Tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Mẫn
Giải thưởng L.D, do TLVĐ trao năm 1937
Nguyễn khắc Mẫn sinh năm 1906, quê ở Tiên Du, Bắc Ninh. Dạy học từ năm 1929, chuyên viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Nỗi lòng là tiểu thuyết đầu tay được Tự Lực văn đoàn trao giải năm 1937. Năm 1952 ông còn có truyện Ông Cốc được Hội Văn nghệ Việt Nam trao giải khuyến khích.
- Các ông có bằng Thành Chung mà đi làm nghề này, thật đáng tiếc. Như chúng tôi không thể xoay nghề gì khác được, phải chịu vậy đã đành...
Thúy nói câu ấy thong thả, hơi nhỏ, ông cúi mặt xuống bàn, hai mắt đăm đăm nhìn chén nước chè liên tâm gần cạn, khiến Thọ ngồi trước mặt ông, nghe chuyện ông, hiểu thấu rằng lời ông nói là lời chân thành của kẻ đã trải nhiều nỗi chua chát trong nghề mình làm.
Thọ mới ở trường Nam Sư phạm ra, được bổ giáo học hạng tám dạy lớp nhất trường con giai tỉnh Vĩnh Yên. Thọ vào làng "Gõ đầu trẻ" vừa đúng một tuần lễ. Hôm nay chủ nhật, chàng đến chơi nhà ông giáo Thúy, dạy lớp năm.
Đáp lại lời nói của Thúy, Thọ chỉ mỉm cười, vì chàng cũng chẳng biết nói sao. Ra đời không phải như lúc còn ngồi ở ghế nhà trường. Những câu bàn suông đều vô ích. Duy sự từng trải mới đáng kể. Thúy đã dạy học ngoài mười hai năm, chắc đã nghe thấy nhiều. Biết đâu lời Thúy không căn cứ ở những sự tai đã nghe, mắt đã thấy.
Thực ra, Thọ cũng hơi thấy chán nản. Hôm mới đến Vĩnh Yên, đi thăm các bạn, chàng đã nghe ông giáo Lại, dạy lớp tư, nói với chàng một câu đồng nghĩa với câu của Thúy nói bây giờ. Cũng như Thúy, Lại đã dạy học hơn mười hai năm, tất đã từng trải. Mà câu của Lại cũng chưa phải là câu thứ nhất đã làm cho Thọ phải nghĩ rằng nghề dạy học vị tất đã đem lại cho chàng những thứ chàng thường ước mong trong khi chàng còn đi học. Sự liên tưởng nhắc chàng nhớ tới buổi đến thăm thầy giáo cũ ở phố Hàng Cót, Hà Nội.
Dạo ấy, Thọ còn đang học ở năm thứ ba trường Sư phạm. Một buổi sáng chủ nhật, Thọ đi chơi phố, tình cờ gặp thầy giáo cũ dạy mình ở lớp nhất trường tỉnh Bắc Ninh. Thọ vào nhà thầy giáo chơi. Sau mấy câu hỏi thăm về sự học của Thọ, thầy giáo Thọ nói:
- Nghề này buồn lắm! Tôi đã trải nhiều tôi biết. Không phải tôi nói thế để làm cho người đang tập nghề phải nản chí đâu; nhưng sự thực là thế.
Nhưng lúc ấy, Thọ cũng không cần biết lời nói của thầy có đúng hay không. Chàng đang ham học, muốn biết. Lòng ham muốn ấy đã giúp chàng thắng nổi mọi sự khó khăn.
Ngày nay Thọ đã qua cái thời kỳ tập nghề, đã bắt tay vào việc, lại nghe hai người bạn quen nghề nói đến những sự chán nản, tài nào chàng không nhớ đến lời thầy giáo cũ. Có lẽ chàng đã chọn lầm nghề chăng? Lời nói của ba người hẳn là lời nói không xa sự thực. Nhưng mỗi người có một ý muốn riêng. Biết đâu nghề dạy học đối với ba người ấy không phải là nghề bất đắc dĩ. Còn gì khó chịu bằng phải ép mình làm một việc mà mình không thích! Còn Thọ, chàng vốn ưa nghề chàng đã chọn; biết đâu nghề ấy lại không thể làm cho chàng được vui lòng. Với ý nghĩ ấy, Thọ lại thấy sự chán nản thoảng qua.
Thấy Thọ ngồi im, ngẫm nghĩ, Thúy nói tiếp:
- Nghề mình thật là năm cha ba mẹ. Nào ông chánh đốc, ông chánh thanh tra, nào ông thanh tra, ông Kiểm học. Nếu ở nhà quê lại thêm ông giáo, ông huấn. Mỗi người mỗi ý, mình phải chiều cho đủ. Công việc làm vất vả, mà nào quan trên có thương, dân sự có trọng, học trò có mến. Nói về lương, thì lên được một trật, thật là khó nhọc.
Thọ bật cười:
- Nếu ông nghĩ như thế thì chán là phải. Nhưng tôi tưởng: nếu mình làm hết bổn phận, dẫu đối với ai, mình cũng không ngại. Trông thấy học trò tấn tới chăm chỉ là mình mừng. Còn sự ăn lên, mỗi lần phỏng là bao! Mong làm gì?
Thúy nhìn Thọ thong thả nói:
- Ấy! Lúc mới ra làm, tôi cũng nghĩ như ông bây giờ đấy!
Hùng vừa nói vừa đứng dậy mời Thọ vào chơi. Thọ cũng cười đáp lại:
- Nhà phán!
Hùng tiếp:
- Nhà phán, nhà ký, nhà "tặc tặc", nhà tất cả! Nhưng chỉ nhà giáo là sướng thôi! Mỗi tuần lễ ăn không hai ngày.
- Sướng lắm chứ!
Tuy nói chuyện, nhưng Thọ vẫn không ưng hai tiếng "nhà giáo". Hai tiếng ấy Thọ cũng thường nghe thấy luôn, nhưng không hiểu vì lẽ gì, bây giờ chàng thấy có ý nghĩa riễu cợt, mỉa mai, khinh bỉ.
Từ khi về Vĩnh Yên, Thọ nhận thấy rõ rệt sự lãnh đạm nó chia rẽ các ông giáo với các ông phán tòa sứ. Thọ nhất định đánh tan sự lãnh đạm ấy, nên những khi nhàn rỗi thường đến chơi nhà các người làm việc ở các công sở, để gây tình liên lạc. Mỗi khi thấy sự gì có thể ngăn đôi hai phái "chính, giáo", chàng hết sức công kích, hoặc bằng lời xác đáng, hoặc bằng câu bông đùa có ý nhị.
Nhưng có một điều Thọ không thể ngăn ngừa được, là dân sự trọng ông phán hơn ông giáo, tuy rằng cứ lấy tài đức ra mà so sánh, thì ông giáo còn biết giữ gìn trong cử chỉ của mình hơn ông phán nhiều. Là vì ở phố nào chẳng có học trò; mà học trò họ khéo tò mò lắm; họ rình thầy giáo họ như nhà trinh thám rình kẻ bị tình nghi. Một tý gì họ cũng biết. Bởi thế nên các ông giáo thường phải thận trọng trong lời nói, trong cách đi đứng. Bởi thế nên nhiều người thường dùng hai tiếng "mô phạm" để riễu cợt sự đứng đắn mà họ cho là giả dối đó. ừ thì giả dối. Nhưng nếu ai cũng biết dè dặt đôi chút như thế thì còn đâu những sự lố lăng chướng mắt.
Đã nhiều lần Thọ thấy mỗi khi một người đội xếp nào trong phố gặp một ông phán, là họ giơ tay chào theo kiểu nhà binh, miệng nói: "Lạy quan!..." - Còn gặp một ông giáo, họ thường làm ngơ. Dù có chào chăng nữa, họ cũng nhìn đi nơi khác, miệng lẩm bẩm: "Chào thầy giáo!..." Có lẽ sự phân biệt ấy đã làm cho nhiều ông giáo chán nghề mình chăng?
Vẫn biết rằng phẩm giá của ta cốt ở đức tính của ta, ở sự hết lòng làm việc, để giúp ích cho mình và cho kẻ khác, nhưng tính tự tôn vẫn là tâm lý chung của loài người. Nếu ta chưa có được tấm linh hồn thanh cao, biết đặt mình lên trên những sự tầm thường, nếu ta chưa có một học thức chắc chắn, một chí hướng nhất định, một mục đích rõ rệt ta tự vạch ra và cả quyết cho đến cùng thì ta còn phải để ý đến những cái tầm thường ấy, có khi phải khổ sở cũng không biết chừng.
Hùng mỉm cười nhìn Thọ bằng con mắt tinh ranh, rồi nói:
- Tôi thèm cái nghề của ông giáo quá...
- Thì xoay nghề.
- Nhưng làm học trò ông có lẽ thú hơn!
- Thì xin vào học.
- Có được ngồi ở bàn nhất không?
Thọ cười vì, chàng nghĩ rằng có lẽ Hùng ước ao như thế thật. Thực ra, không riêng gì Hùng, mà hầu khắp các người trai trẻ làm việc ở tỉnh Vĩnh cũng ước ao như thế, hoặc ngấm ngầm, hoặc nói ra. Là vì ở lớp Thọ có mười cô học trò, tuy ít tuổi hơn Thọ, nhưng có cô nhớn bằng có cô cao hơn. Các cô ngồi dẫy bàn nhất. Cô Nhung là người đẹp nhất bọn, đẹp nhất tỉnh và học giỏi nhất lớp. Vì Nhung nên mới có những sự mong ước nói trên.
Thọ lại cho có mấy cô học trò kia, nhất là cô Nhung, là sự khó chịu. Khi còn học ở trường, chàng thường nói đùa với các bạn: "ước gì sau này được ra dạy lớp nhất có học trò con gái thì hay nhỉ..." Nay sự ước mong ấy của Thọ đã thành sự thực, chàng viết thư cho các bạn, các bạn đều mừng chàng.
Nhưng ngay buổi đầu, Thọ đã nhận rõ cái địa vị của mình. Thọ đã bắt đầu vào một cuộc đời mới; chàng không thể bông đùa như khi còn đi học được. Nghề của Thọ bắt Thọ phải đứng đắn giữ gìn. Khi thoạt bước chân vào lớp lần thứ nhất, thấy học trò con gái đứng lên chào, Thọ hơi nóng mặt. Lúc đến giờ học trò con giai vào lớp, Thọ thấy nhiều đứa chăm chú nhìn mình rồi lại nhìn trộm Nhung. Có đứa thì thầm với nhau Thọ thoáng nghe họ nói: "xứng đôi đấy..." Chàng phải nghiêm sắc mặt, trong lớp mới im lặng.
Suốt một tháng đầu, Thọ phải để ý từng ly từng tí. Chàng không dám nhìn thẳng mặt Nhung bao giờ, ít khi gọi nàng đọc bài và ít khi chấm bài của nàng. Sau Thọ nghĩ thầm: "Làm sao phải cẩn thận đến thế! Hay là ta yêu...? " Rồi dần dần Thọ hiểu rõ sự vô lý của cách cử chỉ của mình. Muốn được tự nhiên, Thọ không còn ngượng nghịu chút nào nữa. Nhung đối với Thọ cũng chỉ là một người học trò thường, không hơn không kém.
Còn Nhung, nàng rất chăm chỉ. Thọ dậy điều gì, nàng nhớ được ngay. Một đôi khi, Thọ bắt gặp nàng nhìn trộm mình, nhưng chỉ trong giây lát.
Ba tháng qua, Thọ làm việc rất vui vẻ, dễ chịu. Chàng không hiểu tại sao Thúy, Lại và thầy giáo cũ chàng lại cho nghề dạy học là chán nản. Chàng thấy học trò chăm học, hiểu lời chàng dạy, chàng rất vui lòng. Một đôi khi cũng gặp vài sự trái ý, như học trò vô phép hoặc lười biếng, nhưng chàng cũng quên ngay được. Chàng thường nghĩ: "Lúc mình đi học, có lẽ còn tệ hơn họ..." Rồi chàng lại nhớ đến hồi còn ở trường, ông Đốc trường Sư phạm ba lần chúc chàng một câu mà bây giờ chàng mới hiểu hết cái nghĩa thâm thúy của nó.
Lần thứ nhất, đang giờ tập thể thao, ông đội tây dạy võ đối với một người bạn của Thọ không được ngọt ngào lắm. Thọ phải phân trần về thái độ ấy. Lẽ tất nhiên là ông Đội nói với ông Đốc, ông Đốc gọi Thọ. Sau một hồi giảng cho Thọ hiểu rằng: thầy giáo uốn nắn cho học trò không phải là bạc đãi họ, ông Đốc kết luận: "Tôi mong rằng sau này học trò anh nó sẽ đối với anh như anh đã đối với ông Đội".
Lần thứ hai, một ngày chủ nhật giời mưa, Thọ phải ở lại trong trường. Thọ đương giảng bài cho một người bạn, bỗng một ông giám thị bảo Thọ nói chuyện, biên phạt. Thọ cãi lẽ. Ông giám thị thưa với ông Đốc là Thọ bướng. Ông Đốc lại chúc Thọ: "Tôi chỉ sợ về sau học trò anh nó sẽ xử với anh cũng như anh đã xử với ông giám thị".
Lần thứ ba, câu chuyện dài hơn và đáng nhớ hơn. Thọ phải ra trường Thực hành dạy thay một ông giáo nghỉ phép một tuần lễ. Đối với một "thầy giáo tạm thời", học trò thường không được lễ phép như đối với thầy giáo họ: họ thường nói chuyện và làm rầm trong lớp. Bất đắc dĩ, Thọ phải bắt ba đứa ra quỳ ngoài cửa lớp, vì chàng đã dùng hết cách: khuyên, mắng, phạt đứng, phạt viết.
Ông giáo dạy lớp bên chạy sang, dõng dạc đuổi ba đứa học trò ấy về chỗ. Cho là có tổn hại đến thể diện của mình, Thọ lại bắt ba đứa ra quỳ và xin ông giáo kia đừng can thiệp đến một cách kẻ cả như thế; việc Thọ làm, Thọ chịu trách nhiệm.
Lần này, đang giờ học, ông Đốc gọi Thọ hỏi đầu đuôi câu chuyện. Thọ nói rành mạch:
"Thưa ông tôi phải cử ra dạy thay một ông giáo nghỉ phép ở trường Hàng Than. Chẳng nói ông cũng thừa rõ: học trò nó không nể tôi cho lắm, chỉ vì một lẽ rất giản dị là tôi không phải thầy giáo chính thức của họ. Bởi vậy chúng nó thường nói chuyện rầm lên, rất trở ngại cho sự giảng dạy. Hết lời khuyên răn không ăn thua tôi phải bắt ba đứa ra quỳ ngoài cửa lớp. Nếu ông giáo ở bên cạnh là người lịch thiệp, ông gọi tôi ra cửa nói nhỏ cho tôi như thế là trái phép, khuyên tôi nên cho chúng nó về chỗ, tôi sẽ cảm phục ông ấy, coi ông ấy như người anh cả, và tha ngay ba đứa học trò. Nhưng tiếc thay ông ấy lại không lịch thiệp. Ông ấy ở trong lớp chạy ra hầm hầm quát: "Cho ba đứa kia về chỗ". Thưa ông như thế phỏng đối với học trò, tôi còn ra thế nào? Liệu trong lớp có thể im được không hay lại rầm hơn trước? Vậy tôi phải giữ thể diện của tôi trước mặt học trò...."
Ông Đốc mỉm cười: "Anh nghĩ đến thể diện của anh, nhưng anh quên rằng anh chỉ cần đến thể diện ấy trong một tuần lễ, nghĩa là trong khi anh ra dạy thay ở trường Hàng Than thôi, còn ông giáo bên cạnh, ông ấy còn dạy ở đấy lâu, có lẽ đến lúc về hưu, sao anh không nghĩ đến thể diện của ông ta?..."
Rồi ông lại kết luận: "Tôi ước ao rằng: sau này học trò anh nó sẽ coi anh như anh đã coi ông giáo ấy".
Giờ Thọ mới rõ rằng ông Đốc trường Sư phạm là người thạo đời. Còn gì có thể làm cho một ông giáo phải bực mình hơn là thấy học trò mình vô lễ với mình. Nhưng mỗi khi có ai làm điều gì nhầm lỗi, Thọ nén được lòng ngay. Chàng mừng rằng nghề dạy học đã luyện cho chàng thành một người ôn hòa, biết suy nghĩ, có đủ nghị lực nén nổi các cuồng vọng của mình. Cái tính nóng nẩy sôi nổi của Thọ xưa kia bớt dần, rồi mất hẳn.
Nhưng Thọ sẵn lòng dung thứ các điều nhầm lỗi của học trò, không phải là chàng để mặc họ muốn làm gì thì làm đâu. Không, chàng hiểu rõ chức của chàng lắm. Không những chàng phải mở mang trí tuệ cho học trò, chàng còn phải dạy cho họ, trở nên người có đức hạnh, hiểu biết điều hay. Nếu đức dục không tiến thì trí dục vị tất đã có lợi.
Thọ khéo tùy cơ hội, khéo theo tính từng người mà khuyên, răn, phạt, khéo dùng lời nói ngọt ngào mà dắt học trò vào con đường chính. Chàng nhận thấy sự ngọt ngào có công hiệu hơn sự trừng phạt.
Trong một lớp học, ta thấy đủ nết hay tật xấu của các hạng người. Học trò, có cậu ưa nịnh, có cậu thích lời nói thẳng, có cậu cả thẹn, có cậu mặt trơ. Ton hót, giảo quyệt, gian trá tinh quái thực thà, cẩn thận, ngu đần, dễ tin, còn thiếu nết gì học trò không có nữa. Ta phải hiểu rõ tâm tính từng người để lựa lời dạy bảo. Đối với một học trò cả thẹn và một cậu mặt trơ, ta không thể dùng cùng lời nói, cũng như ta không thể dùng cùng lời nói với người ưa nịnh và người thẳng tính được. ấy cả khoa tâm lý ở đấy, và cả khoa sư phạm cũng ở đấy. Biết lựa tính học trò, họ sẽ vui lòng học tập, mà ông thầy mới mến nghề mình.
Một ông giáo không những phải khéo, lại còn phải giỏi đủ các khoa, từ pháp văn, quốc văn, luân lý, sử ký... vân vân, cho đến bài tập viết, tập vẽ.
Thọ nhận thấy điều ấy một hôm tình cờ giở đến một quyển vở cũ để trong tủ sách. Trên một trang giấy có dòng chữ mực đỏ của ông giáo đề: "Anh phải viết cho cẩn thận..." mà chữ của ông giáo ấy lại nguệch ngoạc hết chỗ nói. Đối với học trò, không thể thực hành câu: "Tôi bảo sao làm vậy, chớ bắt chước những việc tôi làm" được.
Giờ ra chơi, Thọ đang ngồi chấm bài trong lớp, bỗng nghe tiếng Nhung phì cười. Chàng ngẩng mặt lên, thấy bọn học trò con gái đang chăm chú nhìn ra sân. Chàng cũng trông theo: ngay chỗ hàng rào, cạnh cổng trường, một cậu bé đứng thu tay vào bọc, miệng nhai, mắt nhìn ra đường. Một phút sau, cậu nhìn lại thật nhanh vội vàng đưa tay lên miệng, hấp tấp cắn một miếng, rồi lại đứng nhai như trước. Một cậu bé khác giơ tay làm hiệu cho chúng bạn im, dón dén lại gần cậu kia, đợi khi cậu kia rút tay ra định đưa lên miệng, cậu nắm lấy, nhìn kỹ rồi reo lên: "A! Bánh rán, anh em ạ!" Một tiếng cười vang làm cho học trò quay nhìn cả về một phía.
Trong giờ chơi, Thọ rất thích xem học trò nô đùa, vì không lúc nào ta có thể xem xét tính nết từng người dễ hơn lúc ấy. Nhưng Thọ không cho chúng biết là chàng để ý đến họ, vì họ sẽ giữ gìn, mất vẻ tự nhiên ngay.
Đầu trường, gần cửa lớp nhất, một cậu học trò nhớn kể chuyện cho chúng bạn nghe. Dáng điệu của cậu tỏ ra cậu là người rất tự đắc. Các chúng bạn ngây người đứng nghe, phục cậu lắm. Đằng kia, một cậu thấp lùn kiễng chân lên, cố sức xem trộm thơ của bạn. Giữa sân, một cậu bé đang đứng nhẩm bài, bỗng bị cậu khác chạy đến vừa đấm vào khưu chân vừa nói: "Tôi xin nắm cơm nguội!..." Gần đấy một cậu bé tí hon lò dò đến buộc túm vạt áo đằng sau của bạn lại, rồi cười híp mắt, giơ tay ra: "Cho tôi mua một xu mắm tôm!"
Những trò tinh nghịch ấy, Thọ thường được xem khi chàng còn ở trường sơ học, nên chàng cũng không lấy làm lạ. Phải, tuổi trẻ bao giờ cũng là tuổi tinh nghịch. Nhưng có một sự làm cho Thọ phải chú ý đến là An đang đứng xem đá cầu, bỗng bị một quả đấm vào lưng rất đau. An quay lại, thấy Chất đang cắm đầu chạy. Biết là Chất mới đấm mình, nhưng vì thấy hắn bé hơn nên An không đuổi, chỉ đứng nhìn. An mới độ mười một hay mười hai tuổi. Trong khi vội vàng, Chất chạm phải Vinh, một người học trò nhớn tới gấp ba Chất. Vinh đẩy Chất ngã, lại đá thêm một cái, lông mày cau lại, miệng làu nhàu: "Đồ mù!...". Chất khóc. Vinh cúi xuống còn toan đánh nữa, nhưng An đã sấn lại rồi, dùng hết sức đẩy mạnh Vinh ra và nâng Chất dậy. An vừa phủi áo cho Chất vừa bảo Vinh: "Anh đừng cậy nhớn. Anh chưa học luân lý à? " Vinh đương lúc cáu giơ tay định tát An, thì một bàn tay nắm lấy tay Vinh, Vinh giật ra không nổi, quay lại, tái mặt, vì người cầm tay Vinh chính là ông giáo Thọ.
Thọ nghiêm trang vẫy các học trò đến, rồi trước mặt mọi người, chàng nói: "Các anh coi anh Chất bé như thế này, mà anh Vinh nhớn như thế này. Chất đang vội chạy vô ý va phải Vinh, Vinh là người lớn, học lớp trên, đáng lẽ phải đỡ Chất cho khỏi ngã. Nhưng không, Vinh đẩy Chất, đá Chất, rồi lại toan đánh Chất. Vinh là đứa hèn nhát, vì đã bắt nạt kẻ yếu hơn mình. Các anh nên khinh bỉ Vinh. Còn anh An tuy bé nhỏ, nhưng rất đại lượng và can đảm. Chất tự nhiên đấm An rồi chạy. Thấy Chất bé hơn mình An không chấp. Khi thấy Chất bị Vinh đánh, An xông vào binh vực, dù biết rằng Vinh khỏe hơn mình nhiều. An đã làm được một việc rất vẻ vang. An là cái gương tốt cho các anh. Các anh nên bắt chước và quý trọng An. Mỗi khi gặp một việc xẩy ra như thế, các anh phải hết sức giúp kẻ yếu để chống lại với kẻ mạnh hiếp người. Các anh đừng lo: lòng can đảm của các anh không để cho các anh bao giờ phải thua kém".
Trong khi ấy, Vinh cúi gầm mặt xuống, không dám nhìn thẳng mặt chúng bạn nữa. Chất đã thôi khóc đang cầm mùi xoa của An đưa cho lau nước mắt.
Giờ ra chơi chiều hôm ấy, các học trò xúm quanh cây bàng ở giữa sân, trên có treo cái bảng gỗ dán yết thị. Họ chen nhau ồn ào, cố len vào xem cho được. Một người đứng trong: "Im! Để tôi đọc cho các anh nghe!" Rồi cậu đọc to: "Biết nhường nhịn người kém mình, biết bênh vực người yếu bị kẻ mạnh hà hiếp, đó là hai đức tính của một người bạn tốt và một người dân tốt. Sáng hôm nay anh An đã tỏ cho mọi người biết là anh có đủ hai đức tính ấy. Anh An rất đáng khen, các anh học trò khác nên lấy đó làm gương".
Mấy cậu học trò bé khoác tay nhau thì thầm: "An sướng nhỉ? - Đáng lắm!"
Nhưng một sự không ai ngờ đến, là cũng trong lúc ấy, An, Chất và Vinh đang đá cầu với nhau rất vui vẻ, ở một góc trường.
Buổi sáng hôm ấy, Vinh hổ thẹn quá, không dám ngẩng mặt lên, tưởng chừng như mọi người chăm chú nhìn mình, nhạo báng. Nhất là trong khi đọc bài luân lý về sự can đảm. Nhung đã khéo lấy chuyện mới xẩy ra làm câu thí dụ và khen An. Khen An tức là chê Vinh. Vinh cho không gì nhục bằng bị một cô con gái đẹp khinh mình ra mặt. Rồi Vinh hối hận. Trưa hôm ấy Vinh đến nhà An và Chất xin lỗi. Muốn tỏ cho ai nấy đều biết mình đã sửa lỗi, Vinh làm thân với An và Chất.
Được dịp tốt khuyến khích học trò, Thọ không chịu bỏ qua. Ngày hôm sau, giờ luận quốc văn, Thọ ra đầu bài cho học trò: "Giờ ra chơi, một cậu bé ngã ở sân, cậu khác đến nâng. Anh hãy tả cảnh ấy. ý anh nghĩ thế nào?"
Khi chấm đến bài của Vinh, Thọ cảm động. Vinh tả rất tường tận việc mình đã làm, đến tên người cũng không đổi. Đoạn kết Vinh viết: "An là một cậu bé hiếm có. Biết cư xử như thế, dẫu người nhớn cũng ít ai sánh kịp. Còn Vinh, nay hắn đã biết lỗi và đã sửa mình. Việc xảy ra đó đã làm cho hắn hiểu rõ bổn phận phải làm. Cũng là một cái may cho hắn. Nếu việc ấy không xảy ra, hắn không được nghe lời chỉ dẫn của thầy giáo, chứng nào vẫn giữ tật ấy, chắc về sau ra đời hắn sẽ làm nhiều sự tai hại hơn nữa.
Ta nên thương hại Vinh hơn là khinh bỉ Vinh. Thọ mỉm cười. Chàng sung sướng vì đã dạy được một người học trò biết yêu lẽ phải.