Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 08-09-2008, 07:06 PM
binhnhdk8 binhnhdk8 is offline
Nhập Môn Tu Luyện
 
Tham gia: May 2008
Bài gởi: 21
Thời gian online: 1 tuần 5 ngày 19 giờ
Xu: 0
Thanks: 19
Thanked 0 Times in 0 Posts
Đức Phật Đại Việt Đản sinh

Đức Phật Đại Việt Đản sinh





Nếu xứ sở Ấn Độ có Thái tử Tất Đạt Đa thị hiện Đản sinh, xuất gia tu hành, chứng ngộ thành Phật hiêu Thích Ca Mâu Ni thì ở nước Đại Việt có Thái tử Trần Khâm đời Trần đản sinh, về sau xuất gia, tu hành chứng ngộ và hoằng pháp được tôn vinh là Phật Biến Chiếu Tôn hay còn gọi là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tam Tổ thực lục ghi rằng Nhân Tông ra đời như là một vị Phật vừa gắn liền yếu tố huyền sử, vừa gắn liền yếu tố lịch sử, được tôn kính như là một nhân vật đầy đủ tính cách phi thường tuyệt bích của một vị giáo chủ.

Theo Tam Tổ thực lục: Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu nằm mộng thấy thần nhân đưa cho hai lưỡi kiếm bảo: Có lệnh của Thượng đế, cho phép người được chọn lấy. Vì ngẫu nhiên được cây kiếm ngắn, Thái hậu bất giác mất vui, do đó có thai. Đến khi Nhân Tông sinh ra, màu da như vàng ròng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Năm 16 tuổi, được lập làm Hoàng Thái tử, từ chối đến ba lần, xin để em mình thay thế, nhưng đều không được chấp thuận. Vua kết duyên với trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc mẫu là Khâm Từ Thái hậu, tình cầm sắt tuy cùng hòa hợp, nhưng lòng đạm bạc đối với nhà vàng.

Vào giờ Tý một đêm kia, vua vượt thành ra đi, định đi vào núi Yên Tử, nhưng Thánh Tông sai quần thần đi tìm khắp bốn phương, bất đắc dĩ vua phải trở về.

Khi lên ngôi, tuy ở chốn cửu trùng cao sang mà vua vẫn sống thanh tịnh. Vua thường ngủ trưa ở chùa Tư Phúc trong đại nội, một hôm mộng thấy trên rốn trổ một hoa sen vàng lớn như bánh xe, trên hoa có Phật vàng. Có người đứng bên cạnh, chỉ vua hỏi: Biết vị Phật này không? Đức Biến Chiếu Tôn đấy. Giật mình thức dậy, vua đem giấc mộng ấy thuật lại với Thánh Tông, Thánh Tông lấy làm lạ.

Nhân Tông tính sáng suốt, đa tài, hiếu học, đọc khắp sách vở, thông hiểu cả nội ngoại điển. Lại tham vấn Tuệ Trung Thượng sĩ, nhờ thế đạt được cốt tủy của Thiền, nên thờ Tuệ Trung theo lễ của bậc thầy. Sau khi truyền ngôi cho Anh Tông không bao lâu, khoảng tháng 10 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299) Nhân Tông vào thẳng núi Yên Tử tinh cần tu 12 hạnh Đầu đà, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà, giảng pháp độ Tăng, người học đạo quy về đây khá đông…

Ngày mùng một tháng Giêng năm Mậu Thân, Ngài sai Pháp Loa nhận chức trú trì để nối dõi dòng pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại. Tháng Tư, Ngài đến kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, giảng Truyền Đăng lục, lại sai Pháp Loa giữ chức trụ trì… Ngày mồng một tháng 11, lúc nửa đêm, nơi Ngọa Vân am, Ngài nằm theo thế sư tử, an nhiên thị tịch.

Bảo Sát phụng di chúc hỏa thiêu Ngài ngay am ấy. Khi thiêu, hương lạ bay xa, nhạc trời vang hư không, mây năm sắc phủ lên giàn hỏa. Bốn hôm sau, Tôn giả Phổ Tuệ từ Yên Tử vội vã trở về, thu ngọc cốt, lượm được xá lợi năm màu, cỡ lớn 500 viên, cỡ nhỏ như hạt lúa, hạt cải không đếm xuể.

Vua Anh Tông liền tôn hiệu là “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận tương tự như thế. Tất cả các dữ kiện đó nhằm chứng minh Nhân Tông là một vị Phật Đại Việt.

Qua thư tịch, ta thấy Thái tử Khâm từ khi sinh ra đến lúc xuất gia, ngộ đạo, hoằng hóa độ sanh, thị tịch chẳng khác gì hình ảnh Đức Phật Thích Ca. Những yếu tố huyền sử được phô diễn xung quanh con người Ngài như: mẫu thân nằm mộng rồi có thai, sinh ra người Thái tử có nước da vàng ròng; đặt tên Kim Phật; nằm ngủ mơ thấy từ rốn mình mọc lên hoa sen, trên hoa sen có vị Phật, có người chỉ Thái tử bảo đó là Phật Biến Chiếu Tôn. Các dữ liệu đó, cho phép chúng ta kết nối các huyền thoại, huyền sử được ghi trong các thần thoại Ấn Độ và kinh điển Phật giáo mà từ lâu đã nằm trong ký ức của nhân loại để lý giải. Theo thần thoại Ấn Độ thì hoa sen mọc lên từ rốn Vishnu và trên đó Brahmanisme ra đời để cứu vớt chúng sinh. Trong các bản kinh Phật giáo thì nói Thái tử Tất Đạt Đa có 32 tướng tốt mà mình vàng là một tướng. Hơn nữa, các truyền thuyết tín ngưỡng Ấn Độ đã xây dựng khá nhiều hình ảnh các vị chúa tể thần linh như Brahma, Vishnu, Phật thỉnh thoảng đầu thai, tái sinh xuống trần dưới hình thái này hoặc hình thái khác để cứu vớt chúng sinh. Quá trình du nhập và tiếp biến đạo Phật ở nước ta đến đời Trần đã được bản địa hóa. Trần Nhân Tông là một hóa thân của vị Phật Đại Việt được Đản sinh vừa mang mẫu thức với các yếu tố huyền sử của Phật giáo Ấn như trong kinh điển ghi nhận, nhưng cũng mang những yếu tố đặc trưng của văn hóa truyền thống của Đại Việt đã có sẵn. Do đó, việc mẫu thân nằm mộng thấy thần nhân đưa kiếm và đặt tên Kim Phật hay như trong Đại Việt sử ký toàn thư gọi là Kim Tiên là hình ảnh vị Phật đản sinh được xây dựng theo tâm thức văn hóa người Việt thời bấy giờ.

Điều này thật dễ hiểu, trong một bối cảnh lịch sử đất nước độc lập tự chủ, phồn thịnh trên mọi lĩnh vực, việc khắc họa hình ảnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông thị hiện ở Đại Việt với hiệu Biến Chiếu Tôn là điều phù hợp với tâm thức người Việt mang tính dân tộc hóa. Trần Nhân Tông thị hiện cứu độ cho người dân Việt gắn liền ba biểu trưng của lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc: Thanh kiếm biểu đạt cho việc chặt đứt phiền não, là anh hùng hiển hách, giải thoát ách xâm lược của ngoại bang; Biến Chiếu Tôn biểu trưng cho Phật đản sinh cứu muôn loài; Kim Tiên đồng tử biểu đạt cho thần tiên xuống trần độ đời. Thực tế, Trần Nhân Tông trở thành người anh hùng dân tộc trong sự nghiệp giữ nước, dựng nước, mở nước; một vị Phật khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm, một vị Tiên giáng trần để cứu đời đúng truyền thống kinh điển Phật giáo và truyền thống văn hóa người Việt.

Hơn nữa, từ Biến Chiếu Tôn - Kim Phật - Thái tử Khâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một quá trình như một vị Phật thị hiện ở đời, ngay tại xứ sở Việt Nam thời bấy giờ. Có thể nói cuộc hành trình tìm chân lý của Thái tử Khâm chẳng khác gì so với Thái tử Tất Đạt Đa, có khác chăng chỉ là tính huyền sử và tính hiện thực mang tính dân tộc hóa đặc thù để phù hợp tâm thức văn hóa - lịch sử người Việt. Nửa đêm vua Nhân Tông giã từ hoàng cung, vượt thành vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, chẳng khác gì Thái tử Tất Đạt Đa ở Ấn Độ từ biệt hoàng cung vào rừng tu tập tìm chân lý.

Nhân Tông chọn Yên tử để tu hành cũng như Tất Đạt Đa vào Tuyết Sơn. Thái tử Tất Đạt Đa xuống dòng Ni Liên Thuyền tắm gội rồi ngồi dưới gốc cây Bồ đề qua 49 ngày đêm để chứng ngộ thì Trần Nhân Tông tắm gội ở Ngự Dội, ngồi dưới gốc tùng thiền định, bừng sáng trí tuệ. Sau đó, Nhân Tông cùng hai môn đệ là Pháp Loa và Huyền Quang đi thuyết pháp ở chùa Sùng Nghiêm, Siêu Loại; như xưa kia Phật Thích Ca đã cùng hai đại đệ tử của mình là Ca Diếp và A Nan đi hoằng hóa. Ai đọc sử Phật giáo cũng biết Phật truyền y bát cho Ca Diếp và Ca Diếp là người chủ trì Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ nhất và trở thành Tổ khai sáng Thiền tông ở Ấn Độ, khi trong hội Linh Sơn Phật đưa cành hoa sen lên chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Quốc sử của Đại Việt cũng ghi Trần Nhân Tông từng truyền y bát cho Pháp Loa làm chủ sơn môn Trúc Lâm và đem trăm hộp kinh sử ngoại điển và hai mươi hộp Đại tạng cỡ nhỏ viết bằng máu trao cho sư để mở mang sự học nội và ngoại điển. Ta cũng thấy không phải ngẫu nhiên các chùa đều tôn trí hình tượng Phật Thích Ca ở giữa bên tả là Ca Diếp, bên trái là A Nan và các chùa thuộc tông Trúc Lâm thờ giữa là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bên tả là Pháp Loa, bên phải là Huyền Quang, gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Trần Nhân Tông nhập diệt trong tư thế sư tử ngọa cũng giống như Phật Thích Ca.

Khi viên tịch, xá lợi của Phật Hoàng cũng được vua Anh Tông và nhân dân ta tôn trí ở tháp Huệ Quang được tổ chức bằng một nghi lễ trang trọng, chứng tỏ Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã đi vào đời sống tâm thức người Việt. Hình ảnh tượng Ngài thờ trong bửu tháp không mang tính ước lệ như những tượng Phật đã có ở Ấn Độ, Trung Hoa mà theo mẫu thức người thực với những nét chân dung của người Đại Việt, rất gần gũi với dân ta. Một pho tượng với những đường nét đại hùng, đại lực, đại bi khiến ai chiêm ngưỡng cũng phải cảm nhận chân giá trị hiện thực của con người đã giác ngộ ở đời. Từ đó, Phật tính trong mỗi người theo đó mà hiển lộ. Có thể nói tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã khái quát hóa bản thân một con người mang tính lịch sử, tính hiện thực Phật hóa ở đời thật toàn bích. Hay nói cách khác, Phật Hoàng Trần Nhân Tông là hiện thân của Phật Đại Việt với nhiều đường nét riêng biệt, phong cách riêng biệt được bắt nguồn từ cội rễ văn hóa người của Đại Việt và được thực thi trong quá trình tiếp biến đạo Phật.

Rõ ràng, sự thị hiện Phật Đại Việt đản sinh đời Trần, nó đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người Việt trong một bối cảnh lịch sử cả dân tộc độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị văn hóa, giáo dục, kể cả tôn giáo, nhất là cả dân tộc ra sức chấn hưng xây dựng và phát triển mọi giá trị văn hóa truyền thống. Một Phật Đại Việt thị hiện ở đời Trần, từng sống và hoằng hóa độ sinh ở Đại Việt, ắt hẳn sẽ làm sống dậy tinh thần dân tộc khi mà Trần Nhân Tông chủ trương “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa” với quan điểm Phật tại Tâm thì ai cũng có thể thành Phật ngay ở cõi đời này. Điều đó có nghĩa ai có ý niệm tu hành, sống với thái độ vô tham, vô sân, vô si thì nhất định sẽ có Phật đản sinh trong lòng mình và nhất là thiết lập được một đời sống hạnh phúc bây giờ và tại đây.



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của binhnhdk8

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™