời kỳ mang thai đứa con đầu, vĩnh viễn không còn có thai được nữa. Bà Ba sinh năm người con, ngũ long công chúa, không ai là con trai cả.

Bà chánh thất đứng chủ hôn cưới cho ông cố tôi một cô thôn nữ mười tám tuổi, kém ông cố tôi ba mươi tư tuổi. Cưới vợ xong chẳng được bao lâu ông cố tôi nghe tin hai con trai lớn của mình lần lượt chết cả trong rừng núi Quảng Bình, những cái chết phơi thây chiến địa. Nỗi đớn đau ông cắn chặt răng cho nước mắt chảy ngược vào trong. Ông không cho người trong nhà hay tin, cũng không dám ra Quảng Bình nhận xác con. Nhiều năm sau ông mới đến được vùng chiến địa ấy thì những người chứng hoặc đã chết hoặc đã về quê cả, ông tuyệt nhiên không tìm được dấu vết gì, không biết xác của các con mình được vùi nông sâu ở chốn nào.

Trầy trật mấy lần sinh nở, bà Tư mới sinh được cho ông cố tôi một mụn con trai, tức là ông nội tôi, rồi sau đó mất sớm vì làm lụng quá cực khổ mà ăn uống thiếu thốn. Ông nội tôi sinh năm 1887, cũng là năm ông Hiệu thất trận, bị bắt và bị chém, đầu bêu ở phủ Điện Bàn. Ông cố tôi bị nghi ngờ có dính líu đến các hoạt động của ông Hiệu, phải bãi chức trong cùng năm ấy.

Ông cố tôi bán hết nhà cửa đất đai ở Kim Long, trở về mua một bãi đất bồi hoang vắng ven bờ sông Hoài ở Hội An, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, là nghề trước đây của bà chánh thất. Đứng ở bãi đất đó, ngó xa qua bên kia sông có thể mờ mờ trông thấy phất phơ mấy ngọn tre của làng Kim Bồng, quê hương ông. Công việc khai đất trồng trọt thời ấy là một công việc khổ sai, dẫn đến cái chết sớm của bà Tư, nhưng không hề làm suy suyển tính phong lưu của ông cố tôi. Sáng sáng ông ngồi uống trà ướp nhụy sen trên chiếc sập sơn son thếp vàng chở từ Huế vào, trong ngôi nhà lợp tranh. Ai đến chơi nhà cũng phủi chân leo lên sập, ngồi nghe ông nói mỗi một câu chuyện: Lẽ đời làm anh hùng là rất khó, phải có đủ tài năng và dũng khí, thời nhiễu nhương loạn lạc làm anh hùng càng khó hơn nhiều, phận tôi làm sao mà làm nổi. Không ai thật sự hiểu ý ông muốn nói gì, không hiểu đó là câu cảm thán hay lời phân bua. Thời gian còn lại trong ngày ông dùng cả để dạy dỗ, un đúc cho ông nội tôi trở thành một nhà nho học uyên thâm. Như là một cách thức gàn dở để chống lại nền văn hóa ngoại lai đang theo chân chữ quốc ngữ, là thứ chữ của bọn bồi tây, đang trùm phủ lên nền văn hóa cũ.

Ông nội tôi là một cái gạch nối mong manh giữa thế hệ trước và thế hệ sau.

***

Năm hai mươi tuổi ông nội tôi theo một đoàn ghe thương hồ xuôi về phương Nam sau vụ cháy và cái chết của ông cố tôi. Chỉ vì sự bất cẩn của một người đầy tớ mà cái trang ấp gầy dựng hàng chục năm ấy cháy đùng đùng trong một đêm, sáng ra chỉ còn là một đống tro tàn. Ông cố tôi thành than, nằm còng queo trên đống tro trước đây là cái sập sơn son thếp vàng. Người ta đồ rằng ông không chạy ra khỏi đám cháy là vì không còn thiết sống nữa, từ lâu ông vẫn tỏ ra cái ý ấy. Ông hay nói với người nhà rằng: Sống càng lâu càng khổ, càng nhục. Ai cũng hiểu ông khổ cái gì và nhục cái gì.

Khi ông nội tôi ra đi, ba bà mẹ của ông góp nhóp mấy mảnh nữ trang còn sót lại đưa cả cho ông làm lộ phí đi đường. Ông ra đi, mặt còn ngoảnh lại nhìn ba bà già đứng chơ vơ trên mảnh đất ông cố để lại, mảnh đất trống trơn, gió lồng lộng thổi. Đoàn ghe vào tới Phan Thiết thì dừng lại, nên ông nội tôi cũng định cư lập nghiệp ở đó.

Dân cư lúc ấy còn thưa thớt, đa phần cũng người mới di cư vào như ông, sống các nghề chính là làm cá, làm rẫy và làm rừng. Ông tôi chọn nghề làm rừng, dù sao cũng phù hợp với cái nghề mộc trứ danh của làng Kim Bồng quê cha ông. Ông mua đất, lập một xưởng cưa bên bờ sông Cà Ty, mua gỗ của bọn thợ rừng xuôi trên dòng sông, xẻ ra đóng ghe và làm nhà. Công cuộc làm ăn không ngờ tiến triển với tốc độ chóng mặt, vì lúc ấy người ở miền ngoài vào đông lắm mà cá thì đặc lềnh ngoài biển, lại thêm quan chức Pháp đến cũng nhiều, nhu cầu công sở và nhà ở tăng vùn vụt.

Ông nội tôi lật đật tìm người dạy cho ông làm toán, chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông không học nhiều, toán chỉ cần đủ các phép cộng trừ nhân chia tính ra được mét khối các phách gỗ và tính ra tiền, chữ quốc ngữ và chữ Pháp vừa đúng làm được các bản hợp đồng. Đó là vì việc làm ăn, chớ khi bước vào nhà, là chỗ riêng tư của ông, thì không khác chi nhà ông cố tôi khi làm quan lúc xưa, đầy hoành phi câu đối.

Trên gác, chỗ đặt các bàn thờ, thì trên hết vẫn là bài vị thờ Văn Thánh tức là đức Khổng Tử, kế đến là bàn thờ ông Quan Công mặt đỏ, dưới nữa mới là bàn thờ tổ tiên ông bà cha mẹ. Cuộc sống thì cũng phong lưu quan cách như khi xưa sống với ông cố tôi vậy thôi. Lúc ông cưới vợ là lúc ba bà mẹ đã từ Quảng Nam vào sống với ông được ít lâu. Ba bà suốt ngày ngồi ngoáy trầu, bàn chuyện chọn vợ thế nào cho con trai. Thế nhưng chẳng được bao lâu ba bà lần lượt qua đời cả.

Vợ đầu của ông tôi cũng người làng Kim Bồng, ăn ở với ông hai năm không có con, cứ nhất quyết quay trở về quê làm gái không chồng vì nhớ cha mẹ quá không xa được. Vợ thứ hai là người Tam Quan - Bình Định, là bà nội ruột của tôi, sinh được hai con trai và ba con gái. Trong hai con trai cha tôi là con thứ, nghĩa là tôi không thể nào làm cháu đích tôn được. Bà nội tôi chết sớm lúc cha tôi mới tám tuổi, nên ông tôi lại lấy người vợ thứ ba nữa, là người địa phương ở Phan Rí. Bà này cũng sinh hai con trai, ba con gái. Tất cả đều được ông tôi cho học hành đầy đủ, dĩ nhiên là chữ quốc ngữ và chữ Pháp, nhưng không ai ra làm quan chức gì cả.

Thời của cha tôi, chú bác tôi, cũng là thời nhiễu nhương loạn lạc không kém gì xưa kia. Họ ôm trong lòng những lý tưởng mù mờ để đi qua những trận chiến dài chống Pháp, chống Mỹ. Bác tôi và cha tôi theo Việt Minh kiểu tài tử, nhiều mộng mơ lãng mạn như phần lớn các nhà trí thức trẻ thời ấy, thường chui xuống gầm bàn thờ đức Khổng Tử chế tạo những quả tạc đạn thô sơ cho các đơn vị địa phương. Các quả đạn ấy gây nhiều tiếng nổ lớn hơn là gây sát thương.

Một hôm, vào năm 1946, rủi ro thế nào một trái đạn chưa gắn kíp vào đã nổ, hai ông sợ quá chạy trốn vào chân núi Tà Dzôn. Ông nội tôi kịp dọn dẹp các nguyên vật liệu trước khi mấy thằng lính mã tà kéo đến, sau đó gửi hai con theo một chiếc ghe bầu chở nước mắm về Hội An lánh nạn. Ở Hội An, hai ông lại mượn cái chòi canh ruộng của bà mẹ cả, cạo bồ hóng trong các lò nấu củi, về sản xuất giấy than cho các đơn vị hành chính của Việt Minh. Kiến thức để chế tạo tạc đạn hoặc giấy than đều học lõm bõm trong các sách giáo khoa môn hóa học bậc trung học Pháp. Năm 1950, ông nội tôi gọi hai con về lại Phan Thiết. Cha tôi về, sau đó cưới vợ và cai quản xưởng cưa thay cho ông nội, còn bác tôi ở lại Hội An mãi cho đến lúc đi tập kết vào năm 1954, sau đó không có tin tức gì trong một thời gian rất dài. Năm ấy là năm chấm dứt cuộc chiến tranh non một trăm năm với người Pháp.

***

Bác tôi đi rồi, còn lại cha tôi và hai chú tôi đối đầu với cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hai chú tôi bị cuốn vào cuộc chiến khoảng năm 1964 - 1965 gì đó, một người theo quân giải phóng, một người đi lính cộng hòa. Ông nội tôi khóc hết nước mắt, cầu xin trời đất sao cho không bao giờ các con gặp nhau trên chiến trường, đối mặt nhau và bắn vào nhau. Quả tình là họ không hề gặp nhau trên chiến trường, không đối mặt nhau, không bắn vào nhau, nhưng cả hai đều không bao giờ còn trở về. Một người lấy được xác, một người không. Ai cũng còn trẻ, chưa có vợ con.

Năm 1968, một hôm nọ cha tôi về thăm bà nội Ba ở Phan Rí, khi ông ngồi lui cui xắn măng trong bụi tre gai ở vườn sau thì một chiếc trực thăng Mỹ bay ngang. Có lẽ thừa đạn sau một trận càn nào đó, thằng xạ thủ cứ vô tư mà không dưng xả vào ông nguyên một gắp đạn. Ông chết nhanh quá, và trẻ quá, con cái chưa kịp lớn, không để lại gì cho đời sau, ngoài nỗi đau đớn và uất hận.

Cuối năm ấy ông nội tôi bệnh, nằm một chỗ được mấy tháng thì ông từ chối mọi thuốc men, cơm nước rồi mất. Ông thọ tám mươi tuổi và để lại cho nhân gian bốn rương sách lỗi thời.

***

Năm 1972, bị lệnh đôn quân, thằng em tôi vào lính, đóng lon sĩ quan. Tôi vì hồi nhỏ sau một trận sốt bị liệt hết một chân nên được miễn. Em tôi đóng quân ở lưng chừng núi Bạch Mã, chắn ngang giữa đường từ Huế vào Đà Nẵng. Một lần nó viết cho tôi một bức thư dài, trong đó nói mỗi một chuyện là mây giăng thế nào trên đỉnh núi. Cuối thư nó viết: Tao chán chiến tranh lắm rồi, phải chi sau này được đi tu, tao sẽ dựng một cái thảo am trên ngọn Bạch Mã sơn này, chỉ để ngắm mây bay.

Năm 1988 em tôi đi Mỹ theo diện HO, bây giờ già rồi không còn tìm được việc làm nữa, phải hưởng trợ cấp xã hội của chính phủ Mỹ. Tiền ấy nó dùng để trả tiền thuê nhà, còn mọi chi tiêu khác đều dựa vào nghề làm nail của vợ và con gái lớn. Nó kể ngâm hóa chất nhiều, bàn tay của vợ nó và con gái nó bợt ra và lở lói trông như những bàn tay cùi, nhiều khi đau như thể tay ấy không có da. Nhưng nhờ mỗi lần làm móng cho khách đều mang găng tay nên không ai biết.

Về ông bác ngày xưa đi tập kết của tôi thì mãi đến năm 1980 tôi mới dò ra tăm tích. Ông ra Bắc được mấy năm, khi ấy cuộc chiến trong Nam chưa tới hồi gay cấn, thì được cấp một suất học bổng đi học bên Nga, khi tốt nghiệp làm việc trong ngành ngoại giao bên ấy. Sau đó ông lấy một người vợ Nga, sinh ra mấy đứa con lai Nga tóc vàng mắt xanh. Quan san xa cách, ông không còn nhớ gì nhiều đến quê cha đất tổ nữa, cũng không nghĩ đến việc đưa con về thăm. Vả chăng, ông nội tôi mất rồi, cha chú tôi cũng mất cả rồi, như những mắt xích đã bị chặt đứt đi cả, có còn gì đâu nữa mà về.

Thành ra nếu không kể mấy ông anh con nhà bác chưa từng một lần sờ chạm vào nắm đất nào của quê cha ấy, thì chỉ còn tôi với thằng em tôi bên Mỹ là những kẻ nối dõi đáng thương cho một dòng họ. Cũng đáng thương như mọi dòng họ đáng thương khác đã đổ máu và nước mắt trên mảnh đất này vậy.

Bản gia phả sơ sài này do tôi viết, nhiều biệt ly và nước mắt, xin được tạm dừng ở đây. Phần sau hy vọng sẽ được các cháu nội của tôi viết tiếp, hy vọng sẽ toàn kể về các câu chuyện thời bình.

***

(Phần ghi chép thêm: Cái gọi là bản gia phả trên tôi đã cho in vi tính thành nhiều bản và gửi cho nhiều người, kể cả ông bác và thằng em tôi. Nhưng sau có một câu chuyện nhỏ này tôi muốn ghi chép thêm: Vào cuối năm đó, em tôi báo tin rằng thằng Micheal, cháu tôi, bị cảnh sát Mỹ bắt vì tội lập băng nhóm giết người cướp của. May mà bệnh viện Mỹ rất giỏi, cứu sống được nạn nhân dù ông ta bị đâm đến sáu nhát dao và chảy gần hết máu. Nhờ thế án tù có thể được giảm nhẹ đôi chút.

Nghe lóm được tin trên, vợ tôi, là một người vô cùng nông cạn và chua ngoa, bàn thêm vào: Đấy! Anh tự hào tự mãn về dòng họ nhà anh cho lắm vào. Chứ tôi thấy trước nay chỉ đẻ ra một đám đàn ông níu gấu váy đàn bà. Bây giờ thêm đầu trộm đuôi cướp nữa là đủ bộ rồi đấy.

Về lời này tôi chỉ có thể kể thêm ra đây thôi, chứ nội dung của nó thì thật là quá quắt, không bàn thêm nữa).



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™