Ngày 15/5/1996, Tổng thống Boris Eltsin đã ký một sắc lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga cho 5 cựu chiến binh của Cơ quan Tình báo đối ngoại vì những công lao xuất sắc trong việc đảm bảo an ninh cho Tổ quốc: Leonid Kvasnikov, Anatoli Yashkov, Leotine Cohen (cả 3 đều được truy tặng vì đã qua đời), Aleksander Feklisov và Vladimir Barkovski.
Tất cả những cựu chiến binh tình báo này đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc khai thác các thông tin tình báo về việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục đích quân sự, giúp Liên Xô chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh đã nhanh chóng xóa bỏ vị thế độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực này. Trong số những anh hùng kể trên, Vladimir Barkovski có lẽ là người ít được công chúng biết đến nhất.
Khởi đầu sự nghiệp tình báo
Vladimir Borisovic Barkovski sinh ngày 16/10/1913 tại thành phố Belgorod trong gia đình của một viên chức. Do cha mẹ mất sớm, nên ngay từ năm 12 tuổi, Barkovski đã phải tự mình lao động để kiếm sống. Đầu tiên, cậu bé khéo tay này học được nghề mộc, trước khi được một chuyên gia thiết kế giao cho việc chế tạo một số chi tiết cho loại tàu lượn mới của ông ta. Chính từ thời điểm này, Barkovski đã làm quen với ngành hàng không, để từ đó trở thành một thú vui say mê trong suốt cuộc đời sau này của ông.
Tốt nghiệp phổ thông, Barkovski còn làm nhiều nghề khác như thợ máy và thợ cơ khí. Năm 1934, ông trở thành sinh viên Đại học Chế tạo máy và Thiết bị Moskva. Trong thời gian này, Barkovski sinh hoạt tại câu lạc bộ hàng không về tàu lượn và nhảy dù. Cho đến gần cuối khóa học, ông đã nung nấu ý định trở thành một phi công quân sự. Tuy nhiên, cuộc đời lại đưa Barkovski sang một ngả rẽ hoàn toàn khác.
Mùa xuân năm 1939, không lâu trước khi bảo vệ luận án tốt nghiệp, Bí thư Đoàn thanh niên gọi Barkovski và được hướng dẫn lên gặp cơ quan cấp trên tại quảng trường trung tâm thành phố. Tại đây, Barkovski cùng gần 100 sinh viên sắp tốt nghiệp tại nhiều trường đại học ở Moskva đã được phỏng vấn tại một vài ủy ban khác nhau, cũng như điền vào một số tờ phiếu thăm dò. Ngay khi đó, Barkovski cùng với những người được chọn không hề biết rằng, họ đã được Cơ quan an ninh quốc gia lựa chọn để phục vụ cho những sứ mạng quan trọng vì đất nước.
Chuyến công tác đầu tiên tới Anh
Đầu năm 1940, Trung úy Barkovski (vừa tốt nghiệp sau một năm huấn luyện nghiệp vụ) được điều về Cơ quan tình báo trung ương, nơi ông được giao làm quen với các tài liệu về nước Anh, cũng như chuẩn bị một số tài liệu nghiệp vụ khác. Đến cuối năm, ông được chỉ huy tình báo đối ngoại Pavel Fitin gọi lên giao nhiệm vụ chuẩn bị sang Anh công tác, nơi điệp viên trẻ này được chỉ thị phải thu thập những thông tin quan trọng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của Barkovski và đồng đội là tìm cách móc nối liên lạc lại với các nguồn tin của những người tiền nhiệm, trong số này có cả nhóm "Bộ ngũ Cambridge" nổi tiếng. Cũng vì tính chất khẩn trương của nhiệm vụ, điệp viên Dan (mật danh của Barkovski) đã có cuộc tiếp xúc nghiệp vụ đầu tiên với nguồn tin chỉ sau một tuần tới London. Tính tổng cộng, Dan được giao nhiệm vụ phải bảo đảm liên lạc với 20 nguồn tin khác nhau, nhiều cuộc gặp phải diễn ra ngay dưới những trận ném bom của phát xít Đức.
Sau khi phát xít Đức tấn công vào Liên Xô, bộ phận tình báo tại Anh nhận được chỉ thị phải chuyển hướng tập trung khai thác các thông tin về quân sự, bằng mọi giá phải hỗ trợ được Hồng quân trong cuộc chiến với kẻ thù. Yêu cầu hàng đầu chính là những thông tin về phát xít Đức và về những quốc gia đang bị chúng chiếm đóng. Mối quan tâm tiếp theo không kém phần quan trọng của Moskva chính là những kế hoạch thực tế của Chính phủ Anh có liên quan tới Liên Xô, cụ thể là mức độ thành thực trong tuyên bố của Winston Churchill về việc hợp tác quân sự với Moskva. Tiếp đó là quan hệ Washington-London về các vấn đề quốc tế cơ bản, tiếp xúc của Chính phủ Anh với các Chính phủ lưu vong của Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư v.v...
Với nhiệm vụ ngày một nặng nề hơn như vậy, trung ương đã phải bổ sung thêm 4 điệp viên nữa cho London, nhờ đó đến cuối năm 1941, tình báo Xôviết đã có một mạng lưới điệp viên hoạt động rất hiệu quả tại Anh. Bản thân Barkovski vẫn không quên nhiệm vụ ban đầu của mình về tình báo kỹ thuật. Nhờ mạng lưới các nguồn tin của ông trong lĩnh vực này, Moskva vẫn thường xuyên nhận được những thông tin có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao khả năng quốc phòng: tài liệu về vô tuyến định vị, về động cơ phản lực và các xu hướng phát triển của các phương tiện khoa học kỹ thuật quân sự v.v... Tuy nhiên, thông tin quan trọng nhất của điệp viên Dan trong lĩnh vực này vẫn là hoạt động nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử.
Mắt xích quan trọng trong dự án Enormous
Từ tháng 10/1941, chi nhánh tại London đã thông báo với Moskva về những nỗ lực đầu tiên của người Anh trong việc nghiên cứu bom nguyên tử. Đầu tiên là nguồn tin John Cairncross (trong Bộ ngũ Cambridge) cung cấp những tài liệu về tham vọng của Chính phủ Anh nghiên cứu chế tạo một loại bom có sức hủy diệt cực kỳ lớn. Trực tiếp đảm đương nhiệm vụ này là một nhóm khoa học của Anh do nhà vật lý George Thompson đứng đầu. Trong các báo cáo được Cairncross chuyển giao, còn có các tài liệu về công nghệ sản xuất uranium-235, về thiết kế loại đầu nổ dùng cho bom nguyên tử v.v...
Do những tài liệu hết sức quan trọng này có rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật khiến những người bình thường rất khó hiểu, Barkovski được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích trước khi tổng hợp thành báo cáo mới để gửi về trung tâm theo đường điện đàm. Những thông tin về dự án Enormous kiểu trên - đó là mật danh của tình báo Xôviết về dự án phối hợp chế tạo bom nguyên tử của Mỹ và Anh - thường xuyên và rất nhanh chóng được gửi lên giới lãnh đạo cao cấp nhất tại Moskva.
Những kiến thức sâu rộng hơn trong lĩnh vực hạt nhân đã được Barkovski tình cờ lĩnh hội sau khi được giao nhiệm vụ liên lạc với nguồn tin H, người khi đó đang tham gia trực tiếp trong dự án bom nguyên tử của Anh. Ngay trong cuộc gặp đầu tiên, nguồn tin này đã nhiệt tình giải thích cho ông một loạt những khái niệm quan trọng về phản ứng hạt nhân cùng nhiều thuật ngữ khác.
Để tiện lợi và nhanh chóng cho việc liên lạc, nguồn tin này đã yêu cầu Barkovski phải tìm được cuốn sách "Vật lý hạt nhân ứng dụng" của Mỹ để nghiên cứu. Thế là Barkovski một lần nữa trở thành sinh viên bất đắc dĩ, ngoài hoạt động nghiệp vụ, ông lại miệt mài nghiên cứu nội dung cuốn sách. Nhờ đó, Barkovski về sau đã có thể nhanh chóng dễ dàng nói chuyện và lĩnh hội từ nguồn tin của mình về các vấn đề hạt nhân phức tạp.
Cho đến cuối nhiệm kỳ công tác tại London, Barkovski đã xây dựng được một mạng lưới tình báo kỹ thuật rộng khắp, giúp ông thu thập được không chỉ thông tin về vấn đề hạt nhân, mà còn về nhiều chủ đề mới mẻ của khoa học thời đó như vô tuyến định vị, máy bay phản lực, hóa học, chế tạo máy v.v... thời gian này ông đã được thưởng huân chương.
Những năm tháng hoạt động tại quê nhà
Vladimir Barkovski trở về Moskva vào năm 1946 và đảm nhận một vai trò lãnh đạo trong bộ phận tình báo khoa học kỹ thuật. Đến năm 1954, ông lại đứng đầu nhiều sứ mạng của tình báo đối ngoại trong các chuyến công tác tới Mỹ và các nước Tây Âu. Từ năm 1956 đến 1960, ông là điệp viên cao cấp của Tổng cục I KGB tại Mỹ.
Trong những năm cuối cùng của sự nghiệp, Barkovski tập trung vào công tác giảng dạy chuyên môn nghiệp vụ, là giáo sư của Học viện Cờ Đỏ của KGB (ngày nay là Học viện Tình báo đối ngoại). Ông còn là tiến sĩ khoa học, tác giả của nhiều công trình khoa học về vấn đề hoạt động tình báo. Năm 1984, Barkovski nghỉ hưu, nhưng vẫn tích cực hỗ trợ trong việc huấn luyện cho lớp tình báo trẻ.
Nhờ những thành tích đặc biệt xuất sắc của mình, Đại tá tình báo Barkovski đã được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ, 3 Huân chương Lao động, Huân chương Vệ quốc hạng Hai v.v... Vladimir Barkovski qua đời vào ngày 21/7/2003, khi chỉ còn 3 tháng nữa là ông tròn 90 tuổi
Thái Quân (tổng hợp)