Những ngôi nhà nằm lặng yên trong một con hẻm, mái ngói nhấp nhô dưới vườn cây xanh mát. Mỗi nhà có một chiếc cổng xây theo kiểu dáng khác nhau, nấp dưới giàn hoa giấy xum xuê hay dàn hoa tigon hồng tím.
Biệt thự của giáo sư Vũ Thịnh nằm cuối con đường. Chiếc cổng sắt cũ kỹ, phía dưới sát với mặt đất có nhiều chỗ hoen rỉ, những thanh sắt mòn vẹt, tóp lại trông như những chiếc đũa. Cột trụ hai bên rêu mọc xanh rì, chỉ có tấm biển đề tên ông bằng đồng vẫn óng lên màu nâu đỏ: “Giáo sư tiến sĩ Vũ Thịnh”. Tấm bảng ấy đã được đóng lên mười mấy năm về trước, từ khi ông được nhà nước phong học vị Tiến sĩ.
Phía trong cổng, con đường lát sỏi trắng, hai bên là hai hàng chậu cảnh đủ các loại cây. Xen giữa những chậu cây là một vài chậu hồng khi nào hoa cũng nở. Khu vườn không rộng lắm. Cây hồng xiêm mọc phía góc gần kề đường đi, buổi sáng thường hắt bóng trùm lên những gốc chanh mới trồng. Đi hết con đường lát sỏi, bậc tam cấp của ngôi nhà được lát bằng gạch hoa đã cũ. Bên trái, một chiếc võng treo trên một khung sắt hình con thuyền, từ đó, có thể phóng tầm mắt ra khu vườn khi nào cũng ngăn ngắt màu xanh.
Phòng khách treo những bức tranh cẩn xà cừ theo bộ tứ bình xuân, hạ, thu, đông. Bộ ghế gỗ chạm hình con rồng trên hai tay cầm, phía sau cũng cẩn bằng xà cừ mà thời gian đã làm cho tối lại thành một màu sữa đục. Khung ghế, khung bàn ánh lên màu đen cũ kỹ. Bên trái phòng khách, một phòng nhỏ có bàn thờ và hương án. Ảnh của một người phụ nữ trên chiếc bàn con bên cạnh, lồng trong một khung kính khảm bạc. Đó là phòng thờ bà Vũ Thịnh. Bên phải là một phòng rộng hơn, có nhiều quyển sách dày trên giá. Bàn làm việc kê ngay dưới một bức tượng bán thân cỡ lớn, dưới có dòng chữ: “Hippocrate - 460 - 377”. Một chiếc đèn bàn đọc sách đặt ngay góc bàn bên cạnh những quyển sách mở rộng. Căn phòng có một cửa sổ mở ra khu vườn.
Phòng ngủ của giáo sư và phòng ngủ của con trai ông, bác sĩ Vũ Hải, ở phía sau nhà. Tất cả đều biệt lập. Nhà bếp, nhà ăn cũng ở phía sau, nối với nhà chính bằng hành lang dài phía trên lợp ngói.
Cách đây hai năm, nhà giáo sư có bốn người. Hai vợ chồng ông, con trai Vũ Hải và người cháu gái giúp việc ở dưới quê lên. Từ ngày bà Thịnh mất đi, không khí ngôi nhà trở nên trống vắng.
Giỗ tận của bà Thịnh nhằm ngày thứ bảy, ông Thịnh chuyển sang chủ nhật để họ hàng và bạn bè có thể đến dự. Sinh thời, bà Thịnh là người phụ nữ đoan trang. Bà con một gia đình giàu có trên phố. Lấy ông Thịnh sau hòa bình lập lại, bà về ở với ông trong ngôi nhà của thân sinh ông để lại. Trong sự trưởng thành về nghề nghiệp của chồng và của con, có phần đóng góp không nhỏ của bà. Bà cần mẫn chăm chồng, chăm con, nhất là việc giáo dục cậu con trai, theo một thứ gia giáo phong kiến, cố giữ cho cậu con trai đi đúng con đường danh giá của cha ông.
Đám giỗ bà Thịnh vì thế rất đông người. Bạn bè ông ở hai bệnh viện, nơi bố con ông làm việc. Mấy người em trên phố lo việc nấu nướng. Ông bác họ bên phía ông Thịnh ở dưới quê lên. Ông Thịnh lặn lội lên tận Nhật Tân tìm một cành đào nở sớm, đặt vào chiếc lộc bình bên bàn thờ bà Thịnh. Đó là sở thích của bà khi còn sống. Tết đến bà tự mình lên Nhật Tân chọn mua cho được cành đào thật đẹp. Tập quán ấy vẫn được bố con ông Thịnh giữ gìn cho đến tận hôm nay.
Ngày giỗ bà Thịnh là ngày chủ nhật nắng ráo. Trời se lạnh. Còn chưa đầy một tháng nữa là Tết. Trong không khí xôn xao, rậm rịch của mọi người nô nức chuẩn bị đón Tết, ông Vũ Thịnh thấm thía cảnh cô đơn, trống vắng của mình. Nhà ông từ độ bà đi xa, ngày nọ rồi ngày kia đơn điệu và ảm đạm như một khúc nhạc buồn lặp đi lặp lại. Tuy là chủ một gia đình nhưng trước đây, khi nào ông cũng coi bà là trụ cột. Nay cái cột đó đã sụp xuống, ông linh cảm sẽ có nhiều điều không may xẩy ra với hai bố con. Cũng may là trong hai năm qua chưa có một biến cố gì lớn ngoài tầm kiểm soát của ông. Ông Thịnh cảm thấy yên lòng.
Người đàn ông to lớn, mặc chiếc măng tô dạ màu đen, đội biarê lệch là đại tá quân y Trịnh Thắng. Ông cùng thời với ông Thịnh. Hai ông cùng ra trường năm 1953, thoát ly ra vùng kháng chiến và vào bộ đội một ngày. Ông Thịnh về sau chuyển ngành rồi đi nghiên cứu sinh bên Nga về thận nhân tạo. Ông Thắng hiện là giám đốc của một viện quân y. Tướng mạo là con nhà binh song ông là người rất tình cảm. Ngày bà Thịnh mất, chính ông vuốt mắt cho bà, tự tay làm mọi việc khâm liệm. Cách ăn ở, cư xử của ông Thắng khiến bố con ông Thịnh rất cảm phục.
Ông Thắng cầm một chai rượu gói trong một lần giấy hoa màu tím trên nền đỏ sẫm. Vũ Hải chạy ra mở cổng, đon đả mời:
- Dạ, cháu mời bác vào.
- Bố cháu đâu, sao khách khứa vắng tanh thế này?
- Mấy dì, mấy em đang chuẩn bị sau nhà. Ba cháu mời 11 giờ mà bác.
- Ừ nhỉ, rõ lẩn thẩn, mới mười giờ. Ông Thắng nhìn đồng hồ tự thanh minh.
Trong phòng khách, hai ông bạn già ngồi hàn huyên bên ấm trà bốc khói. ông Thắng nhìn bạn, ái ngại:
- Tôi thấy quỹ thời gian đời cho mình ít quá. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi và anh đã lục tuần cả rồi. Đã làm được cái gì cho đời đâu?
- Ấy, đôi khi tôi cũng nghĩ thế. Hai thằng mình mới đi vác gạo ở Bờ Đậu Thái Nguyên, mặc áo trấn thủ trên đường lên Tây Bắc dự trận Điện Biên, mà đã hơn bốn mươi năm rồi.
- Thế hệ tụi mình coi như đã chấm hết, ông ạ!
Ông Thắng lấy tay ngoắt Hải vào:
- Hải, vào đây bác hỏi: Hôm nay giỗ tận của mẹ cháu, bác mới hỏi, cháu định bao giờ mới cho bác ăn kẹo?
Hi gãi tai:
- Cháu thấy chưa có gì phải vội đâu, bác ạ. Sự nghiệp đang dở dang, cháu đang làm nghiên cứu sinh trong nước. Kinh tế vẫn đang phụ thuộc bố. Người yêu vẫn đang trên mây.
Hải cười ngượng nghịu. Ông Thịnh chen vào:
- Cháu có một cô bạn là nhà thơ. Tính tình, tư cách được lắm. Nhà thơ nhưng rất thực tế, không mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây!
Cả ba người cùng cười. Ngoài cổng lại thêm nhiều tiếng xe gắn máy. Một người phụ nữ đứng tuổi, tóc bạc trắng, dáng người hơi thấp, nặng nề bước sau một cô gái trẻ đang đi trên con đường lát sỏi vào nhà. Vẫn Vũ Hải bước ra mở cổng. Hải khúm núm:
- Dạ mời cô vào, bố cháu và bác Thắng đang nói chuyện trong phòng khách.
- Cứ mặc cô, người đàn bà xởi lởi đáp lời.
Cô gái nhìn người phụ nữ đang đi vào phòng khách, ghé tai Vũ Hải:
- Anh dặn em mười một giờ kém mười lăm xuống bệnh viện đón cô. Em phải đến từ mười rưỡi. Thấy em bà ấy hỏi như hỏi cung: “Mày thế nào với thằng Hải?” “Dạ, cháu là... là... bạn anh ấy” “Bạn thế nào...?” Rõ mấy bà khốt, bạn là bạn chứ thế nào. Em nói đại đi “Cháu là người yêu của anh Hải”. Bà cười “Thế thì tao nhận lời cho mày chở. Thằng Hải cũng vừa điện thoại báo với tao”.
Cô gái vừa nói vừa lườm người phụ nữ đã yên vị trong phòng khách, trong khi Hải dắt chiếc xe gắn máy ra phía sau nhà.
Người phụ nữ đó là bác sĩ Tú Vân, bạn học sau ông Vũ Thịnh mấy lớp. Bà hiện là giám đốc bệnh viện phụ sản, nơi Vũ Hải làm việc. Tính bà thẳng thắn, bộc trực, lại là bạn cũ của bố mình nên rất có uy với Vũ Hải. Bà cầm ly nước trên tay, liến thoắng với ông Thịnh và ông Thắng:
- Này anh Thịnh, nàng dâu được đấy chứ. Vừa nói, bà vừa nghĩ ra điều gì. Thôi chết, cho tôi vào thắp cho chị Thịnh nén nhang đã.
Người con gái đi bên Vũ Hải vào phòng khách, lễ phép chào hai ông. Vũ Hải giới thiệu:
- Thưa bác Thắng, cho cháu giới thiệu với bác: đây là Thu Hồng, bạn cháu.
Ông Thịnh đệm vào:
- Cháu Hồng, tôi vừa giới thiệu với anh đấy. Nhà thơ trẻ, học tổng hợp văn ra. Hiện đang làm biên tập phần văn nghệ cho một tờ báo. Viết được lắm!
Thu Hồng xin phép ông Thịnh, ông Thắng xuống dưới bếp phụ giúp nấu nướng.
Bạn bè, bà con của ông bà Vũ Thịnh đã đến chật phòng khách. Chuông đồng hồ điểm mười một giờ. Trước bàn thờ bà Thịnh, ông Thịnh và Hải đang dâng hương, khói bay đặc cả căn phòng. Vũ Hải đưa chiếc khăn tang phủ một lớp bụi ra trước nhà, châm lửa đốt.
Gần một giờ chiều, khách mới lục đục ra về. Vũ Hải ra tận ngõ, bắt tay cảm ơn từng người một. Bà Tú Vân mặt có tí men, hồng lên. Bà kéo ông Vũ Thịnh ra một góc, thì thầm:
- Tôi báo với anh, liệu mà lo chuyện vợ con cho thằng Hải.
- Tôi chưa hiểu ý chị, ông Thịnh thảng thốt.
- Thằng Hải dạo này có những biểu hiện không được bình thường. Tôi nghe một số bệnh nhân họ kêu. Không có chứng cớ nhưng dư luận là dư luận. Tôi gọi nó lên, lấy tình cô cháu khuyên giải, nó chối.
- Thực tình chị nói tôi mới biết. Từ ngày bà ấy mất đi, tôi vì thương con, có dễ dàng với nó.
- Đấy là chỗ sơ hở của chúng ta. Nó trưởng thành hơi sớm, lại sinh ra trong một gia đình tuy nề nếp, gia giáo nhưng anh và cả chị lúc còn sống rất nuông chiều nó. Phép tắc và nuông chiều cân bằng nhau thì không có chuyện gì xảy ra. Nói phải tội, chị mất đi, vế đối lập với nuông chiều không còn nữa. Anh thì quá hiền lành, xin lỗi, nhiều khi nhu nhược với nó. Thằng Hải có tài nhưng nó còn trẻ lại nhiễm thêm cái máu tự kiêu tự đại, cái bệnh người hùng nên bây giờ hơi vung vênh.
Ông Thịnh thở dài. Bà Tú Vân đọc được ý nghĩ của ông, tiếp lời:
- Tôi đang có một phép để kìm chân nó lại. Đó là việc đề bạt nó làm chủ nhiệm khoa. Đã là chủ nhiệm khoa là phải mẫu mực, đứng đắn. Cho cu cậu ngồi vào cái ghế ấy để tự sửa mình. Các anh bên đảng ủy và tổ chức thì chưa nhất trí. Hiện có hai phó khoa, nó và bác sĩ Luận. Chị Luận chuyên tu nhưng chịu khó học hỏi, tay nghề cũng tạm ổn. Phải cái hơi lớn tuổi lại bị cái mác chuyên tu nó ám. Thằng Hải thì ăn đứt nhưng lại chưa đảng viên. Nhân viên trong khoa kẻ khen người chê, kẻ yêu người ghét. Xem chừng nó thắng phiếu.
- Thôi, cái đó tùy chị cân nhắc. Nhưng theo tôi, chúng ta phải cứng rắn. Tôi sẽ cho nó một bài học.
Giọng ông Thịnh bực bội. Bà Tú Vân níu tay áo ông Thịnh, hạ thấp giọng:
- Ấy chết, anh làm thế là hỏng. Mọi chuyện đang trong vòng dư luận. Nhưng không có lửa làm sao có khói. Anh bình tĩnh đi, có gì tôi tin lại anh biết.
Ông Thịnh mặt tái nhợt, đưa bà bạn ra cửa. Thu Hồng cúi đầu chào ông Thịnh và Vũ Hải rồi nổ máy, chở bà Tú Vân về nhà.
Một mình ông Thịnh quay lại ngồi thẫn thờ trong phòng khách. Ông nhìn những bóng đèn trên chùm đèn treo lơ lửng giữa trần nhà. Kỷ niệm về người vợ quá cố bỗng hiện về đậm nét. Phút lâm chung, bên giường bệnh, bà đã nói với ông lời trăn trối: “Thằng Hải có tài nhưng cũng nhiều tật, đua đòi, đàng điếm. Lơ đi là hỏng...”. Lời di chúc ấy không ghi thành văn bản nhưng đã tạc vào tâm trí ông như một cuộn băng ghi âm. Nhiều đêm, trong giấc mơ, cuộn băng ấy lại tự động mở ra trong niềm suy tưởng từ nỗi nhớ tiếc bà.
Ông Thịnh trở về với thực tại. Nắng chiều nhợt nhạt rải vàng lên cành cây trong vườn. Sau nhà, mấy cô em gái bà Thịnh đang dọn dẹp. Hải bước vào ngồi đối diện với ông Thịnh. Nhìn vẻ mặt trầm tư, mệt mỏi của bố, Hải man mác buồn:
- Hình như bố không được khỏe.
- Bố buồn, buồn lắm con ạ.
- Bố buồn vì hôm nay là ngày giỗ mẹ?
- Không. Bố nghĩ về mẹ con một phần. Bố đang nghĩ về con. Con đã ba mươi tuổi, đã đứng đầu một khoa ở bệnh viện, đã tự quyết định lấy mọi điều trong công việc và cuộc sống, con không thể không hiểu. Từ ngày mẹ con mất đi, bố ít quan tâm đến công việc, tu dưỡng của con. Vì bố tin con.
Ông Thịnh lắc đầu, nuốt tiếng thở dài. Khuôn mặt của ông bỗng trở nên u buồn. Hải cúi mặt, dáng suy nghĩ, đưa hai bàn tay đỡ lấy cằm. Chợt nhớ lại trước lúc ra về, bà Tú Vân xầm xì điều gì đó với bố mình. Vũ Hải đã ít nhiều hình dung ra câu chuyện. Hải hiểu điều bố mình định nói, nhưng cố tình lảng sang chuyện khác:
- Thưa bố, chuyện con với Thu Hồng có lẽ không ổn.
Ông Thịnh giật mình:
- Con nói sao, không ổn là thế nào?
- Cô ấy mơ mộng quá, còn con thì lại thực dụng, suốt ngày với công việc. Con thấy không hợp.
Ông Thịnh đứng dậy, chắp hai tay sau lưng, đi lại trong phòng khách với dáng bực bội. Hải nhìn bố, do dự:
- Bố cho con quyền quyết định chuyện trăm năm của con.
- Không ai ép anh cả. - Giọng ông đầy giận dữ. - Anh đừng tưởng anh lớn rồi, khôn rồi, tự lập được rồi thì cha mẹ không đóng vai trò gì nữa. Anh nhầm!
Trút xong những lời trách mắng ấy, ông như vừa làm xong một việc quá sức. Chưa bao giờ ông nặng lời với con như vậy. Vậy mà hôm nay ông đành phải dùng quyền làm bố để răn dạy con mình. Cơn giận như nguôi đi một phần, ông Thịnh rơi vào cảm giác đau đớn. Ông đưa tay ôm ngực. Hải biết cơn đau mạch vành đang hành hạ bố mình. Anh đứng dậy đỡ ông ngồi xuống, dịu giọng:
- Thì hôm nay nhân ngày mẹ con mất con ướm lời với bố vậy, chứ con đã quyết định dứt khoát đâu.
Hải dìu ông Thịnh vào giường nằm nghỉ. Ông Thịnh mệt mỏi nằm trên chiếc giường có phủ drap trắng, lòng ngổn ngang những suy nghĩ về đứa con trai độc nhất của mình. Nó là người sẽ thay mặt ông hiện diện trên đời này.
Bệnh viện hướng mặt tiền ra con đường lớn dẫn vào thành phố. Đường tàu và đường bộ chạy song song tựa hồ như hai mạch máu lớn của một cánh tay. Cổng vào có một trạm chắn tàu hỏa. Mỗi khi không có tàu qua, hàng rào chắn được kéo vào sát tường rào, nhường chỗ cho người xe đi lại. Trước cổng, hàng nước, hàng quà, hàng tạp phẩm, xích lô, xe ôm, nhộn nhạo như một cái chợ nhỏ đủ thượng vàng hạ cám để thỏa mãn mọi nhu cầu cho cả ngàn người bệnh. Bên kia đường, cửa tiệm, hàng ăn mọc lên san sát. Xe cộ vào ra thành phố như hai con suối lớn chảy ngược chiều nhau, huyên náo c ngày lẫn đêm.
Khoa cấp cứu hồi sức là dãy nhà hai tầng xây từ thời Pháp, kiến trúc liên hoàn gồm nhiều phòng khác nhau cho các loại bệnh. Bên cạnh phòng hành chính là phòng của giáo sư chủ nhiệm, phòng cho bác sĩ, phòng giao ban khoa. Tất cả đều được quét vôi trắng, hòa quyện vào màu trắng của những tà áo blouse của y tá, sinh viên, bác sĩ. Ở các phòng bệnh, đi ngoài hành lang đã ngửi thấy mùi nồng nặc của thuốc sát trùng sàn nhà, mùi nhè nhẹ của Ether, mùi cồn, mùi thơm của các loại thuốc. Cũng trên hành lang chật hẹp đó, người nhà bệnh nhân đứng ngồi lố nhố, có người ngồi bệt xuống cả bục lên xuống, mệt mỏi chờ mỗi ngày trôi qua.
Giáo sư Vũ Thịnh cất chiếc xe đạp Mifa đã cũ vào nhà xe, bước vội vàng vào phòng chủ nhiệm. Ông cởi áo khoác ngoài, mặc chiếc blouse trắng hơi rộng so với khổ người, sang phòng giao ban.
Gần trước cửa phòng làm việc của ông, một phụ nữ còn trẻ, khuôn mặt xanh, đôi mắt buồn, đứng tựa lưng vào tường. Ông không để ý. Mãi khi cánh cửa phòng ông vừa hé mở, người phụ nữ bước lại, ông ngạc nhiên thốt lên:
- Kìa Thảo, sao lại đứng đây. Đêm qua anh Bút có chuyện gì không?
Người phụ nữ tên Thảo rầu rĩ đáp:
- Nhà cháu khỏe, đêm qua ngủ được. Có điều... Giọng cô trở nên ấp úng.
Ông Thịnh tươi cười, vỗ nhẹ vào vai Thảo:
- Chờ bác một chút, bác đi giao ban cái đã.
Nói xong, ông bước vội vào phòng giao ban. Chiếc bàn phủ drap trắng đang chờ ông. Bên cạnh, người bác sĩ trẻ trực đêm cặp mắt lờ đờ trước một quyển sổ lớn mở rộng, chi chít chữ. Phía dưới những hàng ghế đã kín chỗ ngồi với những thứ bậc nhất định: bác sĩ, y tá rồi sinh viên ngồi sau cùng.
Giáo sư Vũ Thịnh ngồi nghiêm trang vào chiếc ghế dành cho ông, chủ trì cuộc giao ban. Cả phòng im phăng phắc. Tiếng người bác sĩ trực cất lên lanh lảnh:
- Báo cáo trực ngày 16 tháng 12:
Bệnh nhân tử vong: Hồ Ngọc Đại, ba mươi tuổi, chẩn đoán của khoa phòng: dị ứng chậm Ampicillin. Bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt được chuyển từ khoa nội lên. Khám, toàn trạng tỉnh táo, da niêm mạc nhợt nhạt. Bệnh nhân có dấu hiệu phù do vô niệu đã ba ngày nay. Tiếng tim rõ, yếu, huyết áp 80/40 milimet thủy ngân. Khi đến khoa hồi sức cấp cứu, huyết áp có nguy cơ tụt, bệnh nhân tiên lượng rất xấu. Xử trí: glucoza 20% hai chai, huyết thanh ngọt 5% một chai, huyết thanh mặn 9% một chai, kèm theo thuốc nâng huyết áp và thuốc lợi tiểu. Lúc 24 giờ ngày 16/12, bệnh nhân hôn mê sâu, mạch không bắt được, xử trí cho thêm một chai glucoza 20% truyền tĩnh mạch. Tình trạng sau đó vẫn xấu, bệnh nhân tử vong lúc 3 giờ ngày 17/12 có mặt tại giường đầy đủ kíp trực.
Bệnh nhân vào viện...
Người bác sĩ trực giọng vẫn đều đều, không nhìn thấy khuôn mặt của giáo sư Vũ Thịnh bỗng biến đổi, hai chân mày châu vào nhau, trán nhăn lại, tỏ vẻ khó chịu. Ông gõ gõ đầu bút bi vào bàn liên tục, chờ người bác sĩ đọc xong, nghiêm giọng:
- Tôi xin lưu ý trường hợp tử vong. Bệnh nhân bao nhiêu tuổi?
- Dạ, ba mươi tuổi.
- Bệnh nhân vô niệu đã ba ngày?
- Dạ khoa nội chuyển lên, hồ sơ đây ạ.
- Tại sao anh không cho chạy thận nhân tạo khi biết chắc là urê máu cao, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm độc?
- Dạ, khi bệnh nhân đến khoa, cả khoa có ba máy thì hai máy đang bận dùng cho hai bệnh nhân, còn một máy bị trục trặc ạ.
- Không thể thế được. Đó là cách giải thích, cách giải thích sai. Trường hợp tử vong của anh Đại là lỗi của chúng ta. Giải quyết vấn đề vô niệu không triệt để. Lại cho dung dịch glucoz truyền tĩnh mạch quá nhiều khi thận không làm việc được!
Nhiều tiếng xầm xì phía dưới. Có những cánh tay đưa lên xin phát biểu. Giáo sư Vũ Thịnh xua tay:
- Ta để vấn đề này lại xem xét kỹ vào một buổi khác.
Người bác sĩ trẻ cúi đầu như một người có lỗi. Phía sau những dãy ghế của sinh viên, hai nữ sinh viên nháy nhau:
- Thì xưa nay người ta chả nói hồi sức cấp cứu là “hết sức chờ chết” là gì. Ông mãnh Nhuận ấy là chủ quan lắm. Biết bệnh nhân nặng tại sao không gọi điện thoại cho thầy Thịnh.
Tiếng cô bạn bên cạnh:
- Thì thế mới có chuyện để nói. Nghe nói ông Nhuận ấy chỉ lo phòng mạch ở nhà, thỉnh thoảng lại tìm cách câu bệnh nhân về chữa trị.
- Ồ, ông nào chả vậy, ông nào chả cần tiền, còn bao em út, bao bồ bao bịch nữa chứ!
- Thế mày đã có ông nào bao chưa?
Cô gái đấm vào lưng bạn:
- Có mày ấy.
Giáo sư Vũ Thịnh nới lỏng chiếc cà vạt thắt trên cổ áo sơ mi màu trắng của mình, khẽ thở dài, cúi xuống ghi ghi trên một cuốn sổ nhỏ. Đầu ông khẽ lắc rồi đứng dậy giải tán cuộc giao ban. Người bác sĩ trực đêm qua tay ôm quyển sổ trực, đi vội vã sau lưng giáo sư:
- Thưa thầy, trường hợp này không ngờ lại tử vong nhanh thế ạ.
- Cái này ta sẽ phân tích kỹ trong buổi kiểm thảo tử vong.
- Dạ, vâng ạ.
Nói xong, anh bước vội vã, lẫn vào dòng người đang đi lại trong hành lang.
Giáo sư Thịnh ngạc nhiên khi cùng chờ trước cửa phòng chủ nhiệm, đứng bên cạnh Thảo là chị hộ lý già tên Tấm mà sinh viên thường gọi đùa là u già. Tấm đã bước sang tuổi năm mươi, người thấp đậm, tóc đã nhiều sợi bạc. Mấy cô sinh viên đi qua, thấy chị Tấm đứng tỉ tê điều gì với Thảo, níu áo đùa:
- U i, đêm nay u có trực không. Có mì tôm cho chúng con một gói, đêm trực đói lắm u ạ.
Chị Tấm mắng yêu:
- Cha chúng mày, tôm với chả cá.
Chị mắng vậy chứ bọn sinh viên coi chị như mẹ. Đêm trực chị hay tìm cách bồi dưỡng cho sinh viên. Lúc gói mì, lúc cái bánh giò nóng, lúc trái cam. Hễ chị trực là có cái ăn. Lương của chị ít nhưng con cái đã lớn cả rồi, chị đã đến tuổi nghỉ hưu. Chị công tác ở đây hơn ba mươi năm, từ khi còn là cô gái mười tám tuổi ở dưới quê lên. Chị vẫn tự hào, trong khoa có hai thâm niên lâu nhất, chị và giáo sư Thịnh... “Tao à, tao còn về đây trước thầy Thịnh chúng mày cơ!”
Hai cô sinh viên khúc khích cười bỏ đi.
Vừa thấy bóng chị Tấm đứng với Thảo trước cửa phòng, giáo sư Thịnh chợt nghĩ chắc có điều gì đây. Người hộ lý già tốt bụng ấy chỉ gặp ông, chỉ xin ông những sự giúp đỡ khi thật cần thiết. Từ đằng xa, giáo sư Thịnh đã lên tiếng:
- Nào bà chị, chắc có chuyện gì rồi phải không?
Tấm xởi lởi:
- Em gặp anh là có chuyện. Chị cười hô hố, để lộ hàm răng đã bị sâu làm rụng đi một vài chiếc. Chị nắm lấy áo giáo sư: Báo cáo anh, con Thảo cứ nằng nặc đòi đưa chồng nó về.
Ông Thịnh so vai, vẻ ngạc nhiên:
- Sao, cháu Thảo, sao lại có chuyện ấy?
Thảo cúi xuống, đưa tay vê đi vê lại chiếc gấu áo len màu nâu nhạt đã ngả sang màu nâu sẫm. Hai môi cô mím chặt, đôi mắt từ từ nhắm nghiền lại. Cô gục đầu vào vai chị Tấm, nước mắt trào ra:
- Thì có gì cứ vào phòng cái đã. Giáo sư Thịnh mở cửa mời hai người vào phòng.
- Báo cáo anh, nó hết tiền từ ngày hôm kia, em biết tin đã đưa nó năm chục. Hôm nay lại hết, không có gì bồi dưỡng thêm cho thằng chồng. Tội nghiệp, thằng chồng lại đang ăn giả bữa.
Giáo sư Thịnh châm một điếu thuốc. Thường những lúc cần nghĩ ngợi hay lúng túng trước việc gì, ông thường nhờ sự giúp đỡ của điếu thuốc. Ông bỏ kính lên bàn, chậm rãi nói:
- Trường hợp của chồng cháu, tiến triển thế là tốt. Siêu âm cho thấy, khối u có xu hướng nhỏ đi. - Ông lắc đầu. - Chưa về được đâu, tối thiểu là vài tuần nữa.
- Thưa bác - Thảo thút thít - cháu cũng muốn cho nhà cháu khỏi bệnh. Khổ nỗi, dưới quê còn hai đứa nhỏ. Cả nhà chỉ trông vào đồng lưng dạy học của cháu. Lên đây đã nửa tháng rồi...
Thảo lại khóc. Chị Tấm vẻ sốt ruột, mắng át:
- Ơ cái con này buồn cười chưa. Để từ từ tao tính, làm rối cả lên!
Căn phòng nhỏ trở nên nặng nề. Vẫn tiếng chị Tấm:
- Em không mấy khi phiền anh, cả những lúc người nhà em có người đau yếu. Trường hợp con Thảo, trường hợp đặc biệt, em xin anh...
- Có nhanh cũng phải mười ngày nữa. Đó là đợt đầu. Về sau còn phải thêm một vài đợt nữa. ông ngừng lại rít thêm một hơi thuốc. Thôi thế này, trường hợp này tôi sẽ liên hệ với hội “Tấm lòng vàng” nhờ họ giúp đỡ. Trước mắt sẽ có cách.
Ông mở tủ, lục ở ngăn cuối cùng, lấy ra một chiếc phong bì nhỏ. Ông bước tới trước mặt Thảo, giọng trầm hẳn xuống:
- Đây là số tiền hôm trước bác được thưởng của một công trình nghiên cứu. Cháu cầm lấy bồi dưỡng cho chồng cháu.
Tho mếu máo:
- Cháu biết bác tận tình với cháu. Nhưng tiền thì cháu xin bác không nhận.
Giáo sư Thịnh cầm phong bì đặt vào tay Thảo:
- Thôi, cứ cầm lấy, coi như bác cho mượn. Bác đang bận đi giảng bài đây.
Chị Tấm đế thêm vào:
- Thì mày cứ cầm đi. Con này lạ thật. Em cảm ơn anh, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Hì... hì...
Ông Vũ Thịnh xách cặp, vẻ vội vã bước đi. Thảo vẫn nép bên người chị Tấm, đôi mắt ngấn nước, nhìn theo bóng giáo sư Vũ Thịnh đến khi ông khuất ở cuối hành lang.
Đã thành lệ, cứ thứ hai và thứ sáu, Tú Trinh - con gái bà Tú Vân - đến học Pháp văn với Vũ Hải. Sau một năm du học ở Pháp, Vũ Hải nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Chỗ quen thân với bà Tú Vân như trong nhà, Vũ Hải dành hai buổi chiều trong tuần để kèm cặp Tú Trinh, cô đang chuẩn bị ngoại ngữ để đi Pháp. Lớp phụ đạo ở ngay trong phòng ngủ của Vũ Hải. Trên tường có treo một tấm bảng nhỏ màu trắng bằng mica, một chiếc bút dạ màu xanh để cạnh. Vũ Hải quần soọc, áo pull để hở những bắp chân bắp tay săn gân, dáng bộ điệu đà cầm bút dạ viết lên bảng, miệng chúm chím như hoa nở:
- Hôm nay, ta ôn lại chương động từ. Động từ trong tiếng Pháp có ba nhóm. Nhóm một gồm những động từ có đuôi er, ví dụ parler, jouer, aimer. Trinh chia động từ aimer ở thì hiện tại.
- J’aime, t’aimes, il’aime...
- Bon! Tôi yêu em thì dịch thế nào?
Tú Trinh hơi luống cuống, đôi má ửng đỏ, lúng búng trong miệng không dám thốt thành lời:
- Je t’aime! Je... t’aime...!
Hi gật đầu, đắc chí bước đến cạnh cô:
- Phải rồi, giỏi lắm, học trò cưng của anh.
Hải bước lại, quàng vai Trinh. Cô dùng hai tay đẩy Hải ra nhưng động tác không mạnh và không dứt khoát. Hải đặt những chiếc hôn nồng nàn lên đôi môi đỏ mọng của Trinh.
- Buông ra nào, anh. - Cô lấy ngón tay trỏ chỉ vào trán Vũ Hải. - Tham nhé. Đây nói cho mà biết, đây chỉ cho mượn mấy ngày khi con bồ anh nó đi vắng thôi nhé. Còn cái thằng chồng mất dạy của em mà nó biết, toi mạng đấy!
Hải vênh mặt, đốp lại:
- Đây cũng đếch sợ. Có giỏi cứ chơi vào. Đây chơi luật giang hồ.
- Ha, ha! Trí thức mà ăn nói hay nhỉ. Không biết xấu cái mặt.
- Thức với chả ngủ. Đây chỉ thức ở bệnh viện. Còn ngoài đường, cởi blouse ra, thằng nào chả giống thằng nào. Tiến sĩ cũng cần gái mà thằng xích lô, bụi đời cũng cần gái!
- Giỏi, giỏi lắm. Thế có dám vênh mặt trước cái con nhà thơ nhãi ranh mà liến thoắng thế không. Xin lỗi, không sợ vãi đái ra đấy!
Vũ Hải đưa tay với ly rượu, rót ra một ly. Rượu vàng óng, thơm phức. Hải đưa ly rượu cho Trinh:
- Nào, lady first!
- Nịnh đầm giỏi đấy!
Trinh uống hết ly rượu, rót ly khác cho Hải:
- Thank you!
Hải lim dim nằm vật ra giường, đưa tay kéo Trinh nằm xuống. Nhưng cô đã cưỡng lại, đứng bật dậy.
- Đủ rồi, nỡm ạ. Em phải về không ông bô anh về thì chết!
Cô cúi xuống cài lại dây xăng-đan, săm soi bước ra cửa. Chuông điện thoại trên bàn vang lên, Hải đưa tay chụp lấy:
- A lô, Vũ Hải đây! Ô, chào em. Sao về mà không báo anh ra đón. Sao? Cả quan ra đón à. Được rồi, anh đến ngay.
Trinh dẩu môi, lườm Vũ Hải:
- Thấy chưa, con ranh nó về hả? Vừa nghe thấy tiếng đã sun tịt lại. Thế mà đòi chi luật giang hồ. Anh hùng rơm! Thôi, aurevoir! Bài học chiều nay em cho nợ.
Trinh bước nhanh ra khỏi phòng, đóng sập cửa lên xe nổ máy đi thẳng.
Vũ Hải ăn mặc gọn gàng bước từ trong phòng tắm ra đứng trước gương chải tóc, mỉm cười mãn nguyện. Gần ba mươi tuổi, Hải là quyền trưởng khoa sản của bệnh viện phụ sản, vị trí mà nhiều người đàn anh nằm m cũng không có được. Hải vốn là sinh viên nội trú khoa sản, ra trường ít năm đã làm xong chuyên khoa cấp một, được gửi đi tu nghiệp một năm ở Pháp, tiêu chuẩn dành cho cán bộ trẻ có năng lực. Về nước đúng vào dịp bác sĩ trưởng khoa, phó giáo sư nguyên là thầy học của Hải lâm bệnh nặng, trong khi đợi bầu trưởng khoa, Hải thay quyền chủ nhiệm điều hành mọi công việc trong khoa. Dư luận trong bệnh viện bàn tán rằng, có bầu trưởng khoa Hải vẫn “dính” vì Hải trẻ, năng lực vượt xa bà phó khoa hơn ba mươi tuổi nghề vốn xuất thân từ y sĩ chuyên tu. Lúc ấy, bà Thịnh hãy còn sống. Bà dạy con theo cách của mình. Vừa nuông chiều, vừa nghiêm khắc, lấy cái truyền thống gia đình cho Hải noi theo. Chẳng xa xôi gì, cứ noi lấy gương ông bố. Cách giáo dục của bà đượm sắc màu phong kiến “Đi thưa, về trình”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Bà Thịnh tự hào về cục cưng của mình đã nên người và đã có một chỗ đứng khá vững vàng trong nghề nghiệp.
Đùng một cái, bà Thịnh mất. Hải như chim sổ lồng bay vào bầu trời tự do. Ông Thịnh cũng đã nhìn thấy điều bất lợi cho con khi không còn những chiếc roi vô hình của người mẹ. Còn ông, ông không thể rèn một ngọn roi mới vì bản tính ông không thể cứng rắn. Từ đó, Hải như cây măng mọc lệch, không giữ mình trước môi trường có quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy.
Hải một mình thong dong phóng xe trên đường. Buổi chiều, đường phố nhộn nhịp với muôn màu áo. Hai bên đường những hàng cây đã thay lá mới. Gió thổi tung mái tóc, làm căng phồng chiếc áo phông Hải đang mặc. Anh chạy chậm lại, xi nhan đèn xin đường, rẽ vào một phố nhỏ.
Thu Hồng đã đứng chờ trước cửa. Vừa nhìn thấy Vũ Hải, cô reo lên:
- Trời ơi, anh. Xa anh một tuần mà cứ ngỡ là cả tháng!
Vũ Hải cười:
- Còn anh cứ ngỡ là một thế kỷ!
Hồng tát nhẹ vào má Hải trong khi Hải nắm chặt tay cô, cúi người xuống định hôn lên đôi má bầu bĩnh của Thu Hồng nhưng cô kịp né được đấm thùm thụp vào lưng anh, lùi lại, mở rộng cánh cửa cho Hải vào.
Căn phòng của Thu Hồng có thể nói là gọn gàng. Một tủ kính đựng sách ngay ngắn. Trên nóc tủ, tượng bán thân của Puskin được quàng khăn quàng đỏ. Hồng bảo: “Để cho nhà thơ trẻ mãi”. Đối diện với bàn viết có cửa sổ hướng ra phía đường đi, khi cần có thể đóng lại với hai lần kính chớp để giữ cho căn phòng yên tĩnh khỏi bụi bặm, Hồng kê một bộ ghế mây nhỏ không ra cho trẻ con, không ra cho người lớn. Nằm lọt giữa hai chiếc ghế, chiếc bàn con cũng bằng mây trên có phủ một tấm vải trắng. Một bình hoa với một bông hoa hồng bằng lụa, đẹp đến mức dễ tưởng nó là hoa thật.
Hồng tách quả sầu riêng thành hai mảnh. Múi sầu riêng nõn nà, vàng nhạt như những cục bơ nằm gọn trong thớ quả màu trắng. Hồng cẩn thận cho ra một chiếc đĩa, giục Hải:
- Anh ăn đi, quà riêng cho anh đấy.
Sầu riêng đưa hương thoang thong làm thơm nức cả căn phòng. Hải vẫn ngơ ngác, ngại ngùng nhìn thẳng vào mắt Hồng. Cảm giác tội lỗi, dư âm cuộc gặp gỡ với Tú Trinh vừa rồi vẫn chưa tan. Môi Hải như vẫn ngòn ngọt vị hôn đắm đuối với Trinh. Và tim Hải, thần kinh của Hải vẫn chưa hết cơn hưng phấn mà sau mỗi cuộc truy hoan, phải nhiều giờ mới trở lại bình thường. Hồng về đột ngột, Hải chưa kịp chuẩn bị một tâm lý thanh thản để đón nhận, cứ ngơ ngác như người từ tiên cung xuống.
- Kìa, anh ăn đi, sao mặt anh cứ nghệt ra vậy?
- Đêm qua anh trực, đứng mổ suốt đêm. Hải chống chế bằng một câu nói dối gần như muôn thuở.
Hồng cụt hứng ngồi nhìn Hải thẫn thờ, khuôn mặt như không có linh hồn, dại đi trước lặng im của buổi chiều. Hồng đã linh ảm thấy có một việc gì vừa xảy ra với Hải nhưng cô tin người tình của mình không bao giờ nói dối. Hồng đứng dậy đến bên Hải, nhỏ nhẹ:
- Thôi, anh mệt nằm xuống đây mà nghỉ. Vừa nói Hồng vừa đỡ Hải bước đến bên giường. Hải làm vẻ nũng nịu uể oải đứng dậy bước đi, vờ gục người vào vai Hồng. Hồng mắng yêu: Thôi, đừng có mà nhõng nhẽo, lại đây rồi em đọc cho nghe mấy bài thơ em vừa làm trong ấy.
Hải bắt đầu phấn chấn, nở một nụ cười rất tươi để lộ hàm răng đều và trắng. Hải mơn trớn:
- Bà mà đi tuần nữa chắc tôi chết!
- Không dám đâu. Đàn ông anh nào chả thề, chả thốt, nhớ nhớ, thương thương chỉ đầu lưỡi. Em đi guốc trong bụng quý vị. Em mà đi hai tuần, anh có hàng đống bồ. Chứ không à?
- Xấu như anh ma nào nó mê, may mà có em.
Hồng cũng nằm xuống, gối tay lên Hải, huyên thuyên:
- Anh biết không, hôm xuống Bến Tre, tụi em đi đò trên sông Tiền sang Chợ Lách. Cả một huyện như một mảnh vườn lớn đầy cây trái, kênh rạch dọc ngang. Em buồn cười, có một tay giáo viên dạy văn mặt non choẹt, cứ lẵng nhẵng theo em.
Hải hôn lên má Hồng:
- Thế em có phải lòng hắn không?
- Tình suông một giờ. Em đọc cho hắn nghe một đoạn thơ của Onga Bergon “Xin đừng đụng vào cây mùa lá rụng” khi đi ngang vườn cây sầu riêng có những chiếc lá vàng lìa cành đang bay bay trong gió. Hắn mời em uống cà phê trong một quán dưới gốc sầu riêng. Chiều đó có bài thơ này. Nhưng mà không được ghen đâu nhé.
- Ai thừa hơi mà ghen với giới “lơ lửng cùng mây”.
Hồng ngước lên trần nhà, ánh mắt bỗng tan biến vào hư vô, thả hồn vào cõi mộng mơ, cất giọng thanh thanh:
Tôi vô tình ngồi dưới gốc sầu riêng
Gió cũng buồn như lời ai đang hát
Anh mới quen như chân trời lần đầu tôi gặp
Giọt cà phê - đắng cả nụ cười.
- Hay, hay, khá lắm!
Nói xong, Hải ôm chầm Thu Hồng, đặt lên môi cô những nụ hôn cháy bỏng. Hồng như nghẹt thở, mắt lim dim trước những giây phút thần diệu. Đột nhiên, Hồng đưa tay đẩy Hải ra xa:
- Em hỏi này, ở nhà có lòng thòng nơi nào không đấy?
- Ồ, em nói gì lạ vậy? Bộ em không tin anh hả?
- Tin vẫn tin, ngờ vẫn ngờ, hiểu chưa ông tướng?
Hai người lại quấn chặt vào nhau. Hải đưa tay vuốt tóc Hồng, vuốt má Hồng rồi đưa qua cổ áo rộng thùng thình đặt lên bầu vú nóng hổi, căng phồng của cô. Mắt Hồng nhắm lại, hai tay buông thõng như người vừa qua một cơn say nắng, mềm nhũn dưới đôi tay rắn chắc của Hải. Nhưng cô chợt gỡ tay Hải ra, cài lại khuy áo, ngồi phắt dậy:
- Sao anh không nói chuyện cưới xin gì cả?
- Ô hay, hai năm trước, khi bà già anh còn sống, anh chả nói đến chuyện ấy là gì. Em có nhớ em nói gì không? Bảo để cho em học xong cái đã. Em học xong thì anh đang chịu tang bà cụ.
- Ừ nhỉ. Thế mà em không nhớ.
- Nhưng hôm nay, anh làm chồng em đấy!
Hồng giật nẩy người:
- Chết, chưa cưới xin gì, đừng nói nhảm.
- Tiền trảm, hậu tấu, em làm vợ anh đi rồi giấy tờ sau.
Hải ôm chầm Hồng vào người, hôn tới tấp lên môi lên cổ, đưa tay giật tung chiếc áo. Hồng như bị xúc phạm, đưa tay che ngực, đứng phắt dậy, nghiêm nét mặt lại, nói như ra lệnh:
- Anh Hải, em yêu anh, yêu thật sự từ mấy năm nay rồi. Nhưng em không thể dễ dãi với anh được. Mọi việc đều có giới hạn. Em là con gái, em phải giữ.
Hải nham nhở cười, mặt sạm đi như vờ không nghe Hồng nói, sán đến ôm chầm lấy cô, vứt tung cả chiếc áo xuống đất, để lộ bộ ngực trắng nõn, xinh đẹp, Hồng quyết liệt chống đỡ, nhân một lúc Hải dừng lại để thở, Hồng dồn sức tát cho Hải một cái. Hải buông Hồng ra, lúi húi đứng dậy nói một mình:
- Cô nói yêu tôi, tình yêu mà như vậy à? Thế mà cũng đòi cưới xin, không biết ngượng!
Hồng quỳ xuống trước Hải, nói như khóc:
- Em xin lỗi anh, anh bỏ qua cho em. Điều thiêng liêng ấy em dành cho anh ngày cưới.
Hải dằn giọng:
- Tôi cần em chứng minh tình yêu trước tôi!
- Em nói, em giữ cho anh mà.
Hồng bước tới đưa tay đặt lên vai Hải. Hải hất tay Hồng, cười gằn:
- Hay dâng hiến cho thằng nào rồi?
Hồng trợn trừng mắt ném vào mặt Hải cái nhìn đầy căm giận:
- Thôi anh đi đi, anh thô tục lắm. Hồng rú lên, hai hàm răng xiết lại.
- Vâng, thì đi, gút-bai luôn nhé!
Hải bước ra, không quay mặt nhìn lại. Hồng ngơ ngác nhìn theo rồi cô gục xuống giường, nấc lên từng hồi.
Ngoài kia trời gần tối, nắng cuối đông mong manh trên những hàng sấu già nua với những chiếc lá úa vàng, một ngọn gió bấc liu hiu cũng đủ làm chúng lìa cành.
Bệnh viện phụ sản nằm giữa trung tâm thành phố. Phía trước, những dãy bàng cao lớn, tỏa bóng mát quanh năm. Thân cây xù xì, đùn lên những khối u nham nhở làm xấu xí cả thân cây vạm vỡ. Dưới gốc, những chiếc lá rụng đỏ ối cả nền đường. Phía trong chiếc cổng sắt, chỉ mở khi có xe cứu thương đi qua, những ngôi nhà hai tầng cổ kính hướng mặt ra một vườn hoa nhỏ có bốn con cóc ngồi phun nước bốn bên, nước chảy róc rách xuống một chiếc hồ hình tròn, mấy lá sen già lỗ rỗ xòa trên mặt nước. Quanh hồ đủ các loại hoa. Hoa đồng tiền mùa này nở rực màu vàng và đỏ, bông to và đẹp trên một chiếc cuống khẳng khiu màu xanh. Hoa thược dược xếp những lớp cánh nhung khép nép bên nhau thành nhiều tầng, từ xa ngỡ những nụ cười của ai đánh ri nay được ghép lại trên cây.
Bác sĩ Vũ Hải đầu đội bonnet, blouse trắng vừa bước từ phòng giao ban bệnh viện ra, lơ đễnh nhìn những dòng nước li ti từ miệng con cóc. Chung quanh, nhiều chiếc áo trắng đang đi lại. Bệnh nhân mặc những chiếc váy rộng màu trắng ngồi chật ghế đá, khoan khoái nhìn lên bầu trời mùa đông đầy nắng.
Vũ Hải vẫn nhìn không chán mắt những con cóc phun nước. Những giọt nước nối đuôi nhau rơi xuống mặt hồ, lăn tăn như những giọt mưa. Có tiếng chân người bước về phía Hải. Đó là một cô y tá trẻ. Cô không dám tới gần, vừa đi vừa nói:
- Thưa bác sĩ, bác sĩ Luận mời bác sĩ đến hội chẩn.
Hải không thèm ngoảnh lại, khinh khỉnh:
- Tôi bận rồi, đến giờ mổ phiên!
- Dạ, bác sĩ Luận có dặn em, phải mời cho được bác sĩ.
- Các người làm ăn lạ thật. Cả tiếng đồng hồ giao ban lãng nhách, sao không dùng làm những việc cần làm. Bây giờ đến giờ đi mổ lại gọi.
Giọng Vũ Hải hơi nặng, đầy vẻ cau có.
Cô y tá vẫn nhỏ nhẹ:
- Lúc đầu bác sĩ Luận quyết định mổ cấp cứu nhưng nghĩ thế nào, bác ấy lại thôi.
- Tôi không hiểu nổi cách làm việc của các người...!
Vũ Hải đưa tay nhìn đồng hồ, lắc đầu vẻ bực dọc. Cô y tá im bặt, mặt đỏ bừng, lấm lét nhìn Vũ Hải. Cô như một cái bia để Vũ Hải dồn hết bực dọc. Cô lặng lẽ, cúi đầu, bước như chạy về phòng mình.
Buổi sáng hôm ấy, trong lúc giao ban, giám đốc bệnh viện - Bác sĩ Tú Vân - đã thông báo mời các bác sĩ, cán bộ chủ chốt trưởng phó, phụ trách các khoa chiều nay về phòng giao ban để bầu lại trưởng khoa của khoa sản I, nơi Vũ Hải đang phụ trách. Với Vũ Hải, trưởng hay phó khoa là điều anh không mấy quan tâm. Với một số anh em khác, việc đứng đầu một khoa lại là một niềm kiêu hãnh. Từ trưởng khoa, việc học hành, cất nhắc lên ghế cao hơn sẽ rất thuận lợi. Hiện ở khoa sản I, có hai ứng cử viên nặng ký: bác sĩ Luận và Vũ Hải. Buổi sáng giao ban tại khoa, không thấy bác sĩ Luận nêu ra trường hợp cần hội chẩn. Thế mà bây giờ, đến giờ mổ phiên lại cho người đi gọi. Một bác sĩ dưới quyền ghé tai Vũ Hải:
- Anh Hải ạ, anh lưu ý chiều nay bỏ phiếu thăm dò trưởng khoa. Hai chọn một đấy. Có thể con mẹ Luận nó gài bẫy. Ca đó em xem rồi, ngôi ngược ở bệnh nhân đã mổ. Mổ béng là xong. Đằng này mẹ ấy thử anh. Anh đưa xuống phòng mổ, mụ ấy sẽ cười khểnh. Còn để đẻ thường, lỡ có tai biến gì, anh mang vạ vào thân. Anh sẽ mất phiếu trong cuộc bầu bán chiều nay!
Vũ Hải ỡm ờ:
- Tôi thiết đếch gì trưởng khoa. Ôm rơm dặm bụng. ý kiến của chú mày thâm thúy đấy. Đã thế, moa quyết cho đẻ thường bằng được, không mổ máy gì cả cho mụ ấy trắng mắt ra!
Nói xong, Vũ Hải bước vội theo hành lang thoáng rộng của ngôi nhà hai tầng đối diện với vườn hoa. Những cô y tá đang đẩy những chiếc xe tiêm đi đến các phòng. Người hộ lý luôn tay lau nhà bằng một chiếc cán bằng nhôm có gắn những chiếc giẻ lòe xòe phía dưới trông như một chiếc bừa cào xát đi xát lại, ngừng tay cúi đầu chào Vũ Hải. Trước một cửa phòng có hai cánh đang mở, phía trên có một tấm bảng xanh “Phòng sinh số 1”, Vũ Hải rẽ vào. Một người đàn ông béo phị, trán hói để ria mép, khúm núm chào Hải. Cạnh anh ta hai người phụ nữ khác ăn mặc diêm dúa, mặt đầy son phấn đang hướng mắt vào trong phòng. Một người xì xầm “Hải đấy, bác sĩ Hải đấy”. Tiếng người kia “còn trẻ đấy chứ”, “Phòng không mà lị”. Cả hai cười khúc khích.
Người đàn bà trung niên, mắt đeo kính bước từ phòng phía trong ra, dừng lại trước lavabô đang dùng một tay tháo găng cao su. Liếc nhìn thấy Hải, mắt chị sáng lên:
- À, anh Hải, hay quá, cứu tinh đây rồi!
- Có gì không chị. Giọng Hải lạnh tanh.
- Có chuyện mới mời quân sư. Một ca đẻ khó anh ạ. Bệnh nhân đã mổ đẻ một lần, ngôi ngược, thai to, khó đẻ đường dưới.
Vũ Hải im lặng bước vào phòng sinh. Hai người phụ nữ và người đàn ông trước cửa bước ra bức tường thấp phía ngoài gần vườn hoa xì xào:
- Tay Hải này vừa ở Pháp về. Con một ông giáo sư có tiếng.
- Rau nào sâu ấy. - Tiếng một người phụ nữ. - Trông mặt khôi ngô, nhưng mà kiêu.
Tiếng người đàn ông xen vào:
- Các bà thì biết gì mà bình với xét. Có im đi cho tôi nhờ không. Đang như lửa đốt đây này!
Hải bước ra cùng với bác sĩ Luận, đến trước lavabô, rửa tay. Nhìn vào tấm gương bên trên vòi nước, Hải nhếch mép cười mỉm. Bác sĩ Luận líu ríu:
- Sao anh, ý kiến anh thế nào...?
- Cho hồi sức ngay. - Hải đưa tay lau lên chiếc khăn to treo bên cạnh. - Phôn xuống nhà mổ, nói chờ tôi nửa tiếng. - Hải gõ tay lên bàn, nơi một cô y tá trẻ đang làm sổ sách.
Vũ Hải bước ra ngoài hành lang. Người đàn ông béo mập chìa gói ba số về phía anh, cúi xuống lom khom, giọng lí nhí trong họng:
- Dạ, em nhờ bác sĩ cứu mẹ con cháu. Em lo quá, bác sĩ ơi...!
Người đàn bà đứng bên nói xen vào, giọng nham nhở chưa nói đã cười, thật không đúng với lúc cần phải nghiêm trang:
- Trăm sự nhờ bác sĩ. Bác sĩ cứu giúp hết mình, ông anh em xin hậu tạ.
Vũ Hải rít một hi, thở khói vào không gian. ở ngoài vườn hoa, những con cóc tí hon cứ phun đều đều những tia nước li ti làm cho mặt hồ lúc nào cũng xao động. Vũ Hải lơ đãng nhìn ra những tà áo trắng đang đi lại chung quanh vườn hoa, không trả lời câu hỏi của gã đàn ông béo mập kia.
Người y tá bước ra, đến bên Vũ Hải, nói rất khẽ đủ hai người nghe:
- Tim thai khá hơn rồi bác sĩ ạ.
Vũ Hải cười làm rung rung hàm râu con kiến.
- Ô kê, tôi vào đây.
Khi anh đã khuất, hai người đàn bà và gã đàn ông béo mập cứ nhấp nha nhấp nhổm bên cánh cửa, có khi lại ló đầu vào căn phòng, nơi kê một chiếc bàn và mấy chiếc ghế dựa bọc đệm. Lùi vào bên trong, cửa kính mờ khi nào cũng đóng, đó là phòng sinh số 1. Guốc dép để đầy bên dưới cánh cửa khung nhôm, hỗn độn đủ cỡ kích và màu sắc. Những đôi dép tông của bệnh viện để ngay ngắn ở một bên trên chiếc giá gỗ sơn màu trắng nhạt.
Đồng hồ điện tử trên tường nhích chiếc kim giây thon nhỏ chầm chậm. Bên một chiếc bàn con, người y tá đang nghe điện thoại:
- Vâng, vâng, phòng sinh số 1 đây. Bác sĩ Hải đang ở trong phòng sinh.
Chừng mười lăm phút sau, cánh cửa khung khôm nặng nề hé mở, một người đeo khẩu trang, chắp hai tay có găng cao su màu trắng ngà trước ngực, ánh mắt tươi tắn với một nụ cười chỉ hiện rõ qua khóe mắt vì miệng bị khẩu trang che khuất. Vũ Hải mãn nguyện vặn vòi nước rửa tay tháo găng cao su, đưa tay mở khẩu trang, nói vọng ra phía ngoài:
- Mẹ tròn con vuông nhá. Quý tử nặng ba ký tư!
Người đàn ông béo mập nhảy cẫng lên, ôm vào một người đàn bà đang đứng bên cạnh:
- Đội ơn giời phật. Giời ơi, sung sướng quá, bằng cả trăm cây vàng đấy nhá!
Người đàn bà đưa tay gỡ lão mập, giọng vui mừng không kém:
- Phúc đức cho dòng họ nhà mình!
Vũ Hải bước ra, người đàn bà níu lấy một bên tay áo đầu cứ gật lên gật xuống như một mụ lên đồng:
- Đội ơn bác sĩ. Không có bác sĩ thì phải mổ rồi. Ôi, bác sĩ giỏi quá!
Gã béo mập lại rút ra bao thuốc lá, giọng khúm núm:
- Trưa nay mời bác sĩ đi nhà hàng với em. Tối nay em mời bác sĩ đi lĩnh thưởng. - Giọng gã trở nên hể hả. - Chả là em cược với mấy thằng bạn trên phố. Con gái thì em mất một chầu xả láng, con trai tụi nó mỗi thằng xì ra hai thùng, em út mặc sức!
Vũ Hải châm xong điếu thuốc, bước nhanh xuống nhà mổ bên dãy bên kia. Lòng anh thanh thản, mỉm cười với chính mình một cách kiêu ngạo. Thắng hay thua phiếu thì để làm gì. Nhưng điều anh lấy làm buồn, nếu bác sĩ Luận lên làm trưởng khoa anh phải dưới trướng một người phụ nữ có thể tốt bụng nhưng yếu kém về mặt chuyên môn, sẽ hạn chế sự phát triển của cả khoa, nhất là việc bồi dưỡng chuyên môn cho các bác sĩ trẻ. Về phần mình Vũ Hải tự tin vào khả năng chuyên môn nhưng còn nhiều thiết sót thuộc phạm vi sinh hoạt, nhất là tính cao ngạo làm người khác khó gần. Thôi mặc, trưởng khoa hay không trưởng khoa chẳng để làm gì. Vũ Hải tự nói với mình.
Trời trở lạnh. Gió mùa từng đợt tràn về làm những chiếc lá vàng rụng xuống đầy đường. Mưa lất phất bay. Nước đọng thành vũng. Con đường trải nhựa tráng một lớp bùn non loãng quạch, loét nhoét dưới chân người đi bộ. Trong các bệnh phòng, lò sưởi điện đỏ hồng đặt phía dưới đầu giường. Các cửa sổ đóng kín, từ trong nhìn ra chỉ thấy những cành cây khẳng khiu, trụi lá, đung đưa như những cánh tay gầy guộc múa vờn trước gió. Mưa không nặng hạt nhưng nước vẫn nhỏ tí tách ngoài hiên làm cho không khí ấm cúng trong phòng trở nên loãng đi, lạnh lẽo với cái rét đang xô vào cửa sổ.
Giáo sư Vũ Thịnh bước ra khỏi phòng giao ban đi về phía bệnh phòng. Sau lưng ông là Thảo. Mới mấy ngày ăn ngủ thất thường, đôi mắt cô trũng sâu, da xanh và xạm lại. Cô bận chiếc quần đen đã cũ, một ống xắn lên, ống còn lại lỗ chỗ vết bùn. Chiếc áo lông dài gần đến đầu gối, cách ăn mặc ấy làm cho khuôn mặt cô già đi, choắt lại, lụ khụ như bà cụ non.
- Thưa bác, nhà cháu hôm qua ngồi dậy được, đi dạo qua phòng bên và đánh tam cúc được rồi ạ.
Ông Thịnh không nói gì, nở một nụ cười kín đáo. Trên khuôn mặt ông, những gian truân và khổ đau đã làm cho những vết nhăn sâu thêm, chằng chịt mỗi khi ông biểu lộ cảm xúc. Tóc ông bạc trắng, những sợi xanh còn lại quá ít ỏi, không giấu được tuổi già mỗi ngày mỗi sán lại gần ông.
Ông theo Thảo vào phòng bệnh. Những người nằm trên giường, dù bệnh nặng vẫn cố biểu hiện sự chào đón bằng những nụ cười yếu ớt hay một động tác xê dịch tấm thân còm cõi, cố gắng ngồi dậy, hướng đôi mắt mệt mỏi về phía ông. Đầu giường Bút, chồng Thảo, trên tủ bupphê, một hộp sữa ăn dở bỏ trên một chiếc đĩa nhỏ có một ít nước để tránh kiến. Phích nước và mấy chiếc cốc bên cạnh một chiếc cặp lồng nhôm đã cũ.
Toán sinh viên thực tập đã đứng quanh giường bệnh. Những chiếc áo blouse trắng, những chiếc mũ trắng dưới mái tóc xanh, khuôn mặt non tơ bên cạnh giáo sư Vũ Thịnh tạo nên một hình ảnh tương phản giữa hai thế hệ. Giáo sư Vũ Thịnh cất tiếng hỏi, trong khi tay ông vẫn cầm tay người bệnh bắt mạch:
- Ngủ được chứ, cháu? Đêm qua có mơ thấy gì không?
- Thưa giáo sư, khá lắm rồi ạ. Người bệnh cười.
Giáo sư Thịnh hướng mắt về phía sinh viên:
- Bệnh nhân này ai phụ trách nhỉ?
- Thưa thầy, em ạ.
Một cô sinh viên trẻ, hơi lùn, khuôn mặt bụ bẫm, dáng vẻ rụt rè đang ôm một tập bệnh án trên tay. Cô giở bệnh án, khe khẽ đọc:
- Bệnh nhân tên là Triệu Văn Bút, bốn nhăm tuổi, làm ruộng. Vào viện ngày... với dấu hiệu đau tức vùng gan, chán ăn, kém ngủ. Điều trị ở bệnh viện tỉnh một tháng không đỡ, các triệu chứng ngày một tăng lên, ăn không tiêu, đặc biệt đau tức vùng hạ sườn phải...
Cô đọc một hơi không nghỉ, trán lấm tấm mồ hôi. Giáo sư Thịnh bảo cô ngừng lại:
- Tóm tắt thôi. Cận lâm sàng có những gì rồi. Siêu âm, xét nghiệm?
- Thưa thầy, siêu âm có một khối u nằm ở thùy giữa, đường kính khoảng 3 cm. Giải phẫu bệnh cho thấy có hình ảnh của những tế bào nhân quái. Nội soi, nhu mô gan phía ngoài không bình thường ạ. Chẩn đoán xác định: ung thư gan tiên phát.
- Cô tóm tắt quá trình điều trị.
- Bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp bơm alcol ethylic vào khối u, kèm theo các loại thuốc nâng đỡ gan.
Giáo sư Vũ Thịnh bỏ kính đeo mắt, cầm tay, bắt đầu giảng:
- Ngoài những nguyên nhân gây ung thư gan tiên phát mà sách vở đã viết, các anh chị đã học, một nguyên nhân nữa mà gần đây được các tác giả hết sức lưu ý, đó là ung thư gan do hậu quả của chất độc da cam mà Mỹ đã thả ở Việt Nam. Thế chị cho tôi biết, bệnh nhân có ở vùng Mỹ thả chất độc không?
- Thưa thầy, bệnh nhân ở Nam Hà chuyển lên.
Thảo đứng phía sau, rẽ hai tà áo trắng hai bên, bước vào gần chồng, trả lời hộ:
- Nhà cháu đi bộ đội năm mười tám tuổi. Hai năm giữ kho ở rừng Trường Sơn giáp Campuchia ạ.
Giáo sư Vũ Thịnh lại đeo kính vào, gật đầu làm rung những sợi tóc bạc trắng trên trán:
- Đấy, có cơ sở rồi nhé. Tất nhiên, để kết luận trường hợp này có phải do dioxin gây nên hay không, chúng ta phải nghiên cứu thêm. Những bệnh nhân lớn tuổi đến đây thường có một tiền sử đã ở Trường Sơn.
Ngừng lại một lát, ông cúi xuống nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vùng gan của người bệnh, ấn nhẹ theo bờ sườn. Một tay ông gõ lên ngón giữa của bàn tay đang đặt trước vùng gan, tạo thành những âm thanh đùng đục, khô khốc. Ông kéo vạt áo che bụng người bệnh, chậm rãi nói:
- Chúng ta đang áp dụng điều trị ung thư gan tiên phát theo phương pháp của một tác giả Nhật Bản, phương pháp của giáo sư Kyoichi Haramatsu, bơm nước sôi hay cồn elthylic tuyệt đối trực tiếp vào khối u. Tôi lưu ý các anh chị, phương pháp chỉ được tiến hành với sự hỗ trợ của siêu âm và với chỉ định khối u từ 3 đến 5cm. Trên 5cm phải cắt bỏ. Dĩ nhiên, khối u quá to thì không có chỉ định gì nữa ngoài cắt bỏ.
Một sinh viên nam đứng sau lưng giáo sư lớn tiếng hỏi:
- Thưa thầy, nếu không có siêu âm có làm được không ạ?
- Đó là vấn đề. Giáo sư Thịnh trả lời. Vấn đề là tay nghề và thiết bị. ở bệnh viện tỉnh, có siêu âm rồi, nếu không giải phóng kỹ thuật từ trung ương về cho tỉnh thì kỹ thuật hiện đại vẫn cứ xa lạ. Đấy anh xem, ba mươi năm về trước, mổ tim chỉ làm được ở Việt Đức. Nay thì nhiều tỉnh cũng làm được. Vấn đề mấu chốt là giải phóng kỹ thuật.
Giáo sư Thịnh tiếp tục giảng giải trong khi trên sổ tay thực tập của sinh viên, những dòng chữ li ti như kiến đen, bò kín trang giấy. Ông Thịnh kết thúc giờ giảng lâm sàng bằng cái vuốt rất nhẹ lên mái tóc sau lưng của Thảo:
- Không được bàn lùi đâu nhé. Phải yên tâm điều trị. Có khó khăn cứ bảo với bác.
- Vâng ạ. Thảo trả lời rất nhỏ.
Giáo sư Thịnh dừng lại bên hành lang, ngước mắt nhìn những bông hồng đang dầm mình trong mưa lạnh. Gần như đã thành thói quen, sau khi bước từ trong phòng bệnh ra, ông thích dừng lại ít phút trước hành lang để ngắm vườn hoa nhỏ trước mặt như ngắm một bức tranh thiên nhiên. Sự thay đổi của bức tranh ấy không nhiều lắm. Có chăng, mùa hè, hoa rực rỡ hơn, cành lá xum xuê hơn, mùa thu có những chiếc lá vàng rơi đầy gốc, mùa đông hoa cỏ có phần tàn tạ như ngủ một giấc để hút nhựa nuôi mầm chờ đến mùa xuân. Bức tranh ấy đã thân thuộc với ông từ hơn bốn mươi năm nay, từ khi ông còn là sinh viên nội trú.
Hai cô sinh viên trẻ bước lại bên ông, nở nụ cười vừa đượm vẻ kính phục vừa có chút rụt rè. Một cô cất tiếng hỏi:
- Thưa thầy, cho phép em hỏi câu này ngoài nội dung bài giảng.
- Vâng, chị cứ hỏi.
Cô gái hơi ngượng, mặt đỏ bừng, đầu hơi cúi xuống. Bao giờ ông cũng gọi sinh viên là anh chị. Cách xưng hô ấy có gì hơi xa lạ với học sinh phổ thông mới vào đại học nhưng là một thói quen ông không bỏ được. Cách xưng hô tôn trọng người nói chuyện với mình nhưng tạo nên một khoảng cách, đôi khi trở thành khách sáo và nhạt nhẽo. Với giáo sư Thịnh, cách xưng hô đó chỉ là một thói quen và khi một ai đó đã từng sống, từng làm việc với ông mới thấy hết vẻ chân thành trong cách xưng hô ấy.
- Em xin hỏi thầy, vâng... - Vẫn giọng cô sinh viên trẻ, giọng cô rụt rè, cố gắng nói điều mình muốn nói. - Vì sao... thầy không mở... phòng mạch tư ạ?
Nói xong câu ấy, cô úp mặt núp sau lưng người bạn, hé ra một con mắt qua kẽ vai, chờ câu trả lời của giáo sư.
Giáo sư Thịnh chợt hiểu, cười độ lượng:
- Thế mới thành xã hội. - Ông ngừng lại rồi nói tiếp. - Có người thích làm tư có người không. Ngay cùng lứa tuổi với tôi cũng có mấy giáo sư mở phòng mạch tư hay đứng tên cho người khác mở. Điều đó không có gì sai cả. Nhưng...
Giọng ông ngập ngừng. Cô sinh viên nói chen ngay giữa câu ông đang định nói:
- Thưa thầy, em xin lỗi. Là vì hè vừa rồi em vào thành phố Hồ Chí Minh, em được biết các thầy trong đó ai cũng mở cả, ai cũng giàu có, ai cũng đi xe hơi.
- Mỗi người có một nhu cầu. - Giọng ông tự nhiên trầm xuống, khuôn mặt trở nên nghiêm nghị. Đôi mắt ông biểu lộ vẻ xúc động. - Tôi... Tôi không làm thế được. Các anh chị học lịch sử y học, hẳn còn nhớ Hippocrate chứ.
- Nhớ chứ ạ, cụ tổ của y học phương Tây. Hai cô giành nhau trả lời.
- Thế hai chị có biết lời thề Hippocrate không?
- Thưa thầy, chỉ nghe loáng thoáng.
- Đấy, hơn bốn mươi năm về trước, khi khóa chúng tôi ra trường, dạo đó hòa bình chưa lập lại, còn các giáo sư người Pháp. Sinh viên trường thuốc ra trường mặc áo choàng thụng bằng nhung đỏ, đầu đội mũ màu đen có những tua vàng y hệt như bây giờ. Chúng tôi đã đọc lời thề trước tượng Hippocrate, trong đó có đoạn: Không coi ngành y là nghề kiếm sống thông thường, không coi ngành y là thương mại.
Giọng ông xúc động và hơi lắng xuống. Ngừng một lát, ông lại tiếp:
- Chính vì phải giữ lời thề ấy, cũng là lời thề tôi tự hứa với mình mà tôi không mở phòng mạch. Nhà tôi có thể có bệnh nhân nhưng những người đó tôi khám từ thiện.
Hai cô sinh viên trẻ nhìn nhau như vừa khám phá ra một điều gì bí ẩn ở người thầy đáng kính. Ông cười đôn hậu:
- Thế hai chị ra trường có mở phòng mạch không?
- Thưa thầy, khó nói đấy ạ. Chúng em đi sau thầy gần nửa thế kỷ lại đang sống trong thời buổi kinh tế thị trường. Em nghĩ làm sao giữ được y đức. Và có làm thêm chút đỉnh cũng phải xuất phát từ lòng yêu thương người bệnh mà làm.
Cô bạn chen vào:
- Chứ không cắt cổ người bệnh chứ? Hả cô bác sĩ tương lai?
- Im nào, đồ quỷ. - Cô sẵng giọng hất tay bạn khỏi tay mình. - Thưa thầy, bệnh nhân người ta cũng tinh lắm. Họ không dại gì đưa tiền cho thầy thuốc mà tiền mất tật mang. Đã mất tiền, họ chọn thầy thuốc giỏi.
- Thưa thầy, thầy cứ mở đi, em làm thư ký cho. Em đảm bảo thầy mà mở thì khách chật nhà.
- Được, được, thế chị cho tôi hỏa táng tượng Hippocrate ở nhà tôi đi đã nhé.
Cả ba thầy trò cùng cười, bước đi giữa hành lang đầy người qua lại.