Ngày này 40 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã khiến kẻ thù kinh hoàng, khiếp sợ. Đó là hình ảnh sinh động về chiến tranh nhân dân, về ý chí quật cường của dân tộc và khẳng định tư tưởng chiến lược tiến công đúng đắn của Đảng ta... Vẫn còn đó, những người làm nên lịch sử, bình dị mà hừng hực nhiệt huyết cách mạng.
Vòng qua nhiều con hẻm nhỏ của quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Trí (thường gọi Hai Trí) - người chính trị viên đơn vị bảo đảm chiến đấu năm xưa của Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Đã 40 năm trôi qua mà ông bà vẫn còn như giữ nguyên lửa nhiệt huyết cách mạng của những ngày Tổng tiến công năm ấy. Ít ai nghĩ ông đã 87 tuổi, bà 80 tuổi, suốt đời hy sinh, chiến đấu cho Đảng. (Năm ngoái bà nhận danh hiệu 60 năm tuổi Đảng). Sinh ra, lớn lên ở Từ Liêm, Hà Nội, 20 tuổi ông vào Nam hoạt động cách mạng; hai lần bị địch đày ra Côn Đảo, rồi lại bị giam cầm ở khám Lớn Sài Gòn, bản lĩnh kiên trung của người đảng viên cộng sản trong ông được tôi luyện bền bỉ. Ngồi cạnh bà Nguyễn Thị Lích - người đồng chí, người bạn đời chung thủy - ông hào hứng kể:
- Trước khi vào chiến dịch, đơn vị tôi được giao 2 nhiệm vụ chính: Vận chuyển vũ khí vào nội thành và xây dựng cơ sở cất giấu vũ khí trong thành phố. Tính ra từ tháng 5-1965 đến tháng 1-1968, chúng tôi đã hoàn thành 6 hầm vũ khí; một hầm chứa 8 anh em cơ yếu và Sở chỉ huy; hai hầm của đồng chí Lê Tấn Quốc và Tô Minh Liêm. Suốt 3 năm, các cơ sở vận chuyển, cất giấu vũ khí đều giữ được bí mật an toàn tuyệt đối.
* Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân diễn ra trên khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hóa và Tây Nguyên (thuộc Quân khu 5).
+ Tại Huế: Quân giải phóng đã tấn công hơn 40 mục tiêu quan trọng nhất trong thành phố và vùng ven như: Thành Nội, Cột Cờ, đồn Mang Cá, An Hòa, sân bay Tân Lộc…
+ Tại Đà Nẵng, vào 2 giờ 30 phút ngày 31-1, quân ta đồng loạt tấn công vào các cứ điểm của địch như: sân bay Nước Mặn; sân bay Đà Nẵng; căn cứ Thanh Vinh; tổng kho hậu cần Bàu Mạc, kho xăng Liên Chiểu…
* Đêm 30 rạng ngày 31-1, tức đêm giao thừa của lịch miền Nam (đêm mồng Một rạng ngày mồng Hai Mậu Thân của lịch miền Bắc), quân Giải phóng tiến công tại tất cả các tỉnh, thành phố còn lại của miền Nam Việt Nam.
+ Ngay đêm đầu tiến công đầu tiên, tại Sài Gòn, các đội biệt động của Giải phóng quân đã nhằm vào các mục tiêu đặc biệt quan trọng của Mỹ-ngụy như: Tòa Đại sứ quán, Dinh Thống Nhất, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất…
+ Tại Trung Nam bộ (Quân khu 8), vào 2 giờ 55 phút ngày 31-1, quân và dân ta tấn công đồng loạt vào các mục tiêu trong nội đô TP. Mỹ Tho. Cùng lúc, tại Bến Tre quân và dân ta tiến công vào sở chỉ huy Trung đoàn 10, Sư đoàn bộ binh 7, tỉnh đoàn bảo an Bến Tre…
Qua câu chuyện ông kể càng thấy rõ sự đồng lòng, chung sức của bà con ta từ nông thôn đến thành thị, quyên góp sức người, sức của, tài sản, phương tiện và hy sinh tính mạng không hề tính toán danh lợi, thiệt hơn. Gia đình ông bà Chín Khổ và cậu con trai Võ Văn Nóc tự nguyện vận chuyển vũ khí bằng đường sông vào nội thành. Gia đình ông Chín Ten ở Củ Chi, cả nhà làm giao liên; căn nhà ông trở thành nơi đóng quân, đào hầm bí mật nuôi giấu lực lượng kháng chiến. Ông Dương Văn Đây là anh ruột ông Chín Ten, tuổi đã cao, râu tóc bạc phơ, dũng cảm mưu trí nhận chuyển một xe bò vũ khí bất chấp sự kiểm soát gắt gao của địch, kịp cho quân ta đánh Tòa đại sứ Mỹ và Dinh Độc Lập. Và còn nhiều tấm gương dũng cảm khác nữa.
Ông Hai Trí bồi hồi nhớ lại:
- Đêm 27 rạng 28 Tết Mậu Thân 1968, tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) thay mặt Bộ chỉ huy Phân khu 6 triển khai phương án tác chiến. Tôi nhận nhiệm vụ bàn giao toàn bộ các hầm có chứa vũ khí ở nội thành cho các đơn vị tác chiến và đảm nhận tổ chức đón anh chị em về Sài Gòn ăn Tết tại số 7 Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), quận 3. Đồng chí Tư Chu lệnh cho tất cả các đơn vị, các ban trực thuộc phải có mặt tại Sài Gòn vào sáng 29 Tết (không có ngày 30) sẵn sàng chiến đấu. Còn đánh ở đâu thì vẫn bí mật. Chấp hành lệnh, tất cả các đơn vị đều phấn khởi háo hức, nhanh chóng vào nội thành Sài Gòn theo đường công khai, mặc những bộ quần áo sang trọng, đi bằng các phương tiện ô tô, xe Jeep, xe gắn máy, xe đò tùy theo tình hình, trong vai người về Sài Gòn ăn Tết với gia đình. Bộ phận nào chưa quen đường đã có các đồng chí nữ giao liên dẫn đến vị trí ém vũ khí. Trên các nẻo đường, chúng tôi nhận ra không khí năm ấy của đồng bào ta náo nức, sục sôi như báo trước niềm vui mới trong dịp Tết. Bọn lính ngụy, bảo an, dân vệ trong dịp Tết thì chúi đầu vào đám cờ bạc sát phạt nhau. Tôi đi kiểm tra, tất cả các hầm vũ khí được gia đình và cán bộ, chiến sĩ ta xếp đặt, lau chùi cẩn thận, sẵn sàng ở tư thế tấn công.
Trò chuyện với vợ chồng ông Nguyễn Trọng Xuất tại ngôi nhà nhỏ số 51/10/14 Cao Thắng, TP Hồ Chí Minh (nay là Di tích lịch sử Quốc gia) chúng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa to lớn của những chiến công thầm lặng năm ấy.
Hồi đó, nhóm của ông Xuất trong Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định do ông Trần Trọng Tân phụ trách chung. Ông Xuất là Phó trưởng ban, thường tới căn nhà nhỏ ở quận 4 để hoạt động. Nhóm được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phát đi bản tin ngay khi các chiến sĩ biệt động chiếm được đài phát thanh. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhóm phải tìm một cơ sở tin cậy gần Đài phát thanh để ém quân. Đó là nhà số 3 Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu). Theo kế hoạch vào 3 giờ sáng, khi nghe tiếng súng bên ta nổ thì cả nhóm sẽ vào Đài phát thanh để thực hiện nhiệm vụ.
Nơi ém quân tuy gần đài nhưng khu vực này được canh phòng cực kỳ cẩn mật và lại là nơi ở của nhiều sĩ quan ngụy. Theo kế hoạch, tất cả 5 anh em: ông Xuất, ông Năm Quảng, ông Hai Vĩnh và 2 sinh viên nam đem theo máy ghi âm, loa tay, chờ sẵn trong căn phòng trên lầu đợi giờ “G”.
Chập tối mồng Một Tết, ông Xuất thư thái tới rạp chiếu phim Cầu Bông. Đúng 21 giờ, ông Tư Cao và Năm Lăng lẳng lặng vào rạp ngồi cạnh ông Xuất. Họ ngồi hơn một giờ bên nhau, như không quen biết, sau đó ông Xuất mới lặng lẽ đưa tập tài liệu cho ông Tư Cao và dặn: “Đúng 2 giờ mới được mở và sắp chữ. Đúng 3 giờ khi mình nổ súng mới được in để có báo phát cho dân xem sau chiến thắng”. Bài phát trên Đài phát thanh đã được Trung ương Cục duyệt. Để bảo mật, ông Năm Quảng chỉ được phép thuộc lòng. Khoảng gần 24 giờ khuya, cả nhóm chuẩn bị thu âm. Ông Năm Quảng thử giọng đọc. Đêm khuya thanh vắng âm thanh vang lên lời kêu gọi… Ông Xuất thận trọng ngó ra cửa và giật nẩy mình vì nhìn thấy một đốm lửa lập lòe ở cửa nhà đối diện-một tên đại úy ngồi hút thuốc như có vẻ nghe ngóng. Việc thu âm trước đành tạm gác. Chờ tiếng súng nổ đồng loạt từ nhiều điểm trong thành phố, nhóm quyết định thu băng. Nhưng ngay khi súng nổ, khu vực này đã bị địch phong tỏa. Xe địch bao vây tứ phía. Riêng ngã tư Phan Đình Phùng-Đinh Tiên Hoàng có 3 xe bọc thép và nhiều xe cơ giới của địch. Không thể vượt qua đường để vào Đài phát thanh. Cả nhóm sốt ruột ém chờ.
Khi nhóm của ông Xuất không vào được vị trí đài phát thanh thì các chiến sĩ biệt động do ông Nguyễn Văn Tăng chỉ huy gồm 14 người đã làm chủ khu vực đài phát sóng sau 5 phút. Một số chiến sĩ biệt động đã hy sinh ngay vòng ngoài. Chỉ có khoảng 7 người đột nhập vào Đài phát thanh, nhưng nhân viên kỹ thuật của đài đã bỏ chạy. Đến 6 giờ 30 phút hai người còn lại trong đài là Năm Lộc và Bảy Rỗ đã quyết định dùng khối thuốc nổ 20kg phá hủy một phần chính của đài và anh dũng hy sinh. Sáng ra, nhóm của ông Xuất bị kẹt trong vòng bố ráp của địch. Người thoát ra còn khó huống chi máy móc lỉnh kỉnh… Để lại thì sợ liên lụy tới cơ sở. Giữa lúc đó, mọi người đều xúc động rơi nước mắt khi ông Chuẩn (chủ nhà) nói: “Cứ yên tâm đi, để nguyên máy móc trên lầu. Nếu chúng vô, tôi nói: “Khi súng nổ, mấy ông “Việt cộng” vô nhà khống chế tôi, rồi đặt máy móc, sáng sớm họ rút rồi”. Nói vậy, nhưng ai cũng hiểu ông Chuẩn đã nhận phần hiểm nguy về mình để cả nhóm của ông có cơ hội thoát hiểm.
Ngay sáng hôm đó, từ những tài liệu của ông Xuất đã thành bài báo được in trên tờ báo Cờ Giải phóng. Tuy thành công chưa trọn vẹn nhưng với ông Xuất và những người tham gia vào nhóm công tác thì đó vẫn là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm, vinh quang nhất mà họ đã từng được thực hiện. Đúng 3 giờ ngày mồng Hai Tết, lực lượng biệt động táo bạo, dũng mãnh tập kích vào các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy như: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu ngụy…
Khi súng nổ, từ Sở chỉ huy, đồng chí Tư Liễn, phái viên của Bộ được anh em phục vụ đưa tới Bộ tư lệnh Hải quân ngụy, nhưng địch đã ngăn chặn từ xa không thể tiến lên được. Đồng chí Sáu Tụ được bổ sung cho Dinh Độc Lập cũng không vào được.
Tổ trinh sát, giao liên cũng từ đây cấp tốc bung ra lao đến các mục tiêu đang diễn ra chiến sự. 9 giờ sáng mồng Ba Tết, lực lượng cảnh sát ngụy đến bao vây Sở chỉ huy chiến dịch ở số 7 Yên Đổ, chúng bắt, đánh đập tra tấn tại chỗ gia đình ông Ngô Toại rồi bắt giữ ông bà Ngô Toại, con gái, con rể và 9 đồng chí đang trực tại đây. Ngay trong đêm, chúng tra tấn đến chết hai đồng chí Phan Văn Bảy và Nguyễn Huy Xích của đơn vị bảo đảm chiến đấu.
Nhiều chiến sĩ biệt động đã anh dũng hy sinh. Nhóm 5 người do ông Xuất chỉ huy, nay chỉ còn ông Xuất. 17 chiến sĩ biệt động tiến công Tòa Đại sứ Mỹ, hôm nay chỉ còn ông Tư Hùng. Nhiều gia đình cơ sở của cách mạng cũng bị địch giết hại hoặc bị địch tra tấn, giam cầm trong các ngục tù…
Trong khi các lực lượng tại chỗ và biệt động ráo riết chuẩn bị cho trận đánh thì các đơn vị chủ lực bí mật cơ động từ các mũi, các hướng tiến về Sài Gòn.
Ông Nguyễn Vũ Tuệ, 72 tuổi (nguyên Trưởng phòng Vật tư, Nhà máy Z751, nguyên Phó trưởng xưởng sửa chữa cơ giới của đơn vị chủ lực Miền) vẫn còn nhớ những ngày cùng đồng đội vượt Trường Sơn, vác nặng đồ nghề sửa chữa vào chiến trường Nam Bộ. Khi Tổng tiến công Xuân 1968 nổ ra, ông mới biết việc thành lập xưởng sửa chữa từ năm 1967 tại miền Bắc chính là chuẩn bị cho cuộc cơ động chiến lược này. Ý định của cấp trên hoàn toàn bí mật. Cuối năm 1967, đơn vị ông hành quân từ biên giới Cam-pu-chia, tiến dần về phía Sài Gòn, tạo lập các trạm sửa chữa xe pháo của quân đội. Ông kể: “Tại Lộc Ninh, đơn vị tổ chức ăn Tết trước, ai cũng vui nhưng chỉ đoán là sắp tham gia chiến dịch lớn. Đảng và quân đội có tầm nhìn chiến lược, tính trước cuộc tiến quân của xe tăng, cơ giới vào dinh lũy kẻ thù. Nhưng do diễn biến cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân khác với dự kiến, nên chúng tôi chỉ cơ động đến vùng ven Sài Gòn”.
Còn ông Bùi Hồng Hà, một trong số ít người còn sống của Tiểu đoàn 16 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất năm ấy tâm sự: “Tiểu đoàn tôi hành quân vượt sông Vàm Cỏ tiến về Sài Gòn mà không hề biết sẽ đánh ở đâu? Cuộc Tổng tiến công được giữ bí mật tuyệt đối. Khi tới cửa ngõ Sài Gòn chúng tôi mới nhận nhiệm vụ quan trọng là đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Thế là đánh lớn rồi, chúng tôi vui lắm, không hề sợ nguy hiểm, hy sinh. Khẩu đội hỏa lực cối 82mm của tôi được lệnh bắn vào sân bay, dùng liều 3, súng giật quá mạnh, tiếng nổ ù tai. Nền đất khô cứng, không đào được công sự, mỗi khi bắn chúng tôi phải để hai chiến sĩ đè chân pháo. Bắn một lúc thì hết đạn, anh em chúng tôi dùng súng bộ binh chiến đấu. Ngay lúc ấy, máy bay trực thăng địch bay lên đầy trời, gầm gào, bắn xuống như vãi đạn. Vì đất khô cứng, không đào được công sự, nên nhiều đồng đội hy sinh rất thương tâm. Cả tiểu đoàn chỉ còn lại vài chục người. Đêm tối chúng tôi rút ra, được nhân dân cho ăn uống và đưa thương binh đi cứu chữa. Đến năm 1995, ta mới tìm được hố chôn tập thể của 181 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn. Hằng năm, đến ngày giáp Tết, tôi đều về nghĩa trang thắp nhang, tưởng nhớ các đồng đội”.
Cùng với Tiểu đoàn 16, còn có các đơn vị chủ lực Miền như Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Trung đoàn 88 đã chiến đấu anh dũng kiềm chế các Sư đoàn bộ binh 1 và 25 của Mỹ và Sư đoàn 5 ngụy quyền Sài Gòn và đánh phản kích các mục tiêu căn cứ Đồng Dù, Phú Giáo, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Do bị tiến công đồng loạt ở Sài Gòn và hầu hết các đô thị miền Nam nên vùng ven đô thị và nông thôn, chính quyền Sài Gòn ở cơ sở bị tan rã hoặc tê liệt, tạo cho ta mở rộng vùng giải phóng, buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán ở Pa-ri.
Đào Văn Sử
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: